Kỳ 57

Trần Lạc gật đầu, nhìn Long sửng sốt. Anh không ngờ Long có cách lập luận khá  sâu về gia đình, về hậu phương và mối quan hệ máu thịt giữa hậu phương và tiền tuyến. Lạc hoàn toàn không thể biết được Long có một hậu phương vững chắc. Lạc hỏi:
- Tớ thật có lỗi, ngay đến vợ con của cậu tớ cũng chưa biết. Cô ấy thế nào?Gia đình cậu thế nào?
Long nhìn ra cửa sổ. Buổi chiều, cơn bão số 5 đã tràn qua Hà Nội. Cây cối xào xạc, mưa to. Những giọt nước theo mái nhà chảy xuống khá mạnh. Long nhớ, đám cưới của Long và cô giáo dạy toán vừa tốt nghiệp trường sư phạm chỉ có kẹo, bánh, thuốc lá, nước trà. Long đâu có nhà, vợ của Long ở nhà của cha mẹ, chiếc xe đạp ao ước để đi làm còn chưa có. Mới ra trường, đi làm cô giáo rồi có con, cuộc sống hết sức khó khăn. Nhưng nàng đã tự lo cho bản thân rồi lo cho con. Đã có một thời gian dài Long không có lương, cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào lương của cô ấy. Long tập trung cho nhiệm vụ, cho chiến đấu vì có hậu phương. Long nói:
- Gia đình tôi nghèo lắm, chỉ sống với 45 đồng lương giáo viên của cô ấy. Nhưng tôi yên tâm, tất cả cho chiến đấu chính là vì tôi có hậu phương vững lắm. Chúng tôi không sợ nghèo, chỉ sợ không có tình thương yêu nhau.
Lạc thở ra:
- Cậu thật là may mắn. Tôi chỉ mong…
Lạc kịp dừng lại. Long biết Trần Lạc định nói: "Tôi chỉ mong có một người vợ như của Long". Lạc bối rối, anh chưa có cách để gỡ rối chuyện gia đình, anh lại không muốn nhờ bất kỳ ai. Long lại có ý định lạ. Nhìn Lạc đau đớn, Long thấy rất rõ vai trò của Lạc trong chiến đấu. Anh là người cầm lái của những sĩ quan dẫn đường còn non trẻ trong nghề nghiệp và cả kinh nghiệm chiến đấu. Long chợt nghĩ, nếu…
Maria ở với chồng chừng mười ngày thì trở về Mỹ trên chuyến máy bay của hãng American Airline cùng với một người bạn. Cô con gái của nàng mừng quýnh, ôm cổ mẹ hỏi ríu rít:
- Ba có khỏe không mẹ?
- Khỏe lắm, con. Ba gởi cho con cái này…
Nàng lục từ trong chiếc túi du lịch khá lớn. Mừng vì gặp lại con, Maria quên có người bạn cùng trên chuyến máy bay trở về. Nàng giật mình, khi nghe tiếng chào:
- Chào Maria, tôi đi. Tôi sẽ gọi điện cho Maria sau.
Maria bỏ chiếc túi, ngẩn ngơ một lúc, chìa tay:
- Chào Smith, anh về, tôi xin lỗi.
Smith mỉm cười, vuốt đầu con của Maria, bắt tay nàng rồi quay đi. Kitty nhìn người đàn ông quay lại hỏi mẹ:
- Ai vậy mẹ?
- Ông ta cùng đi trên chuyến máy bay với mẹ từ Thái Lan. Ông ta nói được trở về Mỹ công tác, ông ấy ở Bộ Ngoại giao, hình như ở Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok.
