Hai

Bữa ăn cuối cùng trong ngày còm cõi đến độ biến đâu mất vào lúc chúng tôi chui cả vào trong những chiếc võng căng ngổn ngang quanh một cái hang hàm ếch và giấc ngủ khó mà tới khi trong bụng có tiếng óc ách than vãn của cái dạ dày đang co bóp vào chính nó. Tôi cố ép sự suy nghĩ hướng tới những gía trị cao đẹp trong tinh thần con người như sự anh dũng của người lính trước họng súng quân thù, sự bất khuất của người tù trươc cám dỗ của kẻ địch, nhưng hỡi ôi, tôi không sao xóa được hình ảnh cái đùi gà luộc vàng ngậy cứ ngọ nguậy trong trí tưởng tượng bất trị của tôi. Cái lạnh buốt của rừng khuya đã thấm qua được lần vải võng nhoi nhói châm vào da thịt, và bây giờ thì cả cái đói lẫn cái rét làm co quắp cả người như một con sâu thảm hại trong kén lá. Tôi giở mình, úp sấp cho toàn bộ cái lưng khỏi giáp với mặt võng buốt thon thót, thôi không còn muốn chống đỡ, mặc kệ cho thân xác bị dày vò, hy vọng giấc ngủ sẽ xóa đi tất cả. Vậy nhưng đúng vào luce hình như tôi đang thiếp đi bỗng có thằng khốn nạn nào đó hét toáng lên:
Dậy, dậy đi chúng mày ơi, đói rét thế này ngủ thế chó nào được.
Tất nhiên chỉ trừ có ông toán trưởng chưa leo lên võng, vẫn còn lúi húi làm gì đó, còn cả bốn thằng đều bật dậy, đốt một đống lửa và ngồi quây quanh, hắt những cái bóng chập chờn lên vách núi. Gió vẫn giật đùng đùng, kéo theo màn sương lạnh buốt, thổi bùng ngọn lửa bốc cao. Người tôi ấm dần, và kể cũng lạ, cái đói cũng dịu đi. Các cậu ạ, thử tưởng tượng, lúc này mình đang ngồi trong một cửa hàng đặc sản thì các cậu sẽ gọi món gì trước? Thằng nêu ra câu hỏi đầy tính cách lãng mạn đó là nhà học giả của chúng tôi. Trong balô của nó, ních chặt những cuốn sách dày mà ngay đến cái tên, dù chỉ mới liếc qua, tôi đã thấy ngán. Ấy thế mà thằng trí thức rởm đó khăng khăng không chịu hòa mình vào quần chúng, không như chúng tôi vào những lúc nghỉ ngơi ngồi tán dóc, đi kiếm rau, bắt cá, nó chọn một chỗ thật hẻo lánh, ôm khư khư cuốn sách, nhai gau gáu những dòng chữ nhỏ li ti trong đó. Aí già, gái góa lo việc triều đình, cái phận cầm dao phát cây cho người ta vẽ ra con đường thì chỉ nên lo mài con dao thật sắc, hùng hục mà làm, ngoài giờ chính quyền phải nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động, sách vở chữ nghĩa là cái thứ để cấp trên người ta lo. Nhưng con mọt sách ấy chẳng chịu nghe ai, nó cứ gặm đều đều những cuốn mà hàng năm về phép nó khuân lên cả gánh. Chữ nghĩa chui vào đầu nhiều quá làm đôi khi nó bần thần như thằng dở người, nó lẩm bẩm cái gì đó, miệng cười mủm mỉm, tôi đi phát cây đằng sau phải quát lên: Chặt cái cành mây kia đi ông học giả, chú ý vào con dao không chém vào tao giờ. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội... hì... hì... hì... hì.... Những lúc đó nó phải nói một câu gì, đại loại thế, rồi mới chịu chui vào bụi gai, mím môi mím lợi vung dao lên. Tuy nhiên cái bệnh chữ nghĩa ấy chỉ có cơn thôi, bình thường nó cũng như chúng tôi, cũng làm hùng hục, cũng phàm ăn tục uống chẳng thua kém thằng nào. Mỗi bữa ăn, trừ ra có ông toán trưởng ăn riêng vì nghi đau dạ dày, còn lại bốn thằng, cơm vừa xới ra, thằng nào thằng ấy, bưng bát lên ngoạm ngay một góc cho đầy mồm cái đã, rồi mới chọc đũa vào thức ăn, rồi thì không ai nói với ai một câu, chúng tôi lao đầu vào cuộc thi đua sôi nổi nhất trong các cuộc thi đua mà hàng tuần, hàng tháng ông toán trưởng vẫn phát động.
