Dịch giả: Phan Quang
Chương 19
CHUYỆN NHÀ BÁC HỌC AVIXEN (*).

NGÀY 136, 137, 138, 139, 140, 141

Tôi sinh ra tại một thị trần gọi là Absana. Tôi hầu như vừa lớn lên qua khỏi tuổi nằm nôi, cha mẹ tôi đã gửi đến thành phố Bocara cho theo học các trường học ở đấy. Bắt đầu tôi học Kinh Coran. Vì cũng có năng khiếu về văn chương, năm lên mười tôi đã thuộc hết bộ thánh kinh ấy. Sau đấy tôi được dạy số học, đọc các tác phẩm của Ơclit, rồi chuyển sang các môn toán học. Tôi cũng nghiên cứu triết học, y học và thần học.
Tôi đạt khá nhiều tiến bộ khi đi sâu vào các môn khoa học ấy, thành thử chỉ trong một thời gian ngắn tôi rất nổi tiếng. Chưa tới hai mươi tuổi, tên tuổi tôi đã lừng lẫy từ bờ vịnh Ba Tư đến cửa sông Ấn.
Một hôm cha tôi đến kinh đô Xamacan có công việc gì đấy, tôi theo ông đến thành phố ấy. Nhân vào tham quan trong triều, tôi gặp ở đấy nhiều người quen, họ khen ngợi tôi không tiếc lời. Những lời khen ấy đến tai tể tướng, ông ngỏ ý muốn gặp riêng tôi. Sau buổi chuyện trò, ông mời tôi ở lại luôn kinh thành Xamacan để gần gũi với ông. Tôi đồng ý. Tôi có nhiều ảnh hưởng đối với tể tướng, tới mức ông không ra quyết định nào không tham khảo ý kiến của tôi.
Vị tể tướng ấy không thọ được lâu. Song ông qua đời, tôi không mất đi một người tôi rất yêu quý, mà sự nghiệp của tôi còn rực rỡ hơn. Quốc vương nước ấy quý tôi không khác gì quý vị đại thần quá cố. Tôi được giao nhiều quyền hành. Một thời gian sau, bởi sau khi vị tể tướng từ trần vẫn chưa có ai giữ trọng trách ấy, nhà cua ngỏ ý giao luôn cho tôi đảm nhiệm, tôi chấp nhận.
CHÚ THÍCH.
(°) Avixen là tên một nhà bác học nổi tiếng trong nền văn hoá A rập Hồi giáo. Ông người gốc Ba Tư, tên đầy đủ là Abu Alf Huxyin Ibn Abđalala Ibn Sinâ (980 – 1037). Là thầy thuốc, triết gia và nhà thần học rất được kính trọng, ông có nhiều trước tác về y học thực hành, triết học, nghiên cứu thần học còn lưu lại nhày nay. Dĩ nhiên truyện dưới đây chỉ là một trong nhiều huyền thoại lưu truyền trong dân gian về một con người có thực (PQ).
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU.
Tuy phải làm nhiệm vụ một vị đại thần đứng đầu triều, tôi vẫn cố sắp xếp thời gian để nghiên cứu. Nhưng cho dù rất ham học tập, cũng chỉ có thể thu xếp được có mấy tiếng đồng hồ một ngày. Vì vậy tôi quyết định từ bỏ công việc triều chính. Tôi năn nỉ mãi mới được quốc vương chấp nhận, bởi vua rất hài lòng với công vụ của tôi. Vua không cố ép để tôi phải giữ nguyên chức vụ, song ông nói chỉ bằng lòng cho tôi miễn nhiệm với điều kiện không rời khỏi triều đình vua để đi nơi khác.
Bản thân tôi cũng không muốn đi xa khỏi triều đình. Tôi vốn quý trọng nhà vua ấy, hơn nữa quá cảm kích bao nhiêu ân huệ vua ban, cho nên dù rất ham mê nghiên cứu, tôi vẫn không lui về cảnh sống cô đơn ẩn dật chỉ vùi đầu vào sách. Vậy là tôi vẫn ở lại triều đình, song nhường dinh tể tướng cho người kế vị. Tôi chuyển sang ở một ngôi nhà khác cũng trong khuôn viên hoàng cung, sống ở ngôi nhà ấy gần như một vị quan hưu trí. Tôi chia thời gian của mình thành hai phần: nghiên cứu và gặp gỡ đàm đạo với nhà vua.
