Chương 8 -10
5- Nhìn lại thời quân chủ

Tới đây chấm dứt đời Thanh dài trên 260 năm và cũng chấm dứt chế độ quân chủ dài trên 2.000 năm, chúng ta nên ôn lại vài nét
- Nhà Thanh
Văn minh nhà Thanh đạt mức cao nhất ở đời Tống, mặc dầu về kinh tế và võ bị họ kém. Sau Tồng tới Nguyên, Minh, Thanh thì Thanh hơn cả, chề độ quân chủ bừng thịnh lên được trên một trăm năm dưới triều Khang Hi và Càn Long rồi lại lụn bại luôn.
Ở trên tôi đã xét nguyên do thành công của Mãn Thanh trong việc thống trị người Hán: Họ không quá nghi kỵ người Hán mà tôn trọng văn hóa Hán và sau đồng hóa gần hoàn toàn với người Hán, vì vậy nhiều kẻ sĩ Hán có tài năng, muốn bảo tồn văn hóa Hán, đã cứu họ trong những vụ nội loạn và ngoại ưu.
Nhưng khi đụng đầu với người phươnh Tấy, nhờ cơ giới mà hùng cường hơn họ nhiều thì họ vừa vụng về, vừa quá tự cao tự đại mà thua nặng, đến nỗi chịu hết nhục này đến nhục khác, cắt hết đất này đến đất khác, nhường gần hết quyền lợi kinh tế, gần như mất chủ quyền nữa, thì người Hán kkhông tin nữa, đòi họ thay đổi chính sách, duy tân như Nhật Bản. Họ vẫn ngoan cố thẳng tay đàn áp.
Chính sách đàn áp này đã chẳng có hiệu quả tốt mà chỉ thúc đẩy cho cách mạng mau phát, học sử Pháp và sử Trung Hoa, ta thấy dân chúng bao giờ cũng ôn hòa, không đòi hỏi gì nhiều, bất dắc dĩ lắm mới phải kêu nài. Chính sách của triều đình Louis XVI và Từ Hi hủ bại quá, họ không chịu được nữa nên mới xin cải cách. Nếu nhà cầm quyền sáng suốt, họ đòi 10, ban cho họ độ 6,7 thì chẳng bao giờ có những cuộc đổ máu mà lại được dân chúng ngưỡng mộ, mang ơn. Nhưng nhà cầm quyền thường thủ cựu, tham lam không chịu nhả một chút quyền lợi rốt cuộc làm mất hết.
Thực may mắn cho vua chúa và đại thần Mãn Thanh, không ai bị giết trong cách mạng Tân Hợi, người Hán đối với họ quả là tốt. Nhưng triều đình Mãn Thanh sụp đổ thì dân tộc Mãn còn độ 2 triệu người ở quê hương họ đã giữ được ngôn ngữ truyền thống, chẳng bao lâu cũng bị 400 triệu người Hán thu hút mà Hán hóa hết không còn quốc gia nữa. Sức mạnh của dân tộc Hán, của văn minh Hán ở đó. Dòng nước nào chảy vào Trường Giang ( sông Dương Tử) cũng tan hòa với nó và chỉ làm cho nó mênh mông hơn thôi.
Một số học giả Âu Mỹ tự hỏi tại sao Trung Hoa văn minh hơn Nhật Bản (Đời Đường, Nhật phải học Hoa) mà lại không biết duy tân sớm như Nhật, phản ứng với phương Tây một cách thông minh, mạnh mẽ như Nhật. Họ đưa ra nhiều nguyên nhân( Trung Hoa không có võ sĩ đạo, xã hội bị Lý học của Tống Nho đầu độc...), tôi tóm tắt lại dưới đây ba nguyên nhân chính:
- Đất đai Trung Hoa lớn quá, hai ba chục năm sau chiến tranh nha phiến. Anh, Pháp mới chỉ chiếm được mươi thương khẩu ở ngoài, còn những miền Tây ( Tứ Xuyên), Tây Nam ( Quí châu, Vân Nam), họ chưa đặt chân tới. Sau có nhiều nước theo gót Anh, Pháp nhưng họ gờm nhau, không nước nào đủ sức gạt những nước kia mà chiếm trọn Trung Hoa như Anh ở Ấn Độ được, nên sự phản ứng của trung Hoa cũng không toàn diện.
