Tập I
Chương 5
Kỷ niệm trong tù

Do tôi chống án vào mùa thu 1942 địch chuyển hồ sơ của tôi lên tòa thượng thẩm Hà Nội để xử lại. Khi từ biệt mẹ, tôi nói: Không bao giờ con ở hết 15 năm tù đâu. Mẹ cứ coi như con đi học xa, dăm năm rồi về thôi.
An ủi mẹ, tôi nói vậy nhưng thâm tâm cũng tính toán rằng: hết 15 năm tù, tôi mới 30 tuổi, còn trẻ chán để tiếp tục hoạt động.
Cảnh sống ở Hoả lò đã hút chúng tôi vào cuộc đấu tranh để sống còn. Có đến 70% tù nhân ốm đau. Có đồng chí mất máu nặng, chân tay cứ tím dần đi rồi chết. Trai tráng như tôi mà ngồi xuống đứng lên cũng lảo đảo, mất đổ đom đóm. Cuộc đấu tranh trong nhà tù không thể không có, song quá mới mẻ với lớp trẻ chúng tôi. Tôi vốn có sức khỏe, nhanh nhẹn, lại ham hoạt động. Các đồng chí lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm chú ý bồi dưỡng cho tôi. Đêm đêm, các đồng chí rủ rỉ nói chuyện bày mưu tính kế mọi đường. Cùng với một số anh em còn trụ lại, tôi được giao làm trật tự để lo đối phó mọi mặt. Tâm trí chúng tôi lúc này là suy nghĩ tổ chức đời sống, sẵn sàng đối phó với kẻ địch. Song vẫn thấy xúc động bồi hồi khi nghe tiếng guốc đi về đêm khuya với tiếng rao bánh chưng nóng sáng tinh mơ trong thơ Tố Hữu, nhưng lúc đó tôi xem như đã bước hẳn vào giai đoạn tù. Cuộc chiến đấu trước mắt là bảo vệ đời sống, tổ chức học tập, giữ vững lòng tin.
Thế rồi đoàn đồng chí Đ. (Tức Trần Đăng Ninh) vào, mang theo một không khí sôi sục. Anh nói chuyện Mặt trận Việt Minh, nói khí thế quần chúng đấu tranh. Tôi thấy anh Đ. không coi nhà tù là cái gì cả. Anh để lại trong tôi hình ảnh một chiến sĩ kiên cường bất khuất. Mình bận chiếc áo ngắn tay cùng chiếc quần đùi. Cánh tay bắp chân của anh gân guốc chắc nịch. Anh như quá tù túng khi rảo bước giữa hai cây bàng già cỗi trong sân nhà tù, đầu anh to, tóc cắt ngắn, cằm vuông với mấy sợi râu hung hung chĩa thẳng. Trên cặp môi dày thỉnh thoảng nở nụ cười chua chát cay đắng cho tình thế. Mắt anh hình nhài quạt, vẻ u uất nặng nề. Người anh nhự tạc bằng đá hoa cương, sẵn sàng xông pha bão tố, sẵn sàng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách gian truân. Tư thế ấy, nét mặt ấy, tôi nhớ y nguyên trên đường đi Sơn La và những ngày đày ải tại đó. Anh vẫn thế trong chiến dịch Biên giới sau này.
Với những nét độc đáo, anh Đ đã thành hình tượng hấp dẫn, khuyấy động tâm hồn bọn tôi lúc ấy. Tôi còn được tham dự nhóm anh tổ chức vượt ngục và đã tham gia tích cực vào đó. Kế hoạch là đội lốt một lớp học chính trị với khoảng hai mươi ngày, do anh Đ. phụ trách, thời gian huấn luyện hơn hai mươi ngày, tập hợp vào một phòng nhỏ trong góc nhà tù chính trị. Chúng tôi phải tìm cách đào được một đường hầm để thoát ra ngoài mà địch không biết, đồng đội không hay. Hai mươi con người mới biết nhau, quen nhau từ khi mặc áo tù, những từ lúc tập trnng vào lớp đã gắn bó thành một khối chặt chẽ. Cảm tưởng của chúng tôi là hồi hộp, háo hức như một đoàn quân chuẩn bịt tấn công với tinh thần quyết tâm cao nhất để chọc thủng nền nhà lao Hỏa lò để mở một con đường hầm xuyên móng nhà tù mà ra.
Thực tế đã cho chúng tôi thấy mọi tính toán sai lệch quá xa. Cả nhóm đã họp lại bàn bạc, xem xét mọi mặt và quyết định thôi! Anh Đ cười cười, vỗ vai bọn trẻ chúng tôi, an ủi: Khó thật đấy! Thua keo này bày keo khác. Cần gì! Từ đó lớp học được tiến hành đúng với yêu cầu huấn luyện. Nỗi háo hức được vượt ngục chuyển thành ý chí phấn đấu mới, thầm lặng hơn nhưng vững chắc, sâu sắc hơn bao giờ hết.
Có hôm, tại nhà lao Hỏa lò, anh em vui chuyện cả vào giờ tắt đèn. Tên giám thị xuất hiện và không tiếc lời chửi bới, xúc phạm tù nhân. Là trật tự, tôi liền đứng ra phản đối lại. Hắn lập tức đi báo cáo với cấp trên. Tôi bị giám ngục Tây gọi ngay lên và phạt nằm xà lim một tháng. Vẫn hằn học, hắn xúi bẩy phải cùm tôi cả hai chân. Thế là giữa cái giá rét mùa đông, hai chân đút vào cùm, tôi phải nằm giữa sàn xi-măng không cho chăn chiếu trong hai tuần liền m ay mà còn mang theo được thêm một bộ quần áo tù. Tôi lấy áo trùm kín đầu, còn chiếc quần tôi đắp lên hai ống chân. Có đỡ lạnh chút ít và cũng ngăn được muỗi. Muỗi xà lim vừa nhiều, vừa dữ. Song, đến khoản rệp thì phải chịu bó tay. Đánh hơi lạ, chúng từ khe cùm kéo ra rúc vào mọi nơi mà cắn. Chỉ khi căng tròn như hạt đỗ đen thì mới chịu yên. Tình thế cứ như nằm giữa tổ kiến vàng. Tôi nhớ đến câu chuyện có tù nhân chết vì rệp cắn. Hai ống chân chỗ bị cùm rệp cắn nhiều quá thành sâu quảng không chữa khỏi mà chết. Thực hư ra sao không rõ, nhưng lúc này chỉ còn có cách cắn răng chịu đựng, lũ rệp đang châm chích khắp người.
Các xà lim khác cũng đầy người nhưng đều là thường phạm: có số vì gây gổ đánh nhau, phá quấy gì đó nên bị nhốt. Còn một số thì bị liệt là tù số đỏ nghĩa là đã bị bắt nhiều lần, nguy hiểm, phải giam cấm cố.Lần đầu tiên nằm xà lim, tôi rất bỡ ngỡ, nhưng chỉ có một mình, chả biết hỏi ai. Cơm có anh em nhà bếp mang tới. Còn nước có sẵn cả một gáo, phần để uống, phần dành để làm vệ sinh khi đi đại tiện. Hết thì họ lại đổ vào đầy. Tôi vốn bị lòi dom. Cảnh sống này thì bệnh càng dày vò.
Cả đêm và ngày, hai chân trong cùm, nằm nghĩ miên man đủ thứ chuyện. Nhớ lại chuyện bọn phát xít Đức hại tù chính trị bằng cách nhốt mỗi tù nhân trong từng xà lim mà trần và vách vẽ chi chít các vòng tròn với nhiều màu sặc sỡ. Cảnh tượng đó dần dần làm người tù loạn óc mà phát điên lên. Tôi tự nghĩ mình mà bị như thế thì cũng gay go đây. Nhưng điên thì chưa chắc!
