Kỳ 20

V
- Thưa các đồng chí…
Thành đứng lên nhiều ánh mắt xéo xắt nhìn anh. Trong những cái nhìn nảy lửa đó, có ánh mắt dè bỉu. Người ta quen nhìn người qua những ngôi sao và gạch trên cầu vai, càng nhiều vạch, càng nhiều sao, tự nhiên người đó sẽ có trình độ cao. Còn cấp thượng sĩ, chuẩn úy thậm chí thiếu úy là những con gà giò, chưa biết gì. Tại cuộc họp này, ở đây, tất cả đều là sĩ quan, cấp thấp nhất cũng mang quân hàm thiếu úy. Đào Đình Luyện nhận biết những ánh mắt lạ đó, ông khuyến khích:
- Anh Thành, nói đi!
Một số cán bộ nhìn Đào Đình Luyện khó chịu, họ cho là trung đoàn trưởng không tôn trọng họ. Minh Nhân giục:
- Thành, nói đi!
Thành mạnh mẽ, tự tin:
- Thưa, trong chiến thuật không chiến, có ba yếu tố cấu thành lợi thế. Đó là độ cao, tốc độ và hướng tiếp cận. Theo tôi để có tốc độ không chiến, phải tích lũy. Mig-17 của chúng ta không có bộ phận tăng lực, tốc độ tối đa chỉ 1.000 km/giờ. Chúng ta sẽ dẫn cho biên đội cách địch 30- 40km, phải có tốc độ xấp xỉ 800 km/giờ. Phi công phải tự mình tăng tốc độ sau khi có lệnh “vứt thùng dầu phụ”.
 Nhiều ý kiến xì xào rồ lên. Đôi quân hàm ba sao có vạch vàng ở giữa, hôm nay Thành tìm đâu được con chim gắn lên, nhưng con chim bằng nhôm ở trên ve áo của anh không chịu đứng thẳng, nó xoay ngang tự lúc nào. Thành không để ý lắm đến quân hàm. Anh cho là… cấp thượng sĩ quân hàm càng cũ, càng xộc xệch, chứng tỏ đã có thâm niên, cấp trên dễ để ý và như vậy càng mau lên chuẩn úy. Đến như cấp chuẩn úy cũng chỉ là một vạch bằng nhôm và con chim thì để đâu chẳng được… Đang nghe Thành nói, Đào Đình Luyện thấy nhiều tiếng ồn nên nhắc:
- Đây là hội nghị quân sự dân chủ. Ai cũng được phát biểu. Chúng ta hãy nghe anh Thành. Nào, Thành tiếp tục đi.
Thái độ tôn trọng ý kiến mọi người của trung đoàn trưởng, làm cho cuộc họp trở nên sôi động, mọi người bắt đầu có biểu hiện tập trung. Thành nói tiếp:
- Còn, thế chiến thuật, chúng tôi đã bàn, dẫn vào bán cầu sau ở hướng thuận mặt trời làm chói mắt địch, điều đó không khó. Vấn đề đang còn tranh cãi, chính là độ cao. Người ta dạy chúng tôi phải có ưu thế về độ cao. Độ cao, cao hơn, Mig của chúng ta sẽ có tốc độ lớn, người Trung Quốc có câu “độ cao sẽ biến thành tốc độ”. Tập thể dẫn đường yêu cầu, khi tập, phải dẫn quân ta cao hơn địch, tôi cũng tập như vậy. Nhưng,…  đây là ý kiến cá nhân của tôi… Thưa các đồng chí, trong chiến đấu, người Mỹ nhiều máy bay hơn ta, tốc độ máy bay của chúng lớn hơn ta, máy bay của ta làm sao để bay cao hơn địch được? Địch lên 7.000 mét, ta phải lên 7.500 hoặc 8.000 mét, Mig-17 càng lên cao, càng bất lợi vì khi điều khiển ở độ cao dưới 3.000 mét, tính năng cơ động của Mig-17 tốt. Tôi đề nghị lôi địch xuống dưới thấp để đánh.
