Dịch giả: Tạ Thu Hà
Chương 47

    
  ào ngày thứ Bảy, Rose tung ra bài xã luận thứ ba bàn về sự ngược đãi trẻ em. Khi Anna tới dự một cuộc đua ngựa, cô sượng sùng nhận thấy mình đang bị tất cả mọi người tẩy chay. Cô ra về sớm hơn nhưng đã có một đám đông tụ tập xung quanh chiếc ô tô của cô, chiếc xe đã bị phết sơn đỏ choe đỏ choét từ lúc nào. Trong bài xã luận, tiêu đề “Kẻ GIẾT NGƯỜI” nổi bật lên thật rõ ràng.
Sáng sớm ngày Chủ nhật, trung sĩ Fourie, đem theo hai nhân viên cảnh sát khác cùng với cuốc thuổng và những tài liệu cần thiết dẫn Sophie tới bên ngôi mộ ở Modderfontein nơi già Jan tuyên bố rằng đã chôn đứa trẻ ở đó.
Sophie gần như phát cuồng lên vì sợ hãi. Trong tiếng rên rỉ và tiếng gầm gừ của con chó, họ khai quật bộ xương của một đứa trẻ lên, cẩn thận đặt từng mẩu vào trong một cái hộp. Sophie ngất xỉu và được đưa tới chiếc xe của cảnh sát.
Fourie chẳng cần bản báo cáo của một bác sĩ pháp y nào cũng nhận thấy ngay rằng xương sọ của đứa trẻ bị nứt làm đôi.
Sáng hôm sau vào lúc sáu giờ, có tiếng những bước chân nặng nề vang lên trên con đường dẫn tới Fontainebleu. Anna bị bắt, bị giải đến đồn cảnh sát và bị buộc vào tội giết người.
- Các người nói dối! - Cô kêu lên khi người ta thông báo cho cô về cuộc khai quật. - Làm sao các người lại tìm thấy bộ xương đó được khi mà sự thực thì đứa trẻ không bị chôn ở đó? Các người đang cố tình giăng bẫy tôi đấy phải không?
Ngay cả Fourie cũng bị bất ngờ bởi phản ứng của Anna. Cô rõ ràng là đang rất sửng sốt, tức giận và thậm chí sợ hãi nữa.
- Vậy thì, đứa trẻ ở đâu rồi? - Anh ta hỏi, nhưng Anna vẫn bướng bỉnh im lặng. Cô được tại ngoại ngay trong ngày hôm đó vì được bảo lãnh và Kurt đã thuê Thomas Quinn, luật sư bào chữa giỏi nhất nước đến để bảo vệ Anna. Một tháng sau, một cuộc họp thẩm tra được tổ chức tại Tòa án Stellenbosch.
Cuộc thẩm tra diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ. Bên nguyên đưa ra sự việc bằng một giọng lâm ly thống thiết. Quinn lại tuyên bố rằng Anna sẽ giữ bí mật những tình tiết của riêng mình cho việc bào chữa sau này.
Vụ việc được chuyển cho Viện Chưởng lý ở Pretoria, và người ta quyết định sẽ khởi tố. Phiên tòa sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng Năm - bốn tháng sau đó tại Tòa án Tối cao thành phố Cape Town.
Trong giai đoạn khó khăn này gia đình Anna bên ngoài tỏ ra là một tập thể đoàn kết, nhưng nội bộ trong nhà lại hết sức xáo động. Simon đã chuyển về sống tại Fontainebleu và kiên trì gặng hỏi Anna xem thực sự đã có chuyện gì xảy ra. Từ trước lới nay Simon vẫn cứ đinh ninh rằng Anna đã bỏ mặc cho đứa trẻ bị chết nắng, nhưng câu chuyện của Mẹ Bề trên đã chứng tỏ rằng nó vẫn còn sống khỏe mạnh ở tháng thứ ba. Giờ lại nảy ra một cái sọ người bị nứt toác. Ai đã giết đứa trẻ? Simon cảm thấy phát ốm lên bởi toàn bộ câu chuyện. Vả lại, sự việc diễn ra đã quá lâu rồi. Nhìn lại, những việc làm của anh có vẻ như cũng hơi quá đáng, anh đã cư xử như một người xa lạ, vì mặc dù anh vẫn nhớ như in những gì mình đã làm, song lại quên hẳn rằng chính sự thất bại thảm hại trong tình dục đã khiến anh hành động như vậy.
Acker thì cho rằng mẹ cậu không cố ý giết hại đứa bé. Lần đầu tiên trong đời cha và con trai tỏ ý bất hòa với nhau. Acker oán giận cha đã ngầm buộc tội mẹ cậu và giữa hai cha con đã nổ ra nhiều cuộc cãi vã. Cùng lúc đó Acker lại cũng cảm thấy mẹ cậu đã thiếu trung thực khi không nói xem chuyện gì đã xảy ra, cậu thường xuyên quấy rầy mẹ bằng những câu hỏi về vấn đề đó.
Katie cộng thêm vào mớ hỗn loạn ấy bằng những cơn tam bành diễn ra hàng ngày. Chưa bao giờ, chưa một phút nào cô bé lại hình dung ra cảnh mẹ mình làm đau một đứa trẻ nào. Vậy thì tại sao mẹ lại không kể ra cho cả nhà nghe cơ chứ, cô bé lý luận. Sự im lặng bướng bỉnh của mẹ thật là đáng xấu hổ. ôi, tai tiếng quá, tai tiếng quá! Tất cả là do lỗi của mẹ.
Kurt chạy tới chạy lui, cố gắng làm một điều gì đó có ích. Anh mời một chuyên gia có tiếng tăm từ Đức sang để xác định ngày tháng của bộ xương đó, nhưng kết quả lại rất gần với ngày mà Leltie Jasmine mất tích. Tiếp đó anh thuê một hãng thám tử tư lần theo dấu vết của từng gia đình đã làm thuê tại Modderfontein. Nhưng, càng tìm lại càng thấy vô vọng. Theo gợi ý của Quinn anh thuê một chuyên gia tâm lý học tới để gạn hỏi già Jan, nhưng người này cũng chẳng moi thêm được thông tin gì từ ông già đó cả, mặc dù ông ta vẫn khăng khăng cho rằng già Jan chẳng hề lẩm cẩm chút nào.
- Dù có chuyện gì đi chăng nữa thì rồi cũng sẽ giải quyết ổn thỏa cả thôi. - Quinn nói với Kurt. - Chỉ cần Anna nói cho tôi biết. Một khi tôi biết được tôi đang phải đương đầu với cái gì thì tôi mới lập được kế hoạch chứ. Tôi khó chịu với những chuyện bất ngờ lắm, đặc biệt là trong lúc diễn ra phiên tòa. Mới lại, thái độ của cô ấy rất bất lợi, bất lợi hơn bất kỳ một bằng chứng nào khác.
Quinn thực sự cáu giận vì thấy khách hàng của mình tỏ ra không hợp tác. Ngày nào ông cũng lớn tiếng đe dọa sẽ không bào chữa cho cô nữa.
Anna vẫn im lặng.
Một buổi sớm, tinh thần của cô suy sụp hoàn toàn.
- Tất cả mọi người đều nghe tôi là kẻ giết người. - Cô thổn thức với Quinn. - Ngay cả chồng tôi! Ngay cả ông! Nhưng tôi không quan tâm. Tôi sẽ mang điều bí mật của tôi xuống mồ, sẽ không ai biết được đứa trẻ đó đi đâu. Nhưng tôi thề với ông một điều, tôi không biết làm sao lại có bộ xương bé tí đó ở dưới ngôi mộ ấy, nhưng đó chắc chắn không phải là con gái của Sophie.
Quinn, người rất giỏi trong việc xét đoán tính cách con người, tin cô. Ông lái xe về nhà, trong đầu suy ngẫm mông lung.
Anna sụt cân rất nhanh và càng nhìn cô, Simon lại càng cảm thấy ân hận. Đó là lỗi của anh nhiều hơn là của cô. Lẽ ra anh mới là người phải ra tòa mới đúng. Giờ đây cả gia đình đang bị trừng phạt bởi tội lỗi của anh, vì anh đã cưỡng bức Sophie mười chín năm về trước, và Anna là người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất. Tệ hơn nữa, anh không thể làm gì để giúp cô được.
