Dịch giả: Phan Quang
Chương 10 (B)
NGÀY 61, 62, 63, 64, 65,

 NGÀY THỨ SÁU MƯƠI MỐT.
Thấy bà hoàng hậu ngất đi, cũng như vẻ bối rối của hai cha con, Falala hiểu ngay những vị khách của mình không phải là những thương nhân như lời họ nói. Chờ bà hoàng hậu tỉnh lại rồi, cụ già nói với họ:
- Tôi thấy hình như các vị vô cùng thông cảm nỗi bất hạnh của đức Hãn người Nogai, hay là, tôi xin được nói thẳng điều tôi suy nghĩ, tôi nghĩ ba vị chính là những người đang bị vua nước Carim hận thù và truy đuổi.
Timuatat nói:
- Đúng vậy, thưa ngài. Chúng tôi chính là những nạn nhân ông ta đang tìm cách sát hại. Tôi chính là quốc vương xứ Nogai, đây là hoàng hậu vợ tôi và hoàng tử con trai tôi. Tôi xin lỗi, chúng tôi đã không nói rõ mình là ai sau khi được ngài đón tiếp trọng hậu và tin cậy tâm tình tối hôm qua. Giờ đây tôi hy vọng ngài sẽ cho chúng tôi lời khuyên bảo, bằng cách nào thoát khỏi cơn khốn đốn này.
- Tình hình cũng khá tế nhị đấy,-vị cựu vương xứ Muxen đáp.-Tôi biết Hãn Ilen xứ này. Ông ta rất sợ vua nước Carim. Và có thể tin chắc, để làm hài lòng vua Carim ông ta sẽ hạ lệnh lùng bắt các vị khắp nơi. Các vị không an toàn ở nhà tôi đâu, cũng như ở bất cứ nơi nào trong thành phố này. Các vị chẳng có con đường nào khác là nhanh chóng ra ngay khỏi lãnh thổ xứ Giaich này. Hãy vượt sang sông Irtic và cố gắng sao đến được càng nhanh càng tốt lãnh địa của người bộ tộc Belala.
Vua Timuatat, hoàng hậu và hoàng tử Calap đều cho rằng ý kiến cụ già là đúng. Falala liền sai chuẩn bị ngay ba con ngựa cùng thức ăn đầy đủ, rồi đưa cho họ một túi đựng đầy tiền vàng và bảo:
- Xin các vị lên đường ngay, chớ nên để mất thời gian. Có thể ngay từ ngày mai Hãn Ilen đã sai người săn lùng tìm bắt các vị.
Ba vị khách cảm tạ vị cựu vương và vội vàng lên ngựa rời khỏi xứ Giaich. Họ vượt qua sông Irtic, và sau nhiều ngày đường họ tới được xứ sở của bộ tộc người Belala. Gặp điểm dân cư đầu tiên họ dừng lại, bán ba con ngựa lấy tiền sống tạm ở đấy. Nhưng rồi số tiền nhỏ nhoi mỗi ngày một cạn, vua Timuatat lại cảm thấy buồn rầu. Vua than thở:
- Tại sao ta còn sống làm chi trên đời này. Nhẽ ra ta phải ở lại trong nước, chờ kẻ thù hung dữ của ta đến, rồi bỏ mình trong một trận sống mái bảo vệ kinh thành, còn hơn là được sống trong cảnh hết nỗi bất hạnh này đến nỗi bất hạnh khác. Chúng ta đã kiên nhẫn chịu đựng tai hoạ, nhưng có lẽ chẳng bao giờ trời đoái nhìn lại chúng ta, mặc dù chúng ta chịu tuân phục số mệnh, trời vẫn bắt ta sống mãi trong cảnh khốn cùng.
- Thưa cha, -chàng Calap nói-chúng ta chớ vội tuyệt vọng khi tai nạn chưa qua khỏi. Biết đâu trời đang chuẩn bị cho ta những ngày sáng sủa hơn, mà ta không biết đấy thôi. Chúng ta hãy tìm đến điểm dân cư lớn nhất của bộ tộc này. Con linh cảm đến đấy số phận chúng ta có thể có sự đổi thay.
Vậy là ba người tiếp tục lên đường, tìm đến điểm dân cư nơi vị thủ lãnh người Belala đang đóng kinh đô. Nhà vua, hoàng hậu và hoàng tử Calap cùng vào một ngôi nhà lớn vốn là nhà thương làm phúc cho những người xa lạ khốn cùng không nơi nương tựa. Họ tìm một góc nằm nghỉ, rất buồn rầu không biết rồi đây sẽ làm gì để kiếm được miếng sống qua ngày. Calap để cha mẹ nghỉ ở đấy, một mình ra khỏi nhà làm thương làm phúc. Chàng vào khu dân cư, hỏi xin những người qua đường bố thí cho ít nhiều. Hết ngày chàng cũng kiếm được một món tiền nhỏ nhoi đủ mua một ít thực phẩm, mang về cho cha mẹ dùng tạm.
Hai vợ chồng nhà vua không ngăn được nước mắt khi biết con trai mình vừa đi ăn xin. Chàng Calap cũng mủi lòng trước nước mắt cha mẹ, nhưng chàng nói:
- Con thú thật chẳng có gì buồn khổ hơn lâm vào cảnh ăn mày. Tuy nhiên không còn có cách nào khác để nuôi sống cha mẹ. Vì vậy cho dù có xấu hổ đến bao nhiêu, con vẫn tiếp tục đi ăn xin. Hay là cha mẹ hãy bán con đi làm nô lệ, với số tiền thu được, cha mẹ có thể sống thêm nhiều ngày.
