TÌNH CẢM QUA CA DAO

     ù sống nơi thời đại hay hoàn cảnh nào tình cảm vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Con người không phải chỉ gồm có phần thể xác với những bản năng tự nhiên bảo tồn sự sống mà còn bao gồm tinh thần nơi đó chứa đựng những ước vọng, tư tưởng, niềm rung cảm, lý trí, v.v... Tình cảm là tiếng nói trung thực nhất của con tim, và tiếng nói này ảnh hưởng mạnh mẽ nếu không muốn nói là điều khiển toàn bộ tâm tình con người, "Người vui thì cảnh cũng vui, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Những tình cảm hướng thượng được coi như mục đích cuộc sống và giúp con người vươn lên; ngược lại, những tình cảm thấp hèn nếu không được nhận thức để cải sửa sẽ đem con người đến thân bại danh liệt vì con tim có những lý lẽ mà bình thường lý trí khó có thể đi ngược lại. Điểm thiết yếu của con người là tình cảm; dù ít dù nhiều, một khi lòng mình vui hay buồn đều ảnh hưởng đến lý trí xét đoán, đến công việc làm hoặc thái độ đối xử với người chung quanh. Khi bị tình phụ, có ai nhìn thấy đời còn là màu hồng hoặc những người khác phái là thật thà dễ thương? Cũng như khi chẳng may bị đời đá lên vật xuống vì những lừa lọc, có ai dám mở cửa lòng đối xử chân thành với những người khác hay cố khép kín rồi sống cô lập, hoặc chỉ trích, châm biếm và chỉ nhìn cái xấu, cái tồi của người khác hầu bù đắp lòng tự ái cho nguôi ngoai niềm đau của mình. Người ta có thể cố gắng sao cho hơn nhau manh quần tấm áo, địa vị, học thức nhưng tình cảm thì không bởi nó từ nội tâm con người. Xét như thế, thái độ và lối sống không ai giống ai cũng phần nào do sự ảnh hưởng khác biệt của tình cảm nơi mỗi người. Một đặc điểm của Ca Dao là dễ đi vào lòng người; điều này nói lên Ca Dao mang nặng tính chất tình cảm; đồng thời tình cảm giữ một phần quan trọng và rất phong phú nơi Ca Dao do đó có thể nói ca dao tình cảm là tiếng nói của con tim, một biểu lộ những nỗi lòng thầm kín của con người. Nói cách khác, Ca Dao phơi bày tình cảm đích thực tận đáy lòng người.
ĐẶC TÍNH TÌNH YÊU
Cuộc đời một người nào phải chỉ cơm no áo ấm là an thân không cần lo nghĩ, không đụng chạm phiền hà! Người ta còn có con tim muốn yêu và muốn được yêu do đó không ai thoát khỏi lưới tình cho dù tình mình được đáp trả hay chỉ yêu một chiều. Dẫu "Yêu là chết trong lòng đi một ít" như Xuân Diệu đã than lên thì cũng không ai chạy trốn mà ngược lại cứ hoan hỉ tìm kiếm hoặc chờ đợi, "Chữ tình là chữ chi chi, anh hùng hào kiệt cũng si vì tình." Có lẽ vì thế được gọi là lưới tình bởi không ai tránh thoát dù không muốn bị dây dưa.
