Kỳ 11

Black dừng lại khá lâu. Không khí trong phòng họp căng thẳng. Các sĩ quan đều tỏ rõ sẵn sàng đánh Bắc Việt Nam. Black là một viên tướng có  đầu óc, rất thực tế. Black nói:
- Chúng ta đã nghe tất cả những gì cần nói. Hiện nay lực lượng của chúng ta bao gồm những hàng không mẫu hạm với những phi cơ  hùng mạnh nhất thế giới. Tôi nghĩ rằng các ngài đã rõ ý kiến của tôi tại đây. Tôi yêu cầu khi Tổng thống ra lệnh đánh Bắc Việt Nam, không có bất kỳ trục trặc nào. Các ngài đã rõ?
Hơn hai chục sĩ quan cấp tướng và đại tá của hạm đội đều gật đầu. Black thấy cần nói rõ hơn, ông ta đứng dậy:
- Chiến lược quân sự hiện nay là sử dụng kỹ thuật cao và đem nó đến hiệu quả cao nhất cho danh dự của nước Mỹ. Tướng Willam W. Malyer, Tư  lệnh Không lực Mỹ ở Việt Nam trong cuộc họp tại Honolulu yêu cầu chiến thuật đánh với Việt Cộng rằng: "Sau khi tìm được địch, bộ binh phải lui vào một khoảng cách đủ để không quân và trọng pháo được sử dụng một cách không giới hạn, sau đó bộ binh mới trở lại tấn công. Vì vậy một mình không quân chiếm một phần ba chỉ tiêu của chiến tranh".Ông ta tuyên bố nhân danh các quan chức của không quân rằng: "Việc xử dụng hỏa lực chưa từng có và rộng rãi để thay thế cho binh sĩ Mỹ là đặc điểm nổi bật chiến thuật quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam". Và, theo tôi, đó là một lý thuyết, là một kiểu chiến tranh kỹ thuật cao mà Mỹ sẽ đem ra thí nghiệm ở Việt Nam.
Phó đô đốc tuần dương hạm Smith, một chiến lược gia hải quân, người đã đỗ tiến sĩ với đề tài "Đứng vững trên miệng hố chiến tranh", Smith có mái tóc cắt rất ngắn, màu bạch kim, mắt to, đeo kính trắng, có thói quen vuốt mũi trước khi nói, Smith  khiêm nhường nhưng mạnh mẽ:
 J.Paul chống tay lên bàn, sôi nổi:
- Thưa Đô đốc, trước một cuộc chiến tranh sắp xảy ra ở Việt Nam, tôi chỉ lo ngại sự phối hợp giữa bốn quân chủng mà quân chủng nào cũng có phi cơ chiến đấu. Trừ quân chủng thủy quân lục chiến với không quân chiến thuật chỉ hoạt động trong khu vực của họ, còn lại ba quân chủng, lục quân, không quân và hải quân đều có phi cơ gần như nhau và đều hoạt động trên khắp các chiến trường, tôi sợ nhầm lẫn. Tôi nghĩ, Đô đốc nên xin ý kiến Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân để xác định công tác tổ chức và chỉ huy
Black gật đầu, ông ta đứng lên vuốt tóc ra phía sau, dáng vẻ tự tin, nói:
- Đúng như ngài Đô đốc J. Paul vừa nói. Cuộc họp hội đồng quân sự tại tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương (CINCPAC) đầu tháng 1 năm 1965 ở Hawaii đã bàn cãi căng thẳng. Cuối cùng phải xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Bộ Quốc phòng. Tổng thống đã có ý kiến "Không cần bàn cãi nữa, giữ nguyên ý đồ tổ chức như hiện nay". Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân sẽ chỉ đạo cụ thể từng vấn đề một. Cụ thể như sau: lục quân không quản lý máy bay có cánh cố định, chỉ được giữ trực thăng. Không quân hoạt động dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Không quân Thái Bình Dương. Hải quân hoạt động dưới sự quản lý của hạm đội Thái Bình Dương. Còn toàn bộ không quân đóng ở Nam Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Chỉ huy viện trợ quân Mỹ ở Việt Nam (MACV).
Black còn có tên Boo, tiến sĩ khoa học hàng không, đã từng được đào tạo ở trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ, trường Havard. Boo là một sĩ quan có kiến thức rộng, thông minh và chững chạc. Ông ta vuốt tóc, mớ tóc vàng sậm, thưa, chải gọn gàng, nói tiếp:
- Theo quyết định của Tổng Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, lực lượng không quân ở các phi trường ở Thái Lan sẽ nằm trong đội hình của Bộ Chỉ huy Không quân Thái Bình Dương và đã phân chia khu vực tác chiến. Theo đó, không quân sẽ phụ trách mảng mục tiêu theo quốc lộ của Bắc Việt Nam từ đường số 6 Hà Nội - Hòa Bình kéo dài đến đường số 1 bắc nối Hà Nội với Lạng Sơn. Còn hải quân của chúng ta, phụ trách từ đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, dọc theo ven biển cho đến toàn bộ đường số 1 Nam từ phía Nam Hà Nội cho đến Vĩnh Linh. Như vậy, mọi công việc chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực bằng không quân chống Bắc Việt Nam đã được thông qua và sắp đến chúng ta phải ghi nhớ và làm đúng, không được vượt qua phạm vi cho phép để dẫn đến nhầm lẫn…
Black chỉ định Phó Đô đốc Diamond, sĩ quan quân báo, thông báo về lực lượng Bắc Việt Nam. Diamond nước da đen, râu ở cằm khá rậm, ông ta đến bên đèn chiếu, bật đèn:
- Thưa các ngài, tin tức chúng tôi có trong tay đến 0 giờ ngày 2 tháng 2 năm 1965, lực lượng phòng không Bắc Việt Nam như sau: Pháo cao xạ, cỡ nòng 100, 90, 88, 85, 57, 37 mm có 12 trung đoàn và hai tiểu đoàn độc lập, họ bố trí xung quanh Hà Nội, Hải Phòng, các khu vực cầu và xí nghiệp quan trọng. U2 đã chụp được tất cả trận địa họ bố trí từ phía Nam ở thành phố Vinh cho đến Lạng Sơn, ở Hà Nội dày đặc pháo cao xạ. Không quân Bắc Việt Nam chỉ có loại Mig-17, tức là loại máy bay chúng ta đã hạ rất nhiều trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.Về radar, quân Bắc Việt Nam có 22 đại đội cảnh giới được bố trí dọc theo hướng có quân ta tiến vào đất của họ. Theo tôi, chúng ta chỉ lo ngại pháo cao xạ, còn không quân Bắc Việt Nam lực lượng không đáng kể, chúng ta dễ dàng đè bẹp họ, chỉ cần vài tháng, chúng ta sẽ tiêu diệt họ.
Khu nhà ở của trung đoàn tiêm kích nằm trong thung lũng, xung quanh là những đồi trọc. Đặc biệt nhất vẫn là khu nhà ngủ của phi công, gồm hai dãy nhà hai tầng mái ngói, phía trước là vườn hoa nhỏ. Ở đó, đủ các loài hoa nhưng nhiều nhất là hoa vạn thọ. Người trồng hoa và chăm sóc cây cảnh là một chiến sĩ đã luống tuổi, phúc hậu, hàm răng ám khói vì thuốc lào, nước da đen sạm, hai mắt to, tóc hớt cao có nhiều sợi bạc. Ông già cần cù làm việc, bất kể nắng mưa. Bộ quân phục đã bạc màu, lúc nào  cũng thấy ông vui vẻ,  hay hát … bài "Trống cơm", vừa hát vừa vỗ bụng:
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ,… nó mới bong binh bong…
Ông có vẻ tự hào vì đã làm đẹp cho đơn vị dù cái vườn hoa ông chăm sóc chỉ là những mảnh đất  trống xung quanh cột cờ của đơn vị, mà ông chịu khó tận dụng và thế là tự dưng ông trở thành chủ cái "vườn" này. Thật ra, ông là một chiến sĩ lái xe tải sáng chở phi công ra sân bay, đến chiều chở về... xới đất xong, ông lót dép ngồi, hai chân co lên thoải mái. Một sĩ quan trẻ bước tới, ông nhận ra Phạm Minh Nhân, một sĩ quan dẫn đường mới về đơn vị. Ông gọi:
- Anh Nhân, lại đây.