Không chỉ đọc sách, tôi còn viết nhiều tác phẩm, một số bằng thơ, một số bằng văn xuôi. Tôi khác với một số các nhà bác học chẳng để lại lại ích cho đời, chỉ biết đam mê đọc sách, nhồi nhét vào đầu đủ mọi thứ kiến thức để rồi chết đi mà không lưu lại cái gì khiến cho công chúng gặt hái thành quả nhờ những hiểu biết của mình. Cứ mỗi lần suy ngẫm được những điều sâu sắc thì tôi diễn giải ngay thành tác phẩm để chia sẻ với mọi người. Tôi đã trước tác gần một trăm cuốn sách đề cập nhiều môn học. Các tác phẩm ấy được người đời cho xứng đáng được gọi là Những trước tác vinh quang.
Tôi cũng có quan tâm, nghiên cứu môn hoá học và môn khoa học bí huyền, theo đó có thể cắt nghĩa mọi hiện tượng biến hoá trong tự nhiên. Hồi ấy tôi đã là một nhà pháp truyền danh tiếng. Chợt một hôm có sứ thần của vua Cubêtdin, quốc vương xứ Catga đột ngột đến kinh thành Xamacan. Người ta đàm đạo khá nhiều về chuyến đi sứ ấy. Người thì bảo sứ thần đến để tuyên chiến với nước Xamacan, người thì cho sứ thần có sứ mệnh đề nghị nước Xamacan liên minh với nước Catga. Chẳng ai rõ sự thật.
Sứ thần được tiếp kiến. Sau khi trình quốc thư, ông làm mọi người khá ngạc nhiên khi tâu với vua Xamacan như sau:
- Tâu bệ hạ, quốc vương Cubếtdin chúa tể  của tôi, một hôm trong một bữa dùng cơm thân mật nói chuyện với một số đại thần về các bậc triết gia thời cổ. Vua hỏi họ, không biết trên đời này còn có ai thông thái như các bậc hiền triết Hipocrat thời cổ đại hay không. Một vị đại thần tâu, có nhiều thương gia nước ngoài vừa mới đến kinh đô Catga; họ là những người từng rong ruổi khắp năm châu bốn bể, có thể họ rõ ngày nay ở đâu có các nhà thông thái. Thế là quốc vương chúng tôi cho mời các thương nhân ấy đến. Họ cho biết ở triều đình Xamacan hiện có hai vị triết gia lừng danh không ai không ngợi ca tài trí. Một vị quý danh là Avixen, vị kia là Fazen Asfahani. Các thương nhân nói hai vị hiền triết ấy am tường mọi bí quyết của tự nhiên, bản thân các thương gia ấy đã có dịp được nhìn thấy hai vị thực hiện nhiều việc lạ kỳ.
Các thương gia ấy ngợi ca nhài Avixen và ngài Fazen ấy không tiếc lời, quốc vương chúng tôi có ý muốn xin bệ hạ cho chúng tôi mời họ sang nước chúng tôi một thời gian. Quốc vương chúng tôi thiết tha muốn được gặp mặt cả hai vị cùng một lúc. Quốc vương chúng tôi xin bệ hạ vui lòng để hai vị ra đi. Đức vua nước tôi muốn được nghe các vị ấy trình bày và phán đoán xem các vị ấy hiểu biết sâu rộng đến đâu. Chả là quốc vương Cubêtdin chúng tôi cũng là một nhà vua rất thông tuệ, ngài đã học qua tất cả các môn khoa học.
Sứ thần trình bày như vậy, quốc vương Xamacan liền cho người vời cả ông Fazen và tôi cùng đến, và nói như sau:
- Đức vua nước Catga có nhã ý muốn đàm đạo với hai vị. Ta nghĩ không thể không đáp ứng mong muốn của quốc vương nước ấy.
Ông Fazen đáp ngay:
- Tâu bệ hạ, ngài cứ phán, nhiệm vụ chúng tôi là tuân hành. Về phần mình, ngài bảo cần làm gì, tôi làm theo như ý của ngài.
Thấy tôi vẫn lặng im, quốc vương hiểu tôi chẳng thích thú mấy việc ra đi, liền nói:
- Ông Avixen à,  ta thấy ông không đáp. Hình như chuyến đi này khiến ông không thoải mái lắm.
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY.
