Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 1

     gười chết ra đi. Người sống ở lại. Bà Lý Lan buông tay về chầu Phật ở Tây Thiên, đi trên con đường âm phủ dài dằng dặc, tìm hơi thở của ông Tống Phàm Bình đã mất trong cõi âm hồn mênh mông, không biết hai đứa con trai phiêu bạt nơi nào ở trần gian.
Ông nội Tống Cương bước sang tuổi già như ngọn nến sắp tàn trước gió. Lão địa chủ nằm liệt giường, mấy ngày mới húp vài hớp cháo, uống vài ngụm nước, gầy chỉ còn da bọc xương. Lão địa chủ biết mình sắp ra đi, cứ kẻo tay cháu nội nhìn ra ngoài cửa không chịu buông. Nhìn ánh mắt, Tống Cương hiểu ý ông nội nói gì. Thế là những buổi chiều tối không mưa gió, Tống Cương cõng ông đi thong thả một lượt đến từng gia đình trong thôn. Lão địa chủ nhìn từng khuôn mặt quen thuộc như có ý chào từ biệt. Sau khi đến đầu thôn, Tống Cương đứng dưới gốc cây du. Ông nội ôm lưng cháu. Bên cạnh là mộ của bố Tống Phàm Bình và mẹ Lý Lan. Hai ông cháu im lặng nhìn ráng chiều mất hút ở đằng tây.
Tống Cương cảm thấy cõng ông trên lưng nhẹ bỗng như một bó củi nhỏ. Tối nào từ đầu thôn về nhà, khi Tống Cương đặt ông xuống, ông cứ như đã chết, không hề nói một tiếng. Nhưng sáng hôm sau mắt ông lại từ từ mở ra theo ánh nắng ban mai. Ánh sáng của mạng sống loé lên. Ngày nối tiếp ngày, lão địa chủ đường như đã chết, nhưng thật ra là đang sống. Ông nội Tống Cương đã không còn sức mà nói, cũng không còn sức mỉm cười. Trong buổi hoàng hôn ngày định mệnh, dưới gốc cây du đầu thôn, bên mộ Tống Phàm Bình và Lý Lan, lão địa chủ đột nhiên ngẩng đầu mỉm cười. Tống Cương không trông thấy ông mỉm cười, chỉ nghe tiếng thì thào bên tai:
- Khổ cho đến tột cùng rồi.
Lão địa chủ gục đầu trên vai Tống Cương không hề nhúc nhích, y như ngủ. Tống Cương vẫn cõng ông đứng một chỗ, nhìn con đường mòn thông ra thị trấn Lưu mờ dần trong màn đêm buông xuống, quay người đi vào thôn dưới ánh sáng trăng. Tống Cương cảm thấy đầu ông cũng đung đưa theo nhịp bước. Về đến nhà, cũng như mọi ngày, Tống Cương cẩn thận đặt ông lên giường, đắp chăn cho ông tử tế. Đêm ấy lão địa chủ hai lần khẽ mở mắt, định nhìn cháu nội mình. Nhưng ông chỉ nhìn thấy bóng đêm đen ngòm yên ắng, sau đó lão vĩnh viễn nhắm mắt.
Sáng sớm, sau khi thức dậy, Tống Cương không biết ông nội đã qua đời, suốt cả một ngày cũng không biết. Lão địa chủ nằm im lặng trên giường, không ăn, không uống. Cảnh tượng này diễn ra nhiều lần, Tống Cương đã quá quen, không chú ý. Đến tối Tống Cương vẫn cõng ông trên vai. Cậu cảm thấy người ông cứng đơ. Khi bước ra khỏi nhà đầu ông tụt khỏi vai. Cậu đưa một tay đỡ rồi đặt tử tế lên vai mình, tiếp tục đi qua trước cửa từng gia đình trong thôn. Đầu ông nội vẫn tiếp tục xóc theo nhịp bước, cứng nhắc trên vai cậu, y như một hòn gạch xô đi xô lại. Khi đi đến đầu thôn, Tống Cương chợt cảm thấy điều gì, cái đầu lắc lư của ông nội tụt khỏi vai mấy lần. Tống Cương thò tay ra phía sau, sờ lên khuôn mặt lạnh giá. Rồi cậu đứng dưới cây du, giơ tay ra sau vai, để sát vào mũi ông, lâu lắm không thấy hơi thở. Cậu cảm thấy tay mình lạnh đi. Bây giờ cậu mới biết ông đã chết thật.
