Tập II
Chương 5
Từ đại hội nhà văn lần thứ 4 đến vụ án cửa việt

Đại hội Nhà văn lần thứ 4 lẽ ra được tập hợp vào quý 3 năm 1988 nhưng do có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình chuẩn bị nên cứ lần lữa mãi cho đến hết sáu tháng đầu năm 1989 vẫn chưa được quyết định. Lúc này, do sát nhập hai ban Văn hóa Văn nghệ và Ban Tuyên huấn thành ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương do Trần Trọng Tân, Trưởng ban tuyên huấn cũ, làm Trưởng ban nên mặc nhiên tôi không còn trách nhiệm gì với đại hội nữa, ngoài trách nhiệm phải làm một "bản kiểm điểm" của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (cũ) để trình bày trước Hội nghị Đảng viên các nhà văn.
Tôi đã chuẩn bị khá công phu "bản kiểm điểm" này, chuẩn bị một cách hào hứng và có phần vui thích vì tôi nghĩ là dịp tốt nhất để nói rõ quan điểm của mình, nói công khai những vấn đề tranh cãi suốt hai năm qua, sau khi có Nghị quyết 05 mà vẫn chưa ngã ngũ. Chưa ngã ngũ là trên phương diện lý luận thôi, trong đấu tranh tư tưởng thôi, còn trên thực tế thì người ta đã dùng quyền lực để giành phần thắng về mình. Mọi người chờ đợi Đại hội Nhà văn như những đứa con mong mẹ về chợ. Thông tri của Ban Bí thư về đại hội có từ tháng 6/1987. Ban chấp hành Hội nhà văn đã chính thức thông báo sẽ tiến hành đại hội vào quý 3 năm 1988. Các Hội bạn đã họp xong từ lâu. Chỉ riêng Hội nhà văn cho đến hết quý I năm 1989 vẫn chưa biết là sẽ họp vào lúc nào.
Trong lúc đó, tôi đã làm xong bản kiểm điểm. Theo tinh thần của Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương thì đây là bản kiểm điểm của ban văn hóa văn nghệ (khóa 6) nhưng thực chất là bản kiểm điểm Trần Độ, và Ban Văn hóa Vãn nghệ làm gì còn nữa. Do đó, nói rằng là kiểm điểm Ban Văn hóa văn nghệ nhưng thực chất là muốn kiểm điểm Trần Độ. Bản báo cáo này sẽ mang hai chủ thể, hai đại từ nhân xưng, một là tôi: Trần Độ, hai là Ban văn hóa văn nghệ Trung ương (khóa 6). Nhưng chủ yếu là Trần Độ. Tôi muốn như thế. Tôi muốn tính cả những gì mà người ta quy tội cho Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (khóa 6) thì chính tôi, Trần Độ, Trưởng ban sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi muốn như thế, bởi vì tôi là người không muốn chối bỏ trách nhiệm. Ban Văn hóa Văn nghệ (khóa 6) là một tập thể gắn bó, làm việc hăng say, có hiệu quả. ưu điểm thành công là thuộc về tập thể Ban, còn thiếu sót tôi xin một mình gánh chịu. Mặt khác tôi muốn một mình đứng ra trước "vành móng ngựa" theo ý đồ của một số người, bởi vì tôi không sợ ai cả. Tôi muốn công khai bảo vệ những quan điểm của mình. Và đây là dịp tốt nhất để tôi làm chuyện đó.
Trong thời gian này, có một sự việc đáng chú ý là Đảng thành lập cái gọi là "Hội đồng tư tưởng". Tổ chức này vẫn có từ trước, nhưng hoạt động không có những thể chế quy định. Khi tôi bị rời khỏi Ban Văn hóa văn nghệ, Bộ chính trị lại nhắc lại việc lập Hội đồng tư tưởng và khẳng định tôi vẫn là Trung ương ủy viên và thành viên chính thức của Hội đồng tư tưởng. ý kiến này là để an ủi tôi đôi chút là tôi không phải bị cách chức như đồn đại. Bộ Chính trị còn yêu cầu Hội đồng tư tưởng xây dựng quy chế hoạt động, để Bộ chính trị phê chuẩn và Hội đồng phải hoạt động theo quy chế đó.
