ĂN NÓI

     rong sự liên hệ, cách đối xử đã quan trọng, lời ăn tiếng nói đồng thời cũng quan trọng không kém. "Ở sao cho đẹp lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê..." đã khó dầu có thời gian suy tính, đắn đo. Cách ăn nói, dù "Chó ba khoanh mới nằm, người ba lăm hãy nói" cũng không thể nào không có sơ xuất. Nguyên nhân của sự sơ xuất có thể bởi mực độ suy nghĩ khác nhau giữa kẻ nói và người nghe, hoặc do tâm tình khác biệt được tạo nên từ kinh nghiệm cá nhân không giống nhau hay từ tính tình từng người; kẻ bộc trực, ngay thẳng, và đơn giản; người ưa suy nghĩ xa xôi, dây mơ rễ má. Kiểu cách ăn nói lại còn tùy thuộc ảnh hưởng địa phương, và tâm tính người từng miền. Cho dù có nhiều yếu tố khác biệt khiến phản ứng của một người ảnh hưởng tới lời nói hoặc cách nói, tựu trung đa số đều dựa trên một nguồn gốc "Suy bụng ta ra bụng người." Lẽ đương nhiên, chỉ những tên ăn trộm mới có thể nghĩ như kẻ ăn trộm; sự nhận thức và phản ứng của một người tùy thuộc kinh nghiệm sẵn có. Những kinh nghiệm này có thể do những trường hợp tương tự xảy ra trong những môi trường khác biệt mà cá nhân trải qua. Nhờ sự liên hệ với nhiều người, dầu khác môi trường, đa số dân chúng có được những nhận biết tương tự cộng thêm với ý thức, so sánh tâm lý, nên có một phần nào suy diễn chung; sự nhận thức này tạm gọi ý thức tâm lý cộng đồng, môi trường sinh hoạt chung trong liên hệ của một tập thể. Do đó, "không có lửa sao có khói," hoặc "Thế gian chẳng ít thời nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai" trở thành châm ngôn cho một người để ý đến lối sống cũng như cách ăn nói của mình sao cho tránh khỏi những tiếng tăm bất lợi về danh dự cá nhân, gia đình cũng như tập thể.
Dĩ nhiên, đã là người, ai không lỗi lầm, phương chi lỡ miệng. Chấp nhận lỗi lầm, thiếu sót nơi mình với ý hướng sửa sai, sống vươn lên tốt hơn, đó là bước đầu tiên đi vào con đường thiện hảo. Tuy nhiên, dầu một người chấp nhận mình lầm lỗi, nhận thức sự lầm lỗi của mình để vươn lên vẫn cảm thấy đau lòng khi vấp phải lỗi lầm. Tục ngữ khuyến khích tinh thần hướng thiện qua câu: "Thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng." Hơn nữa, lời thật mất lòng kẻ nghe thì ít mà làm đau khổ người nói nhiều hơn. Không ai muốn gây thêm mích lòng nên nếu nói thật điều sai lầm của người khác không những đôi khi mà đa số trường hợp người nghe sẽ không được hài lòng. Có ai biết đâu lòng chân thành, tốt lành đã tự phải trả giá cho chính nó khi người nghe phiền lòng vì sự thật trái ngược này. Bởi thế, cách ăn nói đã quan trọng lại càng trở nên quan trọng vì "Khen người thì tốt, dột người thì xấu." Theo tâm lý bình thường, không ai muốn nghe điều xấu của mình mà chỉ thích được khen. Người chân thành muốn giúp kẻ khác lại cần "Nhời nói chẳng mất tiền mua, liệu nhời mà nói cho vừa lòng nhau," hoặc "Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời." Chữ "nặng lời" thường được hiểu theo phía người nói. Tuy nhiên, dù cố gắng cách nào chăng nữa và bởi vì "Lời thật mất lòng," người nghe, tâm lý chung, dẫu cho những lời phê bình có nhẹ nhàng cách mấy, đều cảm thấy nặng lời. Điều này lại càng nói lên không ai muốn nghe kẻ khác phê bình mình. Do đó, nếu muốn giúp người khác, về phương diện ăn nói, Ca Dao đề nghị: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe."
