Chương II
THỜI TAN RÃ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẾ QUỐC

Tổng Quan
Trong bốn thế kỉ, nhà Hán đã dựng được đế quốc rất rộng và tạo được một nền văn minh rực rỡ. Trong lịch sử hễ mẫu quốc không đồng hóa nổi thuộc quốc thì đế quốc đó không vững, thế nào cũng có lúc suy sẽ tan rã. Người Hán thời đó không đủ sức, hoặc không đủ thời gian để đồng hóa các rợ Hung Nô họ chinh phục được. Sự tan rã xảy ra ngay cuối đời Hán, kéo dài trên ba thế kỉ rưỡi, qua các thời Tam Quốc và Lục Triều (cũng gọi là Nam Bắc Triều). Mới đầu do nổi loạn đế quốc vỡ làm ba mảnh (Tam Quốc), Tây Tấn gắn lại được trong thời gian ngắn (27 năm), rồi lại vỡ nữa, thành hai phần: Nam, Bắc, mỗi phần gồm từ 6 (miền Nam) đến 16 (miền Bắc) triều đại, có thể nói là 16 nước. Ở Bắc, đại đa số triều đại là của các rợ du mục: Ngũ Hồ (Hung Nô, Yết cũng đọc là Kiết, thuộc chủng loại Mông Cổ) Tiên Ti, Chi và Khương thuộc chủng loại Tây Tạng.
Khác với đế quốc Hi Lạp, La Mã ở châu Âu, đế quốc Trung Hoa không tan vỡ luôn mà năm 580, thống nhất lại được dưới đời Tùy, tiếp theo lả đời Đường.
Trong ba thế kỉ rưỡi tan rã đó, phương Bắc chịu sự đô hộ của các rợ; họ đem tổ chức phong kiến đặc biệt của họ, tinh thần thượng võ của họ, đạo Phật của Ấn Độ vào Trung Quốc, và học được của Trung Hoa văn tự, phong tục, y phục, tổ chức triều đình... Tóm lại là Hán, Hồ bắt đầu dung hợp với nhau.
Phương Nam giữ tổ chức xã hội của mình: giai cấp lãnh đạo không còn là phong kiến nữa mà gồm địa chủ và kẻ sĩ; họ mở mang bờ cõi về phía Nam, lập nhiều đồn điền rất lớn, có tính cách thực dân; và thương mãi của họ cũng phát triển, giai cấp thương nhân được trọng.
A. TAM QUỐC (213-280)
Chương trên, chúng ta đã biết Tào Tháo, thừa tướng của Hiến đế, tự lập làm Ngụy vương (năm 216) là đã có ý chiếm ngôi nhà Hán rồi. Bốn năm sau Tháo chết, con là Tào Phi tiếm ngôi, ép Hiến đế giao ấn cho mình, rồi lên ngôi, tức Ngụy Văn đế.
Cảnh quần hùng cát cứ đã có từ khi giặc Hoàng Cân bị dẹp và Tào Tháo lộng quyền ở phương Bắc, Tôn Quyền ở Đông, Lưu Bị ở Tây chống lại, chia Trung Quốc làm ba khu vực. Năm 213, Tháo muốn diệt Tôn Quyền, đem quân tấn công, nhưng Tôn Quyền và Lưu Bị liên hợp với nhau kháng cự, thắng Tháo một trận lớn ở Xích Bích (miền Hồ Bắc ngày nay) bằng chiến thuật hỏa công.
Tới khi Tào Phi xưng đế, Bị (dòng dõi nhà Hán, nhưng nghèo, sinh nhai bằng nghề làm dép cỏ, tự cho mình trách nhiệm lập lại nhà Hán) cũng xưng đế, rồi ít năm sau Quyền cũng xưng đế, và Trung Quốc chia làm ba nước: Ngụy ở Bắc, kinh đô là Lạc Dương, Ngô ở Đông Nam, kinh đô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay), Thục Hán ở Tây, kinh đô ở Thành Đô (Tứ Xuyên ngày nay).
Chúng ta không biết được dân số Trung Hoa năm 220, chỉ biết rằng theo Eberhard (sách đã dẫn) thì năm 140, dân số của miền thuộc về Ngụy vào khoảng 29 triệu; thuộc về Ngô khoảng 12 triệu; thuộc về Thục Hán vào khoảng 7-8 triệu (không kể những bộ lạc mà Trung Hoa chưa thu thuế, kiểm soát được). Dân Hung Nô ít lắm, chỉ độ 3 triệu gồm 19 bộ lạc.
Về phương diện kinh tế, phương Bắc vừa trồng trọt vừa chăn nuôi vì có dân du mục ở Trung Á xâm nhập; ở phương Nam trồng lúa mùa (riz) như nước ta, đất rộng mà phì nhiêu; ở phía Tây có miền Thành Đô là nhiều ruộng, còn thì là rừng núi.
Tình thế của Thục Hán
Địa thế hẻo lánh, dễ giữ mà khó đem binh tấn công nước ngoài. Thương mãi khá thịnh vì có những đường cho các đoàn thương nhân từ Vân Nam lên, từ Tây Tạng qua.
Lưu Bị là một ông vua tầm thường nhưng biết trọng người hiền nên được Gia[1] Cát Lượng (Khổng Minh) giúp sức. Lượng giỏi bày mưu, cầm quân, và rất trung thành, nhưng có lẽ vì ông có đức nhân, nể lời Lưu Bị, bỏ lỡ cơ hội, có khi phải thiệt hại.
Ông biết rõ số dân và số lính của Thục ít quá, không thể nào tranh hùng với Ngụy được, nên ông tích cực thu dụng nhân tài, khuyến nông, sửa sang võ bị, đặc biệt là củng cố hậu phương, vừa mở mang đất đai, vừa thu phục nhân tâm (như khi chiến thắng một thủ lĩnh bộ lạc là Mạnh Hoạch, ông bắt sống được Hoạch 7 lần, lại thả 7 lần, khiến Hoạch phải phục ông vả trung với ông). Nhở chính sách đó, số dân của Thục tăng lên, số lính và thuế cũng tăng theo.
Ông chủ trương liên kết với Đông Ngô thành cái thế chân vạc mà Ngụy tuy mạnh nhất, không chiếm hết được Trung Quốc. Nhưng vì một lầm lỗi của Quan Vũ, (em kết nghĩa của Lưu Bị) và sự nóng nảy phục cừu của Lưu Bị mà Thục mất đất Kinh Châu, mất tình hòa hảo với Ngô. Từ đó thế chân vạc lung lay. Ngụy đánh Thục thì Ngô không cứu, ngược lại cũng vậy.
Lưu Bị chết, con là A Đẩu nối ngôi, tối tăm, nhu nhược; Lượng mấy lần đem quân đánh Ngụy, đều không thành công. Khi Lượng chết, Thục không còn người nào tài giỏi, tướng Ngụy là Tư Mã Chiêu tấn công Thục, diệt được (263). Thục bị diệt rồi thì số phận của Ngô cũng gần tàn.
Ngô
Tình thế của Ngô còn bất lợi hơn cả Thục. Ngô cũng như Thục đều là người miền Bắc xuống khai phá miên Nam và miền Tây nên bị thổ dân không ưa. Miền đất của Ngô nhiều mưa; nhiều đồng lầy, không trồng được các giống lúa miền Bắc, dân miền Bắc phải tập trồng lúa mùa như người bản thổ (Thái chẳng hạn); họ cũng phải bỏ việc nuôi cừu và bò mà nuôi heo và trâu. Nông sản thời đó còn ít, dân sống bằng nghề buôn bán sắt, gỗ. Đất tuy rộng mà dân còn bán khai, số cũng không đông. Vì vậy khi Tào Phi xưng đế, Tôn Quyền đã có ý muốn xưng thần với Ngụy, nhưng sau nghe lời Lỗ Túc lại thôi. Lỗ Túc sáng suốt bảo: “Nhà Hán không thể phục hưng được, mình chỉ nên giữ cái thế chân vạc ở Giang Đông này mà coi thiên hạ tranh giành nhau”. Và Tôn Quyền từ đó mới xưng vương, sau lại xưng đế. Chính sách của Ngô là hòa bảo với Thục, thỏa hiệp với Ngụy, đứng ngoài xem hai bên choảng nhau, nhưng vẫn phòng ngự cẩn thận, không cho quân Ngụy xuống Nam, quân Thục qua Đông.
Nhờ chính sách đó, Ngô được yên ổn, kinh tế khá lên, nông nghiệp tiến bộ, thương mại phát đạt, đất đai mở mang (dân tộc mình (V.N) thời này lệ thuộc nhà Ngô, và danh từ: “thằng Ngô” để chỉ người Tàu từ đó mà ra). Ngô đóng thêm tàu, cất thêm đường sá, đào thêm kinh, kinh đô (Kiến Nghiệp) đông đúc, thành một trung tâm văn minh.
Nhưng về sau các vua Ngô tư cách tầm thường, Thục bị Tư Mã Chiêu diệt rồi, thì thế của Ngô hóa lung lay. Con Chiêu là Viêm ép vua Ngụy nhường ngôi cho (như trước kia Tào Phi đã ép Hán), lên ngôi Hoàng đế khai sáng nhà Tấn, trong mười mấy năm đầu còn lo củng cố địa vị, khi vững vàng rồi mới đem quân phạt Ngô, và vua Ngô xin hàng (280).
Ngụy
Tình thế Ngụy ở phương Bấc cũng không tốt đẹp gì lắm. Miền Bắc lả miền giàu nhất: cánh đồng Sơn Tây, nhất là cánh đồng ở phía Lạc Dương phì nhiêu và đông dân thật đấy, nhưng sau những năm loạn lạc cuối đời Hán, miền đó bị tàn phá nặng. Đế quốc Hán mất đi miền nam và tây nam, còn lại miền Trung Á, nhưng miền này là gánh nặng của Ngụy vì Ngụy phải đóng quân ở đó, rất tốn tiền.
Lại thêm triều đình Ngụy đông và xa xỉ như triều đình Hán mặc dầu nguồn lợi đã giảm theo với đất đai. Nhất là Ngụy phải nhờ 19 bộ lạc Hung Nô giúp quân, ngựa để chống với Thục, Ngô, nên phải thưởng cho họ đất làm ruộng, tiền bạc.
Khi còn Tào Tháo thì Ngụy mạnh nhất. Đọc truyện Tam Quốc chúng ta thấy ông ta là một nhân vật rất nhiều thủ đoạn. Ông lần lần lấn quyền của Hiền đế, tự phong là thừa tướng, bỏ các chức tam công đi, mọi việc tự ý quyết định lấy như một hoàng đế chuyên chế, sau tự xưng là Ngụy vương, không hiểu sao ông không chiếm ngôi ngay của Hiến đế mà để cho con làm việc đó sau khi ông chết rồi.
