Tập II
Tập II Chương 2
Đại hội năm

Đại hội IV của Đảng diễn ra suôn sẻ, tưng bừng như là một Đại hội mừng công. Những tràng vỗ tay dài như những đợt sóng liên tục vang lên trong hội trường Ba Đình. Hơn 1 nghìn đại biểu từ khắp các địa phương, các chiến trường tụ hội về đây, tay bắt mặt mừng. Những cuộc gặp gỡ cảm động, những vòng tay ôm nhau thân thiết. Nét mặt ai nấy rạng ngời một niềm vui, phơi phới tự hào. Không vui sao được, không tự hào sao được, bởi đây chính là ngày hội của những người chiến thắng. Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: "Dân tộc ta sẽ có vinh dự là một dân tộc nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ" đã được thực hiện. Đây là chiến công chung cả toàn dân tộc nhưng lực lượng tiền phong đi đầu, vừa dẫn đường chỉ lối, vừa xông pha trận mạc chính là những người cộng sản mà tiêu biểu là những đại biểu đang có mặt trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV hôm nay.
Đối với tôi, những ngày đại hội thực sự là những ngày vui Không khí tưng bừng của đại hội, những cuộc gặp gỡ thân tình với bạn bè, đồng chí. Có người từ Điện Biên Phủ nay mới gặp lại tính ra đã hơn 20 nam, có người suốt 16 năm từ Đại hội Đảng lần thứ III. Đặc biệt là các đồng chí ở 321: Lê Trọng Tán, Đàm Quang Trung, Hoàng Cầm... Những tướng lĩnh từng xông pha trăm trận, gặp nhau đông đủ ở đây Đoàn đại biểu Quân đội trong Đại hội với tư thế hiên ngang, quân phục mùa đông thẳng nếp, trên ngực lấp lánh huân chương, tạo nên vẻ đẹp hào hùng cho Đại hội với đầy đủ ý nghĩa là một đại hội của những người chiến thắng.
Trước đại hội, tôi có viết một bài tùy bút với tựa đề: "Sự nghiệp vẻ vang của nhiều thế hệ" nói lên những suy nghĩ của mình trước chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Nhân đang nói về Đại hội IV, tôi muốn trích vào đây một số đoạn Có thể nói đây là những suy nghĩ bước đầu của tôi về thời kỳ mới của dân tộc.
Mùa xuân 1975 đến và qua đi để lại trong lịch sử của Việt Nam và của thế giới một mốc son chói lọi: ở Việt Nam, một thắng lợi trọn vẹn của độc lập, tự do, ở thế giới, một thắng lợi của chính nghĩa và nhân phẩm. Ngày tháng cứ qua đi, nhưng ý nghĩa của thắng lợi mùa xuân 1975 cứ còn vang mãi, vang xa mãi... Những nhiệm vụ mới, tình hình mới, những vấn đề mới cứ đặt ta dồn dập tới tấp, nhưng ý nghĩa của thắng lợi vẫn cứ như ánh sáng lấp lánh, chói lòa ngày càng rực rỡ.
Lịch sử đã sang trang. Từ sau mùa xuân 1975, toàn bộ cuộc sống của mọi người dân Việt Nam đều gặp một sự đảo lộn sung sướng: bỏ lại sau một cuộc sống của tiền phương lớn, hậu phương lớn và bước vào một cuộc sống hòa bình vững chắc trong độc lập, tự do, cả nước sum họp một nhà, giang sơn liền một giải. Đất nước chuyển mình vào một thời kỳ lịch sử mới.
Thời gian cứ qua đi. Có những sự việc đã quên đi, nhưng có những sự việc còn nhắc mãi, càng nhắc, sự việc càng lớn lên mãi. Ta quên đi những hận thù, những đau sót, những khổ nhục. Ta nhắc mãi những chiến công, những đóng góp, những hy sinh và những yêu thương. Thời gian cứ đi, nhưng những cảm xúc, những tình cảm, những suy tư cứ lớn lên mãi, dài mãi ra và dày dặn mãi lên, phong phú mãi lên.
Những giọt nước mắt tức tưởi trước đây chỉ rơi dè dặt dưới bụi dừa nước, trong hầm bí mật, nay nó sẽ rơi trước lăng Bác và long lanh dưới ánh nắng của khoảng trời Ba Đình lồng lộng. Những niềm vui sướng trước đây thường tắc nghẹn ở từng nơi hoặc chỉ bừng nở vội vàng, thì nay có thể tràn ngập khắp không gian đất nước, khắp cả Hà Nội, đồng thời ngập cả Sài Gòn, dạt dào sông Hồng, đồng thời rộn rã khắp Cửu Long...
Những xum họp trước đây ngắn ngủi, bất ngờ hoặc chỉ gián tiếp qua những tờ giấy mỏng, thì nay được hẹn trước, được thể hiện trong những vòng tay, những bông hoa, những kỷ vật, những buổi liên hoan và những cuộc kể lể tâm tình vô tận, nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những dự kiến tương lai.
Bao nhiêu việc cấp bách đã đặt ra: nào công ăn việc làm cho hàng triệu người, nào những hậu quả đau đớn và bẩn thỉu của bọn xâm lược để lại trong mỗi gia đình, mỗi tâm hồn con người, nào cải tạo những nếp sống, những nếp suy nghĩ không phù hợp nữa, nào tổ chức lại mọi việc theo quy mô nhà nước, nào những nhu cầu cấp bách: sách học, cơm ăn, vải mặc, củi đốt, phân bón, giống má nguyên liệu cho những công trình cấp bách...
Nhưng lại còn phải nghĩ các bước đi cho 10 năm, 20 năm, cho 50 năm, cho 100 năm, bước đi của đất nước, của nền kinh tế, của những con người, những thế hệ. Muốn tính được bước đi đó, muốn giữ vững non sông đất nước, lại phải còn xem lại đất nước ta hơn 4000 năm qua ra sao, hơn 100 năm qua thế nào và nhất là hơn 30 năm qua ta đã làm những gì. Những điều đó tiếp tục trong tương lai ra sao? Hình thành trong đầu óc những lớp người hôm nay hai mươi tuổi, mười tuổi và cả những lớp người đến nay chưa ra đời nữa, ra sao? Tài nguyên đất nước có những gì? Trong thế giới hiện nay, đất nước ta đi lên ra sao? Kinh nghiệm nào hay, kinh nghiệm nào dở? Những thất bại và thành công? Phấn khởi, vui mừng, cảm động, náo nức và có những lo nghĩ, suy tư, những bực bội, những sốt ruột, vừa làm mở mang tâm trí, lại vừa quặn thắt nỗi lòng.
Nhưng dù sao một suy nghĩ bao trùm vẫn là một suy nghĩ cho riêng ta, riêng dân tộc ta, riêng giai cấp công nhân cách mạng, cho hiện tại, cho tương lai và cho chung cả nhân dân thế giới: Đó là suy nghĩ về "Sức mạnh Việt Nam", sức mạnh của cách mạng và sức mạnh của phản cách mạng, sức mạnh Việt Nam và sức mạnh đế quốc Mỹ trong thời đại này.
Có một điều cảm tưởng rõ rệt nhất và chung nhất là ta thấy được rõ hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn, sâu sắc hơn cái sức mạnh vật chất, tiền của đế quốc Mỹ, cái thâm độc, xảo quyệt của thực dân kiểu mới với các loại triết lý, học thuyết chống cộng phản động của nó. Nếu ta không phải là người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu và chiến thắng vĩ đại này, thì ắt là ta phải lóe mắt, ngợp đầu về những sức mạnh "không tưởng tượng được" của nền văn minh kỹ thuật của Hoa Kỳ, sẽ rùng mình kinh sợ trước những cái xảo quyệt, tàn bạo, và rồi tự hỏi "Làm thế nào để có thể sống sót, để có thể chống nổi những cái đó", chứ chưa kể đến đánh bại nó. Chính những bọn tay sai của Mỹ đã thật sự tin tưởng vào sức mạnh đó, chúng không giải thích nổi tại sao chúng lại thua và không giải thích nổi cái số phận "đuôi chó" của chúng. Rất nhiều người có lương tri sống trong những vùng địch chiếm và hoặc ở nơi này, nơi khác của thế giới đều chứng tỏ ra đồng tình với mục đích chiến đấu của chúng ta, cảm phục cuộc chiến đấu của ta, nhưng cũng đã từng "không tưởng tượng nổi" thắng lợi cuối cùng của ta. Thậm chí, có những người biết rõ Mỹ xâm lược và theo Mỹ là tay sai, là việt gian, nhưng cũng tự nhủ rằng: Mỹ nó mạnh thế, không thể không theo Mỹ và rồi tự an ủi bằng câu "gặp thời thế, thế thời phải thế với một tinh thần tiêu cực hoặc với một tiếng thở dài, xuôi tay cho "thế sự và "sức mạnh Hoa Kỳ".
Thế đấy! Thế mà ngày nay cả 50 triệu người của cả dân tộc ta đang vượt lên trên những hình bóng của thứ sức mạnh ghê gớm ấy, đang ca hát, đang khôi phục, đang xây dựng, nhân dân lao động đã vào cái gọi là dinh Độc lập, để tận mắt xem bọn tay sai sống trên nhung lụa như thế nào? Trẻ em nhảy nhót trên những xác xe tăng gục đổ, la hét và đùa vui. Cả dân tộc ta vụt đứng lên y hệt như một người có phép thần và đã khuất phục được một loài quỷ khát máu và tàn bạo mà mọi người không ai không kinh sợ. Không những thế, ta còn đem cái thân xác thất bại của loài quỷ đó phơi bày cho cả thiên hạ xem. Và những người trung thực bỗng thấy thêm lòng can đảm, thêm niềm tin nụ cười hướng đến tương lai để gạt bỏ những sự hù đọa của bọn hung nô của thời đại.
Quả thật, kẻ địch của ta đã có một sức mạnh ghê gớm. Nhưng nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam lại có sức mạnh lớn lao hơn, kỳ diệu hơn và đã thắng chúng một cách vẻ vang trọn vẹn, dứt khoát rõ rệt. Chúng cũng không thể cãi bài bây mà xí xóa thất bại của chúng được. Kể ra khó mà nói là kẻ địch yếu. Chúng có một loại sức mạnh của chúng. Nhưng Việt Nam lại có một loại sức mạnh của Việt Nam. Và, sức mạnh Việt Nam thắng sức mạnh của đế quốc Mỹ. Vậy sức mạnh Việt Nam phải cao siêu hơn, kỳ diệu hơn: đó là sức mạnh cách mạng, sức mạnh của thời đại, sức mạnh của chủ nghĩa Mác Lênin, sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, của tinh thần đoàn kết sâu sắc. Sức mạnh đó biểu hiện tập trung vào sự lãnh đạo tài tình và niềm tin sâu sắc mạnh mẽ. Sức mạnh đó được tích lũy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong những ngày hội của non sông, trên khắp nẻo đường của đất nước, trong các phòng họp, trên các công trường, đồng ruộng... Chúng ta đã gặp bao nhiêu gương mặt khác nhau. Có những gương mặt của niềm hân hoan trọn vẹn: Thắng lợi, sum họp, chung thủy, có những gương mặt của niềm vui chung và nỗi đau riêng.
