Chương 30 (kết)

    
ửa đêm Vadim chợt tỉnh dậy vì những tiếng động ầm ầm, tiếng bánh xe gầm rít - đó là tiếng xe tăng! Bằng đôi tai quen thuộc, anh đoán ngay ra là loại tăng T34 qua tiếng gầm rít đứt quãng đặc biệt. Tiếng gầm rít quen thuộc này - tiếng xích sắt loảng xoảng, tiếng rít của động cơ, tiếng mặt đường lạo xạo - khiến anh nhớ lại năm bốn mươi tư, nhớ tới những cuộc hành quân trên các nẻo đường nước Hung vào những đêm mùa thu, đường đi Debresen và Komarno… Nhưng ở ngoài cửa sổ kia lại là những chiếc xe tăng hoà bình. Chúng đang chuẩn bị diễu hành, Vadim lại thiếp đi trong niềm xúc động đợi chờ một buổi sớm mai.
Và thế là.
Sớm mai hồng tô màu tươi tắn.
Trên tường thành cổ kính Kreml…
Lời ca của bài hát cổ, nhưng không cũ mà tràn đầy sảng khoái, bài ca của mùa xuân và lòng nhiệt tình đã đánh thức anh dậy. Bên ngoài là bầu trời không gợn mây, trong xanh với những làn khói ở phía chân trời - những dấu hiệu của một ngày nóng bức đây! Bà Vera Fadeevna đã đi ra phố, bà đi cùng với đoàn của quận Lenin, là quận bao giờ cũng mở đầu cho buổi diễu hành. Vadim mặc bộ quần áo mùa xuân và đi ra phố, đầu không đội mũ.
Bầu không khí trên quảng trường Kaluzhskaya yên tĩnh, mát mẻ và trang trọng khác thường. Mặt trời hơi nhô lên và phố xá vẫn còn chìm trong bóng tối. Trong những giờ phút sớm sủa này, ở đây vẫn còn vắng vẻ và mọi người đều đi về một phía, về trung tâm, vội vã tới những vị trí tập kết của mình. Vadim cũng đi về phía ấy, anh chạy vượt lên những người khác và cố bước chân theo đúng nhịp của bài hát phát ra từ một chiếc loa truyền thanh ở phía xa vẳng tới:
Xin chào thành phố thương thân.
Đẹp sao một buổi mai lành…
Từ quảng trường Kaluzhskaya, ô-tô phải vòng qua các phố bên cạnh. Vadim vất vả lách qua dòng người đi diễu hành và bước lên cầu Crưm. Ở đây rất đông người, ồn ào và nóng nực. Quang cảnh thật là khác thường, một quang cảnh chỉ có trong những ngày hội - mọi người không đi trên vỉa hè mà đi ngay dưới lòng đường, trên đường tàu điện, còn ô-tô thì chuyển động một cách chậm chạp, thận trọng đến nổi có thể đi trên vỉa hè cũng được…
Sân trường đại học đầy người. Sinh viên tụ tập ở ngoài phố trước cổng ra vào và ở vườn hoa. Vadim đi lại chỗ có tiếng arcodeon vì chắc chắn ở đó có Aliosa, mà ở nơi có Aliosa, thì chắc chắn sẽ có mặt các bạn.
- A, anh bạn hữu biên! - Gortxev hô to và vươn cánh tay dài ngoẵng qua đầu mấy người tóm lấy vai Vadim. - Lại đây! Cậu phải giúp một tay vác ảnh đấy! Vào phòng gửi áo đi!
Vadim chưa kịp chào hỏi bạn nào, thì đã bị Gortxev lôi tuột vào trường. Hai người lách qua một đám sinh viên. Khắp mọi phía đều vang lên những giọng nói tiếng cười vui vẻ, hồ hởi và anh bị hoa mắt bôi những khuôn mặt tươi cười quen thuộc và không quen thuộc, những bộ áo dài trắng, đỏ, xanh…
Đột nhiên từ phía xa vang lên tiếng rầm rầm trầm đục, đó là tiếng đại bác ở điện Kreml bắn lên. Cuộc duyệt binh bắt đầu.