Tôi đáp quả thực tôi cảm thấy ngại ngùng không thích lắm công việc người khác đòi tôi phải làm. Nghe vậy Fazen Asfahani nói, nếu chúng tôi khước từ, quốc vương Cubêtdin sẽ đi đến kết luận không hay, nhà vua ấy sẽ nghĩ chúng ta chẳng giỏi giang như người đời đồn đại. Hơn nữa các vị quân vương là người tạo nên danh vọng cho chúng ta. Nếu họ có ý làm hại, họ sẽ viết thư ra nước ngoài nói về chúng ta những điều bất lợi. Vì vậy để bảo toàn quang vinh, chúng ta nên tuân thủ ý muốn của quốc vương nước Catga.
Lời Fazen khiến tôi nổi nóng. Tôi bảo ông:
- Ông quả thực có một nỗi lo lố bịch đối với một triết gia. Này, tôi xin hỏi, làm sao các vị quân vương có thể làm hại một con người nắm vững các môn khoa học như tôi đây? Ông nên biết, sở dĩ tôi lưu lại triều đình này, bởi tôi quý đức vua. Không có tình thân hữu thể hiện dưới muôn vàn ân huệ của đức vua, thì tôi đã đến một nơi nào khác trên trái đất, sống trong sự độc lập hoàn toàn từ lâu lắm rồi. Đối với ông là người chưa cao hơn số mệnh, ông cần có sự bảo hộ của các vị quân vương, ông nên sang bên nước ấy ăn ở cho vừa lòng vua Canđaha. Một khi nhà vua ấy chưa hài lòng về kiến thức của ông, ít ra cũng hài lòng về thái độ ông muốn làm vừa ý mình, chắc chắn ông ấy sẽ viết thư ra nước ngoài loan truyền những điều có lợi cho ông.
Tôi nhìn thấy rõ câu nói vừa rồi của tôi làm cho ánh mắt Fazen loé lên một cơn giận dữ, khó khăn lắm ông mới kiềm chế nổi. Quốc vương Xamacan cũng nhận thấy điều đó. Vua không muốn để cho lời qua tiếng lại giữa hai chúng tôi biến thành một cuộc tranh cãi, liền nói với tôi:
- Ông Avinxen à, ta mong ông chiều lòng mọi người. Đức vua nước Catga có mong muốn được gặp ông, là một người đầy tài năng, giỏi các môn khoa học và quý các bậc thông thái. Vua có sở nguyện được đàm đạo với ông. Nếu chúng ta cho sứ thần lui về với lời khước từ thì thật là không phải. Ta không dám chê trách lòng tự hào của ông, do những kiến thức hiếm có mang lại. Tuy nhiên, xin ông hãy suy nghĩ, các bậc quân vương cũng đáng để người khác có ít nhiều trọng thị đối với họ chứ. Ông hãy nghe lời ta, hãy sang bên triều đình vua Cubêtdin. Ông sẽ lưu lại đấy một thời gian rồi lại trở về đây với chúng ta, nếu ông còn giữ được những tình cảm tốt đẹp đối với ta như lời ông vừa biểu lộ.
- Tâu hoàng thượng đầy quyền uy, - tôi đáp lời vua Xamacan - bởi ngài đã ngỏ ý, muốn tôi đi đến nước Catga, như vậy sẽ làm vui lòng ngài, thì tôi đâu còn dám khước từ. Tôi sẵn sàng lên đường. Đối với tôi, ngài có đầy đủ quyến uy như đối với một nô lệ. Nếu ngài cần, tôi sẵn sàng xả thân.
Nhà vua tỏ ra cảm kích về sự trọng thị của tôi đối với ông. Vua sai ban cho sứ thần nước Catga một chiếc áo thêu vàng, và khẳng định ông Fazen và tôi sẽ mau chóng lên đường ngày một ngày hai, nhờ sứ thần trở về tâu như vậy để quốc vương Cubêtdin rõ.
Fazen Asfahani là một người trạc tuổi tôi. Đúng ông là một con người thông thái, tuy nhiên các thương gia khi giới thiệu với nhà vua xứ Catga, cũng có khen ông hơi quá lời. Mấy ngày trước khi chúng tôi cùng khởi hành, vị triết gia đến gặp tôi và nói:
- Thưa ngài Avixen lừng danh, người đời cho chúng ta là những nhà bác học hoàn hảo, tôi nghĩ chúng ta không nên du hành như những người bình thường. Chúng ta phải làm một việc gì đó khác thường. Ngài có muốn chúng ta cùng nhau thực hiện chuyến đi này đến nước Catga không cần ăn uống dọc đường hay không? Cho dù chuyến đi cũng hơi dài ngày đấy, tôi nghĩ điều tôi vừa đề nghị chẳng khó khăn gì đối với một bậc đại thông thái như ngài. Như vậy chúng ta chỉ cần chuẩn bị thực phẩm cho bọn người theo hầu đủ dùng trong suốt chuyến đi, còn chúng ta sẽ thực hiện nhịn ăn nhịn uống. Bọn người hầu ấy sẽ là những chứng nhân chuẩn xác nhất cho việc ấy. Khi đến kinh thành Catga, chúng sẽ loan truyền cho mọi người rõ, và sẽ mang lại vinh quang lớn cho chúng ta.
