Dịch giả: Phan Quang
Chương 2 (E)
NGÀY THỨ TÁM và NGÀY THỨ CHÍN

NGÀY THỨ TÁM.
 
Chẳng hiểu sao em nảy ra ý định dại dột tự mình tìm đến gặp Namahran. Em muốn đến bất chợt, cho anh chàng thảng thốt vì bất ngờ, nghĩ rằng làm như vậy anh ta sẽ thấy tình yêu của em đối với anh lên đến tuyệt đỉnh. Một đêm, em ra khỏi hoàng cung theo những con đường tắt mà em chẳng lạ gì, đến thẳng nhà anh chàng. Tìm ra ngôi nhà ấy chẳng khó khăn lắm, vì em đã để ý mỗi lần đi ngang qua, trên con đường tới nhà tắm và từ nhà tắm trở về. Em đập cửa, một con nữ tì ra hỏi bà là ai và bà cần gì. Em đáp:
- Ta là một thiếu phụ trong thành phố. Ta có việc muốn gặp ông chủ mày.
- Ông ấy đang bận, - nữ tì nói- lúc này ông đang dở tiếp một bà khác, mời bà tối mai trở lại.
Nghe ba tiếng „một bà khác“, em nổi cơn ghen không sao kiềm chế được. Em như điên lên; đáng lẽ quay trở về, em xộc luôn vào nhà. Thấy một gian phòng có ánh sáng và có vẻ đang có tiệc tùng trong ấy, em bước vào, trông thấy anh chàng thương nhân ngồi dùng bữa với một cô gái trẻ khá xinh. Hai người đang chén anh chén em, và cùng song ca những khúc hát trữ tình say đắm. Cảnh tượng ấy làm em không sao nén được cơn giận, em bổ nhào vào cô gái trẻ rồi cứ thế mà đấm liên hồi kỳ trận; có lẽ em đánh con bé đến chết nếu nó không nhanh chân tìm đường thoát thân. Em không chỉ đánh con tình địch, trong lúc đang hăng tiết, em chẳng chừa mà thẳng tay nện luôn anh chàng Namahran.
Thoạt tiên anh chàng quỳ xuống dưới chân em, xin em vui lòng tha thứ, và hết lời thề thốt từ nay sẽ chẳng bao giờ dám lừa dối em. Cơn giận em dịu dần. Em tin vào những lời thề thốt mặn mà cũng như vẻ an năn khuất phục của anh chàng. Anh chàng còn mời em uống rượu với hắn, và hắn khéo chuốc đến nỗi em say mèm. Khi thấy em đã say khướt, tên phản trắc đâm em nhiều nhát dao. Em ngả xuống bất tỉnh nhân sự. Tưởng em đã chết, hắn cho em vào một cái túi vải lớn, rồi tự mình vác lên vai ra khỏi thành phố, đến cái nơi mà anh bắt gặp em lần trước. Trong khi hắn đào huyệt, em hồi tỉnh và rên lên mấy tiếng; hắn đã không đem lòng thương hại thì chớ, còn nhẫn tâm tới mức không kết liễu cho em chết hẳn mà cứ vậy chôn sống, thậm chí anh chàng như có vẻ thích thú khi hành động dã man đến thế.
Còn về Maya,- nàng kể tiếp- người thương nhân anh từng mang thư tới cho, chính là nhà buôn vẫn đưa vải vóc vào cung cấp cho mọi người trong hoàng cung. Em nói với ông em đang cần tiền, em có kể sơ cho ông biết câu chuyện và yêu cầu ông giữ kín cho tới khi em trả được hoàn toàn mối hận.
Đấy là tất cả câu chuyện của em, hỡi chàng trai trẻ. Trước đây em đã không nói cho anh rõ chuyện ấy, sợ anh ngại ngùng không muốn dẫn tên khốn kiếp ấy về nhà cho em trừng trị chăng. Em tin đến lúc này, anh không còn chê trách hành động của em nữa. Nếu anh là người sẵn có tấm lòng căm ghét những tâm địa phản trắc, hẳn anh phải ngợi khen lòng dũng cảm của em đã dám thọc lưỡi dao vào đúng trái tim phản trắc của tên khốn kiếp Namahran.
Chẳng bao lâu nữa trời sẽ sáng- nàng nói tiếp- anh và em chúng ta cùng nhau đi đến hoàng cung. Phụ vương em lúc nào cũng yêu thương em với tấm lòng trời bể. Em sẽ thú nhận với người tội lỗi của em. Em hy vọng được người tha thứ, và em dám hứa chắc với anh là người sẽ không quên trọng thưởng anh.
