SỰ THĂM HỎI

     ối sống cộng đồng tạo cho cá nhân tấm lòng chung, đồng thời được phụ họa bởi đặc tính tình cảm nên người Việt rất cởi mở, thích hàn huyên, nhàn đàm, hoặc thăm hỏi. Sự thăm hỏi đóng một vai trò quan trọng trong sự liên hệ của người Việt vì không những gây dựng mối thâm tình nơi con người thêm bền chặt mà còn giúp cho cá nhân nhận rõ hơn giá trị cuộc sống của mình. Cứ xét theo lối giao tế, người nào được nhiều người biết đến, để ý bao nhiêu, người đó được nhiều người mộ mến bấy nhiêu. Tính chất này cũng bao gồm điều phản ngược lại; đối với cộng đồng: người nào sống không ra gì, tệ bạc bao nhiêu thì càng bị nhiều người biết và khinh chê bấy nhiêu.
Sự thăm hỏi tùy thuộc tính chất thân quen liên hệ của một người. Thân thuộc được đặt lên hàng đầu như cha mẹ, con cái, anh em họ hàng, rồi tới bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng. Sự thăm hỏi bắt nguồn từ cách cư xử của một người đối với gia đình, thân thuộc, hay đối với hàng xóm... Tùy cách cư xử của một người mà sự thăm hỏi mặn nồng hay lạnh nhạt. Tựu trung, sự thăm hỏi nói lên tấm lòng mình đối với người khác.
Nhìn theo khía cạnh tâm lý, sự thăm hỏi tùy thuộc  vào vấn đề "thăm nom" nhiều hơn là "hỏi han." Bởi tâm tính mỗi người một khác nên không thể nào có được quy luật nhất định phải ăn nói kiểu nào khi thăm hỏi. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi nói chuyện với những người chung quanh. Người thì nói nhiều, kẻ lại nói ít, có người chỉ thích ngồi nghe coi bộ dường như không thèm chú ý, nhưng lúc được hỏi đến, lại rất thông suốt những vấn đề đang được mổ xẻ. Đồng thời, lại cũng có người thao thao bất tuyệt nhưng chẳng đâu vào đâu. Lỡ có chuyện gì cần phải ý kiến thì lại không biết trả lời ra sao.
Người tới thăm mang chính sự hiện diện của mình tới tặng người khác. Bởi cuộc đời một người được giới hạn bằng thời gian người ấy sống, sự hiện diện nói lên ý nghĩa đem một phần cuộc đời dành cho người khác thay vì sống cho mình. Hơn nữa, khi yêu hoặc thích ai, mình muốn được gần gũi, muốn đem tặng người đó sự hiện hữu của mình, một món quà không thể tính thành giá cả tiền bạc vì tiền bạc có thể làm ra trong khi thời gian nếu đem cho đi không bao giờ có thể kiếm lại hoặc kéo dài thêm. Sự hiện diện nói lên mình trọng kính và chấp nhận người khác đáng được trọng vọng nên tới. Ngược lại, chúng ta cũng cảm thấy hãnh diện và quan trọng khi được người nào đó ghé thăm. Bởi thế, sự thăm hỏi đem lại niềm vui tới người khác và giúp họ cơ hội nhận rõ hơn giá trị của họ. Nói theo cách khác, sự thăm hỏi giúp một người cảm thấy mình có giá trị hơn, được người khác để ý đến hơn nên ấm lòng và vui vẻ hơn. Dĩ nhiên, cũng không thiếu trường hợp có những người chẳng biết dùng thời gian của mình để rồi lang thang đây đó, tấp chỗ nọ ghé chỗ kia làm phiền kẻ khác. Sự thăm hỏi nếu bị lạm dụng vì lợi ích riêng mình mà không nghĩ đến người khác sẽ bị coi thường.
Người Việt Nam nói chung (có thể tôi sai) ít để ý đến tầm quan trọng của sự hiện diện mà chỉ đặt vấn đề mình phải hoặc nên có mặt nơi những tổ chức, đình đám, hội hè, v.v... hay không. Hơn nữa, mình lại thường hay đặt sự thăm hỏi thành một bổn phận, hoặc sự tỏ lòng biết ơn, coi trọng. Chúng ta ít để ý đến giá trị của chính mình mà đặt vấn đề về tầm mức quan trọng của người khác nhiều hơn. Khi nghĩ mình phải tới thăm người này người kia tất nhiên ẩn chứa bổn phận chứ không đặt vấn đề mình đem niềm vui hay an ủi tới người khác. Do đó, nếu nhận ra giá trị của sự hiện diện của mình khi thăm hỏi người khác, sự tiếp đón của mình khi người nào đó tới thăm cũng sẽ được cải thiện. Giá trị của sự thăm hỏi không phải là bổn phận mà là mối thân tình, sự liên hệ cao quí giữa con người với con người, một khích lệ giúp người khác cảm nhận giá trị cuộc sống, và đồng thời cũng giúp người khác một phần nào thay đổi cách sống bắt nguồn từ sự tiếp đãi khách tới thăm dần dần trở thành con người niềm nở, cởi mở và vui tươi hơn. Xét theo lối nhìn này, sự thăm hỏi là một điều tốt lành mình đem đến cho người khác để giúp họ sống vươn lên.
Không để ý đến tầm quan trọng hay giá trị nơi sự thăm hỏi của mình đối với người khác nói lên người Việt mang cá tính quên bản thân mình mà để ý đến người khác nhiều hơn. Cũng có thể vì mình cảm thấy không quan trọng đủ (do mặc cảm tự ty) nên khi ai để ý tới mình mà đến thăm, họ sẽ được trọng vọng. Cũng có thể do đặc tính hiếu khách của dân Việt được hấp thụ nơi truyền thống coi trọng nhân vị con người nên trọng vọng người khác. Dù thế nào chăng nữa, và cho dù được bắt nguồn nơi mặc cảm tự ty, sự coi trọng và ưu đãi khách tới thăm vẫn là một cá tính cao đẹp nơi tâm hồn người Việt.
Bình thường, khi khách tới thăm và nếu được báo trước, chủ nhà lo để ý dọn dẹp lại nhà cửa cho tươm tất hơn tùy theo khách là người thế nào. Địa vị trong xã hội của khách càng cao, sự tiếp đón càng được chuẩn bị hơn. Đối với những người trong gia tộc, họ hàng thân quen hay bạn bè hàng xóm, láng giềng, sự tiếp đón được biểu lộ tùy theo mối thân tình hơn là hình thức. Ngoại trừ khách riêng của người nào đó trong gia đình, chủ nhà là người đứng ra tiếp khách và nếu không phải là chuyện quan trọng cần hỏi ý kiến riêng, sự đón tiếp trở thành chuyện chung của cả gia đình.
Cha mẹ là người quan trọng nhất đối với việc con cái thăm hỏi nơi gia tộc. Nếu ở gần, đi lại thường xuyên hằng ngày là chuyện bình thường. Nhà của cha mẹ cũng là nhà của mình, nên ngoài chuyện thăm hỏi, con cái thấy việc gì có thể giúp đỡ được đều tự nguyện làm, không cần được nhờ vả. Ông bà thích trồng rau, làm vườn, cha mẹ sai con qua tưới rau, nhổ cỏ giúp ông bà. Những chuyện giúp đỡ lặt vặt của các cháu làm cho ông bà cảm thấy ấm lòng. Ai mà không cảm thấy sung sướng hạnh phúc khi thấy con cái mình đã trưởng thành, lại có các cháu ngoan ngoãn, đi lại thăm nom và giúp đỡ. Nguyên vấn đề nhìn thấy các cháu năng tới lui cũng đủ làm cho ông bà mát lòng. Có những ông bà chăm nom cháu hơn chính bố mẹ chúng; có ai cho được miếng ngon ngọt gì, ông bà để dành cho các cháu. Nhìn đàn cháu vui tươi hí hửng khi nhận quà, ông bà thấy sung sướng hơn chính mình thưởng thức đồ biếu.
Sự thăm hỏi, giúp đỡ, trọng kính của mình với cha mẹ cũng là lối giáo dục thực tiễn nhất cho con cái. Con cái thấy cha mẹ kính nể, săn sóc ông bà sẽ bắt chước theo. Rồi từ đó, lâu dần thành quen, sự trọng kính trong cách đối xử, thăm hỏi trở thành cá tính của con cái và tiếp tục truyền lại bằng cách thực hành nơi sự liên hệ gia đình cho con cháu mình.