Ngày lại ngày, thời gian xét xử đã đến gần; mỗi sáng, mọi người trong gia đình đón chào một ngày mới trong nỗi khiếp sợ.

°
°
Những cánh tay đẩy dúi vào người cô, cha xứ đang cầu nguyện, mũ trùm đầu tụt xuống, một sợi dây thừng đang siết chặt lấy cổ cô. Anna thở dốc và gào lên: “Tôi không phải là kẻ giết người, tôi không giết đứa trẻ. Tôi thề như vậy! Katie chính là con gái của Sophie”. Nhưng đã quá muộn. Cô rơi, rơi mãi...
Anna choàng tỉnh giấc.
Phải mất tới vài giây sau cô mới định thần được rằng đó chỉ là một cơn ác mộng, một cơn ác mộng kinh hoàng. Người cô ướt sũng mồ hôi, cô ngồi dậy chờ cho cơn khiếp sợ qua đi. Rồi cô nhớ ra rằng hôm nay là ngày phiên tòa bắt đầu xử án. Đó là một thực tế đáng sợ.
Liệu giấc mơ kia có phải là điềm báo không nhỉ? Cô tự hỏi trong lúc ra khỏi giường đi tới bên cửa sổ. Cô kéo rèm ra, rạng đông đã lấp ló sau những ngọn núi. Có lẽ chưa tới bốn giờ, cô đứng yên ngắm nhìn khung cảnh bến tàu đậu. Có thể là cô đã sai lầm khi nói dối chăng, nhưng làm sao khác được? Cô biết chắc rằng với vết nhơ là một đứa trẻ da màu, con gái của một con điếm ngoài bến cảng, Katie sẽ bị gục ngã. Nó đã quá tự tin, quá kiêu hãnh. Và thậm chí cả việc đính hôn của nó với Anton cũng sẽ bị hủy bỏ. Cuộc đời con bé rồi sẽ lụn bại mất thôi. Nhưng làm sao cô có thể đặt sự an toàn của mình lên trên hạnh phúc của Katie được? Nếu có làm vậy, cô cũng rất có thể bị bỏ tù vì hành vi xấu xa đồi bại của mình. Không còn cách nào khác, cô quyết định.
Thời khắc trôi qua thật chậm chạp; cô nghe tiếng những người hầu đã đến, rèm cửa được kéo lên, tiếng những cánh cửa mở ra đóng vào sầm sầm. Giá mà được ngủ thiếp đi, và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cô vớ lấy chiếc lọ nhỏ đựng thuốc ngủ lắc mạnh. Đủ không nhỉ? Nhưng không, cô sẽ không bao giờ hành động như vậy.
Vào lúc bảy giờ rưỡi cả nhà gặp nhau ở ngoài hành lang. Đó là một sự gặp mặt căng thẳng, gượng ép. Không ai dám nhìn vào mặt Anna.
Lòng cô tràn ngập nỗi khiếp sợ khi ngồi ở ghế sau của chiếc xe do Acker lái, bên cạnh là Simon và Katie ngồi trước mặt. Ôi Chúa ơi cô nghĩ, điều gì sẽ xảy ra khi mình bị nhốt vào một nơi tối tăm không có ánh sáng mặt trời?
Khi họ đi vào đường phố chính của Stellenbosch, chiếc xe dừng lại vì đèn đỏ. Một nhóm người lao động chân tay nhận ra Anna, những nụ cười chế giễu xuất hiện; một người trong số đó nhặt một viên đá lên ném mạnh về phía chiếc xe làm vỡ tan cả một ô kính. Một đám đông tụ lại và nhốn nháo quanh xe. Katie hét toáng lên.
- Thôi đi - Anna gắt lên khi một viên đá khác bay sượt qua mũ.
Chiếc xe bắt đầu rung mạnh bởi những bàn tay xô đẩy. Một gã đàn ông còn thò hẳn đầu vào trong xe và Anna kinh hoàng nhận ra vẻ căm hờn hiện rõ trong ánh mắt của hắn.
Simon mở tung cửa xe, nhảy xuống. Anh tóm lấy hai người đàn ông gần nhất, đập mạnh đầu họ vào nhau. Vài giây sau, Anna đã thấy hai cha con, Simon và Acker, lưng xoay lại với nhau, đầu cao vượt khỏi đám đông, đang “đánh đông dẹp bắc”. Acker túm lấy vạt áo của những người kia, nhấc bổng họ lên ném ra xa. Trước đây Anna chưa bao giờ trông thấy thằng bé đánh nhau với ai cả, nhưng xem ra nó làm việc đó có vẻ rất thạo. Đám đông nhanh chóng được giải tán.
- Chúng ta cần phải cứng rắn lên mới được. - Acker nói trong khi khởi động lại máy. Mái tóc của cậu rối bù lên, một tay áo rách toạc. Còn Simon thì đang sửa sang lại cổ áo.
- Cừ lắm. - Anh nói ngắn gọn.
- Bố nghĩ đây là một ngày hội hay sao thế? - Katie rền rĩ khi họ đã tới gần tòa nhà xử án. Còn tới hơn một tiếng nữa phiên tòa mới bắt đầu, nhưng một đám đông đã tụ tập lại trước cổng và Anna nhận ra rất nhiều gương mặt quen thuộc ở Stellenbosch.
Tới tám giờ rưỡi thì phòng xử án đóng cửa. Đám đông tràn ra ngoài vỉa hè. Gia đình nhà Smit ngồi ở hàng ghế đầu bên cạnh Thomas Quinn. Gương mặt của họ tái xanh vì sợ hãi. Simon nhìn chòng chọc xuống sàn nhà, những đứa con của anh thì tỏ ra đau đớn tột độ.
Phiên tòa bắt đầu vào lúc chín giờ sáng ngày 13 tháng Năm năm 1957. Quan tòa là ngài Cornelius Collens, một vị luật sư béo tròn và nghiêm khắc. Ủy viên công tố là ngài Louis Bester.
Rõ ràng là luật sư bào chữa, ông Quinn, không muốn có một nhà cải cách nào xuất hiện trong bồi thẩm đoàn bởi vì ông đang phải bác đơn của hai người đàn bà, một là thành viên cao tuổi nhất của Hội bảo trợ trẻ em và một là người nổi tiếng với tư cách mẹ nuôi của nhiều đứa trẻ côi cút. Ông đã phải đi một chặng đường dài để lựa chọn nhiều tới mức có thể những thành viên bồi thẩm đoàn buộc phe cánh hữu, đặc biệt là những vị không có con cái. Nhờ có bồi thẩm đoàn là những người được lựa chọn kỹ càng, hệ thống lập luận của ông trở nên rõ ràng hơn. Ông sẽ tập trung vào hoàn cảnh khó khăn của Anna lúc xảy ra vụ án.
Mở đầu phiên tòa, ông Bester đưa ra một bản miêu tả rõ ràng và dễ hiểu về những sự việc được biết là đã xảy ra trong tấn thảm kịch mười tám năm về trước và đề nghị không hề thiên vị mức án cao nhất là tử hình.
Ông ủy viên công tố thuật lại một cách tỉ mỉ rằng Sophie Jasmine đã bỏ đứa con gái đau yếu của mình là Lettie Jasmine ở lại với Anna van Achtenburgh-Smit bởi cô ta nghĩ rằng đứa bé sẽ chết; và khi quay lại để gặp đứa trẻ thì cô ta được chỉ ra chỗ mà người ta cam đoan với cô rằng đã chôn Lettie ở đó. Có một lý do xác đáng để tin rằng đứa trẻ đã chết, đó là bản tường trình của ông bác sĩ trong làng chỉ ra rằng đứa trẻ có rất ít cơ hội để sống sót. Suốt mười tám năm ròng Sophie đã bị thuyết phục rằng con gái của mình đã chết vì những nguyên nhân tự nhiên.