Nhưng các sử gia đều phải nhận rằng ông đa tài: về quân sự, đương thời không ai hơn ông, về chính trị và văn học nữa, ông cũng không thua Gia Cát Lượng; ông biết dùng người, thu phục được nhiều nhân tài. Ông lại thức thời, sau lần đại bại ở Xích Bích, biết một mình khó thắng được liên quân Ngô Thục, nên tạm nghỉ giao chiến, yên ổn khuếch trương nông nghiệp để kiến thiết Trung nguyên.
Con ông, Tào Phi (Ngụy Văn đế) không có tài, nhiều người trong giai cấp cầm quyền không phục (giai cấp đó vốn là đại điền chủ), và có một họ, họ Tư Mã, rất đông, có thế lực, đã giúp cho Tào Phi thoán vị và giữ được ngôi, vì vậy Phi phải kiêng nể, tặng họ Tư Mã nhiều địa vị tại triều đình. Tới cuối thời Văn đế, một người trong bọn họ, Tư Mã Ý ngày càng lộng hành và khi Văn đế chết, con lên nối ngôi, hiệu là Minh đế, thì quyền hành do Ý nắm hết.
Ý có tài, dùng chính sách của Tào Tháo về cả quân sự lẫn nội chính, cũng tự phong là thừa tướng như Tào Tháo. Khi Ý chết, con là Sư lên nối chức, thắng được quân Thục nhiều trận. Triều đình Ngụy có nhiều phe đảng; anh em, họ hàng Ngụy bất hòa với nhau, một người trong họ Tư Mã nhân cơ hội đó giết vua này, lập vua khác, rồi tự xưng là Tấn vương. Sau cùng, năm 265, Tư Mã Viêm phế vua cuối cùng của Ngụy, tự xưng Hoàng đế của một triều đại mới, triều đại Tấn. Họ Tư Mã đã theo đúng thuật của họ Tào để diệt họ Tào. Nhà Ngụy chấm dứt sau 46 năm cầm quyền.
B. TÂY TẤN (265-317)
Tư Mã Viêm (Tấn Võ đế) kiến lập nhà Tấn năm 265, 15 năm sau (280) mới diệt xong nhà Ngô mà thống nhất Trung Quốc, nhưng chỉ được 37 năm, rồi bị các rợ Hồ chiếm hết phương Bắc, một người trong tôn thất trốn xuống phương Nam, lập đô ở Kiến Khang (Nam Kinh), vì vậy các sử gia chia nhà Tấn làm hai thời đại: Tây Tấn (Tiền Tấn) và Đông Tấn (Hậu Tấn).
Sau cảnh hỗn loạn trên nửa thế kỉ thời Tam Quốc, xã hội rất suy nhược. Theo Lữ Chấn Đạc (sách đã dẫn), người Hán đào vong rất nhiều, toàn quốc chỉ còn độ chín, mười triệu người: Thục 94 vạn, Ngô 230 vạn, Ngụy 443 vạn có tên trong hộ tịch; trong số đó có độ một triệu quân sĩ, quan lại. Nhưng con số đó đáng tin tới mức nào? Sao mà điêu tàn như vậy? So với những con số của Eberhard năm 140: Ngụy 29 triệu, Ngô 12 triệu, Thục 7-8 triệu (cộng lại là 48-49 triệu) thì trong khoảng một thế kỉ, dân số giảm tới 4/5 ư? Vô lí. Có lẽ là vì loạn lạc, số người lưu vong, không có tên trong hộ tịch rất đông. Nếu kể cả bọn lưu vong thì số dân ít nhất cũng phải gấp hai, khoảng 20 triệu.
Tư Mã Viêm cũng bất tài như Tào Phi, nhờ họ hàng (rất đông) giúp đỡ, ủng hộ mới diệt được nhà Ngụy, cho nên khi lên ngôi rồi, ông ta phải thưởng công họ - như Phi thời trước - chia đất, phong vương cho họ, họ có quyền thu thuế để chi tiêu, có một số quân đội bảo vệ đất đai thường ở miền biên cương. Triều đình cũng phái người đi thanh tra họ, nhưng bè đảng của họ ở triều đông, không làm gì được họ. Tóm lại, tình cảnh còn tệ hơn hồi Tào Phi nữa, các vương giành nhau quyền hành, còn Hoàng đế thì dùng phe này để chống phe khác mà rán giữ được ngai vàng, không có thực quyền gì cả.
Khi thống nhất giang sơn rồi, Võ đế ban ngay lệnh giải ngũ quân đội để cái thiện tình trạng tài chánh, kinh tế; nhưng lệnh đó chỉ thi hành ở chung quanh kinh đô, còn tại các miền do các vương làm chủ thì chẳng ai theo cả.
Giải ngũ rồi thì lính phải nạp khí giới cho triều đình để đúc tiền vì tiền rất thiếu, đã nhiều lần nhà Ngụy phải dùng lúa và lụa để trả lương. Đa số lính không chịu nộp, giữ lại để bán. Do đó mà khí giới lọt vào tay các rợ Hung Nô và Tiên Ti ở miền gần biên giới phía Bắc. Triều đình giải ngũ họ mà không chia đất cho họ làm mặc dầu đất hoang rất nhiều, vì không có một chính sách gì cả hoặc chưa kịp tổ chức gì cả. Hung Nô và Tiên Ti - gọi chung là rợ Hồ - đem đất đổi lấy khí giới của họ. Lợi cho cá hai bên. Hán thì có ruộng để làm, khỏi phải đóng thuế vì Hồ chưa có lệ đóng thuế ruộng như Hán; mà Hồ vừa có khí giới tốt vừa có lúa ăn, khỏi phải mua của triều đình Tấn. Vậy là ở miền biên giới, Hán Hồ sống chung thật đề huề. Nhưng chính đó là cái họa cho đời sau.
Chỉ triều đình Tấn là thiệt: mất khí giới, không có lúa, không thu thuế được mà cũng không có đồng để đúc tiền; lần lần mất hết quyền hành, trong khi binh lực của các vương ở trong nước và của Hồ ở nước ngoài mỗi ngày một tăng, tới một lúc triều đình lại phải bắt lính trở lại. Đó là nguồn gốc những biến cố cực kì quan trọng sau này.
Võ đế chết, Huệ đế nối ngôi, ngu tối, để hoàng hậu nắm hết quyền hành. Bà ta muốn chiếm ngôi của Tấn, giết thái tử. Triệu vương (một vương được Võ đế phong đất ở Triệu) đem binh về triều đình giết hoàng hậu; một vương khác ở Hoài Nam đem binh về diệt Triệu vương, thế là loạn bát vương (tám ông vương, tức như tám chư hầu) nổi lên tranh giành lẫn nhau, ai cũng muốn chiếm ngôi vua.
Họ chém giết nhau tàn nhẫn, nhờ các rợ Hồ giúp sức, hễ thành công thì sẽ thướng, kẻ liên kết với rợ Tiên Ti, kẻ với rợ Thác Bạt.
Chưa bao giờ kinh đô đại loạn như vậy. Dân chúng phải tản cư lũ lưọt, hoặc lên miền biên giới phía bắc, hoặc xuống phía nam.
Thời đó Tây Bắc Trung Hoa có năm rợ nữa gọi là Ngũ Hồ: Hung Nô, Yết (hoặc Kiết) chủng loại Mông Cổ, Tiên Ti (chủng loại Mãn Châu), Chi và Khương (chủng loại Tây Tạng). Thấy nhà Tấn có nội loạn, họ vào chiếm lần lần lưu vực sông Hoàng Hà và đất Trung nguyên.
Trong số Ngũ Hồ, Hung Nô mạnh hơn cả. Một Thiền vu của họ tên là Lưu Uyên không muốn đánh mướn cho các tướng, các vương (chư hầu) của Tấn nữa mà muốn dòm ngó ngôi thiên tử của Trung Hoa kia. Ông ta thuyết phục các bộ lạc rằng giới thượng lưu của Hung Nô cũng văn minh như người Hán chứ không kém. Chính ông đã học chứ Hán và đọc được các kinh, thư Trung Hoa. Có người bác bỏ, bảo tuy văn minh nhưng không phải dòng dõi Hán tộc thì sao lại muốn làm thiên tử của Hán tộc được. Ông bảo ông họ Lưu, cùng họ với các vua nhà Hán; và lại ông là hậu duệ của Mạo Đốn, Thiền vu đã kết nghĩa anh em với Hán Cao Tổ, mà từ đó tới nay, khoảng 500 năm, đã có nhiều Thiền vu cưới công chúa Hán, vậy thì sao lại không làm thiên tử của Hán được. Vả ông quyết định không dựng một quốc gia du mục như Mạo Đốn, mà dựng một quốc gia nông nghiệp, với một triều đại Hán.
Ông lập một triều đình giống triều đình Trung Hoa, định đô ở Bình Dương (Bình Thành), phía nam tỉnh Sơn Tây, thu hút được nhiều người Hán, cả những người trong giới cầm quyền. Dân chúng Hung Nô càng tin ông, ông bèn xưng đế.
Với một đạo quân 5 vạn người, năm 309 ông tấn công Lạc Dương, kinh đô Tấn. Năm sau ông chết. Người kế nghiệp, Lưu Thông, chiếm được Lại Dương năm 311. Vua Tấn, Hoài đế bị bắt. Trong khi đó các vương vẫn tranh giành nhau, không ai lo cứu Hoài đế. Mân đế lên nối ngôi, dời đô lại Tràng An, cũng không được một vương nào giúp. Hung Nô lại tấn công nữa, Mân đế phải đầu hàng. Từ đây chấm dứt nhà Tây Tấn (316). Các vương, tướng, triều thần, quí tộc Tấn, nước mất, nhà tan, phải trốn xuống phương Nam. Một người chắt của Tư Mã Ý lập đô ở Kiến Nghiệp, mở đầu cho nhà Đông Tấn. Cả phương Bắc bị Ngũ Hồ chiếm. Khi vua Hung Nô chiếm được Tấn rồi, không dùng quốc hiệu là Hán nữa mà đổi là Triệu (Tiền Triệu).
Vậy là Trung Hoa mới thống nhất non 40 năm đã chia hai: Nam và Bắc. Từ đây bắt đầu thời đại Nam Bắc triều, kéo dài trên hai thế kỉ rưỡi.
C. NAM BẮC TRIỀU (317-580)
1. Tổng quan
Có mọt sự trùng hợp kì dị mà tôi chưa thấy một sử gia nảo giảng tại sao, là ở phương Tây, đế quốc La Mã và ở phương Đông, đế quốc Hán cùng thịnh vào một thời rồi cùng suy vào một thời - trong các thế kỉ thứ III tới thứ VI và cùng tan rã do sự xâm lăng của các “rợ” du mục; xã hội của La Mã và Hán đều phải thay đổi mà văn hóa phải thụt lùi. Trung tâm văn hóa trước mấy thế kỉ đó, nằm ở hai đầu Tây, Đông thì bây giờ chuyển lại về miền bờ Ấn Độ dương: Ấn Độ, Ba Tư.
