Chương V ( 4)
C. KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Nông nghiệp.
Chúng ta đã biết thời đầu nhà Tống, cũng như mọi thời đầu của các nhà khác (Hán, Đường) nông nghiệp phát triển nhờ chính sách phát ruộng cho dân và nhờ dân được yên ổn làm ăn. Còn nhiều nguyên nhân nữa; công việc thuỷ lợi, đào kinh, đắp đê ở hạ lưu sông Dương Tử phát triển, người ta biết dùng những giống lúa mới thứ lúa sớm ở Chiêm Thành - (Theo Lombard)- và mỗi địa phương chuyên trồng một vài loại, số thu hoạch tăng lên, dân số tăng theo.
Nhưng vì chính sách thuế má bất công, dân nghèo thì phải đóng góp nhiều, kẻ giàu thì được miễn nhiều thứ thuế mà lại giỏi trốn thuế, nên kẻ nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu, nhất là thuế mỗi ngày một tăng, nên dân chúng đói quá phải nổi loạn, mỗi khi lụt hoắc mất mùa. Như 1075, ở Hồ Châu lụt, mùa màng hư hết, nữa triệu người chết đói, mặc dù triều đình đã phát chẩn 1.250.000 hộc lúa cho dân nghèo.
Nạn đói vì thiên tai là nạn lớn nhất của dân Trung Hoa. Có người đã làm thống kê thấy rằng trong 2.300 năm từ thế kỷ thứ VIII trước T.L tới cuối đời nhà Minh, chỉ có 720 năm là Trung Hoa không bị thiên tai còn những năm khác, trước sau họ bị 1057 cơn nắng hạn và 1030 vụ lụt, ấy là chưa kể nạn chiến tranh. Tân Pháp của Vương An Thạch có thể làm cho quốc khố khá hơn nhưng dân chúng lại khổ hơn: từng đoàn người đói rách rời bỏ quê hương, kéo lên kinh đô xin ăn, khám đường nhiều nơi chật những người thiếu thuế. Tô Đông Pha trong cựu đảng chán nản, lấy làm xấu hổ rằng giới sĩ như ông đọc biết bao nhiêu sách mà không tìm được một phương cứu đói cho dân được.
Giới đại điền chủ trái lại vẫn sống trong cảnh xa xỉ. Theo Eberhard, cuối Nam Tống (đời Độ Tôn), một người tên là Kia Sseo-tao, em một quý phi, có địa vị khá ở triều, đề nghị triều đình hạn chế số ruộng đất tối đa mà mỗi người được có, quá số đó phải bán cho nhà nước, nhà nước mua rồi di dân lại cho làm, để thu thuế. Ông áp dụng ngay vào miền phía nam của Nam Kinh, nơi các đại thần có nhiều ruộng đất, nhưng bọn đại địa chủ giết ông và chính sách đó phải bãi bỏ (1295)
2.Công Nghiệp
Có ba ngành phát nhất
a. Nuôi tằm, dệt lụa Tô Châu, gần Hàng Châu có nhiều xưởng dệt dùng cả ngàn người thợ.
b. Thuật in phát sinh trong các tu viện (Phật Giáo và Đạo Giáo) để in hình phật, bùa chú....rồi tới thế kỷ IX, X mới phát triển ở ngoài đời từ Tây Tứ Xuyên xuống đến hạ lưu sông Dương Tử: lịch, sách coi số, từ điển nho nhỏ. Giữa thế kỷ thứ X mới xuất hiện những kinh, thư của Khổng giáo in bằng mộc bản do lệnh của triều đình, trước đó người ta phải dùng giấy vỗ lên các tấm bia bằng đá rất hiếm, chỉ có ở kinh đô. Từ 960, người ta in nhiều kinh phật. Cũng vào khỏan đó đã có người dùng hoạt tự bằng đất nung, gỗ hay thiếc, nhưng phải dùng khỏan 7000 chữ, rất bất tiện, mà in như vậy ko đẹp, nên thuật đó lần lần không ai dùng.
c. Đáng kể nhất là đồ gốm, đồ sứ. Đồ sứ đạt đến tuyệt đích ở đời tống và nổi danh khắp thế giới.Có rất nhiều lò ở khắp nơi. Tại Bắc là lò Định Châu, Từ Châu, tại Trung Nguyên là lò Nhữ Châu, Quân Châu.......tại Nam là lò Long Tuyền (nổi danh nhất), Tu Hội.....
Đồ sứ là những đồ gốm gần như pha lê, khoáng chất dùng là cao lãnh (kaolin) và một thứ thạch anh trắng gọi là "bạch đôn tử"(quartz). Người ta nặng thành đồ, phủ lên một lớp men trắng rồi mới bỏ vô lò nung, có khi người ta vẽ, sơn lên men rồi nung lại. Có những người thợ chuyên môn vẽ hoa, loài vật, phong cảnh, tiên, thánh.....
Các nhà chuyên môn, sành nhất về đồ sứ cho rằng không đồ sứ cổ nào hơn được đời Tống; đời Minh, Thanh điều kém. Từ vua tới dân ai cũng thích đồ sứ, nó tràn ngập trong nước: chén, dĩa, bình, vại, chúc đài, bàn cờ.......Lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện những đồ sứ xanh như ngọc thạch, gọi là Đồng Thanh(céladon)(1) (mà bao lâu nay các nhà đồ gốm vẫn ước ao chế tạo )được, còn các nhà sưu tập đồ cổ thì tranh nhau mua. Vua Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư đều sưu tập nó. Những đồ sứ màu huyết bò hoặc trắng tinh (Bạch ngọc)cung rất quý. Nghề làm đồ gốm lang qua Nhật, Việt Nam, Xiêm nhưng nghệ thuật kém xa.
Cũng gọi là Long tuyền diêu (diêu mới đầu chỉ các lò nung đồ sứ,sau chỉ các đồ sứ) còn có tên nữa là Tống ngọc(ngọc đời Tống)
3.Thương Mãi.
Rất phát đạt. Bọn thương nhân họp nhau lại, càng ngày càng mạnh lên. Ngay giới quan lại lớn nhỏ cũng muốn kết thân, làm thông gia với họ và hùn vốn với họ làm ăn. Thời nào cũng vậy, hễ phú thì thành quý.
Nội thương phát triển nhất ở miền lưu vực sông Dương Tử và miền Nam nhờ sông đó đưa lên tới Tứ Xuyên được, mà hạ lưu lại rất nhiều kinh rạch thuận lợi cho sự chở chuyên. Cũng nhờ lưu vực đó phong phú nữa.
Ngoại thương phát đạt nhất ở miền bờ biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông. Các vua Tống rất quan tấm đến việc thông thương đường biển, khuyến khích các nước Nam Dương đến mua bán. Trung Quốc đã có những thuyền lớn chở được ngàn người, trọng tải 300.000 (cân khoản 150 tấn), và dùng la bàn để chỉ phương hướng, nhờ vậy mà thương thuyền đi biển khá nhiều, phía Đông đến Nhật Bản, Cao Li, phía Nam đến Chiêm Thành, quần đảo Nam Dương, phía Tây đến Ấn Độ, Ba Tư. Trong số người ngoại quốc đến buôn bán ở Trung Quốc thì người Ả Rập đông nhất, vì Hồi giáo được truyền bá ở Trung Quốc nhiều hơn các tôn giáo khác (trừ Phật giáo), người Nam Dương theo Hồi giáo đến Trung Quốc cũng đông, họ bán hương liệu, ngà voi, tê giác, đồi mồi, san hô, các đồ châu báo, và mua trà, tơ lụa, đồ sứ, sơn, vàng, bạc, đồng, thiếc. Ở Quảng Châu, Tuyên Châu, Lưỡng Chiết có đặt những ti Thị bạc để thu thuế quan. Đời Huy Tôn (đầu thế kỷ XII) số thuế thu được lên đến 10.000.000 quan tiền. Theo Eberhard thì giữa thế kỷ XII, số thuế ngoại thương bằng 7% số lợi tức quốc gia (không kể thuế đất ruộng), ngang với số thuế đánh vào trà, mà kém số thuế đánh vào rượu: 36%, vào muối 50%.
Để tăng lợi tức, chính phủ mở rất nhiều khách sạn và ti bán rượu.
Các thương nhân họp nhau lại lập các thương hàng, tập hợp lại thành khu vực, các thương nhân đồng nghiệp (cùng bán một loại hàng) đoàn kết với nhau để định giá, độc chiếm, lũng đoạn thị trường.
Đời Tống (thế kỷ XII) dùng bốn thứ tiền: Tiền đồng, tiền sắt, tiền bạc, tiền giấy, làm thiệt hại dân chúng rất nhiều. Nguyên là do thời Bắc Tống ở khu vực Tứ Xuyên, tiền sắt chuyên chở khó khăn, mới tạo ra một thứ tiề giấy gọi là giao tử. Một giao tử ăn một quan, ba năm đổi một lần, giao cho nhà giàu biện lý, đến đời Nam Tống trở thành một thứ tiền giấy quốc gia phát hành. Số tiền thời đó là 10 triệu quan.