Ta hãy đi tìm những gương mặt của nhiều thế hệ. Đây là những gương mặt của các đồng chí của "thời dựng Đảng" những người học trò và đồng chí đầu tiên của Bác Hồ. Hiện nay, đó là những gương mặt của các đồng chí lãnh đạo tuổi đã suýt soát bảy mươi. Những cụ già khác vào tuổi đó đều đã trải qua dưới nhiều chế độ áp bức và khủng bố, ngày nay được nhìn thấy độc lập, tự do, trông thấy con cháu đều thật sự "đã nên người" có kiến thức, có việc làm, biết tự hào, thì các cụ vẫn tự nhủ lòng "bây giờ nhắm mắt cũng yên tâm, vui lòng, hả dạ". Nhưng còn các đồng chí lãnh đạo của chúng ta thì ba bốn chục năm tranh đấu đã qua lại chỉ chứa chất thêm trong đầu bao nhiêu dự tính ngày càng phong phú, càng tha thiết cho những năm sấp tới Những dự tính đầy ứ và nóng bỏng, mà sức lực không còn như xưa, thời gian để thực hiện những dự tính thì còn quá ngắn. Phấn khởi và tự hào về thắng lợi càng dạt dào, tin tưởng vào tương lai càng vững chắc, thì những lo âu về vạch ra những dự tính, tìm những phương pháp và những con người đủ khả năng và tin cậy để thực hiện các dự tính đó lại càng nặng trĩu, càng gay gắt và càng sôi bỏng. Những gì các đồng chí đã cảm thụ và nhận thức được trong gông cùm, trong máu lửa vẫn cứ như những giọt thép chảy đốt cháy tâm can. Những người kế thừa cảm thụ nhận thức ra sao đây? những chân lý đơn giản: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa, đạo đức "Mình vì mọi người, mọi người vì mình", "đoàn kết là sức mạnh", lại cũng là những chân lý vĩ đại. Nói đơn giản vì ai cũng nói được. Nhưng nó vĩ đại bởi vì muốn thực sự nhận thức được nó và toàn tâm thực hiện nó, lại phải có phẩm chất, nghị lực phi thường.
Lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc đã được 50 năm qua làm cho rạng rỡ như bây giờ. Nhưng không phải và không thể cứ sống như bây giờ: hằng năm, vẫn còn những ngày tháng giáp hạt thiếu ăn, nhà ở của nhân dân còn thiếu thốn, chật chội, còn có chỗ tối tăm, bữa ăn chưa đủ định lượng, chưa ngon, đa số trẻ em còn chưa có chỗ học đàng hoàng và chỗ chơi tử tế, trong cuộc sống người ta còn ganh tỵ, hách dịch, việc làm còn trì trệ, thậm chí còn có người ăn cắp, hối lộ,. trốn việc, có người trù móc nhau, lừa lọc, tranh giành, bất mãn... nhìn rộng ra thì cả thế giới cũng đang tiến lên những con đường phong phú và phức tạp Xã hội chủ nghĩa trở thành một xu thế của lịch sử, đồng thời là ước mơ, khát vọng của loài người. Nhưng con đường đi lên xã hội chủ nghĩa lại không thể không trải qua những bước đi khác nhau: nhanh hay chậm, thành công hay thất bại, thậm chí cả việc vừa xã hội chủ nghĩa vừa lại là không phải xã hội chủ nghĩa, hoặc xã hội chủ nghĩa thật, cũng có xã hội chủ nghĩa giả. Kẻ thù của xã hội chủ nghĩa ra sức xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, chê bai, khoét sâu khuyết, nhược điểm, lợi dụng mâu thuẫn "Đâm bị thóc, chọc bị gạo" luôn tìm sơ hở để phản kích ác liệt.
Bác Hồ nói: "Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Ngày nay, non nước ta đã được giữ vững, ta lại phải nhớ câu Bác Hồ dặn lại trước lúc Bác đi xa: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!" và "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".
Lớp trẻ ta, bây giờ bắt đầu phải bảo nhau: Bác Hồ và các Bác đi trước đã có công giữ nước, nay chúng ta phải cùng nhau dựng nước to đẹp hơn mười lần xưa để Bác được vui lòng. Bác Hồ vẫn yên nghỉ nơi quảng trường Ba Đình theo dõi các bước đi của con cháu.
Chúng ta phải cùng nhau, nghĩa là phải là một khối đoàn kết nhất trí góp sức mỗi người một phần, cái phần đó mỗi người ta cố gắng cho nó được nhiều, được to, dù rằng so với lịch sử từ trước đến nay cũng như so với không gian của Tổ quốc, chỉ là phần rất nhỏ bé. Nhưng, chúng ta phải cùng nhau?
Trong sự quan hệ cùng nhau của nhiều thế hệ này, không khỏi không nảy sinh những mâu thuẫn. Những ưu tư và kinh nghiệm và những mong ước sâu xa của những lớp người đi trước, thì lớp đi sau cũng khó mà hiểu được cho hết ngay một lúc, còn những ước mơ táo bạo, những kiến thức mới mẻ, những sức lực dồi dào và những mong muốn phong phú của lớp người đi sau, thì lớp người đi trước cũng không thể nào hiểu hết được và cũng không thể nào hiểu được sâu sắc.
Nhưng đã là quan hệ cùng nhau thì chỉ có quyền cùng nhau bổ sung, cùng nhau bồi đắp cho nhau, chứ tuyệt nhiên không có sự chê bai và phủ nhận.
Ta thường nghe những dư luận:
- Đảng lãnh đạo chiến tranh giỏi, lãnh đạo kinh tế, văn hóa không giỏi.
Đảng lãnh đạo chính trị giỏi, chứ lãnh đạo khoa học kỹ thuật, chuyên môn không giỏi.
Phải trên một chân lý hiển nhiên là có Đảng lãnh đạo mới có nền kinh tế và văn hóa như ngày nay. Có Đảng lãnh đạo nước ta mới có một trình độ khoa học và kỹ thuật như ngày nay. Và trên cơ sở chân lý đó, có những yêu cầu nâng cao sức lãnh đạo của Đảng về các mặt kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật thì tạm coi là một ý kiến tích cực. Nhưng, từ những ý kiến đó mà đi tới một sự chê bai, châm chọc, thậm chí phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng thì là những ý kiến phản động mà kẻ thù của ta mong muốn gợi lên.
"Những luận điệu cứ muốn gạt bỏ những người già (mà thực tế không thể gạt được) là một luận điệu sai lầm. Nhưng những luận điệu cứ cho là trẻ con, non nớt, chưa làm được việc thì cũng quá cũ kỹ và trì trệ. Trong cuộc sống luôn có lớp người trẻ, lớp người già, có lớp người đi sau, lớp người đi trước. Và điều đó cứ làm bản thân tôi luôn luôn suy nghĩ. Đó cũng vì tôi thuộc loại người vừa đi trước vừa đi sau, già thì chưa quá già, mà trẻ thì cũng không còn trẻ nữa. Đã từ lâu không có cái thú làm cha, mà cũng đã từ lâu đã có cái thú làm ông. Các anh lớn gặp tôi thì nói "mày còn trẻ lắm" nhưng các thanh niên gặp tôi đã từ lâu, không gọi là chú nữa mà kêu là thưa bác, cả chung quanh họ hàng tôi đã là một đội ngũ cháu gọi bằng ông không đếm xuể nữa. Các cháu nhỏ nhìn tôi bằng con mắt tò mò như muốn tìm những gì thần bí cổ xưa trong các câu chuyện xảy ra từ lúc chúng chưa ra đời. Nhiều chuyện chúng nó nghe mà không hiểu. Cũng có nhiều chuyện các cháu làm bây giờ tôi cũng cứ băn khoăn "Không hiểu tại sao nó làm thế?"
Lớp người lớn tuổi đi trước thì nhìn vào cơ đồ sự nghiệp của nước nhà gây dựng được đến ngày nay, thấy ở đó biết bao xương máu, bao đắng cay, bao tâm huyết của bao nhiêu lớp người... mà tâm tư suy nghĩ không biết rằng những người kế thừa có tiếp tục phát triển được sự nghiệp như ý Bác Hồ mong muốn, xứng đáng với những vinh dự, vẻ vang đã đạt được hay không?
Lớp người mới lớn lên, có hoài bão có chí khí nhìn vào những cục diện lớn thì hoặc thiếu tự tin ở kinh nghiệm tài năng của mình, hoặc quá tự tin vào kiến thức và sức bật mạnh mẽ của mình mà tâm tư lo ngoại những "ông già" ngày càng chậm chạp, bảo thủ, không đưa được đất nước bay bổng trên những đôi cánh ước mơ vĩ đại.
Thường thường những người trẻ tuổi ít tự tin ở tài năng và kinh nghiệm quán xuyến toàn diện, nhưng lại nhiều tự tin vào lãnh vực cụ thể mà mình được học tập, nghiên cứu và hoạt động. Và trong mỗi lĩnh vực, những người trẻ tuổi đều có cảm giác bức bối chật hẹp chưa thỏa được lòng vùng vẫy: chật hẹp về đời sống, chật hẹp về điều kiện làm việc, chật hẹp về sự chỉ đạo cụ thể, vướng víu trong các mối quan hệ hiệp đồng... Vì vậy một tâm trạng chờ mong ao ước ở sự lãnh đạo chung, có được những bí quyết thần tình gì, hoặc có một cái gì mới mẻ hơn, gỡ được nhiều gút mắc vướng víu để tất cả được thoải mái vùng vẫy bay xa.
Không thể lấy những ngày tuổi trẻ của những năm cách đây 20 - 30 năm để hiểu được những ngày tuổi trẻ hiện nay, nhưng những người lớn tuổi lại có thể đo kinh nghiệm dày dạn của mình, hiểu được những tác động khác nhau đến tuổi trẻ, mà bản thân tuổi trẻ ngày nay khó nhận ra. Tuổi trẻ ngày nay đang lớn lên trong một hoàn cảnh lịch sử rất phong phú mà cũng rất phức tạp.
Tuổi trẻ nước ta sinh ra trong một nước mà nền sản xuất còn thấp, kinh tế còn nghèo, nhưng lại được tiếp thu những kiến thức khoa học rộng rãi, thật mới mẻ, được tiếp xúc hằng ngày với bao nhiêu lý thuyết khoa học thật và giả, bao nhiêu quan hệ rối rắm mới lạ. Đời sống vật chất và những điều kiện và đời sống tinh thần trước mắt không phù hợp chút nào với những kiến thức và những nhu cầu ngày càng cao càng nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần, và cả những quan hệ ngày càng nhiều nội dung tế nhị và phong phú. Vì vậy trong các loại tâm tư, có cả những tâm tư về đời sống, về điều kiện làm việc và về quan hệ xã hội. Nhưng tất cả các loại tâm tư thì lại đều nhân danh lý tưởng, nhân danh sự nghiệp, cho nên nhiều khi những tâm tư đó cũng mâu thuẫn đối chọi nhau, vướng mắc nhau, không thoát ra được.