Rồi, William Rose, tổng biên tập tờ báo Ngôi sao Stellenbosch, đã bắt đầu một chiến dịch truy tìm đứa trẻ mất tích. Nhân đó một vài sự kiện đã được đưa ra ánh sáng. Điều rõ ràng nhất là đứa trẻ đã sống được qua giai đoạn trứng nước và Mẹ Bề trên đã trông thấy nó khi nó được ba tháng tuổi. Tới lúc này thì Anna Smit đưa ra hàng loạt những lời khai hết sức mâu thuẫn. Cuối cùng cảnh sát đã mở cuộc điều tra, khai quật ngôi mộ và tìm thấy một bộ xương người với một cái sọ bị nứt.
- Thế nhưng, - Bester hơi cao giọng, - bà Anna Sinh đã từ chối không nói ra nguyên nhân cái chết của đứa trẻ mà chỉ trình bày đơn giản là đứa trẻ đã bị mất tích. Theo lời khai có tuyên thệ của Mẹ Bề trên thì đứa trẻ vẫn còn sống, phát triển khỏe mạnh ở tháng tuổi thứ ba, do đó lời khai của bà Anna rằng đứa trẻ bị chết đói hoặc vì nắng gì gì đó ngay sau khi bị bỏ rơi là không được chấp nhận.
- Không nghi ngờ gì nữa, - ông ta tiếp tục, - Anna đã phạm tội giết người. Chứng cớ đã chỉ ra rằng khi phải đối mặt với một thực tế khó chịu rằng đứa trẻ là một bằng chứng về sự vô đạo đức và lòng không chung thủy của chồng mình, bà ta đã quyết định giết hại nó. Do vậy phiên tòa này được tổ chức ra nhằm làm rõ sự thực và xét xử kẻ có tội.
Bồi thẩm đoàn chăm chú lắng nghe người đàn ông dáng người cao lớn có giọng nói nhẹ nhàng. Phong thái của ông ta rất tự tin, đĩnh đạc pha chút khinh miệt. Có thể thấy rõ ràng ông ta xem thường Anna và những gì mà cô đại diện.
Khi ông ta kết thúc, Quinn đứng lên bắt đầu công việc bào chữa. ông phác thảo ra những lời biện hộ mà ông dự trù sẽ theo đuổi.
- Thân chủ của tôi không phải là một phụ nữ độc ác, cũng không phải là một người xấu xa đồi bại. Nhiều người biết đến bà bởi những việc tốt mà bà đã làm cho thị trấn Stellenbosch này. - ông dẫn chứng bằng một số chi tiết về thời gian và số tiền mà Anna đã ủng hộ cho trường học của trẻ em da màu, cho trung tâm vui chơi giải trí và xây nhà cho nông dân trong trang trại. - Vậy mà ngày hôm nay, bà phải ra hầu tòa trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu và lố bịch, bị buộc vào tội giết người trong một vụ án xảy ra từ mười tám năm về trước.
- Sự thật là gì? - ông dừng lại nhằm gây ấn tượng với những người tham dự phiên tòa. - Đứa trẻ bị bỏ mặc trong chuồng gà cửa Anna. Bà đã đưa nó tới bác sĩ nhưng ông bác sĩ này đã từ chối chữa chạy; sau đó bà lại đưa nó tới trại trẻ mồ côi Woodstock nơi đã chật cứng những đứa trẻ vô thừa nhận. Rồi bà cũng đã cố gắng tìm một gia đình trong đám dân đánh cá ở Vịnh Saldanha chịu nhận nó làm con nuôi, nhưng cũng không thành công. Vậy Anna còn có thể làm được gì hơn nữa nào? - Quinn lại dừng lời đầy ẩn ý. - Các vị cũng như tôi, chúng ta biết rằng nuôi một đứa trẻ da màu trong một gia đình da trắng là không hợp pháp. Do đó, Anna đã buộc phải làm một việc tiếp theo mà bà cho là khả dĩ nhất: bà trao đứa trẻ đó cho một gia đình da đen đang làm công trong trang trại của mình và cung cấp thức ăn cũng như quần áo cho nó.
Quinn quay lại phía bồi thẩm đoàn.
- Đứa trẻ đã biến mất. - ông nhún vai. - Có thể là người ta đã sao nhãng nó, cũng có thể là nó đã gặp phải một tai nạn. Ai mà biết được? Những người nông dân nhận nuôi đứa trẻ lại bỏ đi đâu không một ai biết. Giờ người ta tìm thấy một bộ xương khác. Không ai biết. Anna lại càng không biết. Đổ lỗi cho bà ấy về việc đã cho đứa trẻ đi là một điều lố bịch, lại càng vô lý hơn khi buộc cho bà tội giết người.
- Anna van Achtenburg-Smit là một người phụ nữ có bản chất đôn hậu không chê vào đâu được. - Giọng của ông lúc này nghe thật lâm ly thống thiết. - Vậy mà chỉ một lời nói của một người đàn bà nào đó, cùng với một chiến dịch bẩn thỉu của một tờ báo địa phương chống lại Anna nhằm phục vụ mục đích chính trị, đã đẩy người phụ nữ đôn hậu ấy tới một tình thế đau khổ đến nhường này.
- Các vị có muốn bảo vệ cho cô ấy không? - ông nói tiếp với căn phòng xử án đang im lặng như tờ. - Một số sẽ nói có, số khác sẽ nói không. Đó là do quan điểm riêng của từng người. Nhưng Anna không bắt buộc phải nuôi đứa trẻ ấy; đó không phải là con đẻ của bà, bà không chấp nhận nó và cũng không muốn có nó. Khi đứa trẻ bị chết, do một tai nạn nào đó hoặc do sự sao nhãng của gia đình nông dân đã nhận nuôi nó, thì Anna chẳng có nghĩa vụ phải chịu một tí trách nhiệm nào cả, cũng giống như khi các vị đi qua một góc phố, trông thấy một cậu bé con đang run lên vì lạnh mà chỉ có mấy tờ báo quấn quanh người, song các vị lại nhìn đi chỗ khác. Hoặc là khi chúng ta gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi nằm ngủ lăn lóc trên vỉa hè nhưng lại bỏ mặc chúng và vội vã trở về căn nhà ấm áp của mình. Nếu chỉ vì thế mà Anna bị kết tội giết người, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ giết người.
Quinn kết thúc với một vẻ mặt nghiêm nghị và trong một lúc thật lâu căn phòng chìm trong im lặng. Rồi những tiếng rì rầm bàn tán bắt đầu rộ lên khắp phòng.
Đó là một màn độc thoại tuyệt vời, nhưng liệu nó có phải là một chiến thuật hay không nhỉ, Kurt tự hỏi. Chen xuống hàng ghế cuối cùng, anh chăm chú theo dõi phản ứng của công chúng. Rõ ràng trong đầu mọi người lúc này chỉ có một câu hỏi: “Cô ấy đã giết đứa trẻ bằng cách nào?”. Hầu như không có một người đàn ông hay đàn bà nào trong phòng xử án này lại không đọc những bài xã luận chết người trên tờ Ngôi sao Stellenbosch, và chẳng có ai lại không tin rằng Anna không cố tình gây ra cái chết của đứa trẻ nọ. Kurt mím chặt môi lại, tự dưng anh thấy ân hận vì đã chọn Quinn làm luật sư bào chữa.
Nhân chứng buộc tội chính của bên nguyên trong phiên tòa này là Sophie Jasmine. Cô ta đang được giữ trong “phòng bảo vệ”, nơi mà tất cả mọi người đều thừa hiểu rằng người ta đang cố sức làm cho cô ta tỉnh rượu. Hai bàn tay cô ta run bắn, khắp người vã đầy mồ hôi. Những tiếng thì thầm lại rộ lên khắp phòng khi Sophie được dẫn ra.
Viên thư ký kêu to đề nghị mọi người im lặng.
Bester chẳng để mất nhiều thời gian, vào đề luôn. Ông ta chỉ vào Simon và hỏi:
- Người đàn ông này có phải là cha đứa con đã chết của cô không?
- Vâng. - Cô ta trả lời.