Người quăng bát xuống trước tiên bao giờ cũng là thằng hộ pháp to cao, lực lưỡng nhất bọn. Nó vỗ vào bụng bộp một cái rồi cười hà hà: Nào bây giờ lên rừng bắt voi cũng được....
Đó là nhằm bữa có chậu cơm đầy, hôm nào lưng lửng nó vuốt bụng thở dài:
Này, tao đã ăn chưa ấy nhỉ?.
Nó là thằng ăn nhanh nhất và mau đói nhất bọn. Bởi vậv nó sốt sắng hưởng ứng ngay câu hỏi của thằng học giả:
Tao ấy à, lúc này mà ngồi ở cửa hàng ăn, chẳng lôi thôi gì sất, tao sục ngay vào bếp, vớ ngay con gà luộc rồi cứ thế là...
Nó xé đôi con gà tưởng tượng rồi đưa lên mồm, trợn mắt lên cứ thế nhai nhồm nhoàm y như một nhà kịch câm đại tài. Tôi hoảng sợ kêu to:
Từ từ, nhai từ từ thôi, nhè xương ra không hóc chết.
Thằng cấp dưỡng vội vã:
Muối tiêu đây, muối tiêu đâỵ.. Mày ăn nhạt thế tổ phí gà...
Lúc này thằng học giả mới lên tiếng:
Chú ng mày đúng là một lũ chó đói. Bụng đang rỗng mà nốc thịt vã vào có mà rách dạ dàỵ Vả lại đã vào đến cửa hàng đặc sản thì mình phải ngồi nghỉ cái đã ở bàn ăn có phủ khăn trắng muốt, rồi thì sẽ có một em mũm mĩm đi tới đưa cho ta cái khăn tẩm nước hoa thơm nức, sau khi cười với ta một cái xinh thật là xinh, em mới đưa cho ta bản thực đơn bọc nylông còn đẹp hơn cả sổ hộ khẩu ấy kia, rồi thì em mới cất giọng thỏ thẻ hỏi thưa ngài dùng gì?...
Nó ngừng lại, đưa mắt nhìn quanh cả bọn đang há mồm nghe.
Ấy đấy cái chỗ này mới là cái chỗ tao hỏi chúng mày.
Rồi nó chỉ tay vào mặt tôi:
Thưa ngài, ngài dùng món gì?
Ái chà, tưởng như là bao nhiêu nước trong người đã ứ đầy cả lên miệng, tôi nghe tiếng dạ dày rên lên mừng rỡ, chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi gọi bừa:
Thịt quay đi, thịt quay dưa chua, củ kiệu
Thằng học giả cười khẩy, quay sang thằng cấp dưỡng:
Còn ngài, thưa ngài, ngài dùng gì?.
Tao ấy à, bê luộc cả con bưng lên đây. Rồi lại phải có tương gừng cho thơm. Đặc sản mà lị.
Đến lượt thằng hộ pháp, nó đã sực hết một con gà luộc, giờ nó gọi món gì đây? Quả thực đối với thằng khổng lồ này, suy nghĩ thật là việc khó, nó có thể gồng tay lôi bật được cả một cây song to bằng cổ tay, có thể vừa khoác balô, vừa cõng cái máy vô tuyến điện của ông toán trưởng phăng phăng leo dốc, nhưng bắt nó phải động não thì thà nó chịu đi bổ củi còn hơn. Nó cứ lắc lư mãi cái đầu, giơ tay gãi gáy mãi rồi toét miệng ra cười:
Đặc sản chó gì cũng không bằng lòng lợn tiết canh. Phải đấy, giờ có bát tiết canh tao chỉ tợp một cái là trôi tuốt luốt vào dạ dày.
