Kỳ 53

Long hiểu thâm ý của Lạc. Anh hết sức lo lắng, như vậy là không thể đoàn tụ, chỉ có Lạc mới biết  Lệ Thúy sẽ đi về đâu, hoặc là đi đến đâu… Trời đột ngột ngưng mưa, gió thổi mạnh hắt vào miệng hầm. Lạc vẫn ôm vai Long không chịu buông ra. Long có cảm giác anh ta cố bấu vào Long để đứng vững. Nếu không, anh ta sẽ đổ ập xuống, và chẳng bao giờ đứng lên được!  Chuông báo động, Long trở vào. Trần Lạc cũng trở vào, anh ta đứng phía sau Long. Đào Ngọc đã chuẩn bị chiến đấu xong. Thượng tá Nguyễn Văn Tiên bước đến bàn chỉ huy, hai tay chống lên bàn, nghiêng mình nhìn tốp địch bay vào từ cửa sông Mã. Trạm radar đã phát hiện địch, tiêu đồ gần đã vẽ những đường bay màu xanh. Tốp địch tốc độ rất chậm. Đào Ngọc thắc mắc, anh gọi điện cho Nguyễn Nhơn, sĩ quan dẫn đường ở mặt hiện sóng:
- Anh xem máy bay địch hay khinh khí cầu?
Nguyễn Nhơn căng mắt. Trên màn hiện sóng của chiếc radar 402 loại dùng để phát hiện mục tiêu trên biển do Trung Quốc chế tạo, Nhơn điều khiển mở rộng thành một tam giác nhằm phóng đại mục tiêu. Nhưng, do nó không phải là loại hiện đại, khả năng phân biệt rất kém, mục tiêu phát hiện chỉ là một phản xạ khá lớn. Nhơn trả lời:
- Tôi tăng độ phóng đại, nhưng không phân biệt rõ. Để tôi cho chiếc đo cao 843 xác định.
Nguyễn Nhơn cùng với đại đội trưởng radar cùng xem trên hiện sóng, mục tiêu di chuyển với tốc độ dưới 400km/giờ, đo cao không thay đổi, nó luôn giữ ở độ cao 1.500 mét, Nguyễn Nhơn gọi điện cho Đào Ngọc:
- Tôi đã quan sát, nếu là khinh khí cầu, độ cao sẽ thay đổi nhanh, nhưng mục tiêu đang tiến vào độ cao không thay đổi. Theo tôi, đó là máy bay địch.
Nguyễn Nhơn thường có cách nhận định quả quyết, không phải lần nào cũng đúng. Nhưng tính cách ấy được cấp trên để ý và tín nhiệm. Anh ta có khuôn mặt tròn, đôi lông mày rậm, đuôi lông mày có xoáy và hướng lên, miệng rộng, mũi cao, khá đẹp trai. Thời kỳ còn đi học chuyên môn, anh ta đã được các cô gái trẻ để ý và ít khi anh ta bỏ cơ hội. Nguyễn Nhơn khôn ngoan và chịu khó, bao giờ cũng chờ ý kiến của vài người rồi mới đưa ý kiến của mình, sau khi cân nhắc kỹ. Cho nên ý kiến của anh ta là sự chọn lọc của nhiều người, cái tài của Nhơn là không trùng với ai. Trong tập luyện, Nhơn dẫn đánh chặn tác nghiệp thường chỉ đạt khá. Nhờ tính nhẩm và ước lượng khá nhanh, anh ta có nhiều thời gian để xử lý các tình huống phức tạp. Chính vì vậy Nhơn bao giờ cũng ở trong tốp đầu của những đợt kiểm tra. Nguyễn Nhơn nói tiếp với Đào Ngọc:
- Theo tôi, cho biên đội hai chiếc Mig-17 đang trực, cất cánh.
Đào Ngọc nói ngay:
- Đồng ý với nhận định của anh.
Ngay sau đó, Đào Ngọc báo cáo, Trung tá Hoàng Ngọc cho đánh và, biên đội hai chiếc Mig-17 do Mai Đức và Văn Lai cất cánh do sở chỉ huy quân chủng chỉ huy. Chỉ vài khẩu lệnh của Đào Ngọc cho hướng và ý đồ tiếp cận, về cơ bản đã hình thành thế chiến thuật. Bây giờ, Nguyễn Nhơn trực tiếp dẫn trên mặt hiện sóng radar. Anh quan sát khá kỹ và chỉ huy biên đội tiếp cận mục tiêu từ hướng Tây. Mặt trời đã chếch bóng gần đỉnh các ngọn núi, việc quan sát của phi công sẽ rất thuận lợi. Ngọc đè nhẹ tờ giấy bóng mờ dán trên bàn, nói với Long:
- Cậu ghi độ cao các ngọn núi khu vực chiến đấu bằng bút chì đỏ.
Long ghi ngay ba vị trí anh đã thuộc. Núi PhuPhaPhang 1.587 mét ở phía Nam Mộc Châu 30km. Ngọn CotCo 1.017 mét ở phía Tây Nam Kim Bôi 15km và ngọn núi Đàn ở Đông Bắc Lang Chánh 10km, có độ cao 935 mét. Đào Ngọc bóp micro:
- Hải Âu chú ý. Khu vực chiến đấu núi cao 1.800 mét. Không được xuống dưới độ cao đó.
Nguyễn Nhơn tiếp tục thông báo địch, anh dẫn tiếp cận vào bán cầu phía sau của tốp địch hai lần, biên đội không phát hiện được mục tiêu. Từ độ cao 2.500 mét, Nguyễn Nhơn cho hạ thấp độ cao xuống 2.000 mét, rồi 1800 mét, đến lần thứ ba Đức phát hiện, sau đó Lai cũng nhìn thấy một tốp ba chiếc AD-6 loại máy bay cánh quạt cường kích của hải quân Mỹ, tốc độ nhỏ, thích hợp với đánh mục tiêu ở khu vực rừng núi. Đức ra lệnh cho Lai thả thùng dầu phụ, vào công kích. Do thói quen phát hiện địch, phi công tăng tốc độ, tốc độ chênh lệch quá lớn, Đức lao vào mục tiêu, Lai ở phía sau, cả hai phi công không kịp làm động tác ngắm và xạ kích phải thoát ly. Biên đội tiếp cận lần thứ tư, Đức nổ súng, anh không kịp ngắm, đạn bay rất xa ở phía trước. Chiếc AD-6 như trêu chọc, nó lượn vòng rất gấp, bán kính lượn vòng nhỏ. Lần xạ kích thứ 5 Đức lại bắn trượt. Lai ở phía sau, thấy rất rõ, muốn bắn trúng, phải xuống thấp hơn nữa, Anh nhắc: “50, tốc độ quá lớn, xuống thấp nữa”. Đức trả lời: “Không được, mệnh lệnh của Đông Đô”. Lai nói: “Không xuống thấp, không thể bắn trúng”.
Bây giờ, những chiếc AD-6 đã thấy Mig tấn công, dựa vào ưu thế tốc độ nhỏ, lực nâng tốt, bọn Mỹ men theo triền núi, bay dưới các mỏm núi cao, thi thoảng bay rất thấp theo đường lộ chờ cho Mig bổ nhào lao theo, bất ngờ rẽ ngoặc gấp vào các khe núi. Đức tấn công nhiều lần bằng bổ nhào, bằng các góc đón đều không có kết quả. Anh quyết định hạ thấp độ cao, giảm tốc độ, phán đoán hướng bay của địch trên các khe núi và yên ngựa … Anh đã chọn được thời cơ, một chiếc AD-6 đang vòng vừa lật lại, Đức ngắm và nổ súng. Chiếc AD-6 bị một viên đạn 23 ly bắn vỡ mép cánh phải, bèn trượt xuống sát mặt đất, uốn theo các ngọn núi cao trốn thoát. Còn lại hai chiếc AD-6 đang trong tầm kiểm soát của Lai. Anh nhìn rất rõ mục tiêu và địa hình. Những ngọn núi cao và yên ngựa. Lai báo cáo: “51 xin phép công kích”. Đức trả lời “51 công kích đi, tôi yểm hộ”. Đức bay trên cao, anh theo dõi động tác của Lai, vừa quan sát tiêm kích Mỹ … Lai hạ thấp độ cao, giảm tốc độ tiếp cận, chiếc AD-6 số 2 ở phía sau khá xa chiếc số 1. Lai phán đoán chiếc số 2 bay theo chiếc số 1. Anh từ từ hạ thấp độ cao xuống còn chênh lệch độ cao không nhiều, vừa đủ để xạ kích, xong, có thể thoát ly tránh va vào chiếc máy bay Mỹ đang ở trước mặt. Lai lái chiếc Mig xuống thấp hơn, đưa chiếc AD-6 vào vòng ngắm, cự ly rất gần, anh bóp cò, cùng một lúc ba khẩu súng rung lên, chiếc AD-6 bốc cháy. Đức phấn khởi hét vang: “Cháy rồi…”. Ngay lúc đó Đức nói trong hơi thở rất gấp: “Kéo mạnh 51, kéo, kéo...”. Chiếc Mig của Lai đã lao xuống, bắn rơi chiếc AD-6, anh kéo chiếc Mig ngóc lên được nhưng không qua được dãy núi trùng điệp ở trước mặt. Đức bay theo chiếc Mig của Lai, và thấy nó va vào một sườn núi, nổ, không có chiếc dù nào bung ra. Đức bay về, lòng nặng trĩu. Anh hạ cánh rất khó khăn và rời máy bay trong trạng thái đau đớn vô hạn… Tại sở chỉ huy không quân, lại một lần nữa, Long chứng kiến một phi công không trở về!