Kỳ 29

Họ lại lao xuống biển, chỉ còn một mình Nguyệt trên bờ. Sáu ngồi bên Nguyệt. Anh hỏi:
- Nguyệt, quê em ở đâu?
- Dạ, ở Sa Đéc.
Sáu mừng rỡ:
- Vậy là tụi mình cùng quê.
Nguyệt rụt rè:
- Anh quê ở đâu?
- Ở huyện Lấp Vò.
- Em ở Lai Vung.
Nguyệt bước đến sát mép nước, đôi chân trắng, cơ thể đầy đặn, nở nang thu hút Sáu. Anh nhìn Nguyệt từ xa. Nàng không thuộc loại kiêu sa. Nhưng cơ thể thiếu nữ toát lên vẻ quyến rũ, giọng nói ngọt, đặc biệt vùng nem nổi tiếng Lai Vung, hấp dẫn anh. Nét dịu dàng pha lẫn chút đồng nội tự nhiên như có ai đó xô Sáu đến với nàng. Anh nhận ra, nàng không thuộc loại sắc sảo, lanh lợi … bù lại, từ nét chân chất của một cô gái quê mùa, lại làm cho sắc hương của ruộng đồng thêm sức sống giữa vùng biển đất trời mênh mông này. Nàng ngồi sát mép nước, sóng biển chạy từ ngoài xa vuốt ve đôi chân trần, tràn lên xa hơn. Sáu bước nhè nhẹ đến bên Nguyệt. Đôi môi nàng đã hồng lên. Mắt nàng long lanh nhìn Sáu:
- Anh Sáu, anh làm nghề gì?
- Tôi hả?
- Dạ…
- Tôi làm phi công.
Nguyệt thẫn thờ. Nàng nghe nói phi công là người trời, là loại người đặc biệt không thể nào với tới. Nguyệt e dè:
- Anh Sáu ơi, nghe nói phi công là một người phi thường?
- Thì… em xem anh nè, coi có gì khác không?
Sáu đứng lên. Nguyệt ngước nhìn lên. Tự nhiên nàng thở mạnh, má ửng hồng, nhìn tránh đi chỗ khác. Quả thật, anh ấy cao, to, đôi tay dài và… Nguyệt vội vã chạy xuống nước. Sáu chạy theo, hỏi dồn:
- Nguyệt, em họ gì? Học lớp mấy?
- Em họ Nguyễn, học lớp 9E.
Sáu nhíu mày, anh tập trung nhớ: lớp 9E, còn Nguyễn, cùng họ với anh, trường học sinh miền Nam số 4. Nguyệt chạy ra đến khi nước ngập quá đầu gối, tự nhiên nàng sợ nước, chạy vội lên bờ. Bộ quần áo tắm biển là chiếc quần đùi và chiếc áo may ô trắng có tay, bây giờ Nguyệt cảm thấy nó quá ngắn, đôi lúc nàng thấy Sáu như nhìn xuyên qua da thịt nàng… Chỉ nghĩ tới đó, đôi má của Nguyệt lại ửng đỏ. Nàng hiểu rằng người đàn ông kia đang nhìn nàng và đôi lúc, ánh mắt của anh ta không hề bỏ sót tất cả những gì nàng có một cách thánh thiện. Dù sao, đó là một cử chỉ chân thật của người đàn ông lần đầu nàng tiếp xúc. Anh ta không hề giả tạo khi đứng trước một cơ thể đẹp như nàng. Còn Nguyệt, dù vẫn giữ nét duyên dáng và nết na, truyền thống… nhưng, trong lòng nàng sự cởi mở và tự do đã xuất hiện. Nàng ao ước và khát khao.
Ngày 1 tháng 4 năm 1965, Tổng thống Mỹ Johnson có hai quyết định cực kỳ quan trọng cùng một lúc. Đó là, đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam Việt Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, ra ngoài vĩ tuyến 20.
Ngày 1 tháng 4 năm 1965, toàn bộ trung đoàn Sao Đỏ chuyển trạng thái chiến đấu cao nhất. Bộ Tổng tham mưu thông báo cho sở chỉ huy quân chủng: “Mỹ sẽ đánh cầu Hàm Rồng” và lệnh: “Đồng ý cho không quân xuất kích”. Ngày 2 tháng 4 năm 1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân chủng phòng không- không quân kiểm tra lần cuối cùng công tác chuẩn bị chiến đấu của trung đoàn, thông qua việc sử dụng lực lượng cho trận đầu và trận tiếp theo. Biên đội 1, Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Biên đội 2, Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm và quyết định cho trung đoàn xuất kích đánh trận đầu. Lúc đó là 14 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1965.
Hai chiếc hàng không mẫu hạm Ranger và Constellation được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cao. Đô đốc Sharp bước vào sở chỉ huy Thái Bình Dương ở Honolulu. Ông ngôi vào vị trí chỉ huy của ông. Đó là một chiếc bàn lớn. Trên mặt bàn là bản đồ khu vực Thái Bình Dương. Rải rác xung quanh bàn hàng chục chiếc đồng hồ giờ ở tại các nước, bên cạnh là giờ Washington. Trung tâm mặt bàn chiếc la bàn định vị có bốn nhánh Đông, Tây, Nam, Bắc và các vị trí của hàng trăm chiếc tàu, mỗi tàu có một ký hiệu riêng. Sharp bao quát lực lượng của ông rải rác khắp vùng biển các căn cứ trên bộ và trên mặt biển. Quả thật, chưa có quốc gia nào có đủ sức mạnh như các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông chỉ ở Thái Bình Dương thôi, nói gì đến toàn bộ nước Mỹ. Các ký hiệu nhấp nháy đó là những chiếc chiến hạm đang di động. Ông thấy hai chiếc hàng không mẫu hạm Hancock và Corenxy đang di chuyển, nó đã đến phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Ông cầm điện thoại, liên lạc với đô đốc Black:
- Tôi thông báo để ngài biết, Bộ trưởng Quốc phòng cho phép chúng ta đánh đến khu vực ba.
Sharp gọi sĩ quan hành quân, lập tức truyền lệnh đến tất cả các hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, các hạm ngầm và các tàu khu trục chỉ huy của hạm đội với mệnh lệnh: “Ngày 3 tháng 4 năm 1965 đánh cầu Hàm Rồng”. Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 2 tháng 4 năm 1965 … Theo kế hoạch hành quân đã được ký bên góc trái, người ký “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert S. Mc Namara”, quy định: “Hàng không mẫu hạm tấn công đội hình hai chiếc. Một chiếc ở phía Đông Hòn Mê 80 km, chiếc thứ hai ở phía Đông Cửa Lò 120 km. Như vậy, hai chiếc hàng không mẫu hạm đang hành quân từ Nhật và Philippines sang vùng biển Đông sẽ thế chân và hoạt động ở phía Đông Quảng Bình và phía Đông thành phố Huế”.