Buổi sáng hôm sau, người làng trông thấy Tống Cương đi lom khom, tay trái đỡ ông nội đã chết cõng trên lưng, tay phải kẹp một bó chiếu cói, và cầm một cái xẻng, đi đến từng nhà, khóc khóc mếu mếu nói:
- Ông cháu chết rồi.
Mấy người họ hàng nghèo của lão địa chủ đi theo Tống Cương ra đầu thôn. Những người khác trong thôn cũng ra giúp Tống Cương trải chiếu cói ra đất. Tống Cương cẩn thận đặt ông nội xuống chiếu, y như đặt lên giường. Mấy người trong họ cuộn chiếu vào, buộc ba mối dây thừng. Đây là quan tài của lão địa chủ. Họ giúp Tống Cương đào xong huyệt. Cậu Cương bê xác ông trong bó chiếu, đi đến trước huyệt, lần lượt quỳ hai chân, đặt ông nội vào trong. Sau đó cậu đứng lên lau hai mắt ươn ướt bắt đầu hất đất lấp huyệt. Nhìn Tống Cương trơ trọi một mình, mấy người đàn bà trong thôn không cầm được nước mắt.
Lão địa chủ được chôn bên cạnh Tống Phàm Bình và Lý Lan. Tống Cương khoác áo sợi đay để tang ông nội mười bốn ngày. Sau đó, Tống Cương bắt đầu chỉnh lý hành trang của mình. Cậu chia ngôi nhà dột nát và mấy thứ đồ dùng cũ kỹ cho mấy người họ hàng nghèo túng. Vừa may trong thôn có người vào thành phố, Tống Cương nhờ người đó nhắn tin cho Lý Trọc: Tống Cương sẽ trở lại thành phố.
Bốn giờ sáng nay Tống Cương thức dậy, mở cửa nhìn thấy sao sáng đầy trời, nghĩ đến sắp sửa gặp em Lý Trọc, vội vàng đóng cửa, hấp ta hấp tấp đi ra đầu thôn. Đứng dưới ánh sáng trăng ở đầu thôn một lúc, cậu quay đầu nhìn lại thôn trang mình đã từng sống mười năm, rồi cúi xuống nhìn ngôi mộ cũ của bố mẹ và ngôi mộ mới của ông nội, sau đó bước lên con đường mòn vắng lạnh, đi ra thị trấn Lưu đang ngủ say dưới ánh trăng. Tống Cương từ biệt ông nội đã mười năm nương tựa vào nhau, trở về thành phố chung sống với cậu em Lý Trọc.
Tống Cương xách một chiếc túi du lịch, đi vào thị trấn Lưu lúc tảng sáng, mang theo cát bụi dặm trường, về đến ngôi nhà ngày xưa. Bà Lý Lan đã từng xách chiếc túi du lịch này đi Thượng Hải chữa bệnh. Khi bà xách nó từ Thượng Hải về, được tin Tống Phàm Bình bị đánh chết, bà đã quỳ xuống đất trước bến xe, bốc bùn đất thấm máu tươi của chồng bỏ vào túi du lịch. Khi Tống Cương về quê sống với ông nội, bà Lý Lan đã nhét quần áo của Tống Cương cùng túi kẹo mềm mác thỏ trắng vào chiếc túi này. Bây giờ Tống Cương lại xách nó trở về. Trong túi du lịch có mấy bộ quần áo cũ rách. Toàn bộ tài sản của Tống Cương chỉ có thế.
Cậu thiếu niên ngày nào, bây giờ đã là chàng trai Tống Cương khôi ngô tuấn tú. Khi Tống Cương về đến nhà, Lý Trọc đi vắng. Biết Tống Cương sắp về, Lý Trọc cũng dậy từ lúc bốn giờ sáng, sung sướng, hồi hộp, chờ đợi. Trời vừa sáng, Lý Trọc đã đi phố, ra chỗ ông thợ khoá đánh cho anh một chiếc. Lý Trọc không ngờ Tống Cương đi sớm như vậy. Xách túi du lịch, Tống Cương đứng đợi hơn hai tiếng đồng hồ, trong khi đó Lý Trọc đứng trên phố lớn chờ ông thợ khoá mở cửa. Tống Cương lúc này đã cao bằng bố, chỉ không điển trai bằng Tống Phàm Bình. Người cậu thanh gầy và trắng trẻo. Quần áo của cậu cộc cỡn, chỉ đến trên thắt lưng. Hai ống tay áo và hai ống quần của Tống Cương đều phải nối thêm một đoạn, chắp vá bằng những mảnh vụn có màu sắc khác nhau. Tống Cương lặng lẽ đứng ở cửa ngôi nhà ngày trước, lặng lẽ đứng chờ Lý Trọc trở về. Hai tay cậu thay nhau xách túi du lịch. Cậu không để xuống đất vì không muốn làm bẩn nó.
