Chương 8 (2)
KHANG HI (Thánh Tổ 1662 – 1722)
UNG CHÍNH (Thế Tôn 1723 – 1735).
CÀN LONG(Cao Tôn 1736- 1795).

Nhà Thanh may mắn được ba ông vua giỏi nối tiếp nhau cầm quyền, tạo nên một thời thịnh trị dài trên 130 năm.
Khang Hi lên ngôi năm 8 tuổi, trị vì 61 năm, nhưng 13 tuổi mới thực sự cầm quyền. Ông thông minh, tài hoa, học rộng, cẩn thẩn, sống giản dị, tính tình khoan hòa, mà lại can đảm, cầm quân giỏi, sử gia Trung Hoa ví ông với Lí Thế Dân tức Đường Thái Tôn, còn các học giả phương Tây cho rằng triều đại của ông rực rỡ như triều đại Louis XIV, đồng thời với ông (1638 – 1715).
Ông rất trọng văn minh Trung Hoa, được nhiều cảm tình của sĩ phu Trung Hoa. Chính ông cũng giỏi chữ Hán. Một số triết gia Trung Hoa như Cố Viêm Vô, Hoàng Tôn Hi (coi ở sau) không chịu hợp tác với Thanh, mặc dù vậy, năm 1679 ông mở một kì thi đặc biệt để lựa người soạn bộ Minh sử, 188 người được ông mời dự và 152 người dự, ông lựa chọn 50 người mà bốn phần năm ở miền hạ lưu Dương Tử Giang, tức miền giữ được truyền thống Tống, Minh hơn cả. Như vậy đủ biết chưa đầy nửa kỉ, nhà Thanh đã lấy lòng được dân tộc Hán, công đó phần lớn là nhờ ông.
Ngoài bộ Khang Hi tự điển, ông còn thu thập, biên soạn ba chục loại sách nữa, đặc biệt là toàn bộ tác phẩm của Chu Hí mà ông rất ngưỡng mộ, và bộ “Khâm định đồ thư đại tập thành” gồm 1 vạn quyển, 100 triệu chữ, sau khi ông chết mới in xong (năm 1728), chia làm 5.000 tập (volume), đồ sộ hơn bộ Encyclopedia Britiannica ngày nay nữa. Chưa có một ông vua Hán nào làm được như vậy.
Đối với người Âu ông không có óc kì thị, trái lại là khác. Chương trên chúng ta đã biết nhà thiên văn Đức Adam Schall sửa lai lịch cho nhà Minh. Qua đời Thanh, Schall được Thuận Trị phong làm giám đốc thiên văn đài Bắc Kinh, nhưng rồi có kẻ ghen ghét, ông ta bị vu oan, buồn rầu mà chết (1666). Ít năm sau, Khang Hi mời một tu sĩ Dòng Tên (Jesuite) gốc Bỉ, Ferdinand Verbiest, tời Bắc Kinh tiếp tục công việc của Schall. Ông rất mê khoa học phương Tây, thường dắt Verbiest theo trong các cuộc thanh tra, ông tò mò muốn biết về khoa học, nhờ Verbiest giảng về môn toán học, thiên văn, họa của phương Tây. Một họa sĩ Ý Castigliond phục vụ rất lâu tại triều đình ông và chuyên vẽ chân dung cho các thân vương.
Các tu sĩ dòng tên thời đó qua Trung Hoa đề tìm hiểu Trung Hoa và truyền bá đạo Ki Tô. Họ đem khoa học để giúp đỡ triều đình, được cả lòng vua và đại thần; mà khôn kheo biết tôn trọng tục lệ Trung Hoa, Ki Tô giáo rất khắt khe, tuyệt đối cấm tín đồ thờ thần nào khác, chỉ được thờ Đức Chúa Trời thôi, các tu sĩ Dòng Tên, khoáng đạt hoặc mềm dẻo hơn, để tín đồ Trung Hoa tiếp tục thờ Khổng Tử vì họ nghĩ rằng Khổng Tử không phải là một vị thần, thờ Không Tử chỉ để tỏ lòng ngưỡng mộ một đại luân lí gia thôi. Họ cũng không cấm thờ phụng tổ tiên nữa, vì cúng vái ông bà cha mẹ đã khuất là tỏ lòng nhớ ơn các người, kính trọng các người như khi các người còn sống. Ki Tô giáo cấm sự sùng bái ngẫu tượng (idolâtrie) mà thờ Khổng Tử, và thờ tổ tiên không phải là thờ ngẫu tượng như Diêm Vương, ông Thiện, ông Ác, thần Tài…Nhưng các tu sĩ dòng Thánh Dominique và dòng thánh Fancois d’ Assise trái lại, chẳng hiểu tục lệ, truyền thông Trung Hoa, mạt sát cả thần học và lễ nghi Trung Hoa, cho là phát minh của Quỉ, phản đối kịch liệt Dòng Tên, trình lên với Giáo Hoàng, và năm 1704 Giáo Hoàng phái một nhà truyền giáo, Tournon, qua Trung Hoa bắt Dòng Tên phải tuân lệnh Giáo Hoàng, cấm tín đồ Trung Hoa thờ Khổng Tử, tổ tiên; tu sĩ Dòng Tên nào không tuân lịnh thì phải rời Trung Hoa liền.