Mọi người lại ồ lên với vẻ thích thú cho tới khi viên thư ký, vất vả lắm mới lấy lại được trật tự.
- Hãy kể cho chúng tôi nghe chính xác về những sự việc đã xảy ra đi. - Bester tiếp tục. - Bắt đầu từ những tình tiết đầu tiên.
Với một nỗ lực lớn, Sophie miêu tả về đoạn đời dài dằng dặc sống cùng với mẹ của Simon, một người đàn bà hiền hậu không bao giờ quên ban cho cô những mẩu bánh mì quệt mứt và những cốc sữa to hàng đêm khi cô trở về sau một ngày lẽo đẽo đi theo bầy gà tây để lượm trứng từ những chiếc ổ bí mật của chúng. Sau khi bà chết, chẳng còn ai cho cô bánh mì và mút nữa, chỉ có già Jan là người duy nhất đã chia sẻ những bữa ngô đạm bạc của mình cho cô. Cuối cùng, cô quyết định đi lên thành phố để kiếm lấy một việc làm. Cô đã nài nỉ xin ông chủ trẻ cho cô đi nhờ xe một đoạn. Cô miêu tả vụ cưỡng bức ở dọc đường bằng những lờ lẽ hết sức rõ ràng khiến không một ai có thể nghi ngờ sự thực trong đó. Rồi Sophie miêu tả tiếp việc cô đã mặc lại quần áo ra sao và đi nhờ được một lái xe khác như thế nào. Ra tới phố, cô kiếm được một chân hầu gái nhưng lại nhanh chóng bị sa thải bởi cô đã có mang và cái thai đã ngày một lớn dần. Sau đó, cô gặp một người đàn ông trong một quán bar gần bến cảng và người này đã đồng ý nuôi cô cho tới ngày đứa trẻ ra đời, nhưng đổi lại cô phải tham gia vào các phi vụ làm ăn của gã.
- Sophie, cô hãy kể cho tòa nghe xem chuyện gì đã xảy ra khi cô quay trở lại trang trại cùng với đứa trẻ?
- Bà ấy kia. - Sophie chỉ vào mặt Anna. - Mặt bà ta trắng bệch ra khi tôi cho bà ta xem mái tóc của đứa bé. Lúc đó tôi còn cứ tưởng là bà ta sẽ ngất xỉu đi cơ. - Cô ta dừng lại và sau đó nói thêm. - Tôi đã để đứa bé lại trong chuồng gà trong lúc bà ta đi vào làng.
Sophie nhìn chằm chằm vào bồi thẩm đoàn với vẻ ngờ vực. Rồi cô ta nói tiếp:
- Sau đó, khi tôi quay trở lại để đón con đi thì bà ta bảo với tôi rằng đứa bé đã chết. - Cô ta lại giơ tay chỉ thẳng vào Anna, khuôn mặt rúm lại trong một cơn giận dữ điên cuồng. - Tôi có cảm giác là bà ta nói dối, nhưng già Jan đã chỉ cho tôi thấy chỗ họ chôn đứa trẻ, vì vậy tôi quay trở lại Cape Town.
Simon thở dài, cảm thấy xấu hổ đến tuyệt vọng trước Anna và các con. Anna lúc này trông hệt như một bức tượng - người tái xanh với cặp mắt mở to trừng trừng, hai môi mím lại. Đột nhiên anh như chợt hiểu ra tất cả: Sự bình tĩnh lạnh lùng kia, vẻ cứng rắn ấy, tất cả chỉ là một chiếc mặt nạ che đậy nỗi khiếp sợ đang dâng đầy trong lòng cô ấy.
Quinn đứng dậy và bắt đầu chất vấn nhân chứng.
- Tại sao cô lại bỏ đứa trẻ lại trong chuồng gà hả Sophie? - Chất giọng nhẹ nhàng và phong thái điềm đạm của ông làm dịu đi nỗi sợ hãi của cô ta và một phần sự hung hăng trong lòng cô ta chợt lắng xuống.
- Nó sắp chết, - cô ta công nhận. - Tôi không có sữa, chẳng có tiền… - giọng cô ta trầm xuống. Cô ta đưa mắt nhìn về phía bồi thẩm đoàn, nhưng những khuôn mặt ở đó dường như không có cảm giác. - Những người da trắng, họ thông minh lắm. - Cô ta rền rĩ. - Họ có thuốc. Tôi nghĩ rằng bà ta sẽ cứu nó, nhưng bà ta đã không muốn cho đứa con của tôi được sống. - Cô ta bật lên khóc nức nở.
Khi cơn xúc động của cô ta đã dịu lại. Quinn hỏi tiếp:
- Cô có một cuộc sống khó khăn lắm phải không Sophie?
- Khó khăn khủng khiếp. - Sophie gật đầu.
- Cô đã sinh được bao nhiêu đứa con cả thảy?
Mắt cô ta nheo lại.
- Chỉ một đứa mà thôi. - Cô ta đáp.
- Thôi nào Sophie, tôi đã có trong tay một vài tờ giấy khai sinh đấy... - ông mở tập hồ sơ của mình ra và lục lọi trong đó. - Daniel, Gina…
- Chỉ có một, đứa mà tôi yêu nhất, - cô ta nói nhanh, - nhưng ngoài đứa đầu tiên ấy ra tôi còn có thêm ba đứa nữa.
- Tôi có tài liệu về bốn đứa trẻ ở đây, những đứa trẻ được chính cô đem đi khai sinh.
Sophie lôi từ trong túi ra một chiếc khăn bẩn thỉu, cô ta lau mặt vào đó.
- Bốn à? Tôi cũng chẳng nhớ nữa.
- Tôi không ngạc nhiên đâu, Sophie ạ. Nhiều năm đã trôi qua rồi mà. Hãy nói cho tôi biết, trong năm đứa con của cô, bao nhiêu đứa còn sống cho tới ngày hôm nay?
- Chỉ hai đứa. - Cô ta giận dữ đáp.
- Tôi tin rằng cô đã cho chúng đi làm con nuôi kể từ khi chúng còn ẵm ngửa. Có đúng vậy không?
- Tôi chẳng hiểu tại làm sao mà ông lại cứ hỏi tôi những câu hỏi mà dường như ông còn biết rõ câu trả lời hơn là con mụ Sophie già nua tội nghiệp này cơ chứ! - Cô ta rên lên.
- Sophie, cô hãy trả lời những câu hỏi người ta đặt ra cho cô. - Vị quan tòa nghiêm nghị nói.
Cô ta nhún vai tức tối.
- Cô cho chúng đi lúc chúng được mấy tuổi hả Sophie?
- Tôi không nhớ. Chúng còn rất bé, mà thời gian thì đã quá lâu rồi.
- Hai tháng tuổi hay sáu tháng tuổi? - Quinn vẫn kiên trì hỏi tiếp.
- Hai tháng. - Cô ta giận dữ đáp lại.
- Không, không phải vậy đâu, Sophie ạ. Một đứa được cho đi làm con nuôi lúc nó một tuổi sau khi được chữa khỏi vết bỏng độ hai trong một bệnh viện nhi, còn đứa kia, cô bị tòa án tước quyền nuôi nó khi nó còn đỏ hỏn cũng trong thời gian đó.
- Tôi không nhớ. - Cô ta lầm bầm.
- Nào, bây giờ chúng ta hãy nói về Daniel Jasmine, đứa con trai duy nhất đã chết của cô. Nó được mấy tuổi khi nó chết nhỉ?
- Chỉ vài tháng. - Cô ta giận dữ kêu lên. - Nó bị ngã.
- Không phải, cô lại trả lời sai rồi. Nó chết vì bệnh viêm phổi lúc vừa tròn một tuổi.
Sophie bắt đầu càu nhàu trong miệng nhưng Quinn vẫn không hề tỏ ra nao núng.
- Hãy nói cho tôi biết đi Sophie, hiếm khi mà một người mẹ bị cạn sữa ngay sau khi sinh con lắm phải không, đặc biệt là một phụ nữ khỏe mạnh như cô. Tôi cho rằng đứa trẻ phải được gần hai ba tháng tuổi rồi khi cô bỏ rơi nó lại chuồng gà của cô van Achtenburgh-Smit.