Nguyên tắc tổ chức là Hội đồng tư tưởng do Trung ương lập ra gồm tất cả các đồng chí Trung ương ủy viên hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng. Trưởng ban tuyên huấn Tổng biên tập các Báo tạp chí Cộng sản, Nhân dân, Việt Nam Thông tấn xã, phụ trách các viện nghiên cứu, Ban khoa giáo, các hội văn học nghệ thuật, phụ trách trường Đảng... Có những cơ quan không có Trung ương ủy viên thì thỉnh thoảng có việc gì liên quan nhiều, Hội đồng sẽ mời đại biểu dự hội nghị. Nhưng điều này cũng hay tùy tiện, tùy theo ý thích của đồng chí chủ trì có khi mời nhiều có khi mời ít, và tư cách của các đồng chí Trung ương ủy viên bị lu mờ rất nhiều.
Thời gian này bắt đầu có những ý kiến ngang ngửa về một số hiện tượng văn nghệ và một số tác phẩm thì thấy Hội đồng tư tưởng họp luôn. Nhưng vì cung cách làm việc không có định chế, nếu đến cuộc họp, mạnh ai nấy phát biểu và khi kết thúc thì Chủ tịch tóm tắt một cách rất tùy tiện, ý kiến đó được ghi lại và đều được thông báo là ý kiến của Hội đồng tư tưởng. Hồi đó những vấn đề được đem ra xem xét cũng là những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, vấn đề được gọi là "Phủ nhận sạch trơn" nói tiêu cực nhiều, ít nói về tích cực v.v... Những chuyện này tôi đều phải có ý kiến và đã ghi đầy đủ trong cái gọi là "Bản kiểm điểm" sẽ nói đến sau này.
Lúc đó tôi cũng nóng ruột và rất mong muốn cho Hội đồng tư tưởng làm việc có hiệu quả. Tôi đã chủ động "dự thảo một bản quy chế làm việc" gửi cho anh Đào Duy Tùng và yêu cầu tổ chức thảo luận để đi tới những quyết định chính thức. Nhưng văn bản ấy của tôi cũng bị rơi vào im lặng một cách đáng sợ và sau đó Hội đồng tư tưởng cũng không có hoạt động gì và cũng không nhắc đến nó nữa. Nó có hay không, nó bắt đầu và kết thúc như thế nào cũng không ai biết.
Trong quá trình chuẩn bị bản kiểm điểm, tôi đã ngồi với Nguyễn Văn Hạnh nhiều buổi và Nguyễn Văn Hạnh rất tâm đắc với tôi. Và một điều vô cùng lý thú đã diễn ra: Nguyễn Văn Hạnh, Phó Ban Tư tưởng Ban hóa Trung ương, phụ trách mảng Văn hóa Văn nghệ, người lẽ ra là quan tòa để xử tôi, lại chính là người đang cùng tôi chuẩn bị những lý lẽ vững chắc cho bị cáo. Và thật không ngờ, thật là đẹp, sau này chính Nguyễn Văn Hạnh lại thay mặt bị cáo đọc bản luận tội ngược trở lại đối với các quan tòa, lúc bấy giờ đủ mặt 3 bí thư Trung ương Đảng, có mặt toàn Ban lãnh đạo Ban tư tưởng văn hóa Trung ương. Thật vô cùng thú vị. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy vô cùng thích thú.
Nhân chỗ này, tôi cũng nhớ lại một kỷ niệm đáng chú ý của cuộc đời tá tác phẩm văn nghệ cũng vậy, không thể chỉ dựa vào cảm xúc của riêng mình, mà còn có ý kiến của công chúng. Công chúng là người trọng tài vô tư nhất đối với tác phẩm văn nghệ mọi thời đại. Tôi rất đồng ý thái độ của nhà xuất bản văn hóa trong lời cuối sách tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Xin trích ra đây: "Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vừa ra đời đã chiếm được sự chú ý nhiều của dư luận bạn đọc trong thời gian vừa qua".
"Nhiều nhà phê bình đã phát biểu chính kiến của mình về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều ý kiến hết sức trái ngược nhau ".
"Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết sức ca ngợi anh và cho rằng anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hôm nay."
"Trong văn học không có lời bình xét nào là lời bình xét cuối cùng ".
"Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp còn đó và anh vẫn tiếp tục cầm bút. Rất nhiều người đang chờ đợi anh. "Anh như người dọn cỗ. Còn chúng ta là những thực khách. Tùy theo thể trạng của mình có người không thích món béo quá, món cay quá và có món lạ miệng quá. Xin cứ tùy sở thích."
"Trong mấy chục năm gần đây, ít có nhà văn nào mới cầm bút đã làm xôn xao dư luận đến như vậy ". Có người kết tội báo Văn Nghệ là "nống " Nguyễn Huy Thiệp lên, trong đó có cả ý kiến cho tôi là người tích cực đề cao Nguyễn Huy Thiệp... Có người cho rằng tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp mà không để ý ẩn ý và không hiểu rõ ý là dốt nát, kém cỏi, là "giả vờ ngây thơ". Tôi cần nói rõ: tôi thích một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và cũng có cả những điểm chưa thích, không thích, tôi thường chờ đợi để đọc Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như có thời tôi đã đóng sổ tay để chép thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận và Tố Hữu. Tôi cũng đã từng thích và khâm phục Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan từ trước cách mạng tháng Tám. Đó là quyền của tôi và quyền ấy không phạm vào bất cứ lỗi gì, tội gì, không vi phạm một luật lệ nào.
Không phải ngẫu nhiên mà cả nước xôn xao về Nguyễn Huy Thiệp: hàng 5, 6 tỉnh từ nam chí bắc tổ chức hội thảo về Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời hàng loạt các bài báo bàn luận về Nguyễn Huy Thiệp dồn dập một thời. Hiện tượng ấy là đáng mừng hay đáng lo, tôi chỉ mong văn nghệ ta cứ tháng nào hoặc quý nào cũng có một xôn xao như vậy thì vui biết mấy. A i làm ra hiện tượng ấy. Báo văn nghệ xui được à? Tôi ra chỉ thị được à? Điều đó phải hỏi và tìm ra từ trong bản thân những cái mà anh Nguyễn Huy Thiệp viết ra chứ. Tôi không là người nghiên cứu văn học, tôi chưa viết ở đâu một chữ về Nguyễn Huy Thiệp. Thế mà lại bảo là tại tôi, Trần Độ nống Nguyễn Huy Thiệp lên nên Nguyễn Huy Thiệp nổi "tiếng". Thật là bật cười.
5- Vấn đề địch lợi dụng và cảnh giác:
Tôi hiểu tư tưởng chung của cơ quan lãnh đạo Đảng ta trong nhận định tình hình là:
- Cuộc đấu tranh giai cấp quy mô thế giới rất gay gắt, âm mưu đế quốc muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội rất kiên quyết và xảo quyệt.
- Trong cuộc đấu tranh này thì đâú tranh tư tưởng là mặt trận quyết liệt nhất, có chỗ ta thua.
- Trong mặt trận tư tưởng thì mặt trận văn nghệ là trận địa hiểm yếu.
Đó là sự thật tôi muốn đi sâu thêm mấy ý kiến quan điểm:
1- Cảnh giác là gì: là phải hiểu rõ địch và ta, vậy cảnh giác về lý luận về tư tưởng, ta phải hiểu rõ địch đang có thứ lý luận gì, tư tưởng gì. Tôi không cho rằng cảnh giác là đề phòng và ngăn cấm nhân dân ta không biết gì đến những luận điệu của địch, cho rằng nếu biết đến thì bị ảnh hưởng. Trong thời đại này, không ngăn được và không bịt được. Nhưng tin tức và lý luận tư tưởng như vậy vẫn có nhiều người biết mà có khi lại biết sai lệch - như thế nguy hiểm hơn. Nâng cao cảnh giác (về tư tưởng) là thông báo rộng rãi những thông tin thế giới cho nhân dân biết, kèm theo phải có sự phân tích phê phán như thế trình độ nhân dân ta càng cao - Nên chú ý là trình độ lý luận thế giới hiện nay cao lắm. Ta phải hiểu rõ và có đủ trình độ phân tích phê phán đủ sức thuyết phục nhân dân chứ không thể đưa ra vài thứ lý luận đã cổ lỗ sĩ đã quá quen thuộc, thứ lý luận "nói lấy được " - Làm như thế là mất cảnh giác- Chỉ ví dụ một chủ đề tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là thế nào? Về lý thuyết của chủ nghĩa xã hội là thế nào? Về lý thuyết và thực tiễn -là một vấn đề "cảnh giác" lớn.