Đến một thời điểm nào đó, con tim thấy thiếu thốn, khắc khoải, buồn rầu mông lung: "Đố ai khuyên gió lay thông, đố ai xui giục cho rồng phun mưa. Ruột tằm bối rối vò tơ, tay khoan, tay rẽ cho thưa mối sầu," để rồi khát khao một hình bóng: "Tóc em dài em cài bông hoa lý, em mĩm miệng cười, anh để ý anh thương;" hoặc "Nợ duyên chưa biết thể nào, mười hai bến nước biết vào tay ai. Em ngồi cành trúc, em dựa cành mai, đông đào tây liễu biết ai bạn cùng?" Khi con tim biết mở cửa lòng tìm kiếm và đón nhận người tri kỷ đó cũng là lúc dậy lên tiếng nói yêu đương tự nhiên với những người hợp nhãn: "Trời sinh con mắt là gương, người ghét ngó ít, người thương ngó hoài." Lúc ban đầu, tình yêu mang tính chất chung chung, có cảm tình đối với kẻ khác phái qua hình dáng bên ngoài; tình cảm này bộc phát tự bản năng sinh tồn: "Thấy em hâu hấu má đào, thanh tân, mày liễu dạ nào chẳng yêu." Hoặc "Nước trong ai chẳng rửa chân, đôi má trắng ngần ai chẳng muốn hôn." Hay "Anh ngồi giữa chốn vườn đào, thấy người thục nữ ra vào dễ thương. Gió đâu gió lạnh đêm trường, nửa chăn không ai đắp, nửa giường không ai xoay." Khi đã có chút thiện cảm tất nhiên có khuynh hướng kiếm cơ hội tìm hiểu, làm quen nên tình cảm được bổ xung thêm nhiều yếu tố nhân cách được nhận ra tùy theo sự chọn lựa và chấp nhận cá nhân: "Cây oằn vì bởi tại hoa, thương em vì bởi nết na, nghĩa tình, thương em thương dáng thương hình, thương lời ăn tiếng nói thật tình không đãi bôi," ngoại trừ trường hợp tiếng sét ái tình bởi bất ngờ gặp mẫu người trong mộng, "Thấy em chưa kịp ngỏ lời, ai ngờ em đã vội dời gót loan. Chàng thời mê mẩn canh tàn, chiêm bao như thấy có nàng ngồi bên..." Từ sự hợp nhãn tiến tới quen biết qua phần chọn lựa người bạn lòng, con tim bắt đầu lên tiếng nói bằng những nhớ nhung mong sao luôn gặp mặt: "Dù ai cho bạc cho vàng, chẳng bằng trông thấy mặt chàng (nàng) hôm nay." Hoặc "Dù ai cho nhẫn đeo tay, chẳng bằng trông thấy mặt ngay bây giờ." Hỏi tại sao nhung nhớ chẳng một ai có thể có câu trả lời toàn vẹn; chỉ biết rằng khi con tim đã gặp được đối tượng, nó khiến con người bồn chồn muốn gần kề, đứng ngồi không yên và không gì có thể làm cho nguôi ngoai được: "Em với anh cùng tổng khác làng, nào em có biết ngõ chàng ở đâu. Một thương hai nhớ ba sầu, cơm ăn chẳng được, ngậm trầu cầm hơi." Kinh nghiệm này ai không trải qua nhưng mấy ai nào để ý khi mình đã an phận; đâu ai còn có thể nghĩ đến liều thuốc xoa dịu bao khắc khoải, nhung nhớ đơn giản chỉ là sự gặp mặt người mình thương: "Có chồng thương kẻ không chồng, không chồng ra đứng cánh đồng mà nom. Nom cho thấy mặt nhau luôn, thấy thời khỏe mạnh thuốc tơn nào tầy."
Không có một quy luật nào có thể gò ép con tim theo đường hướng đã định sẵn, "Không sơn mà gắn với hèo, không bùa, không thuốc mà theo mới tình;" cũng không có một đối tượng hay giới hạn nào có thể trở thành lý tưởng cho mọi con tim "Không buông giọng bướm lời hoa, cớ sao lại bắt lòng ta cảm tình." Tính chất của tình yêu biểu lộ và ảnh hưởng tâm tình của chính chủ nhân khiến con người biến thành nô lệ để rồi trở thành kẻ chiến đấu giữa hai thái cực: động lực thúc đẩy nơi con tim và môi trường sống bao gồm luân lý cũng như điều kiện gia cảnh hoặc tập tục phụ thuộc. Tình yêu bộc phát có khi do sự gặp gỡ đối tượng nhờ quen biết: "Nghe lời anh nói đậm đà, chồng con chẳng phải rứa mà em thương." Hoặc do được chấp nhận qua vòng