Trong sự liên hệ với người khác, không ít thì nhiều, chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể hiểu một phần nào đặc tính của một người khi hiểu bạn bè của người đó thuộc giới nào. "Chọn bạn mà chơi" vì "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã;" bạn bè liên hệ đóng một vai trò quan trọng trong sự ảnh hưởng không những tâm tính một người mà còn ảnh hưởng cách đối xử, ăn nói người đó, "Chim khôn tránh bẫy tránh dò, người khôn tránh kẻ hồ đồ mới khôn." Người khôn chỉ tránh kẻ hồ đồ chứ không phê bình, "Nước trong khe suối chảy ra, mình chê ta đục mình đà trong chưa;" vì dẫu sao, ai là người không lầm lỗi. Chê người khác lầm lỗi có thể rằng mình thấy mình lầm lỗi nhiều hơn nên chê kẻ khác để hy vọng được nghĩ mình tốt lành hơn. Hơn nữa, không những Tục Ngữ, Ca Dao khuyến khích không nên chê kẻ khác mà còn không nên nói cạnh khóe, bóng gió, xa gần vì như thế cũng chỉ là một lối ghen tương, không xứng đáng với một tâm hồn chân thật, "Sấm bên đông động bên tây, tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng." Tục Ngữ, Ca Dao khuyến khích con người sống vị tha, nhân ái... sao cho thăng tiến không ngừng tới sự toàn hảo, do đó chú trọng đến phẩm giá đích thực con người chứ không đánh giá những vấn đề ngoại tại, "Cậy tài cậy khéo khoe khôn, Đừng có cậy của đa ngôn quá lời; của thì mặc của ai ơi, Đừng có cậy của coi người như rơm." Bởi thế, giá trị đích thực của con người là lòng chân thành ngay thẳng chứ không phải "Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm," và lẽ đương nhiên không ai trong chúng ta muốn có liên hệ hoặc làm bạn bè với những người như thế bởi "Sông sâu còn có người dò, Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng."
Về cách ăn nói, Tục Ngữ, Ca Dao cũng không nói lên phải ăn nói cách nào, kiểu nào hoặc văn chương hay bình dân ra sao. Tục Ngữ, Ca Dao nhấn mạnh về tâm tình hoặc ý nghĩa của câu nói chứ không đặt nặng ăn nói theo hình thức nào. "Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời" có thể được coi làm tiêu chuẩn cho cách ăn nói. "Điều đau" không thể nào bắt nguồn từ những tâm hồn chân thành mà chỉ có thể xảy ra nơi cá tính hay chỉ trích, xoi mói hoặc "Bới lông tìm vết." Người thích chỉ trích thay vì mở rộng tâm hồn để nhìn nhận điều hay, vẻ đẹp nơi người khác lại tìm cách bới móc hoặc kiếm cách đè bẹp bất cứ ai không vừa ý họ hoặc chủ đích muốn được để ý. Tuy nhiên điều đau còn mang thêm nghĩa những kinh nghiệm mắc mỏ, đớn đau trong cuộc đời một người. Trên bình diện luân lý, câu "Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời" có thể tạm hiểu mang ý nghĩa nhắc nhở nên ăn nói với lòng chân thành thay vì khích bác gây thù oán.
Hai chữ "ăn nói" chỉ được hiểu theo nghĩa "nói" chứ thường không dính dáng gì đến ăn. Riêng nói về "ăn," người xưa chỉ để lại một đôi câu đại khái cho rằng ăn là vấn đề không quan trọng (mặc dầu ai cũng cần ăn) nhưng nói mới lại là quan trọng. Lời chào mời ăn quan trọng hơn đồ ăn, "Tiếng chào cao hơn mâm cỗ;" (có thể câu này khuyến khích nên thanh lịch) vấn đề ăn đôi khi lại không được mang ý tốt (dầu ăn là sự tốt lành) "Ăn lấy thơm lấy tho chứ không ai ăn lấy no lấy béo," hoặc "Ăn lấy vị, không ai lấy bị mà đong." Thật ra,  đôi khi ăn còn bị coi thường, "Ăn no vác nặng." Qua lối nhìn về vấn đề ăn nói, ông cha ta coi trọng phần tâm tư, tính tình, thái độ hơn vấn đề ăn uống. Bởi thế, cách "ăn nói" của một người chỉ được đề cập đến "nói" chứ không đặt vấn đề ăn vì "Miếng ăn quá khẩu thành tàn."
Dù đặt nặng vấn đề nói và ai cũng thích nói vì ai cũng muốn được người khác nghe, chú ý đến mình, nhưng Ca Dao lại đề nghị ít nói, "Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm cũng hay ra nhàm." Chính vì đa số ai cũng thích nói và đã hay nói thì hay lỗi, "Ông thánh còn có khi lầm, huống hồ là lão tám lăm tuổi đầu;" nên đôi khi thích nói không ra gì về truyện người "Truyện mình giấu đầu giấu đuôi, bới truyện của người vạch lá tìm sâu." Do đó ca dao đề nghị: "Nói người chẳng gẫm đến thân, thử sờ lên gáy xem gần hay xa."