Tôi lắng nghe những tiếng nói vọng tới xem có thể bắt chuyện với ai đó được không. Rồi tôi để ý đến lời nói chuyện của một anh chàng đang ba hoa bốc đồng. Hắn đang bốc phét pha tiếng Tây giả cầy đầy và đắc chí. Các xà lim khác xuýt xoa ra vẻ thán phục cậu này lắm. Tôi nảy ý nghĩ chọc ngang anh chàng ba bị này, cho có chuyện làm quen. Tôi lên tiếng hỏi:
- Này, anh nói tiếng Tây ơi, xà lim số mấy đấy!
- Số 6 đây, thằng nào hỏi gì đấy? 27 à!
- Anh số 6, chào anh, chuyện anh xem ra bố láo lắm. Mà tiếng Tây của anh thì càng bố láo đấy, học đâu ra vậy! Dân ta sẵn tiếng ta, việc gì dặm tiếng Tây giả cầy thế. Nghe chướng tai làm sao!
Có lẽ tôi là người đần tiên đã dám đụng đến uy danh một cõi cho nên hắn ta giẫy lên như đỉa phải vôi:
- ái chà, đ... mẹ thằng nào dám bảo ông là bố láo, giả cầy đấy, thằng nào xưng tên xem thử.....
- Này! vừa vừa thôi. Số 2 đây.
Giọng số 6 hơi dịu:
- Số 2 hả, mới vào hả! Tên gì, tội gì, tội gì đấy? Đâu tới hả!
- Trại D đến đây.
Nói đến trại D là cả nhà tù đều biết là nơi nhốt tù chính trị. Giọng số 6 bỗng trở nên nhẹ nhàng, bắt quen:
- Chính trị à! Thế thì em xin lỗi anh nhé. Đúng anh ở trại D tới à? Sao anh kín tiếng thế, em đâu biết!
Liền đó, các xà lim khác cũng nhao nhao hỏi thăm thật vui vẻ. Thế là tôi đã giao lưu được rồi. Và tai vạ cũng đến liền ngay. Sáng hôm sau số 6 lên tiếng hỏi:
- Anh số 2 ơi, cho chúng em nghe một bài hát của các anh đi. Rồi dạy bọn em với Các xà lim khác đều hưởng ứng lời đề nghị đó. Nó cũng gãi đúng chỗ ngứa của tôi. Tôi bèn lấy giọng hát to bài Tam bình. Đây là bài hát tủ của cán bộ thời đó
Bớ công nông, phất cờ lên
Đồng tâm chiến đấu giết loài sài lang
Theo ngọn cờ Mác Lênin
Phen ni mình quyết ra tay...
Này, hận này là hận sau cùng...
Tay đánh nhịp vào cùm, tôi hát với tất cả sự hăng say của tuổi trẻ. Lời ca vang vang trong xà lim, không khí trở thành nghiêm trang, hùng tráng. Cả dãy xà lim lắng nghe. Nhớ lại những một mặt hừng bừng hưng phấn, những ánh mắt rực sáng trong các cuộc mít tinh trước đây khi tôi hát bài này, tôi hình dung ra các khuôn mặt ở các xà lim lúc này, hẳn họ cũng đang bị lời ca thu hút khích lệ bản thân tôi cũng bốc lên, càng hát càng hăng hơn, say sưa hơn.
Bỗng miếng sắt nhỏ ở cửa xà lim tôi kêu soạch, cùng lúc một bộ mặt hiện ra rồi biến ngay. Tôi cũng kịp nhận ra thằng giám thị. Bíết là sẽ có chuyện chẳng lành, song sự hăng say vẫn nâng tiếng hát bay lên, vời vợi.
ít phút sau, một tên giám thị Tây hùng hổ chạy tới. Chẳng nó chẳng rằng hắn đánh tôi túi bụi bằng dùi cui. Tôi vừa gắng đỡ vừa phản đối lại: Tại sao lại đánh tôi tôi không làm gì mất trật tự. Nó cứ nện liên hồi. Tôi hiểu ra đây cũng là đòn trả thù của tên giám thị Đ. Trận đòn qua. Tôi tính cách đối phó lại. Các xà lim lại tới tấp tiếng hỏi thăm:
- Anh số 2 ơi! Nó đánh anh có đau lắm không,. ì
Đòn tù thù địch, ác liệt thật, song lại không làm người tù sợ. Nhiều anh em sau đó nài nỉ tôi dạy họ hát. Tôi đọc từng câu và họ rì rầm nhẩm lại đến thuộc lòng. Thế là chỉ ít hôm sau, cả xà lim đã thuộc bài hát. Từ đó bài hát đã thành là một sức mạnh của từng người, của cả dãy xà lim. Mấy hôm sau, tự nhiên tôi nổi máu cất tiếng hát, bởi sự thúc bách biểu lộ đồng cảm với anh em tù thường phạm, bởi như để chống lại một cái gì đó. Thằng giám thị Tây lại tới. Lần này, tôi trừng mắt nhìn thẳng vào mặt nó và to: Đả đảo khủng bố, đả đảo đánh đập!. Thật sung sướng cho tôi! từ các xà lim bên cạnh, có tiếng hô hưởng ứng ngay. Tên giám ngục tức giận, giậm chân giậm cẳng, chửi bới ầm ĩ, nhưng không ra đòn. Hắn lúng túng, tránh ánh mắt của tôi, lấm lét nhìn quanh xà lim. Nhác thấy bộ quần áo tù tôi mang theo xếp để đầu sàn, hắn giận giữ vơ lấy và không quên trị tôi: phạt cả tháng cùm hai chân!.
Thế là hình phạt cùm nửa tháng nay kéo dài ra cả tháng. Dẫu sao với tôi cũng là một trận thắng. Anh số 6 thường gọi tôi để hỏi chuyện. Anh em ở các xà lim đã hát bài hát tôi truyền lại. Tôi liền bổ sung tiết mục ngâm thơ. Nhớ được bao nhiêu thơ của Tố Hữu, tôi dã ngâm giới thiệu cả. Tôi đọc và giảng giải kỹ hai bài Tâm tư trong tù và bài Hai đứa bé. Anh em ở dãy xà lim chăm chú nghe và tán thưởng. Còn tên giám thị thì từ đó vẫn tỏ ra hằn học với tôi những khi chúng tôi sinh hoạt, hắn đều lảng tránh như không hay biết. Suốt cả một tháng nằm xà lim cùm hai chân, tôi chỉ được đi tắm và thay quần áo có một lần. Tôi bị đi lỵ nhưng xin thuốc tên giám thị phòng không cho. Sau một tuần đi lỵ người tôi mệt quá, nghĩ chỉ còn cách chữa mẹo. Tôi quyết định nhịn ăn hai ngày liền sau đó chỉ ăn cơm với muối trắng. May sao, thế mà khỏi bệnh! Rồi cả cái tháng chịu hình phạt xà lim, cùm cả hai chân ấy cũng qua di. Với tôi không phải là thời gian vô nghĩa. Dường như lôi vừa khám phá ra một điều mới mẻ chưa hề biết. Đó là tình cảm quý mến, khâm phục của anh em tù thường phạm đối với tù chính trị. Hễ có người hết thời gian nằm xà lim, trước khi đi đều gửi tôi lời cho thân ái. Có tù mới đến thì anh em lại kín đáo giới thiệu với họ: số 2 là lù trại Đ đến... có nhiều bài hát, bài thơ nghe hay lắm! Những điều này làm tôi rất xúc động. Tôi cũng hiểu ra sức mạnh của cách mạng. Những bài hát, những lời thơ cách mạng có sức lay chuyển, thức tỉnh lòng người sâu xa đến vậy. Hôm tên giám thị Đ vào tháo cùm cho tôi, hắn vẫn hằn học đe:
- Cẩn thận! Không chừa thì còn nhiều phen được cùm!