Khang Hi rất có thiện cảm với Ki Tô giáo, giao các hoàng tử cho tu sĩ Dòng Tên dạy dỗ, có hồi ông có muốn theo Ki Tô nữa với một số điều kiện nào đó. Khi Giáo Hoàng cấm tu sĩ Dòng Tên như trên, ông rất bất bình, Giáo Hoàng là ai mà dám xen vào việc nước của ông như vậy? Ông là hoàng đế Trung Hoa, muốn cho ai vô nước mình thì người đó được ở, muốn dùng người nào giúp việc cho ông thì dùng, Giáo Hoàng sao dám trái ý ông. Và ông liền nhốt Tournon vào khám ở Macao; ít năm sau Tournon chết trong khám. Đồng thời ông ban một sắc lịch đuổi hết những tu si Ki Tô giáo nào không theo những nguyên tắc của Matteo Rici (tức của Dòng Tên).
Sau Khang Hi, các ông vua khác đều tấn công mạnh mẽ Ki Tô giáo và đầu thế kỉ chúng ta, Trung Hoa chỉ có khoảng ba triệu tín đồ (không bằng nửa phần 100 dân chúng) trong khi Phật giáo có không biết mấy trăm triệu tín đồ, Hồi giáo cũng có được 15 triệu tín đồ. Mãi đến gần đây (sau thế chiến II?) Giáo Hoàng La Mã mới cho phép tín đồ Trung Hoa thờ Khổng Tử, cùng tổ tiên nhưng trễ quá rồi (1). Nhưng giả sử có cho phep từ đời Khang Hi thì Ki Tô giáo cungc không thể phát triển mạnh như Phật giáo được, nhiều lắm cũng chỉ được khoảng năm phần trăm dân chúng thôi.
Dòng Tên đã thất bại trong việc truyền giáo ở Trung Quốc nhưng đã có công với văn hóa. Các tu sĩ dòng đó đều là những nhà bác học khoáng đạt, có tinh thần học hỏi, có óc khoa học, họ soạn sách, giới thiệu văn minh Trung Hoa với người Âu và nhờ họ mà người Âu biết một nền văn minh rực rỡ khác hẳn văn minh Ki Tô giáo. Các triết gia Pháp ở thế kỉ XVIII, đặc biệt là Voltảie, phục triết gia Trung Hoa (Khổng, Lão) minh triết không dùng tôn giáo, tời Thiên khai của Chúa Trời, chỉ nhờ một thứ luân lí cận tình hợp lí mà dạy dỗ dân thành những người tốt; do đó dân tộc Trung Hoa không có chiến tranh tôn giáo tai hại như phương Tây; xã hội rất có trật tự. Vua yêu dân, không can thiệp vào đời của dân, nhưng nếu làm bậy thì bị dân lật đổ, trong gia đình con quí trọng cha mẹ, vợ nghe chồng, đáng khen nhất là xã hội rất bình đẳng, không có giai cấp quí tộc cha truyền con nối, ai giỏi, thi đậu thì cũng có thể làm quan được, mà quan có quyền can gián vua, kiểm soát vua nữa.
Khang Hi rất quan tâm tới vấn đề trị thủy, đích thân sát đê điều và trong đời ông không bị nạn lụt nào tai hại của sông Hoàng Hà.
Ông noi gương Tần Thủy Hoàng, sáu lần tuần du miền Nam (Chiết Giang) để xem xét dân tình, bốn lần tuần du phương Bắc, ngoài biên giới.
Về võ công, ngoài việc dẹp được ba phiên vương, chiếm lại được Đài Loan như trên chúng ta đã biết, ông còn dẹp được loạn ở Trung Á, mở mang thêm bờ cõi.
Đầu đời Thanh, người Mông Cổ giúp người Mãn Châu để được chia phần, sau thấy người Mãn đã Hán hóa tời mức ngay sau đời Khang Hi mà nhiều người Mãn đã quên tiếng mẹ đẻ (các đời sau, ngay vua Thanh cũng không hiểu tiếng mẹ nữa), họ coi người Mãn cũng chỉ là người Hán, không cùng một giống với họ nữa, nên họ nổi loạn, muốn tách rời ra thành một nước độc lập, không chịu ảnh hưởng của nhà Thanh nữa. Khanh Hi trong 6 năm từ 1690 đến 1695 phải thân chinh dẹp họ.
Mười năm sau, 1715 lại có loạn ở tây Mông Cổ. Chiến tranh lan rộng tời miền Turkestan và dân tộc Thổ Nhĩ Kì với dân tộc Dzoumgare cũng bị lôi cuốn vào. Khang Hi dẹp được họ tới Tây Tạng chiếm Lhassa, đặt một vị Đạt Lai Lạt Ma khác lên ngôi và Tây Tạng thành một nước bảo hộ của Thanh.
Trong cuộc bành trướng đó, Mãn Thanh đụng đầu với Nga thời đó đương muốn tìm đường qua phương Đông để thoát ra biển. Năm 1650 Nga đã tiến tời Hắc Long Giang, lập được một đồn binh. Người Mãn từ trước vẫn làm chủ miền đó, Khang Hi tức thì đem quân phá đồn, Nga phải thương thuyết, các tu sĩ Dòng Tên làm thông dịch viên cho hai bên. Hiệp ước đó viết bằng ba ngôn ngữ: Nga; Hán; Mãn là hiệp ước đầu tiên Trung Hoa kí với một nước châu Âu. Vì nhiều chỗ khó dịch nên vài câu tối nghĩa về sự hoạch định địa giới. Cho nên năm 1727, Nga phái một sứ thần tới Bắc Kinh để xét lại. Lúc này Khang Hi đã băng, Ung Chính kế vị, đòi thương thuyết ở ngay biên giới, tức trên đất Mông Cổ. Hai bên bàn cãi nhau khá lâu, rốt cuộc bằng lòng kí một hiệp ước mới, tức là hiệp ước Kiakhta (Cáp - Khắc - Đồ).
Theo hiệp ước đó, người Nga được phép đặt một phái đoàn công sứ - lập 1 chi điểm buôn bán và một giáo đường ở Bắc Kinh. Lại hiểu nhầm nhau nữa. Người Nga – và các người phương Tây – cho như vậy là Thanh phải đầu hàng. Người Trung Hoa trái lại bảo sự cho phép đó không có nghĩa là nhượng bộ mà cũng chẳng có gì mới mẻ. Từ ngàn rưỡi năm trước, bọn “rợ” đem cống phẩm tới Bắc Kinh đều được Triều đình Trung Hoa cho họ ở tại sứ quán, trong khi đợi Hoàng đế cho phép vào bệ kiến, thường vào dịp Nguyên đán. Lại thêm, sứ đoàn được phép dắt theo một số thương nhân để bàn việc trao đổi hàng hóa. Mà Trung hoa cũng cho bọn rợ Hồi Hội (Ouigheur) dựng một thánh đường Hồi gimas của họ ở Bắc Kinh.
Chính lúc người Nga được phép đặt một phái đoàn công sứ thì triều đình Mãn Thanh cũng lập một cơ quan lo việc Hồi.
Tóm lại, người Nga cho rằng hiệp ước đã công nhận sự bình đẳng giữa hai dân tộc, mà quyền được buôn bán là một thứ đặc quyền, một cách nhượng bộ, còn người Thanh cho rằng trước sau họ vẫn đãi người Nga như đã đãi các “rợ” khác ở Trung Á, ở Đông Nam Á chẳng hạn.
Do sự hiểu lầm nhau mà qua thế kỉ XIX xảy ra nhiều xung đột chính trị. Người Âu trách người Trung Hoa là vi phạm các hiệp ước đã kí, người Trung Hoa bảo rằng mình thi hành rất đúng.
- UNG CHÍNH (Thế Tôn 1723 – 1735).
Ung Chính ngoài 40 tuổi mới chiếm ngôi, sau khi giết hại anh em, và trong 43 năm cầm quyền ông dùng chính sách Pháp gia (Hàn Phi, Lí Tư,… đời Tần) thủ đoạn rất cao, diệt hết kẻ chống đối, ức chế tôn thất, đặt ra một cơ quan mật vụ dò xét kẻ gian, giám sát quan lại, nhờ vậy ở triều không có kẻ lộng quyền, mà trong nước bọn ô lại cũng ít.
Ông đa nghi thù dai nhưng biết dùng người, biết lo cho đời sống của dân, hưng thủy lợi, giảm thuế. Dân chúng tuy chê ông là giả dối, tàn nhẫn, nhưng không oán ghét ông.