Đối với cha mẹ, sự thăm hỏi không phải chỉ là hình thức thăm nom mà là sự săn sóc giúp đỡ. Khi cha mẹ có chuyện gì, con cái họp nhau lại bàn thảo và phân chia công việc để làm. Nhưng nếu khi cha mẹ có việc mà con nào không tới giúp đỡ sẽ làm đau lòng cha mẹ, nhục nhã cho gia đình, anh em. Đối với người ngoài, sự không giúp đỡ cha mẹ là một điều bất hiếu. Người mà không coi cha mẹ ra gì, không chăm sóc giúp đỡ cha mẹ, không thể nào là người tốt nơi xã hội và cũng không thể nào là người bạn chân thành của bất cứ ai. Đây cũng là lý do tại sao người Việt Nam đánh giá trị con người nơi cách đối xử của họ đối với người khác nhất là với gia tộc.
Sự thăm hỏi đối với anh em họ hàng đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc sống người Việt. Sự liên hệ mật thiết hay không và tình thân giữa anh em họ hàng thế nào đều tùy thuộc sự thăm hỏi. Người Việt Nam, có khi con cháu tới bốn năm đời theo hàng dọc vẫn còn thấy gần vì sự liên hệ thăm hỏi qua lại mật thiết. Chả thế mà ông bà ta có câu: "Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ giống má nhà ta." Cháu cậu với cháu cô mà cũng được coi như "giống má nhà ta!" Ai cũng có kinh nghiệm là nếu càng năng thăm hỏi, gặp gỡ nhau bao nhiêu, càng cảm thấy thân tình càng ngày thêm bền chặt. Chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm nhau hơn, và vì hiểu, thông cảm lẫn nhau, chúng ta có nhiều cơ hội để giúp đỡ và được giúp đỡ trong mối tương quan cuộc sống.
Đồng thời qua sự thăm hỏi, thông cảm, chúng ta nhận ra được những điều hay, đức tính tốt của từng cá nhân để học hỏi, trau giồi cho chính bản thân mình mỗi ngày một thăng tiến. Nhờ sự thăm hỏi, liên hệ anh em họ hàng, chúng ta cũng nhận ra một điều rất thực tế đó là "Cha mẹ sinh người, trời sinh tính." Mỗi người một tính một nết; mỗi người có lối đối xử riêng của mình, và mỗi người một tâm tình cũng như phản ứng khác nhau. Sự liên đới giữa anh em họ hàng đối với từng người do đó mà được uyển chuyển tùy theo tâm tình từng người.
Mặc dầu do ảnh hưởng của lối sống tâm tình, sự liên đới giữa anh em họ hàng không bị ràng buộc bởi hình thức kiểu cách bên ngoài. Tuy nhiên, cũng như đa số dân đông phương, người Việt Nam vẫn trọng thứ tự lớp lang trong họ hàng. Người Việt tâm tính rất dân chủ nhưng lại sống hòa hợp theo thứ bậc trong dòng họ anh em hay nơi cộng đồng, xã hội. Chính vì điểm này, sự thăm hỏi của người Việt đối với anh em họ hàng thân thuộc được nằm trong vòng lễ giáo thứ bậc. Gặp các bậc cha chú ông bà, con cháu lễ phép thưa trình hỏi han về sức khỏe, sinh hoạt. Gặp giới ngang hàng, nhiều nơi, nhất là ở miềm Bắc, người Việt có thói quen tự đặt mình vào cách xưng hô của con cái mình đối với anh em. Con mình gọi anh mình là bác, bá; mình gọi họ là bác, bá và xưng em hay tôi. Nếu con mình gọi em mình là chú, cô, dượng, mình cũng gọi như thế và xưng anh hay tôi. Đại khái, trong bậc ngang vai, mình gọi người khác theo lối gọi của con mình và xưng anh, tôi hay em, tôi tùy theo mình vai trên hay vai dưới. Lối xưng hô này mang tính chất tâm lý tình thân. Nó nói lên mình trọng thứ bậc anh em trong dòng họ, "Kim chỉ phải có đầu." Không những thế, lối gọi thay con nói lên tâm tình thân thiết họ hàng kính nhường lẫn nhau. Tự lối xưng hô đã giúp người nói nhận ra mình nên thế nào. Bề trên, bậc anh chị nhường nhịn kẻ dưới hay bậc dưới vai. Đồng thời cũng chính lối xưng hô nói cho người đối diện biết rằng, trong dòng họ có tôn ty trật tự và đã là người trong họ hàng thân thuộc, người Việt Nam "phải" ý thức vị thế của mình. Dù một người có làm đến ông nào bà nào chăng nữa nơi xã hội, đối với họ hàng cũng nên đối xử với anh em theo đúng vị thế của mình. Người nào càng có địa vị cao bao nhiêu nơi xã hội, càng nên khiêm nhượng và ăn nói nhẹ nhàng khiêm tốn với anh em họ hàng bấy nhiêu. Những người có địa vị cao ngoài xã hội mà tỏ ra mình oai phong, hống hách với anh em trong họ hàng thân thuộc đều bị mọi người khinh chê.
