Chương 2

    
iống như Sergei Palavin, giờ đây Vadim Belov cũng làm việc ở chiếc bàn viết của ông bố. Về mùa thu, vào những buổi lạnh trời, hoặc những ngày mưa, anh mặc chiếc áo bành tô bằng da của bố có chiếc dây lưng to bản và những chiếc túi sâu đến nỗi có thể đút tay ngập đến tận khuỷu. Đó là một chiếc áo cũ, nhưng rất bền mà bố anh mua từ hồi còn ở Viễn Đông.
Phía trên bàn làm việc có treo tấm ảnh ông bố mặc chiếc áo đó - ông không đội mũ, mái tóc điểm bạc vẫn bù xù xoăn tít và trẻ trung xoã trên vầng trán rộng, còn cặp mắt hơi nheo nheo, đang cười vẻ châm biếm, thâm thúy, như thấy tất cả, hiểu tất cả… mắt ông màu xanh đậm, còn ở trên ảnh thì lại hoàn toàn đen, trông trẻ trung và rất linh lợi.
Những người quen cũ thường nói với bà mẹ:
Vadim càng lớn càng giống ông Petr Andreevich như đúc.
Nghe thấy thế Vadim rất khoái chí - anh rất muốn giống bố. Còn bà Vera Fadeevna thì mỉm cười vẻ buồn buồn và cố nén lòng, trả lời:
Vâng, có… nhiều nét giống thật…
Bố anh hy sinh hồi đầu chiến tranh, vào tháng Mười Hai năm bốn mươi mốt. Đó là cuộc chiến tranh thứ ba trong đời ông, mặc dù nghề nghiệp của ông rất là hoà bình - nghề dạy học. Mười lăm năm cuối, ông là hiệu trưởng một trường phổ thông. Khi ông cùng với các chiến sĩ tự vệ khác ra mặt trận - đó là hồi tháng Bảy, ở ga Belorussky, - có rất nhiều giáo viên và học sinh đến đưa tiễn ông. Mọi người đứng quanh ông thành một đám đông ồn ào, chen chúc, tranh nhau nói những lời chia tay nồng nhiệt, còn hiệu phó của trường ông - bà Nikitina, - một bà già tóc bạc, đeo kính thì rơm rớm khóc khiến bố anh phải an ủi bà, Ôm lấy vai bà.
Bản thân ông rất bình thản và nói đùa:
Tôi gặp mặt bọn Đức lần này là lần thứ ba. Lần thứ ba thì còn sợ gì nữa…
Vadim ngỡ ngàng nhìn bố đi đôi ủng lính nặng nề, với chiếc áo choàng quấn gọn vắt chéo qua vai và chiếc mũ chào mào trên đầu. Một thứ mùi là lạ toả ra từ người ông, mùi vải thô, mùi da, mùi thuốc lá - ông lại bắt đầu hút thuốc. Vadim cảm thấy bố vừa thay đổi nhiều vừa có phần khó nhận thấy, và mặc dù hai bố con đứng cạnh nhau và nắm tay nhau, nhưng bố đã ở rất xa anh, không còn thuộc về anh, về mẹ, về những người bạn tốt bụng này nữa. Một người thanh niên có khuôn mặt rộng, hơi rỗ mặc áo va-rơi thắt chặt ở ngang lưng, với hai ngôi sao vuông trên ve áo, chạy qua và kêu lên giọng khàn khàn: “Lên toa đi, lên toa đi, các đồng chí!“. Lúc này anh ta có vẻ thân cận với bố anh tới hàng trăm lần so với tất cả những người đang đứng quanh ông.
Chia tay với Vadim, bố nói:
- Điều chủ yếu là phải vững tin, con ạ! Đó là điều chủ yếu nhất trên đời. Vững tin có nghĩa là đã thắng một nửa. - Bố siết tay Vadim thật chặt theo kiểu đàn ông, rồi thì thầm nói thêm:
- Hãy chăm sóc mẹ con! Con bây giờ là chủ gia đình, là chỗ dựa…
Từ sân ga trở về, lần đầu tiên Vadim khoác tay mẹ, bà Nikitina, hiệu trưởng mới của trường, đỡ tay bên kia của bà Vera Fadeevna và kể không dứt lời về những người con là phi công của mình, về ông chồng đã hy sinh trong thời kỳ nội chiến, về những khó khăn trong công tác của nhà trường… Theo thói quen của các nhà giáo, bà nói rất tỉ mỉ, nhắc lại từng ý một và giải thích nhiều lần.
Chúng mình phải luôn luôn bên nhau, bác Vera Fadeevna ạ! Phải đi lại với nhau và giúp đỡ nhau. Chúng mình, những người đàn bà tiễn đưa những người đàn ông ra trận, cần phải siết chặt tay nhau - thề đấy. Nếu bác có điều gì cần đến, bác Vera Fadeevna ạ…
Vadim im lặng suốt đường về, Anh nghĩ về những lời bố dặn: “Con bây giờ là chủ gia đình, là chỗ dựa”. Có nghĩa là anh không còn là trẻ con nữa, bố đã giao cho anh nhiệm vụ trông nom mẹ. Ngay cả trước kia, khi đi công tác hoặc đi dưỡng sức, bố vẫn nói với Vadim bằng giọng cố ý nghiêm nghị và dõng đạc: “Hãy chú ý chăm sóc mẹ!“. Hôm nay bố vẫn nói điều đó, nhưng nhỏ hơn và bố gọi mẹ trang trọng một cách khác thường - mẹ con… Đúng, đối với Vadim, bây giờ là bắt đầu một cuộc sống mới, đầy những lo toan và trách nhiệm. Vadim nghĩ: đến bao giờ ta sẽ phải thật sự bắt đầu cuộc sống mới này, và sẽ bắt đầu từ việc gì trước?
Nhưng mới tuần sau “ông chủ gia đình“ đã giấu gia đình đến phòng quân vụ và đề nghị cho ra mặt trận. Anh bị từ chối, bởi vì anh còn chưa có giấy chứng minh, không ai tin lời anh nói là anh đã mười bảy tuổi. Anh không hề nói với ai về chuyến đi hụt ấy cả.
Tháng Chín đã đến. Lẽ ra năm nay Vadim phải kết thúc lớp mười. Nhưng năm học mãi vẫn không bắt đầu. Anh cùng với Sergei xin vào đội cứu hoả thanh niên của quận Lenin và suốt hai tháng liền anh làm việc cả ngày lẫn đêm: ban đêm thì thường trực, dập bom cháy, bắt giữ bọn bắn pháo hiệu, còn ban ngày thì cùng với cả đội làm việc ở kho củi, ở các nhà ga, nhất là ở bến sông - bốc dỡ các sà-lan vũ khí. Còn ngủ thì lúc vào buổi chiều, lúc lại vào buổi sáng.
Đêm mùa thu, đứng bên cửa sổ tầng gác sát mái của một ngôi nhà nào đó ở khu Polyanka, hoặc ở đường thành Korovi, nhìn những hoa lửa của pháo cao xạ trên bầu trời và những đường đạn đỏ hồng vun vút, Vadim thấy có một cảm giác mới - anh đã là chỗ dựa không phải chỉ là của gia đình, mà còn là chỗ dựa của cả đường phố anh, cả quận anh, của hàng chục, hàng trăm gia đình ngủ không ngon giấc hoặc đang thao thức trong màn đen mịt mù của thành phố ban đêm. Anh phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của hàng nghìn người, về sự nguyên vẹn của những ngôi nhà của họ. Sau này ở mặt trận, tình cảm trách nhiệm đó còn được củng cố hơn nữa ở trong anh, và không phải chỉ một đường phố, một thành phố, mà cả đất nước - anh cảm thấy thế - ở đằng sau lưng anh, anh là chỗ dựa của cả nước và anh chịu trách nhiệm về số phận của cả nước.
Cuối tháng Mười đội cứu hoả thanh niên của quận Lenin bị giải thể: những thanh niên đến tuổi nhập ngũ thì vào bộ đội, những ai chưa đến tuổi đó thì vào các xí nghiệp quân giới ở Moskva. Thời kỳ này cơ quan của bà Vera Fadeevna sơ tán đến vùng Trung Á, và Vadim buộc lòng phải đi với bà đến Tasken.
Bà Vera Fadeevna là kỹ sư chăn nuôi, bà đã tốt nghiệp học viện Timiriazev. Ở Tasken bà được cử đến phụ trách chăn nuôi ở một nông trường lớn vùng ngoại ô, cách thành phố ba kilômét. Hàng tuần lễ liền bà không có mặt ở nhà - một ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch mộc, nơi bà sống cùng với Vadim.
Khoảng giữa năm Vadim vào học lớp mười, anh đã hoàn thành tốt năm học và đến mùa xuân thì được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp ghi bằng hai thứ tiếng - tiếng Nga và tiếng Uzbekh.
Ở Tasken, một thành phố ồn ào nói nhiều thứ tiếng, lúc này người đông đền phát sợ và mưa bẩn vô cùng - ở đó hầu như không có tuyết, nhưng lại rất hôi hám và lầy lội, - Vadim cảm thấy không được khỏe. Bản thân thành phố thì không xấu, thậm chí còn đẹp nữa - có những khu chợ ồn ào, những hàng dương xanh, những cống nước lát gạch dọc theo hè phố. Những con lạc đà mang những kiện bông to tướng lững thững đềm bước trên đường phố, thờ ơ với những tiếng còi ô-tô. Xe điện đột nhiên đỗ ở ngang đường, vì có một con la nằm phục trên đường ray, và cả người đánh la, cả đồng chí cảnh sát cũng không đủ sức nâng nó đứng dậy… Tất cả những cảnh đó đều mới lạ, vào lúc khác thì thật là thú vị và buồn cười vô cùng - nhưng Vadim chẳng hề để mắt đến và cũng không mảy may ngạc nhiên. Ấn tượng rõ nét nhất trong cuộc sống ở Tasken là những cột báo mới thơm mùi mực in của báo “Sự thật Miền Đông“ với những thông báo chiến sự.
Vadim muốn được trở lại Moskva biết bao. Anh thường nằm mơ thấy Moskva, anh thường tỉnh giấc mơ lúc nửa đêm và không nhận ra căn phòng chật hẹp của mình ở ngoại ô Tasken: bầu trời đen thăm thẳm, xa lạ, với những ngôi sao sáng chói rất lớn nhòm vào cửa sổ, một con la hí lên vẻ ngái ngủ, những chú nhái dưới các mương nước kêu uồm oàm. Một nỗi buồn nhớ giày vò khôn nguôi. Và cũng chẳng có thư của bố gửi về. Đến tháng Ba thì có tin báo về là bố đã hy sinh.
Mùa xuân ở Tasken. Mùi mơ khô toả ngào ngạt. Con sông nhỏ Bốt-xu vốn đã chảy xiết giờ đây càng hung dữ thêm, nước sông vàng ngầu, và dâng cao làm ngập cả những chiếc cầu gỗ bắc ngang…
Mẹ đã linh cảm thấy… - bà Vera Fadeevna thì thào, tay đưa tờ giấy đã nhàu nát lên sát tận mắt và khóc thầm, làm cho mái đầu rung rung. Vadim ôm lấy mẹ, môi mím chặt, cố nén những tiếng nức nở tuyệt vọng toan bật ra khỏi cổ họng, anh cần phải im lặng. Anh đã là chủ gia đình, là chỗ dựa, và không phải chỉ là tạm thời, mà là vĩnh viễn… Anh chỉ biết nói một cách cau có, sau khi nghĩ thành lời về quyết định của mình:
- Mẹ cứ chờ đấy… bọn chúng sẽ biết tay con…
Nhưng “bọn chúng“ biết tay anh không sớm sủa gì - phải hai năm sau đó. Anh vừa đến tuổi mười bảy, và mới nhận giấy đăng ký ở phòng quân vụ hồi mùa hè. Còn bộ đội thì đang đánh nhau ở mãi tận vùng Tây Bắc xa xôi, cách thủ đô vùng Trung Á hàng nghìn kilômét.
Vadim đã xin vào làm việc ở xưởng đúc gang vùng ngoại ô Tasken. Lúc đầu anh làm công nhân dập đinh bằng máy “Yaks”, sản xuất đinh và bù-loong, sau đó chuyển sang phân xưởng đúc và trở thành thợ khuôn. Ở nhà máy có hai lò nấu gang nhỏ chuyên sản xuất những chiếc bếp gang loại xoàng và những trục ép nhỏ cùng những vật dụng không quan trọng lắm. Công việc và bản thân cái xí nghiệp với hai trăm công nhân đối với Vadim là quá nhỏ bé, nhỏ bé đến tủi thân. Anh định xin vào một xí nghiệp lớn, trong số những xí nghiệp địa phương hoặc những xí nghiệp từ phía Tây sơ tán đến. Nhưng mơ ước đó của anh không được thực hiện, tuy vậy một ước mơ khác lại thành hiện thực. Tháng Năm năm bốn mươi ba Vadim được nhận vào trường quân sự chuyên đào tạo các xạ thủ kiêm điện tín viên. Anh chuyển đến một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Kazakhstan.
Trường nằm ở ngoại vi thị trấn, và ngay sát đó là những bãi cát chạy dài thỉnh thoảng mới thấy một bụi cây gai. Ở vùng này vào mùa hè nóng không chịu được, còn mùa đông thì thật là kinh khủng với những đợt giá lạnh tới bốn mươi độ âm, và những cơn bão tuyết điên cuồng. Chương trình học trong trường phải tiến hành với một nhịp điệu khẩn trương - nội dung đào tạo hai năm phải thực hiện trong sáu tháng. Từ sáng sớm đến chiều tối học viên học các môn học quân sự khó khăn: đi trên cát trong cái nắng đáng sợ của châu Á với đầy đủ mọi trang bị của người lính, đào công sự, học bắn súng máy, bật dậy lúc đang ngủ khi có báo động và hành quân ngay trong đêm đến một nơi nào đó trong thảo nguyên cách khoảng mười kilômét, ngoài ra còn phải bắt buộc đeo mặt nạ phòng hơi độc, Và hàng ngày phải dành nhiều giờ để tập thành thạo cái môn moóc “tạch-tè“ chán ngấy. Vadim được coi là nhân viên điện đài ưu tú trong đại đội.
Đến tháng Mười Một thì kết thúc khoá học sáu tháng đó. Cả khoá tốt nghiệp được cử đi bổ sung biên chế cho các đơn vị. Đoàn của họ dừng lại tại một nhà ga ở ngoại ô Moskva, đó là nơi nghỉ mát mà có lần Vadim đã đến nghỉ trong trại hè thiếu niên. Lúc này, vào mùa đông, cảnh vật ở đây dường như xa lạ hoắc mới thấy lần đầu. Nhà ga đầy ắp bộ đội, cánh cổng các nhà nghỉ đóng chặt kín, những cánh đồng vắng lặng, lạnh ngắt dưới tuyết dày… Nhưng dù sao đây cũng vẫn là vùng ngoại ô Moskva! Và đâu đây rất gần thôi là Moskva!
Ngay hôm đầu tiên Vadim nhận được giấy phép và anh đáp một chuyến tàu từ ngoại thành về Moskva. Anh mong muốn được gặp mẹ. Đã ba tháng nay bà sống ở Moskva và vẫn làm việc ở chỗ cũ - ở Bộ dân ủy ruộng đất.
Moskva thời chiến đã đón tiếp Vadim vào một buổi sáng lạnh giá chẳng niềm nở gì. Sắp đến giờ làm việc của ca một, mọi người vội vã nối tiếp nhau đến các ga xe điện ngầm và các bền tàu điện, chỉ có các chiến sĩ tuần tra quân sự mang băng đỏ trên cánh tay là chậm rãi và đường hoàng đi lại trên các đường phố. Tủ kính của các cửa hàng bịt kín bằng những tấm gỗ mỏng và xếp đầy những bao cát. Người ta chớ một chiếc khí cầu màu bạc to tướng dọc phố Kaluskaya, nó hơi lúc lắc và trông tựa như một sinh vật kỳ lạ.
Vadim chạy suốt đọc đường, sợ rằng bà Vera Fadeevna đi làm việc mất. Nhà không có điện thoại, nó đã bị gỡ đi từ hồi đầu chiến tranh. Thang máy không làm việc. Vadim chạy một hơi lên đến tầng sáu, lao vào nhà và dừng lại trước ổ khoá cửa buồng mình. Bà Vera Fadeevna đã đi làm rồi… Anh ngồi phịch xuống chiếc hòm kê ngoài hành lang, mệt mỏi, bực mình, bất hạnh. Anh thử mở khoá, giật cửa. Rồi anh tháo cánh cửa chớp phía trên cửa ra vào và như một đứa ăn trộm anh luồn vào buồng. Trong buồng mọi vật vẫn như cũ: sách vở xếp trên các giá, chiếc đàn dương cầm phù thảm hoa, chiếc đồng hồ bằng đồng cũ kỹ, và chiếc giường của anh được trải cẩn thận bằng tấm chăn màu xanh. Trên chiếc bàn phù một tấm khăn nhỏ, là một cái đĩa đựng một miếng bánh mì khô, một củ hành và một chiếc vỏ trứng…
Trên mặt tủ con, dưới ánh đèn Vadim trông thấy một bức thư đang viết dở: “Chào con, con thân yêu của mẹ! Thế là con đã không giữ lời hứa của mình - viết cho mẹ mỗi tuần một lần. Con viết rằng, có thể, con sẽ về Moskva. Xem chừng phải chờ con…”.
Cũng trên tờ giấy đó Vadim viết nhanh một bức thư, bắt đầu như sau:
- Thưa mẹ! Con đã ở Moskva, con về đến đây hôm qua. Mẹ thấy là con chu đáo biết bao: thư của mẹ còn chưa viết xong, chưa gửi đi, mà mẹ đã nhận được thư trả lời. Thế mà mẹ vẫn còn cứ giận con…
Thế là ngày hôm đó anh cũng không được gặp bà Vera Fadeevna. Không đủ thời gian, cần phải trở lại đơn vị… Và chỉ trên đường quay lại đơn vị, từ nhà ga Vadim mới gọi được điện đến cơ quan của bà.
- Việc gì thế? Ai đấy? Ai nói đấy? - anh nghe thấy một giọng nói thân quen, không hiểu vì sao mà có vẻ rất hốt hoảng…
- Từ chỗ Dima à?
- Mẹ ơi, con là Dima đây! Mẹ hãy nghe…
- Ai đấy? Ai cơ?
- Con đây - Dima đây ạ! Con là Dima đây! - anh kiên nhẫn nhắc lại theo thói quen của một điện tín viên.
Vera Fadeevna cứ hỏi đi hỏi lại mãi, vẽ không tin. Bà xúc động mạnh, giọng bà đột nhiên yếu đi, và câu chuyện trở nên đáng thương, rời rạc, vội vàng. Những người đứng chờ bên máy điện thoại tự động, cứ gõ những đồng xu vào cửa kính.
- Hãy giữ mình cẩn thận, con nhé!.
- Thưa mẹ, vâng ạ.
- Và… hãy viết! Chúc con…
Bà bật khóc. Hoặc có thể là anh cảm thấy điều đó.
Mấy ngày sau Vadim chuyển sang biên chế của một đơn vị mới, vừa thành lập, lên đường đến tập đoàn quân Ukraina Hai, làm một xạ thủ kiêm điện tín viên xe tăng.
Vadim đã ra mặt trận vào cái năm vĩ đại, khi những đòn chí mạng đã đẩy kẻ thù ngày càng lùi dần về phía Tây. Vadim đã tham gia vào việc đánh bại bọn Hitler ở gần Korsun và vào đợt tấn công tháng Tám gần Yatsy. Cuộc hành quân thần tốc đến Bucharest và sau đó là qua dãy Alps Transynvania vào Hungary, cuộc chiến đấu ở Budapest và những trận đánh đẫm máu bên bờ hồ Balaton, trận đánh chiếm Vienna và giải phóng Praha, đó là chặng đường mà Vadim đã đi qua bằng xe tăng trên đất châu Âu.
Anh là một người vô cùng may mắn không hề bị thương một lần nào. Chỉ có một lần anh bị dập thương ở gần Yatsy, hổi mùa hè, khi diễn ra những trận đánh giành giật các cứ điểm.
Sau khi đánh thắng Đức, trung đoàn xe tăng mà Vadim phục vụ lại được tung về vùng Viễn Đông. Chiến tranh với Nhật bắt đầu - một cuộc hành quân hết sức gian khổ vượt qua vùng sa mạc không một giọt nước bị mặt trời thiêu đốt và dãy núi Thiên Sơn - những trận đánh với bọn Nhật ở Mãn Châu và cuối cùng là ở cảng Lữ Thuận.
Và ở Thái Binh Dương.
Cuộc hành quân kết thúc… các chiến sĩ hải quân của ta đã đổ bộ lên thành phố từ trước khi xe tăng hành quân tới, đang hát vang bên bờ cảng Lữ Thuận.
Quân đội Xô-viết đã hoàn thành chặng đường thắng lợi của mình bên bờ lục địa, tại một thành phố vinh quang của nước Nga.
Hai năm chiến tranh đã tôi luyện Vadim, đã dạy anh biết nhìn nhận phân tích con người, đã dạy cho anh lòng đũng cảm - phải mạnh hơn sự sợ hãi của mình. Khoảng thời gian đó đã cho anh thấy rõ, anh, Vadim Belov, có được những khả năng gì. Thì ra là anh cũng có được chút khả năng nào đó. Trong trận đánh ở Komarno, xe tăng của anh bị bắn hỏng và bị bọn địch bao vây, tốp chiến sĩ ở trên xe chỉ còn sống sót có hai người - Vadim và một chiến sĩ trên tháp pháo bị thương nặng. Vadim bắn tự vệ cho đến đêm, ném qua nắp xe tất cả số lựu đạn, đến khuya anh đưa đồng đội ra khỏi xe tăng, và với khẩu súng lục trong tay, anh tìm về phía quân ta.
Mỗi một ngày của chiến tranh lại đòi hỏi ở anh sự nỗ lực hết sức, sự lao động kiên trì và quên mình.
Về thể lực, Vadim rất khỏe, cao lớn, khuôn mặt hơi thở, to rộng, trán cao và đen sạm giống bố. Trong chiến tranh, anh đã học được nhiều điều cần thiết không chỉ cho chiến đấu, mà ngay cho cuộc sống nữa. Trong chiến tranh anh đã thấy rõ nhân dân mình, đã nhận ra khát vọng và tính cách của họ, và đã hiểu rằng, đó cũng chính là tính cách riêng và những khát vọng riêng của anh.
Quyết định trở thành giáo viên của Vadim đã ổn định đứt khoát. Quyết định đó đã chín muồi dần dần, một cách tự nhiên kể từ cái ngày đắng cay khi anh được biết về cái chết của cha. Anh, Vadim, cần phải thay thế cha và tiếp tục sự nghiệp của ông. Trong thời gian chiến tranh, sự nghiệp của ông là chiến đấu, bảo vệ mảnh đất của Tổ quốc, Nhưng giờ đây tiếng súng đã lặng đi - cuộc sống hoà bình đã đến tuy chưa phải là ngay lập tức, nhưng lúc này nó đã rất gần, và cần phải suy nghĩ đến nó.
Sau khi chiến thắng bọn Nhật, Vadim phục vụ trong quân đội khoảng gần một năm tại một đơn vị tuần tiểu nhỏ đóng ở vùng núi Zabaikan. Năm bốn mươi sáu, anh được phục viên và trở về Moskva với một dự định kiên quyết và dứt khoát: hiến dâng đời mình cho nghề dạy học.
Những tháng đầu tiên của cuộc sống sinh viên không phải là dễ dàng gì. Cần phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, cần phải tái hiện lại những kiến thức đã quên, cần phải tập quen dần theo cách mới - cả với những tài liệu giáo khoa cần đọc nhằm hiểu rõ từng từ, và rồi còn phải soạn những để cương toát yếu, cả với việc nghe giảng và việc chú ý một cách tập trung… Và dù vậy đối với Vadim những khó khăn trong học tập không phải là những khó khăn chủ yếu. Trong đợt thi học kỳ mùa đông đầu tiên, anh đã bị một điểm ba môn tiếng Anh, đợt thi mùa xuân anh đạt kết quả tốt, và đến năm thứ hai anh đã trở thành một sinh viên xuất sắc.
Những khó khăn kiểu khác đang bao vây lấy anh trong những tháng đầu tiên của cuộc sống sinh viên. Ở trường sư phạm mà Vadim đang học, sinh viên nữ đông hơn nhiều so với sinh viên nam, mà cái môi trường ồn ào, vui vẻ kiểu thanh niên đó, cái môi trường thích chế nhạo và châm chọc đó, phải nói rằng, Vadim đã quên hết hồi còn ở bộ đội. Ngay trước đây, hồi còn học phổ thông, anh cũng chẳng tỏ ra hoạt bát gì trước các bạn nữ, trong các buổi dạ hội của trường, trong các buổi kỷ niệm sinh nhật và các ngày lễ, anh thường ngồi khuất vào chỗ tối, giữ vị trí “anh chàng sắc sảo xó nhà”, tiện nói thêm là chính anh cũng không đoán được rằng, vì vậy mà anh lại được các bạn gái yêu mến. Anh cũng đã học nhảy, nhưng anh không thích hoạt động đó mà lại thích ngắm người khác nhảy hơn, hoặc thú hơn là khe khẽ hát hoà vào một bài đồng ca.
Đến trường và lại rơi ngay vào một tập thể không quen thuộc, ồn ào những giọng con gái, lúc đầu Vadim đã thu mình lại, làm bộ khô khan và cau có không cần thiết, và rất khổ tâm bởi thái độ giả tạo do chính mình gây ra. Trong số các bạn cùng khoá của anh có một số từ mặt trận trở về, số còn lại là thanh niên mới lớn, những người hôm qua đây vừa học xong lớp mười. Vadim ghen với các anh chàng trẻ tuổi đó - ghen với sự dễ dàng của họ khi họ chuyện trò, vui đùa và kết thân với các bạn gái, ghen với sự suồng sã vui vẻ và tự nhiên trong tư cách của họ, ghen với tính sắc sảo, sự hiểu biết của họ về thể thao, nghệ thuật và văn học (Vadim rất lạc hậu về các mặt này) và thậm chí - anh thấy xấu hổ tự nhận rằng - anh còn ghen với những chiếc kravat và những kiểu đầu đúng mốt của họ. Suốt một năm Vadim chỉ mặc độc chiếc áo va-rơi, và mãi đến năm học thứ hai anh mới may được một bộ quần áo và mua được một chiếc bành tô mùa đông. Và anh vẫn luôn luôn cắt tóc kiểu “đờ-mi-cua“ hiền lành, cũ kỹ, chứ không dám cắt kiểu “polka“ hiện đại.
Năm đầu tiên ở trường đại học là năm quan sát, làm quen với cuộc sống mới, năm của những biến chuyển chậm chạp, của những thành công trầy trật khó thấy và - chủ yếu, chủ yếu bất chấp tất cả - đó là năm của sự thích thú hân hoan đầy khát vọng đối với thế giới, đối với công việc, đối với cảm giác về hoạt động chủ yếu của cuộc sống được bắt đầu một cách đúng đắn. Đôi khi trong các giờ lên lớp, ở phòng đọc hoặc vào các buổi chiều ở nhà sau bàn làm việc, nơi anh ngồi đọc báo hoặc lật giờ một cuốn sách nào đó, còn bà Vera Fadeevna mệt mỏi sau một ngày làm việc, thiu thiu ngủ trên đi-văng, và bên các nhà hàng xóm có tiếng máy thu thanh vang lên khe khẽ, từ ngoài phố vọng lại những tiếng ô-tô và những tiếng nô đùa của trẻ con, đột nhiên Vadim cảm thấy một niềm hạnh phúc thật sự và sâu sắc nhất tràn dâng trong lòng. Bởi vì chính anh, đầu tiên là trong thời gian sơ tán, sau đó là trong quân đội, đã mơ ước có được chiếc bàn làm việc bình yên này, những cuốn sách, sự yên lặng trên giảng đường - và tất cả những điều đó giờ đây đã trở thành hiện thực và là việc làm hàng ngày trong cuộc sống của anh.
Cảm giác về ước mơ đã trở thành hiện thực và hạnh phúc tràn đầy đến năm thứ hai đã bắt đầu mờ nhạt, mất dần, và cuối cùng bị quên hẳn. Và cũng chẳng nên luyến tiếc điều đó. Cuộc sống mới đã đến với những mối quan tâm mới, những mục đích mới và những hy vọng mới, Tuy nhiên những trở ngại và khó khăn đủ loại của những ngày đầu (bây giờ đây có thể cười nhạo chúng), tất cả những sự sợ hãi giả dối đó, những cơn tự ái tầm thường đó, sự thu mình không khéo léo và sự vụng về đó cũng dần dần biến mất - tất cả mọi chuyện đã trở thành bình thường, đã bị san bằng, đã bị đè bẹp, và cuộc sống trôi đi một cách tự do hơn, nhẹ nhàng hơn, và - thật là kỳ lạ - nhanh chóng hơn.
Mãi đến năm học thứ hai Vadim mới thật sự trở thành sinh viên - trước đó anh vẫn chỉ là một chiến sĩ phục viên. Anh hoà vào tập thể một cách vững vàng và chắc chắc, và giờ đây anh cũng dễ dàng kết thân với các bạn cùng lứa tuổi và với những anh chàng chưa từng ngửi mùi thuốc súng mà đã có lúc nào đó anh chỉ nhìn họ bằng nửa con mắt và chẳng hiểu vì sao anh thấy thầm ghen với họ. Cuộc sống sinh viên với những sinh hoạt tập thể đã làm cho những con người khác nhau nhất trở nên bình đẳng và gần gũi hơn và kết chặt họ lại bởi tình cảm bạn bè. Đó chính là lúc học hành dễ dàng. Dễ dàng hơn nhiều so với những ngày đầu. Và sự hứng thú thật sự đối với việc học tập đã xuất hiện, lòng yêu mến trường đã nãy sinh.
Hiện nay những giờ phút tốt đẹp nhất của Vadim khi ở trường không phải là hoạt động đơn độc trong phòng đọc vào mỗi buổi tối (như anh cảm thấy trước đấy), mà là những cuộc họp ồn ào ở phòng câu lạc bộ, hoặc những buổi dạ hội vui vẻ ngày thứ bảy, hoặc những cuộc tranh luận này lửa trên giảng đường và sau đó tiếp tục ở các hành lang hoặc ở ngoài sân. Những giờ phút tốt đẹp nhất - đó là những giờ phút anh không phải sống một mình.
Sergei Palavin giúp đỡ anh nhiều việc. Vadim đã gặp may, anh đã đến trường có bạn có bè - Sergei không vào được trường Tổng hợp, và để khỏi mất đi một năm, anh đã quyết định vào học trường Sư phạm.
Sergei là một người có tư chất hoàn toàn khác. đối với anh không hề có một khó khăn gì khác, ngoài các khó khăn thường có của các kỳ thi. Anh hoà ngay được vào cuộc sống sinh viên một cách rất tự nhiên và thật là dễ dàng, anh nhanh chóng làm quen với bè bạn, biết cách làm cho các thầy giáo hài lòng, còn đối với các bạn gái thì anh giữ thái độ vô tư và hơi có vẻ khoan dung theo kiểu bạn bè,và có lẽ, anh đã làm cho nhiều cô mê mẩn.
Vadim tự hào rằng anh có được một người bạn xuất sắc và có nhiều thành công như vậy. Có Sergei ở bên cạnh, anh cảm thấy mình vững tin hơn, trong các giờ lên lớp anh cố gắng ngồi sát cạnh Sergei, và thời gian đầu, anh hầu như không rời khỏi Sergei lúc ra chơi ngoài hành lang. Còn Sergei, ngược lại, mong muốn làm quen càng nhanh càng tốt với tất cả những người xung quanh: với những người này, anh nói chuyện về thể thao, với những người khác, anh nói với vẻ đầy hiểu biết về những vấn đề ngôn ngữ học ; với những người thứ ba - nếu là các bạn trẻ - anh kể về một tình tiết phi thường nào đó ngoài mặt trận, với các bạn gái thì anh mỉm cười ; anh nói đùa với một bạn nào đó lúc đi qua, anh mời một bạn khác hút thuốc… Vadim ngạc nhiên trước khả năng định hướng nhanh chóng của Sergei trong bất kỳ một tập thế nào, dù chưa hề quen biết.
- Sergei, cậu tài thật đấy! - anh chân thành nói với bạn. - Cậu kết thân với mọi người nhanh chóng thật đấy!
- Ồ, anh bạn!. - Sergei cười thoả mãn, - Tớ là một nhà tâm lý, tớ nhìn xuyên qua được con người. Còn kết thân với mọi người, chà, là một chuyện đơn giản nhất… Xa lánh họ mới khó chứ.
Sergei thường đến nhà Vadim, họ cùng đi xem phim, xem triển lãm, thậm chí đôi khi còn cùng nhau chuẩn bị cho các kỳ thi hoặc các cuộc hội thảo chuyên đề, nhưng điều đó không được thường xuyên: Vadim không muốn học tay đôi. Sau khi phục viên, thực tế Vadim chỉ có hai người thân: mẹ và Sergei Palavin. Trong số các bạn cũ hồi học phổ thông, hầu như không còn ai ở lại Moskva, mà cũng hiếm khi gặp lại các bạn hồi trước đã từng ở Moskva.
Vadim thấy mẹ anh, bà Vera Fadeevna, thay đổi rất nhiều, bà già hẳn đi, tóc bạc hoàn toàn. Bà vẫn làm việc nhiều như trước kia, đi làm từ sáng sớm và mãi tận đêm khuya mới về. Bà thường đi công tác xa - đến những nông trang ở vùng lưu vực sông Volga, ở Sibir và ở Altay. Đồng nghiệp của bà - những kỹ thuật viên và những chuyên gia chăn nuôi ở các vùng đó - thường có việc đến Moskva và nghỉ lại một vài ngày trong căn hộ của họ. Đa số họ là những người đã đứng tuổi, nhưng khỏe mạnh, rám nắng, vui vẻ một cách hồn nhiên và đều rất bận rộn. Mọi người đến đều mang cho quà: người thì quả dưa hấu, người thì mật ong, một ông bác sĩ thú y ở Kazakhstan mang đến cả một tấm giăm-bông cừu. Ban ngày họ bận đi giải quyết công việc, chiều tối họ mới trở về, mệt mỏi và đói mèm và lẽ ra sau khi ăn tối cần ngả lưng xuống đi-văng ngủ luôn, thì họ lại thường nói chuyện với bà Vera Fadeevna đến nửa đêm - về việc sửa chữa chuồng bê, về việc gieo hạt cỏ, về số lượng lông cừu cắt được, về việc tăng thêm trọng lượng, và về sản lượng sữa… Sau đó họ ra đi, lúc này họ đã ăn diện theo kiểu thủ đô - đó là điều nhất thiết, nếu không là chiếc bành tô mới, thì cũng phải là chiếc kravat mới, với chiếc va-li đầy hàng hoá và quà kỷ niệm của Moskva. Và chẳng bao lâu sau một bức điện gửi đến: “Đã về đến nơi bình yên, gửi lời chào cậu con trai, chờ đến thăm”.
Đối với mẹ, từ lâu Vadim có những mối quan hệ bè bạn, giản dị. Bà Vera Fadeevna ngay từ lúc con còn nhỏ, cũng không chiều chuộng bằng cách âu yếm quá đáng, không cưng và cũng không lo mất con, như nhiều bà mẹ “cưng con” thường làm. Từ lứa tuổi thanh niên, anh đã quen coi mình là một người tự lập - bởi vì bà Vera cũng coi con như vậy…
Ngày tháng của Vadim đã trôi qua như vậy trong tác phong làm việc kiên nhẫn và tuần tự. Thoạt tiên hồi học năm thứ nhất, có lẽ, anh làm việc nhiều hơn, cần cù hơn và nhiệt tình hơn so với sau này, khi cuộc sống sinh viên đã trở nên quen thuộc và anh đã học được cách tiết kiệm thời gian, và hiểu rằng, trên đời này, ngoài những đề cương toát yếu và những buổi hội thảo huyên để còn có nhiều cái tốt đẹp cũng đòi hỏi phải đầu tư thời gian.
Và thế là năm học thứ hai đã kết thúc. Một nửa quãng đường đã lùi về phía sau, còn phần trước mắt, dường như không đáng sợ lắm không khiến phải hoảng sợ bởi khó khăn hoặc những cái mới mẻ.
Và ở ranh giới của năm học thứ ba, trong thời kỳ trưởng thành của người sinh viên, đột nhiên tình yêu đã đến với Vadim. Tình yêu đó cũng bất ngờ và hơi muộn - đó là mối tình đầu tiên trong đời anh, bởi vậy nên nó có nhiều sự ngỡ ngàng, ngốc nghếch, và Vadim khó mà phân tích được, trong mối tình này, điều gì là khổ đau, điều gì là hạnh phúc…