Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 2

     ống Cương yêu thích văn học. Cậu rất tôn kính nhà văn Lưu - Trưởng phòng cung ứng tiêu thụ của Xưởng kim khí. Trên bàn làm việc của nhà văn Lưu xếp một đống tạp chí văn học, lúc nói chuyện, thì chập chờn hư ảo như có như không. Nhà văn Lưu thích nói chuyện văn học một cách viển vông cao xa. Tóm được ai trong xưởng, anh ta cũng thao thao bất tuyệt, chỉ tiếc anh em công nhân trong Xưởng kim khí chẳng hiểu anh ta nói gì, đành phải ngẩn người đực mặt nhìn nhà văn Lưu. Họ xôn xao bàn tán sau lưng, khi nói chuyện văn học, không biết ông nhà văn họ Lưu này nói bằng tiếng Trung Quốc, hay bằng tiếng nước ngoài, tại sao một câu cũng không hiểu. Lời bàn tán của công nhân cũng đến tai nhà văn Lưu, nhà văn Lưu bĩu môi nghĩ bụng:
- Bọn này thô thiển, vai u thịt bắp.
Sau khi vào xưởng làm việc, anh chàng yêu văn học - Tống Cương, khiến nhà văn Lưu mừng rơn như vớ được của báu. Tống Cương không những nghe, hiểu tư tưởng văn học của nhà văn Lưu, mà còn tỏ ra hết sức chân thành, lúc nào nên gật đầu thì gật đầu, lúc nào nên cười thì cười thành tiếng. Nhà văn Lưu khoái lắm. Uống rượu gặp bạn tri kỷ, ngàn chén cũng còn ít. Chỉ cần gặp Tống Cương, là nhà văn Lưu cứ con cà con kê, nói dài nói dai, nói suốt ngày suốt buổi. Có lần, hai người ra nhà vệ sinh tiểu tiện. Tiểu tiện xong, nhà văn Lưu kéo Tống Cương đứng cạnh hố nước tiểu, nói hơn hai tiếng đồng hồ, hoàn toàn phớt lờ hơi thối trong nhà vệ sinh xông lên nồng nặc, cũng không thèm đếm xỉa gì đến tiếng động bên trong. Sau khi có cậu học trò Tống Cương, nhà văn Lưu cảm thấy mình là người thầy văn học. Những con người thô thiển vai u thịt bắp trước kia, không hề đem lại cho nhà văn Lưu một tí chút cảm giác làm thầy. Anh ta có nói xùi bọt mép, nói đến mỏng môi mòn lưỡi, bọn họ cũng chỉ nghệt mặt như thằng dở hơi, ngay đến thay đổi một chút vẻ mặt cũng không. Nhà văn Lưu bắt đầu cho Tống Cương mượn đọc những quyển tạp chí văn học chất trên bàn làm việc. Anh ta cầm cuốn "Thu hoạch", giơ ống tay áo hết sức cẩn thận lau sạch bụi bặm trên bìa sách, rà soát từng tờ một lượt trước mặt Tống Cương. Anh ta bảo, cuốn tạp chí này không rách tờ nào, không bẩn chỗ nào. Anh ta dặn Tống Cương, khi đọc xong trả lại, cũng phải kiểm tra từng trang từng tờ. Anh ta nói:
- Hỏng sẽ phạt tiền.
Đem tạp chí văn học của nhà văn Lưu về nhà, Tống Cương đọc ngấu đọc nghiến, sau đó cũng lặng lẽ viết truyện ngắn. Truyện ngắn của Tống Cương viết sáu tháng, ba tháng đầu viết trên giấy nháp, ba tháng cuối sửa chữa trên giấy nháp, sáu tháng sau, mới chép nắn nót trên giấy kẻ ca rô. Người đọc đầu tiên của Tống Cương là Lý Trọc. Khi cầm truyện ngắn của Tống Cương, Lý Trọc đã sửng sốt thốt lên:
- Dầy thế!
Lý Trọc đếm từng tờ, tổng cộng mười ba tờ. Đếm xong, Lý Trọc nhìn anh một cách sùng kính và nói:
- Anh giỏi thật, viết những mười ba tờ!
Khi bắt đầu đọc truyện, Lý Trọc lại ngạc nhiên kêu lên:
- Chữ anh viết đẹp thật!
Cẩn thận đọc xong truyện ngắn của Tống Cương, Lý Trọc không sửng sốt kêu lên nữa. Cậu bắt đầu trầm ngâm suy nghĩ. Tống Cương hồi hộp, căng thẳng nhìn thằng em. Tống Cương không biết truyện ngắn đầu tiên của mình viết có thông suốt, suôn sẻ hay không? Cậu lo mình viết lộn xộn. Trong tâm trạng căng thẳng, cậu hỏi Lý Trọc:
- Đọc có xuôi không?