Lối xưng hô trong việc thăm hỏi cũng giúp cho người đối diện ý thức giá trị của mình ở nơi thứ bậc nào trong họ hàng với người đang thăm hỏi. Dù tâm tình mình có đang bị phiền toái thế nào chăng nữa, khi nghe người khác xưng hô trong thứ bậc họ hàng, tâm hồn mình như được một động lực thân thiết nhiệm mầu xoa dịu trấn an để trả lời theo khuôn khổ thứ bậc của mình. Như chúng ta kinh nghiệm, thật là ngượng miệng và xấu hổ khi người khác lịch sự, khiêm nhượng chào hỏi mà mình trả lời vô lễ phép. Dĩ nhiên chữ lễ phép ở đây không phải chỉ dành cho người vai dưới đối xử với người vai trên mà còn được áp dụng cho cả lối đối xử của người vai trên với kẻ dưới bậc. Lễ là lễ giáo, nghi thức. Phép là khuôn phép, khuôn thước, phép tắc. Lễ phép đây mang nghĩa khuôn phép xã giao thăm hỏi trong họ hàng thân thuộc áp dụng cho bất cứ thứ bậc nào. Chính vì thế, nếu "Người trên ở chẳng xứng ngôi," thì, "để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào."
Người Việt Nam, nhiều nơi, ít dùng hai tiếng anh em để xưng hô với nhau ngoại trừ anh em thân thuộc đàng trai có thể vì quen dùng lối xưng hô với anh em họ hàng thay con. Đối với hai người anh em trai trong họ, thường được xưng hô chú, bác và em hay tôi. Đối với anh trai, em gái đã thành gia thất, bởi tình ruột thịt, thỉnh thoảng hai tiếng "anh em" cũng được dùng, nhưng phần lớn thì cô - anh, cô - tôi, o - tôi hoặc bác - em, bác - tôi. Cũng có thể vì hai tiếng anh - em được dùng theo nghĩa thân thiết vợ chồng nhiều hơn sau này nên người Việt, có thể nói, ít dùng "anh - em" khi nói chuyện với người khác phái trong họ vì nghe nó kỳ làm sao ấy! Ngày xưa, vợ chồng gọi nhau mình - anh, mình - em, mình - tôi; hai tiếng anh em sau này thay thế tiếng mình... Điều này cũng nói lên thêm một đặc tính khác của người Việt đó là sự coi trọng lễ giáo trong cách đối xử. Tránh lối nói anh em với người khác phái dù trong họ hàng vì nó được hiểu theo nghĩa thân thiết vợ chồng, có thể làm người ngoài hiểu lầm và cũng có thể vì nó không nói lên được thứ bậc của người trong họ. Điều này mang thêm ý nghĩa "Ngôn chính danh thuận." Cho nên, những ai ăn nói không thứ tự, lớp lang thì cũng là người bị coi chẳng ra gì.
Khi tới thăm hỏi bà con cô bác trong họ mà có con cái đi theo, người Việt thường dặn dò hay tập tành cho con cái mình cách thức chào hỏi sao cho lễ độ, khuôn phép. Những ai đáng ông, thưa ông, đáng bà, thưa bà, rồi bác, chú, cô, cậu, mợ, dì, dượng v.v... Những người trẻ ngang vai với con mình thì thưa anh, thưa chị; còn dưới vai, phận em con mình, không phải chào hỏi. Sự chào hỏi người dưới vai chỉ áp dụng cho người lớn. Lỡ may con mình quên không chào hỏi, người Việt gọi con, tập cho con khoanh cánh và chào các bậc ông bà, cha chú... Khi có anh em họ hàng tới thăm hỏi, cha mẹ cũng dạy cho con cái biết chào hỏi cho đúng. Nếu con cái khôn đủ để lấy nước mời khách, cha mẹ dạy cho con cách nói năng sao cho dễ nghe và mời khách cho lịch sự. Ngay như kiểu cách đi đứng và thái độ lúc ăn nói cũng được chỉ dẫn cặn kẽ. Lâu dần thành thói quen và khi tới tuổi khôn lớn, với nề nếp giáo dục này, bậc cha mẹ đã đào tạo cho cộng đồng, xã hội những người con lịch sự nhã nhặn. Sự dạy dỗ, tập dượt và nhắc nhở cho con cái biết kính trọng người trong họ hàng không những giúp cho con cái thêm phần nhã nhặn lịch sự mà còn bắt nguồn từ ý niệm gia đình là môi trường giáo dục quan trọng đầu tiên của người Việt. Đối với người Việt, học đường khai trí cho lớp trẻ, giúp lớp trẻ thêm phần hiểu biết rộng rãi hơn về cách đối xử với xã hội cũng như dạy trẻ thêm phần kiến thức phổ quát. Còn gia đình giáo dục con trẻ nên người có căn bản lễ giáo, đạo đức. Đó là lý do tại sao chúng ta có câu "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh." Gia đình họ hàng của một người ra sao thì người đó cũng được giáo huấn như vậy.