Lúc về nhà, từ xa xa Lý Trọc đã trông thấy Tống Cương. Nhìn thấy người anh em cao lớn xách chiếc túi du lịch đứng ngẩn tò te ở cửa, Lý Trọc lao như bay tới, nhưng lại rón rén đi ra phía sau lưng Tống Cương, giơ chân dọi vào khuỷu chân Tống Cương xin bát cơm nguội. Tống Cương xiêu người và nghe thấy Lý Trọc cất tiếng cười ha ha. Sau đó hai anh em nô đùa, đuổi bắt nhau nửa tiếng đồng hồ, bụi đất tung mù mịt trước cửa nhà mình. Lý Trọc lúc đá chân trái, lúc gạt chân phải, khi chân bọ ngựa, khi chân rê quét. Tống Cương ôm túi du lịch nhảy tâng tâng, né bên phải, tránh bên trái, không cho thằng em động vào người. Lý Trọc tiến công như lưỡi mâu. Tống Cương phòng thủ như tấm thuẫn. Hai anh em cười ha hả, cười ra nước mắt, cười ra cả nước mũi. Cuối cùng gập lưng xuống ho lia lịa. Sau đó, Lý Trọc thở hổn hà hổn hển, móc chìa khoá mới đánh đưa cho anh và giục:
- Mở cửa.
Như cỏ dại bị bước chân xéo đi xéo lại, bị bánh xe lăn tới lăn lui, nhưng Lý Trọc và Tống Cương vẫn lớn như thổi. Sau khi tốt nghiệp trung học, Lý Trọc với tiếng xấu để đời, không có nhà máy nào muốn nhận vào làm việc. Lúc này đại cách mạng văn hoá đã kết thúc. Cải cách mở cửa bắt đầu. Anh Đào Thanh đã là cục phó Cục dân chính huyện. Nghĩ đến cái chết bi thảm của ông Từng Phàm Bình trước bến xe, nghĩ đến bà Lý Lan quỳ rập đầu xuống đất trán toé máu, Đào Thanh mủi lòng, đã nhận Lý Trọc vào Xưởng phúc lợi thuộc quyền quản lý của Cục dân chính làm công nhân.
Xưởng phúc lợi có tất cả mười lăm người. Ngoài Lý Trọc, còn có hai thằng què, ba thằng ngố, bốn người mù, năm người điếc. Hộ khẩu của Tống Cương ở thị trấn Lưu, sau khi trở về, được vào làm công nhân ở Xưởng kim khí. Hay nói cách khác là Xưởng ngũ kim, có nhà văn Lưu Thành Công làm trưởng phòng cung ứng tiêu thụ.
Hai anh em cùng một ngày được lĩnh lương tháng đầu tiên. Xưởng ngũ kim Tống Cương làm việc gần nhà. Tống Cương về trước, đứng ở cửa chờ Lý Trọc đi làm về. Xỏ tay phải vào túi quần, Tống Cương nắm chặt mười tám đồng Nhân dân tệ trong tay. Khi nắm chặt khoản lương đầu tiên, tay phải cậu vã mồ hôi. Trông thấy thằng em đi làm về mặt tươi hơn hớn, cũng xỏ tay phải vào túi quần, Tống Cương biết em mình cũng lĩnh lương, cũng nắm tiền lương toát mồ hôi tay. Lý Trọc đi đến gần, Tống Cương hớn hở hỏi:
- Lĩnh rồi hả?
Lý Trọc gật gật đầu. Nhìn thấy anh mình vui mừng hớn hở, Lý Trọc cũng hỏi:
- Anh cũng lĩnh rồi hả?
Tống Cương cũng gật gật đầu. Hai anh em vào trong nhà, đóng kín cửa, lại còn kéo rèm cửa sổ kín mít, hình như cứ lo có ai đó đến cướp mất. Chúng cười hì hì, anh nào anh ấy bỏ tiền lương của mình lên giường, tổng cộng là ba mươi sáu đồng. Tiền của anh nào cũng bị mồ hôi tay nắm ướt rượt. Ngồi trên giường, hai anh em cứ đếm đi đếm lại ba mươi sáu đồng bạc. Cặp mắt Lý Trọc sáng long lanh. Cặp mắt Tống Cương cười tít lại thành một đường chỉ. Tống Cương lúc này đã bị cận thị. Hai tay cậu giơ tiền lên xem, cứ dí sát vào mũi. Lý Trọc nêu ý kiến, tiền hai người để chung, do Tống Cương quản lý. Tống Cương biết mình là anh, nên nắm giữ tiền. Cậu nhặt từng tờ trên giường, gấp ngay ngắn tử tế, để thằng em đếm lần cuối cùng cho đã, mình cũng đếm cho đã lần cuối cùng, sau đó sung sướng nói:
- Mình chưa bao giờ thấy nhiều tiền thế này.
Nói rồi, Tống Cương đứng lên giường, đầu chạm vào trần nhà. Cậu cúi đầu cỡi chiếc quần dài nối hai đoạn ống, để lộ chiếc quần lót cũng khâu bằng mấy mảnh vải cũ có cái túi nhỏ ở một bên. Tống Cương cẩn thận bỏ số tiền lương của hai anh em vào túi nhỏ. Cậu em khen cái túi nhỏ trong quần lót của ông anh khâu đẹp quá, ai khâu? Tống Cương bảo tự khâu, cả chiếc quần lót cũng do mình cắt và khâu lấy. Lý Trọc kêu một tiếng: ái chà chà và hỏi:
- Anh là đàn ông hay đàn bà?
Tống Cương bảo:
- Anh còn đan được áo len.
Sau khi lĩnh tháng lương thứ nhất, việc đầu tiên của hai anh em là dẫn nhau ra khách sạn Nhân Dân ăn một bát mì Dương Xuân nóng sốt. Lý Trọc bảo phải ăn mì Tam Tiên mới sang. Tống Cương không đồng ý. Tống Cương bảo để sau này đời sống khá lên hãy ăn mì Tam Tiên. Lý Trọc thấy anh nói có lý, nghĩ bụng lần này là ăn của mình, không phải ăn của những kẻ thăm dò mông đít Lâm Hồng. Lý Trọc gật đầu tán thành ăn mì Dương Xuân. Đi đến trước quầy viết phiếu ăn, Tống Cương cởi dải rút quần dài, vừa nhìn người phụ nữ viết phiếu, vừa móc túi quần lót, khiến thằng em đứng bên cạnh cứ khúc khích cười. Đứng trong quầy, người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi, mặt tỉnh khô, chờ Tống Cương móc tiền ra. Hình như chị đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế này. Tống Cương móc ra đúng tờ một đồng, đưa cho người đàn bà, tay xách quần dài, chờ bà trả lại tiền. Một hào tám xu hai bát mì Dương Xuân. Sau khi trả lại tám hào hai xu, Tống Cương cẩn thận xếp lại từng tờ, từ to đến nhỏ, còn có cả một đồng tiền đúc hai xu, rồi rà mò đút vào túi, sau đó mới thắt dải rút quần dài, đi theo Lý Trọc vào trong nhà ăn, ngồi trước một chiếc bàn để trống.
Hai anh em ăn xong mì Dương Xuân, lau mồ hôi vã đầy trán, cùng đi ra khỏi khách sạn Nhân dân, đến cửa hàng vải Cờ Đỏ, chọn mua vải ka ki màu lam thẫm. Lần này người đứng bán vải trong quầy là một cô gái hơn hai mươi tuổi. Tống Cương lại cởi quần dài, thò tay lần tìm. Nhìn động tác của Tống Cương, nhìn Lý Trọc đứng cạnh cười ngặt cười nghẽo, cô bán hàng chợt đỏ bừng mặt, quay người đi, tìm đồng sự, nói chuyện bâng quơ. Lần này Tống Cương tìm khá lâu, vừa móc vừa lẩm bẩm đếm tiền. Khi cậu móc ra, số tiền đúng bằng giá tiền vải, không thừa không thiếu một xu. Cô gái mặt đỏ tía tai nhận tiền, Lý Trọc ngạc nhiên hỏi:
- Anh học kỹ năng xẩm sờ tiền bao giờ mà giỏi thế?
Tống Cương nheo mắt nhìn cô gái đang xấu hổ đỏ mặt. Mắt cận thị, cậu không nhìn rõ. Cậu trả lời Lý Trọc:
- Cứ xếp ngay ngắn từng tờ, từ nhỏ đến lớn là biết ngay đồng thứ mấy là bao nhiêu.
Sau đó hai anh em ôm vải ka ki màu lam thẫm cùng đi vào hiệu may, mỗi người đặt may một bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn. Tống Cương cởi quần dài lần thứ ba. Lần thứ ba cậu thò tay vào đũng quần móc tiền. Quàng cái thước da trên cổ, nhìn tay Tống Cương tìm tiền, ông Trương thợ may tủm tỉm cười khen:
- Rất biết tìm chỗ cất tiền...
Tống Cương móc tiền trả ông Trương, ông Trương giơ tiền lên gần mũi ngửi ngửi, rồi hóm hỉnh bảo:
- Còn có cả mùi dái...
Tống Cương mắt cận thị, vẫn biết ông Trương thợ may ngửi tiền của mình. Ra khỏi hiệu may quần áo, Tống Cương nheo mắt hỏi Lý Trọc:
- Ông ấy ngửi tiền của chúng ta phải không?
Lý Trọc biết mắt anh đã cận thị quá nặng. Cậu bảo đến hiệu kính mắt đo lắp cho anh một chiếc kính cận. Tống Cương lắc đầu gạt đi, cậu bảo để sau này đời sống ồn ổn, khấm khá hơn, hãy sắm. Vừa nãy Lý Trọc gật đầu đồng ý không ăn mì Tam Tiên. Lần này Lý Trọc không tán thành không sắm kính. Đứng trên phố lớn, Lý Trọc đã to tiếng với anh:
- Chờ đến khi đời sống khá lên, thì mắt anh cũng đã mù!
Lý Trọc đột nhiên nổi nóng, khiến Tống Cương giật mình. Cậu nheo mắt nhìn thấy rất đông người dừng chân nhìn hai anh em. Tống Cương bảo em, nói khe khẽ thôi. Lý Trọc hạ thấp giọng, hằm hằm bảo anh, nếu hôm nay Tống Cương không đi sắm kính, thì hai người ăn riêng. Sau đó Lý Trọc cất to giọng giục anh:
- Đi, chúng ta đi sắm kính.
Nói rồi Lý Trọc khệnh khạng đi đến cửa hàng kính mắt. Tống Cương ngần ngừ theo sau. Hai anh em không còn sánh vai đi như lúc nãy. Người đi trước, kẻ theo sau, bước vào cửa hàng kính mắt của thị trấn Lưu chúng tôi. Thần thái của hai người y như vừa choảng nhau. Lý Trọc hớn hở đắc ý đi trước như người chiến thắng. Tống Cương lủi thủi, lẽo đẽo theo sau như kẻ bại trận.
Một tháng sau, Lý Trọc và Tống Cương mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn vải ka ki màu lam thẫm của mình. Tống Cương còn đeo một cặp kính cận gọng đen. Lý Trọc mua ở cửa hàng kính mắt một bộ gọng kính đắt nhất, khiến ông anh đỏ hoe tròng mắt, vừa xót ruột vì tiêu mất nhiều tiền, vừa cảm động sâu sắc. vì người anh em này quá tốt. Khi Tống Cương đeo cặp kính cận gọng đen lên, bước ra khỏi cửa hàng kính mắt, tự dưng kêu một tiếng: ối chà, sửng sốt nói với em:
- Ôi, rõ quá!
Tống Cương bảo Lý Trọc, sau khi đeo kính cận, toàn bộ thế giới rõ mồn một y như vừa tẩy rửa qua một lượt. Lý Trọc cười ha ha. Cậu bảo Tống Cương bây giờ có những bốn con mắt, trông thấy cô gái xinh đẹp, vội vàng giật giật gấu áo ông anh. Tống Cương gật đầu cười hì hì, với thái độ đứng đắn nghiêm chỉnh, đã nhìn lọt mắt cô gái đi trên phố cho Lý Trọc. Hai anh em mặc quần áo Tôn Trung Sơn vải ka ki màu lam thẫm mới nguyên, đi trên phố lớn của thị trấn Lưu, khiến mấy người già ngồi cạnh phố đánh cờ tướng, trông thấy hết sức ngạc nhiên. Họ bảo hôm qua hai anh em nhà nó còn mặc rách rưới như kẻ ăn mày, hôm nay diện vào, trông chẳng khác nào hai vị lãnh đạo huyện. Họ nói một cách cảm động, khảng khái:
- Đúng là người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Phật nhờ sơn son thếp vàng, con người nhờ quần áo.
Tống Cương cao to chững chạc, nét mặt khôi ngô tuấn tú, đeo kính gọng đen, giống như một học giả. Lý Trọc thô lùn, tuy mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn, nhưng dáng dấp đầy vẻ thổ phỉ. Hai con người này đi trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi như hình với bóng. Ông già bà cả thị trấn Lưu, chỉ vào họ nói:
- Một quan văn, một quan võ.
Còn bọn con gái của thị trấn Lưu bỗ bã hơn, không nể nang, khách sáo, họ xì xầm nhận xét hai anh em Tống Cương - Lý Trọc:
- Một tên giống Đường Tam Tạng một gã như Trư Bát Giới.