Ngay cả trong những lớp người lớn tuổi nhưng tâm tư cũng đủ loại, đủ kiểu như vậy. Những yếu tố tiêu cực như nấm độc cứ len lõi khắp nơi. Chỉ những chỗ nào, lúc nào ánh sáng của lý tưởng, của sự nghiệp chân chính chiếu rọi vào thì mới hạn chế được những nấm độc chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, của những thói tự cao tự đại và bảo thủ lạc hậu -ánh sáng đó là mặt trời, mặt trời chân lý, mặt trời của lý tưởng, của sự nghiệp. Dù sao nó cũng cứ vằng vặc sáng soi khắp chỗ, dù sao cũng có đội ngũ những con người chân chính giương cao, mây mù che lấp nó chỉ là những đám mây tạm thời giao động, không bền vững, luôn luôn bị ánh sáng chói lọi xé tan ra và những làn gió đấu tranh quét sạch đi, mây mù tan ra rồi lại tụ lại, bị gió quét đi rồi lại bay quẩn. Nhưng nó cũng chỉ là những đám mây, và mặt trời vẫn cứ là mặt trời".
Trong Đại Hội IV hầu như ai cũng thấy rõ một nỗi buồn vắng Bác, nhất là những đồng chí có mặt từ đại hội III. Dạo đó Bác đã 70 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Bác ngồi ghế Chủ tịch đoàn, một bên là đồng chí Trường Chinh, một bên là đồng chí Lê Duẩn. Trong không khí tưng bừng của Đại hội IV hôm nay, tôi càng nhớ một đoạn trong diễn văn khai mạc Đại hội III của Bác:
"Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mờ đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ". Và Bác nhấn mạnh:
"Tất cả những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thê đồng bào trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào."
Rất tiếc là người ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu hết ý nghĩa những lời nói quan trọng có chủ ý giáo dục đó của Bác. Chính vì vậy, mà sau này có người nói không khí của đại hội 4 là không khí say sưa chứa đầy những chất men chiến thắng, ý nghĩ cho mình là những người "Khai quốc công thần" bộc lộ khá rõ ở một số người và tác hại của ý nghĩ ấy rất lớn ở vào những năm sau đó. Mặt khác, sự say sưa chiến thắng đã làm cho một số người nào đó vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt mang vào đại hội tinh thần tự mãn, duy ý chí và phải đúng mười năm sau, đến Đại hội VI mới bắt đầu khắc phục được. Bản thân tôi cũng chịu một phần trách nhiệm đó. Rất tiếc là không còn Bác cho đến hôm nay. Nếu còn thì trong Đại hội này, Bác lại sẽ nói: "Đây chỉ là thắng lợi bước đầu... như sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954. Sau này khi đi chúc của Bác được công bố toàn văn, chúng ta mới biết, Bác đã dặn dò rất kỹ những công việc phải làm sau chiến tranh:
"Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man."
Và Bác nhắc nhở dặn dò:
"Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm." Thực là những lời Bác dạy sáng suốt biết bao, nếu không nói đó là một nhà tiên tri vĩ đại. Trong đi chúc Bác còn dặn một điều cực kỳ quan trọng:
"Theo ý tôi việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng".
Tại Đại hội IV, tôi trúng cử ủy viên Trung ương. Lúc này tôi bước vào tuổi 53. Như người ta nói: "49 chưa qua, 53 đã tới" lẽ ra là năm hạn, nhưng tôi đã thấy có điều gì không xảy ra trong cuộc sống của mình. Cũng như cả cuộc đời tôi, từ năm 17 tuổi tham gia hoạt động cách mạng cho đến nay nói chung là suôn sẻ, thuận lợi. Có bị bắt vào tù, bị tra tấn dã man, nhưng đã dũng cảm vượt qua, chiến thắng trở về đội ngũ. Cuộc đời tôi hơn 35 năm qua là những năm tháng đẹp đẽ, thật sự đáng tự hào: 18 tuổi vào Đảng, 19 tuổi đã là tỉnh ủy viên dự khuyết Thái Bình, 23 tuổi là Chính ủy Mặt trận Hà Nội, 27 tuổi là Chính ủy Đại đoàn, 32 tuổi là Chính ủy quân khu, 35 tuổi dược phong hàm Thiếu tướng. Như vậy là vào quân đội, tôi không qua binh nhất, binh nhì, không qua cấp úy, cấp tá mà khi Quân đội có chế độ quân hàm năm 1958, tôi được nhận ngay quân hàm tướng.
Sau Đại hội IV, tôi chính thức được chuyển ngành sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, phụ trách bí thư Ban cán sự đồng thời kiêm nhiệm chức phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Đây chủ yếu là do nguyện vọng của tôi. Còn một số đồng chí quen thân thì thành thật khuyên tôi nên ở lại tiếp tục phục vụ trong Quân đội. Nhưng cái duyên nợ với văn hóa văn nghệ đã lôi kéo tôi vào con đường mà sau này tôi mới nhận ra lắm chông gai.
Những ngày đầu mới ra cơ quan dân sự tôi cảm thấy thật bỡ ngỡ. Đặc biệt là đi đến đâu cũng nghe nói đến những hiện tượng tiêu cực, nào là lên án nhau, nặng lời với nhau, rồi thì hiện tượng bè phái, ê kíp... nghe nó lạ tai lắm. Lúc đầu tôi không tin đó là sự thật, bởi làm sao cùng làm cách mạng, cùng đồng chí với nhau, lại có thể xảy ra những chuyện như thế. Nhưng đến khi chuẩn bị cho đại hội V thì những điều ấy đã bộc lộ một cách rõ ràng ngay trước mắt tôi mà thể hiện tập trung nhất là vấn đề nhân sự
Lúc bấy giờ vào cuối năm 1981, Ban văn hóa văn nghệ Trung ương vừa thành lập, tôi được bổ nhiệm làm trưởng ban, trong lúc vẫn là Bí thư ban cán sự kiêm Thứ trưởng bộ văn hóa.
Từ lâu rồi, có lẽ từ khi sinh ra chủ nghĩa xã hội, cứ mỗi lần đại hội Đảng cầm quyền là mỗi lần vấn đề nhân sự lại nổi lên hàng đầu. Đây là dịp để sắp xếp lại bộ máy trên tất cả các ngành, các cấp, các địa phương.
Riêng về lĩnh vực Văn hóa - Văn nghệ thì ngay từ đầu tôi đã được ban tổ chức Trung ương mời sang trao đổi về việc sắp xếp ở Bộ Văn hóa, ở Ban Văn hóa văn nghệ, ở các hội văn học nghệ thuật. Ngoài ra, Ban văn hóa văn nghệ còn góp người cùng các Ban khác, dưới sự điều hành của Ban tổ chức Trung ương làm nhiệm vụ thẩm tra các vụ việc dính líu đến các Trung ương ủy viên hoặc những đồng chí dự kiến sẽ vào Trung ương khóa V.
Trước hội nghị Trung ương chính thức bàn về nhân sự, anh Nguyễn Đức Tâm có nói riêng với tôi là khối văn hóa văn nghệ, vấn đề nhân sự không có gì thay đổi. Tôi cũng tin là như thế. Vì tôi mới nhận nhiệm vụ Trưởng ban văn hóa văn nghệ chưa được một năm đang còn triển khai ổn định tố chức, biên soạn chức danh. Nguyễn Đức Tâm là bạn cùng thời học sinh với tôi hồi nhỏ, rất biết tôi mê văn học từ ngày còn trên ghế nhà trường, bây giờ ở cương vị Phó ban Tổ chức Trung ương nói như thế nên tôi rất tin. Vả lại, hồi đó, tôi vừa đi học một lớp nghiên cứu về văn hóa văn nghệ ở Liên xô về nên đang tập trung thời gian vào việc triển khai những điều thu hoạch được mà sau này nó là một trong những tiền đề của Nghị Quyết 05. Do đó, vấn đề nhân sự đối với tôi, đối với ban văn hóa văn nghệ, đối với Bộ văn hóa, tôi cứ nghĩ không có vấn đề gì.
Thế mà một hôm, đang ngồi làm việc thì tôi nhận được giấy mời họp của Tiểu ban nhân sự Đại hội 5. Địa điểm: 4 Nguyễn Cảnh Chân. Tôi tự hỏi: "Quái! Không biết còn vấn đề gì nữa?" Tôi có trao đổi với một số đồng chí xung quanh thì có đồng chí nói ngay: Sao anh đơn giản thế. Những việc làm vừa qua chỉ là những động tác thăm dò, còn bây giờ mới thực sự đi vào "giai đoạn quyết đấu, anh phải suy nghĩ thật kỹ, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống.
Thế là tôi lần lượt điểm lại những sự việc đã diễn ra vừa qua. Nổi lên là hình ảnh một người có tên Chú, cán bộ của Ban tổ chức Trung ương, phụ trách khu vực Văn hóa văn nghệ, có chân trong bộ phận giúp việc Ban nhân sự đại hội.
Đúng là thời gian qua, đồng chí này có đến làm việc với tôi nhiều lần trong đó có việc phải hoàn thành một bản nhận xét về tôi để trình bày ban nhân sự Đại hội. Mà không chỉ riêng tôi, nhiệm vụ của đồng chí này còn phải làm bản nhận xét đối với từng đồng chí trong ban lãnh đạo Bộ Văn Hóa như Nguyễn Văn Hiếu, Hà Xuân Trường, Nông Quốc Chấn... và một số đồng chí thứ trưởng khác. Riêng về tôi, trong quá trình làm việc, quan hệ giữa tôi và đồng chí Chú đã đến chỗ thân tình, đôi khi đến mức rủ rỉ với nhau như là tâm sự. Tôi không chủ quan khi nói rằng, đồng chí Chú rất mến và quý tôi. Nhưng quá trình đi tìm hiểu dư luận về tôi thì lại có ý kiến không giống như sự hiểu biết của đồng chí ấy về tôi. Do đó tôi cảm thấy đồng chí Chú có nhiều băn khoăn khi phải làm bản nhận xét về tôi.
Biết vậy tôi nói với đồng chí Chú: Anh cứ khách quan mà làm theo chức trách của mình, dư luận xung quanh thế nào về tôi anh cứ phản ánh với cấp trên đúng như thế. Không hiểu đối với những người khác, đồng chí Chú làm thế nào còn riêng đối với tôi, đồng chí làm "Rất dân chủ. Trước hết đồng chí ấy đến trao đổi thẳng thắn những điểm mà đồng chí dự kiến sẽ nhận xét về tôi rồi nghe tôi trao đổi lại một số ý, sau đó đồng chí Chú mới thảo bản nhận xét chính thức và đem đến đọc cho tôi nghe, hỏi xem tôi có ý kiến gì không? Do đã có trao đổi trước nên tôi hoàn toàn nhất trí. Tôi thấy đồng chí Chú tỏ ra rất băn khoăn trong quá trình làm bản nhận xét này. Nguyên do là khi đi nắm tình hình, có hai luồng dư luận khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau về tôi. Luồng thứ nhất là: Trần Độ lỏng lẻo về quan điểm trong lãnh đạo Văn hóa văn nghệ, cho nên không thể tiếp tục lãnh đạo văn hóa văn nghệ được. Luồng dư luận thứ hai thì lại đánh giá rất cao, về khả năng lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Trần Độ: Nào là sắc bén, đúng đắn, được lòng nhiều anh em trong giới văn nghệ; Nào là chịu khó học tập, nghiên cứu, tìm tòi nên thường đề xuất được nhiều ý kiến mới mẻ.