Lý Trọc im lặng, nghĩ tiếp. Trong bụng thấy hoang mang, Tống Cương hỏi Lý Trọc:
- Viết lung tung lắm phải không?
Lý Trọc vẫn trầm tư. Tống Cương tuyệt vọng, thầm nghĩ, chắc chắn mình viết rối rắm, khiến Lý Trọc đọc xong chẳng hiểu tí gì. Giữa lúc đó, Lý Trọc đột nhiên thốt lên một chữ:
- Hay!
Sau khi nói chữ "hay", Lý Trọc lại thêm một câu:
- Viết hay lắm!
Lý Trọc nói với Tống Cương một cách nghiêm chỉnh, đây là một truyện ngắn hay, tuy nhiên chưa hay bằng truyện của ông Lỗ Tấn và Ba Kim, nhưng cũng trên tài nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu. Lý Trọc vung tay hỉ hả nói:
- Sau khi có anh, nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu mờ hẳn đi.
Tống Cương vừa sợ vừa mừng, tối hôm ấy cậu xúc động đến nỗi mất ngủ. Trong tiếng ngáy khò khò của Lý Trọc, Tống Cương lại đọc năm lần thiên truyện ngắn đã thuộc lòng như cháo chảy. Càng đọc cậu càng thấy đâu có hay như lời khen của Lý Trọc. Tống Cương nghĩ bụng, là anh em với nhau, đương nhiên Lý Trọc phải khen hay. Nhưng lời tán dương của Lý Trọc lại rất có lý. Lý Trọc còn lấy ví dụ để nói rõ truyện ngắn này viết hay ở chỗ nào. Khi đọc lại, Tống Cương cũng cảm thấy chỗ Lý Trọc khen đúng là rất hay. Tống Cương mạnh dạn quyết định đưa truyện ngắn cho nhà văn Lưu chỉ giáo thử xem. Nếu nhà văn Lưu cũng khen viết hay, thì đúng là mình viết không tồi.
Hôm sau Tống Cương đưa truyện ngắn của mình cho nhà văn Lưu trong tâm trạng thắc thỏm không yên. Đầu tiên nhà văn Lưu ngẩn người. Anh ta không ngờ đệ tử của mình cũng viết truyện. Lúc ấy trong tay anh ta cầm giấy lộn, đang định ra nhà vệ sinh đại tiện. Anh đè bản thảo viết tay mười ba trang của Tống Cương trên giấy lộn chùi đít, vừa đọc vừa bước vào nhà vệ sinh. Sau khi vào nhà vệ sinh, một tay anh ta cởi quần, một tay cầm truyện của Tống Cương đọc tiếp. Đại tiện xong, anh ta cũng vừa đọc hết truyện ngắn. Khi ra khỏi nhà vệ sinh, nửa tờ giấy lộn không chùi hết, anh đè lên truyện ngắn của Tống Cương. Cặp lông mày nhíu lại, anh trở về phòng cung ứng tiêu thụ. Cả buổi chiều nhà văn Lưu ngồi trong văn phòng bình chấm truyện ngắn của Tống Cương. Cầm cây bút đỏ trong tay, anh dập xoá sửa chữa từng từ của truyện ngắn, rồi vung bút viết lia lịa lời phê hơn ba trăm chữ trên chỗ giấy trắng của tờ sau cùng. Lúc hết giờ làm việc. Tống Cương thấp tha thấp thỏm xuất hiện ở cửa phòng cung ứng tiêu thụ. Vẻ mặt nghiêm nghị, nhà văn Lưu hất tay gọi Tống Cương. Tống Cương bước vào văn phòng. Nhà văn Lưu trả Tống Cương truyện ngắn, nghiêm sắc mặt nói:
- Ý kiến của mình đều viết cả trong đó.
Khi nhận lại bản thảo, lòng Tống Cương nguội đi một nửa. Trên đó bị nhà văn Lưu dùng bút màu đỏ gạch xoá lung tung, đã thay đổi hoàn toàn, không còn ra hồn một bản thảo, Tống Cương nghĩ truyện ngắn của mình có thể có rất nhiều vấn đề. Giữa lúc này, nhà văn Lưu đắc ý mở ngăn kéo, lấy ra một truyện ngắn của mình, đưa cho Tống Cương, bảo cậu đem về nhà đọc tử tế. Trông thần thái của nhà văn Lưu, khiến người ta có cảm nghĩ, hình như anh đang đưa cho Tống Cương một kiệt tác truyền đời. Anh ta nói:
- Cậu xem xem, mình viết như thế nào!
