Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 14

     ý Trọc sải cánh đại bàng đi Thượng Hải, anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo, ông Dư nhổ răng, ông Vương bán kem, cứ nghển cổ, ngẩng đầu mà mong ngóng. Năm người này, tối nằm ngủ trên giường, hễ nhắm mắt lại, toàn là những điểm tròn nhỏ trên bản đồ thế giới cứ nhấp nha nhấp nháy như sao trên trời. Trong đầu ông Vương bán kem, ngoài những điểm tròn nhỏ chi chít, còn có một tàu dầu vạn tấn đang cưỡi sóng đạp gió. Trong lòng dạt dào sóng vỗ, còn có cả bà Tô, bà nghĩ, những điểm tròn nhỏ trên bản đồ thế giới cũng là những bài cần ôn lại khi bà đi vào giấc ngủ. Nhưng trong lòng bà vẫn thấy lăn tăn, mười lăm suất đóng góp của bà rốt cuộc vẫn chưa được ghi vào sổ sách. Sau khi Lý Trọc lên xe, bà Tô xách bánh bao nhân thịt vừa hấp khỏi lồng, lần lượt đến thăm năm người góp vốn Đồng, Trương, Quan, Dư, Vương kể rõ cho năm người biết kết quả đóng góp mười lăm suất cổ phần của bà. Tục ngữ có câu: Há miệng mắc quai. Năm vị Đồng, trương, Quan, Dư, Vương ăn của bà cô hai mươi cái bánh bao nhân thịt, năm cái đầu đều gật gật chấp nhận, bà Tô đã yên tâm. Ngộ nhỡ Lý Trọc không giữ lời hứa năm cái mồm đã từng ăn bánh bao sẽ là những người làm chứng cho bà.
Sau khi Lý Trọc đi, cửa hiệu thợ rèn của anh Đồng đã trở thành nơi tụ họp của những người góp vốn. Trời vừa tối, ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo, ông Dư nhổ răng, ông Vương bán kem đã lần lượt kéo đến. Cửa hàng điểm tâm của bà Tô ở mãi bến xe đường dài, bà đến chậm nhất, khi đến, vầng trăng khuyết đã lên cao cao. Sáu người ngồi nói chuyện rôm rả, cười nói oang oang, cứ luôn mồm khen Lý Trọc, lúc nào cũng nhắc đến thành tích lập nghiệp của Lý Trọc ở Xưởng phúc lợi. Càng nói càng bốc đồng, sự nghiệp hợp tác làm ăn của họ với Lý Trọc đã có một khởi điểm cao hơn. Anh Đồng nói, buôn bán hiện nay là thiên hạ của người Quảng Đông, cho dù có phải là người Quảng Đông hay không, đã làm ăn buôn bán đều phải biết nói tiếng Quảng Đông. Anh Đồng nói:
- Khi trở về, tay Lý Trọc này, giống như một nhà buôn Hồng Kông, chắc chắn sẽ nói đặc giọng Quảng Đông cho mà xem.
Sau đó nghe ông Trương thợ may báo cáo công việc. Đễ bồi dưỡng ba mươi cô gái nông thôn, ông Trương tạm thời đóng cửa hiệu may của mình. Ông bảo ba mươi cô gái đã ôm chăn nệm đến. Được cái bây giờ là tháng tư đầu hạ, nhà kho cũng rộng, các cô đều ngủ trên nền nhà, thành ba dãy, giống như ba mươi cô bộ đội. Ông Trương bảo ba mươi cô gái này, cô thì thông minh, cô thì vụng. Cô nào thông minh chỉ ba ngày là nắm được kỹ thuật may. Cô nào vụng có lẽ cũng phải dăm bữa nửa tháng. Anh Đồng thợ rèn bảo, nửa tháng chậm quá, tay Lý Trọc chỉ không đầy một tuần là kéo được lô hàng lớn về, đến lúc ấy không có hàng, ăn nói thế nào với người ta?
Anh Đồng, ông Trương, ông Dư, ông Vương, bà Tô và Tiểu Quan sôi nổi bàn bạc, thấy một tuần đã trôi qua, rồi một tuần nữa, Lý Trọc đi Thượng Hải vẫn không hề có tin gì, chuyện trò giữa sáu người ít dần, trong lòng mỗi người cũng tự nhiên nẩy sinh những ngờ vực. Ông Vương bán kem là người đầu tiên không nhịn nổi. Ông ta lẩm bà lẩm bẩm:
- Liệu anh chàng Lý Trọc có bỏ trốn đi không?