Bester phản đối gay gắt với người phụ tá của mình rằng Quinn đang gần như biến Sophie thành nhân chứng của chính ông. Quinn dồn dập tra hỏi Sophie trong suốt một tiếng đồng hồ tiếp theo và cho tới khi ông ta kết thúc thì chẳng còn một ai trong bồi thẩm đoàn tin vào lời tuyên bố của Sophie rằng con gái của cô ta Lettie, chỉ mới vài ngày tuổi bị bỏ rơi trong chuồng gà của Anna nữa.
Cuối cùng, Sophie gục xuống trong một con khóc nức nở.
- Tôi đã kết thúc việc thẩm vấn nhân chứng, thưa quý tòa. - Quinn nói và Bester cho phép Sophie rút lui.
Tiếp theo, Bester cho gọi Mẹ Bề trên ra và yêu cầu bà ngồi vào chiếc ghế của nhân chứng. Bà bình thản thuật lại với tòa về chuyến viếng thăm của Anna cùng với một đứa bé gái nhỏ mà Anna muốn gửi vào trại trẻ của bà, nhưng cuối cùng cô ta đã vồ lấy đứa trẻ bế lên khỏi cũi và bỏ chạy một mạch.
Thẩm vấn Mẹ Bề trên, Quinn đưa ra một chi tiết là đứa trẻ đã được ủ ấm khỏi cái rét cắt da cắt thịt lúc đó.
- Nói cách khác, - ông hỏi, - người bị kiện hôm nay có thừa cơ hội để bỏ mặc cho đứa trẻ chết một cách tự nhiên mà không cần phạm tội hay không?
- Tôi cho là cô ta rất yêu trẻ, - Mẹ Bề trên trả lời. - Có lẽ cô ta không thể buộc mình phải xa đứa bé đó được.
- Bà đã tuyên bố rằng đứa trẻ lúc đó ít nhất được ba tháng tuổi - Quinn tiếp tục. - Và bà cũng tuyên bố rằng nó được ủ kỹ trong một ngày gió lớn. - ông dừng lại và chăm chú nhìn vào mặt bà. - Tôi đặt vấn đề đó ra với bà là bởi vì khó có ai, kể cả một bác sĩ lại có thể đoán chính xác tuổi của một đứa trẻ sơ sinh đang được ủ ấm trong một đống chăn bông.
- Tôi đã nói là khoảng ba tháng. - Mẹ Bề trên lạnh lùng đáp lại.
- Bà có dám thề rằng đứa trẻ đó nhiều hơn hai tháng rưỡi tuổi không?
- Không, tất nhiên. Làm sao tôi biết chắc được? - Trông bà có vẻ như đang phát cáu.
- Hai tháng à?
- Tất nhiên là hơn hai tháng rồi. - Lúc này bà đã quả quyết hơn.
- Vậy là bà thừa nhận rằng bà không chỉ ra được tuổi chính xác của một đứa trẻ trong vòng một tháng hay là sáu tuần?
- Đó tất nhiên không phải là một đứa bé vài ngày tuổi rồi. - Mẹ Bề trên quàu quạu trả lời.
- Tôi chỉ hỏi có thế.
- Cám ơn bà, thưa Mẹ Bề trên, bà có thể rút lui được rồi. - Bester bảo bà.
Mẹ Bề trên rời đi trong tiếng sột soạt của tà áo choàng hồ cứng.
Bester cho gọi bác sĩ Ben Whysall. Đó là một ông già đã hơn tám chục tuổi, đi tập tễnh vì bệnh viêm khớp và phải có người dìu tới ghế ngồi của nhân chứng. Ông ta dường như đang phải chịu đựng một cơn đau tức ở ngực và phải thở hổn hển một cách khó nhọc khiến cho ai nấy tham dự phiên tòa cũng đều phải thương cảm.
Ông bác sĩ kể lại rằng Anna đã gọi điện cho ông ta vào đêm ngày 15 tháng Hai năm 1939, nhưng ông ta không muốn rời nhà tới tận trang trại trong đêm giá buốt. Cuối cùng, Anna đành phải lái xe tới cùng với đứa bé, đánh thức ông ta dậy và nài nỉ ông ta chữa chạy cho nó, nhưng ông ta đã từ chối.
- Hồi đó có tới hàng tá đứa trẻ bị bỏ rơi, làm sao tôi lo xuể. - ông ta giải thích. - Có quá nhiều phụ nữ cứ đeo bám lấy những người đàn ông đánh cá, rồi sau đó lại vứt những đứa trẻ vô thừa nhận vào các trang trại. Chà, tôi là một bác sĩ, tôi đâu có điều hành một trại tế bần. - Giọng ông ta đuối dần.
- Kể từ sau hôm đó tôi chẳng gặp lại cô ta một lần nào nữa. - Whysall tiếp tục sau một trận ho rũ rượi. - Nhưng cũng có một hôm tôi trông thấy cô ta vào làng. Tôi đã hỏi thăm xem đứa trẻ ra sao nhưng cô ta bảo với tôi rằng đã đưa nó tới bệnh viện và nó đã chết ở đó. Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào. - ông ta nói.
Một làn sóng những liếng rì rầm đáng lo ngại chạy lan khắp phòng xử án. Mắt của Anna như bị ghim chặt xuống đôi bàn tay đang bíu lấy hàng lan can bằng gỗ trước mặt cô. Cô không muốn nhìn về phía những người thân của mình.
Quinn bước tới bên chiếc ghế của nhân chứng.
- Ông có thể mô tả lại cho bồi thẩm đoàn đây nghe về tình trạng của đứa trẻ kia khi Anna mang nó tới chỗ ông không?
- Chà, để tôi nhớ lại xem nào… Nó đang ở giai đoạn cuối của sự mất nước. - Whysall đáp. Ông ta liếc nhìn sang chỗ Anna và cau mặt. - Cô ta đã làm hết sức những gì có thể. Lau rửa cho nó, mặc cho nó một bộ quần áo mềm, thoa thuốc mỡ. Cô ta bảo với tôi rằng khi cô ta cho nó ăn thì tất cả mọi loại thức ăn đều bị nôn ra hết. Đôi khi cũng có những trường hợp như vậy xảy ra mà. Đứa trẻ dị ứng với sữa bò tươi, sữa hộp hoặc bất kỳ thứ thực phẩm dành cho trẻ em nào khác. Anna, tức là bà van Achtenburgh-Smit đây, đã thử tất cả các loại - ông ta nhìn lên những khuôn mặt bằng đá trên bồi thẩm đoàn.
Họ nhìn trở lại không biểu lộ cảm giác.
Trong phần thẩm vấn, Quinn cố gắng chỉ ra rằng đứa trẻ chắc chắn sẽ phải là một con người vô cùng yếu ớt nếu như nó sống sót được qua ba tháng đầu đời. Ông cố gắng bẻ gãy lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột của bác sĩ Whysall về tuổi của đứa bé nhưng ông bác sĩ vẫn cứ nhất nhất cho rằng đứa trẻ mới chỉ vài ngày tuổi và không thể sống nổi nếu thiếu đi một bầu sữa mẹ. Quinn đành từ bỏ và Bester để cho nhân chứng được ra về.
Bồi thẩm đoàn tỏ ra hết sức bối rối: đầu tiên là một hài nhi ốm yếu gầy còm ở nhà ông bác sĩ, sau đó lại là một đứa bé gái mũm mĩm hồng hào theo lời miêu tả của Mẹ Bề trên ở trại trẻ mồ côi.
Tiếp theo, Bester cho gọi William Rose ra và để cho hắn thuật lại từng bước một tấn thảm kịch dẫn tới phiên tòa này. Rose nói ngắn gọn, súc tích, chỉ ra rằng Anna đã cố tình lừa dối hắn, lúc đầu kể ra một câu chuyện nhưng sau đó lại kể một câu chuyện khác đi hoàn toàn và bởi vì rằng Anna cứ có vẻ lẩn tránh sự thực nên hắn buộc phải mở một cuộc điều tra trên báo chí.
