Kỳ 8

Trên bàn chỉ huy có một đường dây nối với hậu trường. Người sĩ quan dẫn đường tại hậu trường cứ một phút theo đồng hồ phát tọa độ của địch một lần. Tại bàn chỉ huy có một nhân viên tiêu đồ ghi lại tình huống phát ra từ hậu trường. Căn cứ vào đường bay của địch, sĩ quan dẫn đường ở tại bàn chỉ huy sẽ ra lệnh cho phi công vào cấp 1, cất cánh và dẫn cho phi công gặp địch, nghĩa là cho hướng bay, độ cao bay và tốc độ… Đến thời cơ, phát lệnh vòng tiếp cận và tấn công địch. Hồi đó, thầy giáo dạy các sĩ quan dẫn đường tạo ra những trận không chiến bằng phương pháp thủ công. Vậy mà, nếu không đủ bản lĩnh, vẫn dẫn quân ta xông trước (đi ra phía trước) địch, để “quân địch” bắn rơi, cũng như vòng lại nhưng không biết ước đoán để lạc hậu quá xa ở phía sau địch, khó lòng mà đánh được. Long còn được học ước lượng cự ly trên bản đồ và tính nhẩm các thông số hàng không. Đó là những phương trình lượng giác, những bài toán tích phân được đơn giản đến mức chỉ cần có một, hai thông số. Căn cứ vào các thông số hàng không và hằng số vật lý, Long tính ngay ra đáp số về tốc độ, về bán kính lượn vòng, về tốc độ góc và cự ly tiếp cận,v.v… Lớp sĩ quan dẫn đường đầu tiên và những thế hệ tiếp sau phải làm xong mười phép tính, hai mươi phép tính chỉ trong 30 giây hoặc là một phút. Nghĩa là một phép tính hàng không với hàng chục thông số, họ phải giải xong chỉ trong vòng 6 giây. Người ta giải thích rằng với tốc độ trung bình của máy bay là 900 km/giờ, 6 giây máy bay đi được 1,5 cây số. Quả thật, các bài tập tác nghiệp trên bản đồ đã rèn luyện thói quen phản xạ các tình huống lắt léo ở trên không trong chiến đấu… Long ngồi, nhìn những phi công luyện tập bên trong chiếc áo bay thi thoảng vẫn có phi công mặc áo lót không có ve cổ của Trung Quốc. Anh nhớ hồi mới sang Bắc Kinh đi tham quan thành phố, anh cũng mặc chiếc áo đó. Lần đầu bước qua cầu Thiên An Môn, Long choáng ngợp bởi sự hoành tráng và to lớn. Cái gì cũng đẹp đến mức anh bị các sĩ quan trong đoàn phê phán “làm nhục quốc thể”, chỉ vì anh trầm trồ, ngoái cổ nhìn những bóng đèn tròn to lớn, say sưa nhìn những bức tranh trên mái nhà hành lang Di Hòa Viên hoặc ngắm, sờ bức tường hồi âm của công viên Thiên Đàn… như một kẻ quê mùa.
Đào Đình Luyện đột ngột hỏi:
- Theo cậu, nếu như phải không chiến, chúng ta sẽ chọn đối tượng nào?
Long thẳng thắn, bộc bạch:
- Thưa anh, tất nhiên, chúng ta sẽ chọn cường kích, là bọn mang bom… Nhưng, theo tôi, đã lên trời ít khi chọn đúng đối tượng và cũng không có thời gian để lựa chọn. Phải chuẩn bị không chiến với tinh thần khó nhất. Khó mà làm được thì ít khó hơn càng dễ làm. Tôi nghĩ, chúng ta nên chuẩn bị không chiến với bọn tiêm kích, đó là đối thủ trực tiếp của chúng ta.
Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện vội vã ôm vai Long, một cử chỉ hiếm hoi. Ông vốn là một sĩ quan trí thức, chỉn chu trong tất cả mọi hành vi. Quần áo ông mặc lúc nào cũng phẳng phiu, nút áo gài cẩn thận, bộ quân phục mùa đông, trên cổ ngoài chiếc nút to, phía trên còn có một khuy nhỏ cài choàng qua bờ bên kia để cổ áo thẳng. Lúc nào ông cũng cài đủ. Áo mùa hè có tay ông gài nút ở cổ tay, còn… nếu phải xắn, bao giờ những nếp xắn lên của ông cũng thẳng và bằng nhau. Nhiều lần Long bâng quơ: “Anh Luyện kỹ quá, mất nhiều thời gian lắm”. Ông cười, nói:
- Ăn mặc cũng là một nếp văn hóa. Mình luộm thuộm, cẩu thả, là không tôn trọng người đối diện.
Quả thật, ông chu đáo từng câu nói để không gây khó chịu cho bất cứ ai, dù đó là một chiến sĩ công vụ. Bàn tay to lớn của ông choàng qua vai Long làm cho Long có một cảm giác lạ lẫm, nó như vừa truyền hơi ấm từ ông lan qua, nó lại như vừa chộn rộn một sự âu yếm của một người anh. Ông nói:
- Trời! Long, cậu như vừa mở cửa, làm cho ánh sáng ban mai lọt vào trong đầu tớ. Đúng là, tớ đã từng nói với anh em như vậy. Nhưng, chưa rõ ràng… Hay lắm, đó phải là hành động của phi công khi gặp địch, phải dứt khoát, chần chừ là cơ hội để cho địch bắn rơi.
Long phấn chấn, anh nhìn sân đỗ nặng, tất cả phi công của trung đoàn từng bốn người, tay phải nắm lại như đang cầm cần lái, tay trái chiếc Mig mô hình nhỏ xíu đang xòe cánh, bay, lượn theo ý đồ chiến thuật không chiến. Đào Đình Luyện ghi nhớ từng phi công, thói quen khi bám đội. Ông nhớ khuôn mặt từng người, kể cả những nụ cười đôi khi hết cỡ, cũng có những nụ mím môi. Họ là những chàng trai trẻ tuổi mới ngoài đôi mươi, khỏe như thần Đất, đẹp như trăng rằm.
Trời trung du đang nắng chói chang. Gió từ hướng Tây thổi đến nhè nhẹ, những đám mây nhỏ, trắng như bông, không biết từ đâu cuồn cuộn kéo về, chúng lướt qua sân bay, vùn vụt trôi về phía Đông. Phút chốc bầu trời sẫm lại, ở phía Đông như có một bức tường khổng lồ, mây bị chặn đứng, vọt lên cao, gió ngưng thổi rồi đột ngột thổi ngược trở lại, … bỗng dưng sấm chớp liên hồi, trời tối rất nhanh. Bầu trời đang hầm hập như chảo bắp rang, trở nên mát lạnh, cơn mưa ập đến xối xả. Lượng mưa, giọt nước lớn giáng xuống mặt đường băng tiếng va chạm “chách chách” liên hồi, những tia nước chéo như mũi tên lao xuống cánh những chiếc Mig đang xếp hàng trên sân đỗ nặng những âm thanh “rào rào”… nghe rất lạ tai, không ở đâu có. Phi công Lê Văn Sáu đang ngồi khâu lại mũ vải đệm bên trong chiếc mũ bay, đó là một miếng vải trắng bao bọc toàn bộ mái tóc, có lẽ để giữ cho sạch chiếc mũ bay bằng da, bên trong đã gắn thiết bị nghe không dễ gì giặt được. Bên cạnh Sáu, một phi công còn rất trẻ tên là Ngôn, tính trầm lặng, bay giỏi nhưng ít nói, Ngôn nằm đọc báo Quân đội Nhân dân, thi thoảng dừng tay vuốt mớ tóc rễ tre, Ngôn có gương mặt trái soan, mắt sâu hiền hậu. Sáu dừng tay liếc sang Ngôn, hỏi:
- Nè, Ngôn, hình như bé Phấn của mày thi đậu vào trường đại học, phải không?
Ngôn cười thoải mái:
- Hình như thế. Tôi mới nghe, chưa gặp. Anh biết rồi đó, từ hôm về nước đến nay liên tục bay rồi trực ban chiến đấu, đến viết thư báo cho nàng cũng,…
Sáu cười nhe răng, đôi tay dài quá cỡ, bước đi như dồn về phía trước, một tay vuốt lên chiếc đầu chớm hói:
- Mày có tin gì ở quê?
- Không, nghe đâu tụi nó chà xát dữ lắm. Tôi cũng lo, không biết làm gì bây giờ?
- Thì, nhiệm vụ của tụi mình là giữ cánh bay cho ngon, sẵn sàng chiến đấu cho tốt.
Ngôn giật mình, lo lắng. Dường như linh tính báo cho anh biết từ nhiều ngày qua, gia đình anh có xảy ra vấn đề gì đó, ở quê… Ngôn nói:
- Anh Sáu, gần đây, tôi có giác quan lạ lắm. Cứ nằm xuống, hình bóng má tôi, anh Tư của tôi hiển hiện. Tôi sợ có chuyện gì đó đến với má tôi hoặc là với anh Tư của tôi. Không biết…?
Sáu quay lại nhìn Ngôn, đôi mắt tròn xoe, đôi lông mày thẳng, rậm làm cho đôi mắt của anh sáng và có thần sắc sống động, Sáu nói:
- Giác quan và sinh học có mối quan hệ với nhau. Con người ta có mối giao thông của huyết thống, điều đó khoa học đang làm sáng tỏ. Đối với tụi mình, bản lĩnh của người lính, vượt qua yếu đuối những lúc như thế này vô cùng quan trọng. Ngôn, mày có nghe tao nói?