- Láo toét - Ông Trương thợ may lập tức bác bỏ - Khi đi Lý Trọc đã trao toàn bộ số tiền còn lại cho tôi, bỏ chạy là bỏ chạy thế nào?
Anh Đồng thợ rèn gật gật đầu, tán thành ý kiến ông Trương. Anh Đồng nói:
- Chuyện buôn bán bao giờ cũng có nhanh có chậm, có nhiều có ít.
- Phải rồi! - ông Dư nhổ răng cất tiếng ủng hộ - Có khi một ngày tôi nhổ hơn chục cái răng, có khi vài ngày không nhổ được cái nào.
- Mài kéo cũng như vậy - Tiểu Quan cũng nói - Có lúc bận túi bụi, có lúc ngồi chơi dài.
Hai tuần lễ trôi qua, Lý Trọc vẫn biệt vô âm tín. Sáu người góp vốn tối nào cũng tụ họp ở cửa hiệu thợ rèn. Người đến muộn nhất không phải bà Tô, mà là ông Trương thợ may. Buổi chiều nào ông Trương cũng tràn đầy hy vọng đến Cục bưu điện, hỏi thăm xem có điện báo của Lý Trọc từ Thượng Hải gửi về không. Nửa tiếng đồng hồ trước khi hết giờ làm việc, nhân viên thu phát điện báo của Cục bưu chính thường trông thấy ông Trương thợ may thò đầu vào cười toe toét lấy lòng. Nhân viên thu phát điện báo xua tay chưa nói gì, ông Trương đã lập tức sa sầm nét mặt, biết không có điện báo của Lý Trọc. Ông Trương chán nản đứng ở cổng Cục bưu điện, chờ mãi đến khi hết giờ làm việc, nhân viên trong Cục bưu điện lần lượt ra về và khoá cổng, ông Trương vẫn còn đứng lại đó, dặn người đóng cửa Cục bưu điện, nếu buổi tối có điện báo của ông Trương thợ may, sẽ đem đến cửa hiệu lò rèn của anh Đồng. Sau đó ông thẫn thờ trở về nhà, ăn uống quanh quéo, rồi đến cửa hiệu lò rèn với vẻ mặt buồn rười rượi.
Trong cửa hiệu lò rèn của anh Đồng, sáu người góp vốn trông trăng ngóng sao, mong ngóng điện báo của Lý Trọc từ Thượng Hải gửi về, trông chờ suốt một tháng năm ngày, anh chàng Lý Trọc giống như đêm đen giơ bàn tay ra không nhìn rõ năm ngón, không một ngôi sao, không một tia sáng trăng, khiến sáu người góp vốn không biết làm thế nào trong đêm tối như mực? Sáu người Đồng, Trương, Quan, Dư, Vương và bà Tô ngồi trong hiệu thợ rèn nhìn nhau, mới đầu người nào cũng tưng bừng náo nức, bây giờ ai cũng cúi đầu im lặng, mỗi người một nỗi niềm riêng. Không sao nhịn nổi, Tiểu Quan ca cẩm:
- Anh chàng Lý Trọc đi Thượng Hải, tại sao như chiếc bánh bao thịt ném chó, có ném đi không có ném về!
Lần trước, ông Vương bán kem nghi ngờ hay là Lý Trọc bỏ chạy, khiến mọi người phản đối. Lần này Tiểu Quan ca cẩm khiến ai nấy đồng tình. Ông Dư nhổ răng hưởng ứng đầu tiên. Ông nói:
- Phải rồi, nhổ một cái răng, mặc dù răng lành hay răng sâu, đều chảy máu, Lý Trọc đi Thượng Hải, dù có ký được hợp đồng hay không, cũng nên có tin tức báo về.
- Tôi đã nói từ lâu - Ông Vương bán kem nói - Liệu anh ta có bỏ chạy không?
- Bỏ chạy thì không - Ông Trương thợ may lắc đầu nói, rồi thở dài một tiếng - Nhưng cậu ấy không có tin tức gì cũng thấy khó nghĩ.
Bà Tô nghĩ theo một hường khác, đột nhiên trở nên căng thẳng, bà Tô hỏi:
- Liệu Lý Trọc có xảy ra tai nạn gì không?
- Tai nạn gì? - Tiểu Quan hỏi.