Cuộc thẩm vấn của Quinn với Rose dường như quá ngắn gọn và không đem lại hiệu quả đúng với mong muốn của Kurt. Ông chỉ cố gắng vạch ra rằng chiến dịch báo chí của Rose là do có động cơ chính trị thúc đẩy.
Sau bữa ăn trưa, trung sĩ cảnh sát Fourie thế chỗ vào đó, phân tích sự thật về những câu chuyện hết sức mâu thuẫn mà Anna đã kể ra và giải thích lý do tại sao cảnh sát lại quyết định mở cuộc điều tra đối với vụ án này.
Bester hỏi Fourie cặn kẽ về cuộc khai quật ngôi mộ đứa trẻ. Nhân chứng này kể lại câu chuyện của anh ta một cách đơn giản và rõ ràng là đã gây được ấn tượng mạnh với bồi thẩm đoàn nhờ lòng nhiệt tình cùng phong cách thẳng thắn. Một vài người trong phòng xử án đã bật khóc thổn thức khi anh ta miêu tả tới đoạn Sophie đã ngất xỉu như thế nào khi cô ta trông thấy chiếc sọ bị nứt toác của đứa trẻ.
Tới lượt Quinn, ông hỏi Fourie rằng điều gì đã khiến anh ta tin rằng đó chính là sọ của đứa trẻ có tên là Lettie Jasmine.
- Chẳng có gì là khó hiểu hết cả. - Fourie trả lời. Chúng tôi chỉ khai quật ngôi mộ nơi mà mười tám năm về trước bà Smit đã bảo với Sophie là đã chôn đứa trẻ ở đó.
- Anh có dám chắc rằng Sophie đã nhớ chính xác vị trí của một ngôi mộ không hề được đánh dấu sau mười tám năm hay không, nhất là khi lúc đó cô ta đang trong tâm trạng đau đớn tột cùng?
- Chúng tôi đã tìm được bộ xương, có phải vậy không nào? - Fourie khinh khỉnh vặn lại.
Quinn xoay vần Fourie trong suốt một giờ đồng hồ sau đó nhưng vẫn không làm lay chuyển được sự quả quyết của anh chàng trung sĩ cảnh sát.
Ngày xử án đầu tiên trôi qua, tất cả mọi người dường như đều đã bị mụ mẫm đi trong một trạng thái căng thẳng. Anna rõ ràng là đã kiệt sức, gần như quỵ hẳn, và mọi người trong gia đình đều buồn bã nhìn theo khi cô bị dẫn vào xà lim. Sự bảo lãnh đã hết hiệu lực - thật là một điềm gở. Họ mệt nhọc lê bước ra xe. Anton vội vã chạy theo họ, anh vòng tay ôm lấy người Katie và cố gắng an ủi cô bé.
- Nhặng xị lên vì một đứa trẻ da đen, chết từ mười tám năm về trước, thật lố bịch! - Anh nói. - Ai thèm quan tâm chứ! Anh cam đoan với em rằng không phải là bồi thẩm đoàn rồi. Cái lũ da đen mọi rợ ấy…
- Suỵt, Anton. - Katie lo lắng ngắt lời. Những quan điểm phân biệt chủng tộc của Anton chính là điều mà cô đang phải cố giấu giếm mọi người trong gia đình, tuy trong thâm tâm cô thầm nhất trí với anh.
- Thôi, chúng ta đi ăn tối đi. - Cô giục.
Anton lắc đầu.
- Anh không thể, em yêu ạ. Anh phải đưa mẹ về nhà. Nhưng em không được nản chí, nghe chưa? - Anh hôn nhẹ vào má cô bé rồi vội vã chạy đi.
Mặt của Simon đanh lại. Katie biết rằng cha mình không mấy ưa Anton. nhưng đó chỉ là sự cảnh giác ban đầu đối với cậu con rể tương lai mà thôi. Simon cứ việc giữ lấy suy nghĩ đó cho riêng mình.
Chỉ có mình Katie ngồi ăn bữa tối. Acker nán lại ngoài chuồng ngựa còn cha thì tự nhốt mình trong phòng ngủ. Tất cả mọi người đều đang rất đau khổ và sợ hãi.
Khi phòng xử án mở cửa vào tám giờ sáng ngày hôm sau, những chỗ ngồi nhanh chóng được lấp kín. Và khi Anna xuất hiện thì lập tức mọi người đều nhận ngay ra rằng suốt đêm qua cô không hề chợp mắt chút nào. Khuôn mặt phờ phạc, hai quầng thâm to xuất hiện dưới mắt, trông cô mới căng thẳng làm sao.
Bester đưa mắt nhìn Anna đang túm chặt lấy chiếc khăn tay ướt sũng, trong lòng phấn khởi vì lạc quan. Cô ta chính là một nhân chứng khốn khổ ở ngay trong phiên tòa xét xử mình. Ông ta hầu như không thể chờ cho tới khi tòa bắt Anna đứng lên được. May mắn lắm thì cũng phải lĩnh án mười năm tù.
Người được gọi lên làm chứng tiếp theo là bác sĩ James Smythe, một chuyên gia pháp y nổi tiếng, người đã khám nghiệm và tuyên bố rằng vết nứt trên chiếc xương sọ ấy là do bị ngã hoặc do một cú đập cố ý. Smythe là người đàn ông nhỏ thó, tính nết tỉ mỉ với một giọng nói quá nhẹ nhàng. Hầu như không một ai có thể nghe rõ được ông ta đang nói gì.
Tới lượt Quinn chất vấn, ông không ngừng yêu cầu vị bác sĩ pháp y nói to lên.
- Trong phạm vi khả năng của mình, ông có dám tuyên bố rằng đứa trẻ có thể chịu đựng được một cú đánh dẫn đến tình trạng nứt xương sọ như vậy mà lại sống được qua một ngày, thậm chí là tới vài ngày hay không?
- Ồ, có chứ, tất nhiên là có thể như vậy. - Smythe trả lời. - Điều này cũng thường xảy ra. Đứa trẻ có thể vẫn tỉnh táo hoặc không. Cũng khó mà kết luận được rằng não có bị tổn thương hay không nếu không cho chụp X-quang.
- Ông có thể nói to hơn và nhắc lại điều đó với bồi thẩm đoàn được không? - Quinn nói, ông ném một cái nhìn hài lòng về phía họ nhưng lại nhận thấy rằng hầu hết những người trong bồi thẩm đoàn đều đang tỏ vẻ thất vọng. Có lẽ họ đã có trong đầu lời kết tội của mình.
Katie xoắn chặt chiếc khăn mùi soa của mình một cách căng thẳng ở hàng ghế đầu. Người Anna như sắp sụp xuống vì sợ hãi. Katie tự hỏi liệu Kurt có đúng khi chọn Quinn làm luật sư bào chữa hay không. Có vẻ như ông ta đã không thành công trong việc thuyết phục mọi người tin rằng mẹ cô vô tội. Thậm chí ngay cả cô, tuy trong lòng vẫn cảm thấy áy náy, nhưng cũng tin rằng Anna đã làm một điều gì đó không phải. Thỉnh thoảng cô liếc qua vai nhìn xuống phía Anton. Trông anh có vẻ đã bắt đầu lo lắng.
- Vậy có khả năng là đứa trẻ đã bị thương trong trường hợp người mẹ bị ngã khi bế nó ra ngoài chuồng gà hay không? Rồi sau đó nó đã sống thêm được một ngày hoặc hơn thế nữa trong sự chăm sóc của Anna trong khi bà ấy không hề hay biết tí gì về vết thương trong não đó?
- Vâng, cũng có thể là như vậy. - Bác sĩ Smythe nói.
Tất cả mọi người đều đang chờ đợi cho tới lúc Anna được yêu cầu đứng dậy. Người cô tái xanh đến tội nghiệp. Mọi người tham dự phiên tòa bắt đầu rì rầm bình luận về sự thiếu kiên quyết của Anna. Họ lại càng thất vọng hơn khi Bester cho gọi già Jan ra làm chứng.
Chẳng một ai có thể xác định được họ của Jan là gì, vì vậy Bester gắn luôn cho già cái họ “Smit” của gia đình đã cưu mang già trong suốt bao năm nay.
Jan yếu hơn người ta tưởng rất nhiều, già phải có người dìu mới tới được chỗ của nhân chứng, đứng vào đó, người run lẩy bẩy và cái miệng không răng cứ nhai tóp tép. Tuy nhiên già vẫn ăn mặc chỉnh tề trong bộ quần áo màu xám sạch sẽ với một cái cổ áo hồ cứng và cà vạt đen tuyền.
Nhìn già, Katie lại càng căng thẳng. Thanh danh của cha cô đã bị phá hủy, lẽ nào giờ lại đến lượt mẹ cô?
Acker đặt một bàn tay lên vai em gái.
- Mọi việc rồi sẽ ổn thôi, Katie ạ. - Cậu nói, nhưng Katie biết là không phải thế. Cô không tài nào rũ khỏi đầu mình cái suy nghĩ rằng gia đình cô vậy là đã gặp phải tai họa thực sự rồi.
Khi Bester thúc giục Jan đưa ra lời chứng, ông lão tội nghiệp do dự và nhìn Anna chăm chăm. Cuối cùng, cô đành gật đầu với già như thể khuyến khích già nói. Những tiếng rì rầm lại rộ lên và một thành viên trong bồi thẩm đoàn bắt đầu vội vàng viết một điều gì đó vào quyển sổ của ông ta.
Quinn thở dài. Chỉ có mình Anna và già Jan là biết sự thực. Ông kiên nhẫn chờ đợi trong khi Jan mô tả Sophie đã được nuôi lớn trong trang trại ra sao, và cô ta đã quay trở lại mang theo đứa trẻ, bỏ nó lại trong chuồng gà như thế nào. Rồi cô chủ đã chăm nom đứa bé trong mấy ngày sau đó cho tới một buổi sáng thì nhìn thấy nó đã chết trong chiếc cũi nhỏ. Cô đã gọi già Jan tới và đem đứa trẻ đi chôn. Già đã làm đúng như vậy và sau đó khi Sophie quay trở lại trang trại, già đã chỉ cho cô ta tới chỗ ngôi mộ.
Cuối cùng, Bester ngồi xuống, vẻ hài lòng hiện rõ ra mặt.
Quinn bắt đầu nhẹ nhàng, tựa như ông đang nói với một đứa trẻ vậy.
- Jan này, già đã biết cô chủ từ rất lâu rồi phải không? - ông hỏi.
- Vâng, - Jan trả lời. - Lâu, lâu lắm rồi.
- Trông cô ấy ra sao khi lần đầu tiên già gặp cô ấy?
Khuôn mặt của Jan sáng bừng lên, cặp mắt bỗng trở nên lấp lánh.
- Cô ấy rất đẹp, - già nói. - Giống như một thiên thần trong Kinh thánh vậy. Cô ấy dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và mua cho tôi những bộ quần áo mới.
- Hai người luôn làm việc cùng nhau, phải không nào?
- Vâng. - Jan có vẻ rất hào hứng với đề tài này. - Chúng tôi xây chuồng gà. Hồi đó chúng tôi làm việc chăm chỉ lắm. Cô chủ và tôi luôn ở bên nhau.
- Jan, già hãy nói cho chúng tôi nghe về cái ngày mà Sophie tới để đón đứa bé đi. - Quinn bắt đầu.
Jan nhắm mắt lại, người già cứ đu đưa từ đằng trước ra đằng sau.
- Lâu lắm rồi, tôi chả nhớ nữa.
Quinn thở dài. Ông đề nghị được mang nước tới chỗ nhân chứng.
- Jan này, - Quinn tiếp tục, cố gắng nhẹ nhàng hơn nữa. - Già yêu quý cô chủ lắm phải không?
Jan gật đầu.
- Vâng. - Già nói sau một hồi yên lặng. - Tôi rất mến cô chủ, tôi nhớ những ngày xưa lắm. Dạo này tôi ít khi được gặp cô ấy.
- Chà Jan ạ, cô ấy có quá nhiều việc phải làm mà, nhưng cô ấy vẫn chăm nom già chu đáo chứ, phải không?
- Vâng. - Già đáp.
- Già có một túp lều riêng ở trong trang trại phải không?
Đầu già Jan gật mạnh.
- Jan ạ, cô chủ của già đang gặp phải một khó khăn, - Quinn tiếp tục - Cô ấy đang có nguy cơ bị kết tội giết người. Già có hiểu như vậy nghĩa là sao không hả?
Jan bắt đầu lúng búng trong miệng.
- Mọi người ngồi đây đều nghĩ rằng cô chủ của già đã giết chết đứa con của Sophie. Như vậy có đúng không Jan?
Vị quan tòa ngả hẳn người ra phía trước, mày cau lại.
- Dường như là ông không hiểu được những lý lẽ của mình rồi. Dường như ông đang cố buộc tội cho chính thân chủ của mình đấy. - Giọng ông ta sắc lạnh.
- Thưa quý tòa, tôi chỉ muốn gây sức ép với già Jan để già ấy nhận thức rõ được mối nguy hiểm đang chực đổ ập xuống đầu thân chủ của tôi thôi mà. Có như vậy may ra Jan mới nhớ ra được một điều gì đó.
- Tôi đã nói lất cả những gì mà tôi biết. - Jan nói nhanh.
Quinn nhìn lên phía quan tòa.
- Thưa quý tòa, nếu như ngài cho phép tôi sử dụng một phương pháp không chính thống thì tôi tin rằng mình sẽ thuyết phục được nhân chứng này thay đổi lại lời khai của ông ta và nói ra sự thực. Suy cho cùng thì đó cũng là điều mà phiên tòa này mong muốn cơ mà.
Vị quan tòa nghiêm nghị gật đầu. Anna bấu chặt lấy hàng lan can phía trước.
- Jan. - Cô kêu lên, cuối cùng thì không giữ nổi bình tĩnh nữa. - Đừng nói với họ, tôi xin già đấy. Đừng nói!
Cả căn phòng rộ lên huyên náo cho tới khi chính ngài quan tòa phải hét lên:
- Mọi người trật tự, nếu không thì xin mời ra ngoài hết đi!
Anna tuyệt vọng nhìn về phía Quinn.
- Tôi đề nghị… - Cô bắt đầu nói nhưng rồi lại dừng lại, người như mụ đi.
Đối với Katie, Anna lúc này trông hệt như một con thú ngoài vịnh: cặp mắt hoang dã mở trừng trừng, tay bíu chặt vào hàng lan can bằng gỗ. Cô bé lôi từ trong túi ra một chiếc khăn mùi soa và bắt đầu lau nước mắt. Cô cảm thấy cánh tay của Acker đang dang ra ôm choàng lấy mình.
Quinn cũng rút khăn lau trán và quay lại phía Jan.
- Cô Smit tội nghiệp, - ông nói. - Jan, già có biết mức án dành cho tội giết người là gì không?
Jan quay ra nhìn xung quanh, trong giây lát ánh mắt của già dừng lại ở chỗ Katie.
Tại sao già ấy lại nhìn mình chằm chằm vậy nhỉ? Katie tự hỏi vì cô nhận thấy rõ vẻ ngập ngừng trong ánh mắt ấy.
- Jan, già có biết chuyện gì sẽ xảy ra với cô chủ không nếu như già không chịu nói ra cho tòa biết sự thật? - Quinn vẫn kiên trì hỏi tiếp.
Jan bướng bỉnh nhìn đi chỗ khác.
- Cô ấy sẽ bị đưa lên một chiếc xe kín mít và bị chở đến một nhà tù đặc biệt. Họ sẽ quấn quanh cổ cô ấy bằng một sợi dây thừng và treo ngược lên cho tới khi cô ấy tắt thở.
Katie hét lên. Anton vội choàng tay ôm chặt lấy người cô và nhìn sang Quinn bằng cặp mắt tóe lửa rồi lại quay trở lại thương cảm nhìn mọi người trong gia đình.
Trong khi quan tòa đang lên tiếng khiển trách Quinn vì những lời nói cường điệu ấy thì có tiếng la ó chạy quanh khắp phòng.
