Hai mươi tám

Trận mưa đầu mùa đã đổ xuống bất ngờ, đổ hết trong khoảng khắc trắng xóa rừng núi rồi biến mất như đã trốn vào đâu đó để âm thầm tích nước báo hiệu những trận sau còn dữ dội hơn. Tôi ngồi bó gối trong cái lán nhỏ chen chúc cả bốn con người trong cuộc họp để ông toán trưởng long trọng báo tin:
Tôi vừa nhận được điện... Ban chỉ huy đã chính thức giao cho đồng chí Hiếu thay tôi làm toán trưởng. Tôi đã bàn giao xong các tài liệu và bản đồ... Từ nay các đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi phân công của đồng chí toán trưởng mới.
Tôi chưa kịp hết sửng sốt vì việc đó đến quá nhanh, ông đã nói tiếp, giọng buồn buồn:
Lẽ ra chúng ta đã tới được đỉnh Hua Ca rồi, chẳng may tôi bị rắn cắn làm chậm mất cả tuần nay. Từ mai các đồng chí cứ tiếp tục đi, tôi sẽ ở lại đây...
Đề nghị đầy bất ngờ của ông làm tôi choáng váng. Ong nghĩ ngợi sao, lại quyết định một chuyện liều lĩnh thế? Tôi kêu lên:
Không được, bác đang đau yếu, ở lại một mình giữa rừng nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao?
Thằng cấp dưỡng cũng om sòm phản đỗi khiến nó có thể bị ngờ nó ngại đi tuyến chứ không phải lo cho tính mạng ông toán trưởng cũ. Lúc này thằng học giả mới ra mắt trong cơng vị mới. Nó yêu cầu chúng tôi thảo luận việc thực hiện quyết tâm chinh phục đỉnh Hua Ca trước mùa mưa của Ban chỉ huy, những khó khăn và thuận lợi, nghĩa vụ của mỗi người... Bằng cái giọng vừa cố trịnh trọng vừa gằn lại cho oai vệ, nó khoa môi múa mép trong cơn khoái cảm quyền lực cỏn con của nó:
Tôi đã dự tính mọi khả năng, ta cứ vừa đi vừa đo đạc thẳng lên đỉnh Hua Ca, chậm lắm chỉ mất một tuần, tới nơi quay lại ngay. Như vậy không đầy mười ngày ta đã về đây rồi. Tôi đồng ý để bác ấy ở lại nghỉ ngơi chờ anh em.
Tôi nghe thấy tiếng thở dài rất khẽ của ông toán trưởng cũ. Liệu ông có hối hận đã đánh điện cho Ban chỉ huy xin trao quyền cho thằng học giả không? Quyết định một việc quan trọng như thế, chắc chắn ông đã suy nghĩ kỹ và không thể cưỡng được mọi việc diễn ra theo chiều hướng tất cả cho mục tiêu chiếm lĩnh đỉnh Hua Ca. Phải chăng ông đã thấy trước được việc ông sẽ phải ở lại một mình và chấp nhận nó như một tất yếu không sao tránh khỏi? Và bây giờ ông chỉ còn biết thở dài, cáo mệt để nằm xuống, vô tình khẳng định thêm vị trí dư thừa của ông trong cái tập thể do ông tạo dựng và từ nay không những ông chẳng còn chút quyền hành nào mà còn trở thành gánh nặng cho mọi người. Suốt ngày ông cứ nằm đắp chăn kín mít dửng dưng với mọi công việc chuẩn bị cho ngày mai đang tất bật diễn ra quanh ông. Chẳng cần hỏi ý kiến thằng học giả, tôi với thằng cấp dưỡng cứ lẳng lặng chặt gỗ lá để củng cố che chắn cái lán cho khỏi gió lùa và mưa dột, đóng một cái bàn thật cao xếp lên đó gạo nước, thực phẩm để lại cho ông toán trưởng. Buổi chiều khi thằng cấp dưỡng bưng lên bát cháo thịt băm, ông hỏi nó lâu nay có nhận được thư của mẹ không, nếu viết thư, cho ông gửi lời hỏi thăm. Cái thằng cháu họ xa, vốn từ trước đầy ác cảm với ông bác vọt miệng nói rằng kể từ ngày mẹ nó hiểu ra đã trao con cho ông đẩy nó vào cái nghề quanh năm trèo rừng này, bà đã không hé răng hỏi thăm ông lấy nửa câu. Ông toán trưởng cúi mặt xuống bát cháo không dám nhìn đôi mắt đầy giận dữ của thằng cháu mà ông đã hứa hẹn với bà em sẽ bảo ban dậy dỗ nó nên người. Khi thằng cấp dưỡng bưng cái bát xuống bếp, tôi trách nó quá nhẫn tâm, nó trừng mắt:
Đừng chõ vào việc gia đình tao. Mày có là tao đâu mà hiểu được lão ấy.