Tối hôm ấy, Tống Cương cẩn thận đọc mấy lượt những chỗ sửa chữa và lời phê của nhà văn Lưu. Càng đọc Tống Cương càng chẳng hiểu gì hết, không biết nhà văn Lưu nói những gì. Tống Cương cũng đọc kỹ mấy lần truyện ngắn của nhà văn Lưu. Càng đọc càng không hiểu gì hết, không biết hay ở chỗ nào. Thấy ông anh quên ăn quên ngủ, cậu em Lý Trọc cũng dúi đầu vào một cách hiếu kỳ. Đầu tiên đọc một lượt lời phê của nhà văn Lưu nhận xét tác phẩm của Tống Cương. Đọc xong Lý Trọc nói:
- Láo toét.
Rồi Lý Trọc lại cầm tác phẩm mới của nhà văn Lưu. Cậu đếm số trang trước, chỉ có sáu tờ giấy kẻ ô vuông. Cầm trên tay, Lý Trọc vẩy vẩy mấy cái, bĩu môi bảo, có vài trang lèo tèo thế này. Sau đó cậu đọc, chưa đọc hết, Lý Trọc đã quăng sang một bên, bảo Tống Cương:
- Khô không khốc, chẳng có ý tứ gì hết.
Lý Trọc ngáp dài, nằm ra giường, sau một cái trở mình, đã ngáy long sòng sọc. Tống Cương vẫn tiếp tục đọc truyện ngắn đã bị dập dập xoá xoá của mình và tác phẩm mới của nhà văn Lưu. Chỗ sửa và lời phê của nhà văn Lưu khiến Tống Cương cảm thấy không hiểu và thất vọng, nhất là đoạn lời phê, hầu như phủ định sạch trơn truyện ngắn của cậu, nhưng cuối cùng vẫn có hai câu động viên, Tống Cương hiểu nhà văn Lưu làm như vậy là thuốc đắng giã tật, anh ta cũng đã bỏ công sức dập xoá, sửa chữa và viết lời nhận xét. Tống Cương nghĩ hòn đất ném đi hòn chì ném lại, mình nên ăn mận trả đào, cũng nên viết một đoạn nhận xét vào chỗ giấy trắng ở trang cuối cùng tác phẩm mới của nhà văn Lưu. Tống Cương bắt đầu viết nhận xét một cách nghiêm túc. Đầu tiên là mấy lời ca ngợi, cuối cùng mới chỉ ta những chỗ thiếu sót. Khác hẳn nhà văn Lưu, Tống Cương không dập xoá, cậu viết ra giấy nháp trước, sửa lại mấy lần, rồi mới chép nắn nót lên tờ cuối cùng tác phẩm mới của nhà văn Lưu.
Hôm sau đi làm, Tống Cương trả cho nhà văn Lưu. Ngồi bắt chân chữ ngũ trên ghế, nhà văn Lưu tươi cười chờ đợi những lời ca tụng công đức của Tống Cương. Nhà văn Lưu không ngờ Tống Cương chỉ nói một câu:
- Ý kiến của em viết ở trang cuối cùng.
Sắc mặt nhà văn Lưu lúc đó lập tức biến đổi. Anh ta tức tốc lật đến trang cuối cùng, quả nhiên thấy lời nhận xét của Tống Cương, mà lại còn chỉ rõ chỗ thiếu sót của truyện. Nhà văn Lưu nổi giận đùng đùng, nhảy khỏi ghế, đập bàn một cái, chỉ thẳng ngón tay vào mũi Tống Cương quát:
- Mày, mày, mày, tại sao mày dám cuốc trên đầu Thái tuế.
Nhà văn Lưu điên tiết đến nỗi cứ lắp ba lắp bắp líu cả lưỡi. Đứng trơ như phỗng, Tống Cương không biết vì sao nhà văn Lưu phẫn nộ đến vậy. Cậu ấp a ấp úng nói:
- Em cuốc gì cơ...
Nhà văn Lưu cầm truyện ngắn của mình, giở đến trang cuối cùng chỉ cho Tống Cương xem:
- Đây, cái mả mẹ mày gì đây?
Tống Cương lo lắng trả lời:
- Là ý kiến em viết...
Nhà văn Lưu cáu tiết, đập mạnh truyện ngắn của mình xuống đất, lại xót ruột nhặt ngay lên. Vừa vuốt ve, nhà văn Lưu vừa tiếp tục quát Tống Cương:
- Mày, tại sao mày dám gạch xoá viết lung tung lên bản thảo viết tay của tao?
Cuối cùng Tống Cương đã hiểu tại sao nhà văn Lưu nổi cơn tam bành. Tống Cương cũng buồn thỉu buồn thiu, nói:
- Anh cũng tẩy xoá, viết bừa lên bản thảo viết tay của em.
Nghe xong, nhà văn Lưu ngẩn người, sau đó càng lửa đổ thêm dầu, cứ đập bàn bồm bộp hạch sách:
- Mày là cái thứ gì? Tao là ai? Bản thảo viết tay của mày ư? Đ. mẹ mày? Tao có ỉa đái lên bản thảo viết tay của mày, cũng là để quan tâm cất nhắc mày...
Tống Cương cũng phẫn nộ. Bước lên hai bước, chỉ tay vào nhà văn Lưu nói:
- Anh không được chửi mẹ em. Anh chửi mẹ em, em sẽ...
- Mày sẽ làm gì? - Nhà văn Lưu giơ nắm đấm lên. Trông thấy Tống Cương cao hơn mình nửa cái đầu, anh ta lại bỏ nắm đấm xuống.
Sau khi do dự một lát, Tống Cương nói:
- Em sẽ đánh anh.
Nhà văn Lưu thét lên:
- Mày ngông nghênh, coi trời bằng vung.
Ngày thường Tống Cương hiền lành ngoan ngoãn là thế, mà bây giờ lại dám mở mồm nói, đánh nhà văn Lưu.
Nhà văn Lưu sốt tiết, tóm lọ mực đỏ trên bàn hắt luôn một phát. Mực đỏ bắn toé loe lên kính, lên mặt, lên quần áo Tống Cương. Tống Cương tháo cặp kính dính mực đỏ, bỏ vào túi áo, sau đó giơ hai tay như sắp sửa xông vào bóp cổ nhà văn Lưu. Những nhân viên khác của phòng cung ứng tiêu thụ, vội vàng xô đến kéo Tống Cương, đẩy cậu ra ngoài cửa. Nhân cơ hội, nhà văn Lưu lui vào góc tường, chỉ huy mấy nhân viên dưới quyền:
- Dong hắn ra đồn công an.
Mấy nhân viên phòng cung ứng tiêu thụ đẩy Tống Cương về phân xưởng của cậu.
Khắp người Tống Cương nhoe nhoét mực đỏ. Cậu ngồi trên ghế băng mặt đỏ bừng bừng, mực đỏ vẫn chảy tung tóe trên mặt. Đứng bên cạnh Tống Cương, mấy nhân viên kia nói một lô một lốc những lời an ủi. Công nhân phân xưởng Tống Cương cũng xúm lại hỏi đã xảy ra chuyện gì. Người của phòng cung ứng tiêu thụ nói cho họ nghe toàn bộ quá trình xung đột giữa hai người. Có người hỏi tại sao xung đột, mấy nhân viên trong phòng cung ứng tiêu thụ lập tức ngớ ra, không giải thích nổi. Họ xua tay lắc đầu bảo:
- Úi dào, chuyện của mấy ông văn nhân, bọn tôi hiểu sao nổi.
Tống Cương cứ ngồi im không nói một lời. Cậu không hiểu tại sao ngày thường nhà văn Lưu tao nhã lịch sự là thế, lại đột nhiên văng tục như mụ đàn bà chanh chua đanh đá. Nhà văn Lưu nói ra rặt những lời tục tĩu khó nghe còn hơn cả nông dân cày ruộng nhà quê. Trong lòng Tống Cương ấm ức bất bình, thầm nghĩ, nhà văn Lưu làm sao có thể mở mồm nói như vậy, dù là nông dân nhà quê cũng không nên. Những người xúm quanh đã bỏ đi, Tống Cương đứng lên, đi ra bể nước rửa sạch cặp kính gọng đen, và mực đỏ trên mặt. Sắc mặt Tống Cương trở nên tái xám. Tống Cương trở về phân xưởng. Hết giờ làm việc buổi trưa, cũng với vẻ mặt tái xám, Tống Cương đi về nhà.
Lý Trọc cũng về nhà, trông thấy anh ngồi trước bàn tức giận, mực đỏ vấy trên quần áo, y như một tấm bản đồ. Lý Trọc hỏi đã xảy ra chuyện gì. Tống Cương kể lại đầu đuôi sự việc. Nghe xong, Lý Trọc chẳng nói chẳng rằng, quay người đi ra khỏi cửa. Lý Trọc thừa biết nhà văn Lưu ở ngõ nào. Cậu phải đi dạy cho nhà văn Lưu không biết cân nhắc này một bài học. Thân hình thô lùn của Lý Trọc bước đi nghênh ngang oai vệ.
Đang đi trên phố lớn, Lý Trọc trông thấy nhà văn Lưu. Nhà văn Lưu vừa từ trong ngõ rẽ ra, tay xách một chai xì dầu, vợ sai anh ta ra cửa hàng mua xì dầu. Lý Trọc dừng chân, gọi:
- Ê, thằng nhóc kia, lại đây!
Nhà văn Lưu nghe tiếng gọi rất quen, quay lại nhìn thấy Lý Trọc diễu võ giương oai, đang đứng bên kia phố vẫy tay gọi mình. Anh ta nghĩ đến khi còn bé, anh ta và Triệu Thành Công, còn có cả Tôn Vĩ, thường hay gọi Lý Trọc như thế, định cho Lý Trọc ăn ngón đòn rê chân. Bây giờ Lý Trọc lại nghiễm nhiên gọi mình. Nhà văn Lưu biết Lý Trọc tìm mình vì chuyện Tống Cương. Ngần ngừ một lát, anh ta xách chai xì dầu, tạt ngang phố lớn, đến trước mặt Lý Trọc.
Lý Trọc chỉ thẳng vào mũi nhà văn Lưu, mắng té tát một thôi một hồi:
- Đồ khốn nạn, mày lại dám hắt mực vào người anh Tống Cương nhà tao. Mẹ kiếp! Mày muốn chết hả...
Nhà văn Lưu tức run người. Trước mặt Tống Cương, anh ta giơ quả đấm lên lại bỏ xuống. Bởi vì Tống Cương cao hơn anh ta nửa cái đầu. Còn anh chàng Lý Trọc thấp hơn ta nửa cái đầu, việc quái gì phải lo. Anh ta cũng chửi lại Lý Trọc vài câu. Chợt thấy người trên phố xúm lại, nhà văn Lưu biết vẫn nên giữ hình tượng của mình. Anh ta nói tỉnh khô:
- Cậu hãy ăn nói tử tế, sạch sẽ một chút.
Lý Trọc cười gằn. Tay trái túm áo ngực nhà văn Lưu, tay phải nắm thành quả đấm, hung hăng nói:
- Mồm tao bẩn đấy, tao còn muốn đánh cho cái mồm sạch sẽ của mày vấy bẩn.
Khí thế của Lý Trọc khiến nhà văn Lưu hoảng sợ. Trước mặt anh ta, Lý Trọc tuy thấp hơn nửa cái đầu, nhưng lực lưỡng, to khỏe. Nhà văn Lưu cố gỡ khỏi tay Lý Trọc. Anh ta phải cố gắng giữ hình tượng nhà văn của mình trước mặt đám đông vây quanh. Vừa khe khẽ vỗ vào tay Lý Trọc đang túm áo mình, hy vọng Lý Trọc tự giác buông ra, anh ta vừa nói một cách nhã nhặn:
- Ta là phần tử trí thức, ta không quấy rầy nhà ngươi...
- Đứa tao muốn ra đòn, chính là phần tử trí thức.
Nhà văn Lưu đang nói dở dang, Lý Trọc đã giơ nắm tay phải, một hai ba bốn, thụi liền bốn quả, anh ta dúi đầu sang hai bên. Lý Trọc thừa cơ đánh luôn, năm sáu bảy tám, lại táng thêm bốn quả nữa. Thân thể nhà văn Lưu cũng lắc la lắc lư. Sau đó lại chín mười, mười một mười hai, nhà văn Lưu ăn bốn quả vào mặt. Chai xì dầu trong tay rơi xuống đất đánh bịch một tiếng vỡ tan tành. Toàn thân mềm oặt đi, như hôn mê. Lý Trọc giơ tay trái nhấc mạnh, không để anh ta ngã xuống đất. Tay phải tiếp tục đấm tới tấp vào mặt nhà văn Lưu, y như đấm bao cát. Đánh cho sưng húp mắt, thành một đường chỉ. Đánh cho hộc máu mồm máu mũi. Lý Trọc giáng vào mặt nhà văn Lưu cả thẩy hai mươi tám cú đấm. Đánh thành nạn nhân tai nạn ô tô. Cuối cùng, tay trái xách nhà văn Lưu quá mỏi, Lý Trọc đã buông ra. Anh ta đổ xuống như bao cát. Lý Trọc nhanh chóng túm lấy lưng áo. Nhà văn Lưu quỳ trên đất. Lý Trọc giơ tay trái kéo cổ áo, không cho anh ta ngã. Lý Trọc cười hì hì, nói với đám đông vây quanh:
- Đây là phần tử trí thức...
Nói xong, Lý Trọc bắt đầu vung tay phải đấm huỳnh huỵch vào lưng nhà văn Lưu. Đấm một hơi mười hai quả. Đánh đến nỗi nhà văn Lưu kêu oai oái, ối giời ôi, ối giời ơi. Lý Trọc phát hiện anh ta đã lạc giọng, bắt đầu phát ra một loạt tiếng hồng hộc nặng nề. Vẻ mặt đầy hí hửng, Lý Trọc nói với đám đông:
- Nghe thấy chưa, phần tử trí thức này đang dô hò trong lao động, dô ta nào, dô ta nào...
Sau đó giống như làm thực nghiệm khoa học, Lý Trọc thụi mạnh một quả vào lưng nhà văn Lưu, nghe thấy kêu đánh hự một tiếng: dô ta nào. Lý Trọc đấm cho năm quả liền. Như đã hẹn trước, nhà văn Lưu kêu một lúc năm tiếng: dô ta nào. Lý Trọc hớn hở ra mặt, vừa đấm nhà văn Lưu, vừa nói với đám đông vây xem:
- Tôi đánh hắn, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động.
Lý Trọc lúc này cũng vã mồ hôi, buông tay ra. Nhà văn Lưu ngã chỏng chơ ra đất, như một con lợn chết. Lý Trọc lau mồ hôi trán, nói một cách đầy vẻ thoả mãn:
- Hôm nay dừng lại ở đây.
Đang cơn khoái chí, Lý Trọc nghĩ đến nhà văn Lưu còn có một đồng đảng là phần tử trí thức - nhà thơ Triệu, liền nói với quần chúng vây quanh:
- Nhà thơ Triệu cũng là một phần tử trí thức. Xin bà con chuyển lời tôi tới hắn: Trong vòng nửa năm, thế nào tôi cũng phải đánh hắn một trận, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động.
Lý Trọc sải bước đi liền. Nhà văn Lưu nằm sóng xoài bên cây ngô đồng trên phố, mặt đầy máu. Dân chúng đi qua đi lại xúm vào xem, chỉ trỏ, xôn xao bàn tán. Lý Trọc nhằm trúng năm giác quan của nhà văn Lưu đấm hai mươi tám quả như búa bổ. Đánh cho bất tỉnh nhân sự. Mãi đến lúc mấy công nhân xưởng kim khí đi làm qua đó, trông thấy trưởng phòng Lưu bị đánh bê bết máu trên mặt, hai con mắt cứ đảo lên đảo xuống, mép nhếch ra, cười ngây dại, đã vội vàng khiêng anh ta vào bệnh viện.
Nằm trên giường của phòng khám khẩn cấp trong bệnh viện, nhà văn Lưu cứ nhất quyết khẳng định kẻ đánh anh ta là Lý Đạt, chứ không phải Lý Trọc. Mấy công nhân xưởng kim khí không biết nói thế nào, hỏi anh ta:
- Lý Đạt nào?
Nhà văn Lưu ho rũ rượi. Mồm hộc máu tươi, nói:
- Chính là thằng cha Lý Đạt trong truyện Thủy Hử, chứ còn ai vào đấy.
Mấy công nhân hết sức kinh ngạc. Họ bảo gã Lý Đạt không phải ở thị trấn Lưu, mà ở trong sách. Nhà văn Lưu gật đầu nói, thì chính cái thằng cha Lý Đạt trong sách đã nhảy ra đánh anh ta một trận nên thân. Mấy công nhân không nhịn nổi cười. Họ cười hỏi anh ta: Tại sao Lý Đạt từ trong sách nhảy ra đánh anh? Nhân thể, nhà văn Lưu toang toác chửi Lý Đạt mấy câu. Anh ta bảo thằng cha ấy là chúa tể qua loa đại khái, hữu dũng vô mưu, khắp người toàn cơ bắp, nung núc những thịt là thịt, thịt mọc lấn cả vào óc. Thằng cha Lý Đạt chúa tể qua loa đại khái, nhận được tình báo sai, đi nhầm chỗ, đánh nhầm người. Cuối cùng nhà văn Lưu tiếp tục ho rũ rượi, và nôn ra máu, giọng vo ve như muỗi kêu:
- Lý Trọc đâu phải đối thủ của ta.
Mấy công nhân xưởng kim khí nghĩ bụng, toi đời rồi. Họ điệu bác sĩ đến thăm dò xem, liệu trưởng phòng Lưu của họ có bị đánh thành kẻ dở hơi mắc bệnh tâm thần? Bác sĩ xua tay bảo, vẫn chưa đến nông nỗi ấy, trưởng phòng Lưu chỉ bị người ta đánh thành chứng hoảng loạn. Bác sĩ bảo:
- Yên chí, cứ ngủ một giấc, tỉnh lại là khỏi.
Lý Trọc tuyên bố, kẻ ăn đòn tiếp theo là nhà thơ Triệu. Tin này đồn đến tai nhà thơ Triệu. Nhà thơ Triệu giận tái mặt. Mũi anh ta cứ phập phồng khịt ra năm sáu tiếng liền, như đánh rắm. Nhà thơ Triệu rất hiếm khi nói tục chửi bậy, không nhịn nổi, buột mồm chửi:
- Thằng lỏi con khốn kiếp.
Nhà thơ Triệu kể với dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi, nhớ lại ngày ấy, mười một, mười hai năm về trước, thằng Lý Trọc này ăn của anh ta bao nhiêu cái rê chân. Nó vừa khóc vừa gào, vừa ngã lộn cổ như trồng cây chuối, ngã liền tù tì nửa dãy phố. Nhà thơ Triệu tuyên bố Lý Trọc là cặn bã, là xỉ người, mười bốn tuổi đã mò vào nhà vệ sinh nhòm trộm mông đàn bà, bị nhà thơ Triệu bắt sống, sau đó ôm hận trong lòng, luôn luôn tìm cơ hội trả thù. Nhà thơ Triệu hồi tưởng lại cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt khi túm cổ áo Lý Trọc dong đi diễu phố năm nào. Sắc mặt anh ta tái nhợt đã trở nên tươi tắn hồng hào, giọng nói cũng sang sảng. Có người bảo, Lý Trọc cũng định đánh cho nhà thơ Triệu phải lòi ra bản sắc của nhân dân lao động. Nhà thơ Triệu lại tái mặt lần nữa. Anh ta tức giận đến nỗi giọng cứ run bần bật. Anh ta bảo:
- Tôi đánh hắn trước, các người cứ xem xem, trước hết tôi sẽ nện thằng cha nhân dân lao động này thành một phần tử trí thức. Đánh cho hắn từ đó trở đi không nói tục nói bậy. Đánh cho hắn biết thế nào là lễ độ với mọi người. Đánh cho hắn phải tôn trọng người già, yêu mến trẻ con. Đánh cho hắn trở nên tao nhã lịch sự...
Có ai đó cười bảo:
- Anh đánh như vậy, chẳng phải biến Lý Trọc trở thành nhà thơ Triệu hay sao?
Nghe vậy, nhà thơ Triệu ngẩn tò te, sau đó lảm nhảm nói:
- Đánh thành một nhà thơ Triệu, cũng có ngại ngần gì.
Ngoài phố, nhà thơ Triệu nói ngông là thế, nhưng về đến nhà cứ giật mình thon thót. Trong lòng anh ta thấp thỏm lo âu, thầm nghĩ, nếu mình choảng nhau với nhà văn Lưu, sẽ là một cuộc đại chiến kéo dài một trăm hợp, có thể mình chỉ hơi trội, mà cũng không dám chắc. Nhà thơ Triệu nghĩ đến cảnh tượng Lý Trọc đánh nhà văn Lưu đến nỗi không còn tý chút sức lực nào để đánh trả, đến mức mê sảng, khiến nhà văn Lưu nhầm Lý Trọc thành Lý Đạt, trở thành trò cười cho dân chúng thị trấn Lưu trong những lúc ngồi uống trà tán chuyện phiếm sau bữa cơm; nghĩ đến mình có thể chịu hậu quả như thế, thậm chí còn tồi tệ hơn. Nhà thơ Triệu biết Lý Trọc là một gã choai cứng đầu cứng cổ, mép chưa có râu, làm việc chóng chán, đánh nhau với người ta không biết thế nào là nặng nhẹ sống chết, hắn nhằm trúng mặt nhà văn Lưu tống những tám mươi hai quả đấm. Nếu hắn cũng táng trúng mặt mình tám mươi hai quả, liệu còn không bị đánh thành kẻ ngớ ngẩn dở hơi suốt đời hay sao. Sau khi suy nghĩ như vậy, nhà thơ Triệu quyết định, không ra phố được, thì không ra. Trường hợp bất đắc dĩ cần phải đi phố, khi ra đường nhà thơ Triệu cũng phải thò đầu do thám, mắt nhìn sáu lối, tai nghe tám phương, như một người lính trinh sát. Một khi phát hiện có địch tình Lý Trọc, phải lập tức chui vào một ngõ nhỏ ẩn nấp.
Sau khi bị đánh, nhà văn Lưu nằm trong bệnh viện hai ngày, nằm ở nhà một tháng. Lý Trọc bị ông Đào Thanh gọi lên văn phòng Cục dân chính xạc cho một trận túi bụi, rồi coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó có người hỏi trước mặt Lý Trọc: Tại sao lại đánh nhà văn Lưu, phần tử trí thức thành Lưu Thành Công, nhân dân lao động? Lý Trọc đã chối đây đẩy, cười hóm hỉnh trả lời:
- Lý Đạt đánh anh ta, chứ tôi có đánh đâu.
Nhà văn Lưu bị Lý Trọc đánh, trong lòng Tống Cương lo lắng không yên. Tuy việc làm hôm đó của nhà văn Lưu khiến Tống Cương hết sức tức giận, nhưng Lý Trọc đánh anh ta thành như vậy, Tống Cương cảm thấy cũng sai. Tống Cương nghĩ sẽ đi thăm nhà văn Lưu, lại e phật lòng Lý Trọc, nên cứ lần lữa mãi. Thấy nhà văn Lưu sắp sửa lành vết thương, sẽ trở lại xưởng kim khí làm việc trong ngày một ngày hai, Tống Cương biết không kéo dài được nữa. Tống Cương ấp a ấp úng nói với Lý Trọc:
- Nên đi thăm nhà văn Lưu một lúc.
Lý Trọc vung tay nói:
- Nếu đi, một mình anh đi, em không đi.
Tống Cương ấp a ấp úng. Tống Cương bảo, đánh người ta bị thương, có đi thăm cũng nên mang chút gì. Không biết Tống Cương, định nói gì, Lý Trọc hỏi:
- Anh cứ ấp a ấp úng, định nói gì vậy?
Tống Cương đành phải nói thật, định mua mấy quả táo đi thăm nhà văn Lưu. Vừa nghe nói đến táo, Lý Trọc đã nuốt nước miếng ừng ực. Lý Trọc bảo, đời này mình đã được ăn táo bao giờ đâu. Lý Trọc nói:
- Thế thì liệu có hời cho thằng cha nhân dân lao động ấy không?
Tống Cương không nói gì, cúi đầu ngồi trước bàn. Lý Trọc biết trong lòng ông anh áy náy không yên, vỗ vai Tống Cương bảo:
- Được, anh đi mua mấy quả táo, đến thăm thằng cha nhân dân lao động ấy.
Tống Cương cười cảm động. Lý Trọc lắc đầu nói với Tống Cương:
- Em không quan tâm mấy quả táo. Em chỉ lo, mình bỏ ra bao nhiêu công sức mới đánh hắn, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động. Em lo là lo, một khi hắn ăn táo lại ăn ra cái bộ mặt phần tử trí thức của hắn.
Tống Cương ra phố mua năm quả táo ở cửa hàng. Đem về nhà, chọn một quả to nhất, đỏ nhất để giành cho Lý Trọc, còn bốn quả kia bỏ vào cặp sách cũ. Khoác trên lưng chiếc cặp sách cũ, Tống Cương đến thăm gia đình nhà văn Lưu. Lúc bấy giờ, nhà văn Lưu đã khỏe lại từ lâu, đang ngồi trong nhà tán chuyện với hàng xóm. Nghe Tống Cương hỏi thăm ở ngoài cổng, anh ta vội đứng dậy, đi vào nhà nằm.
Tống Cương rón rén đi vào trong nhà. Nhà văn Lưu nhắm mắt nằm trên giường. Tống Cương bước đến. Nhà văn Lưu mở mắt nhìn Tống Cương một cái, lại nhắm vào. Tống Cương đứng một lát, khe khẽ nói:
- Xin lỗi.
Nhà văn Lưu mở mắt nhìn Tống Cương, rồi nhắm vào. Tống Cương, mở cặp sách lấy bốn quả táo để lên bàn trước giường nhà văn Lưu. Tống Cương khẽ nói với anh ta:
- Tôi đặt táo lên bàn.
Vừa nghe nói đến táo, nhà văn Lưu không những mở mắt ra, mà còn ngồi dậy. Nhìn bốn quả táo để trên bàn, lập tức cười toe toét, nói với Tống Cương:
- Cậu thật là khách sáo.
Nhà văn Lưu nói, rồi cầm luôn một quả, chùi vào khăn trải giường, đưa lên mồm, cắn ngay một miếng, kêu đánh sột. Nhà văn Lưu sung sướng đến nỗi mắt híp lại thành đường chỉ. Anh ta cắn từng miếng giòn tan, nhai rau ráu, ngay đến tiếng nuốt vào bụng cũng ngon thơm. Đúng như Lý Trọc đã dự đoán, sau khi ăn một quả táo, nhà văn Lưu đã lập tức lòi ra bộ mặt của phần tử trí thức. Anh ta mặt mày tươi tỉnh nói chuyện văn học với Tống Cương, cứ làm như giữa hai người chưa hề xảy ra chuyện gì.