- Tinh thần dân tộc quốc gia của người Hán và người Mãn còn thấp: Họ không cho người da trắng là kẻ thù chung, không cho sự xâm nhập của da trắng là nguy hại, nên không đoàn kết với nhau để chống da trắng, mà còn nhờ da trắng giúp để trợ diệt lẫn nhau nữa: Thanh đình, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương...xin Anh Pháp giúp để diệt Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn cũng đề nghị
nhường ít quyền lợi cho Anh, Mỹ để họ đừng giúp Mãn Thanh....Tầng lớp lãnh đạo cách mạng như vậy, còn nông dân thì không có chủ trương gì cả, chỉ cần được yên ổn làm ăn, và phe nào mạnh thì theo.
- Giới sĩ phu và địa chủ xét chung có tinh thần dân tộc cao, nhưng trừ một số ít ởmiền Đông Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây, có óc tân tiến còn thì rất thủ cưụ, mà lại tự phụ, không chịu duy tân, y như các nhà Nho của ta thời Tự Đức. Họ quen với nếp suy tư, nếp sống từ hai ngàn năm trước rồi, ngại sự thay đổi mạnh mẽ. Vì Vậy mà mãi tới sau khi thua Nhật nhục nhã ở Triều Tiên (1895), phong trào duy tân của Khang Lương mới được một số người hưởng ướng, và tới hòa ước Tân Sửu ( 1901) có nguy cơ mất nước, nó mới lan rộng hơn. Nhưng thực sự cải cách pạnh thì phải đợi hai chục năm sau, khi có một tốp thanh niên Âu Hóa khá đông đứng ra lãnh đạo. Lớp người đó có thể ví với giai cấp Bourgeois của phương Tây ( coi phần sau).
Chế độ quân chủ của trung Hoa.
Người Âu thế kỷ XVIII khen Trung Hoa có tinh thần dân chủ trong chính sách tuyển quan lại bằng thi cử, có tinh thần khoan dung về tôn giáo, nên không có chiến tranh tôn giáo như họ, khen Hoàng đế Trung Hoa như Khang Hi vừa giỏi trị dân, sáng suốt vừa hiếu học, vừa tìm hiểu khoa học phương Tây, mà lại làm nhiều thơ văn nữa. Những điều đó đúng cả. Nhưng có người ( Voltaire?) còn bảo chế độ quân chủ của Trung Hoa tốt đẹp hơn chế độ quân chủ của Pháp, đáng làm kiểu mẫu. Lời khen này quá đáng. Họ chỉ đượcđọc những báo cáo, bút ký, sách của Dòng Tên rất có cảm tình với Trung Hoa nên không thấy được sự thực.
Will Durant trong cuốn Bài Học của lịch sử ( The Lessons of History. New Yorks, 1968) để kết thúc bộ Lịch sử văn minh viết:
“Xét toàn thể thì chế độ quân chủ đã thành công một cách trung bình chứ không hơn. Tích cách liên tục- cũng gọi là “chính thống” của nó có lợi bao nhiêu thì những chiến tranh kế tiếp do nó gây ra cũng có hại cho nhân loại bấy nhiêu. Khi ngôi vua mà cha truyền con nối thì hạng vua ngu dộn, vô trách nhiệm, cuồng bạo, lạm dụng quyền hành để cất nhắc, người thân thích nhiều hơn hạng minh quân tâm hồn cao thượng hoặc có tài chính trị. Người ta thường đưa vua Louis XIV ( Pháp) làm gương cho các ông vua cận đại, nhưng khi ông băng thì dân Pháp mừng rỡ.....”
Lời phán đoán của Durant ôn hòa, ai cũng nhận là đúng. Ông xét chung chế độ quân chủ trong lịch sử nhân loại. Tôi thấy chế độ quân chủ Trung Hoa thành công nhất định là kém Anh, Nhật, có lẽ kém cả Pháp, Đức nữa, nghĩa là chưa đạt được mức trung bình.
Ở Âu, con gái được hưởng gia tài của cha mẹ. Một ông vua, nước Áo chẳng hạn cưới một công chúa nước Anh, Công chúa này được hưởng một vương quốc hay một công quốc của cha ở Y Pha Nho thế chồng. Vua Áo, đồng thời có thể làm vua vương quốc hay công quốc đó thành thần dân của ông, đất đai của ông hóa rộng quá làm mất thế quân bình lực lượng ở Âu và một nước Pháp có thể xúi dân Y Pha Nho nổi lên chống ông, hoặc liên kết với Anh, Bồ Đào Nha để chống ông, mà gây nên những chiến tranh kế vị tai hại cho người Âu.
Trung Hoa không có tục đó, nên sự kế vị tranh giành ngôi báu chỉ gây những cuộc nổi loạn trong hoàng tộc, cung đình, hại cho hoàng tộc hoặc nhiều lắm là cho dân Trung Hoa thôi. Nhưng tránh được cái vạ đó, thì lại bị cái vạ ngoại thích.
Tệ nhất là vua Trung Hoa tha hồ muốn tuyển bao nhiêu cung phi cũng được như các vua Á rập do đó sanh ra cái tệ hoạn quan mà phương Tây không có.
Đạo Khổng hạn chế quyền của vua bằng nhiều biện pháp: Dùng tể tướng quyền gần ngang vua, dùng gián quan, sử quan để can vua, nhắc vua một cách gián tiếp đừng quên bổn phận của mình, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu, cho nên Hoàng Tôn Hi mạt sát chung các vua là “chỉ nghĩ đến tư lợi, ly tán con trai, con gái của thiên hạ, cướp giật sản nghiệp của thiên hạ để giữ làm của riêng, truyền lại cho con cháu”rồi ông đề nghị phải bắt vua chia quyền với tể tướng, phải hạn chế quý phi, cung tần của vua, số hoạn quan. Ông đáng là môn đồ của Mạnh Tử.
Từ Hán đến Thanh, mỗi triều đại lớn có từ chín, mười đến trên hai chục ông vua, mà triều đại nào cũng chỉ được hai hay ba ông vua giỏi, vài ba ông nữa tạm được, còn hoàn toàn là bọn bịnh hoạn, ngu xuẩn, nhu nhược để cho bọn hoạn quan xỏ mũi. Xét chung thì kết quả ở dưới mức trung bình xa.
Suốt hai ngàn năm như vậy, đời sau cứ nối theo vết xe của đời trước, hoặc muốn tránh mà tránh không được. Xã hội Trung Hoa về phương diện đó, thật ổn định, gần như không thay đổi gì cả, như một cái ao tù.
Về kinh tế họ theo truyền thống từ đời Chu chỉ trọng nông – nông mới là gốc – không khuyến khích công, mà còn ức thương nữa, mặc dầu họ có câu “phi thương bất phú”. Cho nên công, thương của họ không phát đạt lớn được như các nước Âu Tây.
Dân chúng chỉ trông vào nghề nông, mà nghề này không đủ nuôi dân, vì đấy cày cấy được của họ ít, chỉ có hai cánh đồng lớn của Hoàng Hà và Dương Tử Giang, còn lại là những cánh đồng nhỏ xen vào miền đồi núi. Đã vậy họ bị cái nạn lụt của Hoàng Hà ( trung bình cứ 4 năm vỡ đê một lần, lớn thì hàng triệu người, nhỏ thì hàng vạn người chết đói) và nạn hạn hán ở phương Bắc, nhiều khi hai ba năm liền. Họ nghèo hơn ta nữa, nghèo vào hạng nhất thế giới.
Bổn phận của nhà cầm quyền là phải nuôi dân mà nuôi không nổi. Dân nghèo không nuôi nổi vợ con, phải bán vợ đợ con, và khi đã có ba bốn đứa con rồi thì có thêm con gái, họ bóp mũi, gìm nước cho chết hoặc bỏ lên bờ rãnh, trong khu rừng.
Nạn đói đó trong 2.000 năm cũng không sao giải quyết được. Triều đại nào mới lên cũng nghĩ ngay việc chia đất cho dân nghèo, nhưng không có biện pháp nào che chở họ, nên chỉ khoảng nửa thế kỷ sau, đâu lại vào đó, ruộng vào tay các điền chủ, quan lớn hoặc thầy chùa, đa số nông dân lại hoá ra vô sản, làm thuê, làm mướn, hoặc cầu bơ, cấu bất, cùng khổ quá thì đi ăn cướp, nổi loạn. Dân tộc Trung Hoa nổi tiếng là có nhiều cuộc nông dân bạo động thành công, viên thủ lãnh lập một triều đình mới, rồi lịch sử lại tiếp tục như cũ: Thịnh được ít lâu rồi suy, loạn, mất ngôi. Cứ như thế suốt hai ngàn năm cũng không có cách nào giải quyết được. Những cuộc cách mạng của Vương Mãn, Vương An Thạch đều thất bại.