Thằng học giả lúc này mới đưa mắt nhìn quanh với cái vẻ thật khinh bỉ. Nó quẳng thêm một cục củi rõ to vào giữa đống lửa rồi mới chịu lên giọng thày đời:
Đúng là bọn mày chưa thằng nào được đặt chân vào hàng đặc sản. Mới món đầu tiên mà đã gọi thịt quay với bê luộc thì nhà hàng nó cười cho vỡ mũi. Này nhé. đầu tiên phải cho cái dạ dày nó khởi động, vậy thì ta chỉ gọi món nhẹ thôi, tỷ như súp lươn, súp cua hoặc là súp bóng cá...
Tôì phải tròn xoe mắt kinh ngạc không hiểu những điều thằng học giả đang thao thao bất tuyệt kể lể tới từng chi tiết nhỏ nhất kia là những điều hắn học được trong sách hay đã được trải qua. Dẫu sao, trong ánh lửa bập bùng và huyền ảo, trong tiếng nổ lục bục của cây nứa bị quẳng vào giữa đống than hồng, tất cả chúng tôi ngồi im phăng phắc há mồm ra nuốt từng lời, cứ như là đang nuốt miếng thịt bò thái mỏng, tẩm rượu vang, lăn qua một lần mỡ sôi, những lườn cá nạc đặt trên bếp lò, ngọt tê đi trên đầu lưỡi vì đã được chín khô không mất đi một giọt nướe... Liệu có một nhà truyền giáo nào hớp được hồn con chiên như thằng học giả đang làm mê mẩn bọn tôi lúc này không? Bữa tiệc do nhà truyền giáo của chúng tôi thết đãi chắc còn thêm mấy món tráng miệng tân kỳ nữa nếu như nó không bị cắt đứt tàn nhẫn bởi tiếng còi chói tai. Bọn tôi quay hết về phía cửa hang, ở đó, ông toán trưởng đang đứng, khoác một chiếc chăn bông to tướng, lừng lững hắt lên vaceh núi một cái bóng đen sì. Tiếng quát của ông lanh lảnh, vang vọng trong hang núi khiến người nghe cảm giác như nó được phát qua một hệ thống loa tăng âm.
Suốt từ chập tối, một mình ông cặm cụi với chiếc máy thu vô tuyến điện, giờ chắc ông đa liên lạc được với ban chỉ huy và sắp sửa ra cho chúng tôi những cái lệnh mới.
Các đồng chí chú ý, từ sáng mai chúng ta sẽ có khẩu hiệu mới thay thế cái tuần trước. Tất cả phải viết lên băng giấy dán trên mũ.
Ông toán trương có ý chờ bọn tôi mở hết cỡ cả đôi con mắt, doãng thật rộng đôi tai, sẵn sàng nuốt từng lời, ông mới hắng giọng đọc to:
Lấy cây làm nhà, lấy lá làm chiếu, lấy sương làm màn... Quyết tâm chiếm lĩnh đỉnh cao phía trước.
Rồi ông giảng cặn kẽ cho chúng tôi nghe như thế nào là đỉnh cao phía trước. Lại cũng giống như lúc thằng học giả diễn tả các món ăn, chúng tôi há mồm ra nghe ông toán trưởng từng lời từng chữ cho tới khi ông yên tâm đã nhồi nhét hết những điều cần thiết vào cái đầu bã đậu của bọn tôi ông mới chịu quay vào góc riêng trong hang hàm ếch. Đống lửa đã cháy vợi đi một nửa mà không ai trong chúng tôi chịu bỏ thêm vào đó một cành củi khô. Sau cùng vẫn là thằng học giả lên tiếng phá vỡ cái không khí im lặng nặng nề sau bài diễn thuyết của ông toán trưởng. Nó nói:
Mẹ kiếp, ở trên đời này có hai cái hành hạ con người ta tệ hại nhất.
Thằng hộ pháp và thằng cấp dưỡng chẳng hề quan tâm tới câu nói sặc mùi triết lý, chúng nó bỏ đi, leo lên võng nằm chỉ có tôi ngồi nán lại với thằng học giả:
Cái đó là cái gì thế?
Cái lỗ mồm, hàng ngày mày không đổ vào đó cho đủ mười bát cơm, thử hỏi mày có khổ không nào?
Thế còn cái gì nữa?
Nó lẳng lặng đứng dậy rồi leo lên võng, vướng phải cái nhìn vật nài của tôì, nó toét miệng ra cười:
Còn cái con cặc... thằng ngu, có thế mà cũng phải hỏi.