Nghe đến đây tôi nói với nàng công chúa:
- Không đâu, thưa bà. Tôi không đòi đền đáp chút gì cái công cứu sống bà. Nói có trời đất chứng dám, tôi chẳng hề hối tiếc chuyện ấy; nhưng xin thú thật với bà tôi thật vô cùng thất vọng sao mình lại phục vụ sự trả thù của bà một cách mẫn cán đến thế. Bà đã lợi dụng lòng nhân ái của tôi để lôi kéo tôi tham gia một vụ lừa dối. Đáng ra bà nên ngỏ lời sớm với tôi và cậy nhờ tôi tìm cách báo thù cho bà. Hẳn tôi đã chẳng ngại ngần đưa mạng sống của mình ra giúp bà trả hận một cách cao thượng hơn.
Tóm lại, thưa ngài, mặc dù nghĩ tên Namahran bị trừng trị là đáng kiếp, tôi vẫn ân hận xiết bao, chính mình đã đưa anh chàng đến cái chết, tôi liền bỏ nàng công chúa mà đi ngay tức khắc, chẳng chút màng những lời hứa hẹn của nàng. Tôi rời ngôi nhà ấy trước khi trời sáng. Mặt trời vừa mọc, tôi nhìn thấy một đoàn lữ hành hạ trại nghỉ đêm trên một cánh đồng cỏ, tôi liền nhập bọn. May mắn sao đoàn đang trên đường về thành phố Batđa, nơi chính tôi cũng đang muốn đến, thành ra tôi khởi hành luôn cùng đoàn.
Tôi tới được Batđa bình yên, tuy nhiên chẳng bao lâu thấy mình lâm vào một tình cảnh đáng buồn. Tôi hết sạch tiền. Tất cả gia sản đồ sộ của tôi ngày trước nay chỉ còn sót lại đúng một đồng xơ canh vàng trong túi. Tôi tính chuyện mang đổi lấy tiền lẻ. Tôi dùng số tiền lẻ ấy mua táo hương, kẹo hạnh nhân, nước thơm và hoa hồng. Ngày ngày tôi mang cái giỏ đựng những thứ vừa mua được ấy đến một quán bán nước fiquaa (Một loại nước giải khát, gần giống bia làm bằng đại mạch, nho và nước), ở đấy nhiều vị quan chức trong thành phố cùng khách khứa đủ hạng hay tới dùng nước giải khát và trò chuyện. Tôi nâng cái giỏ đưa đến từng người. Ai thích thức gì dùng thức ấy, và dĩ nhiên nhiều ít người nào cũng có trả cho tôi một vài đồng lẻ. Thành ra cái việc buôn bán lặt vặt ấy cũng giúp cho tôi sống tạm chẳng đến nỗi nào.
Một hôm, tôi đang mang giỏ hoa quả đến quán giải khát bán thường lệ, mời mọi người mua, chợt có một cụ già đang ngồi trong một góc khuất tôi không nhìn thấy cho nên không mời, gọi tôi lại và hỏi:
- Anh bạn ơi, tại sao bạn không mang giỏ hàng của bạn đến mời lão này mua như mời những người khác? Anh bạn cho già này không thuộc loại người đứng đắn sao? Hay là anh nghĩ trong hầu bao của ông lão chả có đồng xu nào?
- Thưa ngài, tôi đáp- mong ngài bỏ quá cho sự sơ xuất. Tôi xin quả quyết hồi nãy không nhìn thấy ngài. Cả giỏ hàng của tôi đây, xin ngài dùng thoải mái, tôi chẳng dám đòi hỏi gì hơn ở ngài.
Vừa nói, tôi vừa nâng cái giỏ lên trước mắt cụ. Cụ già cầm một quả táo hương, rồi bảo tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi ngồi, cụ già hỏi tôi đủ thứ, nào là tôi là ai, nào họ tên tôi là gì. Tôi thở dài thưa:
- Xin cụ miễn cho cháu phải đáp những điều cụ hỏi. Cháu không thể trả lời những điều cụ muốn biết là không lại làm rớm máu những vết thương đang bắt đầu lành miệng trong tim cháu.
