Dịch giả: Phan Quang
Chương 17
CHUYỆN QUỐC VƯƠNG BÊRÊĐIN-LÔLÔ VÀ TỂ TƯỚNG ANTAMÚC (phần tiếp).

NGÀY 116, 117, 118, 119, 12O

Sau khi nghe kể hết chuyện, vua Bêrêđin cho người thợ dệt lui về. Vua nói với tể tướng và vị hoàng thân tin cẩn của mình:
Câu chuyện về cuộc đời anh chàng thợ dệt này chẳng kém kỳ lạ chuyện của hai ông. Cho dù anh chàng ấy cũng như hai ông, không cảm thấy mình sung sướng, xin các vị chớ vội nghĩ là ta chịu thua cuộc, và nhất trí với kết luận của hai ông, trên đời này không có ai được hạnh phúc hoàn toàn. Ta muốn lần lượt hỏi chuyện các võ quan, triều thần cũng như tất cả mọi người phục vụ trong nội cung ta về vấn đề ấy. Tể tướng hãy mời họ theo thứ tự đến gặp ta.
Tuân lệnh, trước hết tể tướng cho vời các võ quan. Nhà vua truyền cho những người từng trải qua chinh chiến hãy mạnh dạn nói rõ, trong đời mỗi người có điều thầm kín nào khiến họ thấy cuộc sống không thú vị lắm. Mọi người hãy thành thật, đừng sợ điều mình nói ra có thể mang lại hậu quả không hay.
Thế là các võ quan thi nhau tuôn ra bao nhiêu điều bực bội, khiến lòng họ hoàn toàn không được thanh thản. Người thú nhận mình nuôi quá nhiều tham vọng, người nói mình quá chắt bóp tiện tặn trong cuộc sống. Có người thú nhận mình luôn luôn ganh tị với các bạn cùng quân ngũ, sao họ được hưởng nhiều vinh quang hơn mình, giận người đời không đánh giá đúng các chiến công hiển hách của mình. Tóm lại, các vị quan võ thoải mái dốc bầu tâm sự cho nhà vua nghe. Không tìm ra ai là người hạnh phúc, vua bảo tể tướng ngày mai sẽ nghe tiếp các vị quan văn trong triều đình.
Đến lượt các quan văn. Chẳng có vị nào cảm thấy hài lòng về mình. Một ông nói, tôi cảm thấy uy danh lớn chẳng hiểu sao cứ giảm sút từng ngày. Một ông khác phàn nàn, hễ định làm việc gì là y như có người khác chực phá ngang, chẳng bao giờ đạt kết quả ưng ý. Một ông nữa: mình luôn phải tính tóan cách ăn ở sao cho vừa lòng các kẻ thù của mình, thậm chí còn phải tìm cách vuốt ve họ. Một vị khác nữa lại kêu ca mình đã tiêu phá hết tài sản, sắp lâm vào cảnh khánh kiệt tới nơi.
Vua Bêrêđin Lôlô vẫn chẳng sao tìm ra con người hạnh phúc trongtc văn võ bá quan của mình, liền quay về hỏi những người hầu hạ tại nội cung. Vua kiên nhẫn lắng nghe từng người kể chuyện..Câu kết luận của mỗi người chẳng mấy khác những điều các võ quan và triều thần đã nói. Người thì chuyện vợ cả nàng hầu, người thì lo lắng vì con cái. Người cho gia cảnh mình chưa sung túc lắm thì than thở sao số mình không được phú quý vinh hoa, người giàu sang thì phàn nàn sức khoẻ quá tồi, hoặc ngày nào cũng có chuyện xảy đến buộc phải luôn luôn lo nghĩ.
Mặc dù chưa vừa ý, quốc vương Bêrêđin Lôlô vẫn không chịu bỏ hy vọng rồi đây có thể gặp một con người cảm thấy hài lòng về bản thân. Vua nói với tể tướng:
Chỉ cần ta gặp được mỗi một người như vậy thôi, bởi ông cứ khăng khăng không có bất kỳ ai hạnh phúc trên đời này.
Vâng, tâu bệ hạ - Tể tướng đáp – giờ đây tôi vẫn tin ý mình là đúng. Tôi nghĩ bệ hạ sẽ tìm kiếm tốn công vô ích mà thôi.
Ta vẫn chưa đồng ý với ông – vua nói – trong đầu ta vừa nảy ra một ý có thể tạo điều kiện giúp ta làm sáng tỏ.
Thế là vua truyền lệnh, cho bố cáo để mọi thần dân trong kinh thành được biết, bất cứ người nào cảm thấy hài lòng với số phận của mình, bất kỳ ai chưa hề gặp một điều không vui làm cuộc sống mình kém thanh thản, nội trong thời gian ba ngày, phải đến ra mắt triều đình. Hết hạn ba ngày, vẫn chưa thấy một người dân nào xuất hiện trước hoàng cung, làm như toàn thể nhân dân trong vương quốc ai ai cũng đồng tình với nhận định của tể tướng Atunmuc.
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU.
 
Vua Berêđin cực kỳ ngạc nhiên chẳng thấy ma nào chịu đến ra mắt mình như chiếu chỉ truyền. Vua thốt lên:
Thật chẳng thể nào tin được! Làm sao cả kinh đô Đamat này, một thành phố rất rộng lớn, dân cư rất đông đúc lại không thể bói ra một con người hạnh phúc?
Tể tướng Atanmuc thưa:
Muôn tâu bệ hạ, cho dù ngài có cho hỏi hết mọi người thuộc mọi dân tộc trên trái đất này, ai ai cũng sẽ trả lời ngài họ cảm thấy bất hạnh.
Đó là điều ta không sao tưởng tượng nổi – vua nói – Dù ông khẳng định vậy, ta vẫn mong đất nước được thanh bình để ta có điều kiện đi du hành khắp nơi trên thế giới, để rồi xem giữa ông và ta, ai là người sai lầm.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đúng vào thời gian ấy, các nước lân bang của xứ Đamat đều phái sứ thần đến xin cầu hào, với người điều kiện có lợi cho vua Bêrêđin. Vua hội đông đủ triều thần hỏi ý kiến, mọi người đồng ý tận dụng cơ hội này, chấp nhận các điều kiện ấy hay bác bỏ. Vậy là hoà bình được tái lập giữa quốc vương Đamat với các kẻ thù truyền thống của ông. Hoà ước được ký kết và ban bố cho thần dân cả nước cùng rõ. Ít lâu sau được rảnh rang, nhà vua nói với tể tướng:
Bây giờ đất nước không còn chiến tranh, ta có thể đi du hành. Ý ta đã quyết. Chừng nào chưa tìm gặp được một con người hạnh phúc, ta nhất định chưa trở về kinh đô.
Tể tướng vẫn tìm  cách khuyên can:
Tâu bệ hạ, sao ngài tự chuốc lấy hiểm nguy vất vả đường trường làm gì? Sao ngài không nhận ra ngài đã tìm được người ngài muốn gặp? Ngài cứ suy ngẫm về bản thân là thấy ngay. Giờ đây, ngài không còn kẻ thù nào để phải lo đối phó, giờ đây muôn dân trong nước ai ai cũng tỏ lòng kính yêu ngài, giờ đây tất cả văn võ bá quan trong triều ai ai cũng tìm cách làm vui lòng ngài. Nếu ngài được vậy mà còn cho mình chưa phải là con người hạnh phúc, thì làm sao có người nào khác trên đời này dám tự cho mình sung sướng?
Cho dù hoà bình đã được thiết lập – vua Bêrêđin  Lôlô nói – ta vẫn chưa cảm thấy mình là con người hoàn toàn hạnh phúc. Ta nói thật với ông, riêng một nỗi băn khoăn muốn rõ trên đời này liệu có người nào tự cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình hay không, đã khiến ta mất hết thanh thản, ngủ không sao yên giấc.
Đã thế tại sao bệ hạ cứ một mực đòi tìm cho rõ điều mình muốn biết? Bệ hạ cứ yên tâm đi, sẽ chẳng bao giờ gặp được một con người như bệ hạ mong muốn, như thế có phải tốt hơn không?
Tể tướng Atanmuc rất mong nhà vua từ bỏ ý định của mình, nhưng không lay chuyển được ông. Một thời gian sau, vua giao phó việc triều chính cho một số triều thần tin cẩn trông nom, rồi cùng với tể tướng Atanmuc, hoàng thân SêypenMuluc và một số nô lệ theo hầu lên đường tìm người hạnh phúc.
Họ đến thành phố Batđa. Đường đi yên hàn vô sự. Tới nơi, ba người tạm trú tại một lữ quán dành riêng cho du khách đường xa. Họ xưng là những đại thương gia chuyên buôn ngọc, từ trước tới nay vẫn đi từ triều đình này sang triều đình khác để chào  và bán hàng cho các bậc vua chúa. Quả họ cũng có mang theo nhiều châu báu, khiến ai nghe họ nói cũng tin. Bằng cách ấy, quốc vương Đamat được gặp mặt Đấng thống lĩnh của các tín đồ mà không để hoàng đế rõ mình là ai. Ba người cùng nhau đi xem các thắng cảnh ở Batda.
Một hôm tình cờ gặp trên đường phố một thầy tu theo dòng khất thực đang lớn tiếng thao thao thuyết pháp với một số khá đông người vây quanh. Đến gần hơn, nghe khất sĩ ấy thuyết:
Hỡi những người anh em thân quý của tôi, thật là vô nghĩa, sao những người anh em suốt đời cứ lo toan vất vả để làm giàu? Một khi tử thần đã gõ cửa gọi chúng ta đi, cho dù lúc ấy người anh em có dâng cho thần tất cả tài sản của mình để xin được sống thêm vài ngày, tử thần bất nhân ấy sẽ chẳng buồn nghe lời người anh em van vỉ. Hơn nữa, chắc những người anh em của tôi ai cũng phải nhận, có đúng là người ta càng giàu nỗi lo càng lớn? Có phải những người anh em giàu có cứ canh cánh lo âu canh chừng bọn trộm cướp rình mò? Riêng chuyện tính toán sao giữ cho vẹn tài sản của mình, đã làm người anh em ăn không ngon ngủ không yên. Xin những người anh em hãy nhìn tôi đây, tôi hoàn toàn không có tài sản, tôi chẳng bao giờ được chút tiện nghi, giữa sự thiếu thốn cùng cực này tôi vẫn cảm thấy mình hoàn toàn hạnh phúc.
Nghe khất sĩ thuyêt, nhà vua kéo riêng tể tướng ra bảo:
Cũng như ta, ông vừa nghe rõ những lời người khất sĩ kia nói. Ta không còn phải đi xa hơn nữa. Ta đã gặp được người ta cần tìm. Người khất sĩ kia chính là một người hài lòng về cuộc sống của mình.
Tể tướng nói:
Tâu bệ hạ, chúng ta nên tìm cách lân la trò chuyện riêng với khất sĩ ấy. Hãy tìm cách khiến anh ta nói đúng ra tâm sự của mình, có thể thực tế không như điều anh ta vừa nói đâu.