Phòng họp sôi nổi hẳn, không khí chộn rộn, mọi người trao đổi với nhau. Đào Đình Luyện rất mừng vì phát hiện một hiện tượng lạ. Đó là biểu hiện của tư duy. Thời còn làm chủ nhiệm chính trị sư đoàn, ông đã phát hiện một không khí kỳ la, mà thời đó ông chưa hiểu. Dường như mọi người có cùng một suy nghĩ nhưng đường đi đến để đạt được mục đích rất khác nhau. Về sau khi tổng hợp những ý kiến khác nhau đó, ông phát hiện chúng có quy luật của tư duy thuận. Bây giờ, sau ý kiến của Việt Thành, không khí sôi động, ông biết sẽ có ý kiến phản biện, thậm chí chống lại do chiếc quân hàm thượng sĩ trên ve áo của Thành. Quả nhiên, hai cánh tay giơ lên, trung đoàn trưởng nhận ra Đỗ Đình, một sĩ quan tác chiến, cấp đại úy, đầu hói, mắt một mí, mặc chiếc áo đại cán rất chỉn chu. Ông cho phép, Đình đứng lên, liếm mép trên, liếm mép dưới xong, phát biểu:
- Chúng ta đang bàn cách đánh. Nói như anh Thành, anh có lên trời mà lôi thằng Mỹ xuống thấp để chúng ta đánh được không?
Phan vụt đứng dậy, hùng hồn:
- Cuộc họp hết sức nghiêm túc để bàn một vấn đề hết sức nghiêm chỉnh. Anh Thành là thượng sĩ, phát biểu vô ý thức, làm như chuyện đùa… Theo tôi để các đồng chí phi công phát biểu truớc.
Lê Liên rỉ tai Long, anh nhìn đại úy Phan, đại úy Đỗ Đình, nhìn Trung đoàn trưởng. Long lưỡng lự, thật ra bài bản để tạo ra bất ngờ anh học được khá nhiều, nhưng, dường như ở môi trường của ta, khi mà địch rất mạnh, Long đâm lúng túng, có vấn đề gần như anh không hiểu, không đủ kiến thức để phát biểu. Còn những vấn đề Thành nói ra, Long thấy rõ, rất hợp lý, anh thích lối diễn đạt đó. Long giơ tay:
- Thưa các đồng chí. Lôi địch xuống thấp để không chiến, đó là việc của phi công. Tôi nghĩ rằng, trong không chiến, nếu chúng ta có ý đồ chiến thuật rõ ràng thì lôi địch xuống để đánh không phải là việc khó. Buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, đó chính là tư tưởng quân sự của ông cha ta hàng ngàn năm nay.
Phan lại đứng lên:
- Thưa Trung đoàn trưởng, tôi thấy các đồng chí sĩ quan dẫn đường cần phải học tập lại nghị quyết Đảng ủy quân chủng. Tác chiến hiện đại, những trận không chiến sắp đến không thể lấy tư tưởng quân sự lạc hậu, hoài cổ để mơ một chiến thắng vô vọng. Chúng ta cần phải…
Lê Liên đứng lên:
- Xin lỗi anh Phan, Bác Hồ của chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở chúng ta phải học tập tư tưởng quân sự của tổ tiên. Chiến đấu ở mặt đất, bộ đội miền Nam đã bắt bọn Mỹ phải theo cách đánh của ta, đó là nghệ thuật quân sự của quân đội ta, nhất định chúng ta cũng sẽ làm được. Tôi nghĩ các đồng chí lái máy bay nên có tiếng nói của mình và suy nghĩ cách đánh ở trên không trong điều kiện địch mạnh và đông hơn ta.
Hội nghị chưa có lối ra. Trung đoàn trưởng nhìn mọi người, thấy Lâm Văn nhấp nhỏm, ông gợi ý:
- Lâm Văn muốn phát biểu?Chúng ta hoàn toàn giải phóng về mặt tư tưởng. Ai có sáng kiến cho không chiến đều có quyền phát biểu, có quyền tranh luận, thậm chí phản bác. Đó là dân chủ trong quân sự. Chỉ có vấn đề, chúng ta không nên suy diễn, chụp mũ, có thể gây xốc không cần thiết. Mời anh Lâm Văn.