2- Cảnh giác - tất cả phải cảnh giác, có nhiều loại người phải cảnh giác. Công an và an ninh phải cảnh giác kiểu công an. Cơ quan nhà nước phải cảnh giác kiểu công an và cơ quan nhà nước, thanh niên, trí thức văn nghệ sĩ phải cảnh giác kiểu thanh niên trí thức văn nghệ sĩ. Trong đối phó với địch, hiện nay ta có một nhược điểm và một thế yếu khá gay go, tức là các thứ cơ chế vận hành trên đất nước ta, và tình hình khó khăn kinh tế của ta tạo nên những tình hình.
- Đời sống khó khăn, bất công xã hội phổ biến và cay đắng.
- Nhiều xử lý trong quản lý và trong pháp luật chưa rõ rệt, chưa sòng phẳng tạo nên nhiều cái phức tạp, nhiều nỗi oan khuất, nhiều thân phận con người còn khổ, bị đè nén.
- Nảy sinh trong bộ máy Đảng và Nhà nước những kẻ tha hóa, biến chất nảy sinh in tệ nạn cường hào mới. Kẻ địch công kích ta, và kích động nhân dân ta, nó lại nhè đúng vào chỗ yếu của ta nó khai thác những nguyện vọng dân chủ và công bằng nhân đạo chân chính của nhân dân ta. Ta đã không giữ vững được ngọn cờ dân chủ, nhân đạo (nhân quyền). Cảnh giác là ta phải nắm được những tổ chức, những hành động phản loạn và đập tan nó. Đồng thời ta phải dân chủ hơn nữa, công khai hơn nữa, công bằng hơn nữa, phải có luật pháp công minh hơn nữa, chấm dứt tình trạng cơ quan Đảng và Nhà nước vi phạm Hiến pháp, phá hoại luật pháp, chấm dứt các hiện tượng cán bộ Đảng và Nhà nước cậy quyền, cậy thế cưỡng bức hà hiếp nhân dân, thì nhờ vậy ta mới tước bỏ được vũ khí của kẻ địch. Văn nghệ và báo chí phải được cổ vũ khuyến khích tiến hành cuộc đấu tranh này theo hướng đó.
Nhận xét có những bài "có tính chất kích động " là một nhận xét mơ hồ, chỉ cần có quy định rõ về kỷ luật bí mật và kỷ luật về chính xác trong thông tin là được, cảnh giác đấu tranh với địch là dân chủ hơn nữa, công bằng hơn nữa, pháp chế hơn nữa, chứ không phải tăng cường bí mật, tăng cường che chắn, tăng cường che giấu.
B- Nhóm vấn đề "lãnh đạo quản lý "
1. Chung quanh cái gọi là "buông lỏng " trong lãnh đạo văn hóa văn nghệ.
Theo ý kiến tôi, không nên đặt vấn đề "buông lỏng" hay "nắm chặt" mà nên nói "dân chủ hóa" trong lãnh đạo văn hóa văn nghệ là thế nào. Trong văn kiện báo cáo của Bộ chính trị trình Hội nghị Trung ương 6 có câu: ta đã nắm chặt những cái cần buông lỏng mà lại buông lỏng những cái cần nắm chặt. Tôi cho rằng văn nghệ là không nên nắm chặt, cái cần nắm chặt là an toàn xã hội. Hiện nay, cách mạng đã chuyển đoạn: từ nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc sang nhiệm vụ xây dựng đất nước, kỷ luật chiến tranh thay bằng cuộc sống dân chủ. Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng đã trưởng thành về chính trị, hoàn toàn có ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, không tha thứ cho bất cứ kẻ nào chống lại cách mạng, chống lại dân tộc, chống lại Đảng.
Tôi cho rằng, trong sự nghiệp cách mạng hiện nay vai trò của khoa học kỹ thuật, của giới trí thức có một tầm quan trọng đặc biệt. Đội ngũ trí thức của ta hiện nay phần lớn do Đảng đào tạo. Đội trí thức ấy có trình độ cao, họ có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ do cách mạng đề ra. Tôi thường tâm niệm rằng, bản thân mình phải lắng nghe nhiều ý kiến và có thể tìm thấy ở đó có nhiều hiểu biết bổ ích.