Tôi thở dài:
Thôi bây giờ ông ấy thất cơ lơ vận rồi, mày chẳng nên thù dai thế........
Đáng kiếp, cứ để ông ấy trắng mắt ra nhìn thằng học giả. Giật được cái chức toán trưởng rồi nó giở mặt liền, chẳng bù cho mấy hôm trước, âu yếm, nâng niu nhau thật quá bố con. Rõ già rồi còn dại.
Chuyện đó tôi không quan tâm, chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, vả lại, theo tôi, mỗi người nhận lĩnh những gì mà họ đã tạo ra. Nỗi băn khoăn của tôi suốt từ sau cuộc họp buổi sáng vẫn phải xoay quanh việc bỏ ông toán trưởng ở lại chơ vơ trong cái lán sơ sài giữa rừng trong thời hạn tuy không lâu nhưng cũng thừa đủ để xảy ra đủ thứ bất trắc. Ông có vẻ mừng rỡ khi tôi lại gần lúc ông lúi húi thu dọn chỗ nằm:
Lại đây, cậu lại đây, tôi cũng dang mong gặp cậu..
Tôi gạt đi câu chuyện thanh minh việc sao không đề nghị Ban chỉ huy đề bạt tôi thay ông mà lại là thằng học giả, tôi chỉ hỏi ông sao liều lĩnh chấp nhận ở lại một mình giữa rừng trong lúc còn đau yếu như thế? Ông nhìn sững tôi mắt chớp chớp:
Đành vậy thôi, khi người ta đã đặt vấn đề đó ra, tôi không thể không chấp nhận được, nhiệm vụ trên hết mà.
Tôi thừa hiểu người ta là ai rồi, nhưng vẫn hỏi lại ông lần nữa:
Bác nghĩ lại đi, nếu sức yếu quá cần có người phục dịch, tôi sẽ yêu cầu toán trưởng hoãn việc đi cả toán ngày mai.
ấy đừng làm thế tôi sẽ mang tiếng vì tôi mà vỡ kế hoạch.
Ông đưa trả tôi chiếc khăn tay bữa trước tôi đã buộc vào chỗ rắn cắn, tôi bỗng nhói lên nghĩ rằng ít rai tôi còn có nàng Sao chờ đợi, còn ông, khi đã đi gần hết con đường, ông có ai?
Tôi tin cậy cậu, nhờ cậu giúp cho việc nà... y....
Ông đưa tôi gói tiền giành giùm được, dặn tôi nếu xảy ra chuyện gì với ông thì gửi tận tay cho người có địa chỉ ông đã ghi sẵn.
Ngày trước cậu hỏi thăm tôi người đó. Cậu thông cảm cho tôi, lúc đó tôi chưa hiểu cậu, tưởng cậu hỏi với dụng ý gì đó. Đã ba năm nay tôi không gặp bà ấy, người đời cứ tưởng tôi đã quên, trời ơi, quên sao được người duy nhất mang tới cho mình hạnh phúc dẫu rằng ngắn ngủi. Mấy đêm nay không đêm nào tôi không nằm mơ thấy bà ấy. Công trường đá nơi hai mẹ con ở heo hút lắm cậu ơi. Một nách con thơ, ngày ngày thổi nấu cho hơn một trăm con người, rồi miệng tiếng người đời, trời ơi, cứ nghĩ tới cuộc sống của bà ấy lòng tôi lại đau như cắt. Bà ấy có giận tôi không? Thằng bé lớn lên có oán trách cha đã bỏ nó ngay lúc lọt lòng không? Sao hồi ấy tôi dại thế, sao hồi ấy tôi không có gan bỏ hết chức quyền để được đùm bọc, được sống với mẹ con nó? Trời có mắt phải không cậu. Chính vì thế tôi sẽ phải chết mất xác ở cái nơi rừng hoang núi vắng này, chết cô độc, chết không có người vuốt mắt, đáng đời lắm, chỉ thương hai mẹ con nhà nó..
Ông khóc nức lên trong bàn tay khô héo, đôi vai gày rung rung theo giọng nói mỗi lúc một thêm mê sảng. Tôi đỡ ông nằm xuống, lấy khăn ứơt lau mặt cho ông và khi ông đã bình tĩnh trở lại, tôi bảo ông đừng nói gở miệng thế, nếu ông cảm thấy có thể chết trong lúc cả toán đã kéo đi thì nhất định tôi sẽ ở lại với ông. Ông xua tay:
Không không, tôi phẫn lên nói vậy thôi, cậu cứ đi đi, thiếu một, người không được, chỉ cần cậu nhớ giúp tôi chuyện đó.
Vẻ tỉnh táo của ông làm tôi hơi yên tâm:
Tôi cầm giúp bác thôi, mười ngày nữa trở về tôi giao lại trả bác thôi...