Bà Tô lần lượt nhìn năm người kia, lưỡng lự hỏi:
- Không biết có nên nói ra không?
- Nói đi - Ông Dư nhổ tăng sốt ruột giục - Có gì mà không nên nói?
- Thượng Hải là một thành phố lớn, xe cộ nhiều, liệu có bị đâm xe, nằm trong bệnh viện không ra nổi? - Bà Tô nói.
Năm người còn lại nghe bà Tô nói vậy đều im lặng, trong lòng lo lo, cũng có khả năng Lý Trọc bị tai nạn ô tô. Năm người góp vốn ai cũng thầm cầu xỉn ông Trời phù hộ Lý Trọc, chớ bị tai nạn xe đâm, nếu có bị cũng chỉ sơ sảy chút ít, toạc da chảy máu sơ sơ, xin chớ đâm mạnh vào Lý Trọc, nhất là không được đâm Lý Trọc thành kẻ tàn tật tổng hợp què mù câm điếc ngớ ngẩn.
Một lát sau ông Trương thợ may nói, ông bảo tiền thuê nhà kho tháng này đã trả, lương của ba mươi cô gái nông thôn cũng đã trả, lại cộng thêm tiền Lý Trọc mua ba mươi máy khâu, hiện chỉ còn hơn bốn ngàn đồng. Nói xong, ông Trương tỏ vẻ hết sức lo lắng nói thêm một câu:
- Đây toàn là tiền mồ hôi xương máu của bọn mình.
Lời nói của ông Trương thợ may khiến mọi người lo âu. Bà Tô cũng run tun. Lát sau nghĩ đến việc mình chưa nộp tiền, bà mới yên tâm. Mọi người đều nhìn anh Đồng thợ rèn. Anh Đồng là chủ tịch hiệp hội những người làm ăn cá thể, lại là người góp nhiều tiền hơn cả. Ai cũng hy vọng anh Đồng cho biết ý kiến. Suốt cả buổi tối anh Đồng không nói gì. Mọi người nhìn vào anh. Anh không nói không xong. Thở dài thườn thượt, anh Đồng nói:
- Cứ chờ vài hôm nữa.
Cuối cùng Lý Trọc đã gửi điện báo về. Điện báo của Lý Trọc gửi về thị trấn Lưu lúc chiều tối hôm sau Lý Trọc không gửi điện báo cho ông Trương. Anh ta gửi cho bà Tô. Trong điện báo chỉ có hai câu. Anh ta bảo xu chiêng mác Bánh bao thịt của bà Tô nghe không hay, phải sửa thành xu chiêng mác Điểm tâm.
Cầm điện báo của Lý Trọc, bà Tô chạy lon ton đến cửa hiệu thợ rèn. Anh Đồng lầm lì ít nói lâu nay mừng quýnh. Năm vị Đồng, Trương, Vương, Tiểu, Dư cầm bức điện báo cứ xem đi xem lại. Năm trái tim thót lại lâu nay bỗng chốc được thư dãn. Năm khuôn mặt đã đỏ bừng trở lại. Năm người góp vốn cộng thêm bà Tô đã trở lại hăng hái sôi nổi. Họ cười nói oang oang, nhao nhao bàn bạc. Ai cũng bảo Lý Trọc đi lâu như thế mới gửi về một bức điện báo, chắn là đã có một đống hợp đồng làm ăn. Họ khen Lý Trọc hết lời, cũng mắng Lý Trọc cạn nhẽ. Họ bảo Lý Trọc đúng là một tên khốn nạn không hơn không kém. Tên khốn nạn này dọa bọn họ một phen hết hồn hết vía.
Đọc lại bức điện báo, ông Vương bán kem chợt phát hiện ra vấn đề. Mặt ông đang đỏ tưng bừng lập tức tái đi. Ông vẩy vẩy bức điện trong tay nói:
- Trong bức điện báo này không nói gì đến chuyện làm ăn buôn bán?
- Phải rồi - Sắc mặt Tiểu Quan cũng trắng bợt như mặt ông Vương- Có nói gì đến làm ăn buôn bán đâu?
Bốn người còn lại cũng vội vàng cầm bức điện báo, xem kỹ một lượt. Xem xong người nọ nhìn người kia. Ông Trương là người đầu tiên đứng ra bênh vực Lý Trọc. Ông nói:
- Chỉ cần cậu ấy còn muốn đổi tên nhãn hàng cho bà Tô, chứng tỏ đã thoả thuận xong mấy bản hợp đồng.
