Kỳ 3

Đào Đình Luyện khiêm tốn:
-Xây dựng một sân bay cấp 1 như vậy là rất nhanh. Mới cuối năm 1963 cả vùng Nội Bài, ba xã xung quanh, đồi hoang trùng điệp, những rãnh sâu nước chảy, đất còn tự nhiên. Anh và các đồng chí công binh cắm cọc, vạch đường băng bằng kính đo đạc. Tôi nhớ, hôm động thổ, nhát cuốc chim đầu tiên, anh thay mặt Bộ Quốc phòng và quân chủng bổ xuống gặp đá, lưỡi cuốc chim nẩy lên. Vậy mà, bây giờ sân bay đã xong, đường băng, đường lăn, sân đỗ đã hoàn thành. Tất cả phi công đều được thông báo, anh em phấn khởi lắm... 
Thượng tá nắm chặt tay Trung tá Đào Đình Luyện, tâm sự:
-Tôi được đào tạo khá kỹ về chỉ huy. Nhưng về sân bay,...  xây dựng sân bay, tôi chỉ học sơ bộ, Bác Hồ giao, tôi cố gắng làm, vừa làm, vừa học các chuyên gia Trung Quốc. Anh em công binh vất vả lắm, họ làm ngày, làm đêm. Hàng triệu mét đất của những quả đồi được san lấp, đầm và đổ bê tông, thật là một công trường vĩ đại... Mà, nè, anh Luyện, anh bố trí, tôi muốn ở cùng với anh em.
Trung tá Luyện nói:
- Anh và tôi cùng ở một nhà.
Cả hai lên xe. Trung tá Luyện nói:
- Chúng ta tới rồi, mời anh xuống.
Nghe tiếng xe đỗ, mọi người trong phòng họp đều đứng lên. Đào Đình Luyện hướng dẫn Thượng tá Nguyễn Văn Tiên ngồi ở đầu bàn, ông đứng lên báo cáo:
Thượng tá Nguyễn Văn Tiên đứng lên, kéo ghế ra phía sau, nhìn mọi người... Ông vốn là một công nhân ở nhà máy Ba Son (Sài Gòn), da ngăm, mặt vuông, đôi lông mày rậm, mắt to, người to lớn, hất toàn bộ tóc chải ngược ra phía sau. Ông cất giọng:
- Tôi thay mặt Bộ tư lệnh quân chủng, chúc các đồng chí khỏe. Tôi thông báo đến các đồng chí tình hình trong nước. Chúng ta đều biết người Mỹ đã thất bại trong chiến tranh đặc biệt. Lý luận của các chiến lược gia Mỹ như sau: “Cố làm cho sự chú ý của nhân dân trong nước Mỹ tăng lên và một sự căng thẳng quốc tế, mới có thể có lý do để bảo vệ khu vực Đông Nam Á”. Và lấy lý do bảo vệ Đông Nam Á để tấn công miền Bắc của chúng ta. Quả là, bọn Mỹ ráo riết làm cho tình hình căng thẳng đến mức đã có cuộc đụng độ giữa  hải quân ta và tàu Maddox  thuộc hạm đội 7 của Mỹ. Tôi muốn nói rõ hơn, từ tháng 6 và tháng 7, bọn Mỹ đã nối lại các hoạt động biệt kích  trên vùng bờ biển nước ta, dùng bọn biệt kích ngụy được Mỹ thuê riêng, được Mỹ huấn luyện và cung cấp hậu cần. Hoạt động biệt kích trên thực tế là một kế hoạch của Mỹ hoạt động ở vùng biển Thanh Hóa và Nghệ An, mục đích làm cho nước Mỹ chú ý, dư luận Mỹ quan tâm. Điều đặc biệt nghiêm trọng là Mỹ cho tàu Maddox với một tổ tình báo điện tử đặc biệt thọc sâu vào vùng biển nước ta khiêu khích nhiều lần, buộc chúng ta phải tấn công đuổi bọn Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Theo tin chúng ta nắm được, người Mỹ giao cho tàu Maddox nhiệm vụ tuần tra, khiêu khích  phối hợp với biệt kích... Chính hoạt động  khiêu khích làm cho tình hình vùng biển nước ta hết sức căng thẳng, bọn Mỹ vừa khiêu khích, vừa làm ầm lên, gây dư luận làm cho nhân dân và quốc hội nước Mỹ chú ý. Không chỉ hoạt động quân sự, người Mỹ còn nhờ Canada cử một nhà ngoại giao Canada sang Hà Nội để thông báo không chính thức cho chúng ta rằng “Washington  xem cuộc chiến tranh ở miền Nam là một thí nghiệm chống nổi dậy trên khắp thế giới. Họ khuyên chúng ta chấm dứt ủng hộ đồng bào mình ở miền Nam, nếu không họ sẽ ném bom miền Bắc”. Như vậy, người