Thời Nam Bắc triều là thời loạn nhất trong lịch sử Trung Quốc, dài bằng thời Chiến Quốc mà rối ren hơn nhiều, đau xót cho dân tộc Trung Hoa hơn nhiều. Cả miền Bắc bị rợ Ngũ Hồ chiếm đóng, dân Hán phải sống dưới móng ngựa của họ. Khi họ mới xâm nhập thì họ chỉ nghĩ tới sự cướp bóc tài sản; rồi khi giai cấp lãnh đạo của Trung Hoa trốn xuống Nam hết, họ làm chủ được đất đai một cách lâu dài thì đại đa số các bộ lạc chỉ muốn sống cuộc đời du mục, phi ngựa trong đồng cỏ, ghét đời sống nông nghiệp, cho nên bắt dân Hán cung cấp lúa và thực phẩm cho họ, còn chính họ thì không muốn làm ruộng, chiếm ruộng đất của người Hán để biến thành đồng cỏ. Tất nhiên hai bên xung đột nhau, các tập đoàn thù oán nhau, hỗn chiến liên miên, chết không biết bao nhiêu mà kể. Sử chép có nơi chỉ trong một ngày nông dân Hán nhất tề nổi dậy, chém cả vạn đầu Hồ, xương trắng phơi đầy đồng (Lữ Chấn Vũ, sách đã dẫn); Tràng An, kinh đô rực rỡ của Hán chỉ còn khoảng một trăm gia đình, cỏ lấp hết cả, cả thị trấn chỉ còn bốn cỗ xe, không còn một con dấu đồng nữa, các quan phải dùng dấu bằng gỗ dâu.
Từ khi một số triều đình Hồ như nhà Tiền Tần, Hậu Ngụy thích văn minh Trung Hoa, bắt các bộ lạc bỏ đời sống du mục mà làm ruộng như người Hán thì vẫn còn sự xung đột giữa Hồ và Hán về ruộng đất, lại thêm những xung đột giữa Hồ với nhau (kẻ theo Hán, người thì không) và cả những xung đột giữa Hán với nhau nữa (kẻ không muốn cộng tác với Hồ cho kẻ cộng tác – thường là kẻ sĩ - là “nhận địch làm cha”).
Nhưng sau ba bốn thế kỉ hai bên cũng hỗn hợp với nhau được: kị binh Hán học được của Hồ cách dùng cái chân đâng[2], Hồ học được của Hán cách thành lập bộ binh (đó chỉ là một trong nhiều thí dụ); tới mức độ, thì Hồ đã Hoa hóa rồi và một xã hội mới xuất hiện.
Đó là ở phương Bắc; phương Nam, dưới sông Dương Tử, người Hán vẫn làm chủ, không đau khổ mà cũng không biến chuyển nhiều như ở Bắc.
Sử thời Nam Bắc triều đọc thật chán: Bắc thì chia thành nhiều quốc gia, đa số vì nhỏ, chỉ tồn tại được dăm ba chục năm, chỉ có một quốc gia là lớn, tức Bắc Ngụy, nhưng không kiến thiết được gì; Nam thì thống nhất, ít triều đại hơn, nhưng cũng hỗn loạn và sa đọa, chỉ mưu mô tranh quyền nhau, cũng bị cái nạn ngoại thích và phế lập như đời Hán, cũng chẳng kiến thiết được gì.
Bực mình hơn nữa là sử miền Bắc không nhất trí về các triều đại. Sử chép là có 16 triều đại, nhưng sự thực thì nhiều hơn, trên 20. Do đó có sử gia lựa triều đại này, có sử gia lựa triều đại khác, miễn là cho đủ số 16.
Chẳng hạn Lữ Chấn Vũ kể tên triều đại Tiền Lương, Bắc Yên..., mà Eberhard không (sách đã dẫn). Trái lại Eberhard lựa nước Mộ Dung (Mou-jong), Jouan-Jouan (tôi không tra được chữ Hán là gì) mà Lữ thì không.
Có khi họ cùng lựa một triều đại thì mỗi nhà dùng một tên: Eberhard gọi là triều đại T'o-pa (toba) - chữ Hán là Thác Bạt thì Lữ gọi là Hậu Ngụy (để phân biệt với nhà Ngụy họ Tào thời Tam Quốc), và một nhà chép sử khác gọi là Bắc Ngụy[3].
Một điểm bất nhất nữa: nhiều sách cho rằng ở Bắc có ba triều đại thuộc về người Hán: Bắc Yên, Tiền Lương, Tây Lương; Eberhard chỉ kể có hai: Hậu Lương và Tây Lương.
Ngoài Eberhard, tôi không thấy nhà nào cho biết mỗi triều đại bắt đầu từ năm nào, chấm dứt năm nào, vì vậy khó mà nhận ra được.
Chúng ta chẳng cần nhớ hết tên hơn hai chục triều đại đó nhưng dưới đây tôi cũng chép lại bảng các triều đại Nam Bắc, theo Eberhard (tr. 179-80) vì Eberhard cho biết năm đầu và năm cuối của mỗi nhà. Trong bảng đó, ông phiên âm theo phương Tây (Mou-jong), tôi phiên lại thành Hán Việt (Mộ Dung), v.v...
Bảng các triều đại Bắc, Nam
Bắc
1. Mộ Dung (rợ Tiên Ti): 281-320
2. Hán, sau đổi tên là Tiền Triệu (Hung Nô): 287-329
3. Hậu Triệu (Hung Nô của Thạch Lặc): 307-352
4. Yên (Tiên Ti): 337-360
5. Tiền Tần (vương quốc của Phù Kiên): 315-385
6. Hậu Yên (Tiên Ti): 384-409
7. Tây Yên (Tiên Ti): 384-398
8. Hậu Tần (Tây Tạng): 384-407
9. Tây Tần (Khất Phục, Hung Nô và Tây Tạng): 385-431
10. Hậu Lương (Trung Hoa, Tây Tạng, Tiên Ti, Hung Nô): 397-403
11. Bắc Lương (Hung Nô): 397-439
12. Tây Lương (Hung Nô, Trung Hoa): 397-421
13. Nam Lương (Tiên Ti): 397-414
14. Jouan Jouan (?): 390-429
15. To-pa (To ba) tức Thác Bạt hoặc Hậu Ngụy[4]: 339-550
(đó là 16 vương quốc Hồ của Bắc Triều) Từ To ba mà ra:
Bắc Tề: 550-576
Bắc Chu: 557-579
Nam
1. Ngô (thời Tam Quốc và Tây Tấn): 220-265-316
2. Đông Tấn: 317-419
3. Tiền Tống (tức Lưu Tống): 420-478
4. Nam Tề: 479-501
5. Lương: 520-556
6. Trần 557-588
Thống nhất
Tùy: 580-618.
Chúng ta nhận thấy:
- Tuy là những triều đại của Hồ (tên chỉ chung Hung Nô, Tiên Ti, Tây Tạng...) mà cũng mang tên Hán, mà lại là những tên thời Chiến Quốc nữa;
- Trong khoảng từ 384 đến 431, miền Bắc chia làm nhiều nước nhỏ: Hậu Yên, Tây Yên, Hậu Tần... Hạ, Thác Bạt (tức Hậu Ngụy), rồi sau Thác Bạt thống nhất được trên 100 năm; trừ Thác Bạt, còn các triều đại kia đều rất ngắn, ngắn nhất là tiều Hậu Lương: 6 năm. Vì vậy mà có sách sử rất giản lược, bỏ hết chỉ giữ lại ba triều đại Hậu Ngụy (Thác Bạt), Bắc Tề, Bắc Chu (từ Hậu Ngụy mà ra), tức ba triều đại cuối cùng của Bắc Triều và đã Hán hóa;
- Nam Triều trước sau chỉ có 6 triều đại, cho nên trong sử có thêm danh từ Lục Triều để chỉ Nam Bắc Triều. Gọi như vậy là nhận rằng Đông Tấn đã mất trọn phương Bắc, không còn chút quyền gì ở đó nữa, nhưng vẫn chính thức là Hoàng đế của cả đế quốc. Vì vậy trong bảng niên biểu các việc lớn của Trung Hoa và ngoại quốc (bộ Từ Nguyên) suốt từ năm 265 (năm Tư Mã Viêm thành lập nhà Tấn) tới năm 589, Dương Kiên thành lập nhà Tùy, chúng ta chỉ thấy tên các Hoàng đế Hán ở Bắc và Nam; và trong đời những hoàng đế đó, có biến cố gì lớn do các rợ Hồ gây ra thì chép vắn tắt: chẳng hạn năm 304 đời Tấn Huệ đế, Lưu Uyên (rợ Tiên Ti) xưng Hán vương, năm 319 đời Nguyên đế (Đông Tấn), Thạch Lặc (Hung Nô) xưng Triệu vương, năm 383 đời Hiếu Võ đế (Đông Tấn), Tiền Tần (của Phù Kiên) cử binh xâm chiếm (Đông Tấn) bị Tạ Huyền đánh tan ở sông Phì...
Chúng tôi đã theo các học giả Pháp Eberhard và Lombard, chia thời “tan rã đầu tiên của đế quốc” làm ba giai đoạn: Tam Quốc, Tây Tấn (thời thống nhất rất ngắn, không đáng kể), và Nam Bắc Triều, nên không thể để nhà Ngô thời Tam Quốc vào thời Nam Bắc Triều được vậy thì Nam triều chỉ còn 5 triều đại. Eberhard chắc muốn giữ tên Lục Triều trong sử Trung Hoa nên vẫn kể nhà Ngô. Lombard thì không.
°
Dưới đây tôi chỉ chép đại vắn tắt về một số nhân vật Ngũ Hồ kiệt hiệt và những biến cố lớn xảy ra ở Bắc triều trước, rồi Nam triều sau, vì nếu chép hết thì rất rườm rà mà chỉ thêm rối. Muốn vậy tôi phải bỏ một số đông các triều nhỏ.
2. Bắc triều
Hậu Triệu. Ở cuối tiết B, tôi đã nói họ Lưu (gốc Hung Nô) Lưu Uyên và con là Lưu Thông, diệt được Tây Tấn năm 326, dùng quốc hiệu Triệu, trong sử gọi là nhà Tiền Triệu.
Trong số tướng của họ Lưu, có một người Hung Nô tên là Thạch Lặc, vốn là nô lệ của Tây Tấn, sau trốn thoát, nhờ có tài, lần lần thành tù trưởng một bộ lạc Hưng Nô, theo Lưu Uyên, trở về Trung Quốc, đánh khắp miền Bắc, năm 310 tàn sát 10 vạn người Hán, trong số đó có 48 vị vương của Tấn trong khi họ họp nhau đưa đám tang một người trong bọn họ. Từ đó uy thế của ông ta tăng lên, có sự xích mích với Lưu Thông. Thông, như cha mình, muốn tổ chức triều đình theo mẫu Trung Hoa; Lặc trái lại, cương quyết giữ truyền thống du mục, chê không thèm chiếm những miền ông ta đã dẹp được mà trở về các cánh đồng cỏ ở Bắc, để lâu lâu lại xua quân qua tàn phá, cướp bóc. Một số người Hung Nô thích cuộc sống mạo hiểm đó, không chịu được cảnh tù túng ở triều đình lộng lẫy của họ Lưu, bỏ họ Lưu mà theo Thạch Lặc. Người Hung Nô vẫn chỉ trọng những tù trưởng anh húng, mà Lưu Thông thì tư cách tầm thường, bị nhiều kẻ dưới khinh. Rốt cuộc các bộ lạc đứng về cả phe Thạch Lặc, và năm 329, Thạch Lặc tiếm ngôi, xưng đế, lập nên nhà Hậu Triệu.
Nhưng ông ta chỉ giỏi đánh giặc mà không biết cai trị lại vô học, ghét người Trung Hoa, không chịu dùng họ làm cố vấn, nên sau bị Tiền Yên (giống Tiên Ti) và Tiền Tần diệt rồi chia đất.
Tiền Tần thuộc giống Tây Tạng. Người Tây Tạng vốn không có tổ chức bộ lạc như Hung Nô. Khi có chiến tranh, dân cử người nào giỏi cầm quân nhất làm thủ lãnh, hết chiến tranh, thủ lãnh không cần dùng nữa lại trở xuống dân thường. Nhưng họ theo các đạo quân Hung Nô, bắt chước Hung Nô lập được nhiều đạo quân riêng, quân lính chỉ phải theo lệnh của tướng chứ không thuộc quyền tù trưởng (vì họ không có tù trưởng). Vua Tiền Tần là Phù Kiên tức là đại nguyên soái của cả nước, lập được nhiều đạo kị binh, lại bắt chước Trung Hoa lập thêm một đạo bộ binh, đa số gồm người Trung Hoa. Đạo bộ binh đó giúp họ nhiều trong các trận trên đồng bằng Hoa Bắc, cả trong khi vây, hạ đồn địch nữa. Binh lực của Phù Kiên mạnh nhất đương thời, làm chủ cả phương Bắc, kiểm soát được đường Tân Cương, diệt Tiền Yên, làm chủ cả hai kinh đô Tràng An, Lạc Dương.
Được giáo hóa theo Trung Hoa, Phù Kiên được nhiều kẻ sĩ Trung Hoa giúp sức, làm quan ở triều đình ông; ông một mặt che chở đạo Phật, một mặt dùng mọi cách truyền bá văn minh Trung Hoa trong nước.
Binh lực của ông mạnh hơn, đông hơn binh lực Đông Tấn ở Nam. Một lần binh Đông Tấn đã tiến lên đánh phương Bắc (năm 354), đại bại. Ông lại làm chủ những cánh đồng phì nhiêu nhất ở Hoa Bắc, kiểm soát được những đường thương mãi. Nhưng ông hấp tấp quá, không để cho dân ông nghỉ ngơi sau nhiều nam chiến tranh, không đợi cho kinh tế vươn lên, các bộ lạc được tổ chức, đoàn kết trong chế độ mới của ông, mà muốn chiếm ngay phương Nam.
Năm 383, ông cầm đầu một đạo quân rất đông, gần một triệu người, nam tiến. Mới đầu, mọi sự hoàn hảo. Nhưng khi xuống đến miền sông Dương Tử, kị binh của ông, phần đông gốc miền núi không quen với khí hậu miền Nam, nhất là những cánh đồng lầy, kinh rạch chằng chịt (bộ binh của ông lúc đó còn ít), đâm nản lòng. Quân đông quá, tiếp tế lương thực rất khó khăn. Quân Đông Tấn chỉ khoảng 8 vạn, bằng một phần mười quân miền Bắc, thình lình tấn công ngay khi quân Bắc mới tới, dùng mưu mô mua chuộc những quân gốc Hán của Phù Kiên, tung ra những tin bậy, gây hoang mang. Rồi bỗng nhiên non triệu quân Bắc hoảng hết, đào tẩu về Bắc hết, không sao cản lại được.
Theo Tsui Chi thì nguyên nhân sự hoảng hốt đó như vầy. Khi hai đạo quân Bắc Nam gặp nhau ở bờ sông Phì (tỉnh An Huy ngày nay) họ giao chiến lẻ tẻ rồi mỗi bên lập trại để nghỉ đêm. Một tướng của Phù Kiên trong đêm tối leo lên một ngọn đồi để xem trại bên địch đông khoảng bao nhiêu. Nhưng vì trời có sương mù mà lại tối, ông ta thấy cây rung động dưới gió, tưởng lầm là quân Nam di chuyển, và cho rằng họ rất đông, nên rất lo ngại.
Sáng sớm hôm sau, hai bên giáp chiến, nhưng các tướng Bắc mất tinh thần cả rồi; lại thêm một vị nguyên soái rủi té ngựa, bị giết. Thế là “vua của họ” (Phù Kiên? ) vội vàng thúc ngựa quay về. Sĩ tốt mạnh ai người nấy chạy thục mạng. Họ sợ tới nỗi “nghe tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu trên mây, tiếng cành lá xào xạc” họ tưởng là tiếng hò hét của quân Nam đuổi theo họ. Hàng ngàn người chết trong trận đó, “thây nằm đầy đồng, lấp cả thung lũng”.
Tsui Chi kết: “Trận đó, Bắc thua vì ảo giác kì dị của một viên tướng đã đánh dấu một khúc quẹo trong lịch sử Trung Quốc. Nếu Phù Kiên mà thắng thì tất sẽ chiếm được trọn Trung Quốc như người Mông Cổ hay Mãn Châu đời sau, mà không có thời đại rực rỡ của nhà Đường nữa.” Một chính thể quân nhân chỉ trông vào sức mạnh của binh đội, khi còn thắng trận thì lên rất mau, mà khi bại một trận nhục nhã - gặp địch quân số chỉ bằng một phần mười của mình, mà chưa giao chiến đã đào tẩu thì xuống cũng rất mau. Năm 383 Phù Kiên thua Đông Tấn; Đông Tấn tự lượng sức, không dám lợi dụng cơ hội để Bắc tiến; nhưng ngay năm sau, một tiểu vương miền Bắc, không chịu thần phục Phù Kiên nữa, tách ra lập nước Hậu Yên.
Từ đó đất đai của Tiền Tần mất lần, chia nhỏ thành 11 tiểu quốc, tức là những nước từ số 6 đến số 16 trong bảng của Eberhard.
Bắc Ngụy, nước 16 của rợ Thác Bạt (To-pa) ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Thác Bạt là tên một họ làm chúa rất nhiều bộ lạc Hung Nô và Tiên Ti, sau họ đó đổi tên[5] là Nguyên, chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kì nhiều hơn của Mông Cổ, nối Phù Kiên mà xưng bá, thắng được Hậu Yên, chiếm được cả miền Đông Hoa Bắc, bắt được hàng triệu tù binh Trung Hoa. Vua Thác Bạt (các bộ sử tôi có, không cho biết tên là gì), do dự không biết dùng những tù binh đó vào việc gì. Theo lệ thì nhà vua phải chia đều cho các tù trưởng đã giúp mình thắng trận, nhưng tù binh đa số là nông dân, muốn cho họ làm ruộng để nuôi dân thì phải để họ ở lại quê họ, không thể đem phân phát cho các tù trưởng; vả lại phân phát như vậy thì làm cho các tù trưởng mạnh lên mà chính quyền trung ương yếu đi.
Ông ta hỏi ý kiến bọn sĩ tộc Trung Hoa đã đầu hàng mà ông dùng ở triều đình. Họ bày mưu; đừng chia cho các bộ lạc, mà cứ để cho nông dân ở tại quê, dưới quyền cai trị của một quan gốc gác trong miền, viên quan đó do triều đình bổ dụng, chỉ như vậy dân mới sản xuất đủ lúa nuôi chính quyền trung ương.
Vậy là nông dân không bị làm nô lệ, mà các quan địa phương cai trị họ là người Hán, tất nhiên hợp tác chặt chẽ với các quan cũng người Hán ở triều đình. Thế là tương lai của Thác Bạt nằm ở trong tay người Hán, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Năm 430 Thác Bạt đem quân đánh phương Nam, thua, nhưng vẫn còn mạnh nhất Trung Quốc.
Các vua Thác Bạt, lúc này họ đã dùng quốc hiệu là Bắc Ngụy (hay Hậu Ngụy) rất mê văn hóa Trung Hoa, chỉ trong vài ba thế hệ là Hán hóa, không có chút vẻ gì là “rợ” nữa. Họ bận y phục Trung Hoa, nói tiếng Trung Hoa; phong tục, giáo dục, lễ nghi đều y hệt Trung Hoa. Vua Ngụy Hiếu Văn đế (471-499) ra lệnh lập lại chế độ tỉnh điền đời Chu, dựng một đền để thờ Thượng Đế, cúng tế như nhà Chu, lại lập một trường Đại học để dạy ngũ kinh của Nho giáo. Ông bắt dân phải nói tiếng Trung Hoa, khuyến khích những cuộc hôn nhân giữa người Hán và người Thác Bạt. Và ông đổi họ ông là họ Nguyên. Ông bảo xưa dân tộc ông với dân tộc Hán cũng là một nhà cả vì theo ngôn ngữ phương Bắc, Thác Bạt tức là Thổ Hậu (vua đất đai) của Trung Hoa. Ông chia giai cấp sĩ tộc làm 9 hạng (cửu phẩm), giai cấp bình dân làm 7 hạng từ 10 đến 16; bình dân không được leo lên giai cấp sĩ tộc mà giai cấp sĩ tộc cũng không được thông hôn với giai cấp bình dân. Tổ chức xã hội còn tôn ti hơn đời Chu nữa!
Người Trung Hoa có tinh thần gia tộc rất mạnh, một người làm quan thì cả họ được nhờ, kéo bè kéo đảng vào chiếm lần lần các địa vị trong chính quyền. Người Thác Bạt trái lại, nhà nào sống cho nhà nấy, người nào sống cho người nấy, thành thử bao nhiêu chức lớn nhỏ trong triều cũng như ở địa phương về tay người Trung Hoa gần hết. Thác Bạt lại không ham có nhiều con, số người nếu không giảm thì cũng không tăng, trái với Trung Hoa. Họ lần lần hóa nghèo vì ở Trung Hoa ít đồng cỏ, số súc vật họ nuôi tất nhiên phải giảm. Chỉ một số ít người cưới được vợ giàu Trung Hoa, nhưng họ Hán hóa rồi, rốt cuộc triều đình Thác Bạt thành triều đình Trung Hoa, cũng bị những tệ hại của chính thể Trung Hoa, chẳng hạn cái nạn ngoại thích tranh ngôi, khiến cho năm 529, vua Ngụy bị phế, nội loạn ghê gớm kéo dài 6 năm, và nước bị chia hai: Tây Ngụy kinh đô ở Tràng An, Đông Ngụy kinh đô là Lạc Dương. Hai nước đó đánh nhau liên tiếp cho tới 550, một viên tướng Tây Ngụy thắng, lập một triều đại mới, triều Bắc Tề.
Nhà Bắc Ngụy mạnh nhất thời Bắc Triều và kéo dài được trên 200 năm (339-550).
Trong non hai thế kỉ, người Hán đã đồng hóa họ. Theo Eberhard, sự đồng hóa là một sự kiện xã hội quan trọng. Các rợ bị Trung Hoa diệt không phải vì nòi giống họ kém Trung Hoa, cũng không phải vì dân tộc Trung Hoa có tài đặc biệt về việc đồng hóa; mà chỉ vì tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa của Trung Hoa với của Thác Bạt khác nhau, thế thôi. Tôi không hiểu tại sao ông không bảo là của Trung Hoa cao hơn. Nếu chỉ khác nhau thôi thì tại sao Thác Bạt không đồng hóa Trung Hoa mà bị Trung Hoa đồng hóa?
Hai triều đại sau Bắc Tề và Bắc Chu chỉ như cái đuôi của Bắc Ngụy, đều Hán hóa đậm và đều ngắn.
Bắc Tề (550-576) thịnh được một thời gian ngắn; trọng đạo Khổng, còn đạo Phật và đạo Lão suy. Phải chiến đấu với Bắc Chu (557-579) và thường thua, và cuối cùng bị Bắc Chu diệt.
Tại triều đình Bắc Chu, các âm mưu tranh giành ngôi vua, các vụ ám sát, chém giết nhau xảy ra nhiều cũng như cuối đời Bắc Ngụy, cho tới khi nhà Chu mất vào tay một người Trung Hoa, họ Dương, tên là Kiên. Dương Kiên có một người con gái làm hoàng hậu, và một người con trai cưới con một Thiền vu Hung Nô, vì vậy mà uy thế của ông ta ở triều đình mỗi ngày một tăng (chúng ta nên nhớ triều đình gồm rất nhiều người Hán), tới lúc ông ta tự phong là Tùy Vương, giết tôn thất nhà Chu, dẹp các đảng phải khác rồi ép vua Chu nhường ngôi cho, hiệu là Tùy Văn đế (581). Từ đó, các bộ lạc Thác Bạt tan rã, một số hoàn toàn thành người Trung Hoa rồi, còn thì phiêu bạt khắp nơi, không lưu một vết tích gì trong lịch sử nữa.
Vậy chính một người Hán hợp tác với “rợ” đã diệt được “rợ” mả thống nhất cả Hoa Bắc, rồi sau chiếm Hoa Nam, thống nhất cả Trung Quốc như chúng ta sẽ thấy
3. Nam Triều
- Tình hình xã hội miền Nam
Năm 317, nhà Tấn bị Ngũ Hồ chiếm hết miền Bắc, một người trong hoàng tộc chạy xuống miền Nam, tự xưng là Nguyên đế, đóng đô ở Nam Kinh ngày nay, dựng một triều đại mới, triều Nam Tấn (317-419). Vô số gia đình sĩ tộc miền Bắc ùn ùn đổ xuống miền Nam không phải vì lưu luyến với nhà Tấn mà chỉ để chạy loạn và lập nghiệp. Quân lính, nông dân theo họ rất đông, không biết là mấy ức, mấy triệu.
Thời đó miền Nam gồm nhiều thổ dân Dao, Thái, Việt và một số người Hán xuống làm ăn từ thời Tam Quốc, khoảng đầu thế kỉ thứ III, chúng ta gọi họ là người Trung Hoa cũ để phân biệt với người Trung Hoa mới tới.
Hai nhóm cũ và mới đó khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, đều khinh lẫn nhau và thường xảy ra những cuộc xung đột.
Người cũ lập nghiệp mấy đời rồi, có điền trang lớn, dùng tá điền thổ dân, hoặc làm chủ những hãng buôn, thành những phú gia vốn liếng rất nhiều. Trái lại bọn người mới hầu hết là quân nhân, bỏ hết tài sản lại ở Bắc, phá sản, không có tiền mà cũng không có đất. Tình cảnh của họ y như đồng bào Bắc của ta di cư những năm 1954-55; họ cũng mong chính quyền Đông Tấn cho họ một chức quan nào đó để lập lại cơ đồ, và lần lần họ đẩy được hết các người cũ đi mà thay họ trong guồng máy quốc gia.
Dĩ nhiên họ cũng tìm cách chiếm các đất mới, khai phá cho thật nhiều trong một thời gian thật ngắn, do đó mà kinh tế miền Nam mau phát đạt.
Còn một điểm nữa khác nhau giữa người cũ và người mới. Người cũ đã từ lâu rồi không liên lạc gì với họ hàng ở phương Bắc - đường xa ngàn dặm mà phương tiện giao thông thiếu thốn - và họ coi miền Nam mới là quê hương của họ. Người mới trái lại còn gia đình, họ hàng, còn đất đai, quyền lợi ở miền bị chiếm, nên còn lòng tư hương, vẫn còn mong một ngày kia chiếm lại đất đai ở trong tay Ngũ Hồ. Có người lén lút trở về Bắc thăm bà con, kéo họ vô Nam; nhất là từ triều đại Bắc Ngụy, giới sĩ tộc Trung Hoa được trọng dụng ở triều đình thì tình Nam Bắc không đến nỗi cách biệt lắm.
Giai cấp bình dân ở Nam gồm những thổ dân đã Hoa hóa rồi, có nơi không phân biệt được họ với người gốc Hoa nữa, họ chiếm đa số; thiểu số là những người Hoa sa sút. Giới đó an phận làm ăn, ngôi vua muốn thuộc về ai cũng mặc, miễn là họ có đủ ăn thì thôi, gặp năm nào đói kém quá, cực khổ quá, hoặc bị ức hiếp quá thì họ nổi dậy do những đạo sĩ trong một hội kín nào đó cầm đầu.
Về phương diện kinh tế, cho tới thế kỉ III, miền Nam không phát đạt gì mấy vì đất tuy phì nhiêu đấy, khí hậu cũng dễ chịu đấy, nhưng dân thưa quá mà lại lạc hậu, làm biếng, kiếm đủ ăn rồi thì thôi. Từ khi người miền Bắc di cư xuống, dân số tăng lên nhưng không đến nỗi có nạn nhân mãn, họ lại là những người chịu cực khổ quen rồi, có chí mau mau lập nghiệp, nên chẳng bao lâu giới sĩ tộc mới tới cũng thành những đại điền chủ, mà càng giàu thì ảnh hưởng của họ ở triều đình càng tăng. Nhưng càng giàu mà càng được sống yên ổn trong cảnh thanh bình (trong 200 năm các “rợ” chỉ xuống quấy nhiễu họ vài ba lần nho nhỏ) thì họ càng sa đọa.
- Nhà Đông Tấn
Giới lãnh đạo ở phương Bắc di cư xuống; coi miền Nam là không văn minh, cho nên đa số chỉ muốn ở kinh đô, có đi làm quan tỉnh, quận thì cũng chỉ để làm giàu rồi lại vận động xin về triều. Về triều họ lại lập bè đảng, tranh giành nhau địa vị, còn tệ hơn trước, và sống một cuộc đời rất xa hoa với nghệ thuật (nhạc, văn thơ) và mĩ nhân; triều đình Trưng Hoa thời Nam triều là nơi văn minh nhất của Đông Á thời đó.
Vua Đông Tấn không ai có tài, có tư cách, quyền lần lần vào tay ngoại thích và một vài đại thần, như Vương Đôn đời Nguyên đế, Hoàn Ôn đời Mục đế. Hoàn Ôn năm 347 chiếm được miền Tứ Xuyên, hạ triều đại bản xứ - ông lại là người đầu tiên đem quân lên đánh miền Bắc; từ trước chỉ có Bắc quân xâm lăng miến Nam thôi. Cuộc Bắc tiến đó chỉ có mục đích củng cố biên giới phía Bắc, chứ không có tham vọng chiếm lại cả miền Bắc. Không có kết quả vì triều đình và các tướng không cương quyết, chuẩn bị không kĩ. Nhưng từ đó quyền của ông cũng mỗi ngày mỗi tăng, và năm 371 ông phế vua, lập một ông vua con nít, tính sẽ chiếm ngôi, chưa kịp thì chết. Năm 383, Phù Kiên, vua Tiền Tần đem non triệu quân xuống đánh, và đại bại như chúng ta đã biết.
Đời vua sau, một tướng giỏi là Lưu Dụ diệt được Hậu Tần ở phương Bắc và dẹp được một cuộc nổi loạn của nông dân ở bờ biển phía Nam (Quảng Châu), do dư đảng của Hoàng Cân thời trước cầm đầu. Phe của ông mạnh nhất ở triều đình, ông giết vua, lập vua khác, tự tôn là Tống Vương rồi chiếm luôn ngôi của nhà Tấn (420), xưng đế, lập ra nhà Tống.
Nhà Đông Tấn chấm dứt, sau 104 năm giữ ngôi.
- Nhà Tiền Tống (hoặc Lưu Tống)
Nhà Tống của Lưu Dụ, sử gọi là nhà Tiền Tống hay Lưu Tống để phân biệt với nhà Tống 5 thế kỉ sau.
Một số người trung thành với nhà Tấn trốn lên phương Bắc cầu cứu Bắc Ngụy. Bắc Ngụy đem quân xuống đánh Tống, nhưng cũng không quyết liệt, kết quả bất lợi cho cả hai bên.
Chưa được 60 năm, nhà Tống mất ngôi. Một tướng, Tiêu Đạo Thành, nắm hết quyền hành, rồi cũng dùng thuật phổ biến của các kẻ tiếm ngôi thời đó, cũng tự phong là tướng quốc, tước Tề Vương, rồi phế vua mà tự lập nhà Nam Tề.
- Nam Tề
Nam Tề còn ngắn ngủi hơn Tống, chỉ được 2 1 năm mà tới ba đời vua, hai đời sau đều vô đạo, rốt cuộc lại mất vào tay một viên tướng. Viên tướng này đổi quốc hiệu là Lương.
- Lương
Vua đầu tiên, Võ đế, có tài, khi mới lên ngôi sửa sang chính trị nhưng ông quá sùng đạo Phật, càng về già càng mê, có lần tính thoái vị để vào ở chùa, triều thần xin ông ở lại, nhưng từ đó ông bỏ bê việc nước, ai muốn làm gì thì làm, sau bị một tướng Đông Ngụy qui phục ông rồi làm phản, đem binh vây kinh đô, hãm Đài Thành, bắt ông, bỏ đói ông, và ông “tịch”. Từ đó nội tình Lương mỗi ngày một loạn, rốt cuộc, một viên tướng là Trần Bá Tiên tiếm ngôi, lập nên nhà Trần.