Thấy các tu sĩ Ki Tô giáo (Dòng Tên và các dòng khác) âm mưu, khuynh loát nhau, ông cầm đạo ở khắp nước, trừ Bắc Kinh. Ba trăm giáo đường bị phá.
Nhưng ông rất siêng năng, cần kiệm, và cuối đời ông quốc khố còn dư nhiều.
- CÀN LONG(Cao Tôn 1736- 1795).
Vài sử gia khen Càn Long là ông vua tài giỏi và sáng suốt nhất đời Thanh sự thực thì học thức của ông không bằng Khanh Hi, chính tích của ông cũng kém Ung Chính, nhưng ai cũng nhận rằng đời ông là thịnh nhất của nhà Thanh, được vậy là nhờ hai ông vua trước đã khai hoang, cày bừa, gieo giống, ông chỉ việc vun tưới và hái quả. Đặc biệt về phương diện tài chính, ông được hưởng di sản lớn của Khang Hi và Ung Chính vì hai ông này đều giỏi về tài chính, không phung phí.
Ông giữ ngôi rất lâu, 60 năm, gần bằng Khanh Hi (61 năm), có óc khoáng đạt, nhân từ: miền nào mất mùa thì ông giảm hoặc tha thuế, sau lấy thóc trong lẫm của triều đình để phát chẩn, vì vậy mà dân bất kì là Mãn, Hán hay Mông đều quí ông và cuối đời ông thì cả ba giống người đó đều dung hợp với nhau thành người Trung Hoa hết.
Chính ông cũng thành người Hán, nói tiếng Hán, làm văn thơ Hán như các đại thần Hán.
Ông noi gương Khang Hi, triệu tập các nhà bác học hồng nho và những ẩn sĩ ở sơn lâm, được 3.000 người trên 60 tuổi, đãi một bữa yến cho một ngàn vị già nhất.
Ông vời các học giả lại kinh đô để biên soạn những bộ sách lớn về sử học, văn học, y học, luật học như Đại Thanh hội điển, Đại Thanh luật lệ, Đại Thanh nhất thông chí, Y tôn kim giám… Vĩ đại nhất là bộ Tứ Khế toàn thư; giao cho Kỉ Quân điều khiển.
Hàng trăm học giả, văn nhân cộng tác trong mười năm thu thập hết những sách cổ, bất kì về loại gì (văn học, sử học, triết học, địa lí, âm nhạc, y học, nông nghiệp…) rồi tuyển lựa được 79.070 quyển, chép làm 7 loại: kinh, sử, tử (tác phẩm của các triết gia hạng nhì), tập (văn thơ)… mỗi loại chứa riêng trong một kho, do đó có tên là tứ khố (bốn kho).
Mỗi bản để ở một nơi: Bắc Kinh, Phụng Thiên, Hàng Châu, Dương Châu… khi liên quân Anh Pháp vào Bắc Kinh, họ chở đi một bản; vì loạn lạc; hai bản nữa bị đốt, hiện nay còn 4 bản. Nhà Thương Vụ ấn thư quán ở Thượng Hải vừa bắt đầu in bộ đó thì tiếng súng nổ ở Lư Châu Kiều, mở màn cho một chiến tranh kéo dài tới 1945 và công việc phải bỏ dở. Khắp thế giới chưa có bộ sách nào vĩ đại như vậy.
Càn Long cho soạn bộ đó tuy có công bảo tồn văn hóa Trung Hoa nhưng cũng nhằm một mục đích nữa: tiêu hủy những sách có tư tưởng dân tộc vô tình hay cố ý phản Thanh, tất cả tới 1.862 bộ, chia làm 538 loại, nhiều nhất là chính sử, dã sử đời Minh. Ông khôn hơn Tần Thủy Hoàng.
Nhưng cái họa văn tự đời Thanh còn khiếp lắm. Sử chép trường hợp 70 người soạn bộ Minh Sử, trong đó, một đoạn viết về vụ Mãn Châu chiếm Trung Hoa có giọng ai oán chứ không vui vẻ, hăng hái, tác giả lại quên kị húy khi chép tên các vua Thanh, họ đã chết rồi, bị quật mả lên mà những người lựa, duyệt lại, chép lại bộ đó cũng bị chém vì tội phản Thanh.
Ông tự hào về “thập toàn võ công” (mười võ công kết quả hoàn toàn) của ông; Khanh Hi và Ung Chính đã tích lũy được nhiều tiền, ông dùng số tiền đó để mở mang biên cương.