Mỹ buộc chúng ta phải cầm súng, Bác Hồ và Đảng ta đã thấy trước âm mưu của Mỹ nên đã cho chúng ta đi học, Bộ Tổng Tư lệnh và Cục Không quân trước đây cũng cử cán bộ chỉ huy, sĩ quan tác chiến, dẫn đường, kỹ thuật đi đào tạo, đã khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống sân bay quân sự ở miền Bắc, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sân bay Nội Bài. Đó là một sân bay quân sự cấp 1. Chắc chắn trong thời gian rất ngắn sắp tới Mỹ sẽ tấn công miền Bắc. Chúng ta sẽ về nước trong thời gian tới. Ngay bây giờ trung đoàn lập kế hoạch hành quân đưa máy bay chiến đấu và các phương tiện phục vụ về nước, kế hoạch đó lấy tên là X1. Đây là một kế hoạch tuyệt mật nhưng phải bảo đảm an toàn cho toàn bộ trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta về nước và tạo bất ngờ cho không quân ta xuất trận sau này.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964. Mỹ lấy cớ tàu Maddox bị hải quân ta tấn công. Dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ, Mỹ tấn công miền Bắc. Bộ đội phòng không giáng trả, bắn rơi và bắt sống tên phi công Mỹ đầu tiên Everett Alvarez, phi công lái máy bay A-4C cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Constellation. Trung đoàn được lệnh chuyển trường về nước.
Ngày 6 tháng 8 năm 1964. Hồi 10 giờ 35 phút, Trung tá Đào Đình Luyện cầm sợi dây nối tai nghe trên chiếc mũ bay trùm đầu, trước trán có hai mắt kính trông rất oai vệ. Ông đội mũ, cắm sợi dây tai nghe vào máy đối không trên chiếc Mig-17 mang số hiệu 1020. Đào Đình Luyện là sĩ quan cấp cao, trẻ, thạo tiếng Pháp, tiếng Hoa, được tuyển chọn trong đợt đầu tiên để đào tạo phi công chiến đấu. Ông là lớp sĩ quan trí thức hàng đầu của quân đội, có khả năng tiếp thu kỹ thuật hiện đại nhanh chóng. Đào Đình Luyện ngồi vững chãi trong buồng lái. Chiếc Mig-17 trông xa như con chim én, đôi cánh xòe ra phía sau, chiếc đuôi vểnh lên cao xinh xắn. Anh liếc mắt vào bảng đồng hồ, kiểm tra tất cả các công tắc theo thứ tự. Anh liếc nhìn các chiến sĩ của anh, lúc này họ đã ở trong tư thế sẵn sàng cất cánh. Anh đảo mắt, bên trái là những dãy núi trọc, màu nâu vàng úa, là nền cho một phi trường, với đường băng dài trên 3.000 mét màu xám ở trước mặt. Anh hồi hộp lạ thường, giây phút thiêng liêng đã đến, cờ đỏ kéo lên trên nóc đài chỉ huy.
Đào Đình Luyện ấn nút khởi động. Người thợ máy cùng với anh mở máy chiếc Mig-17 … tiếng động cơ rùng nhẹ rồi gầm lên. Anh ấn công tắc:
-  01 gọi 02
Phạm Ngọc Lan trả lời:
- 02 nghe rõ
Đào Đình Luyện ấn nút:
- 01 gọi 03.
Phi công Tào Minh trả lời:
- 03 nghe rõ.
- 01 gọi 04.
Lâm Văn Lích bóp micro:
- 04 nghe rõ.
Vốn tính cẩn thận, Đào Đình Luyện kiểm tra hệ thống dây đeo dù ở vai, ở hai đùi, nút khóa ở trước ngực. Ông liếc hệ thống đồng hồ, hệ thống la bàn vô tuyến điện và la bàn từ đều đạt độ chính xác. Giơ tay chào người thợ máy, Đào Đình Luyện bóp micro:
- 01 xin phép cất cánh.
Tiếng vọng từ trên đài chỉ huy qua khoảng không dội vào tai anh xúc động:
- Cất cánh… 01.
Bốn chiếc Mig-17 trong biên đội thứ nhất từng đôi một, gầm rít chạy trên mặt đường băng, vút lên trên không. Đào Đình Luyện vòng lại, biên đội tập họp lướt qua sân bay, nghiêng cánh chào đất bạn … Theo số liệu chuẩn bị từ trước, biên đội kéo dần lên độ cao quy định, tiếp theo là biên đội 2, biên đội 3 cất cánh…