Chương 16

     hông một giàn nhạc nào chịu thu nhận Hoàng Guitar cả. Nó đi xin việc ròng rã nửa tháng trời, nói năng sùi bọt mép. Một vài bạn kích động nhạc của mấy cậu nho nhỏ mới lớn lên đề nghị Hoàng Guitar hợp tác. Thì nó lại từ chối. Hoàng Guitar không thể chôn vùi tài năng của nó trong tiếng trống, tiếng đàn điện tạp nham lại căng của những thằng hiếp dâm âm nhạc được. Đối với nó, âm nhạc là chân trời diệu vợi xa xôi, đi hoài mà chỉ thấy chân trời xa dần, xa mãi... Âm nhạc không bao giờ là dàn trống loạn xà ngầu, hát hét như chó sủa từ cửa miệng những chú bé tóc dài như đàn bà con gái.
Hoàng Guitar miệt thị kích động nhạc, mặc dù, kích động nhạc bây giờ đi chơi ở các “club” của Mỹ hái ra tiền bạc. Xã hội hôm nay là xã hội nhiều... công ty. Một mình bơ vơ hay tách khỏi công ty, khó mà sống nổi. Âm nhạc cũng có công ty! Hoàng Guitar bắt đầu thấm mệt. Chiêu Ly nghe lời Hoàng Guitar không đi nhảy nữa. Tiền dành dụm của nàng, hai đứa ăn tiêu đã vơi dần. Tình yêu đã bị tiền bạc đe dọa. Hoàng Guitar tập cho Chiêu Ly hát. Chiêu Ly có giọng hát hay. Nàng kiên nhẫn luyện hát. Hoàng Guitar hy vọng Chiêu Ly thay nghề nhảy bằng nghề hát ở các vũ trường, phòng trà để sống tạm bợ, chờ ngày vươn lên danh vọng của một đại danh ca. Luôn luôn mơ mộng, Hoàng Guitar tin tưởng giấc mơ phải đến với một trong hai đứa lạc loài, khổ sở.
May mắn cho hai đứa, Chiêu Ly được nhận hát ở một phòng trà. Hoàng Guitar ngạc nhiên đôi chút. Nhưng nó quên ngay. Cứ coi như gã quản lý phòng trà “Con Ve” tốt với Chiêu Ly và vì Chiêu Ly đẹp, Chiêu Ly hát hay sẽ thu hút khách cho gã. Sau đêm thành công đầu của Chiêu Ly nhờ nàng hát bản “Bao Giờ Biết Tương Tư” Của Hoàng Guitar, Sài Gòn lại xảy ra những vụ bắt cóc con nít đòi chuộc tiền. Báo chí khơi chuyện cũ, phỏng đoán du đãng của Du Chột “tái xuất giang hồ”. Tờ lá cải “Canh Tân” nhắc vụ con bé Thiên Nga. Hình ảnh Hoàng Guitar sống dậy trên mặt báo, tấm hình ba năm trước in lại to tướng, đập vào mắt dân chúng Sài Gòn.
Hoàng Guitar giật mình. Chiếc lưới định mệnh không ngừng thay rõi nó để chụp kín con người nó, chụp kín linh hồn nó. Phương công tử đã cảnh cáo Hoàng Guitar: “Kẻ thù của anh không để anh yên thân đâu”. Kẻ thù của Hoàng Guitar, tới nay, không còn là bọn “Chemise noires” nữa mà là cuộc đời. Cả cuộc đời. Hoàng Guitar vò nát tờ báo đăng hình nó. Nó oán trách báo chí. Báo chí chỉ đứng về phe mạnh. Chưa một tờ báo nảo can đảm bênh vực một thằng du đãng dù người ta biết thằng du đãng đó vô tội.
Xã hội phân hóa, thì sinh ra nhiều tệ trạng. Xã hội chưa sạch sẽ, thơm tho mà cứ tạo thêm luật lệ khe khắt để dồn kẻ có tội vào con đường tội nặng, không bao giờ cải tạo được cái gì cả. Hoàng Guitar hoang mang tột độ. Nó giấu nhẹm chuyện lo lắng của nó. Mỗi buổi chiều, Hoàng Guitar vẫn tập những bản nhạc mới cho Chiêu Ly. Cuộc sống lứa đôi đều đều, chưa thấy một vết nứt rạn.
Cho tới một hôm...