Ông Fazen sở dĩ đề nghị với tôi như vậy vì ông ấy nắm được thuật luyện linh đan, mỗi ngày chỉ cần ngậm một viên linh đan, đủ nuôi sống hoàn toàn một con người to lớn khoẻ mạnh. Nếu chuẩn bị và mang theo vừa đủ để dùng mỗi ngày một viên, thì chắc chắn không phải lo đói khát dọc đường. Ông Fazen nghĩ, tôi sẽ không thể không chấp nhận đề nghị của ông, bởi làm như vậy sẽ tỏ ra mình là người kém tài so với ông ấy. Vì vậy ông bảo sẽ chờ thêm năm hoặc sáu ngày sẽ lên đường. Tuy nhiên, tôi chẳng chút bối rối như ông ấy nghĩ, tôi đồng ý ngay sẽ cùng du hành theo cung cách ấy. Tôi luyện một loại thần dược củng cố khả năng nuôi sống con người giống hệt các viên linh đan của ông ta. Vậy là hai bên chẳng ai ngỏ cho người kia biết mình chuẩn bị thứ gì, chúng tôi giã từ Xamacan lên đường tới Catga.
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM.
Ba bốn ngày đầu, chúng tôi đều đàng hoàng, chẳng ai cần ăn uống gì sất, trong lúc đi đường. Thần dược của tôi cũng như linh đan của ông đều tỏ ra vô cùng hiệu nghiệm. Hai người, ai nấy đầy tự tin. Thỉnh thoảng tôi quan sát ông ta để xem người ông có dấu hiệu gì đổi khác hay không. Ông cũng hay nhìn ngó để ý đến tôi, bởi chính vì lý do ấy. Về phần mình, cơ thể tôi không suy nhược đi, mà còn tỏ ra mỗi ngày một cường tráng hơn. Nhưng ông bạn đại thông thái của tôi không được như vậy. Ông ta đánh rơi mất các linh đan. Người ông ta trở nên mơ màng, buồn bã, mặt mũi ông ta mỗi ngày một xanh tái, làm tôi hiểu sự tình không ổn rồi. Nhưng ông giấu nhẹm điều bất hạnh xảy ra, ông cố gắng kiên nhẫn chịu đựng, và vì vậy mỗi ngày một thêm suy nhược. Thấy tình cảnh ông thảm thương quá, tôi mời ông dùng thần dược của tôi, song ông khước từ. Ông thà chịu chết còn hơn phải thú nhận mình cần có sự cứu giúp của người khác.
Tôi hết sức xúc động trước vịêc ông Fazen qua đời. Tôi khóc thương ông thật lòng. Với sự trợ giúp của những người theo hầu, tôi an tán ông trên dãy núi Botom. Trong số những người giúp việc có một anh rất được ông Fazen tin cậy. Anh ta nói cho tôi biết sư phụ anh có luyện linh đan. Chúng tôi lục tìm các túi trong bộ quần áo ông mặc, không thấy đâu chúng tôi nghĩ chắc ông đánh rơi mất dọc đường.
Sau khi làm lễ tang trọng thể cho ông Fazen, với những nghi thức tốt nhất có thể trong hoàn cành ấy, tôi mang tất cả số tiền bạc vua Xamacan đã ban cho ông Fazen và tôi để nuôi những người nô lệ theo hầu trong thời gian sẽ lưu lại kinh thành vua Catga, chia đều cho mọi người, sau đó tôi tuyên bố cho tất cả trở thành những người tự do. Tôi nói với họ:
- Các anh ai muốn đi đâu thì đi, tuỳ ý thích. Hãy để tôi lại một mình giữa vùng núi non này. Tôi không cần đến các anh nữa.
Những người giúp việc, một số đi về nước Tocarestan, một số khác sang xứ Fergan, những người còn lại vượt qua dãy núi Imaut, váo đất nước Tuôckhen.