Vadim đứng ở hàng bên phải của đoàn diễu hành. Bên cạnh anh là Andrei mặc chiếc áo cài cúc một vạt màu trắng, và Mắc lần này đã thay cái áo blu-dông trượt tuyết bằng một chiếc áo sơ-mi kẻ ô nhiều màu độc đáo. Bây giờ mọi người còn đứng hỗn độn, không ra hàng ngũ gì cả, một vài người xúm quanh Lesik đang chơi arcodeon và cùng hát một bài hát sinh viên vui nhộn. Tất nhiên, hát to hơn cả là giọng “nữ cao trữ tình” của Lena Medovskaya.
Ngay từ những phút đầu tiên Chúa đã dựng trường đại học.
Lena mặc một chiếc áo khoác bằng lụa màu xanh da trời, mặt ửng đỏ, những bím tóc màu tro, búi cao ở phía sau làm lộ ra cái cổ trắng ngần, lấp lánh dưới ánh mặt trời trông như dát vàng. Vadim đứng ngắm cô từ xa và có lẽ tất cả đều mỉm cười nhìn cô… Hôm nay Lena đã ba lần nói là bố cô cho cô một cái vé vào Hồng trường, nhưng cô đã từ chối, quyết định cùng tham gia diễu hành với các bạn. Đứng bên cạnh Lena là Sergei Palavin. Anh cũng đang hát, mặc dù hát rất nhỏ, gần như không nghe thấy gì cả. Sergei đã có mặt ở trường từ hai tuần nay, nhưng vẫn giữ thái độ dè dặt im lặng như những ngày đầu tiên. Nếu phải bắt chuyện với ai, anh chỉ nói về công việc.
Sergei bao giờ cũng đứng ở cánh bên phải trong đoàn diễu hành, thường là ở hàng đầu tiên và có một lần còn đứng đầu cả đoàn diễu hành mang biểu ngữ có huy hiệu trường nữa. Hôm nay anh đứng lẫn vào hàng ngũ chung, bị chìm vào đám sinh viên năm thứ ba đông đúc, tay cầm một bông hoa giấy màu đỏ đính trên chiếc cành nhỏ bằng tre.
Bỗng ở phía trước những hàng cờ, băng biểu ngữ đã rung chuyển, và cả đoàn người cũng chuyển động theo. Spartar chạy tới - chiếc mũ lưỡi trai kẻ ô bị xoay ngược hẳn về phía sau để lộ ra chiếc trán ướt đẫm mồ hôi. Spartar hét lên:
- Ổn định hàng ngũ! Thôi! đều bước!
Trên đường đi Andrei kể cho Vadim nghe rằng ngày hôm kia Olia đã được cử về công tác ở Moskva - ở Vườn bách thảo. Cuối tháng Năm cô sẽ thi môn cuối cùng và đến tháng Sáu sẽ bắt đầu ra công tác. Ông cụ và Andrei rất hài lòng. Dù sao đối với cô cuộc sống độc lập vẫn còn hơi sớm. Cho nên bây giờ cứ tạm công tác ở Moskva, sau đó sẽ vào học đại học.
- Thế Olia cũng tán thành chứ? - Vadim hỏi.
- Olia ấy à? Chẳng hiểu được nó… Lúc nào nó cũng mong đi công tác thực tế, mà nhất thiết cứ phải vào rừng sâu kia. Dù ông cụ và mình thuyết phục đến thế nào đi nữa: nào là cần phải ở lại Moskva để vào học đại học, dù là đại học ban đêm - nhưng nó cứ thích vào trường đại học kỹ thuật Lâm nghiệp - vì thế mọi lời khuyên đều vô ích cả! “Con còn kịp chán, cuộc sống còn ở phía trước. Đầu tiên phải tham gia công tác thực tế đã”. Mấy hôm nay nghe chừng nó cũng có vẻ dịu…
- Vườn bách thảo cũng là một công tác thú vị chứ sao! - bất chợt Vadim sôi nổi nói. - Đúng! Còn đâu tốt hơn được nữa.
- Nhưng nó vẫn chưa phát biểu ý kiến cuối cùng. Nó bảo còn hỏi ý kiến của một người nào đó… - Andrei im lặng, liếc nhìn Vadim. Rõ ràng là anh đoán được em mình sẽ hỏi ý kiến ai. Vadim cũng đoán ra. Hai người im lặng hồi lâu. Vadim châm thuốc hút, còn Andrei bỏ kính, làm ra vẻ bận lau mũi.
Andrei nắm lấy cùi tay Vadim.