Báo chí làm dữ những vụ bắt cóc con nít. Cảnh sát đô thành bị dư luận chỉ trích nặng. Hoàng Guitar bị réo tên trên làn sóng điện tối ngày. Cảnh sát gọi nó ra trình diện. Chiêu Ly đã biết chuyện. Nàng lo lắng. Hoàng Guitar trấn tĩnh nàng. Chiêu Ly không thể bình tĩnh được. Nàng bộc lộ sự sợ hãi của nàng:
- Có sao không anh?
- Không sao cả. Anh sống với em không rời em ngày nào. Anh có đi bắt cóc ai đâu.
- Tại sao họ kêu anh ra trình diện?
- Vì quá khứ của anh.
Nó nhấn mạnh, nửa mỉa mai nửa chua xót:
- Vì quá khứ của anh, em hiểu chưa, vì quá khứ du đãng của anh mà các giàn nhạc chê bỏ anh và cảnh sát nghi ngờ anh.
Nàng lặp lại câu hỏi:
- Rồi có sao không anh?
Hoàng Guitar vò đầu:
- Anh chịu. Chả ai đoán trước tương lai mình. Anh đã kể hết cho em nghe rồi đấy. Anh muốn làm lại đời anh để được trở về với gia đình nghe bố mắng mỏ và nhìn những giọt nước mắt sung sướng của mẹ anh rơi rụng. Sự làm lại đời anh đã quá vất vả. Anh chịu nhục bị đòn, chịu oan bị tù, chịu tiếng du đãng, bắt cóc, ăn trộm và đủ điều khốn nạn. Anh không sợ gì cả, chỉ sợ không đủ sức chịu đựng.
Chiêu Ly an ủi Hoàng Guitar:
- Chắc không sao đâu nah ạ!
Nàng nói thêm:
- Để chiều nay em đi coi bói anh nhé? Ở Hàng Xanh có cô thầy bói hay lắm.
Hoàng Guitar lắc đầu:
- Mình không đoán nổi đời mình, thầy bói nào đoán được. Anh sợ anh sẽ mất em.
Chiêu Ly chớp mắt:
- Em không bỏ anh đâu.
Hoàng Guitar thở dài:
- Một ngày kia em sẽ bỏ anh.
- Anh đừng nói thế.
- Anh không muốn nói thế nhưng một ngày kia, nếu cuộc đời nhẫn tâm hắt hủi anh, em không thể bám víu anh mà bỏ rơi hạnh phúc của em được.
Nước mắt nàng bắt đầu ứa ra:
- Em cũng sẽ không bỏ anh.
Hoàng Guitar nhìn Chiêu Ly:
- Em không thể làm vợ một thằng bị đời khinh bỉ. Anh không để con anh khinh bỉ anh, không chịu để đời ghê tởm dĩ vãng của bố nó. Em hiểu chứ?
Chiêu Ly nấc lên:
- Dạ.
Hoàng Guitar gọi khẽ:
- Chiêu Ly...
Nàng đáp nhỏ trong nước mắt:
- Dạ.
- Như thế anh sẽ không lấy em làm vợ, anh sẽ không lấy bất cứ người con gái nào làm vợ cả. Anh cũng sẽ có con. Và con anh nó không biết anh, anh không biết con anh. May lắm, nó sẽ chỉ biết mẹ nó là một con đĩ!
Chiêu Ly khóc nức nở. Hoàng Guitar ôm chặt người yêu dấu.
- Anh phải trình diện thì mới sống suốt đời bên em chứ.
- Họ sẽ bắt anh?
- Anh vô tội, họ sẽ tha anh.
- Người ta xử ức anh nhiều lần mà anh vẫn tin sự ngay thẳng ư?
- Anh không tin, nhưng muốn sống yên thân ở xã hội này, chúng ta cần tôn trọng pháp luật dù pháp luật chẳng ra ngô khoai gì.
Hai người tuổi trẻ, hai đứa lạc loài trong cuộc đời, cố gắng tránh né chiếc lưới của định mệnh. Con ngựa hoang hí một tiếng não nùng:
- Anh trình diện ngay bây giờ.
Chiêu Ly bịt miệng Hoàng Guitar bằng chiếc hôn thê thảm. Nàng muốn cắn đứt môi người yêu. Khi đôi môi rời khỏi đôi môi, Chiêu Ly đặt tay lên miệng con ngựa hoang:
- Cấm anh nói. Anh không cần trình diện gì cả, cứ ở nhà với em.