Chờ cho tất cả đi khỏi rồi, tôi nán lại hồi lâu bên ngôi mộ của Fazen Asfahani, vừa khóc thương cho số phận không may của nhà triết gia ấy, vừa chê trách ông đã quá khinh suất và kiêu căng. Tiếp đó tôi suy nghĩ nên làm gì bây giờ. Tôi không muốn tiếp tục đi về nước Catga nữa, cũng không trở lại Xamacan. Tôi quyết định một thân một mình đi chu du khắp thế giới. Tôi đi đến xứ Uzcun, từ đó sang thành phố Côgien, rồi từ đấy thẳng theo con đường có sẵn quen thuộc với mọi người, sau nhiều ngày đường, tôi đến kinh đô nước Carim.
Tôi đang đi dạo thăm thành phố lớn ấy, chợt nghe tiếng ồn ào, rồi thấy nhân dân nhiều người có vẻ náo động. Những người buôn bán nhỏ và thợ thủ công đóng cửa hiệu, hoà vào dòng người đang nói chuyện ồn ào, như thể có một sự kiện trọng đại nào vừa xảy ra hoặc đang diễn ra ngay lúc này. Hoá ra nguyên nhân gây nên là do một người loan tin, anh này mỗi lần thành phố có sự kiện gì cần công bố cho toàn thể mọi người đựơc rõ thì có nhiệm vụ vác loa đi rao khắp các phố phường. Hôm ấy, cứ cách chừng mười lăm phút, lại nghe tiếng người ấy rao một lần ở phố này hoặc phố nọ. Hỡi những ai yêu thích các môn khoa học, xin thông báo để quý ngài được rõ, mai là ngày vào hang.Vừa nghe tiếng rao, tôi quyết định đi theo sát người loan tin, để có cuộc chuyện trò riêng với anh về cái hang ấy. Đến cuối ngày tôi mới tiếp cận được anh ta, lúc anh xong việc sắp trở về nhà. Tôi chào hỏi anh lịch sự, và xin anh vui lòng cho biết cái hang ngày mai các nhà thông thái sẽ vào trong ấy có cái gì.
Người loan tin ngờ tôi là một nhà tu hành, liền đáp:
- Thưa thầy, ở bên ngoài thành phố này, về hướng biển Caspi, có một dãy núi gọi là Hồng Sơn, bởi quanh năm dãy núi ấy phủ toàn hoa hồng. Dưới chân dãy núi ấy có một cái hang khá rộng, từ ngoài có thể vào hang qua bốn cổng. Do chịu phép thần thông, bốn cánh cổng ấy tự mở ra và tự đóng lại vào một ngày đầu năm. Những người hiếu kỳ đến chờ ở cửa hang để vào ngay khi trời rạng sáng, lúc các ngôi sao trên bầu trời vừa tắt. Trong hang đá có vô vàn nào sách là sách, ai muốn chọn cuốn nào mang về nhà đọc, tha hồ chọn. Có điều phải mang sách và ra khỏi hang nhanh nhanh lên, bởi chỉ sau khoảng mười lăm phút hoặc nửa giờ tính từ lúc cổng hang mở ra, thì nó sẽ tự động đóng lại. Nếu một nhà bác học nào đấy quá say sưa chọn sách, không để ý đến thời gian và cứ nấn ná trong hang – việc này thỉnh thoảng cũng có xảy ra – thì rồi sẽ chết đói trong ấy, bởi phải chờ đúng một năm sau cổng hang mới lại mở ra.
Theo như lưu truyền, - người loan tin nói tiếp – chính nhà hiền triết Chehabetdin đã cho đào nên cái hang này để chứa các kinh sách của ông ấy – kể cả những cuốn do ông trước tác và những cuốn ông thu thập được từ khắp nơi trên thế giới. Suốt cả cuộc đời ông, nhất là những năm cuối đời, ông không tiếc công sức bỏ ra thu thập kinh, sách. Và kết quả công cuộc ấy là ông đã tích được hơn hai mươi ngàn cuốn sách riêng về cách luyện đá thành vàng, về các phương pháp tìm kiếm và phát hiện các kho tàng dưới đất. Lại có những cuốn sách dạy làm những việc kỳ diệu, như biến dạng một con người trở thành một con thú, hoặc là phả cho cây cỏ trở thành vật có hồn, nói tóm lại mọi bí quyết của đất trời đều được ghi chép lại trong một số cuốn sách nào đó, đặc biệt trong những cuốn do chính Chehabetdin biên soạn.