Sự thăm hỏi còn đóng một vai trò tối ư quan trọng khi anh em họ hàng có công chuyện như cưới hỏi, đình đám, làm nhà cửa. Khi một gia đình có công chuyện, anh em họ hàng thân thuộc mỗi người một tay giúp đỡ cho công việc êm đẹp. Người Việt nói chung ý thức rất rõ câu "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng." Bởi thế ai cũng nhận định được khi anh em trong họ có công chuyện, mình đương nhiên có bổn phận phải tới. Có khi tới chỉ để "Ngồi chơi xơi nước" nhưng không tới, sự vắng mặt có thể nói lên mình coi khinh hoặc đang có mối bất hòa, hay không hiểu cách đối xử với anh em họ hàng. Chúng ta cũng có câu "Ma chê cưới trách" để nói lên ý nghĩ cảm thông đối với gia đình có công việc. Dĩ nhiên, ai là người không thiếu sót dù chỉ giới hạn trong cuộc sống thường ngày. Do đó khi có đình đám, công chuyện, chúng ta càng gặp nhiều thiếu sót. Sự thăm hỏi của anh em họ hàng, sự bàn luận, và góp thêm ý kiến nên làm ra sao, mời mọc những ai, sắp xếp công việc thế nào, ai giúp phận sự gì đều là những đóng góp tích cực giúp đỡ nhà đám.
Sự thăm hỏi được coi là cần thiết khi người nào trong họ gặp chuyện đau ốm. Tâm lý chung, một người khi đau ốm cảm thấy mình bơ vơ hơn bao giờ. Chính người bệnh đã tự cảm thấy bực mình vì con bệnh hoành hành sinh lắm phiền phức làm mất thói quen lối sống thường ngày. Vả lại người bệnh không thể tự giúp chính mình phải nhờ đến người khác nên bị tổn thương cá tính tự lập thành ra hay khăn kháu. Hơn nữa, người bệnh không làm được việc gì để khuây khỏa do đó thời giờ như kéo dài vô tận khiến tâm tình dễ sinh ra chán nản. Sự thăm hỏi khi đau ốm giúp người bệnh cảm thấy bớt bơ vơ, và bởi nhận ra còn có những người khác để ý đến mình nên tâm thần được trấn an; bệnh sẽ mau khỏi hơn. Sự thăm hỏi giúp người bệnh bận rộn nói năng, trả lời hoặc chú ý nghe người khác làm họ không để ý đến thời gian nhiều như những khi không có ai chung quanh. Ban điều hành bệnh viện Southern Baptist Hospital, New Orleans, Louisiana, USA sau khi nghiên cứu qua việc chữa trị và dưỡng thương của các bệnh nhân nơi bệnh viện tuyên bố rằng những người bệnh nằm nơi nhà thương của họ nếu có người thăm hỏi thường ngày được chữa lành nhanh hơn những người không có ai thăm 20% số thời gian nhà thương dự tính. Lý do họ nêu lên là nếu tâm hồn người bệnh vui tươi hơn, sự chữa trị sẽ có kết quả hơn bởi thế người bệnh mau lành hơn. Sự thăm hỏi khi đau ốm kết chặt thêm mối dây họ hàng. Bởi nhận ra người khác biết nghĩ đến mình, mối thân tình mình dành cho họ đậm đà hơn; họ hàng được cảm thấy gần hơn, và người tới thăm được quí mến hơn.
Nói tóm lại, sự thăm hỏi nơi người Việt là phương tiện không những giúp người khác vui sống, nhận ra giá trị con người mình hơn, nói lên mối thâm tình sâu kín tận đáy lòng con người, mà còn là sợi dây liên kết giữa con người với con người ngày thêm bền chặt.