Ta đồng ý – nhà vua nói – nhưng giả sử trong cuộc nói chuyện riêng, rồi đây anh ta khẳng định hài lòng với mình, thì ông tin lời ta chứ?
Vâng, tâu bệ hạ - tể tướng đáp – lúc ấy tôi tin, và tôi xin thừa nhận mình đã sai lầm.
Ba người chú ý để mắt theo dõi người khất sĩ. Anh chàng, sau khi nhận được một ít tiền làm phúc của những người đứng nghe, liền ngưng buổi thuyết pháp lui về nhà trọ, tại một nơi ở ngoại ô thành phố. Nhà vua cùng mấy tùy tùng bám sát. Dọc đường, họ bắt chuyện anh chàng, ngỏ lời hỏi khất sĩ có vui lòng giải trí với họ một bữa hay không. Nhìn dáng họ, chàng khất sĩ nhận ra đầy là những thương gia giàu có người nước ngoài, liền đáp không có lời mời nào làm chàng ta vui lòng hơn thế. Khất sĩ dẫn ba người vô ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, thuê chung cùng với hai khất sĩ khác. Hai người kia, vừa nghe nói có người mời đánh chén, cũng tỏ ra hết sức mừng vui. Tể tướng lấy ra mấy đồng xơcanh vàng, đặt vào tay khất sĩ và bảo:
Anh hãy đi tìm mua những gì cần thiết để anh em ta vui chơi chè chén cả ngày hôm nay.
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY.
Anh chàng khất sĩ cầm tiền đi, hai tiếng đồng hồ sau, quay trở lại mang theo nhiều thịt, hoa quả cùng một bong bóng dê lớn chứa đầy rượu ngon. Thế là mọi người sà xuống, ngồi quanh cái bà, bắt đầu đánh chén. Ăn xong là uống. Uống càng nhiều càng bốc. Chuyện trò càng về sau càng rôm rả. Nhất là ba chàng khất sĩ rất vui vẻ, vừa ăn uống vừa cười nói huyên thuyên. Nhà vua bảo riêng với tể tướng:
Ta nghĩ chúng ta đã gặp những người cần tìm. Thôi, ông hãy nhận mình sai lầm đi.
Chưa đâu, tâu bệ hạ - tể tướng không chịu – chưa đến lúc ấy đâu. Vẻ bên ngoài dễ đánh lừa chúng ta lắm.
Một khất sĩ nghe hai người nói chuyện, bèn quay sang hỏi:
Thưa, hai ngài định nói gì?
Nhà vua rút từ trong áo ra một túi đựng đầy xơcanh vàng, đặt vào tay chàng khất sĩ gặp ngoài đường phố, và nói với anh chàng:
Hỡi các bạn khất sĩ, xin các bạn hãy nhận túi tiền này. Tôi muốn làm quà cho các bạn, với điều kiện các bạn vui lòng cởi mở tâm tình cho chúng tôi nghe. Ngồi trước mặt các bạn đây là ba thương gia liên kết làm ăn với nhau. Một đồng nghiệp của tôi cho rằng trên đời chẳng có ai hạnh phúc. Tôi thì khẳng định ngược lại. Hồi nãy, ở ngoài phố, chúng tôi đã nghe bạn nói, tuy chẳng có mấy tài sản, bạn vẫn cảm thấy mình là con người hoàn toàn hạnh phúc. Xin bạn vui lòng cho biết chúng tôi nên nghĩ thế nào về lời nói trên của bạn. Đối với tôi, làm sáng tỏ điều này là hết sức quan trọng. Bạn sẽ làm cho tôi vô cùng thú vị nếu bạn chịu nói thật tâm tư.
Chàng khất sĩ nhận túi tiền, cám ơn vua Bêrêđin Lôlô và thưa:
Thưa ngài, bởi ngài đã muốn vậy tôi xin nói thật lòng. Tôi chẳng hạnh phúc chút nào đâu, cũng như hai anh bạn tôi kia. Nếu hồi nãy ngài có nghe tôi khoe khoang mình là con người hạnh phúc tuyệt vời, xin chớ vội nghĩ tôi hài lòng với hoàn cảnh. Tôi nói tôi không màng của cải, ấy là nhằm gợi lòng thương xót của những người đang nghe tôi nói. Cuộc sống của các khất sĩ chúng tôi khốn khổ lắm, chẳng nên nhìn vào bề ngoài của họ để tìm thấy sự yên vui, cái mà mọi người ai cũng khát vọng hoài công vô ích. Tôi, cũng như vị đồng nghiệp của ngài, tôi tin trên đời này chẳng có ai hài lòng về cuộc sống của mình. Không bao giờ thoả mãn tấm lòng khao khát của người đời. Vừa đạt được một ước vọng mình đang ôm ấp, thì lại nảy sinh một ước vọng mới, khiến cho con người chẳng lúc nào được thanh thản.
Tể tướng Atanmuc rất hài lòng nghe chàng khất sĩ nói những lời vừa rồi. Ông mong nhà vua chấp nhận thua cuộc và mau chóng trở về với đất nước của mình. Nhà vua cũng bắt đầu phân vân, có lẽ mình nghĩ không đúng. Sau khi từ biệt các khất sĩ, vua nói với hoàng thân Sêyp-enMuluc và tể tướng:
Còn buổi chiều hôm nay, chúng ta nên đến cửa hàng bán giải khát fiquaa[1] tìm hiểu nốt.
Không, chừng nào chúng ta còn sống trên đời, thì chớ vội nghĩ trời để cho chúng ta sống thảnh thơi hạnh phúc. Sở dĩ trời không muốn đời chúng ta an nhàn lạc thú, hẳn là để sau này khi chết đi, những người nào vững đức tin sẽ càng cảm thấy được nhiều lạc thú hơn nơi cõi vĩnh hằng, như thánh nhân đã từng dậy.
Tôi không hoàn toàn đồng ý với anh – người kia nói – Tôi biết, phần đông người đời ai cũng có gặp bất hạnh, nhưng chẳng nhẽ tất cả mọi người đều bất hạnh cả hay sao? Tôi có biết một người đang sống một cuộc đời lạc thú, ngày nào cũng như ngày nào đối với ông ta đều là những ngày vui.
Tể tướng tham gia câu chuyện:
Ồ, ai là con người hạnh phúc ấy, thưa hai vị? Ông ta ở nơi đâu trên thế giới này?
Ở thành phố Astrakhan – người vừa nói cho biết – Ông ta là quốc vương hiện đang trị vì ở kinh đô Astrakhan. Tôi không rõ nhà vua ấy còn thiếu gì nữa không, nhưng tôi thừa nhận trên đời chẳng có ai được thanh thản như ông ấy, tôi hằng tin cuộc đời ông chẳng có điều gì khuấy động cảnh yên vui. Tóm lại, một con nó hài lòng về mình. Chẳng thế, mọi người chẳng gọi ông một cách đúng đắn là “Nhà vua không phiền não”.
Mấy lời trao đổi ấy tác động đến tâm trí nhà vua. Vừa ra khỏi quán giải khát, vua nói với tể tướng:
Chúng ta phải lên đường đến Astrakhan thôi. Ta muốn gặp mặt “Nhà vua không phiền não”.
Tôi cũng có mong muốn như bệ hạ - Tể tướng đáp – Tôi sẵn sàng theo ngài lên đường.
Thế là ba người cùng quyết định sẽ khởi hành vào sáng sớm ngày hôm sau.
Khi về tới quán trọ, lại nghe có tin một đoàn thương gia người nước Xiêcca hiện đang có mặt tại thành phố Batđa, sắp lên đường về nước trong dăm ngày nữa. Nhà vua quyết định lùi chuyến đi của mình ít hôm, sáp nhập với đoàn lữ hành đông đảo, để được an toàn hơn trên đường đi. Cùng với đoàn thương nhân ấy, ba người đến được nước Xiêcca bình yên vô sự. Họ đi tiếp đến thành phố Astrakhan, nơi quốc vương Hoemô, biệt danh Nhà vua không phiền não, đang đóng đô.
Cũng như lần trước, họ tìm nơi lưu trú tại quán trọ, và vẫn nhận là những nhà buôn kim hoàn. Thấy nơi đây dân chúng ai ai cũng có vẻ hớn hở, khắp kinh thành đâu đâu cũng đang mở hội, nhà vua hỏi người chủ quán trọ, thành phố ta đang có sự kiện gì mà mọi người hội hè đông đúc thế. Chủ quán trả lời:
Chắc hẳn các ngài chưa đặt chân tới thành phố này bao giờ kể từ ngày quốc vương Hocmô lên ngôi trị vì, cho nên mới đặt ra câu hỏi ấy. chẳng phải nhằm tôn vinh một trận vừa đánh thắng kẻ thù, hoặc để khánh chúc sự kiện trọng đại nào, mới có các cuộc vui chơi ấy. Ngày nào dân chúng kinh thành này cũng hội hè, sinh hoạt như vậy cho phù hợp với tính cách vui vẻ của quốc vuơng. Ngài là người lúc nào cũng thích cười đùa sảng khóai, chẳng thể người ta gọi ngài là Nhà vua không phiền não.
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM.
Chủ nhà trọ dứt lời, nhà vua nói riêng với tể tướng:
Mặc dù ông chủ nhà trọ vừa phác hoạ nên chân dung quốc vương Astrakhan là con người sảng khoái như ông cũng vừa nghe đấy, ta chắc trong lòng ông chưa hẳn tin biệt danh ấy hoàn toàn thích hợp với nhà vua trị vì nước này.
Đúng vậy, tâu bệ hạ - tể tướng đáp – tôi chẳng dễ gì để cho mình bị lừa phỉnh vì dáng vẻ bên ngoài. Chẳng qua lại như truờng hợp các chàng khất sĩ chúng ta từng gặp ở thành Batđa đó thôi.
Ta đồng ý, ông không nhầm khi vẫn ngờ vực biệt danh người ta tặng cho vua Hocmô có thể không thật chính xác. Cũng như ông, ta nghĩ làm sao một người gánh trên vai toàn bộ sơn hà xã tắc, lẽ nào không có việc phải lo nghĩ. Dù sao chúng ta cũng sắp rõ sự thật thôi. Ta có ý định ngày mai đi đến triều đình nhà vua ấy, tự giới thiệu, gây được cảm tình của ông, rồi tìm cách để ông cởi mở cho chúng ta thấy tận đáy tâm hồn.
Tôi rất đồng tình, tâu bệ hạ - tể tướng nói – Nhưng xin bệ hạ vui lòng hứa cho, trong trường hợp quốc vương Astrakhan nói thật với chúng ta ông cũng có nhiều điều phiền não riêng, thì ngài sẽ thôi, không tiếp tục tìm kiếm con người hạnh phúc nữa.
Ta chấp nhận – vua Bêrêđin nói – Hơn thế, ta còn hứa trong trường hợp ấy, ta sẽ lên đường trở lại kinh thành Đamat ngay tức khắc.
Nếu vậy chúng ta nên đến triều đình quốc vương Hocmô ngay đi – tể tướng nói – đến gần, chúng ta sẽ cùng chú ý quan sát mọi hành động của nhà vua, chớ nên để lọt ra ngoài mắt nhất cử nhất động của ông ấy.
