Tập II
Chương 5
Từ đại hội nhà văn lần thứ 4 đến vụ án cửa việt

Đối với tôi đây là điều không may nhưng cũng là điều may, vì thực ra tôi cũng không muốn có mặt ở đại hội lắm, tôi có phải là nhà văn đâu mà ngồi chung với các nhà văn. Tôi vào hội là do yêu cầu lãnh đạo, chứ tôi tự xét, về mặt nghề nghiệp tôi chưa xứng đáng được gọi là nhà văn. Điều quan trọng nhất mà tôi mong chờ ở đại hội nhà văn lần này là được công bố bản kiểm điểm của mình... Và điều này tôi đã đạt được một cách may mắn. Với lý do bận công tác không dự Đại hội được, tôi nhờ Nguyễn Văn Hạnh gửi đến các đồng chí chủ trì Hội nghị các Đảng viên Hội nhà văn "bản kiểm điểm" kèm theo lá thư với nội dung:
Hà Nội ngày 20//0//989
Kính gửi:
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các Đảng viên Hội nhà văn
Tôi cũng là một hội viên Đảng viên, nhưng thời gian này tôi phải thực hiện một chương trình công tác của ủy Ban Văn hóa Giáo dục của Quốc Hội ở các tỉnh phía Nam, nên không dự được hội nghị.
Theo thông báo của Ban Tư Tưởng Văn Hóa, trong chương trình Hội nghị có sự báo cáo kiểm điểm của Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung ương (cũ). Tôi đã chuẩn bị bản báo cáo đó xong từ vài tháng trước. Rất tiếc là tôi không dự được hội nghị để trực tiếp đọc báo cáo. Vậy tôi xin gửi đến Hội nghị bản báo cáo đó (ba bản) để các đồng chí sử dụng. Có thể đọc chung trong Hội nghị hoặc chuyển cho những đồng chí cần biết đến nó. Những ý kiến của tôi viết trong báo cáo cũng là những ý kiến tôi đã phát biểu nhiều lần trước Ban Bí thư Trung ương và Hội đồng tư tưởng. Xin chúc Hội nghị nhiều kết quả và xin gửi lời kinh chào tất cả các đồng chí.

Trần Độ

 
Khi Đại hội diễn ra ở Hà Nội thì tôi đang ở miền Nam. Tuy ở xa nhưng tôi rất quan tâm tới Đại hội. Tôi biết nhiều anh đang bước vào cuộc chiến đấu với niềm lạc quan vốn có của những người luôn tự tin ở sự đúng đắn của mình. Tôi cũng nhìn rõ những khuôn mặt trên Chủ tịch đoàn và cảm thấy cuộc đấu này sẽ diễn ra quyết liệt. Nhưng tôi tin Đại hội Nhà văn sẽ thắng, sẽ vui như Nguyễn Khải đã dự đoán hơn một năm trước đó... Bởi bối cảnh lần này đã khác xa bối cảnh của Đại hội III. ở Đại hội III, vụ án đề dẫn của Nguyên Ngọc vẫn còn treo lơ lửng trên đầu mọi người như một chiếc thòng lọng. Không khí của Đại hội III tôi cho vẫn còn theo cách cũ, chỉ đạo từ trên xuống là chính.
Còn bây giờ Đại hội IV diễn ra sau Đại hội VI, sau nghị quyết 05, sau những trao đổi thẳng thắn trong mục "Văn nghệ phỏng vấn" suốt hai năm qua, đã tiếp thêm sức mạnh cho họ vững vàng bước vào cuộc chiến đấu mới.
Từ đồng bằng sông Cửu Long tôi về tới thành phố Hồ Chí Minh đúng lúc Đại hội Nhà văn kết thúc, tôi tìm gặp Nguyễn Duy và một số đại biểu hội viên và nhìn thấy rõ sự vui mừng hớn hở trên nét mặt mỗi người. Tay bắt, mặt mừng, họ chuyền sự phấn khởi sang tôi như niềm vui của những người lính thắng trận từ chiến trường trở về. Khi tôi hỏi về không khí của đại hội và diễn biến cụ thể của Đại hội, Nguyễn Duy không nói mà trao cho một bài thơ song thất lục bát dài, với nhan đề "Nhìn từ gần... Đại hội Nhà văn".