Chẳng bận tâm! Tôi còn mải từ giã các bạn mới của tôi, lòng xốn xang một niềm vui khó tả. Vui vì hết hạn cùm xà lim, được trở về trại D đầy vinh dự với đồng chí mình. Vui vì một tháng tôi có thêm những bạn mới mà tiếng hát lời thơ cách mạng đã gieo mầm mới biết đâu là bước ngoặt cho cuộc đời họ. Trong năm 1942 đó, chúng nó đày chúng tôi lên Sơn La, chuyến đi tổ chức thành đoàn mà chúng tôi gọi là công voa tù. Từ Hỏa Lò chúng dồn tù lên ô tô hàng để đi Hòa Bình. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo việc tuyên truyền, trưng thu của các anh em tất cả khăn mặt màn đỏ tra vào những que ngắn làm cán. Lúc xe chạy qua các phố đông người chúng tôi giương ra làm cờ đỏ, đồng thời hát vang quốc tế ca và các bài hát cách mạng. Mọi người qua đường, sống dọc các phố xe đi qua đều bằng những cử chỉ kín đáo thể hiện với chúng tôi lòng cảm tình. Còn phía chúng tôi thì cố gắng bằng cách nói với nhân dân rằng đây là tù chính trị. Qua phố Khâm Thiên, tôi thấy có một cô gái dáng tiểu thương, mình bận áo tứ thân cứ chạy theo xe chúng tôi. Chị ta gào:
- Anh Diện, anh Diện!
Thì ra người ngồi bên tôi chính là Diện. Anh ta lộ vẻ rất xúc động. Tôi hỏi:
- Ai gọi anh đấy?.
Anh bảo nhỏ:
- Em gái tao, con ông cậu.
Sau này, khi chúng tôi trốn tù ra thì chính anh Diện đưa đến trốn ở nhà ông cậu. Chị này vốn có cảm tình cách mạng nên đã nhận đi liên lạc, bắt mối với anh Lưu đức Hiểu, rồi nhận chỉ thị của anh Hiểu về cho chúng tôi.
áp tải đoàn tù là một thiếu úy người Pháp. Hắn còn rất trẻ, mới từ Pháp sang, vừa hung hăng vừa lộ vẻ lo ngại. Chúng tôi hát, hắn chạy lên chạy xuống quát tháo ầm ĩ. Hắn chạy tới thì đầu hàng lắng lại, nhưng ở cuối hàng giọng hát lại bốc lên cao và cứ thế ngược lại làm hắn tức tối. Từ đầu cầu phao đi vào thị xã Hòa Bình, chúng tôi vẫn hát như thế. Mặt mũi tên thiêú úy non đến thảm hại. Nó nhét đoàn tù vào trường tiểu học. Mỗi phòng học nó nhốt mấy chục người, bắt khép kín cánh cửa kính lại. Các cửa đều có chấn song. Chúng tôi tuyệt thực không ăn đòi hắn để cửa mở cho khỏi bí hơi. Trong chuyến đi này có sẵn hai người đại diện của đoàn tù là ông Đào Năng An và ôn g Bùi Lâm. Ông Đào Năng An tuy có khai báo nhưng vẫn được tín nhiệm giao việc, ông là một nhà trí thức, nói tiếng Pháp rất thành thạo. Ông Bùi Lâm cũng thạo tiếng pháp, từng sống lâu năm ở Pháp nên ông thạo cả tiếng lóng và phát âm như người Pháp.
 
Khi chúng tôi đòi để cửa mở, lúc đầu thằng thiếu úy không chịu. Cả đoàn tuyên bố tuyệt thực. Hai ông đại diện đối thoại với nó, lý lẽ sắc bén, có tình. Sau cùng hắn chịu nhượng bộ, cho mở cửa và giao hẹn:
- Mở cửa thì các anh ăn chứ?
- Đồng ý! - Chúng tôi trả lời.
Vì đấu tranh giằng co lâu, nên trời đã tối, bữa cơm quá muộn. Anh em bụng đều đói. Được tù nhận ăn cơm, tên thiếu úy mừng rỡ, nó hối thúc gánh cơm vào. Gánh cơm năm chục người ăn mà chỉ có năm, bảy cái bát và chừng ấy đôi đũa. Các cấp trật tự liền đứng ra thu xếp số người ăn mỗi lần theo số bát đũa. ăn xong đi rửa sạch sẽ giao cho người được cử tiếp theo. Với cách đó, bữa ăn đã diễn ra trong trật tự, vệ sinh chặt chẽ, không hề chen lấn, lộn xộn. Cái kỷ cương bất ngờ này đã làm cho tên thiếu úy ngạc nhiên thật sự và bọn lính đâm ra nể tù.
Hôm sau cuốc bộ lên đường, chúng tôi vẫn hát, có bài hát bằng tiếng Pháp, lúc hùng dũng, lúc dịu dàng, đến mệt mới thôi. Đám lính tỏ ra thích thú, thấy anh em yên lặng đi, chúng lại nhắc:
- Các anh hát đi cho nó đỡ mệt,
Còn tên thiếu úy thì không lộ vẻ hung hăng nữa. Hắn đi lên đảo xuống cuối đoàn tù, ôn tồn hỏi chuyện. Nó sửng sốt thực sự khi thấy đông tù nhân đã trả lời nó bằng tiếng Pháp, không tồi. Chuyến đi chia thành nhiều chặng nghỉ, cách nhau khoảng 20 - 25km, có chặng dài nhất là 32 km. Đi được hai ba chặng gì đó thì trời tối vừa lúc tới một cái bản. Đoàn ghé lại nghỉ đêm ở đó. Các ông đại diện đã tranh thủ nói chuyện với tên thiếu úy Pháp. Hắn bảo vừa ở Pháp sang, chưa hiểu gì về Việt Nam cũng như về Đông Dương. Hắn thú nhận rằng:
- Nhận nhiệm vụ này, với tôi là việc rất phức tạp. áp tải một lúc hơn 100 người tù chính trị đi hàng trăm cây số, lại qua vùng rừng núi, tôi lo lắm. Tôi phải tỏ ra nghiêm khắc, phải trấn áp mới giữ được kỷ luật, thế mới hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng từ Hỏa Lò lên đến đây, tiếp xúc với các anh tôi thấy hoàn toàn khác với những điều mà tôi đã được căn dặn nhiều lần với nhiều quan chức thuộc địa. Trước hết tôi thấy các anh phần đông có học, có hiểu biết. Đặc biệt là cả đoàn đã tỏ rõ sự tôn trọng kỷ luật. Bữa cơm tối ở Hòa Bình làm tôi suy nghĩ nhiều lầm. Thú thật, trong hoàn cảnh lúc đó, sự lộn xộn, chuyện dành nhau ăn trước, ăn nhiều, tôi nghĩ là điều dĩ nhiên. Thế mà các anh tỏ ra rất văn minh, rất kỷ luật, cứ như một đội quân được rèn luyện kỹ càng. Sau mấy ngày đường tôi càng hiểu các anh. Dù chưa tới nơi, tôi cũng thành thật nói là rất yên tâm và cảm ơn các anh đã giúp tôi hoàn thành trách nhiệm.
Giữa đôi bên như thỏa thuận với nhau cách thức tiếp tục chuyến đi. Tay thiếu úy tỏ ra dễ chịu nhiều. Còn bọn lính thì lộ vẻ nể anh em tù. Lên tới cửa nhà tù Sơn La thì gặp thằng giám ngục Lơ Bông. Hắn đang đứng đó. Người hắn to béo. Trái với cái tên ông tốt bụng hắn là một tên thực dân đúng bản chất, gian ác và tàn bạo. Tên thiếu úy báo cáo chuýến đi, nhiệt thành khen đoàn có kỷ luật, biết giữ trật tự và có học. Chỉ vào tôi, lúc đứng ở đầu đoàn:
- Anh này nói tiếng Pháp tốt lắm, rất tích cực.