lễ giáo, mai mối: "Từ ngày ăn phải miếng trầu, miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu. Biết rằng thuốc dấu hay là bùa yêu, làm cho ăn phải nhiều điều xót xa. Làm cho quên mẹ quên cha, làm cho quên cả đường ra lối vào." Nào ai đo lường được tần số của con tim; nó có cảm nhận riêng với đối tượng không lệ thuộc bất cứ điều kiện nào. Cảm nhận này được nhà Phật cho là duyên và thường được gọi "nhân duyên." Nhân duyên tùy thuộc sự quen biết lâu mau: "Chốn ước mơ lắc lơ mà hỏng, nơi ngộ tình cờ lại đóng nhân duyên," không tùy thuộc điều kiện khoảng cách nơi sinh sống: "Gần thì chẳng hợp duyên cho, xa xôi cách mấy lần đò cũng theo;" hoặc thời gian quen biết, "Khi say một chén cũng say, khi nên tình nghĩa một ngày cũng nên." Khi đã yêu, con tim trở thành mù lòa thăng hoa đối tượng để rồi dẫu cho đối tượng có thế nào chăng nữa cũng được nhìn theo chiều hướng hay khía cạnh hay, đẹp: "Lạ thay nết nói nết cười, nết sao lại khiến cho người muốn thương." Khi đã thương, hai con tim muốn được luôn luôn kề cận để mắt nhìn mắt, tình trao tình dù táo bạo lẳng lơ: "Dao vàng rọc lá trầu vàng, mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa," nhưng trong trường hợp tình vừa mới bén còn e ngại hoặc e thẹn hay có điều trắc trở, tình được trao bằng những ánh mắt vội vã: "Yêu nhau con mắt liếc qua, kẻo chúng bạn biết kẻo cha mẹ ngờ." Bởi vậy, như một nhu cầu, hai kẻ yêu nhau muốn lúc nào cũng được ở gần nhau: "Một chờ hai đợi ba trông, bốn thương năm nhớ bảy tám chín mong mười tìm," hoặc "Yêu nhau chẳng quản gần xa, một ngày chẳng đến thì ba bốn ngày;" để rồi cố gắng vượt mọi khó khăn trở ngại cho được gặp nhau: "Yêu nhau ba bốn núi cũng trèo, bảy tám sông cũng lội, chín mười đèo cũng qua." Mặc dầu Ca Dao đôi khi dùng chữ hơi quá trong sự diễn tả tâm trạng kẻ đang yêu: "Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương," nhưng chắc chắn rằng nếu không vì lý do gì khác mà hay tìm gặp nhau phải là hai kẻ đang ngụp lặn trong tình yêu: "Chẳng chè chẳng chén sao say, chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm!" Do đó nào ai lạ gì: "Thương em nào quản nỗi đường xa xôi." Tình cảm giữa con người với con người thật khác xa với ý thích. Thích một vật gì, không ai cần phải luôn luôn nhìn thấy hoặc được kề cận vật ấy; ngược lại, sự hiện diện của người mình thương mặc dầu chỉ được nhìn thoáng qua cũng trở thành một mãnh lực cuốn hút lòng kẻ đang yêu: "Xin Trời cho ngược gió đông, thuyền quay mũi lại thiếp trông thấy chàng."
Không những khi yêu con tim thăng hoa đối tượng mà còn chấp nhận để cho những điểm phụ thuộc của đối tượng ảnh hưởng mình: "Yêu nhau trầu vỏ cũng say, ghét nhau cau, đậu đầy khay chẳng màng," hoặc: "Không thương dù có đeo vàng, bằng thương chiếc áo vá quàng cũng thương." Sự ảnh hưởng này gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tâm trí con người nhất là khi người yêu than thở nỗi lòng: "Dao vàng cắt ruột máu rơi, ruột đau cũng chẳng bằng lời em than." Tình yêu còn chứa đựng thêm đặc tính chia xẻ; khi yêu, đôi con tim muốn được kề cận tâm tình do đó mong sao được gặp nhau. Kinh nghiệm thực trạng của kẻ đang yêu cho thấy, lúc xa nhau nghĩ rằng mình có nhiều điều muốn nói nhưng khi gặp mặt, sự hiện diện của đối tượng đã xóa nhòa bao nỗi nhớ nhung, xóa nhòa những tâm trạng thao thức: "Em gặp anh đây đã khỏe lại vui, tam tứ sầu giải hết, mặt tươi như thường."
Đặc tính nào của tình yêu khiến đôi lứa muốn luôn được ở gần nhau, tạo năng lực cho họ vượt mọi trở ngại để được dù chỉ gặp mặt nhau trao đổi đôi câu nhung nhớ xóa tan bao khắc khoải, đợi chờ? Ca Dao đưa ra ba điểm căn bản của những kẻ yêu nhau: sống cho nhau hay vì nhau, muốn có nhau, và tùy thuộc lẫn nhau: "Yêu nhau chữ vị là vì, chữ dục là muốn, chữ tùy là theo." Thế nên không ai ngăn cản được lòng yêu của một người: "Rào đường đón ngõ ngăn sông, nào ai rào đón được lòng đôi ta," bởi khi men tình đã thấm không dễ chi dứt khỏi: "Đôi ta như rượu với nem, đang say ngây ngất ai dèm chớ xa." Tuy nhiên, khi chưa thành gia thất, đôi nhân tình còn những công việc hay bổn phận cần chu toàn cho cuộc sống hiện tại khiến cho con tim bị giằng co bởi hai áp lực: "Nửa về nửa muốn ở đây, về thì nhớ bạn, ở đây nhớ nhà." Theo tâm lý kẻ đương yêu, mặc dầu "Ra về tay nắm lấy tay, mặt nhìn lấy mặt lòng say lấy lòng," nhưng nỗi lo lắng cho người yêu lại tràn ngập tâm tư "Chàng về để thiếp xin đưa, xin Trời lại nắng, đừng mưa trơn đường." Nỗi lo lắng này tạo nên sự xót xa cho người tình phải đương đầu với cuộc sống vất vả, "Nước non lận đận một mình, thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay. Ai làm cho biển kia đầy, cho ao kia cạn cho gầy cò con!" Ngược lại, càng nhung nhớ, xót xa bao nhiêu, tình càng mặn nồng bấy nhiêu: "Nước sông tơ vừa trong vừa mát, em ghé thuyền vào đổ sát thuyền anh. Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình, sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu."
Một đặc tính khác của tình yêu là mở rộng lòng chấp nhận hoàn cảnh cuộc đời miễn sao được chung sống với đối tượng: "Phải duyên phải lứa cùng nhau, dẫu mà áo vải, cơm rau cũng mừng;" dù phải gian nan khổ cực "Yêu nhau sinh tử cũng liều, thương nhau lội suối trèo đèo có nhau" vì có tình yêu là có tất cả, "Em về cắt rạ đánh tranh, chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà. Sớm khuya hòa thuận đôi ta, hơn ai gác tía lầu hoa một mình," hay "Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường, dẫu rằng tàu lá che sương cũng tình." Bởi đối với con người, tình nghĩa mới đáng kể; giàu hay nghèo chỉ là chuyện phụ thuộc "Thương nhau chẳng nệ giàu nghèo, nặng tình nặng nghĩa em theo mình cho đủ đôi." Vì "Số giàu lấy khó cũng giàu, số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo." Do đó hai kẻ yêu nhau đều ước muốn thành vợ chồng "Em vái ông tơ vài ve rượu thiệt, em cầu bà nguyệt năm bảy con gà. Xin cho đôi ta thành thất thành gia, sau em trả lễ đặng mà đáp ơn." Kinh nghiệm sống cho thấy chỉ có tình yêu kiến tạo đạo vợ chồng chứ cuộc sống vợ chồng không chắc đã gây nên tình yêu. Âu cũng là lý do tại sao có những người chung thủy chờ bạn tình không đếm xỉa chi đến ngày tháng trôi qua "Đường dài ngựa chạy biệt tăm, người thương có nghĩa trăm năm cũng về," hoặc "Ai sang đò ấy bây giờ, ta còn ở lại, ta chờ bạn ta. Mưa nguồn, chớp biển xa xa, ấy ai là bạn của ta, ta chờ." Bởi vậy, không lạ gì: "Ngày nào mà đặng gần mình, mới là hết bịnh tư tình cùng em," và không thiếu chi cảnh: "Dao phay kề cổ, máu đổ không màng, chết tôi tôi chịu, buông nàng tôi không buông." Tình yêu đích thực dù cho thế nào chăng nữa đôi uyên ương vẫn "Yêu nhau (dẫu) tâm trí hao mòn, yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau."