Chương 2-4
D- LO CHO DÂN SINH

Mở mang các ngành
- Giao thông vận tải
Một nước rộng 14 triệu cây số vuông (Âu Châu không kể Nga chỉ rộng khoảng 10 triệu rưỡi cây số). đất đai thì rừng rú nhiều, đồng bằng rất ít ( coi bản đồ nông phẩm ), mà lại bỏ hoang nhiều vì loạn lạc, dân số khoảng 460 triệu, 95% chỉ sống nhờ nông nghiệp, một nước như vậy mà muốn kiến thiết thành một nước kỹ nghệ đuổi kịp phương Tây, đã khó khăn lắm rồi, huống hồ còn bị nhiều trở ngại nữa:
-Trong non một thế kỷ, từ 1840, bị bọn tư bản châu Âu xâu xé bóc lột về quan thuế, không thể dùng quan thuế mà bảo hộ hàng hóa của mình được, lại thêm nổi bao nhiêu chi tiêu trong nước phần lớn ( 85%) trông vào thuế quan, thuế muối, mất 2 thuế đó thì thiếu dùng, phải vay, vay thì nghèo thêm, mất thêm quí kim, tài nguyên.
- Bọn tư bản ngoại quốc nhiều vốn, nhiều máy móc, dùng nhân công rất rẻ của Trung Hoa, dễ dàng thắng trong việc cạnh tranh với công nghiệp, Trung Hoa mới chập chững.
- Thiếu tư bản vì bọn nhà giàu chỉ quen mua vàng để dành, mua đất hoặc cho vay không có tinh thần kinh doanh, thiếu kỹ thuật gia, thiếu cả thị trường, sản xuất được món gì thì chỉ bán loanh quanh trong miền, không thể chở đi xa được – phương tiện giao thông rất thô sơ – như vậy làm sao không bị công nghiệp ngoại quốc đè bẹp.
Có hiểu như vậy chúng ta mới thấu được nỗi khó khăn và sự gắng sức của nhà cầm quyền cùng dân chúng Trung Hoa.
Một bản báo cáo của ủy viên Hội Vạn Quốc ( không rõ năm nào) nhận rằng sự gắng sức của Quốc dân đảng thành công, ít nhất là Trung Hoa, đã có bộ mặt mới mẻ hơn, bắt đầu tiến vào thời công nghiệp.
Tiến nhất là về phương diện giao thông, chuyên chở. Điều đó rất hợp lý. Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển giao thông trước. Khai thác mỏ đồng, mỏ thiếc, để làm gì nếu không có đường bộ, đường sông, không có xe tàu, phải chở khoáng chất bằng sức ngựa hay sức người. Sản xuất lúa gạo nhiều để làm gì nếu không có phương tiện chở đi bán ở những nơi mất mùa, như các thời trước? Chúng ta nhớ Tô Đông Pha đời Tống tự lấy làm tủi rằng đọc cả ngàn bộ sách mà không tìm được một cách cứu dân khỏi chết đói, vì thời đó không có xe cam nhông, xe lửa, tàu thủy, phi cơ như ngày nay.
Năm 1898 Trung Quốc mới thực sự bắt đầu mở mang các đường xe lửa, đến năm 1923, xây cất được 34 đường, đa số của các công ty ngoại quốc, cộng cả lại chưa được 10.000 cây số, tới năm 1937 được 15.000 cây số, nhưng 5.000 ở Mãn Châu, là công trình của Nhật khi họ làm chủ Mãn Châu. Các hãng Anh, Pháp, Đức, Mỹ đã cất được con đường Bắc Nam, từ biên giới Sibérie tới Đông Dương, một con đường liên tỉnh nữa là đường Chiết Giang, Giang Tây. Nhưng còn những miền mênh mông như Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, Quí Châu vẫn chưa có đường xe lửa nối với bờ biển.
Quốc Dân đảng có công sửa sang các đường lộ lớn. Thời trước cũng đã có nhiều đường lộ rộng tới 25 thước, lát đá, nhưng hư hỏng hết rồi, xe hơi dùng không được. Tưởng Giới Thạch xây được 100.000 cây số đường lộ cho xe hơi chạy, nối các tỉnh với nhau.
Về hàng hành (đi trên sông, trên biển ). Chính quyền không phải bỏ sức ra bao nhiêu. Trung Hoa có nhiều sông, rạch và một bờ biển dài 4.000 cây số, tiện nhất là sông Dương Tử và các chi nhánh, tất cả miền Hoa Trung nhờ nó mà tỉnh này, huyện này liên lạc với tỉnh kia, huyện kia rất dể dàng. Miền Nam có sông Tây Giang. Chỉ có miền Bắc là đường thủy thiếu thốn, bất tiện vì trên sông Hoàng Hà, ghe thuyền chỉ đi được một khúc ngắn thôi. Trái lại ở Mãn Châu, nhờ có nhiều sông lớn như Hắc Long Giang, Oussouri, Soungarie, ghe thuyền qua lại rất đông.
Dọc theo bờ biển, chỉ có những ghe lớn, không cạnh tranh nổi với các tàu của ngoại quốc.
Hàng không bắt đầu có từ 1921, mới đầu về quân sự, sau mới về dân sự, nối các thị trấn lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hán Khẩu, Trùng Khánh.
Bưu chính phát triển nhất, lợi cho chính phủ rất nhiều. Để đánh điện tín người ta dùng mật hiệu để thay 8.000 chữ thường dùng nhất. Gần đây đã có điện thoại nối tỉnh này với tỉnh khác.
- Canh nông
Về canh nông, công việc rất nhiều nhưng họ chỉ thực hiện được ít thôi, sửa lại chế độ thuế má, địa tô, cải thiện phương pháp canh tác, trồng bông, trà, dâu chế biến nông sản...Họ đã lập 170 trại thí nghiệm từ trước thế chiến: hoặc chia trại ra làm nhiều phần bằng nhau cho mỗi nông đân làm riêng, hoặc không chia mà dể cày cấy chung. Nhưng chỉ là những trại nhỏ trong làng, mà người điều khiển không hăng hái, cơ hồ không có thiện chí nữa, nên sau bỏ.
Đời sống nông dân, không được cải thiện chút nào. Mỗi nông dân chỉ nuôi được hai người (ở Pháp là 5 người ) và mỗi người mỗi ngày chỉ được khoảng 2.200 calo thực phẩm (ở Pháp 3.500). Một phần nông sản như trà, bông, vải...phải bán cho ngoại quốc với giá rẻ ( vì bị thị trường quốc tế định giá) để mua sản phẩm công nghiệp ngoại quốc với giá đắt, do đó nông dân thêm nghèo cực, bỏ làng ra thành thị mỗi ngày mỗi đông, tạo ra nhiều vấn đề: lao động, gia đình, xã hội, phụ nữ, chức nghiệp, luân lý, gia cư.....
Lỗi nặng nhất của Tưởng Giới Thạch là sau khi thống nhất, không nghĩ ngay đến vấn đề chia đất cho dân cày trong toàn quốc theo di chúc của Tôn Văn. Chính sách chia đất đó là truyền thống của dân tộc làm sao có thể quên được? Rõ ràng là ông không thực tâm lo cho dân mà chỉ muốn được lòng giới tư bản, đại điền chủ.
Mao Trạch Đông thi hành di chúc của Tôn Văn ngay từ khi còn trốn trong rừng ở Giang Tây, nhất là từ khi lên Diên An, nên rất được lòng nông dân.
Mãi đến sau thế chiến, từ 1946, thấy dân theo cộng nhiều, Tưởng mới chịu cải cách điền địa để ganh với Mao. Trong vài miền ở Tứ Xuyên, Hồ Nam, Cam Túc, Phúc Kiến, chính quyền mua hoặc tịch thu ruộng đất của bọn đại điền chủ, được độ 180.000 mẫu chia cho 8.700 gia đình, mỗi gia đình được 20 đến 30 mẫu ( mỗi mẫu là 750 thước vuông). Có nơi chính quyền cho dân vay tiền để mua đất, có nơi cho dân vay tiền khẩn hoang. Sau cùng người ta giảm địa tô được 25%, nhưng đó chỉ là theo nguyên tắc thôi.
Những cải cách đó rất tiến bộ, tiếc rằng trễ quá, ít dân được hưỏng quá, và chỉ được vài năm thì chính phủ sụp đổ.
- Về kỹ nghệ:
Tưởng cũng không theo chính sách của Tôn Văn: Quốc hữu hóa những kỹ nghệ quan trọng. Bao nhiêu kỹ nghệ lớn đều của người ngoại quốc hết. kỹ nghệ đóng tàu, hóa học, dầu lữa, dệt vải....Người Trung Hoa ít vốn, làm những kỹ nghệ nhỏ thôi.
Chỉ có miền Mãn Châu là kỹ nghệ phát đạt, nhưng dó là công trình của thực dân Nhật để lại ( coi ở sau). Năm 1945 Mãn Châu có nhiều đường xe lửa và đường lộ lớn bằng toàn cõi Trung Hoa, sản xuất được 1.500. 000 tấn thép, xe hơi, máy bay, chất hóa tiền chính quyền Quốc Dân đảng đầu tư vào toàn quốc cũng trong thời gian đó.
Trong 14 năm chiếm Mãn Châu, người Nhật đổ vào đó 2 tỷ đô la, nhiều hơn số tiền chính quyền Quốc Dân đảng đầu tư vào toàn quốc cũng trong thời gian đó.
Ngân hàng Trung Quốc thành lập từ 1913. Quốc dân đảng lập thêm được ba bốn ngân hàng nữa, giao cho Tống Tử Văn, Khổng Tường Hi điều khiển. Mỗi ngân hàng đó phát hành giấy bạc riêng, tới năm 1935 chính phủ mới thu tất cả những giấy bạc đó về, đổi cho một thứ giấy bạc mới, duy nhất.
Nhưng, như mọi công việc khác, họ “ chỉ cải cách cái đầu thôi, quên cái mình” quên không lập những ngân hàng nông nghiệp để giúp dân cày, và nếu chỗ nào có thì những kẻ tai to mặt lớn ở địa phương nắm hết, rốt cuộc, dân nghèo chẳng được hưởng gì cả.
2- Kinh tế.
Đời sống nông dân không được cải thiện, mà ngân sách năm nào cũng thiếu hụt, chỉ bọn các ông lớn, bà lớn trong Quốc dân đảng là giàu ngang với bọn tỷ phú ở Mỹ. Nhờ họ một phần, mà một số thị trấn có vẻ mặt mới: Công sở dinh thự mọc lên khá nhiều, theo kiến trúc mới, không còn vẻ gì là Trung Hoa nữa.
Vì chính phủ thiếu tiền nên phải in thêm giấy bạc, gây nạn lạm phát kinh khủng.
Dưới dây là giá đồng Mỹ kim trên thị trường chính thức:
- 1936................ 3,36 viên ( tiền Trung Hoa)
- 1941................ 20
- Tháng 3- 1946............. 2.020
- 12 – 1946............ 5.846
- 11- 1947.............. 125.000
- 2 - 1948................. 210.000
- 7- 1948.................. 4 triệu
- 8 - 1948................. 12 triệu.
Ở Trùng Khánh, gần cuối thế chiến, có nơi thiếu giấy bạc, người ta bắt dân chúng dùng tiền bằng đất sét nung, chỉ trao đổi ít lần là gẫy nát.
Lại có hồi, không rõ vào năm nào ( 1948) giấy bạc in nhiều quá, mất giá tới nỗi, muốn mua một vé xe đò, phải xách cả một va li giấy bạc đi
Năm 1948, Tưởng Giới Thạch cương quyết diệt nạn lạm phát, thương thuyết với Mỹ, và hai nước ký với nhau một hiệp ước hợp tác kinh tế:
1 - Đồng Viên rút về, thay bằng đồng Kim Viên ( gold yuan) (1) ăn một phần tư đô la, phát hành hai tỉ đồng 40% được bảo đảm bằng 200 triệu đô la do Mỹ cho vay, còn 60% bằng vàng, bằng ngoại lệ (đô la Mỹ, đô la Hương Cảng)...
2- Một đô la mỹ đổi 12 triệu đồng viên cũ, hơi cao hơn giá chợ đen một chút
3- Chính phủ hô hào dân chúng có vàng, ngoại lệ thì đem lại gởi ngân hàng.
4- Lương lậu và giá cả sẽ bị chặn đứng. Sẽ kiểm soát kinh tế nghiêm ngặt.
Dân chúng mừng rỡ, chen chúc nhau đem vàng, bạc, ngoại tệ lại ngân hàng đổi lấy tiền mới. Chỉ trong một tháng, 3 ngân hàng chính thu được 600 triệu lượng vàng, 16 triệu đô la Mỹ, 5 triệu đô la Hương Cảng. Chính phủ săn bắt gắt gao bọn đầu cơ, xử tội nặng nhiều kẻ. Nhưng đầu cơ là cách làm giàu mau nhất, chính các ông lớn bà lớn trong Quốc Dân đảng lại thích đầu cơ hơn ai hết, ai dám bắt họ? – Nên chỉ được một hai tháng, đồng kim viên lại mất giá:
- Tháng chín 1948 1 đô la Mỹ ăn 4 kim viên
- 11 – 1948................. 10
- 12 – 1948................. 80
- Giêng 1949.............. 320 kim viên
- 25 tháng hai 1949........ 2000
- 1 tháng ba 1949........... 3.100
Hết phương chữa chạy. Ít tháng sau Cộng Sản chiếm Bắc Bình và Nam Kinh ;
Tôi xin nhắc lại: Kinh tế suy sụp ghê gớm như vậy chỉ trừ Quốc dân đảng dời đô lên Trùng Khánh, khoảng 1930, cho tới năm 1939 chính phủ đó vẫn còn phong độ, cho nên Dubarbier trong La Chine moderne mới khen: từ 1928 đến 1937, chưa đầy 10 năm mà Trung Hoa đã tiến đều đều hoài, nhờ một chính quyền” sáng suốt và dám làm “. Ý kiến của Guillermaz, Lévy, Brieux, Fairbanks trái hẳn, nhưng Dubarbier không phải hoàn toàn sai: Ông ta xét bề ngoài, còn mấy nhà kia xét bề trong, nhất là bề trong từ 1938 trở đi ( trong tiết sau: chiến trang Trung Nhật, chúng ta sẽ hiểu nguyên do tại đâu).
3- Văn hóa
- Tân sinh hoạt. Có thể vì thấy Cộng sản ở những miền họ kiểm soát, tạo cho dân chúng một nép sống mới, trọng lao động, sống tập
thể, học tập chính trị.... nên Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh năm 1934 cũng phát động phong trào Tân sinh hoạt.
Từ cuối thế kỷ trước, đạo Khổng bị các nhà cách mạng mạt sát quá, Tưởng nay muốn phục hưng lại, lấy ngày sinh của Khổng Tử làm một ngày quốc lễ. Ông nhắc quốc dân rằng nền văn minh Trung Quốc có từ mấy ngàn năm trước chứ không phải mới có từ 1911, mà văn minh đó hợp với chủ nghĩa của Tôn Văn. Vậy thì phải tôn trọng nó.
Ông muốn rằng người dân phải có ý niệm về trật tự trong xã hội, về trách nhiệm của mình và về sự chính trực trong hành động. Ông đề cao bốn đức lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Bất kỳ lúc nào, và làm việc gì cũng phải nhớ bốn điều đó, cấm hút thuốc phiện,cấm cả hút thuốc lá nữa ( cảnh sát gặp ai hút thuốc ở ngoài đường thì bắt ngừng lại, liệng điếu thuốc đi, cấm khiêu vũ, đóng cửa hết các thanh lâu, cấm cờ bạc. Ăn mặc phải chỉnh tề, mà giản dị, sạch sẽ, cấm nhổ bậy, ăn uống phải thanh đạm và điều độ, cài khuy áo đàng hoàng ( nhưng dân không có áo để mặc) mà phải cần lao, tiết kiệm, nhất là trong các lễ tang, hôn, v....v...Tóm lại là phải sống đời khắc khổ như ông.
Trong công sở thì phải làm việc lanh lẹ, có kỷ luật, cấm ăn hối lộ. Lối sống đó không có gì mới mẻ, đại khái đều theo những qui tắc của đạo Nho và đạo Mặc, chỉ vì đã lâu rất ít người theo, bây giờ ông bắt mọi người phải theo, nên bảo nó là mới.
Dubarbier khen lắm: “ Thành công hiển nhiên, không ai chối cải được, những người có tâm đều nhận rằng đã có cái hay thay đổi”. Hằng đoàn sinh viên trong các vụ hè đi về thôn quê tập cho dân sống đời sống mới.
Phải, thành công thật. Nhưng nhiều lắm chỉ được bốn năm, rồi ai cũng chán, quên hết. Hàn Tú Anh ( Han Suyin ) một nữ sĩ cha Trung Hoa mẹ Bỉ, hồi trẻ qua Bỉ học y khoa, năm 1938, vì yêu nước mà bỏ học, trở về nước để kháng Nhật, lấy một viên tá trong quân đội Tưởng, cùng với chồng theo chính phủ chạy lên Trùng Khánh, sống 7-8 năm, sau lại trở qua Anh, viết một bộ hồi ký gồm 4 cuốn mà cuốn III nhan đề là “ Một mùa hè vắng bóng chim”, trong đó bà chép những bê bối của Quốc Dân đảng, của hạng công chức cao cấp, quân nhân, và nhất là cảnh khổ của dân chúng. Cuốn đó chứa nhiều sử liệu rất quí, vì bà sống trong cảnh mà thẳng thắn không thiên vi. Đọc bà chúng ta mới biết chính gia đình những quan lớn Quốc Dân đẳng sống trái hẳn với nếp Tân Sinh hoạt. Chồng thì gian tham, càng làm lớn càng ăn cắp lớn, đánh đập tàn nhẫn kẻ dưới, đánh cả vợ nữa, vợ thì làm biếng, suốt ngày chỉ đánh mạt chược, mà bẩn thỉu, hôi hám, ăn cơm thì xương gà, vịt liệng ngay xuống sàn gạch, ngồi đâu thì khạc nhổ tứ tung. Về việc cấm hút thuốc phiện nữa mới khôi hài: chính đoàn “ sơ mi lam” của Tưởng có nhiệm vụ đi thu nhựa thẩu bắt dân quê miền Thành Đô ( Tứ Xuyên ), nhổ lúa để trồng thẩu, bán cho Nhật, Nhật lại bán cho các nước Đông Á, kẻ nào không trồng thì bị đánh một thứ thuế, gọi là thuế “ làm biếng”!
Công chức ít hút, vì sợ kẻ ghen ghét tố cáo với Trần Lạp Phu hay Tưởng Giới Thạch thì chết. Nhưng dân cu li không một người nào không nuốt sái, cứ khiêng đồ đi một khúc đường, hay khiêng kiệu leo ngọn đồi từ sông Dương Tử lên thị trấn Trùng Khánh gồm non 500 bực, là phải nghĩ để nuốt sái, không nuốt thì không đủ sức tiếp tục. Họ chỉ có xương với da, quần áo rách bươm, lòi thịt, lòi xương mà lúc nhúc những rận. Tôi đã nhờ cuốn đó mà hiểu được một phần lịch sử Trung Hoa hiện đại, tôi đã dịch ra non 400 trang, nhưng Bộ thông tin Sài Gòn không cho in ( 2).
Giáo dục.
Về giáo dục, chính phủ đầu tư kha khá, nhưng chú trọng nhiều hơn cả váo các trường đại học, trung học ở các thị trấn (để đào tạo một giới thượng lưu giúp đở, ủng hộ chính phủ), thêm một viện nghiên cứu. Academin Sinica ( Viện Trung Hoa) và một số thư viện, còn các trường tiểu học thì thiếu nhiều lắm, thành thử tỉ số người mù chữ không giảm bao nhiêu.
Trái lại, theo J J Brieux, cộng sản đã sớm giải quyết được nạn đó mà không tốn tiền, không cần lớp học, thầy học. Họ vẽ lên tường nhà ở thôn quê những hình lớn: mỗi hình là một con vật hay một đồ vật, bên cạnh viết chữ chỉ tên của nó. Ai đi ngang qua cũng trông thấy và ít lần thì nhớ mặt chữ. Cứ mỗi tuần ba bốn chữ, một năm được khoảng 200 chữ, năm năm thì được 1.000 chữ, tạm gọi được là không mù chữ nữa. Lối học đó sau bãi bỏ, có lẽ ít kết quả.
Trong khu vực quốc gia, người ta sang hơn, mời các giáo sư danh tiếng ở Mỹ qua, dạy cấp học bổng cho sinh viên đi du học ngoại quốc, mà đa số thích học văn chương, nghệ thuật, trong 10 năm, từ 1936 đến 1946, mặc dầu đương chiến tranh với Nhật, mà số đại học tăng từ 108 đến 140, số sinh viên từ 42.000 lên 80.000, số trường Trung học từ 2.700 lên 3.750; học sinh từ 544.000 lên 1.160.000.
Sinh viên đại học, cả giáo sư đề bị bọn “ sơ mi lam” của Trần Lạp Phu dọ thám.
Để kết luận J J Brieux bảo nếu so sánh Trung Hoa năm 1927, khi chưa thống nhất với Trung Hoa, năm 1937, trong chiến tranh với Nhật thì phải nhận rằng Trung Hoa, đã tiến bộ. Từ 1937 đến 1944 Trung Hoa đã anh dũng chống Nhật, nhưng về chủ nghĩa dân sinh thì Quốc Dân đảng chưa thực hiện được bao nhiêu
Chí làm thỏa mãn được giới thiểu số, tức địa chủng quan lớn, quân nhân, thương nhân, kỹ nghệ gia, còn giới tối đại đa số, tức nông dân, thợ thuyền thì gần như bị bỏ rơi, Tưởng đã không theo đường lối của Tôn Văn.
Văn học.
Khi Tưởng Giới Thạch lên cầm quyền, dân chúng phấn khởi, lần này thì có nhiều sự thay đổi. Bọn thanh niên tân tiến rất hăng hái, kiến thiết quốc gia. Có bao nhiêu vấn đề phải bàn, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Phe tiểu tư sản chống đối phe “ vô sản” ( cũng là tiểu tư sản, nhưng theo cộng, làm cách mạng, vô sản), không khí thật sôi nổi.
Tình hình xã hội biến chuyển mạnh. Năm 1920, nội 11 tỉnh ( trên 18 tỉnh) mà đã có non 1 triệu 800 ngàn mẫu ruộng bỏ hoang, năm 1928 số ruộng bỏ hoang toàn quốc chắc phải hơn nhiều. Đã vậy mà từ 1931, liên tiếp 3 năm, Trung Hoa bị nạn lụt lớn, mỗi lần có cả chục tỉnh mất mùa, hàng trăm ngàn mẫu bị thiệt hại.
Nông dân đói, phải bỏ làng ra tỉnh. Riêng huyện Định ở Hà Bắc, trong ba tháng đầu năm 1934 trên 15.000 ( 4% tổng số dân) bỏ làng. Có huyện nông dân bỏ làng tới 60% số dân cày. Chính phủ không hề làm gì để cải thiện tình trạng. Bọn dân bỏ làng ấy phần lớn ra tỉnh làm trong các xí nghiệp ngoại quốc, tình cảnh rất khốn khổ, làm 12 giờ một ngày mà chỉ vừa đủ ăn cho khỏi chết, và sống chui rúc trong các ổ chuột. Mà dễ gì kiếm được việc làm, năm 1935 có 5 triệu 9 trăm ngàn người thất nghiệp, trung bình 6 người lao động có 1 người thất nghiệp!
Những biến chuyển đó làm lung lay chế độ đại gia đình. Dân bỏ làng ra tỉnh làm ăn, không trông cậy gì ở cha mẹ, anh em nữa, giao thiệp với những người tứ xứ cũng tha phương cầu thực như họ, do đó quan niệm gia tộc mất lần, mà tiểu gia đình hóa ra quan trọng hơn đại gia đình. Chồng làm không đủ nuôi cả gia đình, vợ phải làm thêm, có khi con cái 10- 12 tuổi cũng theo cha mẹ vô xưởng, phụ nữ đã độc lập về kinh tế, không chịu một địa vị phụ thuộc nữa, con cái thì khi kiếm được tiền rồi cũng muốn được tự do, thoát ly gia đình. Đúng vào lúc đó, nhiều sinh viên ở Âu Mỹ về, dùng bạch thoại để truyền bá những tư tưởng tự do, bình đẳng, đả đảo những quan niệm trung hiếu, tiết nghĩa, những truyền thống tam cương ngũ thường. Cái giá trị cũ bị lật đổ, mà chưa có gì thay vào, người ta có cảm giác sống trong một xã hội hỗn loạn. Do đó, văn hóa dao động một cách kịch liệt, chưa từng thấy, mà văn học phát triển rất mạnh.
Cuối chương trên tôi đã nói năm 1927, về văn hóa có hai phe hữu và tả.
Trong giai đọan 1927 – 1938, hai phe đó chống đối nhau dữ dội, và xuất hiện thêm hai phe nữa ở giữa:
- Phe tả vẫn là Quách Mạt Nhược, Lỗ Tấn, họ bị Tưởng Giới Thạch đàn áp, Quách Mạt Nhược phải trốn qua Nhật; Lỗ Tấn vì có tài, mà chỉ có tư tưởng xã hội thôi chứ không vô đảng, nên được yên.
- Phe hữu gồm có Hồ Thích, Từ Chí Ma...
Trong các cuộc bút chiến về Lý thuyết văn học, về mục đích vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, phe tả vì đoàn kết hơn, có tinh thần chiến đấu mạnh hơn, kiên trì hơn, nhất là có giọng sắc bén, quyết liệt, nên thắng phe hữu. Nhưng có uy tín trong giới độc giả thì vẫn là những tờ báo của phe hữu hoặc trung lập.
- Phe độc lập: gồm Lâm Ngữ Đường, Chu Tác Nhân, em Lỗ Tấn ( tức Chu Thụ Nhân)
- Phe Trung đạo gồm: Mao Thuẫn, Lão Xá, Ba Kim...( Mao Thuẫn trong giai đoạn này chỉ có cảm tình với phe Tả mà còn giữ tư tưởng độc lập, không theo sát đường lối của Đảng Cộng sản)
Chủ trương của hai phe hữu tả, chúng ta đã biết rồi: hữu là của Quốc dân đảng mà Tả là của Cộng sản đảng, còn hai phe Độ Lập và Trung Lập khác nhau ra sao?
Theo chỗ tôi hiểu thì phe Độc Lập mà kiện tướng là Lâm Ngữ Đường thờ cá nhân chủ nghĩa, chống thứ văn học tuyên truyền bấy kỳ của phe nào. Chu Tác Nhân, cũng như Lâm, ghét sự tàn bạo, độc tài bất kỳ trong khu vực nào, cả hai đều hoàn toàn độc lập, có tinh thần tài tử.
Còn phe Trung Đạo khá đông gồm nhiều cây bút cá tài, hơi thiên tả, cũng bất mãn xã hội, cũng chống Quốc Dân đảng, nhưng không dùng văn nghệ tuyền truyền. Họ có tư tưởng tiến bộ, lưu lại được nhiều tác phẩm có giá trị.
Dưới đây tôi giớ thiệu vắn tắt ba tiểu thuyết gia có tài nhất trong giai đoạn 1927 –1937.
- Mao Thuẫn, sinh năm 1896 ở Chiết Giang, học ở Bắc Kinh đại học, sau cùng với Trịnh Chấn Đạc, Chu Tác Nhân lập Hội nghiên cứu Văn học ở Bắc Kinh. Năm 1927 hay 28 lên Thượng Hải xuất bản bộ Thực gần ba cuốn. ‘Áo diệt, Động dao, Trung cầu’, tả sự thất bại của Cách mạng cộng sản cách mạng 1925 – 1928 (1) rất được hoan nghênh. Ông nhận xét đúng, có giọng bi quan, nên bị Cộng sản chỉ trích. Mặc dầu có vài đoạn xây dựng vụng, văn không điêu luyện như văn Lỗ Tấn, nhưng cũng đáng kể là truyện dài đầu tiên thành công viết về xã hội Trung Hoa trong những năm biến chuyển mạnh đó.
- Ba Kim ( tên thực là Lý Phế Cam) Ba Kim là âm đầu của Bakunine, và âm cuối của Kropotkine ghép lại – Bakunine và Propokine là hai nhà cách mạng Nga – Ông sinh năm 1905 ở Thành Đô ( Tứ Xuyên ).
Hồi 15 tuổi qua Paris học, rất phục Rousseau Robes Pierre. Năm 1929 về nước, ông viết rất nhiều truyện dài, truyện ngắn. Đề tài chính của ông là vận động cách mạng, đả đảo chế độ đại gia đình. Thành công nhất là bộ « Kích Lưu Tam Bộ khúc » gồm ba cuốn: Gia xuân, Thu, trong đó ta thấy ông căm phẩn và oán đại gia đình. Văn mạnh mẻ, linh động.
- Lão Xá sanh năm 1897 ở Bắc Kinh, học ở đại học Bắc Kinh rồi qua Anh học, năm 1930 về nước vừa dạy học vừa viết tiểu thuyết. Thành công nhất là truyện Lạc Đà Tường Tử ( Người phu xe Tường Tử) trong đó ông vạch sự thất bại của những chiến dấu cá nhân, và cho rằng muốn thắng thì phải đoàn kết nhau lại, làm cách mạng, cũng như một con châu chấu thì đứa trẻ nào cũng bắt được nó, cột chân nó vào sợi chỉ đến bay nó cũng không bay được nữa, « nhưng nếu nó hợp nhau thành từng đoàn ào tới từng đám thì phải biết, chỉ một loạt là chúng phá hoại hết cả mùa màng, không ai ngăn cản chúng được ». Truyện có tính cách hiện thực sâu sắc về tâm lý bố chục chặt chẽ, lời văn mạnh mẻ, hóm hỉnh, các nhà phê bình dù tả hay hữu đều nhận là một trong vài truyện hay nhất của văn học Trung Hoa hiện đại
- (1) Cũng như Lỗ Tấn thất vọng về Cách mạng Tân Hợi 1911, André Malraux cũng tả sự thật lại đó trong cuốn La Condition humain
Chú thích
1)- Dĩ nhiên Kim Viên không có nghĩa là đồng tiền bằng vàng mà chỉ là đồng tiền bảo đãm bằng vàng.
( 2) Năm 1990 NXB Hội Nhà văn xuất bản ( BT)