Cuộc đời, có người nọ lại cũng có kẻ kia. Tâm tính cũng thế, có người khôn ngoan ăn nói đắn đo hòa nhã, rào trước đón sau, lại có kẻ "Chó dại có mùa, người dại quanh năm." Đành rằng ai cũng muốn trở nên khôn ngoan, nhưng không phải cứ muốn là đã được. Dầu người ta có thể sửa đổi hoặc tự đào luyện chính mình, cá tính bẩm sinh của một người ảnh hưởng nặng nề đến thái độ và lời ăn tiếng nói người đó. Hơn nữa, sự tu sửa chính mình để trở nên tốt lành còn bị ảnh hưởng bởi dư luận, "Chim khôn chết mệt vì mồi, người khôn chết mệt vì lời nhỏ to;" vì "Bách nhân bách khẩu" hoặc "Chín người mười ý," hay "Mai mưa, trưa nắng chiều nồm, trời còn luân chuyển huống mồm thế gian." Mặc dầu "Lấp sông lấp giếng, ai lấp được miệng người," Ca Dao đề nghị: "Mặc ai nói ngả nói nghiêng, thì ta vẫn vững như kiềng ba chân." Lẽ thường, "Đường ta ta cứ đi" bởi không ai có thể giúp mình nếu chính mình không bắt đầu trước. Dư luận không thưởng mà cũng không phạt, nó có thể là đài danh vọng và cũng có thể là một sự tàn phá đến một người tùy thuộc quan niệm cũng như tâm tình người đó thế nào đối với cuộc đời mình và với dư luận. Vẫn biết rằng không ai có thể sửa được tất cả những điều sai lầm hoặc thói quen không tốt của mình; tuy nhiên, cũng không ai có thể tập tành sao cho đúng ý tất cả những lời phê bình đề nghị của những người chung quanh. Bởi thế, sự sửa đổi chính mình cho tốt lành hơn được gọi là theo đạo trời hay học đạo lành, "Mặc ai chác lợi mua danh, miễn ta học đặng đạo lành thì thôi."
Ai cũng biết "Cả giận mất khôn" và tránh kiểu nói "Cạn tàu ráo máng;" đồng thời mọi người chấp nhận "Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối." Như thế, chẳng phải chỉ người xưa coi trọng, đề cao tấm lòng chân thật mà mọi người mọi thời đều thấy sự thật thà ngay thẳng là điều tốt lành nên có. Điều này cũng hợp với ăn nói, có sao nói vậy được tôn trọng; còn nói khoác lác, khoe khoang đều bị coi rẻ "Có đỏ mà chẳng có thơm, như hoa dâm bụt nên cơm cháo gì," và Ca Dao khuyên, "Nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay." Đó cũng là lý do tại sao những người ăn nói khoác lác "Mười voi không được bát nước xáo" không được ai trọng vọng, tin cậy. Cho nên, "Nói chín thì nên làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê." Hơn nữa, để tránh những chuyện "Tri hành bất nhất," Ca Dao đề nghị: "Người khôn đón trước rào sau, để cho người dại biết đâu mà mò," hoặc "Người khôn chưa đắn đã đo, chưa đi đến biển đã dò nông sâu," hay "Làm người suy kỹ tính xa, cho tường gốc ngọn cho ra vắn dài."
Vì "Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta;" thế nên "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn;" hơn nữa, sự liên hệ tạo cho một người thêm vây cánh lỡ khi hữu chuyện còn có người nọ người kia. Mặc dầu sự liên đới bao gồm nhiều khía cạnh, nếu cứ nói theo lý thuyết, ít ai nghĩ được mình có thể thực hành những sự khôn ngoan ông cha ta để lại qua Tục Ngữ, Ca Dao. Tuy nhiên, nếu dùng đôi phút để nhìn lại cách thức đối xử với những người chung quanh, chính mình đang thực hiện những sự khôn ngoan này mà mình không để ý. Ngay trong nghề nghiệp, buôn bán, nhờ có sự liên hệ bạn bè thân quen, công việc dễ xuôi chảy hơn và có thể thực hiện lớn lao hơn dự tính. Do đó cũng có thể nói lối sống liên đới là một lối sống hợp quần đặt nền móng trên tình tương thân tương trợ.
Nhờ sự liên đới với những người khác, con người mới có thể cảm nhận được "Thức đêm mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân." Ngoài ra, có liên đới là có ảnh hưởng vì "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén," hoặc "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng." Sự liên đới giúp mình học được phần nào những điều hay lẽ phải của những người mình liên hệ với. Tuy nhiên, việc gì cũng có giá trị tương đối bởi "Áo năng may năng mới, người năng tới năng quen." Đồng thời lại cũng có câu "Năng mưa thì tốt lúa đường, năng đi năng lại xem thường xem khinh." Lối sống cận nhân tình trong sự liên đới thực mà hư, hư mà thực; đòi hỏi sự không "thái quá" mà cũng chẳng "bất cập" là thế.