Thằng Lơ Bông giật phắt cái dùi cui trong tay người lính đứng cạnh hắn, nện vào đầu tôi và chửi:
- Quân mất dạy! Cu soong!
Nhà tù Sơn La lúc ấy đang nhốt đến năm trăm tù nhân, trong đó tù chính trị kể cả đoàn chúng tôi có đến 300. Các anh Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu... một số đông khác đang bị giam giữ tại đó. Số tù kinh tế chừng 200 bị nhốt riêng, cách biệt với chúng tôi. Lúc đó tù chính trị cũng có hai loại: số đông là cộng sản, một số khác là Quốc dân đảng hoặc Đại Việt, có số gọi là tù Lạng Sơn đưa về. Gọi như thế vì cơ sở của họ ở Lạng Sơn bị vỡ lở, họ bị bắt. Sự phân biệt là ở miếng vải xanh đính ở ngực. Tù cộng sản mang miếng vải hình vuông, còn số còn lại là hình quả trám. Sự phân biệt này quan trọng lắm. Lính tráng cũng như dân chúng đều nể số vuông và tỏ ra thiếu cảm tình với số chéo.
Về việc quản lý nhà tù, đứng đầu là tên giám ngục, có một phụ tá già - tôi nghĩ lão chỉ là quản gia của giám ngục. Tù nhân thường gọi lão là bố già. Lão không có gì đặc sắc, cũng không hiểm ác. Khác với tên giám ngụ Lơ Bông, đúng là một tên thực dân hung ác và hiểm độc. Nó lấy tù lên làm văn thư cho nó. Khi chúng tôi lên thì người làm văn thư đang là anh Đào Đình Luống tức Nguyễn Đức Quỳ quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Sau này cách mạng thành công, anh là thứ trưởng Bộ Văn hóa và đã mất. Anh rất giỏi tiếng pháp và thạo công việc văn thư, được giao giữ sổ sách và sắp đặt công việc ở nhà tù. Cũng nhờ anh, chúng tôi có được những tin tức cần thiết.
Nhà tù ở sát trại lính. Chỉ huy lính là một giám binh hàm quan một, quan hai gì đấy. Thằng giám binh này cũng cùng thằng giám ngục cai quản tù nhân. Còn đội lính khố xanh bên đó chính là lực lượng kiềm chế tù. Vọng gác trại lính trên cao kiểm soát sân nhà tù. Nhất cử nhất động không lọt qua được mắt lính canh. Bên nhà tù có cử một người làm y tá, nói là để giúp việc cho trại, thực chất là để giúp tù nhân. Lúc đó, anh Sao Đỏ đang đảm nhiệm công việc này. Anh Sao Đỏ- tên thật là Nguyễn Lương Bằng, mọi tù nhân đều có cảm tình, tôn xưng anh là anh Sao Đỏ hay anh Cả. Đến những người lớn tuổi hơn, chức trách cao hơn như anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cũng gọi là Anh Cả, với ý nghĩ anh ấy là anh lớn trong tập thể. Từ đó cái tên Anh Cả trở thành bí danh của anh Nguyễn Lương Bằng. Anh trở thành y tá là từ chủ trương của tù nhân chính trị. Anh làm y tá nên có điều kiện huấn luyện cho một số đồng chí để anh em tù chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhau. Việc này không dễ. Học hỏi thì có sách chuyên môn hoặc có ai đó biết nhiều ít thì chỉ vẽ cho anh em khác. Nhưng đến việc thực hành, kể tù tập tiêm thì đáng ngại lắm. Có điều vì thương yêu nhau nên sẵn người tự nguyện đưa cơ thể mình để anh em luyện tập. Anh em đó nghĩ rằng nếu chẳng may mình có bị làm sao thì về sau đồng chí mình cũng tránh được tai họa. Đến đoàn tù chúng tôi lên cũng có tổ chức rèn cặp một số y tá mới. Chính anh Sao Đỏ đã huấn lnyện nhóm tôi và anh Hoàng Minh Chính, là lớp trẻ lúc đó. Chúng tôi cũng đưa đùi, chìa mông ra cho nhau thực hành tiêm thuốc chữa bệnh.
Anh Sao đỏ làm y tá, đã giúp được rất nhiều cho anh em tù vì y tá là có quyền liên hệ với trạm xá khai báo thuốc men, lĩnh thuốc cho anh em. Vì thế anh em cần thuốc gì thì báo với y tá chạy lo chto. Sơn La thời đó, bệnh sốt rét đái ra máu mà bây giờ gọi là sốt rét ác tính, đang hoành hành. đã bị sốt rét ác tính đái ra máu là dễ chết lắm. Nhưng cùng căn bệnh mà ở hai trại lại có hậu quả khác nhau. Nếu như ở bên trại tù, trung bình cứ mười người bệnh mới có một ca tử vong, ngược lại ở bên trại lính tình hình nguy kịch hơn nhiều, có tới chín người chết. Vì sao thế. Khi ngả bệnh sốt rét thì người tù được sự chăm sóc hết sức chu đáo của đồng đội. Ngoài anh Sao Đỏ y tá thì còn có đội Hồng thập tự do anh em lập ra. Và người bệnh được được chăm sóc 24 trên 24 giờ. Thường trực luôn có 4 người trông nom bệnh nhân, xoa bóp người cho đỡ tê mỏi, chăm lo vệ sinh chu đáo bất cứ lúc nào. Chế độ ăn uống cũng được quy định, chia làm ba cấp, cháo, cơm. Sốt 39 độ trở xuống thì gọi cháo đường. Ba ngày ăn như thế bệnh không đỡ thì được hưởng cháo cứu tế, tứ là cháo tim gan ăn với nước mắm thượng hạng. Cháo nầy ăn rất ngon nhưng chẳng ai mong muốn cả. Vì đã đến thế là thập tử nhất sinh rồi! Cơm cũng chia ra các cấp như vậy Cơm cứu tế là để bồi dưỡng cho những ai qua cơn ốm quá nặng để mau lấy lại sức.
Ông Bùi Lâm được giao phụ trách bếp, nấu cơm cứu tế, vì hồi ở pháp ông làm bồi bếp nên nấu ăn rất giỏi. Sau khi lo cho các bệnh nhân ăn uống ngon lành chu đáo phần ông thu dọn nồi chảo nấu. Thứ liếm được ông dùng lưỡi, nếu không ông dùng ngón tay quẹt sạch và đàng hoàng mút ngon lành. Anh em nhìn thấy cười nhạo. Ông thản niên cãi:
- Chúng mày ngu bỏ mẹ. Nói là thức ăn cao cấp thì đây mới thực là thứ cao cấp vì mọi tinh chất thực phẩm đều lắng ở đáy nồi. Sao lại bỏ phí.
Ông Bùi Lâm, mà về sau có thời làm chánh án tòa án tối cao, rồi đi làm đại sứ bên Đức, là người có phong cách sống rất thực tế và cởi mở.
Nhớ lại hồi còn ở Hỏa Lò Hà Nội, một thời kỳ anh em tù nhân phần đông bị lở bìu dái, nó cứ đỏ như quả cà độc dược, sưng tấy. Cho vải quần đụng phải là đau đến dàn dụa nước mắt. Anh em có sáng kiến tháo hết đũng quần đùi làm váy thì có dễ chịu hơn. Riêng ông Bùi Lâm đơn giản, thản nhiên đánh truồng. Ông lại là đại diện tù, chẳng lẽ ra tiếp giám thị, giám ngục mà cứ tồng ngồng như thế, ông bèn dặn chúng tôi
- Hễ chúng tới tìm, thì báo tao hay, để mặc quần làm việc.