Những lời nói ấy, hay đúng hơn là cái giọng tôi thốt ra, khiến cụ già thôi không thúc ép nữa. Cụ chuyển sang chuyện khác, rồi sau một hồi trò chuyện, lúc đứng dậy ra về cụ lấy ở túi tiền ra mười đồng xơcanh vàng đặt vào tay tôi.
Tôi khá ngạc nhiên về sự hào phóng ấy. Các vị khách sang nhất tôi mời mua hoa quả chưa từng có ai trả cho tôi đến một xơcanh bao giờ, vì vậy không hiểu nỗi cụ già này là người như thế nào. Sáng hôm sau quay trở lại cái quán bán nước đã thấy ông cụ ngồi ở góc ấy. Dĩ nhiên tôi mang giỏ hàng tới mời cụ mua trước tiên. Cụ lấy một ít nước hoa, bảo tôi ngồi xuống cạnh, rồi thúc ép tôi kể chuyện mình, khẩn khoản tới mức tôi không thể không vâng lời.
Tôi thuật lại cho cụ nghe tất cả những gì đã xảy ra trong đời mình. Sau khi nghe tôi giãi bày tâm sự, cụ già nói:
- Ta có quen biết thân sinh anh ngày trước. Ta vốn cũng là một thương nhân ở thành Basra. Ta không có con, mà cũng chẳng còn hy vọng có. Ta có cảm tình với anh, ta nhận anh làm con nuôi. Vậy thì, con trai ta ơi, con hãy quên đi mọi đau buồn trong quá khứ, con sẽ thấy ở già đây một người cha còn giàu có hơn cả phụ thân con, ngài Apđêlazit, khi người còn sống. Cha hứa sẽ hết sức thương yêu con.
Tôi cảm tạ cụ già về vinh hạnh dành cho tôi, và khi cụ đứng dậy ra về, tôi đi theo luôn. Cụ bảo tôi vứt cái giỏ cùng với hoa quả trong ấy đi, rồi dẫn tôi đến một dinh cơ lớn mà cụ đã thuê từ trước. Cụ cho tôi một căn hộ cùng mấy tên nô lệ để hầu hạ. Cụ lại sai người mang đến cho nhiều quần áo sang trọng. Tưởng như phụ thân tôi, Apđêlazit vẫn đang còn sống, và tôi chưa phải lâm vào một cảnh khốn cùng bao giờ.
Khi cụ thương nhân ấy giải quyết xong công việc ở Batđa, nghĩa là bán hết mọi thứ hàng hoá mang từ Basra đến, chúng tôi cùng lên đường trở lại thành phố Basra. Lũ bạn chơi bời ngày trước, những tưởng chẳng bao giờ gặp lại tôi, rất đỗi ngạc nhiên tôi trở thành con nuôi một vị thương nhân được mọi người coi là giàu nhất thành phố. Tôi cố sức làm vui lòng cụ già. Cụ cũng lấy làm cảm kích về chuyện ấy. Thỉnh thoảng cụ lại nói:
- Abuncaxem à, cha rất hài lòng đã gặp con ở thành phố Batđa. Con có vẻ xứng đáng với những gì cha làm cho con.
Tôi rất xúc động về tình cảm cụ dành cho mình, nhưng chẳng bao giờ lạm dụng lòng tốt của cụ, mà tự mình nghĩ ra và làm mọi thứ cho cụ vui lòng. Giờ tôi không chơi bời phóng đãng với bạn bè cùng trang lứa nữa, tôi luôn luôn ở bên cạnh cụ. Hầu như tôi không rời xa cụ một bước.
 
NGÀY THỨ CHÍN.
 
Một hôm cụ già phúc hậu ấy đổ bệnh, các thầy thuốc chạy chữa thế nào bệnh cũng không thuyên giảm. Thấy mình e tới lúc khó qua khỏi, ông cho tất cả mọi người lui ra và nói riêng với mình tôi:
Con ơi, đã đến lúc cha nói cho con rõ một điều bí mật quan trọng. Nếu cha chỉ để lại cho con cái dinh cơ này cùng với của cải trong đó như con hằng nghĩ, thì cái gia tài cha để lại cho con chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng tất cả gia sản mà cha dành dụm được suốt đời, tuy to lớn thật đấy so với kho tàng bí mật, mà cha sẽ cho con biết đây. Cha sẽ không nói rõ với con, kho tàng có ở đây từ thời nào, do ai tạo lập và bằng cách nào, bởi bản thân cha cũng không hay. Tất cả những gì cha biết được, là ông nội cha khi sắp qua đời đã để lại cho phụ thân cha, và phụ thân cha cho đến khi chuẩn bị về thế giới bên kia, mới nói cho cha rõ.
Nhưng,- cụ già nói tiếp,- cha có một lời khuyên cho con, mong con chớ coi thường. Bản tính con vốn hào phóng. Một khi con thấy có điều kiện sống theo sở thích của mình, chắc thế nào con cũng phung phí tài sản của con. Con sẽ biếu tặng mọi người, con sẽ giúp đỡ cho những ai đến tìm con xin cứu giúp. Tính tình ấy, mà cha đánh giá cao nếu biết giữ mức độ, sẽ là nguyên nhân làm cho con bị hãm hại. Con sẽ sống xa hoa đến nỗi gợi nên lòng ganh tị của quốc vương Basra hoặc là sự ghen ghét của các quan đại thần trong triều. Họ sẽ nghi con có cả một kho tàng cất giấu đâu đấy. Rồi họ sẽ chẳng từ nan phương kế nào để chiếm đoạt cho bằng được. Để ngăn ngừa nỗi bất hạnh ấy, con chỉ có việc noi gương cha đây. Cha, cũng như thân sinh và tổ phụ cha ngày trước, luôn lo làm nghề nghiệp của mình và hưởng thụ kho tàng một cách khiêm nhường. Các cụ cũng như chính cha đây, chưa bao giờ tiêu pha món nào to lớn quá để mọi người phải lấy làm kinh ngạc.
Dĩ nhiên tôi hứa hẹn với cụ rằng tôi sẽ noi tấm gương thận trọng của cụ. Cha nuôi tôi liền chỉ cho tôi biết chỗ cất giấu kho tàng, và còn quả quyết là cho dù tôi hình dung kho tàng ấy đồ sộ đến đâu, trí tưởng tượng của tôi chẳng thấm tháp gì so với thực tế đâu.
Quả vậy, sau khi cụ già hào hiệp ấy qua đời, bởi tôi là người thừa kế duy nhất, cử hành xong tang lễ trọng thể cho cụ, tôi trở thành người sở hữu toàn bộ gia sản của cụ, mà toà dinh cơ này chỉ là một phần. Tôi vội đi tìm xem kho báu. Xin thú thật, thưa ngài, là tôi cực kỳ kinh ngạc khi nhìn thấy. Tuy không thể nói rằng kho tàng chẳng bao giờ cạn, ít nhất cũng có thể khẳng định với ngài là cho dù tôi có sống dai hơn tất cả mọi người trên đời, cũng chẳng làm sao tiêu pha hết. Bởi vậy, đáng ra phải giứ lời hứa với cụ già, tôi lại ban phát khắp nơi của cải giàu có của mình. Không một người nào trong thành phố Basra này không được hưởng ân huệ của tôi. Nhà tôi rộng mở đón tiếp tất cả những ai cần đến mình, và ai đã đến thì ra về cũng mãn nguyện. Sao gọi là nắm trong tay cả một kho tàng mà không dám tiêu pha đến nó, tôi nghĩ. Và có cách nào sử dụng kho báu của mình tốt hơn, nếu không đem dùng vào việc giúp những người bất hạnh đỡ khổ, đón tiếp cho trọng thị người nước ngoài, và để hưởng một cuộc đời đầy lạc thú?
Mọi người đều nghĩ rằng tôi sẽ đi đến khuynh gia bại sản một lần nữa cho mà xem. „Ôi dào, cái anh chàng Abucaxem ấy, ngữ ấy mà có trong tay tất cả các kho báu của Đấng thống lĩnh các tín đồ, thì nó cũng làm tiêu tan thôi!“ Ấy nhưng mọi người rất đỗi ngạc nhiên, thấy công việc làm ăn của tôi đã chẳng lụn bại chút nào, mà hình như có vẻ như ngày càng phát đạt hơn. Chẳng ai hiểu được bằng cách nào tôi có thể làm tăng thêm tài sản của mình trong khi cứ phung phí nó.
Tuy nhiên tôi tiêu xài quá rộng, cuối cùng gợi nên lòng ganh tị đối với sự giàu có của tôi, đúng như lời cụ già tiên đoán. Cả thành phố đồn đại rằng tôi bắt được một kho vàng. Chẳng cần có gì hơn nữa để cuốn hút đến cổng nhà tôi những người hám hôi của. Viên quan lo việc cảnh sát thành phố Basra một hôm tìm đến gặp tôi và nói:
- Ta chính là quan Đaroga (Viên quan lo về trật tự trị an) của thành phố này đây. Ta đến đây hỏi cho biết cái kho báu đã giúp anh sống xa hoa như thế, nằm ở đâu?
Nghe hỏi, tôi bối rối chẳng biết nên trả lời thế nào.
Nhìn thấy thái độ lo lắng của tôi, viên Đaroga cho rằng những lời đồn đại loan truyền trong thành phố không phải vô căn cứ. Nhưng y không thúc ép tôi nói rõ kho báu ở đâu, mà chỉ nói tiếp:
- Ngài Abuncaxem thân mến, xưa nay tôi vẫn xử sự với mọi người như một con người có văn hoá. Ngài hãy biếu cho tôi một món quà xứng đáng để tôi giữ kín giùm điều bí mật, và tôi sẽ để ngài yên ổn.
- Ông cần bao nhiêu?- tôi hỏi lại.
Viên cảnh sát đáp:
- Tôi chỉ cần mười đồng xơcanh vàng mỗi ngày.
Tôi nói:
- Như vậy quá ít. Tôi sẽ cho ông một trăm đồng xơcanh mỗi ngày.
Nghe nói, viên Đaroga mừng rơn:
- Thưa ngài, tôi cầu trời cho ngài bắt được một nghìn kho tàng. Ngài hãy yên tâm tận hưởng tài sản của ngài. Chẳng bao giờ tôi quấy rầy ngài về chuyện sở hữu nữa đâu.
Tôi đưa cho y nhận trước một món tiền lớn, thế là y ra về.
Ít lâu sau, quan tể tướng Apbunfata cho người tìm tôi. Ông mời tôi vào phòng làm việc và bảo:
- Hỡi chàng trai trẻ tuổi kia, ta vừa biết anh phát hiện một kho báu. Anh rõ rồi đó, một phần năm của cải bắt được thuộc về Thượng đế, anh phải chia phần ấy cho nhà vua. Vậy thì anh hãy chia ra một phần năm đi, bốn phần còn lại anh yên tâm làm chủ.
Tôi đáp:
- Trình tể tướng, tôi xin thú thật với ngài là tôi quả có bắt được một kho tàng, đồng thời tôi cũng xin thề độc trước Thượng đế là Đấng đã sáng tạo ra ngài cũng như sáng tạo ra tôi, là cho dù tôi có bị phân thây làm bốn mảnh, tôi cũng chẳng hé răng chỉ chỗ có kho tàng. Tuy nhiên tôi sẵn sàng biếu quan lớn mỗi ngày một nghìn đồng xơcanh vàng, với điều kiện sau đấy ngài để yên cho tôi nhờ.
Hoá ra cụ tể tướng Abunfata cũng dễ biết điều như viên cảnh sát quèn mà thôi. Ông sai một người tín cẩn đến gặp người giữ kho báu của tôi, anh này giao luôn ba mươi ngàn xơcanh cho tháng đầu.
Quan tể tướng sợ rồi đây nhà vua sẽ biết chuyện, nghĩ thà tự mình nói ra trước thì hơn. Quốc vương chăm chú nghe tể tướng trình, nhà vua nghĩ vấn đề này đáng được đi sâu hơn nữa, liền ngỏ ý muốn gặp trực tiếp tôi. Nhìn thấy tôi, nhà vua vừa cười vừa phán:
- Này, anh chàng trẻ tuổi kia, tại sao anh không chỉ cho ta biết kho tàng anh ở đâu? Anh nghĩ ta kém công minh đến mức chiếm đoạt tài sản của anh sao?
Tôi thưa:
- Muôn tâu hoàng thượng, cầu Thượng đế ban phúc cho ngài vạn thọ vô cương. Nhưng xin tâu, cho dù kẻ này có bị người lấy kìm nung đỏ mà rứt thịt da ra, cũng chẳng bao giờ hé răng nói lộ kho tàng ở đâu. Tôi đồng ý mỗi ngày nộp cho hoàng thượng hai nghìn đồng xơcanh vàng. Nếu ngài từ chối không nhận mà cho rằng tôi đáng tội chết, xin ngài cứ truyền lệnh, tôi thà chịu muôn ngàn cực hình chứ chẳng bao giờ thoả mãn sự hiếu kỳ của hoàng thượng.