Quyết định rồi, là thực hiện ngay. Ba người đến hoàng cung. Sau kh qua khỏi một sân rộng đông nghịt lính tráng, họ đến gian phòng đầu tiên, thấy nườm nượp ca sĩ và nhạc công. Từ đấy, sang một gian phòng khác, lại thấy có nhiều người hầu nam và cung nữ, trang phục lịch sự, đang biểu diễn rất khéo léo nhịp nhàng nhiều vũ điệu đặc sắc.
Sau khi đứng xem múa một lúc, nhà vua, tể tướng cùng vị hoàng thân đều muốn rõ có gì trong gian phòng thứ ba. Họ len vào đám đông, đông tới mực họ dường như không rẽ được lối đi mà cứ để cho dòng người xô đẩy tới. Giữa phòng thứ ba này, có kê một chiếc bàn rộng, chung quanh ngồi chừng vài ba mươi thực khách. Đấy là bữa tiệc hàng ngày nhà vua nước Xiêcca chiêu đãi các đại thần trong triều. chẳng khó khăn gì phân biệt quốc vương giữa số người đang ngồi tại bàn tiệc. Ông ngồi ở chỗ danh dự, đầu đội chiếc vương miện bằng bạc khảm nhiều viên hoàng ngọc và hồng ngọc. Đấy là một người trạc ba mươi tuổi, vẻ mặt rất tuấn tú khôi ngô, và luôn luôn tươi cười. Vua đang khích lệ các triều thần hãy uống nhiều rượu vào, và tự vừa cạn chén trước làm gương. Ông lại kể chuyện vui, lại cười sang sảng cùng mọi người. Nhà vua đúng là linh hồn của bữa tiệc.
Xong bữa, nhà vua ấy đứng lên, cùng các triều thần dự tiệc bước sang gian phòng đang có các ca sĩ và nhạc công múa hát. Nhà vua gần như ở hết ngày trong căn phòng ấy, vừa thưởng thức vừa tự mình tham gia đàn ca hát múa. Đến tối, vua Hocmô mời tất cả mọi người lui về, còn mình bước sang phòng dành riêng cho các cung nữ.
Chờ cho các ca sĩ và nhạc công ra về trước, quốc vương Đamat, tể tướng Atanmuc cùng hoàng thân Sêyp-en-Muluc mới ra khỏi hoàng cung cùng một lúc với cơ man là dân thành phố hằng ngày vào cung xem chỉ vì hiếu kỳ.
Về tới nhà trọ, vua Bêrêđin nói:
Phải nhận quốc vương Astrakhan có vẻ một con người hạnh phúc. Ta không nhìn thấy bất cứ một điều gì cho phép nghi ngờ niềm vui của ông là không thực. Cuối cùng ta đã gặp được một con người hạnh phúc, và điều kỳ lạ hơn cả, đấy lại là một bậc quân vương.
Về phần mình – hoàng thân Sêyp-en-Muluc nói – tôi có cùng cảm tưởng như bệ hạ. Không có dấu hiệu gì bên ngoài khiến ta suy nghĩ vua Hocmô có điều tâm tư thầm kín nào đấy tiềm ẩn trong lòng. Nếu phán đóan của tôi sai, thì nhà vua ấy quả là một người quá khéo che giấu tâm can.
Lúc này tể tướng mới lên tiếng:
Hoàng thân đã rõ, che giấu ta6m can là một nghệ thuật chẳng mấy ai lạ ở chốn triều đình. Riêng tôi, xin phép hoàng thượng cho tôi được miễn phán đóan. Có gì bảo đảm cho chúng ta dám chắc lòng nhà vua ấy trong lúc này biết đâu chẳng chôn giấu một phiền muộn sâu xa? Sao không nghĩ rằng bề ngoài cũng vui vẻ như ta nhìn thấy, thì trong tâm tư nhà vua càng đau khổ hơn?
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN.
 
Ngày hôm sau, quốc vương Đamat, tể tướng Atanmuc và hoàng thân Sêyp-en-Muluc trở lại hoàng cung, mỗi người mang theo một cái hộp đựng đầy ngọc báu. Họ nhờ người vào tâu, có ba thương gia chung vốn buôn ngọc vẫn đi chào bán ngọc ở các triều đình, từ kinh thành Batđa đến muốn xin gặp nhà vua. Vua Hocmô cho mời cả ba vị vào ngay. Ba vị thương gia mở các hộp, đưa trình vua xem những viên kim cương lớn nhất. Nhà vua thích thú xem ngọc, đặc biệt thốt lên khi nhìn thấy một viên to bằng quả trứng chim  bồ câu “Ôi, viên ngọc mới đẹp làm sao! Cả đời ta chưa từng nhìn thấy. Dường như thiên nhiên đã bắt tụ hội tại viên ngọc này tất cả màu sắc rực rỡ nhất trên đời. Đâu là nơi sản sinh ra vật lạ này?”
Tể tướng Atanmuc từng làm nghề buôn ngọc, đáp thay cho ba người:
Tâu bệ hạ, chỉ có ở đảo Xêrendip mới tìm ra được loại kim cương độc đáo như thế này. Chúng tôi đã mua được viên này ở nước ấy. Đúng là trong tất cả các lọai châu báu hiện có ở Xêrendip, duy viên này được mọi người đồng ý cho là quý hiếm nhất.