Cả hai luồng ý kiến đó dẫn đến hai kết luận khác nhau: Một là đồng chí Trần Độ không thể lãnh đạo được Văn hóa văn nghệ, hai là đồng chí Trần Độ lãnh đạo văn hóa văn nghệ tốt. Điều đáng chú ý là người làm báo cáo không dứt khoát đứng về nhận định nào cả, mà chỉ nêu hai nhận định như vậy một cách khách quan...
Sau khi hoàn thành bản nhận xét, một hôm đồng chí Chú đến thăm tôi. Anh ngồi trầm ngâm một lúc rồi tâm sự:
- Tình hình nhân sự của đại hội V sắp tới rất phức tạp. Có những chuyện lớn lắm.
Đồng chí Chú nói:
- Riêng cái việc của anh thì xin trình bày thật với anh như thế này. Rõ ràng hai luồng dư luận về anh nói lên hai quan điểm khác nhau về văn hóa văn nghệ. Do đó, việc Trung ương có tiếp tục dùng anh hay không nói lên sự thắng bại của hai quan điểm đó... Nếu Trung ương chấp thuận những ý kiến của anh, chấp thuận phong cách lãnh đạo của anh thì chứng tỏ khuynh hướng lãnh đạo văn nghệ sắp tới sẽ có những biến chuyển mới.
Phải chăng cái giấy mời lên Nguyễn Cảnh Chân lần này là để biết rõ Trung ương còn tin dùng tôi hay không. Thú thật là đêm trước ngày đến dự cuộc họp về nhân sự ở Ban tổ chức Trung ương, tôi có thao thức suy nghĩ nhiều. Tôi mới 58 tuổi, đã ở Trung ương hai khóa liền tổng cộng 21 năm. Tôi lại vừa đi học ở Liên xô về, vừa mới nhận chức Trưởng ban văn hóa văn nghệ Trung ương với bao nhiêu dự định sẽ triển khai thực hiện. Tôi đang muốn có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, cũng như trong chiến tranh tôi đã đóng góp hết sức mình cho thắng lợi của toàn dân, trên cương vị người lính. Tôi không có tham vọng gì lớn.
Tôi say mê văn hóa văn nghệ vì tự nhận mình có ít nhiều khả năng về mặt này. Tuy chẳng tài ba gì cho lắm nhưng dù sao cũng đã được mọi người, kể cả tổ chức thừa nhận. Do đó thực sự là tôi chưa muốn nghỉ. Mới 58 tuổi, còn sức khỏe, còn khả năng mà lại nghỉ hưu trong lúc cuộc chiến đấu của toàn dân tộc đang còn tiếp diễn thì vô lý quá
Tôi bước chân đến cổng 4 Nguyễn Cảnh Chân, đồng chí thường trực quen biết tôi chạy ra mời đon đả:
- Các anh đến đủ cả rồi, mời anh vào?
Các anh nào nhỉ?
Tôi bước vào thì ồ, lạ chưa? Toàn là các khuôn mặt quen thuộc cả, đầy đủ toàn bộ các vị trong ban cán sự Bộ văn hóa mà tôi là Bí thư: Nguyễn Văn Hiếu, Hà Xuân Trường, Cù Huy Cận, Lê Thành Công, Nông Quốc Chấn, Mai Vi... Rõ ràng đây là một cuộc họp Ban cán sự mà tôi không hề biết...
Tôi im lặng bước vào phòng, không chào hỏi ai, không bắt tay ai, cố gắng giữ vẻ bình tĩnh, tìm một chỗ ngồi ở cạnh cửa sổ. ở Bộ văn hóa, mỗi lần có những cuộc họp gồm những nhân vật này, bao giờ tôi cũng ngồi ghế chủ trì, và những người vây quanh tôi bao giờ cũng vui vẻ, niềm nở.
Còn bây giờ mọi người nhìn tôi bằng những cặp mắt khác. Thì ra thời thế đổi thay thì nhân tình thế thái cũng đổi thay. Trong lúc tôi đang cố đoán xem ai đứng ra triệu tập cuộc họp này và mục đích cuộc họp là gì thì một cán bộ trong Ban tổ chức từ phòng bên bước ra vui vẻ nói:
- Xin các anh chờ cho ít phút nữa, anh Thọ đang có tý việc mắc bận.
Thì ra người chủ trì cuộc họp hôm nay là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức - Lê Đức Thọ. Té ra người triệu tập một cuộc họp Ban cán sự của một Bộ mà Bí thư của Ban cán sự ấy không được biết.
Nói là chờ ít phút nhưng cũng phải đến nửa tiếng. Mỗi người cầm trong tay một chén nước để trước mặt nhưng hầu như không ai uống. Họ ngồi gần nhau, thỉnh thoảng rỉ tai nhau một chuyện gì đó, cặp mắt hướng về chiếc cửa thông sang buồng bên, nơi trưởng ban tổ chức xuất hiện. Hầu như ai cũng muốn mình là người đầu tiên được nhìn thấy Trưởng ban tổ chức Trung ương bước vào phòng.
Và cuối cùng thì Lê Đức Thọ bước vào phòng họp, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười mở rộng trên môi. Phải nói là anh Thọ có nụ cười khá hiền hậu cộng với cách ăn mặc giản dị làm cho người ta ngay cái phút đầu tiên cảm thấy dễ gần gũi. Không ai nghĩ rằng, đằng sau nụ cười ấy, bên trong sự giản dị ấy là một con người quyền uy, nắm trong tay sinh mệnh chính trị của hàng triệu cán bộ đảng viên.
Khi anh Thọ bước vào, tất cả đều đứng dậy. Riêng tôi vẫn ngồi yên. Làm sao mà phải thế. Động tác này chỉ có thể dành cho Bác Hồ, hoặc chí ít là Tổng Bí thư. Hà Xuân Trường chạy đến bắt tay trước, rồi dẫn anh Thọ đi một vòng bắt tay từng người.
Khi đến gần tôi, tôi mới đứng dậy, anh Thọ bắt tay tôi và hỏi vui:
- Thế nào, người bạn tù Sơn La của tôi dạo này có khỏe không?
Tôi vui vẻ đáp lại:
- Khỏe lắm!
Đối với tôi, anh Thọ là một người có nhiều kỷ niệm tốt đẹp nhưng cũng có những tình cảm trái ngược nhau mà bản thân tôi chưa phân tích một cách rõ ràng được. Về cơ bản mà nói, tôi phục và quý mến anh Thọ. Cho đến nay, khi tôi viết những dòng này, tình cảm quý mến vẫn hầu như nguyên vẹn, mặc dầu ở phần dưới đây, tôi sẽ kể lại toàn bộ sự việc Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ không muốn tôi tiếp tục ở Trung ương khóa V như thế nào.
Thực ra ngay trước Đại hội V tôi đã nghe nói nhiều về quyền hành của Lê Đức Thọ, về sự bất bình của người này người khác khi bị Lê Đức Thọ đối xử thế này thế khác, nhưng tôi thì vẫn giữ nguyên những tình cảm quý mến anh, bởi tôi cho rằng những điều tiếng này nọ đối với anh Thọ là khó tránh khỏi khi anh ở cương vị một người phụ trách công tác tổ chức - một công tác cực kỳ phức tạp, liên quan đến sự tồn vong của một Đảng, động chạm đến quyền lợi sống còn đối với nhiều người. Nếu không có quan điểm toàn Cục, khách quan thì sẽ sinh ra oán trách khi sự phân công bổ nhiệm không vừa ý mình. Mà việc này thì làm sao tránh được.
Tôi biết anh Thọ vẫn thường quan tâm đến tôi. Gần đây khi nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, có cô cháu gái về đằng vợ anh Thọ là bác sĩ ở đó, kể cho tôi nghe câu chuyện chiếc áo anh Thọ mang từ Pa-ri về, một số người trong gia đình muốn xin anh cũng không cho. Anh bảo: Cái này để làm quà cho thằng Độ. Cô bác sĩ ấy nói: Cháu không hiểu do đâu mà Bác Thọ cưng chú đến thế. Tôi kể cho cô bác sĩ ấy biết rằng tôi và anh Thọ quen nhau ở nhà tù Sơn La từ năm 1942, đã trải qua những ngày gian khổ sống chết có nhau: Dạo đó, tôi là một thanh niên hăng hái, mới 18 tuổi, trẻ đẹp có học thức. Anh Thọ là người kết nạp tôi vào Đảng...
Cũng như năm 1945, sau Cách Mạng tháng 8, anh Thọ gọi tôi lên bảo:
- Bây giờ có hai việc, cậu tự chọn lấy, một là làm Chủ tịch tỉnh Phúc Yên. Hai là về Hà Nội làm lính chiến đấu.
Và tôi đã chọn cuộc đời làm lính, rồi sau đó trở thành Chính ủy đầu tiện của Mặt trận Hà Nội. Tiếp đó làm lính suốt 30 năm trời.
Cuộc họp hôm nay, chính người kết nạp tôi vào Đảng cách đây 35 năm, chủ trì kiểm điểm tôi, một cách làm đã trở thành quen thuộc của cơ quan tổ chức, nhằm mục đích hợp lý hóa một vấn đề nhân sự.
Khi mọi người đã ngồi yên chỗ, anh Thọ tuyên bố lý do cuộc họp ngay, không rào đón gì cả:
- Hôm nay tôi mời các đồng chí trong Ban cán sự Bộ Văn hóa lên để tiến hành việc kiểm điểm đồng chí Trần Độ.
Trong lúc tôi đang bị bất ngờ trước lời tuyên bố của anh Thọ thì anh Thọ vẫn tiếp tục bằng cái giọng đều đều:
- Tôi biết các đồng chí trong ban cán sự cũng đã họp, đã kiểm điểm đồng chí Độ rồi, nhưng gần đây có nhiều dư luận về đồng chí Độ, trong đó có những vấn đề thuộc về quan điểm, phong cách nên tôi mời các đồng chí lên đây tôi sẽ trực tiếp chủ trì để cuộc kiểm điểm đạt kết quả.
ông Lê Đức Thọ vừa dứt lời thì Hà Xuân Trường với quyển sổ đã cầm sẵn trên tay từ bao giờ:
- Tôi xin có ý kiến?
Thế là ông ta mở sổ ra, mắt thì nhìn vào sổ, tay thì vung lên nói luôn. Xem ra Hà Xuân Trường đã chuẩn bị rất kỹ và chờ đợi từ lâu cái giờ phút này.
Tôi nhớ hôm đó Hà Xuân Trường phát biểu khá dài, nhưng mạch lạc, từng điểm rõ ràng, có phân tích... Chứng tỏ bài phát biểu chuẩn bị khá công phu. Đặc biệt phần lên án khá nặng nề, nâng lên thành quan điểm hẳn hoi, cùng với những dẫn chứng rất cụ thể. Ví dụ: khi lên án Trần Độ có quan điểm sai lầm nghiêm trọng, nhất là muốn tách văn nghệ khỏi chính trị. Ông ấy dẫn chứng những câu tôi viết trong bài nào, những lời tôi nói trong cuộc nói chuyện hay hội nghị nào. Thậm chí có những câu, những lời bản thân tôi không còn nhớ tôi đã viết ở đâu, đã nói ở chỗ nào. Vì tôi viết khá nhiều, đi nói chuyện cũng khá nhiều và đọc diễn văn cũng khá nhiều. Chỉ biết rằng nói chuyện ở đâu, đọc diễn văn ở đâu tôi cũng đều được hoan nghênh. Bây giờ Hà Xuân Trường đem trích ra từng câu, từng chữ ở nơi này, nơi khác trong một mạch văn có trước có sau có thuận có nghịch... để đi đến kết luận: Là người lãnh đạo văn nghệ mà không giữ vững lập trường quan điểm của Đảng như đồng chí Trần Độ thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Tôi nhớ Hà Xuân Trường còn cho những lời phát biểu của tôi về vấn đề tự do sáng tác trong văn nghệ rất gần với quan điểm của Garôđi, người đang bị Đảng Cộng sản Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa lên án.