Trần
Trần, triều đại cuối cùng của Nam Triều, còn tệ hại hơn các triều đại trước. Đất đai thu hẹp lại, chỉ còn lưu vục phía đông của sông Dương Tử, phía gần biển. Cũng lại cảnh tranh giành nhau ở triều đình. Tùy Văn đế thống nhất được miền Bắc rồi, mà vua cuối cùng là Hậu chủ Trần Thúc Bảo vẫn ham vui; quân Tùy đã tới bờ sông Dương Tử mà ông ta vẫn tin rằng họ không sao qua sông được. Cuối cùng một tướng Tùy vào kinh đô, bắt sống ông. Nhà Trần mất. Nhà Tùy thống nhất được Bắc Nam, thiên hạ qui về một mối.
D. KINH TẾ
1. Nông nghiệp
Trong thời đế quốc tan rã (Tam Quốc tới Nam Bắc Triều), Trung Hoa chia làm nhiều nước, mỗi nước lo tự túc về kinh tế, có những công trình khai phá, thủy lợi riêng; nhưng vì loạn lạc liên miên nên tuy có tấn bộ mà rốt cuộc kết quả không được bao nhiêu, trừ miền Nam. Khi nhà Tây Tấn dẹp xong Đông Ngô thì nước rất nghèo: dân ít mà ruộng hoang nhiều, chính sách của triều đình là khuyến khích nông nghiệp: đàn ông từ 16 đến 60 tuổi được mỗi người 70 mẫu, ngoài ra phải làm 50 mẫu để đóng địa tô cho triều đình; đàn bà được 30 mẫu và 20 mẫu làm địa tô (theo Lữ Chấn Vũ), như vậy địa tô rất nặng, khoảng 60%, tuy là khuyến khích mà thực ra chỉ là bóc lột; chỉ hạng quí tộc và quan liêu mới được lợi, ruộng đất mênh mông, lại được cấp thêm kẻ phục dịch.
Vì vậy một phần, mà cũng vì thủy tai, ôn dịch, vì ảnh hưởng của vụ loạn Bát vương mà năm 307, đầu đời Hoài đế, vua áp chót của Tây Tấn, dân chúng bị nạn đói tai hại: phải ăn rễ cây, cỏ, phải bán vợ đợ con; vậy mà Huệ đế cha của Hoài đế, ngạc nhiên, hỏi: “Đói ư? Sao không ăn thịt?”. Trong khi đó thì bọn vương tôn, đại địa chủ sống rất xa hoa, như Vương Khải, Thạch Sùng... chẳng hạn. Họ giàu hơn vua, “danh” cỏn lưu truyền tới ngày nay. Sau vụ đói năm 307, số người Hán còn lại ở làng không phải tha phương cầu thực chỉ còn có 2 vạn hộ, khoảng 10 vạn người! Cho nên khi Ngũ Hồ vào chiếm, Tấn sụp liền.
Qua đời Nam Bắc Triều, ở miền Bắc, những triều đại đầu tiên, nông nghiệp rất suy vì rợ Hồ phá ruộng để làm đồng cỏ, nông dân phiêu bạt. Tới nhà Bắc Ngụy, triều đình theo văn minh Trung Hoa, áp dụng lại phép tỉnh điền đời Chu, chia cho mỗi người trai tráng 40 mẫu (khoảng 2 hecta) và 20 mẫu trồng dâu. Nhưng quan trọng nhất là các tu sĩ Phật giáo khai hoang được nhiều để mở mang đất của chùa. Kĩ thuật cũng tiến bộ được một chút: lựa giống, tháp cây, dùng phân xanh.
Miền Nam tiến bộ hơn cả: người di cư xuống hăng hái khai hoang, đại địa chủ cũ và mới chịu bỏ ra nhiều vốn; tu sĩ Phật giáo cũng tìm đất mới: đầu thế kỉ thứ VI có tới 2.000 chùa, mà một số đất đai rất rộng, dùng tới mấy trăm nông dân. Người ta đào thêm kinh, vì lúa mùa (nhiều nhất) cần nhiều nước.
Từ thế kỉ III, người ta đã bắt đầu trồng (rồi uống) trà, gây một nguồn lợi rất lớn cho Trung Hoa.
2. Tiểu công nghệ
Không có gì đáng kể. Ở Bắc thì cũng như đời Hán, chính quyền giữ độc quyền khai thác nguồn lợi của mỏ và muối. Thợ thủ công một số ít làm cho các gia đình quí phái, như gia nhân của họ. Nhiều người làm riêng cho mình, cũng họp thành phường.
Ở Nam tiến bộ hơn. Kiến Khang nổi tiếng về lò nấu sắt, lò rèn; có hai thứ thép tốt: một thứ gọi là bách luyện (luyện đi luyện lại nhiều lần), một thứ gồm sắt luyện rồi trộn với sắt chưa luyện. Ta nhớ miền Nam là miền của Đông Ngô, có danh từ xưa về thuật làm kiếm. Xưởng dệt thường đặt ở trong chùa hay các nhà quí tộc. Dệt được một thứ gấm đẹp để xuất cảng.
Nghề làm đồ gốm và nghề đóng thuyền cũng thịnh.
3. Thương mại
Thật là một điều bất ngờ: đạo Phật truyền vào Bắc Trung Quốc làm cho thương mại thay đổi kĩ thuật, như lập một thứ ngân hàng cho vay có đảm bảo, và cách cầm đồ. Những cách đó đã dùng ở Trung Á, Trung Hoa bắt chước.
Lạc Dương thành một trung tâm thương mại thịnh vượng trao đổi hàng hóa với Trung Á và Tây Á.
Miền Nam, thương mại còn thịnh hơn: một mặt dùng đường Tứ Xuyên mà trao đổi với các rợ ở Bắc, trên biên giới, ngọn sông Hoài; một mặt dùng đường biển trao đổi với các nước ở Nam Hải, như với Phù Nam (ngày nay là Cao Miên), qua cả Ấn Độ.
E. VĂN HÓA
1. Triết học - Tôn giáo
Nho - Lão
Thời Chiến Quốc loạn và nhiều triết thuyết xuất hiện để cứu loạn, thời Nam Bắc Triều cũng loạn mà không có triết gia nào nghĩ tới việc cứu loạn cả. Suốt trong mấy trăm năm đó, đạo Nho vẫn được các triều đình Ngụy (họ của Tào), Tấn (Tây và Đông), cả một số triều đình ngoại nhân như Tiền Tần, Bắc Ngụy của Thác Bạt... tôn trọng, nhưng tuyệt nhiên không có một nhà Nho đáng gọi là triết gia.
Chỉ có vài người như Hà Án, Vương Bật ở cuối nhà Ngụy của họ Tào là giữ được chút tư tưởng của nhà Nho - Hà trọng sự tu thân, Vương chú thích Kinh Dịch - nhưng họ thiên về Lão hơn và đem Nho, Lão nhồi với nhau thành một thứ huyền học, lãng mạn. Nổi tiếng nhất là nhóm Trúc Lâm thất hiền, sống rất phóng túng, mạt sát đạo Nho, suốt ngày chỉ “thanh đàm”, nghĩa là đàm luận vê những lời huyền vi của Lão, Trang, không thiết thực, vì vậy người ta gọi là Huyền học gia.
Huyền học
Từ đó Lão, Trang át hẳn Nho. Trong phái Lão, Trang có hai nhà nổi tiếng là Hướng Tú và Quách Tượng, tác giả bộ Trang tử chú, trong đó họ chú thích bộ Trang tử, đưa ra được một số kiến giải mới, chẳng hạn họ không thừa nhận bản căn là Đạo (Đạo sinh ra vạn vật) mà cho vũ trụ vạn vật tự sinh. Vũ trụ luận của họ là một thứ tự nhiên luận. Họ cũng bác chủ trương “tuyệt thánh khí tri” của Lão, bảo trong xã hội có bậc thánh trí là lẽ tự nhiên, không cần phải tuyệt, mà có muốn tuyệt cũng không được.
Phật giáo.
Đương lúc Huyền học cực thịnh, một tư trào mới ở ngoại quốc lan vào làm cho tư tưởng Trung Quốc thay đổi sắc thái.
Phật Giáo vào Trung Quốc từ đời Hán, nhưng từ khi Hán sụp, rồi liên tiếp non bốn thế kỉ là một cảnh loạn lạc, thì Phật giáo mới gặp được một khu đất tốt để phát triển.
Thời Tam Quốc, đời Tào Phi, Phật giáo chỉ mới được chấp nhận thôi, ảnh hưởng chưa có bao nhiêu. Qua đời nam Bắc Triều, xã hội Trung Hoa hủ bại, tư tưởng đã cằn cỗi, văn hóa của Ấn Độ mới theo rợ Hồ mà xâm nhập rất dễ dàng và do đó đạo Phật bỗng phát triển mạnh mẽ vô cùng. Dân chúng hướng về Phật cũng như nhân dân La Mã hướng về Ki Tô, để tìm niềm an ủi.
Đạo Phật có thuyết luân hồi: kẻ nào làm điều ác, hà hiếp kẻ nghèo trong thời này thì kiếp sau sẽ bị quả báo, thành ăn mày hay loài vật, mà trước khi đầu thai còn phải xuống địa ngục chịu đủ hình phạt ghê gớm nữa, người nào ăn hiền ở lành thì kiếp nây khổ, kiếp sau sẽ sướng, giàu sang.
Đạo Phật thỏa mãn được lòng “thêm khát tín ngưỡng” của dân, cho nên chỉ Đại thừa (cũng gọi là Đại thặng) là thịnh ở Trung Hoa: giáo phái này không bắt tín đồ phải khổ hạnh - khất thực chẳng hạn - như Tiểu thừa; lại thờ nhiều Phật: Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật bà Quan âm (cũng gọi là Quán âm), và vô số La Hán, Bồ Tát, chứ không chỉ thờ riêng Phật Thích Ca như Tiểu thửa.
Theo đạo Phật, nông dân được lợi: đất đai của chùa mênh mông, làm ruộng cho chùa sướng hơn là cho bọn đại điền chủ; thương nhân cũng có lợi: họ có thể gởi tiền ở chùa (chùa thực sự gần như một thứ ngân hàng), mượn tiền của chùa, gởi hàng hóa ở chùa, chắc chắn hơn là gởi tư nhân: ngay đến triều đình Ngũ Hồ cũng có lợi: vua và giới quí tộc của họ vô học, phải dùng các nhà sư làm cố vấn, thảo giấy tờ, như thời nhả Lý ở nước ta.
Rốt cuộc, cuối thời Nam Bắc triều, đạo Phật ở Trung Quốc còn thịnh hơn ở Ấn Độ.
Nho gia có nhiều người đả kích đạo Phật đấy, qui cho nó cái tội nặng là phá nước, phá nhà, phá thân. Phá nước vì đã không sản xuất mà bắt dân cực khổ xây cất chùa chiền, làm cho nước nghèo, dân khốn; phá nhà vì làm cho cha mẹ anh em thờ phụng khác nhau, con cái bỏ cha mẹ mà đạo hiếu mất; phá thân vì người xuất gia phải cắt tóc, hủy thương thân thể, lại không lập gia đình, nòi giống không truyền lại được.
Nhà Phật đáp lại rằng những người xuất gia đều tu dưỡng để đạt đạo, cứu vớt người khác, như vậy là hiến danh cha mẹ, không trái với hiếu, cũng không trái đạo cung kính với vua chúa; còn bảo làm cho nước và dân tiêu diệt thì không thề có được vì có bao giờ dân cả một nước xuất gia hết đâu. Như vậy ta thấy hồi mới đầu sự đả kích của Nho không nhằm vào phần tư tưởng.
Đến thời Nam Bắc triều mới có Phạm Chẩn viết thiên Thần diệt luận để phản đối thuyết Thần bất diệt của Phật, đại ý bảo “Hình là cái chất của thần, thần là cái dụng của hình... Thần đối với chất, cũng như sự sắc bén đối với con dao... Chưa hề nghe nói mất con dao rồi mà sự sắc bén của nó vẫn còn, thế thì làm sao có thể nhận rằng hình mất rồi mà thần còn tồn tại?”.
Nhưng có một số người trong phái Lão Trang tìm hiểu đạo Phật, thấy nó có nhiều điểm dung hòa với triết học Trung Hoa được, chẳng hạn Phật với Lão Trang hợp nhau ở chữ vô và chữ tĩnh, và họ đem tư tưởng Lão Trang để giải thích Phật giáo, mà Phật giáo thời đó cũng mượn một số danh từ của Lão Trang để dịch kinh Phật cho người Trung Hoa dễ hiểu đạo Phật hơn.
Dân tộc Trung Hoa vốn có khuynh hướng khoan dung về tôn giáo, mà đạo Phật cũng rất khoan dung với các ngoại đạo, có tinh thần rất bình đẳng và tự do, cho nên ngay đời Lục Triều đâu có thuyết “Nho, Thích, Đạo, tam giáo đồng nguyên”, ba đạo có cùng một gốc mà ra, và một số kẻ sĩ thông cả ba đạo, mà nhiều gia đình cha theo Nho, con trai có thể theo Lão, còn phụ nữ thì đi lễ chùa, cúng Phật.
Có vài ông vua che chở đạo Phật, như Phù Kiên - thời Tiền Tần, Tuyên Võ đế triều Bắc Ngụy, và Lương Võ đế ở Nam (thế kỉ VI).
Ở Bắc, thời Bắc Ngụy, tăng chúng có tới 2 triệu, qua đời Bắc Tề, số đó lên tới 3 triệu! Khắp nước, từ vua quan tới bá tánh đều sùng bái đạo Phật. Để đúc một tượng Phật, người ta dùng hết 10 vạn cân đồng và 600 cân vàng. Đất đai của nhà chùa chiếm hết 1/3 diện tích trong nước. Tăng ni lại được nhiều đặc quyền như miễn thuế, miễn sưu, miễn dịch, vì vậy dân chúng chạy vào nương cửa Phật rất đông để trốn thuế, sưu, trốn lính.
Đạo Phật phát tnển mạnh tới mức đó làm hại chính sách sưu dịch, thuế khóa của nhà vua, cho nên đến triều đại sau, vua Võ đế nhà Bắc Chu, khi diệt được Bắc Tề rồi, ra lệnh phá hủy chùa chiền của Bắc Tề và ép trên 3 triệu tăng ni phải hồi tục. Đạo Phật phải tạm thu hẹp phạm vi hoạt động, nhưng qua đời Tùy, nó lại thịnh lên như trước.
Ở Nam, thời An đế đời Đông Tấn, năm 399, một nhà sư, Pháp Hiển, mạo hiểm vượt miền Tây Bắc Trung Hoa, 6 năm mới tới Ấn Độ, học tiếng Phạn, thỉnh kinh, sau ba năm trở về bằng đường biển, lạc đường sang tới Mexique, 3 năm sau mới tới Trung Quốc. Ông đem được nhiều kinh về rồi cặm cụi dịch.
Qua đời Lương Võ đế mộ đạo hơn ai hết, có lẽ để chuộc cái tội ông đã giết anh (hay em) để lên ngôi. Ông chỉ ăn mỗi ngày một bữa, cấm sát sinh để tế mà bảo nặn một con vật bằng bột để thay. Ông tha hết những kẻ bị tử tội. Vì bỏ bê việc nước, chỉ nghĩ đến tụng kinh mệnh Phật, nên ông bị một kẻ làm phản, bắt ông, cầm tù để ông chết đói như chúng ta đã biết. Chính trong thời ông, một vị sư, Bồ Đề Đạt Ma ở Ấn Độ qua, làm tổ phái Thiền ở Trung Quốc. Phái này cho rằng chỉ ngồi thiền mà có thể đốn ngộ và đạt Đạo, không cần tụng kinh. Phát triển mạnh ở Trung Quốc, sau truyền qua Nhật Bản.
2. Văn học
a. Văn trào
Từ Hán trở về trước, văn nhân không có quan niệm gì rõ rệt về văn học: thấy mối đạo cần phải truyền bá thì họ viết, thấy nỗi lòng cần được thổ lộ thì họ ngâm. Và hễ diễn được hết ý, truyền được hết cảm xúc của mình thì thôi, không ai nghĩ đến việc tô chuốt cho đẹp, để lưu danh lại hậu thế, có chăng thì chỉ để làm vui lòng người được đề cao thôi.
Đến khi Tào Phi, ông vua đầu tiên của nhà Ngụy, soạn thiên Luận văn (luận về văn), trong đó có vài ý xác đáng như “văn lấy khí làm chủ. Khí có hai thể: thanh và trọc, đều do trời sinh, không thể gắng sức mà luyện, dẫu cha anh cũng không truyền được cho con, em.” Bàn về các thể văn, ông cho rằng luận thuyết phải dùng lí, mà thi phú thì cần đẹp. Từ đó người ta mới nhận rằng văn chương tự nó có một giá trị riêng, miễn nó đẹp là quí, không cần phải giúp cho nhân sinh, đạo đức. Đó là khởi nguyên phong trào duy mĩ ở thời Lục Triều, trái hẳn với lối “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) của Tiền Hán trở về trước. Duy mĩ tức như ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật; mà tải đạo là nghệ thuật vị nhân sinh.
Đã cho rằng văn chương có một giá trị riêng không cần phải giúp cho đạo đức, nhân sinh thì đồng thời cũng nhận rằng văn sĩ là một hạng người riêng, có thể có một lối sống riêng, khác mọi người, có thể phóng túng, bê tha, nếu sự phóng túng gợi cho mình những ý kì, những hình ảnh mới, mà lời hóa đẹp đẽ. Ở một thời cực kì loạn lạc như thời Lục Triều, chủ trương đó rất được hoan nghênh, và thời Lục Triều là thời văn thơ lãng mạn nhất của Trung Quốc. Bọn Trúc Lâm thất hiền (Nguyên Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung) nổi tiếng vì thói khinh đời ngạo vật, phóng đãng, bất chấp lễ nghi.
Kẻ thì chính ngày đoan ngọ lấy quần treo đầu gậy, cắm ở giữa sân để phá tục cổ (Nguyễn Hàm); kẻ thì dám uống rượu, ăn thịt trong đám tang mẹ, kẻ thì thoa phấn bôi son, giả làm đàn bà. Hết thảy đều say sưa suốt ngày như Lưu Linh, tác giả bài Tửu đức tụng (ca tụng cái đức của rượu. Chủ nghĩa của họ là chủ nghĩa cá nhân, văn chương của họ là văn chương duy mĩ. Rằng đẹp thì đẹp thật, như gấm như hoa (người đời sau nói: đẹp như văn thơ đời Lục Triều); nhưng tủi thì cũng tủi thậm, nhà tan nước mất vào tay rợ Ngũ Hồ. Đó là nhược điểm của họ mà cũng là đặc sắc của họ. Người đương thời phục họ, gọi họ là thất hiền vì họ không ham danh lợi.
Văn thơ cần đẹp, mà lại cần phải du dương, có nhạc nữa. Lục Cơ bảo âm thanh phải thay đổi như ngũ sắc chiếu lẫn nhau. Tiếng Trung Hoa cũng như tiếng Việt là một tiếng đơn âm, mà có nhiều thanh (bình, thượng, khứ, nhập) nên tự nhiên có khuynh hướng từ này đối chọi với từ khác cả về nghĩa lẫn về thanh, khuynh hướng đó là nguồn của sự đối ngẫu. Từ đời Xuân Thu chúng ta thỉnh thoảng thấy những câu đối nhau, sớm hơn nữa, trong kinh Thi cũng gặp những câu như vậy; nhưng đến thời Hán mạt, chúng ta mới thấy phát hiện lối tứ lục, một thể văn biền ngẫu[6], cứ một câu bốn chữ lại một câu sáu chữ. Từ khi có thuyết thanh âm của Lưu Cơ thì văn biền ngẫu rất thịnh, hết thảy văn nhân, bất kì viết về loại gì, cả loại tự sự, nghị luận cũng dùng thể biền ngẫu. Hai nhà phê bình lớn thời đó là Chung Vinh và Lưu Hiệp cũng theo Lưu Cơ và những tác phẩm của họ là Thi phẩm và Văn tâm điêu long cũng đầy những câu bóng bảy, du dương.
Chú trọng đến âm thanh để câu văn thêm nhạc là một sáng kiến đáng khen của văn nhân đời Tấn. Nhờ họ, văn học Trung Quốc được thêm một đặc sắc mà người phương Tây phải phục, như Margoulies trong Histoire de la litérature Chinoise. Chỉ tiếc một điều là phần đông tác giả đời Lục Triều chú trọng đến lời, đến nhạc quá, chuyên luyện hình thức mà coi nhẹ nội dung nên thơ văn mất sinh khí, hóa ra phù nhược.
Đó là xét chung chứ thời Lục Triều cũng có nhiều nhà văn rất tự nhiên mà bất hủ.
Trở lên trên là những biến chuyển và đặc điểm của văn học thời Lục Triều, dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu sơ sài một số tác giả ở miền Nam, vì ở miền Bắc văn học không lưu lại được gì quan trọng. Dân gian vì tiếp xúc với tinh thần thượng võ của các rợ Hồ, nên có nhiều bài dân ca hùng hồn, nhưng ảnh hưởng đó không được bền vì rợ Hồ chẳng bao lâu cũng đồng hóa với người Hán. Còn giới sĩ tộc thì loạn lạc liên miên, các triều đại thay nhau rất mau, kẻ lo tự cứu cái thân, kẻ lo cộng tác với triều đình ngoại nhân, không rảnh tâm để làm văn nghệ, nên ngoài một bộ sử chép triều Bắc Ngụy ca tụng hoàng đế Thác Bạt, giá trị rất kém, thì cơ hồ không có gì cả.
b. Văn xuôi
Sử
Tạm kể: Hậu Hán thư của Phạm Việt (cũng đọc là Diệp), chép tiếp bộ của Ban Cố, không có gì đặc sắc. Ngoài ra có vài bộ Tống thư của Thẩm Ước, Nam Tề thư, Tấn thư, Lương thư...
Kí sự và tự tình
Lối bày tuy không phát đạt nhưng cũng lưu lại được ít bài bất hủ như Đào hoa nguyệt kí của Đào Tiềm tả một miền tưởng tượng dân chúng gọi là hạng người trốn đời Tấn, vào ở trong rừng suối cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài; Trần tình biếu của Lí Mật; lời bình dị mà cảm động, tả tình bà cháu thương nhau; Lan đình kí của Vương Hi Chi, lời tươi đẹp mà cảm thán triền miên.
Phê bình
Có bộ Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, lí luận xác đáng, lời theo thể biền ngẫu, rất chuốt; và bộ Thi phẩm của Chung Vinh, chê sự dùng điển làm cho tối nghĩa, chỉ trích lối mô phỏng cố nhân.
Tiếu thuyết
Toàn là truyền kì còn lưu truyền lại, viết khô khan, kém tưởng tượng, kết cấu vụng.
Từ, phú, thơ
Phú tới đời Tấn mỗi ngày một suy. Tả Tư có bà Tam đô phú tương truyền mười năm mới viết xong, được dân chúng hoan nghênh đặc biệt, thi nhau sao chép lại đến nỗi giá giấy ở kinh đô cao vọt lên. Nhưng nó chỉ là một thiên địa lí có vần, vô giá trị về văn chương. Bảo Chiếu thành công hơn. Bài Vu thành phú của ông chỉ trong vài chục câu tả được cuộc hưng vong của mấy triều, lời cảm động. Từ có bài Qui khứ lai từ của Đào Tiềm, giọng khoáng đạt, theo thể biền ngẫu mà tự nhiên. Bài Bắc sơn di vân của Khổng Khuê rực rỡ như hoa mà mỉa mai một cách thú vị.
c. Thơ
Đời Ngụy có ba cha con Tào Tháo và một nhóm thi nhân mà Tháo nâng đỡ, nhóm Kiến An thất tử. Thơ của họ phần nhiều là những bài hành ca được, ngắn thì bốn câu, dài thì vài ba chục câu. Số chữ mỗi câu có thể là 4, 5, 7 có khi một hai câu 7 xen với những câu 5 chữ.
Thơ Tào Tháo có giọng bi tráng, trầm hùng, như bài Khổ hàm hành.
Tào Phi có giọng phong lưu, nhàn nhã, còn Tảo Thực em của Phi vì tâm sự u uất, nên lời thơ diễm lệ nhưng buồn. Trong nhóm thất tử, nên kể Trần Lâm và Vương Sán tả những cảnh thê thảm trong xã hội, lời bình dị mà thấm thía, như bài hành Ấm mã trường thành quật của Trần.
Thời đó có một nữ sĩ tài hoa mà mệnh bạc, Sái Diễm: bài Bi phẫn thi tả nỗi long đong của nàng, lời cực thống thiết.
Cuối đời Ngụy có nhóm Trúc Lâm thất hiền mà tôi đã giới thiệu lối sống phóng đãng. Họ thích đạo Lão, chán việc đời, thơ toàn một giọng than thở thói đời bạc đen (Nguyên Tịch), và hơi có giọng triết lí.
Qua đời Tây Tấn, họ Tư Mã trọng văn thơ nên thơ khá thịnh nhưng không có thiên tài. Đa số chi lo chuốt lời cho đẹp, du dương, như Phan Nhạc (rất đẹp trai), Lục Cơ, rất ít nhà có hùng khí như Tả Tư.
Nam Triều, đời sống ở miền Nam yên ổn, nhàn nhã nên thơ văn rất thịnh, phong trào duy mĩ phát triển mạnh, đánh dấu một thời rực rỡ của văn học Trung Hoa.
Nhưng thi nhân nổi tiếng nhất, Đào Tiềm (365-427) lại không chủ trương duy mĩ. Ông tự là Uyên Minh, hiệu là Ngũ Liễu tiên sinh, nhà nghèo, ba lần làm một chức quan nhỏ rồi chán cảnh luồn cúi, trả áo mão cho triều đình, về vườn ẩn cư, viết bài Qui khứ lai từ (đã được Từ Long dịch ra tiếng Việt), rồi từ đó sống một cuộc đời bình dân, yêu cúc, thích rượu, thích thiên nhiên nên thường vịnh thiên nhiên. Thơ ông có giọng siêu trầm, bạt tục, lời bình dị, điềm đạm, mà thú vị, nhất là những bài tả cái vui điền viên, đương thời? không ít người chú ý (vì không hợp với phong trào duy mĩ), nhưng đời sau ai cũng phải nhận rằng khoảng 400 năm trời Nam Bắc Tiều, không ai sánh với ông được. Tô Đông Pha đời Tống rất quí ông.
Sau ông tới Tạ Linh Vận (385-433) cũng yêu thiên nhiên, lập ra một phái riêng, phái sơn thủy, nhưng tài không cao, lời điêu luyện quá, mất cả thiên chân.
Các triều đại sau, Tề, Lương, Trần, xu hướng diễm lệ càng mạnh (mà thể biền ngẫu do đó càng được trọng). Ở trên tôi đã nói Lục Cơ rất chú trọng tới âm thanh, tới nhạc trong thơ. Tới Thẩm Ước (441-531) mới nghiên cứu kĩ về âm thanh, tìm ra được 28 bệnh về âm vận trong thơ mà nhà thơ nào cũng phải tránh. Thực là phiền toái, trói buộc thi nhân quá. Nhưng ông đã có công mở đường cho lối thơ luật Đường. Thơ ông không hay.
3. Khoa học
Không có phát minh gì quan trọng, ngoài kim chỉ nam[7], chỉ có vài tiến bộ về thuật đóng thuyền, về dụng cụ nghiên cứu thiên văn, về toán học. Số Π, đã được tính đúng với 6 số lẻ.
Về y học đã có những sách viết về các phân khoa: tiểu nhi khoa, sản khoa, phụ khoa, ung thư, sốt rét lao...; đã biết dùng một số kình nghiệm của Ấn Độ.
4. Hội họa
Về kĩ thuật và lí thuyết, có được vài tác phẩm. Họa sĩ khá đông, có tài nhất là Cố Khải Chi, giỏi về nhân vật; một bức tranh của ông vẽ một cung nữ bới tóc cho hoàng hậu được bảo tồn ở British museum Luân Đôn (Anh). Lương Chi Trương chuyên vẽ tượng Phật.
Vương Chi Hi nổi tiếng về thư pháp (viết chữ), môn đó được trọng cũng như hội họa.
Điêu khắc
Rất tiến bộ nhờ chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, Ba Tư.
Nhiều nhất là tượng Phật, hình các loài thú. Ở Đôn Hoàng, Long Môn, hiện nay còn giữ được những hình, tượng rất đẹp đục trong đá.
Kiến trúc
Ở miền Bắc xây cất rất nhiều chùa và cung điện. Riêng kinh đô Lạc Dương có tới 1.367 chùa Phật, các thầy sãi các nước họp nhau có trên 3.000 người. Có một cái tháp 7 tầng cao 300 trượng (!)
Ở phương Nam, thời Lương Võ đế, đài thành tráng lệ nhất, hơn hẳn phương Bắc. Có lẽ nhờ tinh thần tôn giáo, sùng Phật mà kiến trúc thời đó tiến bộ hơn thời Hán nhiều.
Miền Bắc có kinh đô Lạc Dương, đầu đời Bắc Triều, bị rợ Ngũ Hồ tàn phá, chỉ còn có một trăm nhà, nhưng năm 494, triều Bắc Ngụy, được xây dựng lại.
Vòng thành có 12 cửa. Ở giữa là cung điện, ở phía nam là khu hành chánh. Trong thành và ngoài thành, dân chúng gồm 109.000 hộ, khoảng nửa triệu người. Phía tây là một cái chợ lớn, phía đông là một cái chợ nhỏ, bán ngũ cốc và súc vật, phía nam là một cái chợ bán cá và những sản phẩm ngoại quốc, thương nhân phương Tây tới ở trong một cái quán riêng (Tứ diquán?). Số tu sĩ chiếm tới 5-6% dân số (khoảng 25-30 ngàn).
Kinh đô miền Nam là Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay). Nơi đó là một đồng bằng rộng có nhiều đồi có thể xây đồn lũy để che chở kinh đô và kiểm soát giao thông trên sông Dương Tử. Vua Đông Tấn cho vẽ bản đỗ một thị trấn hình chữ nhật, vòng thành mười cây số. Cung điện ở phía Bắc, có nước của một cái hồ rộng chảy vào.
Dân số kinh đố trên một triệu người (28 vạn hộ).
Vậy cuộc xâm lăng của rợ Hồ cũng có lợi cho Trung Quốc. Vì vua và dân phải lánh xuống phương Nam mà miền Nam mới được mau khai phá, kiến thiết.
5. Âm nhạc
Từ đời Hán, tiếp xúc với Tây Vực, nên Trung Hoa đã tiếp thu được ít nhiều điệu nhạc của Tây Vực và Ấn Độ. Thẩm Ước và Tiêu Diễn đều tinh thông nhạc luật và viết sách về nhạc. Cách phiên thiết trong tự điển Trung Hoa bất chước ở tiếng Phạn trong khi dịch kinh Phật.
Có học giả còn cho rằng phong trào biền ngẫu cũng do ảnh hưởng của đạo Phật: văn nhân có người ngày nào cũng gõ mõ tụng kinh mà khi tụng thì tiếng bổng tiếng trầm, rồi khi đọc văn, họ quen miệng cũng ngâm nga và muốn cho văn dễ ngâm thì họ phải viết sao cho có vần, có điệu. Thuyết đó không chắc đúng: văn đời Chiến Quốc (Đạo đức kinh, kinh Dịch...) cũng đã có xu hướng đó rồi. 
---
[1] chính là Chư, ta quen đọc là Gia
[2] étrier: bàn đạp
[3] Có lẽ vì sau, Ngụy lại chia hai: Đông Ngụy, Tây Ngụy; chính hai triều này mới thực là Hậu Ngụy?
[4] Bắc Ngụy
[5] họ chứ? (Thái Nhi)
[6] Hai ngựa đi cặp nhau gọi là biền, số chẵn gọi là ngẫu.  Biền ngẫu chỉ những thể văn có đôi như tứ lục, chiếu, biểu. Lối phú mới đầu không biền ngẫu, sau cũng thành biền ngẫu.
[7] Theo Lombard thì là một chỉ nam xa: một bộ phận có nhiều bánh xe răng cưa nối với hai trục bánh xe, làm cho một hình người trên xe lúc nào cũng chìa cánh tay về một hướng nhất định để người đánh xe biết mà sửa lại hướng xe chạy.