Trở về nhà nghỉ T78, suốt đêm tôi cứ đọc hoài bài thơ của Nguyễn Duy, vừa đọc vừa cười một mình. Bài thơ thật là hay, thật là dí dỏm, nhưng cũng thật là chân thực.
Bài thơ đó như sau:
Nhìn Từ Gần... Đại Hội Nhà Văn
1- Thuở trời đất nổi cơn đại hội
Dân làng văn lắm nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai cách trở cho nên nỗi này.
2- Trống Hà thành lung lay bóng nguyệt
Sương Ba Đình mờ mịt như mây
Bảy lần nghị quyết trao tay
Đêm đêm bàn bạc ngày ngày tung tin
3- Phút khai mạc hội trường ngơ ngác
Nghe Đông Hoài giảng Mác Lênin
Nhà văn phải có niềm tin
Đổi mới, dân chủ kề bên kết đoàn
4- Hội thảo thọ tràng giang hùng biện
Tới Bắc Kinh bàn chuyện Xô Nga
Dài như chuyện nước nam ta
Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao
5- Ngôn luận chiến cứ ào ào sấm nổ
Tưởng cơ đồ sụp đổ tới nơi
Bác Sáu à - Bác Sáu ơi
Nhà ta nó phá tan rồi còn đâu
6- Trang giấy trắng một màu quan ải
Oan khiên này biết giải cùng ai
Giận hờn quá hóa thiên tai
Văn đàn bỗng hóa vãn đài phải chăng?
 
Đọc xong, tôi cứ thú vị và cười một mình. Lớp trẻ bây giờ thật tuyệt vời - vừa có tài vừa có bản lĩnh. Tôi rất yêu quý họ và nhiều người trong số họ cũng yêu quý tôi. Tôi không chủ quan khi khẳng định điều này. Và đây chính là lại thêm một hạnh phúc lớn nữa của đời tôi...
Sau Đại hội Hội nhà văn lần thứ IV, tôi lại có một sự kiện nữa. Đó là chuyện báo Cửa Việt phỏng vấn tôi. Khi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tách ra khỏi anh Bình Trị Thiên, tỉnh Quảng Trị có một hội văn nghệ riêng và Hội đó ra một tờ báo riêng, đó là báo Cửa Việt, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng biên tập. Sau khi Cửa Việt ra số 1 tôi nhận được một thư phỏng vấn của Cửa Việt. Thư phỏng vấn có 4 câu hỏi:
-Về Nghị quyết 05.
- Về tình hình văn học hiện nay.
- Về Nguyễn Huy Thiệp.
- Về Đại Hội lần IV của Hội nhà văn.
Tôi vốn rất có cảm tình với nhóm Sông Hương trong đó có Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong không khí đang còn hào hứng của đổi mới, tôi đã trả lời phỏng vấn. Ba câu hỏi trên tôi đã trả lời tóm tắt nội dung bản "kiểm điểm". Còn về câu hỏi thứ tư tôi đã không do dự trả lời đúng như những gì tôi nghĩ, đúng như những gì nó đã diễn ra mặc dầu một số người cố ý không chấp nhận điều đó.
Báo Cửa Việt hỏi: Anh không tham gia nhưng đã theo dõi Đại hội Nhà Văn lần thứ tư, xin anh cho biết suy nghĩ của anh về Đại hội này?
Trả lời: Đại hội Nhà văn là một đại hội rất tốt đẹp, tôi rất vui mừng và yêu mến thêm các nhà văn rất nhiều. Đại hội đã chứng minh được giúp tôi một nhận định của tôi đã có từ lâu mà có nhiều người phản bác: Nhận định đó là các văn nghệ sĩ của ta rất đáng tin cậy, được rèn luyện khá nhiều đã có đủ sức để biết giải quyết công việc của mình tốt hơn những người khác cứ muốn làm hộ. Tất nhiên, các việc Hội Nhà văn và các Hội khác đã làm chưa đầy đủ chưa hoàn toàn. Nhưng đã là tốt đẹp. Sau này các Hội sẽ bổ sung, sẽ chỉnh lý, sẽ làm thêm, và cũng chỉ các Hội mới biết làm thế nào cho tốt. Có những việc, các Hội có thể làm không tốt làm sai, làm có hại vì nhiều lý do. Nhưng rồi cuối cùng cái gì là sự thật, cái gì là tốt hơn cũng sẽ có người nói lên, vạch ra. Đại hội Hội Nhà văn đã làm việc đó, đã cất lên những tiếng nói vừa xúc động vừa có sức mạnh vạch trần những sai lầm, bất công, những dối trá, xuyên tạc vu cáo. Tiếng nói đó có khi là những lá phiếu. Vì vậy Đại hội Nhà văn là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong quá trình dân chủ hóa của Đảng ta và của nước ta.