Đối với trí thức nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng, tôi biểu thị sự tôn trọng, tin cậy và cởi mở đối với họ. Tôi cho là cần có điều kiện để anh em được tự do phát huy khả năng của mình. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VI cũng đã ghi nhận "đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm tự do sáng tạo". Lớp trí thức hiện nay có khả năng khá lớn, trong họ đang tiềm ẩn nhiều tài năng cần thiết cho đất nước rất đáng tin cậy và cần phát huy lớp trung niên đã trải qua thử thách. Tôi mong muốn Đảng ta tập trung được xung quanh mình đội ngũ trí thức ấy, tin cậy họ, thu hút họ tham gia các nhiệm vụ cách mạng một cách hào hứng. Trong trí thức, nhiều người già lại là những tài sản quý giá lớn của quốc gia. Cần quan tâm quý trọng và khai thác tài năng hơn là sự chú ý quá đáng vào "trẻ hóa ". Trong quan hệ làm việc với trí thức, tôi nhận thấy khi lắng nghe những ý kiến khác nhau, cần giữ thái độ bình tĩnh kiềm chế, có lòng tin cậy, để họ nói ra những ý nghĩ thành thật, hơn là tạo ra ở họ tâm lý e ngại không dám nói hoặc không muốn nói. Tin cậy và đối xử cởi mở với trí thức văn nghệ sĩ không thể coi là buông lỏng được. Tôi cũng được học tập một tư tưởng của Lênin là: Lãnh đạo văn nghệ không thể cào bằng đồng loạt mà phải quan tâm đến từng người, làm việc riêng với từng người. Tôi hiểu như thế nghĩa là lãnh đạo cần biết rằng mỗi văn nghệ sĩ là một người riêng biệt có những suy nghĩ, tính cách và sức tưởng tượng của mình, nó độc đáo và không giống ai. Chứ không phải như thế nghĩa là lãnh đạo có thể dạy bảo dìu dắt từng người và chỉ bảo người ta phải sáng tác như thế nào?
Đối với sáng tác văn nghệ, lãnh đạo không bao giờ có nghĩa là tác động vào từng tác giả, từng tác phẩm và chịu trách nhiệm về mọi tác phẩm văn nghệ. Mỗi tác giả là một tài năng, một chủ thể có ý thức đối với sự nghiệp chung và đứa con tinh thần của mình, không ai có thể thay thế nghệ sĩ chăm sóc đứa con ấy. Ta chỉ nên có quan hệ bạn bè với văn nghệ sĩ. Đối với tôi, được anh chị em coi là bạn bè thì đấy là một niềm vui và vinh dự cho tôi.
Trong đời sống tâm lý, mọi sự giải độc đều phải tiến hành bằng tranh luận, thuyết phục. Giải quyết những xung đột ý kiến bằng sự nghi ngờ và ngăn cấm không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả tối ưu. Cuộc sống là muốn mặt, có những mặt ta có thể kiểm soát và hướng dẫn, nhưng có cả những mặt ta không thể kiểm soát và can thiệp vào được. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật. Người lãnh đạo, quản lý chỉ cần nghiên cứu nên định hướng cho sáng tác, sau đó làm các việc "chuẩn bị hậu cần " cho hoạt động ấy. Những cách làm "cầm tay chỉ việc" hoặc "uốn nắn kịp thời " đều không thích hợp đối với quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ Như vậy hoàn toàn khác với cái gọi là không lãnh đạo. Lãnh đạo là định hướng và định hướng rộng, cần tiếp tục quan niệm sâu sắc hơn về khái niệm định hướng.
2- Vấn đề "định hướng rộng " trong hoạt động văn hóa văn nghệ.
Nghị quyết 05 của Bộ chính trị, đã hoạch định một vùng cấm là: "Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình) và không đồi trụy (truyền bá tội ác sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm), đều có quyền được lưu hành. Bộ luật hình sự của ta cũng đã có một số điều khoản giải thích về các tội phản động, đồi trụy. Như vậy là trừ vùng cấm ra, mảnh đất dành cho sáng tác và hoạt động văn hóa văn nghệ vô cùng rộng rãi. Đó chinh là về "định hướng rộng". Nhờ định hướng rộng mới có thể tạo ra nền văn hóa văn nghệ có nội dung sâu sắc về lý tưởng xã hội chủ nghĩa và có hình thức biểu hiện phong phú và đa dạng.
Tuy nhiên tôi công nhận tôi nói "định hướng rộng " còn chưa đầy đủ, vì trong hoạt động văn hóa văn nghệ có khâu sáng tác và khâu phổ biến và trong khâu truyền bá phải quản lý phải có xử lý cụ thể nhiều trường hợp cụ thể. Nhưng những sự xử lý này cũng phải theo hướng định hướng rộng. Sáng tác có thể không phạm luật, nhưng phổ biến thì lại chưa có lợi. Vì vậy, định hướng rộng cho sáng tác nhưng lại phải có xử lý cụ thể cho lưu thông phân phối các tác phẩm văn nghệ cho thích hợp với nhu cầu thực tê hiện thời. Vấn đề đặt ra ở đây là phải nhanh chóng thể chế hóa Nghị quyết 05 thành các văn bản pháp luật đầy đủ và đúng đắn, làm chỗ dựa cho sự phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ phong phú và đa dạng. Với trách nhiệm hiện nay, tôi vẫn đang tập trung nỗ lực vào phương hướng này.
3- Vấn đề "lựa chọn món ăn tinh thần "
Hoạt động văn hóa văn nghệ thuộc lĩnh vực sinh hoạt tinh thần của xã hội. Trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân có một kiểu nhu cầu của họ về tình cảm, tư tưởng thể hiện thông qua vô số các mối quan hệ giữa người với thiên nhiên, giữa người với người và giữa con người với chính mình.
Trong mỗi mối quan hệ, con người có nhu cầu về nhận thức, lý giải và lựa chọn cách ứng xử cho phù hợp. Giữa đời thường nổi bật lên là các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em, ông cháu, xóm giềng, bầu bạn, trong sinh hoạt xã hội có các quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia, quốc tê, ở đây con người luôn luôn phải giải đáp câu hỏi về đạo lý làm người, phẩm chất con người như (anh dũng hoặc hèn nhát, trung thực hay giả dối, chung thủy hoặc phản bội, vị tha hay vị kỷ v. v... và v. v...). ở đây ta thấy Đảng có yêu cầu truyền bá hệ tư tưởng để giáo dục nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Yêu cầu ấy là quan trọng và thường xuyên bức thiết. Nhưng điều đáng lưu ý là hoạt động tư tưởng của Đảng không thể ôm đồm hết mọi khía cạnh của sinh hoạt tinh thần trong xã hội. Nói khác đi là, sinh hoạt tư tưởng của Đảng chỉ chiếm một bộ phận trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Vì vậy nhân dân ta trong đó ngay cả những đảng viên cộng sản ngoài việc tham gia các sinh hoạt tư tưởng của Đảng, vẫn còn phải lựa chọn các món ăn tinh thần phù hợp với nhu cầu của mình. Tự do xét đến cùng là tự do lựa chọn. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng là các quyền lợi tinh thần của công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Tôn trọng các quyền tự do ấy là tôn trọng quyền lựa chọn món ăn tinh thần của nhân dân trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Tư tưởng "không lựa chọn món ăn " chủ yếu là muốn nói về chống lại sự áp đặt tinh thần, sự bao cấp về phương diện tư tưởng trong đời sống tinh thần của xã hội.
Định hướng rộng là một tư tưởng, tư tưởng này ghi trong Nghị quyết của Đảng đã trích dẫn ở trên. Nó là tư tưởng cho cả sáng tác, cho cả lưu thông, cho cả hưởng thụ. Tôi bác bỏ dứt khoát một loạt ý kiến cho rằng có sự lung tung về video và xuất bản sách là nguyên do ở chỗ định hướng rộng. Vậy hóa ra là nguyên do từ ở tư tưởng Nghị quyết 05. Tôi thừa nhận phát biểu về hai điểm "định hướng rộng" và "không chọn thức ăn" như vậy là chưa đầy đủ chứ không phải sai về quan điểm. Quan điểm đó là đúng. Tôi đang cố gắng bổ sung bằng tham gia thúc đẩy công việc xây dựng luật pháp - chuyện video và xuất bản còn liên quan tới nhiều mối quan hệ cơ chế, kinh tế xã hội khác. Tôi xin có ý kiến vào dịp khác.
