Tập II
Chương 3
Nghị quyết 05

IV

Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ là yếu tố có ý nghĩa quyết định để khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ một cách thuận lợi.
Thông qua nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, cần khẩn trương nâng cao nhận thức lý luận về văn hóa, văn nghệ, hoàn thiện và cụ thể đường lối xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xây dựng một cơ chế lãnh đạo và quản lý phù hợp. Lập các hội đồng nghệ thuật quốc gia, hội đồng nghệ thuật địa phương và hội đồng nghệ thuật cơ sở theo kiểu các hội đồng khoa học ở các ngành khoa học. Các hội đồng nghệ thuật do cấp ủy đảng và cấp chính quyền thành lập bao gồm những người có uy tín và am hiểu nhất về một ngành nghệ thuật hoặc một số ngành nghệ thuật gần nhau. Các hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn đầy đủ để quyết định những vấn đề nghệ thuật thuộc phạm vi xem xét của mình, và chịu trách nhiệm về những quyết định đó Trường hợp cần thiết, có thể thành lập các hội đồng tư vấn hội đồng lâm thời để giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý xử lý các vấn đề văn hóa, văn nghệ trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và những hiểu biết khoa học đáng tin cậy. Tổ chức tốt và tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các hội đồng nghệ thuật là phương thức lãnh đạo rất quan trọng để nâng cao sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với văn hóa nghệ thuật, khắc phục và ngăn ngừa những hiện tượng cấp ủy đảng và chính quyền can thiệp thô bạo vào các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, và từng cá nhân tùy tiện quyết định số phận một tác phẩm hoặc một tiết mục, trừ trường hợp những vấn đề nghệ thuật trở thành vấn đề chính trị có phương hại chung đến quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân.
Cải tiến phương thức lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ phải quán triệt quan điểm của Đảng đối với trí thức xã hội chủ nghĩa và phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ. "Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do sáng tạo, đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển. Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân, nông dân" (Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng).
Trân trọng nhân cách, tài năng và sự độc đáo của văn nghệ sĩ, chu đáo, tế nhị, chân tình trong quan hệ, đối xử, có cách làm việc thích hợp với từng cá tính sáng tạo. Các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật có tài năng, được nhân dân quý trọng và có uy tín quốc tế là vốn quý của đất nước, của nhân dân, là lực lượng chủ yếu để xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xứng đáng của dân tộc. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ văn hóa, văn nghệ, chú ý cán bộ lãnh đạo và quản lý, văn nghệ sĩ, cán bộ chuyên trách quan hệ quốc tế và văn hóa. Kết hợp nghiên cứu cơ bản và tổng kết thực tiễn, kết hợp nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng.
Các trường đảng xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa và có chương trình giảng dạy cơ bản về văn hóa, văn nghệ. Các trường đại học và cao đẳng, các trường quản lý cần có môn văn hóa xã hội chủ nghĩa với chương trình phù hợp. Ban văn hóa văn nghệ Trung ương phối hợp với Học viện Nguyễn ái Quốc cùng các cơ quan, đơn vị nghiên cứu văn hóa, văn nghệ xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình môn học này, có kế hoạch bồi dưỡng lý luận và đường lối văn hóa, văn nghệ cho cán bộ lãnh đạo chủ chết và cán bộ phụ trách văn hóa, văn nghệ các cấp.
Các ngành văn hóa, văn nghệ, giáo dục, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh vấn đề giáo dục thẩm mỹ, giáo dục văn hóa, nghệ thuật cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và học sinh trong các trường học.
Củng cố tổ chức đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, xây dựng và kiện toàn các cơ quan chuyên môn làm tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo văn hóa, văn nghệ từ Trung ương đến địa phương.
Bộ văn hóa cần đổi mới tổ chức và cán bộ, phong cách công tác cho phù hợp với yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ, làm tròn chức năng một cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Đảng và Nhà nước coi trọng vai trò và vị trí chính trị, xã hội của các hội sáng tác, bảo đảm cho các hội sáng tác, với tính chất là những tổ chức xã hội nghề nghiệp độc lập hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các hội văn nghệ ở địa phương. Xác định hệ thống, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các hội sáng tác chuyên ngành và các hội văn nghệ ở địa phương. Nói chung, ở địa phương nên tổ chức hội văn nghệ có tính chất tổng hợp, tùy trình độ phát triển của từng nơi mà có sự phân ngành hợp lý. Chi hội là đơn vị cơ sở có đông hội viên, có quan hệ tốt về tổ chức và hoạt động với hội ở Trung ương và Hội văn nghệ địa phương, bảo đảm tính thống nhất chung cả nước và bảo đảm điều kiện hoạt động thuận lợi ở các địa phương. về Nghị quyết của Bộ Chính Trị