Chiêu Ly không bịt chặt miệng Hoàng Guitar được lâu. Nó khẽ gỡ bàn tay nàng ra.
- Vậy anh đừng thèm sống yên thân nữa.
- Em quên rằng anh muốn về với gia đình nhìn những giọt nước mắt rạng rỡ của mẹ anh rồi à? Anh sẽ nắm tay em, bảo với mẹ anh: “Thưa mẹ, đây là vợ con”. Bố anh, sau khi mắng mỏ xong, sẽ hỏi “Giờ mày làm cái nghề ngỗng gì”, anh hãnh diện đáp “Thưa bố, con là nhạc sĩ Thiên Hoàng”. Anh hy vọng bố anh sẽ mỉm cười: “Tao có nghe người ta hát nhạc của mày”. Thế là anh sung sướng rồi, em ạ! Muốn được sung sướng, anh phải đi trình diện. Cảnh sát không phải là những người có tim sắt, họ sẽ thấu hiểu nỗi niềm của anh hết nghi ngờ anh.
- Anh vẽ vời hạnh phúc đẹp quá, em sợ...
- Sợ gì?
- Sợ anh chết rũ trong tù.
- Anh sẽ mơ mộng như anh đã mơ mộng ở trong tù, miễn là em không bỏ anh và miễn là người ta hứa chỉ nhốt anh một lần cuối.
- Anh chắc người ta nhốt anh một lần cuối chứ?
- Không chắc thì anh sẽ mất em.
Chiêu Ly vùng dậy:
- Em van anh, anh đừng nói thế nữa, anh đừng ra trình diện nữa. Cảnh sát sẽ tìm ra thủ phạm và anh vô tội, anh vô tội vì anh có bắt cóc ai đâu.
Hoàng Guitar se lòng lại. Trên đời, nó biết chắc có Chiêu Ly thương nó như mẹ nó thương nó. Tình thương của Chiêu Ly khác tình thương của người cảnh sát ân nhân nó, của giám thị Hai. Một bên chấp nhận tất cả, một bên chỉ chấp nhận hướng thiện.
Hoàng Guitar chợt nhớ một hình ảnh thê lương hôm bố nó tống khứ nó ra khỏi gia đình. Chỉ có mẹ nó gào khóc. Hoàng Guitar mang tiếng khóc của mẹ hòa vào “bụi đời”. Và nó muốn trở về nhìn những giọt nước mắt của mẹ, dù phải trả giá xứng đáng. Hãy hành hạ cả thể xác Hoàng Guitar, hành hạ nát bấy đi. Rồi quên nó, để nó làm lại cuộc đời, nó được trở về gục đầu vào lòng mẹ, kể chuyện phiêu bạt và nghe nước mắt mẹ rơi xuống khuôn mặt sạm giang hồ của nó.
- Anh còn lối thoát.
Chiêu Ly mừng rỡ:
- Anh không ra trình diện à?
Hoàng Guitar mím môi:
- Anh tới nhà anh Hai, nhờ anh Hai bảo đảm cho anh. Em cũng sẽ làm chứng cho anh nếu cảnh sát đòi nhân chứng. Em yên lòng chưa?
Chiêu Ly đưa cánh tay gạt nước mắt. Nàng đã ngoan ngoãn nằm cạnh con ngựa hoang và nài nỉ:
- Anh chờ tới bao giờ?
Trái táo-thơm-phức-không-một-dấu-vết-móng-tay-hay-xây-sứt-Chiêu-Ly đã được Hoàng Guitar chiếu cố. Không còn chỗ nào ngoài lớp da, trong lớp da con ngựa hoang không rung động. Lần thứ nhất Hoàng Guitar biết thế nào là chân ái tình. Đời người chỉ có một lần cực kỳ hạnh phúc. Đó là lần “yêu nhau” với người ta say đắm mà người ấy dám say yêu ta.
- Tất cả còn nguyên, em tặng anh đó.
Hoàng Guitar lịm người. Trái-táo-Chiêu-Ly đưa hồn nó đến một thế giới khác. Nó quên hết, quên hết. Hoàng Guitar rúc vào cổ Chiêu Ly, cắn một miếng-táo-da-thịt, Chiêu Ly khẽ kêu:
- Đau em, anh...