Cái bệnh đến kỳ lạ. Anh em nghe ai mách bảo cách nào cũng theo chữa đều không khỏi. Tây cấp thuốc bôi cũng chẳng hiệu quả gì. Hằng trăm con người như thế trông khủng khiếp lắm. Thế rồi một thời gian sau, tự nhiên bệnh lành, cứ như cơn dịch bay qua.
ở Sơn La, chúng tôi còn lập ra một tổ chức lo nội thương và cả ngoại thương. Mấy ông được cử ra phụ trách kinh tế ở nhà tù sau này đều thành cán bộ kinh tế cao cấp của Nhà nước cách mạng, như ông Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân hay như ông Đặng Kim Giang làm Tổng cục Hậu cần quân đội nhân dân, ông Đổng là giám đốc nhà máy xi-măng Hải Phòng. ở nhà tù hoạt động kinh tế chủ yếu là buôn bán. Sự tháo vát, sáng tạo là tìm ra cách buôn bán ở nhà tù. Buổi đầu là bắt mối với các bà buôn có cảm tình với tù chính trị. Có bà thân mật với anh em đến nỗi người ta gán với ông Khuất Trí Tiến, ông Trần Đình Long, đùa là người tình, vì hai ông được giao trách nhiệm tiếp xúc với hai bà. Hai bà này lúc đó cũng chỉ ba, bốn mươi tuổi, là vợ công chức sống dư giả nên còn bắt mắt chán. Họ buôn hàng là: guốc Phi Mã, tức guốc cao gót, đang là thời trang của thiếu nữ Hà Nội, do tù chúng tôi chế tác. Mỗi lần được phái vào rừng lấy củi là chúng tôi chọn gỗ. Khi số đông anh em lao dịch thì số có tay nghề tập trung đẽo guốc. Guốc Phi Mã Sơn La rất ăn khách, làm bao nhiêu đều bán hết. Chúng tôi khai thác nguồn hàng ở các bản quanh trại: mộc nhĩ, nấm hương, mật gấu, mật ong, rừng có gì thành hàng hóa là chúng tôi thu gom gửi bán cho khách Hà Nội. Tiền đó hai bà lại mua hàng theo đơn của chúng tôi đặt như vải vóc, kim chỉ, đồ trang sức, đồ chơi. Chúng tôi kín đáo đưa hàng ra các bản với nhiều phương thức thích hợp: bán lâý tiền ngay, trao đổi hàng cũng có, ký gửi hàng cũng có...
Hàng may đo của chúng tôi rất được tín nhiệm. Các công chức và gia đình họ rất thích đặt chúng tôi may quần áo, kể cả việc đóng bộ đại lễ bằng tít-suy hay nhung vóc đắt tiền. Chúng tôi có thợ may tay nghề cao. Chính anh em từng làm ở các tiệm nổi tiếng ở Hà Thành như Sác Mốt Tràng Tiền. Là tù tất nhiên cái khó khăn chính là không có máy may. Mọi hàng đều khâu tay, nhưng chính điều này là cái giá không tìm được ở bất cứ hiệu may nà o. Cho nên các tay trưng diện lại rất ham có được bộ đồ may ở nhà tù Sơn La. Hàng cắt may kỹ và giá rẻ, giao đúng hạn. Sự tín nhiệm dày lên với năm tháng, đến mức các vị công chức đều thích mời tù thợ tới nhà đo may. Tiền công thu được khá lớn. Những hoạt động kinh tế kiểu trên đây chúng tôi đều nghĩ là ngoại thương tức khách hàng đều là người ngoài nhà tù. Giữa anh em tù cũng dần già phát sinh nhu cầu trao đổi. Ai đó có người nhà gửi cho thứ gì mà không dùng tới, muốn trao đổi, muốn mua bán thì có nội thương chứng kiến và thu phí theo % giá trị hàng hóa. Khi bị đưa đày Sơn La, anh em đã dự kiến cuộc sống sẽ cam go gấp bội so với lúc ở Hỏa Lò (Hà Nội). Anh em đã chủ động nghĩ cách tự cứu là làm kinh tế. Rồi cái khó chẳng bó nổi cái khôn, mà ngược lại càng làm anh em vắt óc tìm ra những nguồn việc mà trước đó chẳng ai nghĩ tới.
Hết sức kỳ công là chúng tôi tổ chức cất được cả rượu bán. Nhớ lại hồi ở Hỏa Lò có chế độ mắm, mè, trâu, đậu. Đấy là thực đơn hai ngày một. Ngày thứ nhất thì sáng ăn cá mắm, chiều cá mè luộc - sang ngày thứ hai: sáng thì thịt trâu luộc, chiền có món đậu phụ luộc. Thực đơn này cứ nối tiếp hết tuần, hết tháng đến hết năm. Ngày chủ nhật đặc cách có món thịt lợn luộc. Thức ăn làm cho tù cho nên không những đơn điệu về món mà còn nghèo nàn về hương vị. Sự chế biến cũng rất là lao tù. Chúng tôi có tranh biếm họa cảnh ăn thịt trâu. Hai tù nhân miệng cắn hai đầu miếng thịt bằng nửa ngón tay còn chân thì đạp vào ngực nhau để thêm sức mà giằng miếng thịt đứt ra làm hai! Còn thịt lợn thì chỉ sợ nó bay biến, phần mỗi người một miếng bằng nửa bao thuốc lá và thái mỏng tanh như tờ giấy. Cá mè luộc thì nửa sống nửa chín, đậu phụ thái ra thì có nhân thạch sùng. Rau muong luộc còn bám đầy trúng cóc, ăn phải là chết. Cơm thì chúng dùng nước vôi để nấu, nước lã pha vào suýt thịt trâu. Nhà bếp đã tiếp tay cho giám ngục hành hạ tù nhân chúng tôi như thế. ăn uống đã vậy, anh em còn bị đau ốm liên miên, ghẻ lở đầy người. Chẳng còn biết trông vào đâu được vì mục đích của tù ngục thực dân là hành hạ tù nhân để khuất phục họ.