Hà Xuân Trường vẫn tiếp tục phát biểu say sưa, hết quan điểm thứ nhất đến quan điểm thứ hai, thứ ba, quan điểm nào cũng đi đến kết luận là Trần Độ thường có những biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí có đôi lúc chế giễu sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ, như cho Ban Tuyên huấn của Đảng chỉ thích làm nhiệm vụ một người lính gác cần mẫn, chỉ nhăm nhăm gọt đầu cắt đuôi các tác phẩm văn nghệ, để cuối cùng còn hai chữ lập trường rồi hoan hỷ coi như hoàn thành nhiệm vụ...
Chưa hết, bản "tham luận" của Hà Xuân Trường còn phê phán Trần Độ về chuyện tóc tai, quần áo, nếp sống, thẩm mỹ. Chẳng là vừa qua tôi cũng thường hay phát biểu các vấn đề này và rõ ràng là tôi không tán thành việc phê phán quần loe, tóc dài là mất lập trường, là kém đạo đức. Tôi nói: Bác sĩ Tôn Thất Tùng có bộ tóc rất dài, nhưng ai dám bảo Tôn Thất Tùng là kém đạo đức. Mà ngược lại đó là một con người làm việc rất giỏi, được phong là anh hùng lao động. Nhưng có những tên tướng cướp hẳn hoi tóc lại cắt rất ngắn, thậm chí có đứa để đầu trọc, thì lại là thằng có đạo đức hay sao...
Vấn đề quần loe, tóc dài một thời đã sôi nổi trong cuộc sống đời thường của đất nước và tốn biết bao thời gian để xử lý nó. Người ta không những lên án nó trong các cuộc họp, trong Nghị quyết, mà còn tổ chức những đội thanh niên cờ đỏ chân đường cắt tóc, cắt quần khách qua đường... Cho đến hôm nay, nhìn lại, ta cảm thấy buồn và có pha phút thương hại cho một thời ấu trĩ. Đau lòng hơn khi ta nghĩ đến việc một số người nào đó tưởng mình có quyền lực trong tay, muốn cả một cộng đồng phải sống theo một khuôn mẫu theo ý riêng mình.
Bây giờ ai muốn mặc quần loe, loe mười lăm, hai mươi phân chứ loe ba mươi phân, bốn mươi phân cũng mặc, nếu anh muốn, và cho như thế là đẹp. Tóc cũng vậy, nếu anh muốn thì cứ để quá gáy, hoặc dài hơn cũng tùy anh. Điều quan trọng là anh có được xã hội công nhận hay không.
Người phát biểu thứ hai là anh Nguyễn Văn Hiếu. Từ ngày về Bộ văn hóa, tôi và anh Hiếu luôn có mối quan hệ thân tình và hiểu biết lẫn nhau. Anh Hiếu là Bộ trưởng, tôi là Thứ trưởng. Về chính quyền tôi là cấp dưới của anh nhưng là Bí thư Ban cán sự, nên tôi được anh Hiếu luôn tỏ ra tôn trọng. Tôi biết đây trước hết là sự tôn trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Để đáp ứng lại, tôi cũng luôn luôn tôn trọng những ý kiến của Bộ trưởng, không bao giờ áp đặt, kể cả trong công tác cán bộ. Vì vậy mà khi thấy anh Hiếu giơ tay phát biểu trong một cuộc họp mà chủ đề là để kiểm điểm tôi, thực lòng tôi không thể đoán biết được anh Hiếu sẽ phát biểu như thế nào. Phải chăng đây là lúc có thể nói thẳng ra nhiều điều cần nói.
Khác với của anh Hà Xuân Trường, anh Hiếu nói từ tốn, điềm đạm, nhưng rất chân thành. Anh nói: "Ban cán sự chúng tôi cũng thường họp để kiểm điểm lẫn nhau. Nhưng cũng xin nói thật là những cuộc họp như thế chúng tôi chưa nói hết được những ý kiến của mình, tuy đôi lúc cũng muốn góp ý với anh Độ ý này ý khác, nhưng vì anh Độ là Bí thư, thường chủ trì các cuộc họp nên chúng tôi cũng ngại nói. Vả lại thực ra anh Độ sống với chúng tôi, làm việc với chúng tôi rất tốt, rất chân thành và biết tôn trọng lẫn nhau. Anh am hiểu sâu sắc nhiều vấn đề văn hóa và thường có những ý kiến sắc sảo, có những chủ trương sáng tạo, mạnh đạn, được nhiều người, nhất là lớp trẻ trong các giới văn học nghệ thuật hoan nghênh, ủng hộ. Cho nên có thể nói trong Ban cán sự, trong lãnh đạo Bộ không có vấn đề gì căng thẳng và nghiêm trọng cả." Giọng anh Hiếu toát lên một vẻ rất chân thành. Mắt anh nhìn bao quát cả phòng họp. Tôi ngồi nghe và cảm thấy càng quý mến anh nhiều hơn.
Tuy nhiên, do đây là một cuộc họp kiểm điểm có mục đích cụ thể, mà lại do người có uy quyền nhất trong Đảng chủ trì, nên anh cũng không thể không có một số ý kiến tỏ ra nghiêm khắc đối với người bị kiểm điểm. Tôi nghĩ như thế nên không hề ngạc nhiên hoặc phật lòng khi nghe anh nói: "Anh Độ có nhược điểm là hơi thiên về cảm tình, rộng rãi, độ lượng, đôi khi quá thoải mái làm cho công tác lãnh đạo có lúc chưa được nghiêm".
Sau anh Hiếu là anh Nông Quốc Chấn, thứ trưởng Bộ văn hóa. Tôi nhớ anh Chấn phát biểu có hai ý: "Thứ nhất là đối với anh Độ thì chúng tôi rất kính trọng vì quá trình tham gia cách mạng lâu, có nhiều cống hiến trước cách mạng cũng như trong Quân đội". Nhưng lại có ý kiến thứ hai là: "Chúng tôi chỉ phục thôi chứ chưa thật mến, vì phong cách của anh quá rộng rãi, khoan dung làm cho chúng tôi gặp khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình...
Như vậy là cả anh Hiếu- Bộ trưởng, lẫn anh Chấn- Thứ trưởng không có phê phán về quan điểm, đường lối như Hà Xuân Trường.
Không khí đang hơi chùng lại thì đến lượt anh Cù Huy Cận, cũng là Thứ trưởng phát biểu ý kiến. Anh nói giọng khu bốn, sôi nổi, rất tự nhiên. Cũng như anh Hiếu và anh Chấn, anh Cận không có sổ tay chuẩn bị trước gì cả mà chỉ nói vo như trong một buổi gặp mặt nói chuyện bình thường. Anh nói: "Anh Độ mới về lĩnh vực văn hóa văn nghệ nhưng nắm bắt vấn đề rất nhanh, rất sâu do anh rất chịu khó học tập, nghiên cứu đặc biệt là rất say mê. Tôi thấy là người lãnh đạo phải như thế, chứ không thể cứ chung chung lĩnh vực nào cũng phán được nhưng lĩnh vực nào cũng chỉ lướt qua dăm câu, ba điều. Tôi đã nhiều lần nghe anh Độ phát biểu và lần nào tôi cũng học thêm được một điều gì mới mẻ. Điều này làm cho tôi vừa ngạc nhiên, vừa thú vị, bởi lúc đầu được tin anh Độ sẽ sang lãnh đạo văn hóa văn nghệ tôi đã nghĩ bụng: Không hiểu rồi ông Trung tướng từng xông pha trăm trận này sẽ làm ăn ra sao trong cái lĩnh vực này. Cho đến bây giờ thì điều hồ nghi ấy không còn trong tôi nữa". Cuối cùng anh Cận kết luận: "Tôi không nói anh Độ là người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tốt, nhưng có thể khẳng định rằng, anh Độ đang trên đường trở thành người lãnh đạo văn hóa văn nghệ tốt".
Kể từ khi nhận được giấy triệu tập lên Nguyễn Cảnh Chân, mà không biết lên để làm gì, rồi khi biết có cuộc họp ban cán sự Bộ văn hóa mà chính mình là Bí thư cũng không biết và cuối cùng nghe đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tuyên bố mục đích cuộc họp là để kiểm điểm Trần Độ, tôi thấy một nỗi phiền muộn dâng đầy trong tâm hồn.
Sau 30 năm phục vụ trong Quân đội, tôi tự nguyện chuyển sang môi trường mới với hy vọng phục vụ Đảng được nhiều hơn trong một lĩnh vực mà tôi ưa thích. Hơn 4 năm qua, tôi đã đưa hết sức mình ra làm việc, tất nhiên không tránh khỏi vấp váp, thiếu sót mặt này mặt khác, nhưng nói chung là tôi đã toàn tâm toàn ý phục vụ hết mình.
Tôi còn nhớ trong phát biểu của mình, Cù Huy Cận còn nói đùa là: "Không biết có phải do tên anh là Độ hay không mà trong cuộc sống đời thường anh tỏ ra rất độ lượng, đầy lòng nhân ái, giải quyết việc gì cũng vừa có tình, có lý, mà chủ yếu là thuyết phục bằng tình cảm. Có lẽ vì thế mà một số người cho anh Độ là lỏng lẻo. Theo tôi thì đây là một đức tính cần có của một người lãnh đạo văn hóa văn nghệ. Thuyết phục con người bằng tình cảm chứ không phải bằng mệnh lệnh".
Lúc này tôi thấy cả Lê Đức Thọ và Hà Xuân Trường đều nhìn về phía Lê Thành Công. Và tôi thấy Lê Thành Công đứng dậy mở sổ ra phát biểu ngay: "Thời gian qua đồng chí Trần Độ có nhiều sai lầm thuộc về quan điểm..." Thế rồi Lê Thành Công nêu lên một loạt vấn đề mà ông cho là những sai lầm thuộc về quan điểm của tôi mà không thể nào nhớ hết.
Chỉ nhớ là ông ta nhắc lại vấn đề quần loe, tóc dài và quy cho tôi là tách rời thẩm mỹ với đạo đức. Còn những câu nói rất nghiêm túc của tôi, thì ông ta không nêu ra, chẳng hạn tôi thường dẫn một câu nói rất hay của Gocki là: "Đạo đức học tương lai chính là mỹ học". Tức là loài người bao giờ cũng có xu hướng vươn tới cái đẹp, đến một lúc nào đó, cái đẹp được thể hiện chính trong đạo đức của con người, hoặc nói như Sôlôkhốp "Đôi khi một cô gái mặt rỗ mà vẫn có sức hấp dẫn bởi cái đẹp bên trong của tâm hồn và trí tuệ". Cũng như thế đừng nên nhìn một người quần loe, tóc dài là một người xấu. Nhưng tôi nhớ nhất trong bài phát biểu của Lê Thành Công quy kết tôi có hai quan điểm sai lầm, mà có lẽ cho đến suốt đời tôi không thể nào quên được:
Quan điểm sai lầm thứ nhất là quan điểm "Văn hóa xóa thông tin". Ông ta phân tích là từ khi Tổng cục Thông tin sát nhập vào Bộ văn hóa thì đồng chí Trần Độ để cho văn hóa lấn át thông tin, bớt cả quyền hạn, bớt cả điều kiện làm việc, làm cho Thông tin chỉ là cái bóng mờ của Văn hóa, làm cho anh em thông tin rất bất bình.
- Quan điểm sai lầm thứ hai Lê Thành Công quy kết là quan điểm tách rời thẩm mỹ với đạo đức, cho rằng thẩm mỹ không dính dáng gì đến đạo đức và lại xoay quanh vấn đề quần loe, tóc dài...
Lê Thành Công phát biểu xong thì hội nghị giải lao. Tôi đến gần Nguyễn Văn Hiếu, kéo anh ra một góc hỏi nhỏ: "Anh nhận được giấy mời như thế nào?" Thế là anh Hiếu rút trong túi ra cái giấy mời đúng như là giấy mời của tôi: Ngày ấy, giờ ấy, đến 4 Nguyễn Cảnh Chân họp với Ban nhân sự. Tôi lại hỏi: "Thế anh có biết là mời tất cả ban cán sự không?" Anh Hiếu lại đáp: "Không hề biết một tý gì, chỉ khi lên đây mới té ra là họp Ban cán sự. Sau đó anh Hiếu rỉ tai tôi, nói rất khẽ: "Chắc chắn là Hà Xuân Trường và Lê Thành Công biết việc này, vì cách đây ba hôm, Hà Xuân Trường có nói riêng với tôi là sắp có cuộc họp kiểm điểm Trần Độ".
Thế là đã rõ như hai với hai là bốn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cuộc họp nhằm chuẩn bị nhân sự mới mà người phải thay là tôi.
Giờ giải lao kết thúc. Cuộc họp lại tiếp tục. Khi mọi người đã trở lại chỗ ngồi đông đủ, anh Thọ nói:
- Như vậy là các đồng chí trong ban cán sự đã phát biểu nhiều ý kiến, ưu điểm có, khuyết điểm có, bây giờ đề nghị anh Độ phát biểu ý kiến của mình, chủ yếu là xoay quanh những khuyết điểm thuộc về quan điểm, lập trường...
Quả thực lúc này tôi ở trong trường hợp khó nói, nhìn chung thì toàn bộ những ý kiến phê phán tôi trong hội nghị đều chưa đủ thuyết phục. Chính vì vậy mà tôi không muốn tranh luận. Vì một cuộc họp đã có sẵn mục đích, đã có chuẩn bị, lại do một người có quyền lực nhất nhì đất nước chủ trì thì dù tranh luận cũng vô ích. Cho nên khi nghe Lê Đức Thọ hỏi, tôi chỉ phát biểu rằng những vấn đề các đồng chí nêu ra còn phải tiếp tục có thời gian trao đổi mới đi đến kết luận ai đúng, ai sai dược.
Đặc biệt có một vấn đề rất đáng được bàn cãi cho ra môn, ra khoai, một vấn đề mà bấy lâu nay tôi suy nghĩ rất nhiều, có liên quan đến khuynh hướng lãnh đạo văn hóa văn nghệ sắp tới. Đó cũng là một ý kiến nữa Lê Thành Công phê phán tôi mà trên kia tôi chưa đề cập đến. Lê Thành Công nói: "Đồng chí Trần Độ thường bộc lộ một quan điểm hết sức sai lầm rằng tình hình đã hoàn toàn mới cho nên phải thay đổi cách lãnh đạo. Nếu nói hoàn toàn mới thì tức là đã phủ nhận tất cả những gì đã làm được lừ trước tới nay. Cũng do quan điểm sai lầm này mà đồng chí Trần Độ thường không chấp nhận những cái đã có, muốn tìm tòi những cái mới hẳn mà anh ấy gọi là tư duy mới, phong cách mới trong lãnh đạo văn hóa văn nghệ."
Riêng vấn đề này thì ngày hôm ấy tôi đã nói thẳng giữa hội nghị, cũng tức là nói thẳng với đồng chí Lê Đức Thọ là: đúng, tôi đang có suy nghĩ như thế và đang trong quá trình tìm tòi, phát hiện để trình bày với Đảng một quan điểm mới về lãnh đạo văn nghệ, chứ không thể cứ giữ cái cung cách làm ăn như trước đây được. Nếu cứ giữ cái cung cách như hiện nay thì nhiều tài năng sẽ bị thui chột, văn nghệ sẽ chỉ là sự minh họa đơn điệu, buồn tẻ, sẽ không có những tác phẩm hay, xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhưng đây là một vấn đề lớn tôi đang tập trung suy nghĩ, mà trong phạm vi cuộc họp hôm nay không cho phép tôi nói hết được. Chỉ có điều tôi có thể nói ngay ở đây rằng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận những ý kiến của đồng chí Hà Xuân Trường và Lê Thành Công. Đó là những ý kiến vừa không có sức thuyết phục về lý luận vừa không lành mạnh, biểu hiện rõ ràng nhất là những dẫn chứng chắp vá, trích dẫn cắt xén, không đúng với bối cảnh thực tế. Tóm lại đây là những vấn đề còn phải tiếp tục tranh luận mới có thể phân rõ đúng sai. Do đó, tôi đề nghị cần có một cuộc tranh luận hẳn hoi, mang tính khoa học, khách quan, chứ không thể nằm trong bối cảnh một cuộc kiểm điểm như hôm nay.
Còn những ý kiến của các đồng chí khác thì tôi xin tiếp thu để nghiên cứu, suy nghĩ. Với tư cách là người bị kiểm điểm, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí. Riêng về vấn đề lỏng lẻo thì thực tình là cả về tình cảm và lý trí đối với anh chị em văn nghệ sĩ tôi có một sự quý mến đặc biệt, bởi lao động của họ là một loại lao động đặc biệt và tôi luôn cho rằng họ là vốn quý của dân tộc, riêng những người có tài năng còn là niềm tự hào của dân tộc. Ta thường nói, cách mạng tháng Tám của Việt Nam là một sự thần kỳ, cuộc chống Mỹ cứu nước của chúng ta là vĩ đại, đần tộc ta là một dân tộc anh hùng, nhưng ai là người nói lên những điều đó nếu không có "Vùng mỏ" của Võ Huy Tâm; "Xung kích" của Nguyễn Đình Thi; "Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc; "Trước giờ nổ súng" của Lê Khâm, "Vượt Côn đảo" của Phùng Quán, "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân; "Mẹ đào hầm" của Bùi Minh Quốc... Chúng ta có thể có rất nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng thậm chí có thể có nhiều thủ tướng và phó thủ tướng, nhưng chúng ta chỉ có mỗi một Xuân Diệu, một Nguyễn Tuân, một Chế Lan Viên... Không ai có thể thay thế được. Đó là nói trong lãnh vực văn học, còn trong các lãnh vực khác cũng thế, chúng ta có những nhân vật nổi tiếng như Văn Cao, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái... Có một hiện tượng rất đáng để chúng ta quan tâm là một số chính khách nước ngoài, một số nhân vật tầm cỡ thế giới khi sang đến Việt Nam là đòi gặp cho bằng được Nguyễn Tuân, Nguyễn Khắc viện, Xuân Diệu... Đó chính là họ muốn gặp nền văn hóa Việt Nam, gặp gương mặt Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng.
Chính xuất phát lừ những suy nghĩ đó mà đối với giới văn nghệ sĩ tôi thường có sự khoan dung rộng rãi, tôn trọng nghề nghiệp của họ, không khe khắt xét nét họ về tác phong, cách sống và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để họ phát huy hết tài năng của mình, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, cũng tức là phục vụ Đảng. Nếu như vậy mà các anh cho tôi là lỏng lẻo thì tôi xin nhận khuyết điểm. Còn khuyết điểm đến mức nào thì thú thật đến bây giờ tôi cũng chưa đánh giá được.
Sau khi tôi phát biểu xong thì anh Thọ kết luận. Đại ý là trong lãnh vực lãnh đạo văn hóa văn nghệ có nhiều vấn đề mới đặt ra. Anh Độ chịu khó phát hiện, tìm tòi như vậy là tốt. Riêng vấn đề quan điểm này, quan điểm nọ thì không phải một cuộc họp hôm nay mà kết luận được, đúng như anh Độ nói là còn phải có quá trình tiếp tục trao đổi Thế nhưng rõ ràng anh Độ cũng tự nhận là có lỏng lẻo lỏng lẻo trong lãnh đạo sẽ dẫn đến đến lỏng lẻo về tổ chức, về sinh hoạt.
Và cái kết luận thứ hai của anh Thọ mới thực sự là vấn đề quan điểm; quan điểm sai lầm của Trần Độ về lãnh đạo văn nghệ. Anh nói:
- Tôi tán thành ý kiến của đồng chí Lê Thành Công là anh Độ nói tình hình đã hoàn toàn mới là không nên. Lịch sử phát triển của sự vật bao giờ cũng có sự kế thừa, dù mới đến đâu cũng phải dựa trên cái cũ. Nếu nói tình hình mới và cắt đứt hoàn toàn cái cũ là không đúng.
Anh Thọ vừa phát biểu xong thì Hà Xuân Trường giơ tay phát biểu: "Vâng! Vấn đề quan điểm này nọ thì phải tiếp tục trao đổi nhưng tôi muốn lưu ý anh Độ đến mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Đây là vấn đề cốt lõi trong lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng ta. Vấn đề này đã được Đảng xác định từ lâu là chính trị phải lãnh đạo văn nghệ phải phục vụ chính trị không thể mập mờ trong vấn đề này được".
Tất nhiên là với thái độ như vậy tôi không thể kìm giữ được mình. Tôi đứng dậy nhìn thẳng anh Hà Xuân Trường nói:
- Này! Tôi nói cho anh biết là tôi không đồng ý cách quy kết của anh đối với tôi như vậy đâu. Nhưng tôi sẽ trở lại vấn đề này với anh trong một cuộc thảo luận khoa học chứ không phải trong một cuộc họp như thế này.
Đây cũng là câu kết thúc cuối cùng của cuộc họp. Anh Thọ không nói thêm gì, hội nghị cũng không ai phát biểu gì thêm.
Nhưng ai cũng cho rằng, sau cuộc họp ấy, vấn đề ai sẽ là Trưởng ban văn hóa văn nghệ đã rõ ràng. Khoảng một tháng sau cuộc họp ấy, anh Thọ gọi tôi lên gặp riêng tại văn phòng Trung ương số 4 Nguyễn Cảnh Chân.