Và nàng ngây ngất trong đê mê... Hai đứa vùi đầu xuống cái hạnh phúc. Bên ngoài trời mưa hay nắng? Chim có ca hát hay bướm có xốn xang bay? Chẳng thèm biết. Đôi người yêu nhau đã ngủ kỹ rồi. Buổi sáng qua mau. Giấc ngủ chẳng chịu kéo dài vô tận. Hoàng Guitar dậy trước. Mùi thơm của trái táo, thiên đường của tình ái biến mất. Còn lại cảnh tượng gớm ghiếc và một trời hối hận. Hoàng Guitar trải chiếc mền mỏng kín thân thể Chiêu Ly. Nó mặc vội bộ quần áo ngủ, nhẹ nhàng bước khỏi gường và lách khẽ cửa xuống phòng tắm.
Hoàng Guitar trở lên phòng, thay quần áo, ngồi ở ghế hút thuốc, suy nghĩ vẩn vơ. Chiêu Ly vẫn thiêm thiếp ngủ. Trong khói thuốc, Hoàng Guitar lại mường tượng những giọt nước mắt mừng con trở về gia đình của mẹ nó. Bỗng dưng, nước mắt Hoàng Guitar ứa ra, nước mắt hiếm hoi của con ngựa hoang chai lỳ, ứa ra.
Chiêu Ly cựa quậy, sờ soạng:
- Anh đâu?
Hoàng Guitar dập điếu thuốc:
- Đây, anh đây...
- Ngủ với em nữa đi anh.
- Muộn rồi.
- Kệ.
- Em dậy anh tập cho hát bài “Em Tôi” của Lê Trạch Lựu rồi còn phải đi kiếm anh Hai.
Chiêu Ly tung mền. Hoàng Guitar nhắm mắt, quay chỗ khác. Nó rút thuốc lá, châm lửa, hút và nhả khói. Nó muốn khói thuốc thành lớp sương mù dày đặc. Để không nhìn thấy gì nữa. Chiêu Ly đã làm xong công việc mà Hoàng Guitar vừa làm trước nàng. Nước lạnh, xà phòng thơm, áo quần mới khiến nàng tỉnh táo. Nàng tới Hoàng Guitar vuốt tóc nó?
- Tuyệt vời phải không anh?
- Tuyệt vời.
Hoàng Guitar đáp gọn hai tiếng. Nó đứng lên, đi lấy cây đàn:
- Em hát bài này, nhiều đứa sẽ điêu đứng, anh mà chọn nhạc cho em hát, em sẽ được chúng nó nhớ mãi và chiêm ngưỡng mãi.
Chiêu Ly nũng nịu:
- Chỉ cần anh chiêm ngưỡng thôi.
Nàng cười tình. Nụ cười đáng yêu ấy lại khiến Hoàng Guitar không muốn có lớp sương mù dày đặc nữa.
- Lê Trạch Lựu mới sáng tác hai bản. Nhạc của Lê Trạch Lựu là nhạc của kỷ niệm. Nghe nói, Lê Trạch Lựu trước khi sang Pháp đã yêu một thiếu nữ. Chàng và nàng yêu nhau say đắm. Chàng đi, nàng ở lại. Từ trời Tây, chàng nhờ làn sóng điện gửi về tặng nàng tiếng lòng chàng trong bản “Em Tôi”. Chàng thường nghĩ “Ngày về xa quá người ơi”.
Chiêu Ly ngân dài. Nàng nhìn Hoàng Guitar. Ngày về có xa thật không? Nỗi buồn ngập lòng nàng. Hoàng Guitar “xô lô” một đoạn, Chiêu Ly tiếp tục:
“... Tôi xin gió biếc ca ngợi màu suối tóc. Đừng quên em nhé môi còn thắm, duyên còn xanh... Đường đời anh muốn em còn mơ...”
Chiêu Ly ứa nước mắt. Hoàng Guitar ngẩn ngơ. Nó ngừng đàn, bảo nàng:
- Em sẽ thành công bản này. Hãy diễn tả “Em Tôi” trước khán giả như em đang tập hát. Và nếu chờ tin anh đi trình diện không về hãy hát thì anh tin chắc Chiêu Ly sẽ được ví với Thái Thanh. Đêm Sài Gòn phải ngập nước mắt qua giọng hát Chiêu Ly ở nhạc Lê Trạch Lựu.