Jan gục xuống và vùi mặt vào lòng bàn tay. Khi già ngẩng lên. người la trông thấy những giọt những mắt lấp lánh trong mắt của già.
- Jan, già đã nói dối phải không?
Ông lão tội nghiệp gật đầu.
- Già biết chuyện gì đã xảy ra, phải không?
- Vâng. - Già nói.
Đột nhiên, cả căn phòng chợt trở nên im lặng như tờ. Katie nghe rõ cả tiếng chim hót trên cành cây bên ngoài cửa sổ và liếng kêu tích tắc của những chiếc đồng hồ treo dọc dãy hành lang.
- Chuyện gì đã xảy ra với đứa con gái của Sophie hả, già Jan? - Quinn nhẹ nhàng hỏi tiếp.
- Cô chủ không giết nó. - Jan chậm rãi bắt đầu. Già liếc về phía Anna, có vẻ hơi ngập ngừng đo dự. Cặp mắt của cô nhìn già như cầu khẩn van nài già hãy im lặng.
Già quay mặt đi chỗ khác, nhìn Katie, Acker và cả Simon. Rồi già quay về phía Quinn.
- Cô ấy đã nuôi nó như chính con đẻ của mình. - Tay già chìa ra, một ngón trỏ vào Katie.
“Già ấy bị điên mất rồi! - Katie lẩm bẩm. - Lẩn thẩn đến thế là cùng! Sao lại chỉ vào mình cơ chứ?”.
- Cô ấy đã cho nó bú dòng sữa của mình để giữ cho nó được sống. - Jan nói tiếp. - Nhưng sau đó cô ấy không thể xa rời nổi đứa bé, do vậy khi ông chủ trẻ trở về, cô ấy đã nói dối đó là hai đứa trẻ sinh đôi. Cô ấy sợ ông chủ sẽ nổi giận, các ông hiểu không? - Già gật đầu với Simon. - Tôi đã trông thấy ông chủ đánh cô ấy nhiều lần lắm rồi. Ông chủ chẳng bao giờ đoán ra sự thật và già Jan này cũng không bao giờ nói cho ông ấy biết. - Già cười to.
Đối với Katie, tiếng cười ấy dường như vọng lên từ dưới âm phủ. Đột nhiên, cô bé thấy mọi thứ trước mắt mình chao đảo như trong một cơn ác mộng. Mình? Con gái của Sophie? Không bao giờ! Trời ơi, kinh khủng quá?
- Chà, tôi biết là cô chủ không thích điều đó, - Jan nói như muốn xin lỗi tất cả mọi người đang ngồi im phăng phắc vì sững sờ. - Cô chủ dặn tôi không bao giờ được nói ra. Katie sẽ bị tổn thương… - Già nhìn Simon nài nỉ. - Cô chủ sẽ rất tức giận, đúng vậy. Chỉ mới tuần trước thôi cô ấy còn bắt tôi phải hứa là sẽ không nói cho ai biết chuyện này. - Già đưa mắt nhìn khắp lượt căn phòng, nước mắt rỏ lã chã trên má. Già nhìn lên phía bồi thẩm đoàn. - Nhưng như vậy còn hơn là cô chủ bị treo cổ, phải không?
Thình lình, căn phòng trở nên náo động lạ thường. Người thư ký phải kêu lên tới ba lần.
- Mọi người trật tự, nếu không phiên tòa này sẽ bị hủy bỏ.
Đứng trong vành móng ngựa, Anna bật khóc thổn thức.
Katie ôm choàng lấy cổ Simon.
- Không phải vậy, như thế không đúng, phải không cha?
Nhưng Simon lại chỉ biết đưa cặp mắt thất thần hết nhìn Sophie lại nhìn Katie.
Katie càng hoảng loạn.
Tại sao người ta lại nhìn cô một cách lộ liễu thế kia? Từ trước tới giờ cô vẫn là một người quá kiêu hãnh. Cô không hề chuẩn bị tinh thần cho một tình thế nhục nhã bẽ bàng đến thế này. Cô, niềm ganh tị của những người hàng xóm, thông minh, xinh đẹp, có tài, giàu có - giờ bị giáng xuống vị trí của một đứa con nuôi đáng thương hại, con gái của một mụ điếm đa đen suốt ngày say khướt.
Da đen!
Mọi thứ trong cô sụp đổ hoàn toàn. Katie giơ hai bàn tay lên, săm soi chúng như thể đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy chúng. Màu da tái nhờn nhợt này, từ đâu nó tới vậy? Con thuyền nào đã đưa một hạt giống ngoại lai tới Vịnh Table và gửi nó ở đó? Cô có cảm tưởng như mình đang bị giữ chặt, bị lột trần ra cho đám đông soi xét. Ôi xấu hổ quá! Cô quay sang bíu lấy người Anton nhưng anh đã đứng dậy và đẩy cô ra. Trên khuôn mặt của anh ta là một vẻ sững sờ và có cả một chút gì đó… ghê tởm.
Anton chạy vội về phía sau. Katie trông thấy mẹ anh, một bóng áo lụa màu xanh và một mái tóc vàng nhạt, lặng lẽ lẩn ra ngoài cửa theo sau là cậu con trai quý tử của bà ta.
Đột nhiên, có một bàn tay đặt nhẹ lên vai cô, một hơi thở nồng nặc mùi rượu. Cô hơi quay người lại, trống ngực nện thình thình.
Đó là Sophie, bàn tay của cô ta siết mạnh thể hiện quyền sở hữu.
- Con gái nhỏ của ta. - Cô ta nói. Chẳng có chút biểu lộ tình cảm gì trong câu nói ấy cả. Đó chỉ đơn thuần là một lời tuyên bố.
Acker đứng bật dậy, chen vào giữa, nhưng cô ta điên cuồng hất cậu sang một bên. Với một chút nỗ lực cuối cùng còn sót lại, cộng thêm sự xấu hổ ê chề, Katie thở dốc và bỏ chạy một mạch ra khỏi phòng xử án.
Khi trật tự đã được lập lại tại phiên tòa, Anna ngừng khóc và lấy khăn lau nước mắt.
- Nào, bây giờ thì các người đã hài lòng chưa hả? - Cô nói bằng giọng lạnh lùng và khô khốc.
Quinn quay lại nhìn già Jan lúc này cũng đang khe khẽ thổn thức, ông không dám đưa mắt về phía Anna.
- Jan, già có biết đứa trẻ nào được chôn trong ngôi mộ ấy không? - ông hỏi.
- Hãy hỏi Sophie ấy, - già đáp. - Có một lần tôi bắt gặp cô ta ở cạnh ngôi mộ đó mà.
- Tôi không hỏi gì thêm thưa quý tòa. - Quinn nói.
Bester đứng lên, mặt mày cau có hung bạo khiến cho Jan mất hết cả hồn vía.
- Jan, tôi sẽ trình ra tòa lời ông đã khai với cảnh sát, có cả dấu điểm chỉ của ông đây. - ông ta nói và bắt đầu đọc to. Sau khi đọc xong bản khai đó, ông ta nói tiếp. - Vậy là ông thừa nhận rằng mình đã nói dối; rằng sự thực thì đứa trẻ vẫn còn sống và được bà Anna van Achlenburgh-Smit nuôi nấng như con đẻ của mình; và rằng ông đã lừa dối Sophie khi chỉ cho cô ta một ngôi mộ trống rỗng?
Jan lẩm bẩm với vẻ khổ sở, nhưng chẳng còn ai có chút nghi ngờ nào nữa về sự thật của vụ án này.
Khi già Jan đã rút lui rồi, Quinn đứng dậy.
- Thưa quý tòa, tôi cho là bên nguyên đã thất bại trong việc đưa ra lời buộc tội và đơn kiện thân chủ tôi, bà Anna van Achtenburgh-Smit đã bị bác bỏ.
Năm phút sau, phiên tòa được giải tán. Anna bước ra khỏi phòng xử án với Simon và Acker đi kèm hai bên. Những lời chúc mừng òa tới khiến cho cô còn bối rối hơn cả những lời la ó khi trước.