- Hôm nay nó sẽ đến trường mình xem liên hoan. Cho nên cậu, đây là lúc… - anh nói lí nhí, - cậu hãy bảo nó đừng có bướng. Người ta bố trí chỗ công tác thế là tốt lắm rồi - hãy đồng ý đi!
Vadim gật đầu. Anh sẽ nói với cô như thế. Khi anh còn ở Moskva thì cô đừng đi. Hai người phải sống cùng với nhau ở một thành phố. Đột nhiên anh cảm thấy rất vui sướng, bởi vì thời gian gần đây chính anh đã nghĩ nhiều tới điều đó, nhưng chẳng nghĩ ra giải pháp nào cả, thế mà bây giờ mọi việc lại được giải quyết chóng vánh và đơn giản đến như vậy. Cô sẽ không đi! Cô sẽ ở lại cùng với anh trong một thành phố! Cô quyết định ở lại, bởi vì…
Ngày trở nên nóng bức hơn, trời xanh hơn, biển người ngày càng đông đặc, sôi động trong những dãy bờ đá, làm cuồn cuộn những lớp sóng cờ đỏ rực. Mặt trời bốc cháy trong những tấm kính cửa sổ mở rộng, trên những tấm lụa đò và trên màu vàng của những lá cờ, trên những cái cán bằng đồng và bằng bạc…
Đến phố Sadovaya, đoàn diễu hành của trường phải tạm thời dừng lại, vì có những đơn vị quân đội đầu tiên vừa mới đi qua Quảng trường Đỏ. Đơn vị thủy quân bước những bước mạnh mẽ và nhịp nhàng. Đi hàng đầu là những thuỷ thủ trưởng thân hình vạm vỡ, người nào cũng như người nào đều sạm đen vì sương gió, mặt đỏ bừng với những chiếc vai xuôi, to rộng. Huân chương và huy chương lấp lánh, những cánh tay áo nẹp vàng, những chiếc còi lồng dây xà tích…
Những chiếc ô-tô vận tải mới tinh, màu xanh lá cây có chở những chiến sĩ bộ binh cơ giới hoá, những khẩu súng cao xạ và kéo theo những rơ-moóc vũ khí lao vút qua. Đó là những chiếc ô-tô vận tải cực mạnh loại mới nhất của Liên Xô: loại Yaroslav với nhãn hiệu hiệu con gấu, loại Minsk với nhãn hiệu con bò rừng trên bộ tản nhiệt. Những người lính trẻ đầu đội mũ sắt màu phòng không kẹp súng tiểu liên giữa hai chân, mỉm cười gật đầu chào những người đi diễu hành… Sau đó là những chiếc xe tăng diễu qua làm rung chuyển cả mặt đường. Phố xá tràn ngập những tiếng rầm rầm của sắt thép, tiếng gầm của xích xe tăng, mùi nồng nặc của khí thải, hơi nóng hấp hậm của xe bọc thép và những tiếng reo hò chìm trong tiếng gầm vang như sấm ấy - tiếng reo hò khâm phục của hàng nghìn con người lòng đầy tự hào về quân đội của mình.
Càng đến gần khu trung tâm, đoàn diễu hành càng đi chậm hơn. Đến Arbat phải dừng lại một lần nữa. Bên cạnh đội ngũ dài đằng đặc của trường là một trường đại học khác có lẽ là đoàn của trường đại học Tổng hợp. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng hát, họ hát bằng các thứ tiếng khác nhau, có nhạc đệm và không có nhạc đệm Một số sinh viên vóc người bé nhỏ, tóc đen đang hát to một bài hát nào đó rất quen thuộc mà Vadim không tài nào đoán được lời của nó… Ôi, đó chính là các bạn Tây Ban Nha đang hát bài “Lá cờ đỏ“ đấy! Các bạn trẻ người Nga hát hoà theo - họ không biết lời, nhưng nhạc điệu bài ca thì mọi người đều rõ. Lesik tiền gần đến họ, vừa đi vừa đệm arcodeon.
Và thế là bài ca quang vinh của những người cộng sản Tầy Ban Nha mà toàn thế giới đều biết do hàng chục nghìn giọng hát cất lên đã vang dội khắp quảng trường.
- Các bạn, hát Đoàn ca! - Spartar vừa hét vừa huơ chiếc mũ lưỡi trai từ xa. - Aliosa. Đoàn ca!
Không đợi tiếng đàn, giọng hát lanh lảnh thanh thoát của Lena đã cất lên:
Là những đứa con thuộc nhiều dân tộc.