- Ông Trương nói đúng - Anh Đồng thợ rèn chỉ vào chiếc ghế băng mấy người góp vốn đang ngồi bảo - Tôi hiểu Lý Trọc, khi còn là một thằng nhóc khốn nạn, ngày nào cũng đến đây nằm sấp trên chiếc ghế băng này, day lên day xuống chơi trò quan hệ trai gái. Tên khốn nạn này khác mọi người, làm việc gì cũng muốn ăn một lèo cho béo luôn...
- Anh Đồng nói đúng - Ông Dư nhổ răng ngắt lời anh Đồng - Tên khốn nạn này tham ăn lắm, khẩu vị lớn hơn ai hết. Còn nhớ ngày nào hắn đến chỗ tôi mượn ghế mây, mượn xong ghế mây, hắn còn muốn mượn cả ô che vải dầu, suýt nữa mượn nốt cái bàn, khiến cửa hiệu nhổ răng đường đường chính chính của mình phải chịu một ngày làm con chim sẻ bị vặt trụi lông.
- Ông Dư nhổ răng nói đúng - Tiểu Quan mài kéo cũng nhớ lại chuyện cũ - Tên khốn nạn này từ nhỏ đã biết làm ăn buôn bán, dùng cái mông của Lâm Hồng lừa được tôi một bát mì Tam Tiên. Hắn cứ xuỵt xoạc ăn ngon thơm, còn mình thèm nhỏ dãi.
- Các ông nói nếu đúng - Ông Vương bán kem cũng thay đổi lập trường - Tên khốn nạn này to gan hơn trời. Người khác giầu tới mức chẩy mỡ ra là thoả mãn, còn hắn cứ dứt khoát phải giầu thành một tầu dầu vạn tấn...
Thấy năm người góp vốn tràn đầy niềm tin, bà Tô lại lo lắng mười lăm suất của mình. Bà nói:
- Lý Trọc kéo một đống tướng hợp đồng gia công về, nếu không nhận mười lăm suất của tôi thì làm thế nào? Các ông các anh phải làm chứng cho tôi!
- Bà khỏi lo - Anh Đồng thợ rèn chỉ vào bức điện trong tay ông Trương thợ may - Bức điện báo này là chứng cứ còn mạnh hơn nhiều chúng tôi đứng ra làm chứng.
Nghe nói vậy, bà Tô vội vàng giật bức điện từ tay ông Trương. Áp lên ngực như một của quý, bà Tô vui vẻ nói:
- May sao mình đã đi chùa thắp hương, Lý Trọc đã gửi điện báo cho mình. Có bức điện báo này, cậu ấy không từ chối mười lăm suất đóng góp của mình: Thắp hương lễ Phật linh nghiệm thật!
Lý Trọc đã gửi về một bức điện báo không hiểu ra sao cả. Bức điện báo giống như mặt trời mọc đỏ rực ở đằng đông, giải phóng năm vị Đồng, Trương, Dư, Vương và Tiểu Quan ra khỏi tăm tối. Sáu vị góp vốn này cũng hớn hở được nửa tháng. Rồi Lý Trọc vẫn biệt vô âm tín. Sáu vị góp vốn hết mong ngày mong đêm, mong từng giờ từng phút, cuối cùng là mong từng giây, cũng không thấy một sợi tóc của Lý Trọc. Lý Trọc như hòn đá chìm ở biển lớn Thượng Hải. Từ đó trở đi anh ta không bao giờ còn đánh điện báo về thị trấn Lưu chúng tôi.
Năm vị Đồng, Trương, Dư, Vương, Tiểu Quan và bà Tô lại cúi đầu cụp tai, lại bắt đầu những ngày đêm lo ngay ngáy. Hai tháng đã trôi qua. Ông Trương thợ may trả tiền thuê kho tháng thứ hai và cấp lương tháng thứ hai cho ba mươi cô thợ may. Sau đó ông nói với giọng run run:
- Tiền mồ hôi xương máu của chúng ta chỉ còn không đến hai ngàn đồng.
Mọi người lại được một trận run khiếp vía. Bà Tô cũng run theo, nghĩ đến suất tiền của mình vẫn chưa góp, bà Tô lại yên tâm. Lý Trọc lúc này đã bị khủng hoảng lòng tin trong sáu người góp vốn. Ông Dư nhổ răng tỏ ra bất mãn đầu tiên. Ông nói:
- Tên khốn nạn này đâu có giống làm ăn buôn bán với bọn mình? Tên khốn nạn này cứ y như chơi trò bịt mắt bắt dê.