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN.
Tôi chăm chú theo dõi những điều người loan tin trình bày. Người ấy còn cho biết thêm, để bảo đảm an toàn cho kho sách quý báu lưu trữ trong hang đá, nhà hiền triết Chehabetdin đã yểm bùa bốn cánh cổng, vì vậy cho dù chỉ làm bẳng gỗ trầm hương bình thường, không ai có cách nào mở ra hoặc phá vỡ, cho dù với tài năng hoặc sức lực nào.
- Sự thận trọng ấy xem chừng chẳng cấn thiết lắm – tôi nói – bởi tất cả mọi người ai cũng vào được trong hang và tự do chọn sách ra cơ mà, người ta có thể lấy đi hết. Tôi ngạc nhiên sao cho đến nay tình trạng ấy vẫn chưa xảy ra.
- Thầy rất có lý khi nghĩ vậy, thưa thầy, - người loan tin mỉm cười đáp – bởi tôi chưa thưa thầy rõ, những người lấy sách trong hang mang về nhà bắt buộc sang năm sau phải mang đến trả lại chỗ cũ. Quên việc ấy đi ắt gặp chuyện không hay đấy. Có những thần linh chuyên lo việc giữ gìn thư khố ấy. Người nào đãng trí quên thì sẽ bị các thần linh ấy quấy rầy không yên, thậm chí có một vài người có lòng tham lam muốn giữ sách làm của riêng, đã phải đền bằng mạng sống của mình.
Biết rõ tất cả những điều vừa nghe, tôi cảm ơn người loan tin và xin cáo từ. Rất hài lòng về những chi tiết trên, tôi nảy ra ý sáng mai sẽ đi vào trong hang sách cùng với những người hiếu kỳ ở thành phố. Hơn thế, tôi còn quyết định sẽ ở luôn trong hang sau khi mọi người ra khỏi, cho dù sao đó có việc gì xảy ra. Tôi đã am tường khá sâu pháp thuật, chẳng có gì phải lo ngại nếu gặp các thần linh. 
Ngay lập tức tôi ra khỏi kinh thánh Carim, đi theo hướng về bờ biển Caspi. Đến chân núi Hồng Sơn, tôi nhìn thấy bốn cái cổng làm bằng gỗ trầm hương đúng như anh loan tin cho biết, trên các cánh cổng có chạm hình các linh thú, đấy chính là nơi bùa thần được yểm. 
Tôi trèo lên núi, nằm nghĩ giữa sườn núi hồng toả hương thơm nhè nhẹ. Tôi nôn nóng muốn mau chóng được vào trong hang, thành thử đêm hôm ấy không sao ngũ yên giấc. Cuối cùng trời rạng sáng. Từ phía thành phố đã có rất đông người kéo ra. Nghe tiếng chân họ rậm rịch, tôi vội suống núi, để mình khỏi là người cuối cùng lọt được vào hang. 
Các ngôi sao trên trời vừa lặn, thì đột nhiên bốn cánh cổng ở bốn hướng của quả núi tự động mở ra, gây nên tiếng ầm ầm khủng khiếp. Mọi người ùa vảo, toả đi khắp nơi trong hang đá, quả rất rộng, đúng như người loan tin hôm qua đã nói trước với tôi. Nói ở đây có vô vàn là sách và sách chẳng ngoa chút nào. Dọc trên các giá đóng bằng gỗ lô hội kê sát các thành hang, sách được xếp ngay ngắn, mỗi chiếc giá đều có nhãn ghi rõ giá này sếp sách thuộc môn khoa học nào. Giữa các hàng sách xếp trên giá lộ nhiều chổ trống, nhưng các nhà bác học mời vào đã mau chóng mang sách đã mượn trả lại và xếp vào các chổ trống ấy. Đồng thời trên các giá lại xuất hiện những chổ trống khác, bởi các nhà thông thái ấy lai chọn mượn những cuốn khác và vội vàng ra khỏi hang. 
Một lát sau, tôi lại nghe tiếng chuyển động ầm ầm, đấy là bốn cánh cổng đang tự động đóng lại. Lúc này chỉ còn mình tôi ở lại trong hang. Bởi hang sách được chiếu sáng từ các cổng, nay các cổng đóng chặt rồi, bên trong tối như mực, ngữa lòng bàn tay không nhìn thấy. 
Giá là một người nào khác chứ không phải tôi hẳn hết sức bối rối trong hoàn cảnh ấy. Nhưng tôi biết cách làm tan bóng tối. Tôi bắt đầu dùng pháp thuật bắt các thần linh trong nom hang sách này phải phục mình, sau đây tôi lệnh cho họ mang đèn đến, làm sao cho trong hang lúc nào cũng có ánh sáng đủ để đọc sách. 
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI.
  Một khi các thần linh đã chịu khuất phục một người nào đó, họ nhất nhất vâng lời các mệnh lệnh người ấy truyền. Tất cả các thần giữ hang ra đi và trở về trong nháy mắt, mang theo đủ đèn để chiếu sáng mười cái hang chứ không chỉ một cái hang này, cho dù nó rất rộng. Tôi nghĩ các thần linh dường như đánh cắp hết tất cả đèn đóm ở kinh thành Carim mang về đây cho tôi. Chưa bao giờ trong hang có nhiều đèn sáng y như một đêm hội vửa mở để mừng sự có mặt của tôi trong hang đá. Đâu đâu cũng có đèn, đèn để đọc theo các giá sách, đèn tro trên mái vòm cao, ngước nhìn lên như thể bầu trời đầy sao. Tôi hài lòng được các thần linh phục vụ chu đáo. 
Vậy là tôi vùi đầu đọc nhiều cuốn sách khá kỳ lạ. Có những cuốn luận bàn những điều kỳ diệu của hoá học và các môn khoa học bí truyền, tuy nhiên văn phong quá bóng bẩy, ngôn từ quá rối rắm, đến nối các nhà thông thái từng xem những cuốn sách ấy không sao hiểu thấu hết nghĩa lý. Muốn thấu triệt nội dung, phải có sẵn trong đâu tất cả kiến thức như tôi đã có. 
Tôi muốn ghi chép lại một vài đoạn trong sách. Tôi vừa ngỏ ý, các thần linh đã vội vàng mang đến đủ  giấy bút, làm như họ đúng là những tên nô lệ tận tuỵ với chủ. Họ còn lo việc đi tìm thực phẩm mang vào hang cho tôi, khi thần dược tôi mang theo đã cạn kiệt. Ngày nào các thần cũng mang vào hang cho tôi nhiều món an ngon cùng với rượu nho tuyệt vời của vùng Sira. Tôi chỉ co việc nói lên mình cần thứ gì, ngay tức khắc các thần cung ứng đủ. Tôi sống thật thoải mái trong hang đá ấy. Cũng có những cuốn sách hết sức bổ ích, qua những trang sách ấy tôi học được nhiều điều huyền bí của thiên nhiên. Tôi đọc sách suốt môt năm ròng không hề chán. 
Đến đầu năm sau, các cổng hang tự động mở ra như thường lệ. Những người hiếu kỳ lại đổ xô vào hang. Nhưng không một ai chờ đợi trong hang có nhiều đèn đóm sáng rực đến thế, cho nên ai nấy đều kinh hoàng. Mọi người vội vức lại những cuốn sách mang đến trả rồi ba chân bốn cẳng chạy thoát ra ngoài. Tôi cũng có ý nên ra ngay cùng với họ. Cần nói rõ, trong thời gian một năm ở trong hang, tôi để cho tóc, râu, lông mày mọc tự nhiên, thành ra bộ dạng người tôi trong rất kỳ cục, khiến ai nhìn thấy không khỏi khiếp đảm. Nhiều người kêu lên: "Phù thuỷ Muc đấy, đích thị phù thuỷ Muc kia rồi!" 
Phù thuỷ Muc vốn là một nhân vật xưa nay chuyên gây nên tai hoạ cho xứ sở này. Lão phù thuỷ ấy thường sử dụng pháp thuật cao cường để làm hại người đời. Nhân dân ai cũng kêu ca về lão. Nhà vua nước Carim nhiều lần huy động cả quân đội, nhưng chẳng sao bắt được lão. Lần nào lão cũng lẫn trốn giỏi như trạch, vì vậy chưa bao giờ phải chịu tội. 
Nghe mọi người gọi mình là phù thuỷ, vì thiếu thận trọng, tôi định tìm cách giảng giải cho họ hiểu ra. Tôi nói với dân chúng: 
- Hỡi những người anh em của tôi, các bạn nhầm rồi, tôi không phải lão phù thuỷ Muc các bạn đã nói đến đâu. Toi tuyệt nhiên không có mảy may ý định gây hại cho các bạn. 