Chiêu Ly vẫn để hai giọt nước mắt đọng ở đuôi con mắt. Nàng gượng cười:
- Em sẽ nhớ ơn anh mãi.
- Sao lại nhớ ơn anh?
- Anh đưa em ra chỗ sáng.
- Em cho anh tình yêu còn quý hơn chỗ sáng anh tặng em. Nhờ em, anh biết rung động thật sự, rung động mãnh liệt. Nhờ em anh mới biết thế nào là yêu đương. Và anh biết sung sướng vì yêu, đau khổ vì yêu. Rồi anh có thể điên vì yêu. Em cho anh một kỷ niệm mà anh, suốt đời, anh có bổn phận phải nhớ. Kỷ niệm của anh bất diệt như trái đất này. Còn chỗ sáng anh tặng em nó mong manh lắm. Nó càng sáng anh càng sợ.
- Anh sợ gì?
- Anh sợ ánh sáng quyến rũ con thiêu thân. Và anh sẽ mất em.
- Anh tin em đi, đời em là của anh. Em hát hay, em nổi tiếng chỉ là tạm bợ. Em hy vọng mãi mãi được ở nhà không bị đi hát cho thiên hạ vui cười, mê say. Em muốn tiếng hát của em sẽ là tiếng ru con chúng ta ngủ.
Hoàng Guitar thở dài. Hạnh phúc thật giản dị. Hạnh phúc ngay bên mình. Mà với tay mãi không chụp được. Như một đứa bé vươn tay cho dài để cố kẹp hai ngón tay vào đuôi con chuồn chuồn, nhưng cành cây ở bờ ao cứ xa thêm. Đứa bé vươn tay nữa, vươn cả người rồi ngã xuống ao, chết đuối. Hoàng Guitar sợ hình ảnh đứa bé bắt chuồn chuồn ở bờ ao quá đỗi. Nó vội búng đàn:
- Tập vài lần cho thuộc, đi em. Bây giờ tập diễn tả cho đúng tâm sự Lê Trạch Lựu. Chỗ nào cần ngân, chỗ nào nũng nịu, chỗ nào tiếc nuối. Mỗi bản nhạc là mỗi lần tập diễn tả để trình bày một nghìn bài khác nhau, dù giọng hát vẫn là giọng Chiêu Ly. Anh ghét những giọng hát đều đều, nghe trăm bài như nghe một bài. Những ca sĩ loại này, hát suốt đời chỉ làm người nghe nhớ mỗi Thái Thanh. Em hãy làm người nghe nhớ Chiêu Ly dù em hát có... giai đoạn.
Hoàng Guitar dạy Chiêu Ly bài “Em Tôi” cẩn thận hơn tất cả các bài hát nó đã dạy nàng. Đến khi, Chiêu Ly thuộc lời, Hoàng Guitar bắt nàng đứng trước tủ gương nhìn mình mà hát. Chiêu Ly đã làm Hoàng Guitar hài lòng.
Nàng có giọng hát trời cho, chịu khó luyện tập, lại được một kẻ yêu quý, kính trọng âm nhạc, chọn tác phẩm và dạy hát, nhất định, tiếng hát của nàng phải cao sang. Tiếng hát quý phái của một ca sĩ có học mới diễn tả nổi tình yêu, nỗi vui buồn, sự tuyệt vọng, niềm tiếc nhớ trong nhạc Đoàn Chuẩn, Lê Trạch Lựu, Dương Thiệu Tước... Một ngày nào đó, con chuồn chuồn bị kẹp chết giữa hai ngón tay Hoàng Guitar mà nó không chới với dưới nước, Hoàng Guitar sẽ biến Chiêu Ly thành Hồng Hảo. Hồng Hảo hát chưa đạt tới đích của nghệ thuật như Thái Thanh, nhưng nhắc tên nàng người ta khó quên hình ảnh kiêu sa của một ca sĩ con nhà nề nếp, không thèm hát Đại Nhạc Hội, chỉ thích gửi tâm sự mình trên các làn sóng điện, và thỉnh thoảng, mới tham dự những nhạc hội phước thiện do sinh viên, học sinh tổ chức.
Hạnh phúc cho Hoàng Guitar nếu... Chiêu Ly đang nói giùm Lê Trạch Lựu ước mong của chàng bằng giọng hát thật rõ cả tiếng thở và tiếng đập của trái tim nàng:
- “... Đường đời anh muốn em còn mơ...”
Nàng cúi thấp:
- Được chưa anh?
Hoàng Guitar buông đàn, vỗ tay:
- Tuyệt diệu.
Chiêu Ly hớn hở:
- Anh dạy tiếp em bài “Nhớ...” đi! Học hát với anh khổ hơn học toán ở trường nhưng em thích thú vô cùng.
Hoàng Guitar rút thuốc hút. Nó nhả khói và nói:
- Mai anh về sẽ dạy em “Nhớ...” Để em nhớ anh thật nhiều, em hát “Nhớ...” của Lê Trạch Lựu mới sướt mướt.
- Anh nhất định đi trình diện à?
- Anh phải đi.
- Em sợ anh sẽ hát thầm “Em Tôi” trong tù mất.
- Thì em cứ nghĩ rằng “Đường đời anh muốn em còn mơ”.
- Em “Nhớ...” em chờ anh “về gần em, cùng đếm: này trăng, này sao chia nhé em”...
Âm nhạc làm hai đứa quên chiếc lưới định mệnh. Hoàng Guitar đứng dậy, ôm Chiêu Ly.
Nó hôn vào đôi mắt sũng ướt của nàng. Rồi buông nàng:
- Anh đi nhé!
- Về sớm nghe anh.
- Anh sẽ về thật sớm. Gửi gì cho anh không?
- Có.
- Gửi gì?
- Gửi trái tim em.
Hoàng Guitar đau khổ bước. Khi nó khép cửa phòng lại, nó nghe rõ tiếng nấc của Chiêu Ly. Trời bên ngoài bỗng tắt nắng. Hoàng Guitar đi kiếm nhà giám thị Hai. Nó phải chạy đến một giờ trưa, giám thị Hai mới từ khám Chí Hòa trở về.
Giám thị Hai không có cách gì gỡ Hoàng Guitar ra khỏi chiếc lưới oan nghiệt. Uy tín của một cai ngục không ra quá cổng khám Chí Hòa, giám thị Hai thương Hoàng Guitar, biết chắc rằng Hoàng Guitar đã dứt khoát với dĩ vãng, muốn xây dựng lại đời nó bằng nghề nghiệp lương thiện. Khốn nỗi, giám thị Hai không đủ quyền hành để cấp cho Hoàng Guitar một mảnh giấy chứng chỉ lương thiện hầu nó khỏi bị nghi ngờ, khỏi bị phiền phức hết một đời nó.
Giám thị Hai suy nghĩ một lúc rồi quyết định đưa Hoàng Guitar tới cảnh sát cuộc trình diện. Giám thị Hai kể lại sự ngay thẳng, sự quyết hoàn lương của Hoàng Guitar với ông chủ sự phòng tư pháp. Giám thị Hai không quên nhắc đến chuỗi ngày rời khám lần thứ hai của Hoàng Guitar và yêu cầu ông chủ sự phòng tư pháp, nếu cần, xin cho gọi ca sĩ Chiêu Ly tới làm chứng. Ông chủ sự phòng tư pháp của cảnh sát cuộc chỉ mỉm cười. Ông ta nói câu: “Để chúng tôi điều tra”. Và Hoàng Guitar không được hưởng một đặc ân nhỏ, mặc dù, giám thị Hai đã sùi bọt mép năn nỉ, chứng mình lòng thành thật giùm nó.
Người ta đưa Hoàng Guitar xuống phòng tạm giữ. Những con gián, những con chuột đói, mùi hôi hám, bóng tối, muỗi, rệp, những đĩa cơm trắng hột vịt chiên, những ca nước lạnh và những thằng ăn cắp, móc túi, du thủ du thực, ma cô, cờ bạc, hút sách... Đó là những hình ảnh sống động, thật và thê thảm của phòng tạm giữ, nơi Hoàng Guitar đã bị tạm giữ nhiều lần.
“Tôi nín, tôi nín, tôi nín...” Hoàng Guitar tin tưởng Trời, Phật sẽ độ trì nó trong bước đường khốn cùng này. Nó lẩm nhẩm câu hát để nhớ về Chiêu Ly: “Giờ này em hát câu chiều mơ...”
Hoàng Guitar thấy lòng nó đỡ tê tái.