Dân nghèo thì quốc gia cũng nghèo. Thuế thu vào không được bao nhiêu. Thời Chu, thuế ruộng chỉ vào khoảng 10% số thu hoạch, các đời sau, có khi thu tới 30%, 50%, nhưng cao quá thì dân trốn thuế, bọn giàu có lại càng giỏi trốn thuế Thuế thu được ít triều đình trả lương quan lại tất phải rất ít, họ không đủ sống, tất phải ăn hối lộ, ăn cắp của công, thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy. Do đó, nạn tham những thành một luật tự nhiên; một luật kinh tế. Ông quan nào ăn hối lộ ít thôi thì được coi là thanh liêm. Như vậy là triều đình bắt dân phải nộp một thứ thuế vô danh để nuôi quan lại.
Triều đình không làm tròn nhiệm vụ trong việc nuôi dân, mà cũng không có cách nào diệt được nạn ngoại xâm của các dân du mục phương Bắc và phương Tây.
Từ đời Hán, đế quốc đã mênh mông quá, khó giữ được cả chục ngàn cây số biên giới. Hán Võ Đế dẹp được nhiều bộ lạc, thu phục được một số bộ lạc nữa, dân du mục phải lùi, nhưng khi nhà Hán suy thì họ lại lần lần thâm nhập vào đất Hán ( thời Nam Bắc triều) ; đời Đường đẩy lui được họ, trong vài trăm năm rồi lại suy, lại bị họ chiếm một phần ở phương Bắc; qua đời Tống, họ mạnh lên, chiếm được trọn phương Bắc, ngưới Hán phải lùi xuống phương Nam, tới đời Nguyên thì họ chiếm trọn Trung Quốc trong suốt trăm năm đời Minh may mắn tự chủ được hai trăm rưỡi năm, nhưng sau đó, người Hán lại bị rợ Mãn Châu tròng ách vào cổ trên 250 năm. Như vậy mới đầu họ yếu, sau mạnh dần, Trung Quốc không dùng võ lực mà trị hõọ được. Có một đế quốc rộng quá thì điêu đứng như vậy.
Về phương diện đó, chính quyến quân chủ - có thời rất chuyên chế như đời Minh, nhà Thanh đỡ hơn, cũng chỉ “thành công” dưới mức trung bình thôi: Non ba trăm rưỡi năm hoàn toàn mất chủ quyền và non 500 năm mất một nửa đất đai. Chỉ nhờ văn hóa của Trung Hoa cao hơn các rợ du mục nhiều, nên đồng hóa họ được, hậu quả bất ngờ là mở mang thêm được non sông, tăng thêm được số dân. Trung Hoa như con phượng hoàng ( Phénix) trong huyền thọai phương Tây, cứ mỗi lần chết thì lại phục sinh từ đám tro tàn của nó, mà hóa đẹp đẻ hơn. Công về văn hóa đó là của đời Thương, đời Chu các vua chúa thời quân chủ chỉ bảo tồn và phát huy nó thôi.
Đọc sử thời quân chủ của Trung Hoa, tôi buồn cho dân tộc đó thông minh, giỏi tổ chức mà không diệt được cái họa ngoại thích và hoạn quan gây biết bao thống khổ cho dân chúng đời này qua đời khác. Nhưng tôi cũng trọng họ, mến họ vì triều đại nào cũng có hằng ngàn hằng vạn người coi cái chết nhẹ như lông hồng, tuẫn tiết vì nước chứ không chịu nhục, và những thời triều đình “vô đạo” thì vô số kẻ sĩ coi công danh, phú quý như dép cỏ, kiếm nơi non xanh nước biếc dắt vợ con theo, cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống, sống một đời thanh khiết, làm thơ, vẽ để tiêu khiển, hoặc trứ tác về triết, sử, tuồng, tiểu thuyết để lưu lại hậu thế. Đọc đời các vị đó tôi luôn luôn thấy tâm hồn nhẹ nhàng. Chưa có một bộ sử nào của Tây phương cho tôi được cảm tưởng đó.