Mọi người ngừng la hét nhưng chẳng ai tin lời tôi. Được một số người can đảm khích lệ, đám đông vây chặc tôi vào giữa, rối nhất tề xông vào bắt giữ. 
Lúc này, chỉ cần niệm một câu thần chú, tôi đã xô tất cả bọn người đổ nhào xuống đất và thoát khỏi tay họ ngay, nhưng tôi nghĩ chẵng cần kháng cự làm gì, để yên cho mọi người muốn làm gì thì làm. Họ càng tin tôi là phù thuỷ Muc. Sau khi trói nghiến tôi lại, họ dẫn tôi đến trình quan chánh án. Vừa nhìn thấy bộ dạng của tôi, viên quan đã phán ngay: 
-Tên khốn kiếp kia, lần này mày đừng hòng thoát khỏi tội. Mày làm dơ dáy cuộc sống này từ lâu bởi những hành động ghê tởm cúa mày. - Phán xong, quan quay sang nói lại với viên giúp việc - Ngay tức khắc, hãy cho dẫn tên này đến quang trường công cộng, nơi ta vẫn hành quyết những tên tội đồ nguy hiểm nhất. 
Viên chánh án vừa ngừng lời, bọn lính đã tóm lấy tôi, dẫn đến một quãng trường khá rộng. Trong thời gian ấy, viên chánh án vào triều tâu với nhà vua, xin nhà vua cho ý kiến nên xử tên phù thuỷ bằng hình thức nào. 
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT.
Quốc vương nước Carim nghe lâu lão phù thuỷ Muc đã bị bắt và hiện đã bị áp giải đến quãng trường chờ hành quyết, liên kêu kiệu đến tận nơi. Vừa mới đến, chỉ nhìn thấy bộ mặt tôi, vua đã truyền bắt tôi phải chịu chết trên giàn lữa. Vua chưa dứt lời, người ta đã mang tới một giàn hoả thiêu đủ chổ thiêu sống một lúc hai chục tên phù thuỷ. Công việc tiến hành nhanh chóng lắm, bỏi nhân dân tự động mang củi gỗ tới góp nhiều không kể xiết. Ai ai cũng thích thú chờ đợi xem cảnh tôi bị thiêu đốt thành tro. 
Tôi kiên nhẫn chờ cho người ta dẫn tới trói vào giàn hoả thiêu. Nhưng khi lữa vừa châm, tôi niệm mấy câu thần chú làm đứt tung moi dây nhợ trói buộc. Tôi nhặt một thanh gỗ, hoá phép thành một cỗ xe chiến thắng và bước lên xe. Tôi cho cỗ xe bay lượn nhiều vòng trên không trung. Nhân dân kinh thành Carim xem cỗ xe của tôi bay lượn cũng thích thú y như họ được nhìn thấy tôi bị đốt cháy trên giàn lửa vậy. Tiếp đó tôi cất cao giọng nói với nhà vua nước Carim: 
- Hỡi vua Clit-Arxơlan kém công minh kia, ngươi muốn hành quyết ta như giết chết một tên khốn kiếp, ngươi nên biết ta không phải một lão phù thuỷ mà là một bậc hiền triết. Ta có khả năng làm nhiều điều kỳ diệu hơn rất nhiều những gì ngươi đang được nhìn tận mắt. 
Nói xong, tôi biến mất, khiến nhà vua cũng như toàn thể dân chúng có mặt ở đấy, vô cùng kinh ngạt. 
Sau việc xảy ra ấy, tôi du hành suốt mười năm liền. Tôi đã đến các thành phố Cairo và Batda, đã đi nhiều vùng trên đất Ba Tư. Bất kỳ đến đâu, tôi cũng tạo nên hạnh phúc cho bạn bè. Sau khi chu du khắp thế giới, đến thành phố Astrakhan, tôi nảy ra ý muốn làm một việc gì đấy để người đời nói đến mình. Tôi ra ngoài kinh thành, tìm một nơi nhiều cây cối, chặt bốn mười cành cây dài bằng nhau, rồi niệm câu thần chú biến bốn mươi cành cây ấy thành bốn mươi con người. Tôi sai chúng tạo dựng nên khu nhà tắm bên ngoài cổng đô thành như bệ hạ đã thấy. Tâu bệ hạ, bốn chục cành cây ấy chính là bốn chục tên hầu. Chính vì lẽ ấy tôi có lý do để hỗi nãy tâu với bệ hạ, tất cả đều cùng một mẹ sinh ra, bởi tẩt cả đều từ đất mọc lên.