Dân số Trung Quốc tăng lên nhiều, đất đai khai khẩn gần hết rồi, tình thế bắt buộc phải kiếm thêm đất để di dân. Các triều đại trước đều di dân về phía nam, khi miền này không thể tiếp thu thêm được nữa, nhà Thanh mới nghĩ tới việc di dân lên miền Bắc. Miền Bắc là đất của Mãn và Mông. Đất của Mãn, người mãn không cho người Hán vô; vậy chỉ còn đất của Mông. Cuối đời Ung Chính và đầu đời Càn Long, chỉ trong mấy chục năm mà 25 triệu người Trung Hoa di cư lên phương Bắc, chiếm đất của ông, do đó xảy ra nhiều xung đột giữa Hán, Mông ở Turkestan (Tân Cương).
Càn Long đem quân lên dẹp. Hai lần thăng bộ lạc Chuẩn Cát Nhĩ, bộ lạc mạnh nhất của Mông Cổ; một lần bình định được bộ lạc Hồi ở Tây Vực. Ông gom đất của hai bộ lạc đó lại, đặt tên là Tân Cương, phái một đại thần tới thống trị (1759).
Phía Tây biên cương tỉnh Tứ Xuyên có hai bộ lạc Đại Kim Xuyên và Tiểu Kim Xuyên thường quấy rối Trung Quốc, ông hai lần xuất chinh để dẹp (1772 và 1776). Đất đó xa xôi, dân thưa, chỉ có 3 vạn hộ (khoảng 15 vạn người) mà ông phải dùng đến 8 vạn binh mới bình định được. Trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc viễn chinh nào tốn kém như vậy.
Đài Loan từ đời Khang Hi đã dẹp xong rồi nhưng đời Can Long vẫn còn những đám giặc cỏ, ông cũng đem quân vượt biển diệt cho hết.
Đời Ung Chính mở rộng biên giới đến Quí Châu, thế dân ở đó là người Miến được đãi như người Hán, nhưng sau vì quan lại thu thuế hà khắc, họ nổi loạn, Càn Long lại phải dùng binh dẹp.
Năm 1766, viên tổng đốc Vân Nam, đề nghị đánh Miến Điện vì họ thường quấy nhiễu biên giới, Càn Long phái hai vạn rưỡi binh xâm chiếm, vì không biết đường lối và vì không chịu được lam chướng, mấy lần hao quân tốn tướng, nhưng sau Miến cũng xin hòa, Thanh trả lại đất đã lấn, rút về. Từ đó Miến cứ 10 năm phải cống một lần.
Miến chiếm Xiêm, một người Hoa kiều là Trịnh Chiếu mộ kẻ đồng chí đuổi được quân Miến, dời đô về Băng Cốc, dựng lại nước, sai sứ sang cống Trung Quốc (1786) vua Thanh phong làm Xiêm La vương. Từ đó người Trung Hoa qua Xiêm làm ăn càng ngày càng đông, hiện nay thành chỗ phát đạt của Hoa kiều ở hại ngoại.
Càn Long cũng can thiệp vào nội bộ Việt Nam nữa. Vua Lê Chiêu Thống không ưa Tây Sơn, cho người sang cầu cứu với nhà Thanh, vua Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị đem quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu, Vân Nam sang đánh Tây Sơn. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ hay tin, đem quân ra Bắc đánh đuổi quân Tàu, Tôn Sĩ Nghị vội vàng bỏ chạy, quân Tàu giày xéo nhau, tới biên giới thì cả chục vạn quân chỉ còn sống sót vài chục mạng. Vua Quang Trung chưa muốn gây hấn với Thanh vì việc nước chưa yên, nên tạm nhún nhường, xin thụ phong ( 1789).
Năm 1780 bộ lạc Khuếch Nhĩ Khách của xứ Nepal (Bắc Ấn Độ) đem binh xâm nhập Tây Tạng. Viên đại thần Thanh thống trị Tây Tang đào tẩu, Càn Long phái quân qua dẹp, viên tướng Thanh kiêu căng mà vô mưu, kết quả đại bại, tử thương vô số. Khuếch Nhĩ Khách mặc dầu thắng cũng cầu viện thống đốc Anh ở Ấn, viên tướng này chủ trương điều đình, hai bên còn đương thương lượng thì Khuếch Nhĩ Khách đã xin hòa và Thanh rút quân về.
“Thập toàn võ công” đó không có gì đáng gọi là oanh liệt nhưng kết quả là mở rộng đất đai của Trung Quốc và đế quốc Thanh như tôi đã nói lớn hơn hết thảy các thời trước (trừ thời Nguyên).