Nghe vậy, nhà vua quay nhìn tể tướng, tham khảo ý kiến của ông. Tể tướng nói:
- Tâu bệ hạ, số tiền anh chàng này nộp hoàng thượng hàng ngày cũng cầm bằng như ta bắt được một kho tàng. Xin hoàng thượng cho phép y ra về, sống cuộc đời xa hoa thường nhật của y, miễn là y phải răm rắp giữ đúng lời đã hứa với hoàng thượng.
Nhà vua nghe theo lời khuyên của tể tướng. Vua cho tôi lui ra, còn phủ dụ thân thiết nữa là khác. Từ hôm ấy trở đi, theo đúng thoả thuận của chúng tôi với nhau, mỗi năm tôi cống nạp một lần và cùng một lúc cho nhà vua, cho tể tướng và cho quan cảnh sát, tổng cộng hơn một triệu sáu trăm nghìn đồng xơcanh vàng.
- Thưa ngài, - chàng trẻ tuổi nói tiếp với hoàng đế Harun An Rasit- đấy là tất cả điều ngài muốn rõ. Giờ chắc ngài không ngạc nhiên nữa về những tặng vật tôi biếu ngài, cũng như về tất cả những gì ngài nhìn thấy trong nhà tôi.
Khi nghe Abuncaxem kể xong câu chuyện của chàng như vậy, hoàng đế rất nóng lòng muốn nhìn tận mắt kho tàng, liền bảo:
- Có thể nào trên đời này tồn tại một kho tàng mà mặc dù ngài hào phóng đến vậy cũng chẳng bao giờ cạn kiệt? Không, tôi chẳng thể nào tin. Thưa ngài, nếu điều tôi nói ra đây không là sự đòi hỏi quá đáng đối với ngài, thì xin ngài bằng lòng cho tôi xem những của cải ngài sở hữu, tôi xin thề một lời thiêng liêng nhất muôn đời không dám vi phạm, rằng tôi sẽ chẳng lạm dụng lòng tin cậy của ngài.
Người con trai của Apđêlazit tỏ vẻ buồn phiền khi nghe hoàng đế bảo vậy. Chàng nói:
- Thưa ngài, tôi quả thật không vui ngài có lòng hiếu kỳ như vậy. Tôi chỉ có thể thoả mãn ngài với những điều kiện không được lịch sự cho lắm.
- Cho dù các điều kiện ấy khắt khe đến thế nào đi nữa,- hoàng đế thốt lên- tôi sẵn sàng tuân thủ mà không lấy làm phiền lòng.
- Những điều kiện ấy là,- chàng trai nói tiếp- ngài vui lòng cho phép tôi bịt mắt ngài, ngài phải bỏ khăn, để đầu trần và không mang theo vũ khí, còn tôi cầm mã tấu ở tay, sẵn sàng chém sả vào ngài hàng ngàn nhát cho kỳ chết, nếu ngài vi phạm luật hiếu khách thoả thuận giữa chúng ta. Tôi hiểu, xử sự thế này có người sẽ cho tôi sao quá khinh suất,- chàng nói thêm- đáng ra tôi không nên chấp thuận ý muốn của ngài, song tôi tin ngài đã đặt toàn bộ lòng kính tín của mình vào những lời thề thiêng liêng; hơn nữa cũng bởi vì tôi không sao để một vị đồng thực khách ra về không hài lòng khỏi nhà tôi.
Hoàng đế nói:
- Vậy thì xin ngài hãy làm ơn thoả mãn mong muốn hiếu kỳ của tôi ngay lúc này.
- Xin vui lòng chờ cho lát nữa. Đêm nay mời ngài nghỉ lại nhà tôi. Đợi đến lúc tất cả gia nhân đi ngủ hết rồi, đích thân tôi sẽ đến tìm ngài và dẫn ngài đi.
Nói đến đây, chàng lớn tiếng gọi người hầu. Dưới ánh sáng vô vàn ngọn nến cắm trên những đế đèn bằng vàng khối do bọn nô lệ cầm ở tay dẫn đường, chàng đưa hoàng đế đến một gian phòng lộng lẫy, rồi lui về phòng riêng. Bọn nô lệ giúp nhà vua cởi áo ngoài, mời vua nằm nghỉ, sau khi để lại những cây nến lên phía trên và dưới chân giường ngủ, cả bọn lui ra. Nến toả mùi hương dìu dịu.