Trong Đại hội có một sự việc liên quan đến tôi tiện dây tôi muốn nói rõ, để có một số người nghe những tin đồn khác nhau cứ đến hỏi tôi rằng: sự thật thế nào?
Sự thật là như sau: Trong thời kỳ chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà văn, thời gian mà Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương không còn, tôi được thông báo là sẽ có Hội nghị Hội viên là Đảng viên và trong Hội nghị đó Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương cần có bản kiểm điểm, vì trước đó giữa Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương và Ban thư ký cũ của Hội Nhà Văn có một sự việc quan hệ không thuận lắm. Tôi đã chuẩn bị một bài viết gọi là kiểm điểm. Có những người cho rằng bản kiểm điểm đó sẽ là sự nhận hết những tội lỗi mà họ đã báo cáo với cấp trên. Tôi gửi lại bản tài liệu, tôi xin phép vắng mặt vì tôi cũng là Hội viên, Đảng viên. Tôi không yêu cầu công bố bản đó mà chỉ gửi cho các đọc chủ trì Hội nghị. Nhưng tất nhiên, tôi cũng không yêu cầu không công bố. Thế rồi ra Hội nghị chính thức, có người và sau đó nhiều người yêu cầu công bố, Chủ tịch đoàn quyết định cho công bố, yêu cầu anh Nguyễn Văn Hạnh phó Ban Văn hoá Văn nghệ cũ và cũng là một hội viên đọc tài liệu đó giữa Đại hội. Tôi đã nói tôi viết tài liệu đó không phải để xưng tội, mà là để góp tiếng nói trung thực làm sáng tỏ những sự thực về quan điểm nhận thức và về một vài sự kiện. Tôi được biết đa số đại hội chấp nhận những điều tôi trình bày - Tất nhiên cũng có những người không chấp nhận, không dám chấp nhận và không muốn chấp nhận. Thật ra tôi còn muốn bài đó được đăng báo nữa. Và ai muốn bác bỏ nó thì cũng viết báo nói lại cho mọi người cùng xem và xét. Nhưng tất nhiên sau Đại hội, tự nhiên tất cả các báo từ Nam chí Bắc đều im hơi lặng tiếng. Báo Đất Quảng có đăng một số tham luận của Đại hội thì bị giữ lại, không được phát hành. Ai và ở đâu có chỉ thị ngầm này. Đồng thời sau Đại hội lại có lan truyền một tin tức nghiêm trọng là anh Nguyễn Văn Hạnh bị kiểm điểm nặng nề và bị cách chức! Tôi đã công khai đặt ba câu hỏi (tôi không tiện nói đặt ra với ai):
1 - Tài liệu của tôi có phải tài liệu bị cấm lưu hành không? Có phải tài liệu loại "tuyệt mật " không? Nếu không bị cấm, không tuyệt mật thì anh Hạnh hay ai đó có truyền đi, tại sao lại có thể là "phải kiểm điểm " phải có tội
2- Tôi không yêu cầu công bố vì tôi tự thấy không thể tự tôi yêu cầu công bố kiến của tôi trước Đại hội - vì nó là tài liệu quá dài nên đọc nó gấp ba lần thời gian cho phép tham luận- nhưng tôi cũng không yêu cầu không công bố. Trong thâm tâm, tôi muốn được nhiều người biết để xóa bỏ một loạt ý kiến xuyên tạc vu cáo có thể nói là bỉ ổi.
3- Sự việc rành rành như vậy tại sao anh Nguyễn Văn Hạnh cứ bị yêu cầu kiểm điểm làm cho anh Hạnh không biết mình phải kiểm điểm như thế nào?