Cuối cùng tôi cần nói thêm như sau:
1- Suốt cả cuộc đời tôi gần 50 tuổi Đảng, tôi luôn luôn ý thức sâu sắc là tôi phải suy nghĩ và hành động theo tư tưởng của Đảng trong 30 năm chiến tranh cũng thế và hơn mười năm trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ cũng thế. Tôi cũng ý thức rằng tôi không hành động như một cái máy thô sơ, mà luôn luôn trăn trở suy nghĩ và năng động để phát triển tư tưởng của Đảng để đóng góp có ích cho sự nghiệp của Đảng.
Trong hai năm qua tôi không chút ân hận và hổ thẹn về tư cách đảng viên của tôi, và tôi tự thấy tôi có phần đóng góp có ích cho Đảng. Nghị quyên 05 của Bộ chính trị là một nghị quyết quan trọng và đúng.
Tôi biết rõ nhiều ý kiến đã phát triển tư tưởng của tôi qua nghị quyết 05, còn có chỗ có thể bắt bẻ và tranh luận. Tôi công nhận sự thiếu sót đó. Và tuy đó là những ý kiến còn thiểu số nó cũng vẫn có ích cho Đảng vì nó mở rộng đường suy nghĩ, nó không chết đi theo đường mòn. Tôi cho ý kiến của tôi là có căn cứ, đặc biệt có căn cứ khi tôi tiếp xúc ngày càng nhiều với các tác phẩm văn nghệ, nghe được nhiều ý kiến khen chê khác nhau... Tôi bị thiểu số nhưng thiểu số không phải là sai, hay ít ra là chưa chắc đã sai. Tôi vẫn xin bảo lưu và kiên trì những ý kiến của tôi cho đến lúc tôi gặp được những ý kiến sâu sắc hơn, mới mẻ hơn, có sức thuyết phục cao hơn.
2- Trong ứng xử hằng ngày, tôi vôn xuất thân nông dân, tiểu trí thức nông thôn, nên tôi còn nhiều vụng về thô thiển. Tôi cảm ơn rất nhiều anh chị em có dịp chỉ rõ những vụng về thô thiển của tôi và có những lời khuyên đầy tình nghĩa. Phải thú thật có những lời tôi nghe và sửa chữa, có những lời tôi nghe nhưng không muốn sửa chữa và không sửa chữa được. Bởi tôi cũng muốn được sống "tự nhiên " với bản tính mình đã có. Đồng thời tôi thành thật xin lỗi những anh chị em nào có tiếp xúc hoặc gặp cách ứng xử của tôi vụng về thô thiển để các anh các chị phải phiền lòng. Còn trong thâm tâm tôi, tôi chân thành yêu quý mọi người hoạt động văn nghệ và luôn biết chia sẻ những nỗi mềm, những suy nghĩ của anh chị em.
Tuy tôi không còn chức trách gì về văn nghệ trong Đảng, nhưng tôi vẫn tự xác định, tôi là người hoạt động văn hóa văn nghệ, tôi không có quyền lực gì để tạo điều kiện cụ thể cho công việc, nhưng tôi xin phép các anh các chị, tôi vẫn được coi như một người bạn của văn nghệ và luôn tích cực làm được việc gì có ích cho văn hóa văn nghệ và luôn luôn đón chờ, chào mừng những thành tựu mới của nền văn học nghệ thuật của chúng ta.
Tôi đã chuẩn bị xong "bản kiểm điểm" rất sớm, và chờ đợi đại hội khai mạc để đóng vai một bị cáo ra trước vành móng ngựa. Tôi cũng biết có một số người vốn chẳng thích gì tôi, cũng chờ đợi, để được nhìn thấy Trần Độ phải kiểm điểm trước hội nghị Đảng viên các nhà văn cũng chẳng khác gì là kiểm điểm trước đại hội...
Nhưng đến ngày Ban Bí thư quyết định Đại hội sẽ họp vào cuối hạ tuần tháng 10 năm 1989 thì theo kế hoạch của ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, tôi phải lên đường đi công tác một số tỉnh phía Nam.