Trước đây khi chuẩn bị đi B, ngoài việc được ăn cơm với Bác Hồ, được các đồng chí trong thường trực Quân ủy, các đồng chí Thủ tướng Tổng cục Chính trị chiêu đãi chia tay, tôi cũng được anh Thọ mời cơm riêng trong không khí gia đình. Có thể nói anh Thọ thật sự quan tâm và thương yêu tôi. Anh hỏi thăm tình hình gia đình, vợ con, có gì cần đề đạt... Nhưng tôi nói với anh Thọ là tôi ra đi rất yên tâm và phấn khởi, mọi việc về chính sách đã được các anh bên Tổng cục lo cho chu đáo. Là người đã từng nhiều năm ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Pháp nên hôm ấy anh dành thời gian nói cho tôi khá nhiều kinh nghiệm trong sinh hoạt và chiến đấu... Hôm nay anh lại gọi tôi lên sau cuộc kiểm điểm và tôi biết rõ cuộc gặp này chắc không ngoài mục đích báo cho tôi biết là tôi sẽ không còn ở trong Trung ương nữa và tất nhiên cũng sẽ thôi giữ chức Trưởng ban văn hóa văn nghệ, theo cách thức mà cơ quan Tổ chức từ trên xuống dưới thường hay làm trước đại hội.
Hôm ấy tôi lên vẫn thấy anh Thọ niềm nỡ, thân mật. Sau vài câu hỏi thường tình về gia đình, sức khỏe, anh vào câu chuyện chính một cách rất tự nhiên.
- Cậu như thế là lỏng lẻo quá. Anh em người ta nói như vậy mà tớ cũng nhận thấy như vậy. Do đó nên không thể tiếp tục lãnh đạo văn hóa văn nghệ được. Mà không là Trưởng ban văn hóa văn nghệ thì cũng không có cơ cấu vào Trung ương. Hôm nay tớ thông báo cho cậu biết Bộ Chính trị không dự kiến giới thiệu cậu.
Anh Thọ vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi:
- ý cậu thế nào?
Tuy đã biết cái kết cục của cuộc kiểm điểm sẽ dẫn đến kết quả hôm nay, nhưng một lần nữa tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng. Con người ta thường có tâm lý như thế. Tuy biết chắc một chuyện không may nào đó sẽ đến, nhưng vẫn hy vọng là có thể nó không đến. Trong trường hợp này hy vọng của tôi là có thể không còn giữ chức Trưởng ban văn hóa văn nghệ nhưng vẫn là ủy viên Trung ương và sẽ được chuyển sang phụ trách một lĩnh vực khác. Nhưng qua anh Thọ thì cùng một lúc tôi phải rút lui cả hai cương vị, có nghĩa là nghỉ hưu... Và đây quả là một điều tôi chưa từng nghĩ đến. Năm đó tôi chưa đến tuổi 60, sức khỏe đang hồi phục tốt, đang rất muốn làm việc, cống hiến, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Tôi nói với anh Thọ:
- Tính đến nay, tôi đã 21 năm ở Trung ương, cũng có thể nghỉ để cho lớp trẻ hơn thay thế. Tôi không phải là con người tham quyền cố vị. Đã 40 tuổi Đảng, 30 năm tuổi quân, hai cuộc kháng chiến tham gia trọn vẹn, nghỉ cũng được rồi. Nhưng như anh phát biểu hôm kiểm điểm tôi là hiện nay đang có nhiều vấn đề mới đặt ra đối với sự lãnh đạo văn hóa văn nghệ và tôi đang cố gắng tìm tòi phát hiện những vấn đề mới ấy về đề xuất của Đảng... Vì vậy, tôi xin thẳng thắn phát biểu với anh, người làm công tác tổ chức của Đảng, nguyện vọng của tôi là còn muốn làm việc. Tuy nhiên quyền quyết định là ở các anh, tôi sẵn sàng chấp nhận ý kiến của tổ chức.
Mặc dù nghe tôi phát biểu một cách chân thành tha thiết như vậy, nhưng nét mặt anh Thọ vẫn không có một chút thay đổi. Xem ra việc đã được phán quyết rồi...
Cũng như chỉ mới cách đây một tuần, Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ đã gặp Bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào. Kết quả là Song Hào thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị để ra làm Bộ trưởng Bộ thương binh xã hội, lý do là vì có một số "sai lầm về quan điểm".
Sau lần gặp đó, ở Hội nghị Trung ương về công tác nhân sự để trực tiếp chuẩn bị cho Đại hội V, trong danh sách dự kiến của Bộ Chính trị về Trung ương mới không có tên tôi mà có tên Hà Xuân Trường. Nhưng có một điều bất ngờ đã xảy ra: Các tổ vẫn đề nghị tôi vào danh sách, đặc biệt là các đồng chí ủy viên Trung ương khóa IV thì rất nhiều đồng chí nhất trí ủng hộ tôi. Họ nói thẳng: "Tại sao lại rút tên Trần Độ - Trần Độ đang có sức khỏe, có năng lực - Nếu nói tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương là lòng trung thành với sự nghiệp của Đảng, là trình độ hiểu biết, là năng lực hành động thì Trần Độ rất xứng đáng". Đứng trước tình hình nhiều tổ, bất chấp dự kiến của Ban nhân sự, nhưng được núp danh nghĩa là dự kiến của Bộ Chính trị, cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương được chia nhau đi các tổ để giải thích vì sao Bộ Chính trị lần này không đề cử Trần Độ. Mặc dầu vậy, nhiều tổ vẫn giữ ý kiến đề cử Trần Độ vào danh sách.
Và thế là đích thân ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, phải đến từng tổ để giải thích trường hợp này. Vẫn là cái lý do Trần Độ lỏng lẻo, không lãnh đạo Vãn hóa Văn nghệ được nên không thể có trong cơ cấu, nhưng đặc biệt lần này anh Thọ có nói thêm một chi tiết liên quan đến một câu phát biểu của Hoàng Ngọc Hiến mà chính bản thân tôi cũng không biết. Tôi còn nhớ rất rõ ý kiến của anh Thọ nói ở tổ tôi như sau: "Đúng, anh Độ là người có năng lực, tuổi còn ít, có sức khỏe, làm việc tốt, có nhiều cống hiến. Thế nhưng anh Độ đã bị kiểm điểm về lỏng lẻo trong lãnh đạo văn hóa văn nghệ, gần đây có người phát hiện ra một sai lầm còn lớn hơn: Cụ thể là ở một hội nghị, có một văn nghệ sĩ phát biểu công khai rằng thần tượng Đảng đã đổ rồi, thần tượng Bác Hồ đã đổ rồi, thế mà anh Độ có mặt ở đấy vẫn cứ cho qua không nói gì. Đến mức như vậy thì làm sao để anh Độ tiếp tục lãnh đạo văn hóa văn nghệ được".
Câu nói của anh Thọ có sức nặng đến mức như bà Định, xưa nay vẫn rất ủng hộ tôi, phải thốt lên "Chu cha? Thế thì hết biết", sau đó, bà Định còn láy đi, láy lại: Thật quá lắm, quá lắm..."
Riêng đối với tôi thì đây đúng là "Oan Thị Kính" vì Hoàng Ngọc Hiến phát biểu câu nói trên ở đâu, vào lúc nào tôi đâu có biết...
Mãi sau này tôi đi hỏi Hoàng Ngọc Hiến, hỏi lại chị Lê Minh và một vài người khác thì thực chất việc đâu có phải như thế... Mà ý của Hoàng Ngọc Hiến là ta không nên thần thánh hóa Bác Hồ, thần thánh hóa Đảng, bởi vì không làm như thế thì uy tín của Đảng vẫn còn đó, uy tín của Bác Hồ vẫn còn đó... Nếu cứ tìm cách thần thánh, linh thiêng hóa Đảng và Bác Hồ thì lợi bất cập hại.
Trong nội dung phát biểu này không hề có ý gì xúc phạm đến Đảng, xúc phạm đến Bác Hồ. Thế mà đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tổ chức Trung ương lại dựa vào cái câu nói đó để phê phán tôi và đưa tôi ra khỏi danh sách dự kiến vào Trung ương khóa V thì thực là một việc đau lòng. Đau lòng không phải là việc tôi sắp bị mất chức ủy viên Trung ương, mà đau lòng do cái cách làm việc của cơ quan tổ chức, quy kết, bất chấp sự thật, chỉ nhằm mục đích đạt cho bằng được ý của mình. Như vậy là trong Đảng ta còn có một quyền lực tối thượng nào đó, nhưng lại nhân danh Bộ Chính trị, nhân danh Đảng quyết định tất cả...
Trong lúc đa số Trung ương ủy viên đều yêu cầu đưa Trần Độ vào danh sách ủy viên Trung ương khóa V thì Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ vẫn tìm mọi cách kiên quyết gạt ra.
Nhưng do ý kiến đa số Trần Độ vẫn có tên trong danh sách và Trần Độ vẫn trúng cử ủy viên Trung ương chính thức.
Nhưng, như trên tôi có nói, Lê Đức Thọ là một con người quyết đoán không bao giờ chịu thua hoàn toàn. Không đưa được tôi ra khỏi Trung ương vì đây là thuộc quyền của Đại hội, thì Lê Đức Thọ dùng quyền của cơ quan tổ chức.
Sau Đại Hội V, chỉ chưa đầy một tuần, bổ nhiệm ngay Hà Xuân Trường - ủy viên Trung ương dự khuyết vào chức vụ Trưởng Ban văn hóa - văn nghệ Trung ương. Và kể từ đó, tuy trúng cử ủy viên Trung ương chính thức, nhưng tôi "bị treo giò", nghĩa là không được trao nhiệm vụ gì cả. Đây cũng là một trường hợp hiếm có...
Sau này có dịp đi các địa phương, gặp lại những bạn bè thân thiết cũ từng tham gia Đại hội V, họ kể lại cho tôi nghe là hồi đó chính họ cũng được một nhóm người đi vận động không bỏ phiếu cho tôi. Vận động một cách khá trắng trợn. Kể xong họ cười mỉa và nói: "Nhưng chúng tôi có chính kiến của chúng tôi chứ. Cái gậy chỉ huy mà không trung thực thì chỉ huy được một số người thôi, chứ không thể chỉ huy được tất cả".
ở Đại hội V còn có chuyện to hơn chuyện của tôi, có thể nói là chuyện "tầy đình", so với chuyện của tôi thì đúng như trên tôi đã nói "chẳng là cái đinh gì". Đó là chuyện anh Giáp và anh Linh ra khỏi Bộ Chính trị... Như trên tôi đã nói, vụ việc của tôi ở đại hội V thì tôi đã rõ ràng, còn việc của anh Giáp thì vẫn cứ bị cái án lơ lửng treo giò, bởi kết luận của Bộ Chính trị cuối cùng vẫn là chưa kết luận được.
Sau 30 năm chiến tranh, toàn dân tộc vẫn tiếp tục sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Tiềm lực thì lớn lao mà trí tuệ thì. hạn hẹp. Những người lãnh đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến tranh tưởng rằng vấn đề có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong xây dựng hòa bình. Nhưng quy luật của cuộc sống là khắc nghiệt, nó có con đường đi của nó, loại ra ngoài mọi thứ duy ý chí.
Có người nói, nếu như Bác còn sống đến ngày giải phóng miền Nam thì tất nhiên là tốt đẹp rồi. Lòng nhân ái bao la của Bác, tầm mắt nhìn xa trông rộng của Bác (như ngay từ năm 1945, 1946 Bác đã chính thức mời Mỹ, Pháp đầu tư vào Việt Nam. Mời các cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng tham gia việc nước...) thì nhất định, sau giải phóng miền Nam sẽ không có những cảnh tượng đau lòng như ta đã thấy.