- Phải! - ông Trương lần này cũng hùa theo - Một cái kim vá áo rơi xuống đất cũng còn có tiếng kêu nữa là. Đằng này Lý Trọc không hề có một tin tức gì, quả tình là không nên.
- Đừng nói là một cái kim - Tiểu Quan cũng điên tiết lắm rồi - Ngay đánh một cái rắm cũng còn có tiếng kêu.
- Tên khốn nạn này không bằng một cái rắm - Ông Vương bán kem nói tiếp luôn.
Anh Đồng thợ rèn sa sầm nét mặt, vẫn không lên tiếng. Những người khác ai cũng nhìn anh với ánh mắt trách móc. Anh Đồng biết tâm tư của mọi người. Họ như đang nói: Nếu không phải anh góp bốn mươi suất bốn ngàn đồng đầu tiên, thì không ai góp theo. Anh nghĩ bụng: Kể ra, tấm gương có sức mạnh vô cùng, nhưng mẹ kiếp, tấm gương này đâu phải việc ai cũng làm được. Sáu vị góp vốn im lặng một lúc, ông Trương thợ may tiếp tục nói, giọng run run:
- Tháng tới, số tiền còn lại không đủ trả tiền thuê kho và tiền lương.
Giọng ông Trương thợ may buồn buồn nặng trĩu. Nói xong, mắt ông cũng buồn thỉu buồn thiu nhìn anh Đồng. Anh Đồng cảm thấy những người khác đang nhìn vào mắt anh buồn thỉu buồn thiu. Chỉ có ông Dư nhổ tăng nhìn mồm anh, hình như định nhổ chiếc răng lành trong mồm. Anh Đồng thợ rèn hít một cái thật sâu, nói:
- Thế này nhé, cho ba mươi cô gái nông thôn về nhà đã khi nào cần lại gọi lên.
Những người góp vốn khác im lặng, tiếp tục nhìn anh Đồng. Anh Đồng biết họ đang nghĩ đến khoản tiền thuê kho, biết không ai muốn vứt tiếp số tiền còn lại.
Anh Đồng lắc lắc đầu, lại gật gật đầu, nói:
- Thế này nhé, trả nhà kho lại đã, ngộ nhỡ Lý Trọc kéo hàng về, lại thuê cũng không muộn.
Mấy người góp vốn bắt đầu gật đầu. Ông Trương thợ may đưa ra một vấn đề:
- Ba mươi máy khâu giải quyết sao đây?
Suy nghĩ một lát, anh Đồng nói:
- Chia máy khâu theo tỉ lệ góp vốn, phần của ai người ấy đem về nhà. Ông Trương thợ may đứng ra giải quyết cho ba mươi cô gái nông thôn về nhà, rồi trả lại nhà kho, chia ba mươi máy khâu theo tỉ lệ góp tiền. Bà Tô chưa góp tiền, đương nhiên không có máy khâu. Xử lý mọi việc xong xuôi đâu vào đấy sáu người góp vốn vẫn tụ họp ở cửa hiệu lò rèn vào mỗi buổi tối. Chỉ có điều khi tụ họp với nhau, họ không giống sáu con người. Họ ngồi với nhau lạnh lùng y như sáu con ma. Tối đến cửa hiệu thợ rèn của anh Đồng cũng im ắng như một nấm mồ.
Lại một tháng nữa qua đi, Lý Trọc vẫn không hề có tin gì. Bà Tô là người đầu tiên không đến cửa hiệu lò rèn, tiếp theo là ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo và ông Dư nhổ răng cũng không đến. Chỉ có ông Vương bán kem góp ít tiền nhất theo đuổi đến cùng, tiếp tục có mặt ở cửa hiệu lò rèn vào các buổi tối, ngồi trước anh Đồng nét mặt buồn bã, chốc chốc lại thở dài, chốc chốc lại lau nước mắt, sau đó hỏi anh Đồng một cách hết sức đáng thương:
- Tiền mồ hôi xương máu của chúng ta mất toi thế hả anh?
- Không có cách nào khác - Cặp mắt anh Đồng trống rỗng, anh nói - Khi cần phải xẻo thịt, cũng đành phải xẻo thôi.