Ông cười héo hắt:
Cậu cứ cầm giúp tôi, nếu được như cậu nói thì tốt quá.
Ông quay mặt vào trong không cho tôi nói thêm một lời. Tôi đứng bần thần nhìn dáng nằm co quắp và chợt cảm thấy ông muốn dấu tôi chuyện gì đó. Cái máy VTĐ, vật bất ly thân của ông mọi ngày lúc nào cũng vắt vẻo cần ăngten, nay được xếp lại trong hòm sắt đặt dưới gậm giường có vẻ như ông không muốn sờ tới nữa. Vả lại chắc Ban chỉ huy cũng không ra thêm cái lệnh nào sau khi đã nhắc lại nhiệm vụ và bổ nhiệm thằng học giả giữ chức toán trưởng. Bây giờ gần như suốt ngày nó ngồi trước đống sổ sách, tấm bản đồ cái địa bàn giống hệt ông toán trưởng ngày trước. Mới nhận chức vài ngày, má nó hóp lại, mặt tái mét, chỉ có đôi mắt là sáng rực. Tôi thừa hiểu trong đầu nó lúc này chỉ có mỗi cái đỉnh Hua Ca, nhưng tôi cũng cố can nó lần nữa:
Mày không thể chờ được cho ông toán trưởng khoẻ hẳn sao?
Nhưng mùa mưa nó không ehờ.
Nếu ông ấy có mệnh hệ nào mày phải chịu trách nhiệm.
Thằng học giả cười gằn:.
Mục tiêu sẽ biện hộ cho phương pháp. Không ai kỷ luật tao về chuyện đã đặt nhiệm vụ lên trên hết cả.
Tao không ngờ mày thay đổi nhanh đến thế? Mày còn quả tim không?
Nó trừng mắt:
Từ nay mày đừng hỏi tao chuyện đó. Tao hiểu rõ những việc tao làm. Còn mày... muốn nghĩ sao mặc mày nhưng mày phải phục tùng sự phân công của tao.
Hôm sau, trước khi ba đứa khoác ba lô lên đường nó bảo riêng tôi:
Tao đã hỏi gặng ông ấy lần chót rồi. Ông ấy khăng khăng chấp nhận ở lại, anh em cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ...
Tôi quay mặt, bước vào lán nắm lấy tay ông toán trưởng lúc này đã ngồi dậy, mắt đỏ ngầu chắc vì đêm qua mất ngủ:
Thôi đành, bác ở lại, cố giữ sức khỏe, một tuần nữa tôi sẽ quay lại dù tới được đỉnh Hùa Ca hay là không..
Đi đi, cậu đi đi nhớ giúp tôi chuyện đó...
Có lẽ suốt đời không bao giờ tôi quên được cái dáng xiêu vẹo còm cõi của ông đứng vịn cột nhìn theo bọn tôi đi khuất trong rừng cây. Lúc đó đôi mắt ông trở nên hốt hoảng, đau đáu nhìn như cố thu nhận cho hết hình ảnh của cái gia đình ông gây dựng nên đang vuột khỏi ông. Thằng cấp dưỡng đi sau cùng, ngoái nhìn ông lần chót rồi lầm lì bước theo tôi. Nó có vẻ băn khoăn về thái độ cứng rắn của nó với người vừa là thủ trưởng cũ, vừa là bác họ xa nên lúc ngồi nghỉ lại dọc đường, nó hỏi tôi:
ông ấy ở lại một mình thế có sao không mày?
Sao tối qua mày không hỏi chính ông ấy. Tao không biết, tao chỉ biết rõ một điều mình là bọn bất nhân.
Bỗng dưng tôi nổi cáu một cách vô lý. Chuyện đó có gì mà quan trọng hóa đến thế. Trong lúc bọn tôi sẽ vắt sức ra leo trèo, phát cây chạy đua với mùa mưa, ông ấy chỉ việc ăn ngủ, nằm yên một chỗ và chờ đợi, thế thôi, có khó nhọc, nguy hiểm gì đâu? Thằng học giả cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi bằng một tiếng quát:
Thôi, nghỉ thế đủ rồi, tranh thủ đi không hết ngày hết buổi giờ...
Lúc đó ánh nắng trưa gay gắt, dọi thẳng vào tôi, tạo nên cả trăm ngàn cái kim châm đốt trên khắp người, tôi đứng phắt dậy bước tới thộp ngay lấy ngực áo thằng học giả:
Từ nay tao cấm mày giở cái giọng nạt nộ ra với anh em biết chưa.
Những bắp thịt trên gương mặt nó run bần bật, miệng mím chặt, cổ họng căng phồng, nó lặng lẽ đẩy tôi ra, không hé răng nói một lời. Tôi rút chiếc khăn của nàng Sao ra laumặt và hiểu rằng kể từ nay cái mối hận này, vĩnh viễn được khắc sâu trong lòng nó.