Sau này vào khoảng năm 1984, 1985 nhân dịp vào Sài Gòn công tác, anh Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh có nhắn mời tôi đến chơi.
Từng làm việc với nhau suốt mười năm ở chiến trường, anh là Phó Bí thư Trung ương Cục, tôi là ủy viên, chúng tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó thân thiết. Anh Linh hơn tôi gần chục tuổi, tham gia cách mạng trước tôi, nên bao giờ tôi cũng coi anh là người đi trước. Anh là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn, luôn quan tâm đến mọi người, chín chắn trong tác phong công tác. Nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng nhân ái, tình thương yêu đồng chỉ, đồng đội...
Trong buổi tối hôm ấy, khi nhắc đến Đại hội V, anh cười hỏi tôi:
- Làm sao mà lúc đầu không có tên anh trong danh sách vào Trung ương?
Tôi kể cho anh nghe toàn bộ sự việc xảy ra đặc biệt nói kỹ về quan điểm lãnh đạo văn nghệ không được anh Thọ chấp nhận nên đưa Hà Xuân Trường lên thay...
Anh Linh lắng nghe một cách chăm chú, ra chiều suy nghĩ, cuối cùng khi tiễn tôi ra về, anh mới thốt lên không ra vui cũng không ra buồn:
- Thì cả hai chúng ta đều bị phê phán là tự do. Anh thì tự do trong văn nghệ, còn tôi thì tự do trong kinh tế... Cả hai chúng tôi cùng cười.
Lúc này tôi và anh Linh đều là ủy viên Trung ương khóa V nhưng anh Linh vẫn được nhận trọng trách là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, còn tôi thì vẫn chưa có một công việc nào rõ rệt.
Trước khi chia tay về nghỉ ở T78, tôi có nói với anh Linh:
- Hồi ở rừng, chúng ta sống dẹp biết bao nhiêu. Sống chết có nhau, yêu nhau như ruột thịt. Thế mà mới có hơn 5 năm sau hòa bình, có biết bao nhiêu là chuyện...
Anh Linh cười:
- Rồi mọi chuyện lại tốt đẹp thôi.
ít lâu sau, anh được bổ sung vào Bộ Chính trị. Đại hội VI anh được bầu làm Tổng bí thư; tôi lại trúng cử ủy viên Trung ương chính thức và trở lại phụ trách Trưởng ban Văn hóa văn nghệ.
Hai khóa Trung ương trước tôi rất ít phát biểu. Nhưng trong khóa V, tôi phát biểu khá nhiều, hầu như phiên họp nào tôi cũng chuẩn bị một bản tham luận. Trong bài phát biểu nhan đề: "Một vài ý kiến về những vấn đề chung của công tác tư tưởng và tổ chức" tại phiên họp Trung ương khóa IV, khóa V tuy còn mang nặng tính giáo điều và tư duy cứng nhắc, nhưng cũng có một số ý kiến về dân chủ tập trung và tổ chức cán bộ, cho đến nay tôi thấy vẫn còn có giá trị, xin trích lại dây để nhớ về một đại hội V buồn vui lẫn lộn:
"Ta đang ở trong một quá trình cách mạng sôi nổi, cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, mà nội dung của nó là một sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện triệt để mọi mặt trong xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng IV và V đã chỉ rõ, đồng thời phải làm nhiều việc để bảo vệ Tổ quốc
Vì vậy, những vấn đề cấp bách về tư tưởng và tổ chức của ta hiện nay cũng là những vấn đề cơ bản, những vấn đề then chốt trong quá trình cách mạng đó, nó vừa cấp bách vừa lâu dài vì nó cần tác động trong tất cả các mặt và trong suốt thời gian lâu dài của quá trình cách mạng.
Ta cần đề phòng một tình hình là điều đó sẽ dẫn đến sự đơn giản trong công tác tư tưởng, bất cứ một biểu hiện nào cũng quy về hữu khuynh, mỗi chỗ người ta cố tìm ra một khía cạnh của hữu khuynh. Như thế liệu có thể có hiệu quả trong tình hình cách mạng lúc này không? 1954 ở Điện Biên Phủ có cuộc vận động chống hữu khuynh, có hiệu quả lớn, nhưng lúc ấy mục tiêu nhiệm vụ rõ rệt, cụ thể, phạm vị có hạn. Nay không thể như vậy.
Đồng thời có sự hiểu phương hướng tăng cường, chuyên chinh vô sản thì chỉ là tăng cường kiểm soát, tăng cường nghiêm trị và tăng cường xử phạt như vậy cũng không đúng với tinh thần của học thuyết Lê-nin về chuyên chính vô sản.
Trong quá trình cách mạng hiện nay, luôn luôn có những hiện tượng mới mẻ xuất hiện và phát triển và có những cái gì cũ lạc hậu bị đào thải, những cái gì mới xuất hiện thì gặp khó khăn, có khi còn phải xuất hiện chui, hoặc bị coi là bất hợp pháp bị lên án.
Thí dụ rõ rệt nhất là xí nghiệp đánh cá Côn Đảo và việc khoán trong nông nghiệp. Hiện nay ở một số địa phương và đơn vị cơ sở, có những đồng chí phụ trách đứng trước tình hình làm những việc mà có thể trờ thành anh hùng hoặc vào tù.
Thứ hai là vấn đề dân chủ tập trung, tôi thấy không phải chỉ là ý thức mà là cơ chế. Cơ chế phải bảo đảm các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước nắm chắc được bản chất tình hình xã hội (thông tin) về các mặt, đồng thời bảo đảm sự huy động các nguồn trí tuệ trong xã hội để giải quyết các vấn đề do xã hội đặt ra. Không nên quan niệm dân chủ chỉ là nghe ý kiến của người trực tiếp sản xuất (nông dân và công nhân) mà phải là vấn đề phát huy các nguồn trí tuệ, trong đó có một nguồn trí tuệ quan trọng là các cơ quan khoa học, cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp các ngành. Các cấp khoa học vốn là của Đảng, do Đảng tạo ra, cán bộ khoa học cũng thế, phải có cơ chế làm việc thu hút các cơ quan này châu tuần chung quanh các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Các cấp của Đảng phải coi các cơ quan khoa học có liên quan là trợ thủ của mình. Phải tăng cường việc xây dựng nhiều cơ quan thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Không thể có một cấp nào hay một người nào hiện nay có thể biết hết mọi vấn đề, phải có sự phối hợp và liên kết các cơ quan khoa học.
Về mặt khác, phải thúc đẩy tốc độ việc xây dựng pháp luật thể chế các mặt cho kịp với yêu cầu quản lý và đổi mới quản lý, phải nâng cao trình độ "lập pháp" ở tất cả các cơ quan nhà nước.
Đó là những nội dung quan trọng trong toàn bộ nội dung của vấn đề dân chủ kỷ luật.
Nên quan niệm tăng cường chuyên chính vô sản không phải chỉ là tăng cường kiểm soát, tăng cường nghiêm trị, tăng cường xử phạt. Đó là mặt cần thiết, nhưng không phải chỉ có thế. Tăng cường chuyên chính vô sản còn phải là "nâng cao kiến thức, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao trình độ tổ chức, năng lực tổ chức và hiệu quả của tổ chức, bao gồm việc định ra các loại chính sách, các thể lệ quy chế quản lý có hiệu lực, bảo đảm phát huy mọi tiềm năng ở mọi lĩnh vực để tăng hiệu quả rõ rệt ở các mặt kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục, tạo nên thành quả mới, lực lượng mới cho cách mạng. Như vậy, cũng cần quan niệm đúng đắn "chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch", thực chất là phải đẩy mạnh ba cuộc cách mạng như ý kiến đồng chí Tổng Bí thư phát biểu. Nhiều đồng chí phát biểu đã nêu lên những dẫn chứng về vấn đề này:
Thứ ba là tổ chức và về cán bộ: Nhất thiết cần nghiêm khắc phê phán và xử trí nghiêm minh những cán bộ, đảng viên hư hỏng thoái hóa biến chất. Đồng thời cũng cần có thái độ như vậy với một loại cán bộ cơ hội bất tài, bảo thủ và vô vị, có khi không có một khuyết điểm nào nhưng chỉ có một khuyết điểm là chỉ biết nhắc lại chỉ thị nghị quyết như con vẹt và không hề làm được việc gì có ích cho xã hội, đã như thế lại còn chiếm chỗ quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, và có lúc là đầu mối cho mọi sự bất hòa xích mích của tổ chức.
Loại cán bộ đảng viên này tai hại cho sự nghiệp cách mạng không kém loại cán bộ đảng viên hư hỏng thoái hóa biến chất chút nào.
Mặt khác cần khẳng định mạnh mẽ một phương hướng tuyển chọn và bố trí cán bộ: Khuyến khích những người có kiến thức, trung thực, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, đạt tới những hiệu quả cụ thể trong phạm vi công tác phụ trách. Thực tế trong xã hội cũng đang xuất hiện các loại cán bộ có những phẩm chất như vậy. Có thể nói chắc chắn rằng trong xã hội ta về tất cả mọi mặt, không thiếu nhân tài, nhân tài kinh tế, nhân tài quản lý, nhân tài quân sự, nhân tài sáng tạo khoa học và văn học.
Cần có những chính sách khuyến khích nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, dám nghe những điều nói ngược tai mới lạ để cho sĩ tử xa gần nô nức đem tài năng ra thi thố, giúp ích cho dân, cho nước. Cần có những chính sách thi cử, tuyển cử, ứng cử để thực hiện được việc phát hiện nhân tài và sử dụng nhân tài.
Đối với loại cán bộ mới, có tài, nên có thái độ độ lượng với điểm gọi là khiêm tốn. Thật ra, ai là có tài và khiêm tốn thì thật là tốt và hoàn toàn. Nhưng thông thường những người có tài năng cũng kèm theo một cá tính là tự tin một cách mạnh mẽ. Do tự tin mạnh, nên có những biểu hiện thiếu khiêm tốn, nhưng lòng tự tin lại là một đức tính nên khuyến khích, vì đó cũng là một mặt của tinh thần dám chịu trách nhiệm, không nên chỉ vì đi tìm cán bộ bằng cách cơ quan tổ chức nắm lý lịch rồi đi thăm hỏi và dò tìm.
Cần mau chóng có một đội ngũ cán bộ có năng lực thích hợp với tình hình cách mạng mới, chính sách đó được khẳng định sẽ tác động mạnh mẽ vào tâm lý thanh niên và là một việc góp phần rất hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và một chính sách cán bộ đúng sẽ đập tan một tâm lý "chỉ cần biết sống" nghĩa là biết ngậm miệng, ăn tiền, biết tìm ghế, nịnh nọt để giữ ghế và chính sách đúng cũng tạo nên một tâm lý hăng hái trau dồi kiến thức, hăng hái sáng tạo, hăng hái cống hiến".
Đại hội V đối với tôi là một kỷ niệm không vui, nhưng rồi thời gian qua đi thì những sự việc nó cũng nhạt dần. Tôi cũng không mấy quan tâm đến nữa.