Chúng ta chung một ước mơ…
Cả đàn đồng ca lập tức hoà theo tuy còn chưa đều giọng:… hoà bình.
Giữa những năm tháng đầy bão táp.
Chúng ta vì hạnh phúc ra đi…
Ở đâu đó có một đội nhạc đệm theo, nổi bật lên là những tiếng kèn đồng chậm rãi vang xa lanh lảnh. Hàng bên cạnh đã chuyển động, nhưng bài ca vẫn không tắt. Từng đoàn thanh niên nam nữ, hết hàng này đến hàng khác vượt lên, tay nắm chặt tay - những bạn trẻ của các dân tộc khác nhau, những bộ tóc vàng, tóc đen, những nước da ngăm ngăm, những gò má cao, những khuôn mặt màu đồng thau:
Cả loài người nhịp theo Bài ca tuổi trẻ…
Vadim không nghe thấy giọng hát của mình. Anh nhìn những khuôn mặt của những người đang hát, những khuôn mặt khác nhau của những con người khác nhau mà hôm nay đều cùng rạng rỡ bởi ánh hồng của những ngọn cờ và vị tươi mát của mùa xuân, - bất chợt, bằng tất cả trái tim mình anh thấy rất rõ cái chân lý cực kỳ vĩ đại của những câu hát mà “cả loài người nhịp theo” ấy. Hoà bình sẽ thắng chiến tranh! Trên trái đất này không có sức mạnh nào có thể chà đạp lên niềm vui được sống hạnh phúc, chân chính mà con người đã giành được.
Bỗng nhiên ở đoàn diễu hành bên cạnh có người nào đó gọi giật Vadim:
- Anh Vadim Petrvich!
Đó là anh chàng Igorsotnikov tóc xoăn ở nhà máy. Nhìn sang Igor, lập tức Vadim trông thấy một số bạn quen nữa ở nhà máy. Anh gật đầu chào họ từ xa. Igor chạy lại chỗ Vadim, vui vẻ bắt tay anh và Andrei. Tay trái cậu ta cầm một lá cờ nhỏ in dãy số “1952”.
- Công việc thế nào, bạn Igor? - Vadim vui cười hỏi. - Lá cờ gì đây?
- Đây là người ta tặng cho chúng em, những người làm việc nhân danh năm 1952, - Igor nói vội, nhưng rõ ràng là đôi mắt cậu ta ánh lên vẻ tự hào chân thật. Cậu hỏi rất nghiêm chỉnh: - Anh Vadim Petrvich, nhóm văn học của ta vẫn tiếp tục học chứ? Hay là hiện nay các anh đang bận thi?
- Các bạn sẽ còn hai buổi nữa trước khi chúng mình thi.
Họ đi bên cạnh nhau thêm được mấy bước, thì đoàn diễu hành của nhà máy vượt lên trước. Igor chia tay, chạy đuổi theo các bạn. Bỗng nhiên trên đường chạy cậu quay đầu lại hét lên vui vẻ:
- Anh Vadim Petrvich, “cỗ xe thời gian“ bây giờ là của chúng ta! - và vẫy vẫy lá cờ trên đầu.
Hàng nghìn đoàn diễu hành tập trung tại Quảng trường Đỏ. Những dòng người từ đại lộ Gorky, từ phố Nhà Hát, từ Manezh kéo về phía Viện bảo tàng lịch sử và từ đây, họ chia thành hai nhánh men theo tường của Viện bảo tàng đổ vào Quảng trường Đỏ. Từ xa, tuy chưa nhìn thấy Lăng, nhưng Vadim đã nghe thấy những làn sóng “ura“ ngày càng vang dội. Và kia, lễ đài bằng đá hoa cương trắng đầy người đã hiện ra ở bên phải và ở phía xa hơn là Lăng lấp lánh những đường viền bằng đá hoa cương…
- Hoan hô đội ngũ sinh viên Xô-viết! - tiếng loa phóng thanh nhắc đi nhắc lại ầm vang trên quảng trường.
Iliusa Brazhnev, đi ở đằng trước Vadim, bỗng nhiên quay lại nói to và xúc động:
- Ngày mồng bảy tháng Mười Một!. - nhưng chưa kịp nói hết câu, anh đã lại chăm chú nhìn lên lễ đài và vẫy vẫy những ngón tay của bàn tay giơ cao.
Vadim muốn dừng lại dù chỉ một thoáng, nhưng đằng sau anh mọi người đang hối hả tiến gần về phía Lăng, và anh vừa vô tình chậm bước một chút, đã bị người đi sau, có lẽ là Aliosa, thúc đi lên…
- Năm bốn mốt… - Brazhnev lại nói to, anh quay hẳn nửa người về phía Vadim, mắt vẫn không rời lễ đài. Nhưng anh vẫn không kịp nói hết câu.
Mãi tới khi đoàn người diễu qua cổng Spatskye. Brazhnev mới nói hết được cái câu khiến anh thấp thỏm:
- Ngày mồng bảy tháng Mười Một năm bốn mốt mình đã từ đây đi ra mặt trận! Mình đã đi diễu hành với tư cách là một người xạ thủ tiểu liên… Và bây giờ sau khi học xong, mình sẽ đi làm và Quảng trường Đỏ lại tiến mình - cậu có hiểu không, Vadim, tiễn mình vào cuộc sống lao động đấy?
Vadim cũng nghĩ đến sang năm, cũng vào một ngày tháng Năm nóng bức này, anh, Vadim Belov sẽ từ giã quảng trường cổ kính này để bước vào cuộc sống lao động. Cùng với anh còn có Spartar, Petr Lagodenko. Andrei, Raya và nhiều bạn khác nữa mà anh không quen biết, những người từ những vùng đất khác nhau của tổ quốc và từ những đất nước khác đến Moskva để học tập và rồi sẽ trở thành những con người cần thiết cho dân tộc mình. Tất cả mọi người đều cảm thấy buồn khi sẽ phải chia tay với Moskva. Song yêu Moskva có nghĩa là yêu Tổ quốc, mà yêu Tổ quốc có nghĩa là yêu sự nghiệp vĩ đại mà vì nó đất nước chúng ta đã sống, lao động, chiến đấu và chiến thắng…
Sau khi ra khỏi quảng trường, Vadim qua cầu Gang. Anh nhìn thấy phố bờ sông cạnh Kreml đông nghịt những đám người diễu hành sôi động đủ mọi màu sắc và dòng sông Moskva đang sôi lên dưới ánh nắng rực rỡ của buổi trưa hè, trên đó có một chiếc tàu thủy màu trắng treo đầy cờ đang chạy chầm chậm: ở boong trên một dàn nhạc đang chơi, những người đứng ở lan can đang vung khăn tay lên vẫy vẫy. Anh nhìn thấy cầu Đá. Ở phía xa giống như một đường viền màu xanh hướng về phía mặt trời và đằng sau chiếc cầu anh không nhìn thấy gì nữa, mà chỉ đoán là khoảng không vô hạn của Moskva chìm trong làn khói chói loà…
Đến khuya trong buổi liên hoan tại trường Vadim gặp Olia. Sau lúc hoà nhạc hai người đi ra phố. Moskva tràn ngập những ngọn đèn nhiều màu của ngày hội. Các căn nhà hình như đều vắng người - mọi người dân Moskva ngày hôm nay đều đổ ra đường.
Vadim và Olia tay nắm tay chậm rãi đi trong hàng người đông vui.
- Hôm nay thật là một ngày ấm áp, đầy nắng - một ngày hè thật sự rồi sao! - Olia nói, mắt ngước nhìn bầu trời đầy sao như lung linh, sống động bởi những tia sáng lấp lánh. - Nhưng có điều hơi buồn là…
- Tại sao Olia lại buồn? - Vadim ngạc nhiên hỏi.
- Em thấy hình như hôm nay em phải vĩnh biệt Moskva…
- Sao lại vĩnh biệt?
- Anh Vadim ạ, tháng Sáu em sẽ đến công tác ở Trạm trồng cây bảo vệ đồng ruộng. Ở tỉnh Stalingrad, - Olia đáp sau một lát im lặng. - Em đã suy nghĩ rất lâu và đã quyết định… Em sẽ đến tỉnh Stalingrad.
Cô im lặng, cúi đầu, Vadim cũng lặng đi hồi lâu vì bất ngờ.
- Thế còn Vườn bách thảo?
- Vườn bách thảo vẫn ở Moskva, - Olia nghiêm chỉnh đáp và bỗng nhiên phá lên cười, vui vẻ nhìn Vadim từ chân lên đầu. Cặp mắt xanh của cô như sáng lên, lấp lánh ánh đèn. - Anh Vadim, em quyết định đúng chứ? - bất chợt cô thôi cười và hỏi.
- Đúng, - Vadim đáp bằng một giọng yếu ớt. - Đúng, nhưng. Andrei nói là em đã đồng ý…
- Đúng, có lúc em đã nghĩ thế… Em thấy hình như không thế nào đi khỏi Moskva. Nhưng anh phải hiểu, anh Vadim ạ… - cô thở dài, rồi nói bằng một giọng vui vẻ, rất sảng khoái: - Cái công tác thực tế mà em mơ ước em lại không tìm thấy ở đây. Mà tham gia nghiên cứu khoa học thì đối với em còn quá sớm, phải không anh? Sau đó em nghĩ rằng Trạm trồng cây bảo vệ đồng ruộng là vị trí trận tuyến tiền tiêu quan trọng nhất. Em muốn đứng ở vị trí tiền tiêu ấy. Và nói chung em muốn sống một cuộc sống lao động, độc lập.
- Thế rồi sau đó thì sao?
- Sau khi tham gia công tác thực tế em sẽ trở lại Moskva vào học ở học viện Timiriazev.
- Thế thì lúc đó anh đã học xong đại học và sẽ đi đến công tác ở vùng Sakhalin, - Vadim nói giọng trầm hẳn xuống.
- A, thế chính anh cũng định đi đấy thôi!
- Nhưng anh cũng không đi biệt tăm biệt tích, mà sẽ trở về…
- Thế thì lúc đó em đã học xong học viện Timiriazev và sẽ đi đến công tác ở Kamchatka, - Olia nhại lại Vadim.
Vadim phá lên cười, nói:
- Thế thì chúng ta sẽ chả bao giờ gặp nhau cả!
Đôi bạn đi trong đám người đông đúc, ồn ào, mà chà nhìn thấy ai. Họ đi xuống kè đá bên bờ sông và dừng lại bên lan can bằng đá hoa cương. Ở đây ít người hơn, phần lớn họ đi từng đôi một và nói chuyện khe khẽ. Một chiếc ca-nô nhỏ có trang hoàng những dãy đèn xanh, đỏ, vàng từ mũi lên tơi đỉnh cột buồm đang bơi chậm chạp trên sông. Trên ca-nô một người nào đó đang thử giọng, một giọng phụ nữ cười lanh lảnh vang xa trên mặc sông. Một chiếc máy bay không nhìn thấy rõ bay cao tít trên bầu trời, phía trên thành phố rực rỡ của ngày hội - một ngọn lửa nhỏ xíu màu đỏ nhẹ nhàng, chậm chạp đang len lỏi giữa các vì sao…
- Không, chúng ta sẽ gặp nhau, - Olia đáp khẽ - Nếu không thì… nghĩa là điều đó đặt ra cũng chẳng để làm gì.
Vadim mỉm cười nhìn vào đôi mắt thẹn thùng, đang ngước nhìn anh như chờ đợi. Một làn sóng cảm xúc êm dịu nóng hổi bất chợt ập đến khiến anh nghẹn lời.
- Anh Vadim, anh có mừng cho em không? - cô hỏi qua hơi thở.
Có, anh mừng cho cô. Anh cũng mừng cả cho chính anh nữa - bởi vì anh đã không nhận định sai về cô. Anh nói rằng đến hè anh sẽ đi nghiên cứu thổ ngữ ở miền Nam U-ran và trên đường về anh sẽ rẽ vào thăm cô ở Trạm bảo vệ đồng ruộng.
- Bởi vì tỉnh Stalingrad và Nam Ural rất gần. Em biết không, chỉ việc bơi qua sông Volga…
Anh chưa kịp nói hết câu, thì bỗng nhiên những chiếc pháo hoa bay vọt lên trên đầu họ. Hai bên bờ sông rực rỡ ánh sáng màu da cam. Hai người đứng lặng đi nhìn mãi lên bầu trời ngập trong muốn nghìn tia sáng đủ mọi màu sắc đang toả ra, rồi tắt dần khi rơi xuống. Mọi vật xung quanh ánh lên những màu sắc khác nhau, lúc thì màu hồng, lúc thì màu xanh, khi lại màu da cam, rồi bất chợt rực sáng tựa ban ngày.

HẾT

 

Xem Tiếp: ----