- Con nói gì vậy, con trai của ta? Timuatat thốt lên- Con bảo vợ chồng ta tiếp tục sống trong khi con mất hết tự do hay sao. Nếu một người nào đó cần phải bán đi để cứu sống hai người kia thì người đó chính là ta. Ta sẵn sàng bán thân đi làm nô lệ lấy tiền giúp đỡ hai mẹ con.
- Thưa cha, -chàng Calap lại nói- con vừa nảy ra một ý. Sáng sớm mai con sẽ đến chỗ những người phu làm nghề mang vác hàng đang chờ việc. May có ai đó thuê con thì chúng ta có thể sống nhờ vào sức lao động của con.
Ba người cùng nhất trí. Ngày hôm sau, hoàng tử đến trà trộn vào số người chuyên mang vác thuê trong khu dân cư, ở đấy chờ may ra có người nào đến thuê, nhưng chờ mãi chẳng thấy có ai. Đã nửa ngày qua, chưa kiếm được đồng nào. Chàng rất buồn. Nếu công việc này không kiếm ra được tiền thì làm sao nuôi sống được cả nhà đây.
Chờ mãi vô vọng, Calap đâm chán. Chàng liền bỏ khu dân cư, ra một cánh đồng để dễ suy nghĩ hơn làm cách nào kiếm sống đây. Chàng ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Sau khi khẩn cầu trời đất hãy thương xót cho tình cảnh của mình, chàng ngủ thiếp đi. Khi thức giấc, hoàng tử nhìn thấy bên cạnh mình có một con chim cắt cực kỳ đẹp. Đầu con chim có một cái mào màu sắc rực rỡ, ở cổ nó lại đeo một chuỗi kết bằng lá vàng khảm kim cương và ngọc trắng, ngọc đỏ. Chàng Calap từng nghe chuyện người ta nuôi chim cắt để săn bắn, chàng chìa cánh tay ra; con chim bay đến đỗ luôn xuống cổ tay chàng. Chàng hoàng tử Nogai vui mừng khôn tả, chàng tự nhủ: “Thử xem việc này sẽ đưa ta đến đâu? Dường như con chim cắt này là vật nuôi thuộc vị chúa tể bộ tộc này”.
Chàng đã không lầm. Đấy chính là con chim cắt của vị Hãn người Belala tên là Alingơ. Hôm qua, trong một buổi đi săn ông để lạc mất con chim. Ông đã sai quân sục sạo khắp cánh đồng. Mọi người cố sức tìm kiếm khắp mọi nơi mọi chốn, bởi vị chúa tể đã doạ, nếu họ quay trở lại triều đình mà không có con chim thì sẽ bị nhục hình.
 NGÀY THỨ SÁU MƯƠI.
Hoàng tử Calap quay trở về khu dân cư cùng với con chim cắt. Dân chúng nhìn thấy đều kêu lên:
- Kìa! Kia là con chim cắt của đức Hãn, đã tìm thấy kia rồi. Khá khen cho chàng trai trẻ, rồi chàng sẽ được trọng thưởng khi mang con chim này trả lại Hãn của chúng ta.
Quả nhiên, khi Calap vừa đến ngôi nhà lớn dùng làm hoàng cung, trên cổ tay có con chim cắt đậu, vị Hãn trông thấy rất đỗi vua mừng. Ông vội chạy đến vuốt ve con chim. Tiếp đó ông quay hỏi chàng trai đã tìm đâu được con chim cắt này. Calap thuật lại đúng như sự việc đã xảy ra. Nghe xong vị Hãn nói:
- Trông anh có vẻ người nước ngoài. Anh từ nước nào đến? Nghề nghiệp anh là gì?
Người con trai vua Timuatat quỳ xuống thưa:
- Tâu ngài, tôi là con trai một thương nhân ở nước Bungari. Gia đình chúng tôi trước đây giàu có lắm. Tôi cùng với bố mẹ đang đi qua nước Giaich, chẳng may gặp bọn cướp, chúng chiếm đoạt hết tài sản của chúng tôi, may chúng còn để cho chúng tôi được sống. Chúng tôi đành đến đây xin miếng ăn sống qua ngày.
Vị Hãn nói:
- Chàng trai trẻ à, ta rất hài lòng chính anh là người đã tìm được con chim cắt của ta. Ta đã thề với trời đất sẽ ban thưởng cho người nào tìm bắt được nó và mang trả lại cho ta, ba điều mà người ấy ngỏ lời ước. Vậy anh chỉ cần nói lên anh ước mong được ta ban thưởng cho anh những gì, chắc chắn anh sẽ toại nguyện.
Chàng Calap đáp:
- Bởi ngài đã cho phép tôi được ngỏ ba điều ước, trước hết, tôi cầu xin ngài cho cha mẹ tôi hiện nay đang tạm trú tại nhà thương làm phúc được có một ngôi nhà riêng ngay trong khu dân cư của ngài, được ngài cho nuôi dưỡng những ngày còn lại của họ và được phục dịch bởi những người từng hầu hạ trong hoàng cung. Điều ước thứ hai, tôi xin được ngài cấp cho một con ngựa tốt trong đàn ngựa chiến của triều đình với đầy đủ yên cương. Và điều ước cuối cùng, xin ngài hãy ban cho tôi một bộ áo quần sang trọng, một thanh gươm tốt kèm với một túi tiền vàng để tôi có thể thực hiện một chuyến đi xa mà tôi suy ngẫm từ lâu.
- Ba điều ước của anh sẽ được đáp ứng- Hãn Alingơ nói.- Anh hãy đưa bố mẹ anh đến đây. Ngay từ hôm nay ta sẽ cho người đối xử với ông bà đúng như anh mong ước. Và sáng sớm mai, anh sẽ được mặc bộ áo quần sang trọng, cưỡi lên lưng một con ngựa đẹp nhất trong đàn ngựa của ta, rồi anh muốn đi đâu tuỳ ý.
Một lần nữa Calap quỳ lạy và cảm tạ đức Hãn, sau đó chàng quay trở lại ngôi nhà thương nơi hoàng hậu Enma và quốc vương Timuatat đang nôn nóng chờ đợi. Chàng nói:
- Con mang về cho cha mẹ tin vua. Số phận của chúng ta đã thay đổi.
Nói xong chàng thuật lại cho bố mẹ nghe những điều vừa xảy ra. Hai người rất vui mừng, thấy ở đây một điềm lành, hy vọng thân phận của họ từ nay sẽ bớt khó khăn. Nhà vua và hoàng hậu vui lòng theo chàng Calap đến ra mắt đức Hãn. Nhà vua đón tiếp họ khá lịch sự, nói sẽ thực hiện đúng như lời đã hứa với chàng trai.
Ngay hôm ấy vua và hoàng hậu được nhận một ngôi nhà riêng có người hầu hạ. Hãn Alingơ còn ra lệnh mọi người phải đối xử với họ trọng thị như đối với chính ông.
Ngày hôm sau chàng Calap mặc bộ quần áo sang trọng vào người, nhận từ tay đích thân nhà vua trao cho một thanh gươm, đốc gươm khảm kim cương, cùng một túi đựng đầy đồng xơcanh vàng. Tiếp đó một con ngựa tốt nòi Thổ Nhĩ Kỳ được dẫn đến. Trước mặt toàn thể triều đình, chàng trai nhảy lên yên, và để tỏ ra mình có tài cưỡi ngựa, chàng trai cho ngựa biểu diễn đủ các nước đi, làm nhà vua và các triều thần đều ca ngợi. Sau khi cảm tạ đức Hãn về bấy nhiêu điều giúp đỡ, chàng cáo biệt vua, trở về thưa với vua Timuatat và hoàng hậu Enma như sau:
- Con vô cùng mong muốn được đến đất nước Trung Hoa vĩ đại, xin cha mẹ cho phép. Con có linh cảm, đến đấy con sẽ làm cho mọi người chú ý bằng một chiến công phi thường nào đó, con sẽ giành được tình cảm của đấng quân vương đang trị vì một quốc gia vô cùng rộng lớn. Xin cha mẹ vui lòng nghỉ lại đây. Cha mẹ chẳng phải lo thiếu thốn thứ gì. Cho phép con đi cho thoả chí tang bồng của mình. Hay đúng hơn, cha mẹ hãy cho con có cơ hội phó thác mình vào số phận, trời dẫn dắt con đến đâu, con sẽ tới nơi ấy.
Vua Timuatat nói:
- Con trai của ta, con cứ lên đường. Con hãy đưa chân theo định mệnh đang chờ con. Chắc chắn tai qua nạn khỏi, những ngày may mắn đang chờ đợi con. Cha mẹ sẽ đợi tin con tại bộ tộc này. Số phận cha mẹ tuỳ thuộc vào số phận con.
Chàng hoàng tử trẻ xứ Nogai lần lượt ôm hôn cha mẹ rồi lên đường đến nước Trung Hoa. Các tác giả thời xưa không thuật lại chàng đã gặp những chuyện trắc trở dọc đường hay không, các vị chỉ cho biết, cuối cùng chàng đặt chân đến thành phố vĩ đại Canđalec, tức Bắc Kinh ngày nay.
Vào thành phố, chàng xuống ngựa ngay trước một ngôi nhà đầu tiên trông thấy. Đấy là nhà một bà cụ goá chồng. Calap chào bà già và thưa:
- Thưa mẹ, xin hỏi mẹ có đồng ý cho một người nước ngoài được ở nhờ nhà mẹ hay không? Nếu mẹ vui lòng cho con trọ, con có thể quả quyết rồi mẹ không có gì phải hối tiếc.
Bà già nhìn thẳng vào chàng trai trẻ, dáng vẻ chàng cũng như bộ trang phục trên người đều cho thấy đây là một vị khách không thể coi thường, liền nghiêng mình đáp lễ và trả lời:
- Thưa chàng ngoại quốc cao qúy, chàng có thể sử dụng ngôi nhà của già với tất cả đồ đạc trong ấy.
- Mẹ có một nơi nào có thể buộc con ngựa của con không? Chàng trai lại hỏi:
- Có- bà đáp.- Vừa nói bà cụ già nắm cương ngựa dẫn vào một cái chuồng nhỏ đằng sau nhà. Khi bà quay trở lại, Calap lúc này đang đói lại hỏi, trong nhà liệu còn có ai khác có thể giúp chàng ra chợ mua thức gì về ăn. Bà cụ bảo, có một đứa cháu trai mười hai tuổi vẫn chung sống cùng bà, cháu có thể làm tốt công việc ấy. Hoàng tử lấy một đồng xơcanh vàng đặt vào tay chú bé bảo ra chợ mua thức ăn.
Trong thời gian ấy, bà cụ chủ nhà trả lời vô vàn câu hỏi của hoàng tử Calap muốn tìm hiểu. Chàng hỏi bà đủ thứ chuyện. Phong tục nhân dân thành phố này ra sao. Kinh thành Bắc Kinh có bao nhiêu hộ. Cuối cùng hỏi đến hoàng đế nước Trung Hoa:
- Xin mẹ vui lòng cho con biết, tính danh hoàng đế như thế nào. Đức vua có phải người đại lượng? Mẹ có nghĩ rằng vua có hạ cố quan tâm đến một chàng trai đến xin phục vụ dưới trướng của ngài hay không. Tóm lại, con có nên đến xin yết kiến hoàng thượng hay không?
Cụ già đáp:
- Đức hoàng đế là một đấng quân vương rất anh minh. Vua thương yêu trăm họ, dân chúng ai nấy đều quí trọng ngài. Tôi khá ngạc nhiên sao anh chưa bao giờ nghe uy danh vị minh quân hoàng đế Anh Tông của chúng tôi, bởi vì tiếng tăm về sự hào hiệp của ngài truyền lan khắp nơi trên thế giới.
Nghe bà cụ nói vậy, chàng trai lại hỏi:
- Con nghĩ, chắc đấng quân vương ấy là người hạnh phúc và hài lòng nhất thế gian.
- Chẳng hẳn vậy đâu,-bà cụ già đáp.-Thậm chí có thể nói nhà vua là người khá bất hạnh. Trước hết, người không có con trai kế vị, cho dù đã cầu xin Thượng đế và ban phúc làm đủ mọi điều, vẫn không thể nào trời cho sinh hạ hoàng tử. Tuy nhiên, tôi có thể nói, nỗi buồn lớn nhất của nhà vua không hẳn ở chỗ không có con trai nỗi dõi. Điều khiến cho người ăn không ngon ngủ không yên chính là nàng công chúa Tuaranđoc, con gái độc nhất của người.
- Lạ nhỉ, tại sao công chúa lại gây cho nhà vua lắm điều phiền não?
- Tôi sẽ kể cho anh nghe,-bà già đáp,-tôi hiểu rất cặn kẽ câu chuyện ấy, bởi vì chính miệng con gái tôi thuật lại cho tôi nghe, cháu nó được vinh dự vào hầu hạ trong cung công chúa.
  NGÀY THỨ SÁU MƯƠI BA.
Bà cụ già kể tiếp:
- Công chúa Tuaranđoc, năm nay mười chín tuổi. Nàng xinh đẹp tuyệt trần. Đẹp đến nỗi các hoạ sĩ nổi tiếng nhất phương Đông vẽ chân dung của nàng đều phải thú thật, tự mình lấy làm xấu hổ bởi không có nét hoạ nào có thể mô tả đầy đủ vẻ đẹp vô song của nàng công chúa nước Trung Hoa. Ấy thế mà một số bức hoạ ấy, cho dù còn quá xa với nguyên mẫu, vẫn gây nên những hệ quả ghê gớm cho những ai nhìn thấy công chúa. Công chúa Tuaranđoc không chỉ có nhan sắc chim sa cá lặn mà nàng còn rất thông minh, học vấn uyên thâm. Không chỉ nàng thông làu mọi điều các nàng công chúa con vua cháu chúa buộc phải biết, nàng còn giỏi cả những môn khoa học xưa nay chỉ phù hợp với nam giới. Thư pháp của nàng rất điêu luyện, nàng viết được nhiều kiểu chữ khác nhau,. Nàng thông thạo số học, địa lý học, triết học, toán học, luật học và nhất là thần học. Nàng không chỉ thông làu Tứ thư ngũ kinh cũng như mọi trước tác của đức Khổng phu tử và của bách gia chư tử. Tóm lại công chúa uyên bác hơn cả những vị học giả uyên bác nhất. Có điều những đức tính ấy lại của một con người có tâm hồn cứng hơn sắt đá. Tính độc ác làm khuất lấp mọi tài năng, kiến thức của nàng.
Cách đây hai năm, nhà vua xứ Tây tạng cho người đến cầu hôn công chúa cho con trai của mình. Chàng hoàng tử này vốn si mê nàng chỉ vì được một lần nhìn thấy chân dung một hoạ sĩ vẽ nàng. Hoàng thượng của chúng tôi, đức hoàng đế Anh Tông rất hài lòng về sự cầu hôn ấy. Vua báo cho con gái biết. Công chúa xưa nay vốn là người rất kiêu ngạo, nàng cho rằng tất cả đám đàn ông đều chẳng là gì dưới con mắt nàng. Bởi quá xinh đẹp và thông thái đâm ra kiêu căng, nàng khinh bỉ khước từ lời cầu hôn. Nhà vua nổi giận bảo công chúa phải tuân lệnh. Nhưng, đáng ra nên vui lòng tuân phục ý muốn của vua cha, đằng này công chúa lại tỏ ra bực bội vì mình bị ép buộc. Nàng sinh ra buồn bã như thể có ai muốn gây hại lớn cho mình. Cuối cùng quá trầm uất, nàng lâm bệnh nặng. Các vị ngự y hiểu rõ nguyên nhân, tâu với hoàng đế thuốc thang chẳng ích lợi gì trong trường hợp này, chắc chắn công chúa rồi sẽ qua đời nếu nhà vua cứ một mực ép nàng kết duyên với hoàng tử xứ Tây tạng. Đức vua vốn rất yêu thương con gái, hoảng hốt sợ chết mất con, liền thân hành đến gặp công chúa và khẳng định với nàng, vua sẽ khước từ lời cầu hôn và cho sứ thần Tây Tạng về nước.
- Thưa phụ vương, như vậy vẫn chưa đủ,-công chúa nói-con sẽ chết thôi trừ phi cha chấp thuận cho con điều con van xin người như sau. Nếu cha muốn con còn sống được, xin cha hãy thề đừng làm trái ý con. Cha cần phải ban chiếu chỉ công bố cho mọi người biết, tất cả các vị hoàng tử muốn cầu hôn con sẽ không ai được cưới con làm vợ trước khi trả lời đúng các câu hỏi con đặt ra cho họ, trước sự chứng kiến của các bậc đại thần, học sĩ. Ai trả lời đúng, con sẽ chấp nhận người ấy làm chồng. Ngược lại, ai trả lời sai sẽ bị chặt đầu ngay đêm hôm ấy tại hoàng cung.
Nàng nói thêm:
- Qua chiếu chỉ ấy, các vị hoàng tử nước ngoài rồi đây sẽ đến Bắc Kinh không còn có ý mong muốn cầu hôn nữa. Đấy là chính điều con mơ ước, bởi con rất kỵ đàn ông, con không muốn lấy chồng.
Nhà vua hỏi:
- Nhưng con gái của ta, nếu có một vị hoàng tử nào đã hiểu rõ nội dung chiếu chỉ mà vẫn cứ cầu hôn và sẽ trả lời đúng các câu hỏi của con thì sao?
- Thưa cha, con chẳng sợ điều ấy xảy ra. Con sẽ đặt ra những câu hỏi khó tới mức các bậc thông thái nhất cũng phải bối rối, con xin chấp nhận chuyện đánh cược ấy.
Đức vua suy nghĩ hồi lâu về điều nàng công chúa đòi hỏi. Vua tự nhủ: „Ta thấy rõ con gái ta không muốn lấy chồng. Những điều công chúa đòi hỏi chắc chắn sẽ làm kinh hãi những chàng trai si mê; vậy ta chẳng mất gì nếu ta cứ làm cho con gái ta vui lòng; chẳng xảy ra việc gì đâu, bởi có vị hoàng tử điên rồ nào đến nỗi chịu đương đầu một hiểm nguy khủng khiếp như vậy chỉ vì một cô gái“.
Tin chắc, cho dù chiếu chỉ ấy có ban ra cũng chẳng gây nên hậu quả đáng tiếc nào, mà ngược lại có thể làm cho con gái mình phục hồi khỏi căn bệnh tai quái, hoàng đế liền ban bố chiếu chỉ, đồng thời long trọng thề trước trời đất tự mình sẽ không làm trái chiếu chỉ đã ban. Công chúa Tuaranđoc yên tâm nhờ lời thề thiêng liêng của vua cha. Nàng biết phụ vương mình lúc nào đã nói là giữ lời, nhờ vậy yên tâm phục hồi sức khoẻ, và chẳng bao lâu trở lại hồng hào xinh đẹp như trước.
Trong thời gian ấy tiếng đồn đại về sắc đẹp của nàng công chúa thu hút nhiều hoàng tử trẻ từ nước ngoài đến kinh đô Bắc Kinh. Mặc dù mọi người đã biết trước nội dung bức chiếu chỉ, nhưng các chàng trai trẻ lúc nào chẳng tự cho mình hiểu rộng biết nhiều. Họ tự tin có thể giải đáp mọi câu hỏi của công chúa. Thế là hết chàng này đến chàng khác tất cả đều phải bỏ mình. Nhà vua nói với công chúa rằng thâm tâm rất xúc động trước số phận của các hoàng tử ấy. Vua hối hận sao mình lại có một lời thề trói buộc đến như vậy. Cho dù quý yêu con gái thật đấy, thà để công chúa chết đi còn hơn giữ cho được mạng sống với cái giá ấy. Vua tìm đủ mọi cách trong phạm vi quyền lực của mình, ngăn ngừa những điều bất hạnh xảy ra thêm. Mỗi lần có một chàng trai không thể cầm lòng trước sắc đẹp đồn đại của công chúa, vẫn coi thường cái chết đến xin cầu hôn, vua cố sức ngăn cản, chỉ lúc nào không đừng được mới chấp thuận. Ít có trường hợp vua thuyết phục được các chàng trai si mê nàng Tuaranđoc. Chàng nào cũng hy vọng mình đủ thông thái để vượt qua khó khăn và chiếm đoạt được nàng.
Nếu nhà vua tỏ ra rất thông cảm trước sự qua đời của những hoàng tử bất hạnh thì cô con gái dã man lại không như vậy. Nàng còn tỏ vẻ vui thích trước cảnh tượng đẫm máu gây nên do chính sắc đẹp của mình. Nàng quá kiêu ngạo, trước những hoàng tử đáng yêu nhất, nàng không chỉ cho rằng các chàng trai ấy chưa xứng đáng, thậm chí còn trách họ sao dám hỗn láo nghĩ tới việc có thể chinh phục được mình. Vì vậy, công chúa nghĩ các chàng trai ấy có bỏ mạng cũng đáng tội bạo gan của họ mà thôi.
Có điều đáng phàn nàn hơn nữa, là không hiểu sao trời lại để cho đông hoàng tử tới đây chết vì nàng công chúa bất nhân đến thế. Mới mấy ngày trước đây thôi, có một chàng trai tự cho mình giỏi giang thông thái đã bỏ mình, và ngay tối hôm nay một chàng trai khác lại phải trả món nợ khi bước chân đến triều đình nước Trung Hoa chỉ vì chàng nuôi cùng niềm hy vọng với các chàng trai bất hạnh qua đời trước mình.
  NGÀY THỨ SÁU MƯƠI TƯ.
Chàng Calap rất chăm chú lắng nghe bà cụ già kể chuyện. Chờ bà kể xong, chàng nói:
- Tôi thật không hiểu làm sao lại có nhiều hoàng tử thiếu suy nghĩ để đến đây cầu hôn với nàng công chúa nước Trung Hoa. Nhẽ ra, phải kinh sợ điều kiện cô ấy đưa ra chứ. Vả chăng các hoạ sĩ bao giờ chẳng vẽ vời thêm. Tôi tin họ đều cường điệu sắc đẹp của nàng. Người vẽ trong tranh bao giờ chẳng đẹp hơn người ngoài đời thật, cho nên mới tạo nên ấn tượng mạnh mẽ dường ấy. Tóm lại, tôi không nghĩ là công chúa Tuaranđoc xinh đẹp tới mức như bà nói.
- Thưa ngài,-bà già đáp- công chúa đẹp lắm, quả thật nàng đẹp hơn những gì tôi kể nhiều. Ngài có thể tin ở lời tôi, tự mắt tôi đã có dịp nhiều lần nhìn thấy công chúa khi có dịp vào cung thăm cháu. Ngài cứ tưởng tượng đi, tha hồ mà tượng tưởng nên một giai nhân xinh đẹp hơn cả tiên nữ giáng trần, tôi vẫn nghĩ ngài không sao hình dung nên một cô gái đẹp tương đương nàng công chúa.
Hoàng tử người Nogai nghĩ bà cụ già nói quá lời, ai làm sao tin được lời bà khoa trương thế. Thế nhưng không hiểu sao trong lòng chàng lại nảy sinh niềm thích thú thầm kín. Chàng hỏi:
- Nhưng, mẹ ơi, các câu hỏi của công chúa đặt ra khó khăn đến mức ấy ư, đến nỗi các câu trả lời không làm hài lòng những người chứng kiến. Tôi nghĩ rằng các hoàng tử không hiểu biết ý nghĩa sâu xa các câu đố, chắc hẳn đấy là những người chưa được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí đầu óc tối tăm.
- Không, không phải thế đâu-bà cụ ngắt lời.-Quả thật những câu đố của nàng công chúa đề ra vô cùng bí hiểm và khúc mắc, hầu như chẳng có lời giải đáp nào cho vừa ý.
Trong thời gian hai người trò chuyện, chú bé đi chợ mua thức ăn đã trở về. Hoàng tử Calap ngồi vào bàn ăn ngon lành như một người đói khát lâu ngày. Lúc ấy trời vừa tối. Khắp thành phố vang lên những tiếng chiêng ảo não, ngân nga. Hoàng tử hỏi tiếng chiêng ấy có ý nghĩa gì. Tiếng chiêng gióng lên báo tin cho dân chúng biết sắp có cuộc hành quyết. Hôm nay chắc hẳn chàng hoàng tử đáng thương kia phải trả giá bằng tính mạng của mình, bởi đã không giải đáp đúng câu hỏi của nàng công chúa nên lên. Thông thường các cuộc hành quyết bọn tội đồ thường diễn ra ban ngày, nhưng lần này là trường hợp đặc biệt. Thâm tâm hoàng đế rất ghét hình phạt mà những người vì trót quý yêu cô con gái của mình phải chịu, vua không muốn mặt trời chứng giám một hành động độc ác như vậy.
Chàng trai con của vua Timuatat nảy ra ý muốn đi xem cuộc hành hình, mà nguyên nhân dẫn tới thật quá lạ lùng. Chàng ra khỏi nhà trọ. Vừa ra đến phố đã nhìn thấy đông đảo người Trung Hoa cũng hiếu kỳ như chàng. Chàng đi lẫn vào đám đông, đến tận cái sân rộng trước hoàng cung, nơi sẽ diễn ra cảnh bi thảm. Ở giữa sân chàng thấy đã dựng sẵn một đoạn đầu đài, tức là một cái tháp cao bằng gỗ. Chung quanh ngọn tháp ấy có những cành tùng cành bách, trên cành cây cắm những ngọn nến chiếu sáng rực cái sân rộng. Dưới chân đoạn đầu đài cao chừng mười lăm thước được phủ toàn vải trắng. Vòng ngoài cắm rất nhiều chiếc lọng cũng toàn màu trắng. Hai nghìn quân sĩ trong đội cấm vệ của vua Anh Tông tay cầm vũ khí tuốt trần, lập thành một hàng rào dày hai lớp người, ngăn không cho dân chúng lấn vào. Hoàng tử Calap mải mê nhìn ngắm những vật chưa từng thấy bao giờ, chợt nghe tiếng chiêng tiếng trống cùng nổi lên. Cùng lúc ấy, chàng nhìn thấy hai mươi viên đại thần cùng với hai mươi quan hình pháp, tất cả đều mặc áo thụng trắng từ hoàng cung bước ra, tiến đến đoạn đầu đài.
Sau khi đi diễu ba vòng quanh cái tháp, họ đến ngồi dưới những cây lọng trắng. Tiếp đó, người sắp bị hành quyết bước ra, quanh vầng trán có những vòng hoa tết với lá bách lá tùng. Đầu chàng chít một cái khăn xanh, chứ không phải chiếc khăn đỏ thông thường mà các tội đồ phải bịt lên đầu khi bị dẫn đến nơi hành quyết. Chang hoàng tử này còn trẻ lắm, chừng mười tám tuổi là cùng. Một đại thần dắt tay chàng tiến ra, sát ngay theo họ là tên đao phủ. Cả ba người bước lên đoạn đầu đài. Ngay lập tức tiếng trống, tiếng chiêng cũng im phăng phắc. Viên quan cất lời nói với hoàng tử, giọng khá lớn, chắc để cho hầu hết dân chúng đứng quanh đó có thể nghe thấy rõ:
- Thưa hoàng tử, có phải là khi ngài vừa bước chân đến kinh đô để ngỏ lời cầu hôn với công chúa, người ta đã nói cho ngài rõ đầy đủ nội dung bức chiếu chỉ của hoàng đế? Có phải đích thân hoàng đế từng cố gắng hết sức mình để ngài từ bỏ một quyết định quá ư là táo bạo?
Hoàng tử đáp:
- Đúng như vậy.
- Vậy thì ngài công nhận,-viên đại thần nói tiếp,-ngài phải bỏ mình hôm nay chính là do lỗi của chính ngài, hoàng thượng và công chúa không chịu trách nghiệm về cái chết của ngài?
Hoàng tử nói:
- Tôi tha thứ cho tất cả mọi người. Hình phạt này do tự tôi gây nên. Tôi cầu xin trời đất chớ nên trách cứ bất kỳ ai khác, tại sao có cuộc đổ máu tối hôm nay.
Chàng vừa dứt lời, viên đao phủ vung thanh mã tấu chém lìa đầu ngay tức khắc. Cùng lúc ấy, không gian vang rền tiếng chiêng, tiếng trống. Mười hai quan đại thần bước tới đưa tay đỡ thi thể hoàng tử đặt vào một chiếc quan tài đóng bằng ngà và gỗ mun, đặt cỗ quan tài lên một chiếc kiệu. Rồi sáu người ghé vai gánh kiệu đi vào trong vườn của hoàng cung. Ở đấy hoàng đế Anh Tông đã cho xây một cái lăng bằng cẩm thạch trắng. Cái lăng chung ấy là nơi yên nghỉ của tất cả các hoàng tử bất hạnh từng chịu chung số phận với hoàng tử này. Thỉnh thoảng nhà vua lại đến bên lăng tuôn rơi nước mắt cầu nguyện. Hoàng đế cầu xin những người quá cố hãy tha tội phần nào cho cô con gái dã man.
  NGÀY THỨ SÁU MƯƠI LĂM.
Khi thi thể hoàng tử được các vị đại thần mang đi khỏi nơi hành quyết, đội quân bảo vệ lui ra, dân chúng lần lượt ai về nhà nấy. Ai ai cũng chê trách nhà vua sao lại thiếu thận trọng, đi thề thốt nặng lời tới mức bây giờ không dám vi phạm lời thề thiêng liêng. Chàng Calap vẫn còn nấn ná trong sân hoàng cung, đầu óc rối bời. Chàng chợt nhìn thấy không xa, có một người đàn ông đang khóc lóc thảm thiết. Chàng nghĩ ông này chắc có góp phần chi đây vào cuộc hành quyết vừa xảy ra, liền đến gần cất lời hỏi như sau:
- Tôi rất xúc động trước nỗi đau đớn sâu sắc của ngài. Tôi xin có lời chia sẻ với ngài nỗi buồn. Tôi nghĩ ngài chắc có quen biết đặc biệt vị hoàng tử vừa bỏ mình.
Người kia buồn bã đáp, vừa nói vừa tuôn nước mắt nhiều hơn:
- Ngài ơi, sao tôi không biết chàng, tôi chính là thầy giáo phụ đạo của hoàng tử ấy. Hỡi quốc vương Samacan bất hạnh, ngài sẽ đau đớn biết bao khi ngài được tin cái chết kỳ quặc của hoàng tử con trai ngài! Và ai là người dám mang tin buồn ấy về tâu ngài rõ đây.
Calap hỏi bằng cách nào hoàng tử đất nước Samacan xa xôi lại có thể đắm say nàng công chúa Trung Hoa. Người kia đáp:
- Tôi xin kể hầu ngài, hẳn ngài sẽ ngạc nhiên về câu chuyện. Hoàng tử Samacan đang sống hạnh phúc trong triều đình phụ vương. Các đại thần trong triều ai ai cũng đều biết rồi đây chàng sẽ lên nối ngôi vua, nên ai cũng quý trọng và tuân phục chàng như quý trọng và tuân phục chính đức vua vậy. Hàng ngày chàng đi săn bắn hoặc tập luyện võ nghệ, đêm đêm cho mời một cô tiểu thư xuất sắc nhất trong triều đến cùng chàng thưởng thức các cuộc đàn ca múa hát do các cung nhân trong triều đình trình diễn. Nói tóm lại, cuộc đời chàng là chuỗi ngày đầy lạc thú. Giữa lúc ấy, có một hoạ sĩ người nước ngoài trứ danh đến kinh đô Samacan. Hoạ sĩ này đã qua rất nhiều triều đình để hoạ truyền thần chân dung các nàng công chúa. Ông mang những bức hoạ ấy đến cho hoàng tử của tôi xem. Chàng xem lướt qua nhiều bức rồi bảo:
- Ông vẽ người nào cũng đẹp. Tôi tin rằng những nàng được ông truyền thần giúp chân dung kia hẳn biết ơn ông lắm.
- Thưa ngài,-hoạ sĩ đáp-quả những bức tranh này tôi vẽ cũng có đẹp hơn người thật ngoài đời một ít. Tuy nhiên, tôi có thể thưa ngài rõ tôi có một bức chân dung đẹp hơn những cái kia nhiều, ấy thế mà tranh không làm sao sánh bằng nguyên mẫu.
Vừa nói hoạ sĩ vừa rút từ đáy cái hòm đựng các bức hoạ ra tấm chân dung vẽ nàng công chúa Trung Hoa.
Hoàng tử đón lấy ngắm nghía. Chàng không sao tưởng tượng có thể có một người trần nhan sắc xinh tươi dường này. Chàng nói:
- Không thể nào trên đời có một người con gái lại đẹp hơn tiên. Chắc hẳn hoạ sĩ đã quá tô vẽ thêm thắt cho nàng công chúa Trung Hoa.
Hoạ sĩ quả quyết hoàn toàn không phải vậy. Ông nói không riêng ông mà tất cả hoạ sĩ tài ba khác trên thế giới chẳng ai lột tả đúng sắc đẹp của nàng công chúa Tuaranđoc nước Trung Hoa. Nghe lời khẳng định ấy, hoàng tử tôi mua luôn tấm chân dung. Và bức tranh ấy gây ấn tượng sâu sắc đến nỗi một hôm, chàng quyết định rời bỏ kinh thành Samacan, đi ra một mình chỉ cho phép riêng tôi được đi theo. Chàng không nói trước cho tôi rõ ý đồ mà cứ lên đường xăm xăm đến thẳng kinh đô Trung Quốc.
Hoàng tử có ý định phục vụ dưới trướng vua Anh Tông một thời gian trong cuộc chinh phạt kẻ thù của vua ở biên cương, cho mọi người thấy rõ tài năng xuất chúng của mình, rồi sau đó mới ngỏ lời cầu hôn công chúa. Đến tận kinh thành Bắc Kinh, chúng tôi mới biết rõ nội dung chiếu chỉ của hoàng đế nước này. Điều kỳ lạ là hoàng tử của tôi không lấy thế làm phiền lòng, ngược lại tỏ ra vui mừng khôn xiết. Chàng nói:
- Vậy thì chẳng cần chờ đợi lâu la hơn nữa, đấy là cơ hội cho ta ra mắt công chúa Tuaranđoc. Ta không phải là người kém thông minh, chắc chắn ta sẽ trả lời đúng và chinh phục được nàng công chúa này.
Viên quan phụ đạo nức nở kể tiếp:
- Thưa ngài, tôi chẳng cần nói thêm nữa, qua cảnh tượng đáng buồn vừa rồi ngài đã hiểu kết cục ra sao. Hoàng tử bất hạnh từ kinh thành Samacan đến đã không sao giải đáp được những câu đố cắc cớ của nàng công chúa dã man. Khi biết mình không thoát khỏi cái chết, chàng nói với tôi: „Tôi xin gửi lại ông bức tranh quí giá này. Ông hãy giữ lấy nó coi như di vật của tôi để làm chứng. Rồi khi nào có dịp, ông sẽ đưa cho phụ vương tôi xem để người rõ số phận của tôi. Tôi tin, khi nhìn thấy hình ảnh một nàng công chúa đẹp dường này, phụ vương tôi sẽ tha thứ cho tôi tại sao phải chết“. Viên phụ đạo nói tiếp:
- Nhưng ai muốn đến báo tin buồn này cho phụ vương của hoàng tử Samacan thì cứ đến. Riêng tôi, bởi quá ưu phiền, tôi sẽ đi đến một nơi rất xa thành phố Bắc Kinh này cũng như xa thành phố Samacan của chúng tôi để khóc than cho chàng trai xiết bao thân thiết. Thưa ngài, đấy là tất cả những điều ngài muốn biết, và đây là bức chân dung nguy hại ấy. –Ông vừa nói vừa rút trong ống tay áo ra bức chân dung ném xuống đất.- Đây, nó chính là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh cho hoàng tử của tôi. Ôi bức tranh đáng kinh hãi kia! Tại sao mi lại rơi vào tay hoàng tử ta, mà không để ta nhìn thấy trước. Ôi hỡi cô công chúa bất nhân kia! Cầu mong sao tất cả mọi hoàng tử trên đời này đều có ấn tượng y như tôi: Nhìn bức chân dung này ta chỉ thấy ghê tởm, hoàn toàn không thấy chút yêu thương.
Nói đến đây viên quan phụ đạo cố hoàng tử Samacan giận dữ bỏ đi, sau khi căm hờn ngoái nhìn lại hoàng cung, không nói thêm một lời nào nữa với chàng trai con vua Timuatat. Hoàng tử Calap vội nhặt tấm chân dung, muốn quay trở về ngôi nhà mình trọ. Nhưng trời tối quá, chàng đi lạc ra ngoài thành phố. Chàng nôn nóng chờ đợi trời sáng lên để nhìn bức chân dung nàng công chúa Trung Hoa thực hư thế nào.
Trời vừa rạng sáng, không nén nổi tò mò hoàng tử định mở bức tranh ra xem.
Thoạt đầu chàng cũng có chút do dự. Chàng tự hỏi: „Ta sắp làm chi đây? Có nên chăng xem một vật nguy hại thế này? Calap à, anh nên nghĩ tới những hậu quả chết người nó từng gây ra. Anh đã quên rồi sao, những lời quan phụ đạo hoàng tử Samacan nói cho nghe tối hôm qua? Chớ nên nhìn vào bức chân dung chết chóc này. Hãy cưỡng lại sự hiếu kỳ của mình trước khi quá muộn. Nếu anh còn giữ được ý chí, anh có thể phòng ngừa được cái chết của chính mình“. Nhưng rồi anh chàng lại tự bảo “Sao ta lại nhút nhát vậy? Nếu ta có đâm ra yêu đương nàng công chúa, thì mối tình ấy chẳng phải do tiền định hay sao? Vả chăng ta nghĩ, làm sao có thể xúc động chỉ vì một bức chân dung, phải là người yếu đuối lắm mới hoang mang bối rối trước mớ màu sắc bôi đỏ bôi xanh của người hoạ sĩ. Chẳng có gì phải sợ. Ta hãy bình tĩnh nhìn những nét vẽ này. Biết đâu ta có thể tìm ra những nét khiếm khuyết trong sắc đẹp của nàng công chúa nổi tiếng vô song ấy. Ta mong làm sao cho cô gái ấy bớt kiêu căng, một khi đã biết có người nhắm nhìn hình ảnh của cô mà lòng chẳng chút xúc động“.