Maria đưa cho Kitty gói quà của Anderson. Cô bé run run nhận từ tay mẹ, mở ra, một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh nước biển rất đẹp, và một con thú nhồi bông hình con voi, một đặc sản ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Rất thích, Kitty ôm những thứ quà do Anderson gởi, âu yếm và trân trọng. Còn Maria, nàng nhớ rất rõ, mới tối hôm kia, tại câu lạc bộ sĩ quan không quân bên trong sân bay Takli, Anderson cùng với nàng ngồi ở một bàn nhỏ dành cho hai người, chiếc ghế bằng sắt sơn tĩnh điện rất hợp thời. Anderson ôm Maria, Maria tựa đầu vào vai của Anderson. Nàng ngắm nhìn toàn cảnh câu lạc bộ. Ở bên trái, một quày bar khá lớn, gần như tất cả ghế ngồi đều kín chỗ, dàn ly treo đã được kéo xuống gần hết. Những phi công của phi đoàn ăn mặc đủ loại quần áo, có người mặc chiếc áo phông, quần thể thao dài đến mắt cá, người mặc sơ-mi, quần tây màu kem… Maria hiểu, những phi công Mỹ đến đây, ban ngày, họ bay đến một đất nước xa lạ ném bom, giết, phá theo lệnh của Lầu Năm Góc, tối về, họ chỉ có chỗ này để giải khuây và tiêu tiền. Maria nhìn bên phải, sàn nhảy nhộn nhịp, dù có bức tường kính cách âm, nhưng ánh đèn chớp, giật, những cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp, lả lơi, khêu gợi quay cuồng bên những người đàn ông Mỹ. Họ say sưa trong điệu nhạc và họ dìu nhau đến những chiếc ghế đôi, những cô gái Thái ngồi úp mặt vào lòng những sĩ quan Mỹ, sẵn sàng chiều theo những người có tiền… Maria cố không nhìn, nhưng những ánh đèn ma quái cứ dồn dập đập vào mắt nàng. Tự nhiên Maria khó chịu, nàng thấy lòng mình trở nên trống vắng lạ lùng. Nàng ngước nhìn Anderson trong khi tay Anderson ôm vai nàng, mắt lại nhìn nơi có ánh đèn ma quái. Maria biết rằng, nếu không có nàng ở đây, Anderson sẽ đắm mình ở đó, nơi những cô gái Thái rắn chắc, trẻ, đẹp ở bên kia…
Chiếc xe hơi Kitty lái chạy với tốc độ khá cao, bóng cây hai bên đường như ngã đổ dồn về phía sau. Maria chợt nghĩ đến Smith, một người đàn ông đẹp trai và lịch lãm. Suốt hơn 15 giờ bay từ Bangkok, chiếc Boeing 737, hai động cơ của hãng hàng không Mỹ hiện đại vào bậc nhất thế giới, chở nàng và hơn 300 hành khách hầu hết là người Mỹ hạ cánh xuống sân bay Texas. Nàng được một người đàn ông chăm sóc, tâm sự và giúp đỡ. Điều gây ấn tượng mạnh đối với Maria là người đàn ông cùng bang với nàng nói chuyện có duyên, biết rõ những khát khao của nàng và dường như anh ta không thích chiến tranh. Suốt chặng đường dài ngồi bên nhau, nàng nhận ra Anderson và Smith như hai con người hoàn toàn khác nhau và điều đáng sợ nhất, nàng thấy Anderson có cái gì đó tầm thường, một anh chàng không có trái tim và dường như Anderson được sinh ra để bắn, giết. Còn Smith là một con người của trí tuệ uyên thâm, học cao, hiểu rộng và có lòng...
Ngày 16 tháng 7 năm 1965 tại Honolulu Đô đốc Sharp chủ trì cuộc họp giữa các lực lượng không quân và hải quân Mỹ thực hiện bước leo thang thứ 5. Tại phòng xanh, có ánh sáng nhiều đèn màu, chiếu bản đồ Việt Nam thành nhiều làn vạch ngang, dọc trên tường được lồng kính màu đục bên ngoài. Xung quanh chiếc bàn dài hình ê-líp nổi lên các vị trí hạm tàu, đèn bật sáng, các tướng lĩnh không quân Mỹ, các đô đốc, phó đô đốc mặc quân phục, trên ngực trái nhiều dãy cuống huân chương, bên phải đeo hình con chim đang bay, đó là những vị tướng và đô đốc đang là phi công hoặc đã từng là phi công chiến đấu. Một số sĩ quan cấp tướng chuyên môn không có huy hiệu con chim bay. Đô đốc Sharp đứng lên, kéo ghế, bước đến gần tấm bản đồ Việt Nam, ông ta cầm chiếc gậy có nhiều đốt kéo dài, trên đầu có một bóng đèn màu đỏ, Sharp nói:
- Thưa các ngài, chúng ta đã qua bốn nấc thang chiến tranh. Từ đầu năm 1965 đến hết tháng 3 năm 1965, chúng ta đã hoàn thành bước 1, đánh toàn diện tuyến giao thông Bắc Việt Nam từ giới tuyến đến phía Nam sông Lam (Vinh). Hết tháng 4 chúng ta đã bước sang nấc thứ 2, trong đó có việc phải đánh sập cầu Hàm Rồng. Nhưng, chúng ta mất gần mười phi công, cầu không phá hủy được. Chắc là ngài Thomas Moorer có lý do…