Chương 11

    
au buổi học thứ bảy, Spartar Galuschian thông báo rằng ngày mai tất cả sinh viên năm thứ ba sẽ đi lao động xã hội chủ nghĩa - đặt đường ống dẫn hơi đốt ở ngoại ô Moskva. Chín giờ sáng ngày mai tất cả sẽ tập trung tại trường và sẽ hành quân từ đó đến công trường. Ba người được chỉ định làm đội trưởng là Lagodenko, Vadim và Gortxev. Spartar nói đùa! “Chúng mình chỉ định Lagodenko vì cậu ấy có gân có cốt, Senya Gortxev vì cậu ấy cẩn thận, còn với cậu, Vadim ạ, cậu có cả hai mặt ấy cộng lại”.
Vadim đến ký túc xá lúc tám rưỡi. Theo lệnh chung phải mặc quần áo lao động, Vadim mặc bộ quân phục của mình, có đủ giày ủng và áo bông chần màu xanh xám.
Đến sân, anh trông thấy Lagodenko và Vinkin đang tập thể dục sáng. Trời lạnh mà hai người vẫn mặc may ô và chạy hàng một vòng quanh sân. Lagodenko chạy trước, Vinkin chạy sau. Mặt trời chưa lên và trong ánh nắng nhạt màu xanh ban mai những cánh tay trần của hai người trông ngăm ngăm và gân guốc. Cả hai ngồi xuống, đứng lên, cúi gập người xuống và Lagodenko bảo Vinkin:
- Chú ý, động tác thở! Một - hít vào… hiểu chưa? Một - hít vào…
Ở trong phòng, dưới ánh điện, Vadim trông thấy chàng Vinkin khốn khổ đã rét cóng, người nổi gai ốc.
- Xem Vinkin này, cậu làm anh chàng chết rét rồi đấy! Trông thế này không còn ra anh chàng biên tập viên nữa, mà như là cây sấy ấy!
- Đâu có, mình vẫn thấy khỏe đấy chứ! - Vinkin nói lạc cả giọng, hai môi tái mét lập bập.
- Không hề gì, thế mới tốt, - Lagodenko ầm ừ trong miệng. - Mình sẽ biến chàng thư sinh này thành lực sĩ cử tạ cho mà xem.
Vinkin mặc vội quần áo, còn Lagodenko vẫn mặc áo may ô đi đi lại lại hồi lâu, vừa đi vừa co duỗi những bắp cơ căng mập và biểu diễn cho Vadim xem mấy động tác khác nhau. Lúc lau mặt, anh vươn tay căng bắp cầm cái khăn mặt, hệt như người nâng quả tạ bốn chục cân vậy.
- Ê, các thủ trưởng, lấy máy ảnh chứ? - Lesik hỏi.
- Lấy đi, lấy đi! Các cậu mau lên đấy, - Vadim nói và nhìn đồng hồ. - Các bạn gái xong cả chưa?
- Các bạn gái ấy à? Xong cả rồi!
Ngoài hành lang vọng vào tiếng nói cười ầm ĩ của anh em ở ký túc xá vừa trở dậy: tiếng đập cửa, tiếng giày dép, tiếng chân chạy, tiếng bát đĩa. Lagodenko cất cao giọng trầm trầm, khàn khàn buổi sáng nhại một bài hát vui của thủy thủ:
Dậy đi thôi anh bạn.
Ấm nước đã sôi rồi.
Ta sưởi cho cái bụng.
Ấm nước đã sôi rồi…
Chỉ còn mình Rasit nằm đắp chăn và giương đôi mắt đen lờ đờ sau giấc ngủ đêm nhìn các bạn. Năm thứ nhất không phải đi lao động. Khi mọi người đã tập trung đầy đủ và ra khỏi phòng, Rasit bỗng nhảy xuống đất.
- Cho mình đi với! - anh chàng kêu lên. - Ngồi một mình ở nhà làm gì? Mình sẽ đi với các cậu!
- Thế thì mau lên. - Vadim nói, - Chúng mình đến trường đây!.
Ra đến sân, các bạn gái cùng nhập bọn và tất cả cùng đến trường. Lúc này trời đã sáng rõ, trên những mái nhà đã thấy lơ lửng ông mặt trời mù mù nặng nề hắt những chùm sáng màu vàng vào các cửa sổ, lên những cột điện và những xe ô-tô. Những ngôi nhà phía xa chìm trong sương và phố xá trông như kéo dài đến vô tận.
Đến chín giờ sáng cả khối sinh viên độ một trăm rưởi người đã tập trung trước khu nhà của trường. Hôm nay Spartar bận công tác ở quận Đoàn. Quyền lãnh đạo tối cao do một mình Levtsuc đảm nhiệm. Ngoài ra còn vẳng Sergei Palavin, từ hôm qua anh nói rằng anh không tham gia lao động được vì phải viết cho xong bản đề cương báo cáo để trình bày trước Hội khoa học sinh viên vào thứ hai. Lý do ấy hiển nhiên là chính đáng!
Mọi người còn đợi các bạn đền muộn khoảng mười lăm phút, rồi mới khởi hành. Từ đấy đến chỗ lao động họ kéo nhau đi bộ thành một hàng dài suốt cả dãy phố. Các bạn trai cười đùa ầm ĩ, còn các bạn gái thì hát. Lesik thỉnh thoảng lại chạy ra ngoài hàng đưa chiếc máy ảnh “FED“ lên mắt bấm lấy những cảnh đẹp.
Vadim sốt ruột chờ bắt tay vào việc và trong thâm tâm anh mong muốn cùng toàn đội mình làm một buổi thật xuất sắc. Từ lâu anh rất buồn nhớ những việc lao động chân tay. Anh thèm được lao động, thứ lao động say sưa, cật lực, đến vã mồ hôi. Gần đây anh toàn ngồi lì với sách là sách. Tất nhiên, đó cũng là nỗi sốt ruột chung cửa Lagodenko, của Remescov và cả Xasa Levtsuc đang khập khiễng bước thoăn thoắt trước mọi người và không muốn tụt lại phía sau, những người bạn khác của anh cũng thế, họ đi thành một hàng người trên những đường phố ban mai vào một ngày nghỉ để đến nơi lao động mà hệt như đi trẩy hội, hệt như đi ra ngoại thành tham quan vào ngày chủ nhật và cái cảm giác của một khối người vui tươi, thân ái, gắn bó với nhau bởi một niềm mong ước duy nhất, và cũng vì thế mà trở thành một niềm mong ước tự nhiên giản dị đối với mọi người - đó là được lao động - cảm giác đó thật là vui sướng và làm cho mỗi người tràn đầy sinh lực. Vadim biết rằng không phải bất kỳ ai đi lao động cũng thoải mái như nhau, một số người phải bỏ việc riêng, một số người lỡ một cuộc hẹn hò từ lâu mới có hoặc phải bỏ những thú vui ngày nghỉ, một số người khác nữa thì chỉ vì có tính lười nhác thích nằm khểnh - tuy nhiên giờ đây tất cả đều cười đùa, đều thấy thực sự hài lòng vì đã thắng được một nét hèn nhát thoáng gợn, một giọng cằn nhằn thì thầm bên tai họ buổi sáng hôm nay: “Thế chẳng lẽ vắng mình thì mọi người không làm được hay sao? Đây là việc làm tự nguyện, suy cho cùng…”.
Lena đi giữa các bạn gái đang kéo dây ở giữa hàng người. Không hiểu vì sao Vadim rất thích ngắm Lena mặc chiếc áo bông giản dị, đầu trùm khăn mỏng, tay mang đôi găng đa cỡ to, chắc hẳn là của ông bố, mà gặp ai cô cũng vừa khoe vừa cười khanh khách. Bỗng nhiên Lena chạy đến chỗ anh!
- Anh Vadim, hoá ra anh lại phụ trách chúng em à? - cô vui vẻ hỏi.
- Đúng rồi! Anh chả đang thúc bọn các em là gì đấy!
- Đâu có, mà em cũng vừa biết đấy chứ, anh Vadim! - Cô níu cánh tay anh, rồi dịu dàng, nhưng cương quyết lôi anh ra xa hàng người đang đi. - Anh biết không… anh là đội trưởng thì tuyệt rồi!
- Sao lại thế? - Vadim mỉm cười hỏi. - Em muốn hạ chỉ tiêu chăng?
Lena nghiêm mặt lắc đầu:
- Không phải thế, anh biết không, hôm qua em bị lạnh cổ, nếu hôm nay đứng lâu ngoài trời, em sẽ bị cảm lạnh mất. Mà như thế thì em còn hát thế nào được? Tuần này chúng em phải tổng duyệt văn nghệ chuẩn bị đón Năm Mới rồi, với lại nói chung thầy dạy nhạc của em đã cấm… Thậm chí em cũng không biết làm thế nào…
Vadim đi bên cạnh cô, đầu cúi dần xuồng.