Thấy vua Hocmô cứ ngắm nghía không chán, vua Bêrêđin nói:
Tâu bệ hạ, chúng tôi rất mừng thấy có một thứ làm cho ngài hài lòng. Chúng tôi khúm núm khẩn cầu xin bệ hạ cho phép được dâng tặng ngài vật mọn này. Xin bệ hạ vui lòng chấp nhận cho, nếu bị ngài khước từ, chúng tôi  sẽ lấy làm tủi thân lắm.
Nhà vua Hocmô đồng ý nhận món quà. Vua ngỏ ý mời ba vị khách lưu lại một thời gian trong kinh đô mình, và mời ba người vào ở luôn trong cung điện của hoàng gia.
Ba người chuyển vào ở tại hoàng cung ngay trong ngày hôm ấy. Quốc vương Hocmô ban cho họ mấy căn nhà đẹp nhất và sai các quan vẫn hầu cận nhà vua đích thân phục dịch họ. Vua Hocmô tin đấy là những thương gia có nhiều dịp đi lại các nước châu Á, nên quyết định đối xử với họ vô cùng trọng hậu, để sau này khi có dịp đến bán ngọc tại các triều đình khác, họ sẽ ca ngợi kinh thành Astrakhan. Ngày nào vua cũng sai ban tặng phẩm cho ba nhà buôn. Khi thì vua đích thân dẫn họ tham gia các cuộc săn bắn, khi thì mời họ dự buổi trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Lại có lần vua mở một tiệc lớn chiêu đãi họ, có mặt tất cả các vị đại thần trong triều. Bất kỳ tổ chức lễ lạc gì, vua cũng dặn cho làm huy hoàng hơn bình thường một tí, khiến cho họ đến phải loá mắt ngỡ ngàng trước sự giàu có phồn vinh của nước Xiêcca.
Quốc vương Bêrêđin cũng như tể tướng Atanmuc và hoàng thânSêyp-en-Muluc ít quan tâm đến các vinh dự ấy mà chỉ để ý quan sát, không bỏ qua một động thái nào của nhà vua Hocmô. Ba vị cố chú ý xem có lúc nào quốc vương Hocmo lộ ra đang phải che giấu một nỗi niềm nào đó trong lòng. Nhưng mặc cho họ tốn công dò xét, vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào khả nghi. Một hôm vua Bêrêđin nói với tể tướng:
Ông Atanmuc à, nhìn xem cơ sự này, có lẽ nhà vua nước này đúng là một con người hạnh phúc, dư luận không sai ngoa.
Vâng, tâu bệ hạ - tể tướng đáp – mọi sự bên ngoài đều khiến ta phải nghĩ nhà vua là người sung sướng. Nhưng vẫn chưa chắc lắm đâu. Chúng ta chưa có dịp quan sát vua vào ban đêm. Biết đâu khi chúng ta tưởng nhà vua đang ngon giấc, thì ông lại trăn trở không yên vì một điều phiền muộn nào đó.
Nhưng làm sao chúng ta có thể đi sâu vào đời tư mà nhìn tận đáy tim gan người khác? – nhà vua hỏi.
Theo tôi nghĩ, bệ hạ nên tâm tình với nhà nvua. Ngài nên nói thật mình là ai, tại sao mình đến tận nước Xiêcca này. Thấy ngài thật lòng như vậy, quốc vương Hocmô sẽ tin cậy rồi dốc hết tâm tư với ngài, biết đâu vua sẽ chẳng vén cho ngài thấy một điều bí mật vua vẫn cố che giấu mọi người.
Hoàng thân cũng tán đồng ý kiến của tể tướng. Quốc vương Bêrêđin liền quyết định sẽ nói chuyện với quốc vương Hocmô với cách sao ông này chịu làm sáng tỏ vấn đề. Một hôm, ba nhà buôn kim hoàn đến gặp quốc vương nước Xiêcca xin được nói chuyện riêng. Vua Hocmô chấp nhận. Quốc vương Bêrêđin-Lôlô ngỏ lời nói với ông như sau:
Tâu bệ hạ, chúng tôi đến cầu xin bệ hạ cho phép chúng tôi từ giã triều đình của ngài. Thời gian chúng tôi định lưu lại kinh thành quý quốc đã quá lâu. Chúng tôi đến cảm tạ ân sủng của ngài và xin ngài vui lòng cho chúng tôi được ra đi.
Ta không cố ý lưu giữ các ngài nếu các ngài không muốn ở lại đây nữa – vua Hocmô nói – Tuy nhiên, ta thú thật các ngài ra đi vội vàng quá đấy, khiến ta phiền lòng. Trước đây ta vẫn ngờ bà vị sẽ còn ở chơi lâu hơn nữa. Có lẽ kinh thành này không có gì đủ thú vị để giữ chân các ngài chăng?
Tâu bệ hạ - vua Bêrêđin vội đáp – tôi xin nói có đất trời chứng giám, triều đình của ngài đối với tôi còn nhiều lạc thú hơn, dễ chịu hơn cả kinh đô của chính Đấng thống lĩnh các tín đồ. Hơn nữa, sự đón tiếp nồng hậu của ngài, mọi ân huệ ngài thường xuyên ban cho đủ làm chúng tôi vô cùng cảm kích. Tuy nhiên, có nhiều lý do quan trọng buộc chúng tôi phải trở về tổ quốc của mình. Bởi, tâu bệ hạ, chúng tôi không phải là những nhà buôn ngọc như ngài vẫn tưởng. Tôi cũng là một vụ quân vương như ngài. Tôi đang trị vì xứ Đamat, còn hai vị mà ngài vẫn ngỡ là các vị đồng nghiệp của tôi đây, một là vị tể tướng của tôi, một là vị đại thần tin cậy nhất của tôi.