Lúc đó tôi làm trật tự, bàn cách cứu tình trạng này bằng cách cải thiện bữa ăn. Chúng tôi thỏa thuận với nhau thực hiện cộng sản trong ăn uống. Ai có người nhà tới thăm nuôi thì tất cả các thứ nhận được đều tập trung, phân phối tùy theo sức khỏe và nhu cầu của từng người, phân phối từ quả chuối đến miếng giò và cả thuốc hút nữa. Kế đến, chúng tôi tổ chức chế biến lại bữa ăn hàng ngày. Cái khó là dụng cụ để nấu nướng. Cơm tù thường được đựng trong thùng gỗ cao 30 phân. Còn thức ăn thì đựng bằng cà mèn sắt tây, hay tôn lá. Ngày đó chưa có cà mèn nhôm. Sau một thời gian chúng tôi đã giấu, lấy được mấy thùng gỗ và ít cà mèn. Cả quần áo thủ được khi nhà, tù phơi ngoài sân. Thế là tích luỹ được nhiên liệu và dụng cụ cần thiết. Cả trại đồng lòng nhịn một bữa không ăn, dồn thêm các thức ăn người nhà thăm nuôi đưa cho, chế biến lại cho ngon miệng và nấu kỹ. Kết quả thật là khả quan. Ai cũng cảm thấy bữa ăn ngon hẳn. Rồi một tuần sau số người đau ốm giảm rõ rệt và mặt ai cũng tươi tỉnh. Nhưng sự yên vui của tù nhân là điều giám ngục phản đối. Việc một số thùng đựng cơm mất hút rồi số cà mèn cũng thu không đủ, chúng đã đi khám và tìm ra mưu kế của chúng tôi. Từ đó chúng tuyên bố cấm và chú ý kiểm tra hơn. Tuy việc nâng chất lượng bữa ăn chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng tác dụng thì lâu bền. Anh em khỏe ra và năng động khắc phục hoàn cảnh. Tôi vốn ham làm báo. Nhân dịp Tết đến, tôi chủ trương ra tờ báo Xuân. Trước hết tôi nhắn ra ngoài gửi cho mấy tập giấy học sinh, mực tàu và bút. Việc này chỉ trại chúng tôi bàn định, thế mà tin lại lọt sang cả bên tù phụ nữ. Có một bà tài hoa xinh gái được nhiều người chú ý, đã gởi thư sang tôi xin tham gia viết báo và đề nghị tờ báo Xuân nhất thiết phải có phần đề tài phụ nữ. Tôi nhớ lại bìa số báo do tôi vẽ. Trong sân nhà tù Hỏa Lò vốn có hai cây bàng lâu năm, đang mùa đông, bàng rụng hết lá, trơ những cành. Tức cảnh này tôi trang trí bìa báo Xuân bằng hai cành bàng không lá bằng mực tàu đen. Chữ xuân bằng mực đỏ nổi bật làm cho bìa rất ấn tượng và bao hàm nhiều ý tứ. Số đó bên, phụ nữ cũng góp máy bài làm tờ báo thêm hấp dẫn, phong phú. Ngoài ra, còn có buổi diễn văn nghệ và tôi cũng thuộc lại diễn viên có hạng về đóng giả phụ nữ. Để làm tóc chúng tôi lấy quần áo gỡ ra thành sợi đem nhuộm hắc ín, khéo nhuộm, khéo chải cũng mượt và quyến rũ lắm. Lúc này đang diễn ra chiến tranh Pháp - Xiêm và thực dân Pháp bắt dân mình phải ra trận. Chúng tôi đã dàn dựng vớ kịch tỏ thái độ phản đối cuộc chiến tranh đó. Phản đối việc bắt dân Việt Nam phải chịu đựng chết chóc. Trại tù là một gian nhà dài chừng hai ba chục mét với hai bệ xi măng và lối đi. Trong trại có bảy mươi tám mươi tù nhân, mỗi người được một chiếc chiếu và một chiếc chăn chiên. Để dựng sân khấu chúng tôi khâu chăn lại, thứ dựng làm cánh gà thứ làm màn. Bố trí một người ngồi trên thành cửa sổ vắt vẻo để kéo màn, vừa canh chừng người nhà lao. Hễ chúng đi tuần thì giật dây bỏ màn xuống. Nhóm bên dưới thu dọn cất ngay. Đạo cụ trang trí sân khấu thì chúng tôi xếp các thùng đựng cơm rồi phủ chăn lên làm bàn, ghế, làm kệ... đủ thứ. Vì biểu diễn ở nhà dài nên chỉ dân nhà dài được xem. Hễ bọn tuần tra đến thì theo sự phân công, mỗi người một tay xóa ngay hiện trường. Còn diễn viên thì lủi vào góc tường nơi đặt thùng xí. Đó là hai cái thùng khá lớn, thừa sức đựng chất thải và ai đi thì cả phòng nhìn thấy. Điền đó cũng tiện cho tôi. Vì là trật tự, tôi phải quản lý bảng danh sách làm vệ sinh thùng. Có quy định như sau, mỗi đêm có nhiều người dùng tới thì theo danh sách mà điều bốn người đi đổ, còn đến chỉ hai người thì sáng hôm sau tự họ phải đưa chiếc thùng đi đổ.
ở Sơn La, hàng ngày người tù ra ngoài nhà tù làm việc. Nếu đi nhặt củi thì sáu người một xe bò. Mỗi xe lấy vài khúc củi chở về là được. Còn việc chẻ củi cho nhà bếp đã có tốp khác. Như thế thì cứ tìm được một cây củi là đủ tiêu chuẩn cho cả tuần lễ. Và chúng tôi có nhiều thì giờ để tìm hiểu dân tình quanh vừng hay đi khai thác hàng. Thường là những anh em thạo tiếng địa phương làm việc này. Dần già, Chúng tôi cũng tích lũy thành quỹ cải thiện đời sống. Ngoài bữa ăn thường ngày, tù chúng tôi còn đặt ra cả chế độ mỗi tuần có tiệc nhỏ. Ngày chủ nhật thì làm phở, bánh cuốn hoặc là cà phê bánh ngọt. Còn hàng tháng có tiệc to đủ măng, miến, mộc nhỉ, có cả giò chả... chẳng thua gì tiệc quê. Phải thừa nhận trong anh em mỗi người đều, có tay nghề của mình, khéo khêu gợi, khéo tổ chức thl họ dễ dàng thay đổi cuộc sống tù đầy. Tôi nhớ có lần cả nhà ba trăm con người cùng chén một bữa thịt chó y như kiểu đặc sản thịt chó nổi tiếng bây giờ. Bữa ăn dùng đến bảy, mười con chó to. Làm sao mà kiếm đủ cho cả trại. Đội nguyên liệu đã đi thăm dò nguồn và ngã giá mua trong dân. Lựa hôm trời lất phất mưa, họ đem áo tơi đi làm như mọi ngày. Lúc trở về cũng lụng thụng áo tơi đẫn ướt và bê bết bùn. Khi qua cổng thành tất có lính khám. Thế mà tốp chạy nguyên liệu vẫn đưa chó qua trót lọt. Thì ra trong số quàng áo mưa các anh em được giao nhiệm vụ đã cột chặt chó vào người rất gọn gàng. Lúc qua cổng họ lại khéo léo sắp xếp thu hút lính chú ý vào các điểm đã bố trí. Thế là cả đàn chó lọt cổng êm thấm, đến nỗi những anh em không được giao trách nhiệm này cũng chẳg hay biết. Cho nên như tới khi thấy lũ chó thì đã sửng sốt thật sự, cứ như từ trên trời rơi xuống. Các thứ gia vị cũng theo chó vào đầy đủ. Việc huy động người làm không khó. Vừa đưa ra lời dạm hỏi:
- Thằng nào làm chó!
Thì đã nhao nhao lên, đến hàng chục người:
- Tao! Để tao! Có tao mới thành nhựa mận!
Và họ thật sự lành nghề. Công việc chế biến thịt món nào ra món ấy, nấu nướng cứ êm ru. Chỉ có mùi thơm tỏa ra ngào ngạt làm ai cũng nhỏ nước giãi. Đó là những tiệc trong nội bộ tù với nhau. Đến bữa tiệc tết anh em mời cả các cai ngục. Có thể thằng quản nó cũng đánh hơi được nhưng nó cứ lờ đi vì bới ra thì chúng tôi cũng sẵn sàng đối phó lại. Cả hai bên đều chưa quên những cuộc đấu tranh gay gắt trong nhà tù. Ngay trước ngày đoàn chúng tôi chuyển lên thì Sơn La vừa trải cuộc đấu tranh có tên gọi là Xếp! đờ lô . Cuộc đấu tranh nổ ra (ngày l3-5-1941) vì tên giám ngục Sơn La rất tàn bạo, khắc nghiệt. Nó cố tình đầy đọa tù nhân về mọi mặt, hòng khuất phục, cứ như để trả thù. Anh em tuyên bố tuyệt thực. Nó đểu cáng hảo: Chúng mày nhịn ăn thì tao cho nhịn uống luôn! Nó nhét cả mấy trăm tù nhân xuống hầm ca-sô. Dưới đó chỉ có chục chiếc xà lim cùng một hành lang hẹp. Mỗi xà lim diện tích không quá hai mét vuông. Khi chúng tôi tới anh em thuật lại rằng, chỉ chen chân đứng, không thể nào ngồi được. Đã vậy nó lại không cung cấp nước. Nóng nực và đói khát cháy họng. May trời mưa, mọi người dơ quần áo ra hứng thấm nước rồi vắt chia nhau hớp một. Ngày bí quá phải uống cả nước tiểu. Gay go thế nên ngày đêm ca-sô sôi sục tiếng đòi hỏi:
- Đ mẹ, Xếp! đờ lô! Xếp! nước uống (Chef, de leau)[3]. Đờ lô đã thành là tiếng gọi của cuộc đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh này không thắng lợi hoàn toàn ngay sau đó, vì cuối cùng không chịu nổi anh em đòi nó phải đưa lên. Nhưng về sau những nguyện vọng của tù nhân từng bước nó đều thỏa mãn. Chúng tôi sau đã được hưởng thành quả của các cuộc đấu tranh trước đó. Đòi đọc báo, nó cấp báo. Đòi tự nấu lấy ăn, nó cũng thỏa thuận. Như thời ở Hỏa Lò, ăn bếp nhà thầu thì khổ không tả nổi. Tù nhân tự nấu lấy còn quản ngục cung cấp thực phẩm, tính tiêu chuẩn theo đầu người rồi nhân lên theo số tù trong ngày. Căn cứ vào đó, nó giao cho tù tổng số ký thịt theo đầu lợn trâu, rau thì lấy theo số ký ở vườn do tù làm, theo mức quy định. Tất nhiên.. anh em đâu chịu bó tay vì vườn tù làm nhiều rau và ngon nhất. Anh em cũng biết cách xoay sở để ăn cho thỏa thích. Sơn La thời đó có mấy loại vườn rau: vườn tù,vườn sứ, vườn trại lính. Mỗi vườn cung cấp theo đối tượng. Còn gạo thì theo đầu người, ngày là sáu lạng hoặc năm lạng rưỡi, tính ra thành thóc, nó bắt các bản quanh vùng nộp. Chúng tôi tổ chức xay giã lấy.. Thóc các bản phần lớn là thóc nếp. Cho nên chúng tôi phải thổi xôi. Chỉ có ngày tiệc lớn mới có dịp được ăn cơm tẻ. Là thóc nếp lại được xay giã nên có số gạo dôi ra, chúng tôi dùng để cất rượu. Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh Xếp! đờ lô anh em chú ý đến sự tích trữ các thứ để đủ sức đương đầu với sự tàn bạo của kẻ thù. Tôi không rõ các ông ấy đã làm như thế nào, nhưng tôi phát hiện lúc tới đã thấy các đầu tường, các góc nhà đều có hiện tượng trữ nước. Đến lúc nấu ra nhiều rượu quá, anh em tìm cách trữ lại cho các ngày lễ, ngày tết bộ phận phụ trách thì tìm cách dấu, còn anh em khác không được phân công thì xem như không hay biết. Hai lần tôi ở trong số liên quan tới công việc cất dấu. Tôi phụ trách nhà xay với mấy cối xay - nếu nay thì cũng là giám đốc nhà xay kia đấy. Tôi nhận thóc với định mức: 10kg thóc ra 7 kg gạo, 100kg thóc làm ra 70kg gạo, nhưng thực tế gạo thường nhiều hơn nên xay giã có dư hơn 5 -7kg, chưa kể khi cân gạo cho mình chẳng tội gì cân đúng, thường cân dôi ra. Cho nên số dư tích lại cà nhiều. Việc khiêng gạo cũng do tù làm, khênh bằng những đòn ống bương to, chắc, dài hai mét, (độ ba gióng, mỗi gióng sáu bảy chục phân). Bên trong chúng tôi thôm hết mắt thế là mỗi ống là một kho trữ gạo. Khi tôi phụ trách nhà xay, ông Bùi Lâm làm thủ kho. Giữa hai bên đã thỏa thuận cách thức lấy cắp gạo ở kho. Khi ông Lârn gọi:
- Độ ơi đem trả tao mấy đòn ống mày mượn hôm trước.
Theo lệnh, tôi mang hết ống sang. Đến hôm sau tôi hét tướng lên:
- Anh Lâm ơi! Cho mượn vài đòn ống đi khênh gạo
- Sang mà lấy!
Ông Lâm hét lại.
Thế là mấy đòn ống tôi giao sang rỗng thì nay vác về đầy gạo, cũng chục cân mỗi ống. Nhờ vậy khi quản ngục vô cớ hạ mức ăn của tù thì chúng tôi vẫn có thể ăn no để giữ sức.
Cuộc sống ở nhà tù của địch là như vậy, là một thứ đấu tranh trực diện ở mọi lĩnh vực, cho nên người cách mạng phải biết tổ chức giỏi và có sự lãnh đạo đúng đắn, kiên định mới hạn chế được sự đầy đọa của kẻ thù. Tôi xin kể lại cái tết nhà tù Sơn La năm 1942 sang 1943 để ta hình dung khả năng tổ chức kỳ lạ ấy. Bản thân tôi trực tiếp tham gia và đã không khỏi lác mắt. Công việc lo Tết giao cho tiểu ban xã hội và vật chất. Và họ đã làm thế nào thì không ai rõ. Nhưng giáp tết thấy hàng tết cứ chuyển về ùn ùn, cứ như đi chợ tết bên ngoài. Tiêu chuẩn đặt mỗi người hai cái bánh chưng, một nửa hay là một phần cân giò, có cả bóng, mực, đậu xanh cùng nhiều thức khác. Suốt ba ngày Tết, bữa nào cũng là tiệc và có đủ rượu ngon. Cả ba trăm con người đều đầy đủ như thế. Ngoài ra còn đem biếu cai ngục và biếu các cơ sở cảm tình. Ba ngày Tết, chế độ ăn uống đã vậy, anh em còn tổ chức nhà tù thành một nơi vui chơi, thu hút lính tráng, cư dân quanh vùng tới: Vui xuân ở đây trở thành hấp dẫn nhất thị xã. Các sòng bài, sòng bạc thu hút mạnh số cai và lính sát phạt nhau. Muốn đánh bạc ở đây thì phải dùng tiền nhà tù, anh em được phép đứng ra đổi cho khách chơi cứ như một ngân hàng vì có chiết khấu. Ban sáng anh đưa 10 đồng ra đổi thì được chừng 8 đồng tiền nhà tù. Có tiền anh có thể đem chơi bài, đánh bạc, ngoài ra có thể mua các thứ hàng ở căn tin như rượu, bánh, mứt. Đến chiều anh muốn đổi tiền nhà tù lấy tiền lưu thông thì tỉ lệ đó ngược lại. Cách này tạo ra một nguồn thu đáng kể. Còn một tiết mục do anh Xuân Thủy phụ trách là mở nhà hàng cô đầu. Và đặc biệt là chú ý đến vai trò tiếp tân để câu khách. Mấy cậu đẹp trai được chọn đóng con gái, tết tóc, má phấn môi son, mình mặc áo dài, chân đóng guốc cao gót, cũng mời chài, chuốc rượu, để chúng sờ soạng, tán tỉnh y như tiếp viên bây giờ. Thế mà cũng có khách ra trò. Có điều thú vị là, có một ông tên là Nguyễn Sinh biết rõ ông Lam là tiếp viên trai giả gái mà cứ mê mẩn. Nguyễn Lam ngồi đâu là tìm cớ sán lại tỉ tê, còn đánh ghen với bất cứ ai ngồi gần Nguyễn Lam. Ông ấy là một nhà thơ, không rõ sau ông làm gì, đi đâu! Bạn ù còn vậy, huống hồ bọn, lính tráng, quan binh càng hám gái, ham vui. Chúng tôi còn tổ chức diễn kịch bằng tiếng pháp để bọn Tây xem.
Nhà tù Sơn La cũng có trại dài khoảng 30 mét. Cách thức như trại dài ở Hỏa Lò. Còn trại hai gian hình vuông rộng vài chục mét và trại ba gian rộng hơn một ít. Mấy ngày Tết, chúng tôi thi nhau trang hoàng trại thật rực rỡ. Trại dài biến thành nhà hát. Tất cả việc đó chỉ làm trong đêm ba mươi tết là phải xong. Công việc lại không dễ.. Tường nhà tù thì phân nửa phía dưới vốn sơn hắc ín, nửa trên lâu ngày không sửa sang quét dọn nên rất bẩn. Thế mà sau một đêm, toàn bộ biến thành mầu hồng chạy chỉ vàng. Trại dài thành nhà hát mang biển tên pháp Palace với hai cành hoa đào giao nhau đóng khung trang trí, những lẵng hoa treo đây đó càng làm cho mặt tiền thên rực rỡ. Không rõ ban tổ chức xoay xở như thế nào mà sân khấn cũng có màn nhung thật sang trọng. Hồi đó tôi ở cùng phòng với anh Nguyễn Lương Bằng. Đó là phòng hai gian, trang trí thì cũng là hoa lá với câu đối Tết. Trọng điểm là làm sao để cho cái chuồng xí trong phòng đỡ chướng mắt người lui tới. Thế là nảy ra sáng kiến sửa lại cửa màn be và treo lên đó cái biển tiêu phòng chỉ rõ mà lại lịch sự nữa. Bên trại tập trung thì cải tạo thành nhà hát cô đầu cùng sòng bạc phục vụ máu đỏ đen của giới quan chức và lính tráng. Nhà hát cô đầu với bốn hoa khôi (trai giả gái) đã làm say đắm hao nhiêu khách tình, đến phải ngạc nhiên. Với tôi từ bé đến lúc ấy chưa bao giờ có cái tết no nê, ngon lành và hấp dẫn đến thế. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng phục sự tháo vát và tài tổ chức của các ông ấy. Cũng có người lừng khừng, nhưng nói chung là hào hứng với sự phân công.
Thời chúng tôi mới lên thì thằng Cút Xô là chánh mật thám, đang làm công sứ Sơn La. Cút xô nổi tiếng một thời là tên diệt cộng và đàn áp tù nhân không run tay. Tiếp nó là thằng Robe trẻ hơn, có vợ người Huế. Mụ này mang em gái theo để trông con cho chúng. Hàng ngày nhà tù phải đưa người sang bổ củi, quét vườn, trồng rau và gánh nước. Chúng bắt cử cả một kíp tù để gánh nước cho các gia đình công chức, giám ngục, chọn tù chính trị làm bồi bếp cho nhà sứ, nhà giám ngục và giám binh. Với công sứ thì một bồi một bếp, còn lại là một tù nhân kiêm làm bồi bếp. Anh Nguyễn Thanh Bình lúc đó làm bồi bếp cho giám ngục rồi giám binh. (Sau này anh làm bộ trưởng bộ thủy lợi). Cứ một ngày lại phải cử bốn tù nhân, đó là những người có thể đảm đương công việc và quan trọng hơn là phải biết tiếng Pháp để giao dịch với chúng, hiểu được điều chúng sai bảo. Mặt mũi cũng cao ráo cho dễ coi. Có lần tôi cũng bị sung vào đội gánh nước, quét vườn cho nhà công sứ. Chẳng hiểu mụ vợ Việt của nó nghĩ thế nào nhưng đã tỏ ra có cảm tình với tù trong lúc chồng nó đi làm vắng. Cô em thì lấy cơm nguội bảo chúng tôi ăn cho đỡ đói. Nó bảo
- Các anh phải chịu đói. Tôi thương lắm!
Tất nhiên chúng tôi khước từ:
- Không! Chúng tôi không ăn. Cơm chúng tôi cũng đủ và tươm tất hơn ấy chứ.
Điều chúng tôi muốn nó hiểu là lòng bất bình. Ngày ấy chúng tôi mới 17 - 18 tuổi sàn sàn như nhau, cô em cũng cùng lứa với chúng tôi (khoảng 15 - 16 tuổi). Điều làm chúng tôi bất bình là nó cứ như là ở lớp người trên cao sang rủ lòng thương kẻ nghèo hèn. Nó cũng biết chúng tôi là thanh niên có học nên cũng có ve ngại, nể nang. ở lứa tuổi chúng tôi thì những chuyện lặt vặt như vậy cũng thành vấn đề để gán ghép chế diễu nhau, là chuyện tếu gây vui của tuổi trẻ. Còn những ông phụ trách điều hành thì nghiêm lắm và cũng chẳng lạ gì cảnh sống nhàn cư. vi bất thiện của giới phụ nữ nhà quan chức. Các ông ấy có cách để khống chế họ và bảo vệ anh em, không bị sai phái, lợi dụng quá giới hạn.
Đại khái cuộc sống ở nhà tù Sơn La là như thế. Cũng c6 một cuộc tuyệt thực cải thiện tình hình sinh hoạt trong tù. Rút kinh nghiệm lần trước, cuộc đấu tranh này ta tỉnh táo đưa ra yêu sách với sự chuẩn bị điều kiện để duy trì sức đấu tranh cho đến thắng lợi. Nguồn nước cầm hơi có dự trữ đủ dùng. Chi bộ còn bố trí môt số tù không tham gia để có thể hỗ trợ. Lần đó anh Xuân Thủy ở khu tập trung, đứng ngoài để lo nước nôi cho anh em, anh còn lo được cả nước đậu xanh, và nước trái cây cho số tuyệt thực.. Vì vậy tôi tham gia nhịn ăn đã năm ngày mà sức khỏe vẫn đảm bảo. Thực tế thì khó chịu nhất là ngày đầu, cái đói cứ muốn bẻ gãy ý chí đấu tranh. Sang ngày thứ hai có dịu đi chút ít nhưng cũng vẫn day dứt, phải gắng quên lãng cái đói đi. Sang ngày thứ ba thì xem như không nhịn nữa, không còn cảm giác đói và cũng chẳg có nhu cầu ãn. Tôi còn mải mê tham gia làm tờ báo đấu tranh với đầy đủ tin tửc sốt dẻo, sáng tác thơ ca thật là say sưa. Hôm cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi. Nó tới tháo cùm, với cảm giác hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường, tôi đứng phắt dậy và bị ngã quỵ ngay. Anh em liền mắng cho:
- Sao ngu vậy. Nằm mấy ngày nhịn đói rồi vùng dậy như vậy, có chết cũng phải.
Thế mới rõ cái cảm giác khoẻ mạnh như thường là ý chí thôi, còn về sinh lực thì đã bị ảnh hưởng nặng lắm.
Sau đó nhà bếp dọn cháo ra. Nhìn thấy cháo, cái đói bị đánh thức, thôi thúc ăn ngay. Tôi vốn có bệnh lòi dom chưa khỏi. Nhận được bát cháo tôi phù phù vài cái và húp đánh soạt gần hết bát. Vừa nuốt xong thì cháo chảy ra hậu môn nguyên xi. Đáng lý tôi phải húp dần và nuốt từ từ thì dạ dày và một mới hấp thụ được.
Thế là đời tù tội của tôi có hai lần tham dự đấu tranh, một lần ở nhà tù Hỏa Lò, tôi ở trong ban chỉ, đạo đấu tranh, chỉ độc cầm hơi bằng nước lá nên rất khó chịu. Còn lần này thì có sự chuẩn bị khá chu đáo nên có nhẹ nhàng hơn những vụ nghe kể ở Kômtum, Côn Đảo, và đem so với cuộc đấu tranh đờ lô ở Sơn La trước đó thì lần này bảo tồn được sức của anh em và đấu tranh đến thắng lợi.