- Thế thì sao? - anh hỏi.
- Em đào đất nửa tiếng, rồi bỏ về thì khó coi qua, anh Vadim nhỉ! Như Thế em thấy rất khó xử! Thôi, tốt nhất là em chuồn luôn bây giờ nhé, lẳng lặng thôi…
Anh đứng sững lại vì câu nói đột ngột đó và im lặng một giây nhìn đôi mắt sáng long lanh với hai hàng lông mi màu tro, đang nheo cười ngây thơ của cô. Hai hàng lông mi bắt đầu chớp chớp, hạ thấp xuống che lấp một phần đôi mắt, và Lena đỏ mặt lên.
- Sao anh im lặng thế? - cô hỏi với vẻ ngạc nhiên mà Vadim thấy như dối trá. - Ngõ nhà em đây rồi. Em chuồn nhé, được không, anh Vadim?
- Thôi được, - Vadim nói.
- Em không cho ai biết đâu…
- Ờ, ờ…
Lena bỏ tay anh ra, nhưng rồi lại đứng sát vào anh thì thầm?
- Chiều tối, lao động xong, anh đến em nhé! Đằng nào anh cũng phải qua đấy. Ôi, em thấy rét quá! Thế nhé, anh Vadim, anh đến thật chứ?
Vadim gật đầu. Lena đi về phía sau, mấy phút sau anh nghe thấy tiếng Nina Fonika:
- Lena, chúng mình phải đi thẳng đằng này kia mà, cậu đi đâu đấy?
Anh lại nghe thấy tiếng Lena đáp:
- Mình bị đau họng các cậu ạ! Mình đã xin phép Belov và Levtsuc rồi! Mình sợ cho cái họng quá đi mất!
Trong đám các bạn gái có người thông cảm:
- Phải đấy, Lena ạ, cậu phải giữ gìn mới được, kẻo Năm Mới không hát được đâu Á.
Vadim không quay lại. Anh bỗng cảm thấy bứt rứt, thấy xấu hổ như chính anh làm một việc tồi tệ. Anh cố rảo bước, mắt không dám nhìn về phía sau, sợ bắt gặp Nina Fonika, Raya, sợ bắt gặp Galia Mamonova gầy gò có đôi bàn tay nhỏ nhắn như tay con nít, và các bạn khác, những người có thể là đã hiểu hết toàn bộ vấn đề và giờ đây đang thầm thì với nhau những điều anh nghe không rõ. Anh cảm thấy mọi người đang nhìn vào lưng anh và hiểu rõ lý do vì sao anh không dám quay lại.
Công trường nằm trên một đường phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, do một sự may rủi nào đó mà còn sốt lại ở khu ngoại ô cũ. Bốn mươi năm trước, đây là nơi cư ngụ của những gia đình quý tộc sa sút, những người buôn thúng bán bưng và những thợ thủ công nghèo. Dưới chính quyền Xô-viết, nơi đây đã mọc lên những nhà máy lớn, phố cũ được dọn lại gọn ghẽ và được nắn thẳng, nhiều phố mới ra đời. Thành phố Moskva cứ vươn dài ra phía Tây, phía ấy người ta gọi là Moskva mới: ở đó có những nhà cao tầng, những cửa hàng lớn, những vườn hoa, quảng trường. Từ trung tâm ra đó đi xe điện ngầm hoặc xe buýt cũng mất chừng mươi phút. Và phần Moskva này, tuy gọi là ngoại ô, nhưng chẳng giống ngoại ô tí nào, nói đúng hơn, nếu gọi là ngoại ô thì chỉ nên hiểu đó là những phố nhỏ vòng vèo nằm sót lại giữa những khu phố mới, mặc dù những phố này nắm gần trung tâm hơn và hiện đang hình thành nên hạt nhân của thành phố. Thành phố Moskva phát triển một cách thần tốc, nó nhảy qua những giới hạn cũ không phải chỉ về hướng Tây, mà về cả bốn phía và sự xen kẽ mới cũ kỳ lạ ấy có thể thấy được ở bất kỳ vùng ngoại ô nào.