Quốc vương Astrakhan khá ngạc nhiên về lời nói thật ấy. Vua càng tin chắc hơn khi vua Bêrêđin thuật rõ nguyên nhân do đâu ba người ra đi khỏi kinh thành Đamat. Nghe xong, vua Hocmô cả cười và nói: 
Lạ nhỉ, tâu bệ hạ, vị tể tướng của ngài vẫn quả quyết trên đời không có người nào hoàn toàn hạnh phúc sao?
Đúng vậy – vua Bêrêđin đáp – và đây chính là điều ông ấy không thể thuyết phục tôi. Qủa thực, tại vương quốc của mình, tôi chưa tìm ra được một người hoàn toàn hài lòng với cuộc sống. Tôi đã tốn công vô ích đi kiếm tìm người tuyệt đối hạnh phúc ở nhiều xứ khác. Tại kinh thành Batđa tôi có gặp mấy người thoạt trông có vẻ hoàn toàn thoải mái với số phận, song thực ra không phải vậy. Tìm kiếm mãi không thấy, tôi định lên đường trở về Đamat thì nghe có người nói, tại kinh đô Astrakhan đang trị vì một bậc quân vương được người đời tặng biệt danh là Nhà vua không phiền não, do tính cách lúc nào cũng tươi cười vui vẻ của người. Vì hiếu kỳ, tôi muốn được nhìn thấy ngài tận mắt, và quả nhiên tôi thấy ngài bước chân đến đâu mang theo niềm vui đến đó. Tâu bệ hạ, tôi muốn cầu xin ngài hãy cho biết, vẻ bên ngoài ấy co phải hoàn toàn khớp sự thật chăng? Có đúng là ngài hoàn toàn lạc thú? Có phải tuyệt không có một nỗi ưu phiền nào khuấy động giấc ngủ thanh thản của ngài?
Quốc vương Hocmô lại phá ra cười trước câu hỏi ấy, và hỏi lại quốc vương Bêrêđin:
Có thể nào bệ hạ bỏ mặc xã tắc của ngài để ruổi rong khắp thế giới tìm cho ra một con người hoàn toàn hạnh phúc?
Hoàn toàn đúng như vậy – vua Bêrêđin đáp – vi1 vậy mong bệ hạ cho tôi rõ tâm trạng thật của ngài. Đó là một ân sủng nữa, tôi  cầu xin ở ngài, sau bấy nhiêu điều ngài đã làm cho tôi.
Bởi ngài đã ngỏ lời hỏi tôi một cách nghiêm túc như vậy – vua nước Xiêcca nói – và bởi ngài cho dưới là một điều rất quan trọng muốn làm sáng tỏ, tôi xin trả lời: tể tướng của ngài có lý. Tôi chia xẻ ý kiến đó với ông. Tôi tin trên đời này không thể có một con người hạnh phúc. Về phần mình, tôi không phải là con người hạnh phúc, hay nói thật đúng hơn, tôi tự cho mình là nhà vua đau khổ nhất trên thế gian này. Niềm vui thường xuyên bộc lộ trên khuôn mặt tôi là niềm vui giả tạo. Đấy là hệ quả của một sự nén lòng nặng nhọc nhưng cần thiết không được để cho thần dân của tôi thấy rõ sự phiền não đang đốt cháy tâm can tôi, và do phải luôn luôn kiềm chế, cho tôi càng cảm thấy đau khổ hơn.
Quốc vương xứ Đamat bày tỏ với quốc vương thành Astrakhan mình quả thực vô cùng ngạc nhiên khi biết điều ấy. Ông lại tỏ ra quá hiếu kỳ muốn biết rõ do đâu vua Hocmô phiền muộn, đến mức ông này phải hứa sẽ có dịp cho ông rõ.
Trong thời gian ấy, niềm vui của cuộc sống thường ngày vẫn lan toả khắp kinh thành Astrakhan. Đêm nào dân chúng cũng mở hội hè lễ lượt, hội hè nào cũng đầy phấn khích tươi vui. Như thể nhân dân cả đô thành đua nhau làm cho quốc vương của mình vui vẻ, mỗi người tự cho là một vinh hạnh lớn nếu được vua tán thưởng trò vui mình bày ra. Về phần ông, càng ngày vua Hocmô càng tươi vui sảng khoái hơn, để bày tỏ lòng cảm kích trước dân chúng. Tuy nhiên, cho dù nhà vua vẫn biết cách tự nén lònng và che dấu rất khéo mọi phiền muộn như bao giờ, quốc vương Bêrêđin-Lôlô, tể tướng Atanmuc và hoàng thân Sêyp-en-Muluc, từ sau khi nghe được lời tâm sự, tưởng có thể nhìn thấy hé lộ trên khuôn mặt vua Hocmô điều phiền muộn chôn sâu trong lòng ông. Cả ba người đều náo nức chờ vua nước Xiêcca nói thật lòng mình như đã hứa. Nhà vua ấy quả nhiên thực hiện lời hứa theo cách sau đây.
Một đêm, chờ đến lúc trong hoàng cung hoàn toàn tĩnh lặng, vua sai một hoạn no6 sang mời ba vị khách đến cung riêng dành cho các phụ nữ. Nhà vua không phiền não đã chờ sẵn họ ở phòng đầu tiên. Vua nói với họ:
Hôm nay tôi thực hiện lời hứa với quý vị. Sau đấy, các vị sẽ phán xét tôi có đúng là nhà vua bất hạnh nhất trên thế gian này hay không.