Đại hội vui thế, tốt thế, thế mà sau Đại hội lại có việc "vớ vẩn " thế. Tôi cũng muốn bắt chước Nguyễn Duy quát to lên rằng: Ai? Ai định làm gì? Ai định làm thế để làm gì? Hãy nói công khai huỵch toẹt ra xem nào? Thời kỳ dân chủ và công khai sao lại còn có những việc úp úp mở mở, lắt léo, mù mờ, ám muội thế này? Có người bảo là ý kiến Ban bí thư yêu cầu, tôi trực tiếp hỏi anh Đào Duy Tùng là bí thư phụ trách tư tưởng, anh Tùng bảo là không có. Vậy có bao nhiêu việc mà người ta cứ nhân danh Ban bí thư áp đặt quyền uy một cách ám muội như thế này? Tôi đã trả lời một cách thẳng thắn các câu hỏi của các đồng chí. Cảm ơn các đồng chí Cửa Việt đã hỏi để tôi được nói lên những điều cần nói. Ai muốn bác bỏ những điều tôi nói xin báo Cửa Việt cũng thu nhận và đăng bài công khai... cho nó vui.
Trong sự kiện Đại Hội Nhà Văn, anh Nguyễn Văn Hạnh có bị liên lụy nặng nề. Số là trước khi tôi đi công tác ở miền Nam, tôi gửi lại anh Hạnh, lúc ấy là phó ban văn hóa văn nghệ cùng với tôi, ba bản "kiểm điểm" như tôi nói trên và tôi có tặng riêng anh Hạnh một bản "làm kỷ niệm". Vì tôi gửi cho các đồng chí chủ trì Hội nghị Hội viên - Đảng viên, nên Chủ tịch đoàn của Đại hội không có trong tay bản nào.
Khi trong Đại hội có người đòi công bố bản kiểm điểm của Trần Độ với dụng ý là được nghe những lời "xưng tội của Trần Độ, để sau đó có dịp đánh hôi thêm, tấn công rầm rộ vào xu hướng đổi mới. Những người công khai thì thành thật muốn biết ý kiến của tôi, thế là trong đại hội nổi lên một yêu cầu rầm rộ và gay gắt. Chủ tịch đoàn đành phải đáp ứng yêu cầu này. Trong Hội nghị Đảng viên, các đồng chí chủ trì không thông báo sự việc "có bản kiểm điểm" và chủ trương "cất kín" không công bố. Đến nay ở Đại hội có việc này, Chủ tịch đoàn bảo là Chủ tịch Đoàn không có bản đó trong tay và cất tiếng hỏi "Ai có không?" Anh Hạnh với lòng trung thực của mình liền bảo: "Tôi có". Thế là Chủ tịch đoàn yêu cầu anh Hạnh đọc luôn cho Đại hội nghe. Tôi nghe nói lại là, khi anh Hạnh đọc, không khí Đại hội rất sôi nổi, nhiều đại biểu tán thành và hưởng ứng, nhiều tràng vỗ tay.
Nhưng sau đó thì anh Nguyễn Văn Hạnh mang một vạ lớn: Cấp nào đó yêu cầu anh Hạnh phải kiểm điểm! Thương thay, anh Hạnh không biết phải kiểm điểm thế nào, vì anh tự thấy anh không hề có khuyết điểm gì? Anh không làm việc gì có hại hoặc không có lợi. Anh liền viết bản "Trình bày về việc... đọc bản kiểm điểm của anh Trần Độ. Nhưng cấp lãnh đạo cho rằng kiểm điểm thế là không thành khẩn, không đạt yêu cầu. Anh Hạnh phải kiểm điểm lần thứ hai. Lần này anh cũng không biết nói gì hơn, anh chỉ biết sửa đầu đề từ chỗ "bản trình bày" thành "Bản kiểm điểm" và thế là lại không đạt yêu cầu. Lãnh đạo lại yêu cầu anh Hạnh phải kiểm điểm trước Hội nghị Chi bộ của Ban Văn hóa văn nghệ. Tôi đã thôi làm Trưởng ban, nhưng vẫn là một đảng viên trong chi bộ của Ban. Tôi đi công tác miền Nam về Hà Nội đúng vào dịp có Hội nghị chi bộ đó. Hội nghị đó anh Trần Trọng Tân trưởng ban mới của Ban tư tưởng văn hóa đến dự. Trong cuộc Hội nghị đó có đồng chí phê bình anh Hạnh là "thiếu ý thức tổ chức kỷ luật", biểu hiện ở chỗ không biết đón ý cấp trên. Cấp trên đã không muốn cho công bố tài liệu đó của Trần Độ, mà anh Hạnh lại cứ tạo điều kiện cho tài liệu đó được công bố. Tôi phát biểu ý kiến bác bỏ ý kiến đó. Tôi nói: Nếu quan niệm ý thức tổ chức kỷ luật là phải biết "đón ý cấp trên" thì là sai lầm và bản thân tôi cũng không muốn có cái ý thức đó
Anh Trần Trọng Tân thì cho là anh Hạnh không khéo ứng xử. Anh Tân nói nếu như anh Tân gặp trường hợp đó thì anh sẽ ứng xử khác. Anh Hạnh đáp lại là mỗi người có một cách ứng xử riêng. Và cách ứng xử của anh Hạnh không có tội lỗi gì.
Tôi đề ra ba câu hỏi, như đã nêu trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Cửa Việt. Cuối cùng anh Tân cũng chỉ kết luận được là anh Hạnh đã ứng xử "không khéo". Vậy là cuộc kiểm điểm đã kết thúc dưới dạng một cái đuôi chuột. Và sự việc không đi đến đâu.
Sau khi báo Cửa Việt số 2 đã phát hành. Tôi được ban bí thư thông báo cho biết là có nhiều ý kiến phản ứng ở các nơi gửi về Ban bí thư, đặc biệt là có một số ý kiến của một số đảng bộ trong quân đội.
Tiếp theo đó, tôi phải có mặt làm việc với Ban bí thư và Bộ chính trị và tôi được Ban kiểm tra Đảng thông báo là sự việc của tôi phải được đem ra trong Hội nghị Trung ương sắp tới. Trong Hội nghị này Trung ương sẽ xem xét mấy vụ kỷ luật. Những vụ kỷ luật thì Ban kiểm tra Đảng sẽ báo cáo trước Hội nghị. Còn việc của tôi, Bộ chính trị không coi là vụ kỷ luật, mà chỉ là một sự việc có các phản ứng của Đảng bộ. Sự việc này sẽ do Bộ chính trị thông báo lại với Trung ương và Bộ chính trị không đề nghị kỷ luật.
Đến Hội nghị Trung ương sự việc diễn ra đúng như thế Nhưng sau khi Bộ chính trị, mà anh Đào Duy Tùng là đại diện thông báo, Chủ tịch đoàn Hội nghị hỏi Trung ương có ý kiến gì, thì lập tức có một số đồng chí phát biểu (độ 5, 6 người tôi không nhớ rõ) lên án tôi gay gắt cho tôi là vì bênh vực các văn nghệ sĩ nên gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương. Các địa phương không đưa văn nghệ sĩ vào trật tự được, có người thì lên án tôi là đã phát biểu như là nói Ban bí thư có những việc làm mờ ám, như thế là xúc phạm cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Sau đó Chủ tịch đoàn nói là "Yêu cầu Trung ương cho ý kiến về kỷ luật", và văn phòng phát phiếu kỷ luật cho toàn thể các đồng chí chính thức để ghi ý kiến. Tôi cũng nhận được một phiếu. Tôi có lưu ý đến một số chi tiết: Phiếu này được in sẵn với đầu đề: "Phiếu về thi hành kỷ luật đồng chí Trần Độ" và có 4 mức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Tôi chỉ nhớ được kết quả là có 65 ý kiến: Cảnh cáo, chỉ có 3 ý kiến là không kỷ luật còn độ hơn mười ý kiến là khiển trách. Như vậy kết luận là tôi bị kỷ luật cảnh cáo.
Tôi còn nhớ một chi tiết nữa là các bản thông báo kỷ luật thì hai đồng chí bị thi hành kỷ luật thông báo tội trạng chỉ có khoảng nửa trang đánh máy và riêng bản thông báo kỷ luật của tôi dài tới 5 trang, trong đó có cả những nội dung như là tranh cãi lý luận với tôi vậy.
Thế là kết thúc một quãng đời tôi 15 năm (1975 - 1991) là quãng đời hoạt động trong hòa bình và thống nhất của đất nước.
Cuộc đời tôi có nhiều quãng:
1 940 - 1 945 hoạt động bí mật và ở tù.
1946 - 1954 Kháng chiến chống Pháp.
1955 - 1964 Xây dựng quân đội trong hòa bình.
1965 - 1974 Chiến đấu chống Mỹ ở B2.
Và quãng 15 năm này nghĩ lại cũng thấy có nhiều việc vui buồn đáng tiếc và đáng nhớ. Nhưng nói chung, tôi không có gì phải ân hận. Hiện nay tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn, lấy việc theo dõi tin tức, tiếp nhận những kiến thức mới làm niềm vui cuộc sống.

______________________________________________