Ở Moskva hàng năm khái niệm “khu tiện nghi” vẫn cứ thay đổi. Nếu như mười lăm năm trước khu Arbat được coi là khu tiện nghi, thì năm năm sau đó khu “đường Leningrad“ cũng đầy đủ tiện nghi không kém, và năm năm sau nữa lại đến khu “đường Mozaisk”, khu “Bolsaya Polyanka“ và khu “Kashaya”, sau chiến tranh bao nhiêu đường phố khác cũng có đủ cơ sở để cạnh tranh với Arbat và cũng được gọi là “khu tiện nghi”. Cả Moskva dần dần trở thành “khu tiện nghi”. Ngoại ô dần dần mất đi, vì thực ra trung tâm cũng dần dần biến mất. Quả vậy, trung tâm Moskva bây giờ chỉ được xác định về mặt địa lý và chỉ có tính chất tượng trưng, căn cứ vào điện Kreml và Quảng trường Đỏ - đó là vì những tiện nghi thành phố và tiện nghi công cộng mà trước đây gắn liền với khái niệm “trung tâm“ như hơi đốt, điện thoại gia đình, cửa hàng bách hoá tổng hợp, nhà hát, rạp chiếu bóng, phương tiện giao thông, tất cả bây giờ đã trở thành tài sản của cả hai mươi lăm “khu tiện nghi“ của Moskva.
Khu phố mà sinh viên sắp đến lao động cũng nằm trong số các khu phố sắp phải thủ tiêu. Ở đây đã có một con đường giao thông lớn, mà chu tuyến của nó đã được vạch rõ bằng những ngôi nhà bị phá đổ, bằng hàng rào những công trường xây dựng bao quanh những tầng nhà mới với những bức tường gạch trắng và gạch đỏ…
Trước khi trải bê tông và nhựa đường cần phải đặt đường ống hơi đốt. Những đoạn ống đen nặng nề đã nằm sẵn dưới hào và đoàn sinh viên chỉ còn việc lấp đất. Chỉ huy công trường, một người đàn ông gầy gò, chân ngắn, mặc áo khoác da, chân đi giày cao su - đã giải thích rất lâu, rất chi tiết và nhã nhặn cho Levtsuc và các đội trưởng nghe về nội dung công việc. Ông nói giọng khàn khàn, nhỏ nhẹ, cố ghìm giọng lại và gọi tên các dụng cụ lao động bằng một giọng thật là trìu mến.
- Tôi chỉ yêu cầu các đồng chí một điều, - ông ta cất cái giọng khàn khàn, vừa nói vừa búng ngón tay vàng khói thuốc lá, - các đồng chí cứ đắp lên một lượt là phải đầm luôn. Chúng ta phải làm thế, nếu không đất sẽ bị lún. Thôi, chúng ta đi lấy xẻng đi!
Sau khi sinh viên đã nhận xẻng, người chỉ huy đi giao từng khu vực cho từng đội. Trung bình mỗi đầu người phải làm sáu mét khối đất lấy từ những mô đất cao dọc theo tuyến hào.
- Nào, đứng giãn ra, Vadim! - Lagodenko vừa nói vừa nháy mắt đe doạ.
Anh đã bỏ áo ca-pốt ra từ lâu, chỉ còn mặc một chiếc xăng-đay bó sát vai và tay, vì nó là cái áo anh yêu thích nhất. Lesik vẫn còn nhảy nhót trên các mô đất để “nháy” một số kiểu ảnh.
- Bắt đầu làm đi! Cậu nào đội mũ nồi kia, làm gì mà cứ dính lấy đàn bà thế? Cầm lấy xẻng đi, có phải là cậu ở ngoài bãi biển đâu! - Anh giận dữ gắt. - Chú ý! Tôi bấm giờ lao động đây này! Làm hăng lên!. Ê, đừng đứng chắn lối đội trưởng!…
Vadim đi khắp khu vực của mình để nhắc nhở mọi người làm cho cật lực và không làm vướng tay các bạn. Ông mặt trời đồ sộ được bọc trong một đám mây trắng mờ mờ như sương, trông giống như cái lòng đỏ trứng gà nắm giữa đám lòng trắng đã lên cao và chiếu thứ ánh sáng mùa đông nhợt nhạt lên khắp phố phường, nhà cửa. Trời hơi giá rét. Lúc mới làm chưa đủ ấm, nhiều người vẫn còn mặc áo bành tô, nhưng rồi dần dần họ đã cởi bớt áo.
Ông chỉ huy công trường bảo nhóm các bạn gái:
- Này đồng chí, đồng chí cầm xẻng sai rồi, - vừa nói ông vừa ho lục cục… - Phải cầm lùi xuống phía lưỡi kia và đứng né người thế này này…
Ông nhổ nước bọt vào tay và cầm lấy xẻng làm mẫu. Vadim thì ông đã nhắc đến năm lần:
- Tôi yêu cầu phải đầm đất đấy nhé!. Đồng chí không quên chứ? Tôi nhắc lại này: cứ trải một lớp đất là phải đầm ngay.
Mọi người đã làm đều tay. Đất từ hai phía bay rào rào xuống hào, va vào nhau và đập lộp bộp xuống ống sắt. Vadim đã cởi áo bông, anh nhổ nước bọt vào tay và cũng cẩm xẻng. Anh vui sướng cảm thấy cái sức nặng rắn chắc của lớp đất làm cong cả chiếc xẻng, cảm thấy cái hơi ẩm lành lạnh của nó và sức lực hai bàn tay anh đã nâng được khối đất ấy lên một cách thoải mái, nhịp nhàng, tựa hồ như không mất một chút sức nào cả. Anh đứng giạng hai chân, thế chắc nịch và xúc đất xuống hào một hồi lâu không nghỉ. Anh thấy rất thích việc xúc đất. Và anh còn muốn làm thật lâu kỳ đến bao giờ mệt nhoài mới nghỉ. Dòng suy nghĩ của anh có phần đi trệch ta ngoài cái nhịp điệu máy móc của đôi tay và những điều phải lo của người đội trưởng. Cho đến lúc này anh vẫn chưa thể nghiền nát được trong lòng mình cái sạn đắng mà Lena ra đi còn để lại.
Tất cả những điều cô ấy nói về cổ họng, về thầy dạy nhạc và đợt tổng duyệt đều là bịa đặt cả. Bây giờ thì anh thấy rõ đến mức tuyệt đối. Lẽ ra anh không được cho cô ấy nghỉ, hoặc là phải để cho Levtsuc giải quyết mới đúng. Sao anh lại không nghĩ ra nhỉ! Rõ ràng là đáng lẽ phải để cho Levtsuc giải quyết… Có thể cũng chẳng có ai nghĩ ngợi gì đặc biệt về việc anh cho cô ấy nghỉ. Có thể mọi người đã tin lời cô về cái cổ họng đau, có thể là thế. Nhưng cái sạn đắng mà anh không sao nuốt trôi kia cứ xuất hiện không phải vì rằng có người nào nghĩ xấu về anh hoặc về cô ta. Không, không phải cái đó là cái chủ yếu.
Chính anh đã nghĩ xấu về cô. Lần đầu tiên anh nghĩ xấu đến thế và rõ ràng đến thế.
Và để tránh khỏi những ý nghĩ khó chịu về Lena, Vadim quyết định nghĩ đến bản đề cương tóm tắt của mình. Và lúc này anh mới nhớ lại: đã bao lần anh ngồi tay đôi với Lena và hai người nói về đủ mọi chuyện có liên quan, chỉ trừ không nói đền bàn đề cương tóm tắt. Có đôi lần anh vô tình đả động đến chuyện đó, bởi vì đầu óc anh lúc nào cũng nghĩ đến bài vở của mình, nhưng giờ đây anh mới hiểu rằng cô chẳng thú vị gì chuyện đó cả. Đã có lần cô nói: “Vadim, anh chỉ hay ba hoa thôi. Vì sao mà lúc nào anh cũng khơi chuyện về bản đề cương thế”. Và rồi trước mắt cô không bao giờ anh còn đá động đến chuyện đó nữa. Có lẽ sau buổi lao động nên ghé lại chỗ cô để tìm hiểu thêm - có thể cô ốm thật thì sao? Có đường đột không? Không, mặc quần áo bẩn, mặt mũi lấm lem, lại đi ủng mà đến thì không tiện chút nào cái. Và rồi thì… dù sao cũng có thể nghĩ rằng cô ta bị ốm thật. Không, anh sẽ không đến…
Mải mê với những ý nghĩ đó, Vadim không nghe thấy những lời nói bông đùa vui vẻ và tiếng chuyện trò từ bốn phía, không nghe thấy những tiếng cười không dứt, những tiếng tranh cãi sôi nổi của các bạn gái. Đâu đó vang lên tiếng cười khà khà của Lesik!.
- Vinkin, đây là đường ống đẫn hơi đốt, chứ không phải nấm mồ người thân đâu! Và cát, chứ không phải là đường đâu, cứ lấp cho ra lấp, đừng có thương tiếc gì cả!
- Thôi im đi!
- Không, các cậu hãy nhìn đồng chí biên tập viên kia kìa Ôi, thật đến vỡ bụng ra mất thôi!
Rasit đứng làm gần chỗ Vadim. Dừng tay một lát, cậu ta ưỡn thẳng người và dùng xẻng hất đất một cách nhanh mạnh. Rasit kể với Galia:
- Ông nội mình chuyên đào đất. Mỗi người Uzbek là một thợ đấu… Mình đã cầm mai từ năm bảy tuổi… Cậu đã nhìn thấy cái mai chưa? Ồ, nó là một loại xẻng không giống thế này! Người ta làm bằng một mảnh thép, rèn ở trong lò rèn… Cần phải nâng cao qua đầu, sau đó hạ mạnh xuống. Mai rất nặng, tự nó cắm ngập vào đất.
- Chắc là khó làm lắm nhỉ? Đúng không? - Galia hỏi.
- Tất nhiên là khó rồi. Nhưng rồi sẽ quen đi… Mùa hè chúng mình đào kênh… Cậu biết mùa hè ở quê mình thế nào không? Ngoài thảo nguyên nóng như thiêu như đốt! Cứ hắt đất một giờ, lại phải nghi giải lao năm phút, cứ thế suốt cả ngày… Giải lao là lăn ngay xuống đất, nằm nghỉ luôn ở đó, lấy mũ che lên mắt… Sau đó có một em bé mang nước đến… Một cái xô với một cái khăn lau, còn nước thì thế nào cũng đầy bụi, vàng vàng và ấm ấm như nước chè, uống vào thì cát bám đầy răng, phải nhổ phì phì.
- Khiếp thế!
- Có gì mà khiếp? chẳng sao cả, rất vui. Chúng minh ở trong những chiếc lều… Buổi tối thì đi chơi, hát hò, mà thảo nguyên thì bao la… Mà ở đó cái giống urgumsak… rất nhiều…
Nó giống như con nhện, vàng vàng, xù xì, nhảy như thỏ ấy… Loài nhện độc ấy mà, cậu biết không?
- Nhện độc à? Mình nhớ mang máng, - Galia nói. - Chúng mình đã học qua môn động vật học.
- Đúng, nó bò đầy khắp thảo nguyên vì ngửi thấy mùi nhà bếp của bọn mình. Nhìn thấy nó ở đây là chúng mình phải đuổi bằng được và giết chết mới thôi. Còn sau đó thì kết thúc mọi việc - và nước đã về! Nước về cũng từ từ và chúng mình đi theo nó cũng từ từ, rồi cứ hát, và kêu ầm lên mà cũng chẳng biết là kêu gì nữa… Có một cô bé vui tươi, ồ, xinh đẹp nữa! - nhảy xuống, chạy sát trước dòng nước và nhảy múa. Trời, cô ta múa mới tuyệt làm sao - hệt như Tamara Khanum, còn hơn thế nữa ấy!…
Con hào cũng dần dần được lấp đầy, dưới đất, đường ống không còn nhìn rõ nữa. Vadim phân công cho hai bạn dùng đầm để đầm đợt đầu tiên. Từ khu Vực bên cạnh vang lên giọng trầm trầm của Lagodenko: anh ta đang khiển trách một bạn nào đó, rồi lại sôi nổi tranh luận với một người nào khác.
Rõ ràng là anh ta đang muốn là người đầu tiên hoàn thành công việc. Và Vadim hiểu rằng điều đó không chỉ phản ánh một quyết tâm thường ngày của Lagodenko là vươn lên phía trước, mà còn phản ánh nguyện vọng sửa mình sau khi bị kỷ luật khiển trách, và nguyện vọng thực hiện nhiệm vụ của ban thường vụ Đoàn ở mức tốt nhất. Trên tấm biển gỗ gắn ở cửa ngôi nhà hai tầng, xuất hiện một tờ tin thông báo có tính chất chiến đấu đầu tiên đo Vinkin đưa ra. Từ xa Vadim đọc thấy một dòng chữ lớn:
“Đã qua hai giờ làm việc. Khu vực do Belov phụ trách đã bắt đầu đầm lượt đầu tiên. Đội của Gortxev chậm hơn.
Hãy đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, hỡi các đồng chí đoàn viên. Mọi việc cần phải hoàn thành vào đúng bốn giờ!”.
Vadim chia đội của mình ra thành mấy nhóm nhỏ, mỗi nhóm có mười người. Các nhóm của Andrei và Rasit làm tốt hơn các nhóm khác, mặc dù ở hai nhóm đó đa số là các bạn gái. Sau một giờ thì có một đợt giải lao ngắn. Bản thân Vadim đã thấy mệt, nhưng thật lạ là càng mệt anh càng cảm thấy công việc trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng hơn. Không một ai hỏi chuyện anh về.
Lena, và bản thân anh cũng không nghĩ gì đến cô nữa. Vì chưa quen nên anh thấy đau lưng. Bắt đầu thấy nóng bừng. Anh thấy muốn uống nước.
Đội của Vadim đã hoàn thành trước tiên phần công việc của mình vào đúng ba giờ chiều.
- Các cậu có thể ra về được rồi đấy, - Levtsuc nói.
- Thế nào các cậu? - Vadim hỏi các bạn đứng cạnh anh.
- Nên hỗ trợ cho đội Gortxev, - Andrei nói.
- Được đấy, - Lesik gật đầu.
- Nhất định là phải hỗ trợ rồi! - Marina nói. - Không hỗ trợ thì còn ra cái gì nữa?
Một bộ phận của đội Vadim đến hỗ trợ cho khu vực của Gortxev - họ không đi tất cả vì sợ gây vướng cho nhau. Đội của Lagodenko hoàn thành chậm hơn nửa giờ. Lesik đã chụp cả ảnh Lagodenko, nhưng trước đó anh đã chụp Vadim và Levtsuc đang đứng khoác vai nhau. Levtsuc người thấp hơn Vadim, hơn nữa ở chỗ đất mềm rất khó đứng - nên cảnh họ khoác vai nhau cũng không được tự nhiên. Cả hai vẫn cầm xẻng trong tay.
Lesik nói rằng cảnh đó trông buồn quá, cần phải nghĩ ra một cảnh gì đó khác thường kia, phải tìm ra chủ đề, nhưng làm gì có thời gian mà tìm với nghĩ, và họ đã đành phải chụp cảnh vừa rồi vậy.
Vadim hỏi đồng chí chỉ huy công trường xem còn có nhiệm vụ gì có thể giao cho sổ thành viên còn lại của đội anh không.
- Thế thì các đồng chí hãy đầm thêm cho một lượt nữa. - Chỉ huy công trường nói và bổ sung vẻ nhận lỗi. - Hãy đầm chặt hơn, các đồng chí biết đấy - càng chặt càng tốt…
Vadim cử bốn người đi đầm.
- Thế còn Việc gì cho các đồng chí khác nữa không? Khoảng nửa tiếng nữa.
- Nửa tiếng nữa à? Thế thì, thế thì… có ngay đây.
Ông ta lột chiếc mũ có lưỡi trai to tướng ra khỏi đầu, vuốt nhanh đằng sau gáy và nhìn xung quanh.
- Tất nhiên công việc thì có đấy. - Ông nói và thở dài khoan khoái. - Tôi sẽ tìm ra ngay, chờ cho một chút thôi! Thế thì, thế thì… Các đồng chí có nhìn thấy đống đất đổ đầy lên kia không? Ngay đằng sau nó có một chiếc cột nhỏ với hai tấm ván, nhờ các đồng chí chuyển hộ nó đến cạnh hàng rào.
Ở chổ ông ta chỉ, quả thật có “một chiếc cột nhỏ với hai tấm ván” - đó là một cây cột sắt to tướng hàn chặt vào với những đoạn đường goòng, Phải mười người mới khiêng nổi nó tới bên hàng rào.
Đã đến bốn giờ và trời đã xẩm tối. Vadim vẫn thấy khát nước. Anh khoác áo bông vào và đi ngược lên một quầy giải khát ở trên phố.
Từ trên đồi anh ngoái nhìn lại. Đường phố đã khác hẳn, không còn giống như lúc sáng nữa. Con hào sâu với những núi đất màu nâu ở hai bên làm cho đường phố xấu xí như mang một vết sẹo quái gở giờ đây đã biến mất. Các đội của Lagodenko và Gortxev cũng đã hoàn thành khu vực của mình, sinh viên mặc áo khoác vào, tản ra thành nhiều nhóm ồn ào, vác trên vai từng bó xẻng. Đường phố lập tức trở nên đông đảo và chật chội khác thường. Trong bóng đêm đang tới Vadim không nhìn rõ mặt mũi các bạn, nhưng từ xa anh đã nhận ra giọng nói của Lesik và Lagodenko, tiếng cười của Marina, giọng nhỏ nhẹ và thấm mệt của Galia Mamonova: “Các cậu ơi, cho tớ mượn gương một chút! Chắc là mình lấm lem lắm phải không”. Nhiều người cùng nói một lúc, giọng họ quyện vào nhau, đối đáp nhau, người nọ át người kia, có ai đó gọi Vadim: “Belov đâu rồi? Belov!“ - và giọng một cô gái nào đó đáp lại: “Anh ấy đi uống nước rồi!”.
- Sao lại không đủ? - Lagodenko nói, giọng khàn khàn. - Tôi đã nói là tôi đã trả đủ rồi! Cái xẻng của ông đối với tôi hệt như chiếc đàn phong cầm đối với cha cố ấy…
- Nào, có ai đi với mình đến rạp chiếu bóng nào?
- Dù sao thì đội minh cũng đã hoàn thành trước tiên!! - Tại đội các cậu có nhiều nam…
- Các cậu này. Aliosa treo chiếc áo khoác và bây giờ không lấy được nữa! Hà, hà, hà… Bị đất lấp lên mất rồi!
Bỗng Vadim thấy hình như anh đang đứng không phải trên đường phố Moskva, mà là một thành phố trẻ mới và xa lạ nào đó. Đã kết thúc một ngày làm việc và bè bạn của anh đã về nhà nghỉ ngơi, hay đến phòng đọc hoặc đến rạp chiếu bóng. Chẳng lẽ anh lại không thấy vui sướng hay sao? Chẳng lẽ cùng với anh những người bạn đó lại không cảm thấy niềm vui sướng thật sự về việc họ đã tự nguyện đến công trường và đã làm việc một cách trung thực, đến mệt lử, đến kiệt sức, trong một ngày tháng Chạp lạnh giá này hay sao? Phải chăng họ lại không cảm thấy niềm vui sướng lớn nhất - niềm vui sướng của tình bạn, niềm vui sướng của một cảm xúc chung, của những khát vọng chung đối với từng người, cũng như đối với tất cà? Tuy vậy, những tình cám của họ đơn giản và bình dị hơn nhiều so với những ý nghĩ bỗng nhiên vừa làm cho Vadim xúc động…
- Belov! Vadim! - Từ xa vang lên giọng bực bội của Lagodenko.
- Mình đến đây! - sực tỉnh lại Vadim kêu lên và chạy đến bên quầy giải khát.
Không có một loại nước nào cả và Vadim uống một ca bia. Người phụ nữ mặc áo lông, bên ngoài khoác chiếc áo choàng trắng của nhân viên bán hàng tươi cười hỏi:
- Các đồng chí ở chỗ đặt đường ống dẫn hơi đốt đến à?
- Thế có chuyện gì đấy ạ?
- Chúng tôi đều quan tâm đến chuyện ấy, - chúng tôi ở trong ngôi nhà số 18 này. - đường ống đã sắp dùng được chưa thế?
- Sắp rồi, sắp rồi đấy!
- Người ta hứa sẽ xong trước Tết, liệu có kịp được không?
- Tôi nghĩ là kịp được đấy ạ. - Vadim nói vẻ nghiêm túc. - Cần phải làm cho kịp.
- Vậy thì trước Tết chúng tôi sẽ được nướng bánh bằng hơi đốt chứ? Các đồng chí biết đấy, chúng tôi đã hy vọng biết bao! - Bà ta cười vang và nhìn Vadim bằng cặp mắt sáng lấp lánh. Khi anh uống cạn ca thứ hai và đặt trả ca xuống mặt quầy, người phụ nữ khoác chiếc áo choàng trắng bèn nói với vẻ suy tư: - Việc làm của các đồng chí thật là tốt đẹp… Và chủ yếu là rất hữu ích.