Nói xong, nhà vua cầm tya vua Bêrêđin đưa ông đi ngang qua hai phòng, đến cửa phòng thứ ba, bảo ông đứng đấy nhìn vào. Qua cánh cửa để ngỏ, vua Bêrêđin nhận thấy một phu nhân rất xinh đẹp đang ngồi trên chiếc sập. Da nàng trắng hơn màu tuyết, đôi mắt nàng sáng tựa hai vầng dương. Nàng có vẻ đang tươi cười chăm chú nghe một cung nữ già kể một câu chuyện gì đấy. vua Hocmô nói:
Xin ngài hãy nhìn kỹ nàng công  chúa đang ngồi trên sập kia. Có bao giờ ngài được nhìn thấy một con người xinh tươi dường ấy? Ngài hãy nói đi, có phải ngay trong cung của ngài cũng không thể có một nàng đẹp hoàn hảo đến thế?
Vua quay sang hỏi tiếp tể tướng và thượng thư:
Đời hai vị đã bao giờ được nhìn thấy một giai nhân tuyệt thế như vậy chưa?
Chăm chú ngắn nhìn cô công chúa, vua Bêrêđin công nhận nhan sắc của nàng quả có một không hai. Tể tướng Atanmuc tưởng thấy lại qua công chúa ấy nàng Zêlica của mình, còn hoàng thân cũng nghĩ, sắc đẹp công chúa này chẳng thua kém nhan sắc nàng Bêđy-An-Giêman. Quốc vương Astrakhan nói tiếp:
Chính nàng công chúa khả ái này là nguyên nhân gây nên mọi phiền não cho đời tôi, nàng là nỗi bất hạnh của tôi.
Có phải công chúa không yêu ngài? Có phải nàng dửng dưng… - Vua Bêrêđin hỏi.
Không, chẳng phải thế - vua Hocmô vội ngắt lời – Tôi không có gì phàn nàn về điều ấy. Tôi yêu nàng, nàng cũng yêu tôi.
Vậy tại sao nàng làm cho ngài phiền não? – Vua Bêrêđin lại hỏi.
Ngài sẽ thấy ngay đây. Xin ba vị hãy đứng yên ngoài cửa và quan sát những gì sắp diễn ra.
Nói xong, vua bước vào phòng, bước đến gần nàng công chúa. Ôi, diệu kỳ làm sao, vua càng tới gần, nét mặt công chúa càng thay đổi. Khuôn mặt nàng da trắng như tuyết với đôi má hồng đào bỗng nhiên đổi màu tái xám chẳng khác nào da xác chết, vẻ tươi vui trên mặt tan biến dần, đôi mắt từ từ khép lại. Nhà vua ngồi lên sập, bên cạnh nàng, đưa đôi mắt vừa yêu đương đắm đuối vừa đau đớn sâu xa nhìn nàng và nói:”Ôi hỡi nàng công chúa của lòng ta, xin hãy mở mắt ra, xin hãy làm ơn mở mắt ra nhìn người chồng khốn khổ của nàng đây”. Công chúa không đáp, cũng không tỏ dấu hiệu có nghe lời vua nói. Có vẻ như nàng đã hoàn toàn bất tỉnh nhân sự.
Vua Hocmô không chịu nổi cảnh tượng ấy kéo dài, ngài đứng lên, ra khỏi phòng. Và cứ theo nhịp bước vua rời xa công  chúa, nàng dần dần hồi tỉnh. Đôi mắt tan biến đần nỗi buồn vừa thoạt hiện, càng trở nên long lanh đầy sức sống hơn trước, da mặt nàng lấy lại vẻ đẹp ban đầu, thậm chí nhìn nàng lúc này còn xinh tươi hấp dẫn hơn hồi nãy. Nhà vua, tể tướng và hoàng thân đang chăm chú quan sát hiện tượng ấy, ngạc nhiên không thể nào tả xiết.
 
  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI.
Ba người vẫn dán mắt nhìn nàng công chúa, không sao hết bàng hoàng. Vua Hocmô hỏi:
Thế nào, giờ đây các ngài đã thấy ở tôi con người hạnh phúc các ngài tìm kiếm chưa?
Không – quốc vương Bêrêđin đáp – giờ đây ngược lại chúng tôi tin chắc ngài là một bậc quân vương rất bất hạnh, điều kỳ diệu vừa diễn ra khiến chúng tôi không cách nào nghĩ khác. Nhưng tâu bệ hạ, tại sao công chúa bất tỉnh khi ngài bước tới gần, và điều thần kỳ nào làm nàng hồi tỉnh lúc ngài rời xa? Tôi có được phép cầu xin ngài thoả mãn sự hiếu kỳ ấy?
Tôi không chút ngạc nhiên nghe ngài hỏi vậy – vua Hocmô nói – Tôi chờ đợi câu hỏi ấy. Ngài ngạc nhiên nhìn thấy chuyện vừa rồi, song muốn để ngài tường tận như ngài muốn rõ, tôi phải thuật lại một câu chuyện khá dài. Mà đêm nay đã quá khuya rồi, xin mời ngài đi nghỉ. Sáng mai tôi sẽ kể ngài nghe.
Viên hoạn nô hồi nãy dẫn nhà vua, tể tướng và hoàng thân đến đây, lại đưa họ trở về các phòng riêng của mình.
Đêm hôm ấy, cả ba người không ai chợp mắt. Trước những điều vừa nhìn thấy, mỗi người cố tìm rõ nguyên do, nhưng chỉ là mệt đầu óc mất ngủ của mình thêm mệt mà thôi. Cuối cùng trời cũng sáng. Nhà vua, hoàng thân cùng tể tướng được mời đến phòng riêng của vua Hocmô. Nhà vua thuật lại câu chuyện về đời ông như sau: