HIẾU ĐỄ

     iệt Nam Tự Điển do Lê văn Đức biên soạn định nghĩa hiếu đễ là "Thảo thuận, tức hiếu thảo với cha mẹ và thuận hòa với anh em." Ông cho rằng hiếu đễ và hiếu thuận đồng nghĩa với nhau. Hiếu đễ bao gồm hiếu và đễ. Cũng theo Lê văn Đức, hiếu là "thảo, hết lòng với cha mẹ" (P. 611 Quyển thượng). Đễ là "thuận thảo, nhường nhịn; nhường anh, nhường chị lại nhường người trên" (trang 440). Ca Dao cũng có câu: "Trong nhà hiếu với mẹ cha, kính nhường người lớn khi ra bên ngoài." Xét về hiếu đễ thường chỉ được chú trọng tới hiếu thảo bởi người hiếu thảo mới có thể có được thuận thảo với anh em họ hàng.
Dĩ nhiên không ai tự lỗ nẻ nơi lòng đất chui lên, "Con có cha, mẹ đẻ; không ai ở lỗ nẻ mà lên;" dù con gà con vịt mới nở đã có thể tự ăn ngay không cần bú mớm nhưng cũng cần sự giúp đỡ dẫn dắt trong những ngày trứng nước mới ra khỏi vỏ. Càng những động vật khôn ngoan lại càng cần sự ấp ủ chăm sóc trong thời gian mới được sinh ra chẳng hạn như mèo, chó, trâu, bò, khỉ, vượn. Con người, sinh vật đứng hàng đầu, sự khôn ngoan vượt hẳn tất cả các loài động vật nên cần được nuôi dưỡng và giáo dục và chăm sóc nhiều hơn.
Chính vì có lý trí để suy tư nhận ra điều phải trái, nên hay không nên hoặc ghi nhớ công ơn những người đã giúp, đào tạo cho mình, hiếu thảo được đặt lên hàng đầu trong bổn phận làm người bởi: "Có cha mẹ mới có ta, làm nên nhờ có mẹ cha vun bồi." Ngoại trừ những trường hợp bất thường chẳng may xảy đến cho một số người, ai không nhận ra công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ! "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con." Đạo con là nghĩa vụ, lối đối xử của con cái đối với cha mẹ, là đạo hiếu: "Ơn cha nghĩa mẹ nặng trìu, ra công báo đáp ít nhiều phận con." Hoặc còn được gọi là sự thờ phụng song thân, "Nuôi con khó nhọc đến giờ, trưởng thành con phải biết thờ song thân." Chữ thờ phụng được hiểu lúc sống biết hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, lo bảo vệ danh dự gia đình, khi chết lo cúng giỗ, biết ơn và học theo những đức tính tốt lành và làm gương cho con cháu mình.
Những ai sống trong bậc vợ chồng nhận thấy rõ: "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ." Lúc còn ấu thơ, lỡ khi con gặp trái gió trở trời ốm đau bệnh hoạn, cha mẹ đứng ngồi không yên, ngày lo đàng ngày, đêm lo đàng đêm từng miếng ăn giấc ngủ của con, "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ về năm." Thế nên để nói cho những người chưa có cơ hội cảm nghiệm lòng thương của cha mẹ đối với con cái, người xưa đưa ra câu ví: "Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ." Câu nói "Công ơn cha mẹ bằng trời bằng bể" không ngoa chút nào bởi dù cho có trời sập ở đâu, biển động chốn nào cũng không ảnh hưởng đến cha mẹ bằng chuyện nhỏ nhặt liên hệ đến con cái. Vì vậy: "Ơn cha nặng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang."
Mang nặng đẻ đau đã to tát, nuôi nấng chăm nom từ tấm bé cho tới lúc lớn khôn không phải là công lao của một ngày một buổi mà từ năm này qua năm khác. Rồi sao cho con mình cũng được như con người không bị thua sút từ manh quần tấm áo đến học hành chữ nghĩa. Chẳng những thế, lo lắng giáo dục sao cho con nên người lại là cả vấn đề lao tâm khổ não. Dĩ nhiên: "Cha nào con nấy" là chuyện thường, nhưng ai không muốn sao cho "Con hơn cha" để cho "nhà có phúc." Hơn nữa, cha mẹ nào tránh thoát "Con dại cái mang" bởi đâu ai lòng dạ nào nỡ "Đem con bỏ chợ." Sinh con ra thì nào "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa;" lúc "Con biết lẫy thì bố biết bò;" khi "Con lên ba, mới ra lòng mẹ;" lại còn "Con lên ba, cả nhà học nói." Chưa hết, trong cuộc đời bon chen biết bao nhiêu phen cha mẹ đã không dám sống buông thả theo ý thích cũng vì con cái bởi lối sống của cha mẹ, đức độ của bậc làm mẹ làm cha ảnh hưởng tương lai con cái: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước." Có lẽ vì thế, muốn giáo dục cho con cái nên người, đấng bậc làm cha mẹ lại cần tự bó buộc chính mình trước. Đôi khi "Cha mẹ giầu con có, cha mẹ khó con không" cũng trở thành nỗi thống khổ cho những cha mẹ chẳng may trời bắt tội gặp phần số nghèo nàn vì đâu ai muốn thấy cảnh "Con người mặt hoa da phấn; con mình mặt cú da lươn." Và rồi nuôi nấng, dưỡng dục con cái tới lúc trưởng thành nào đâu đã xong, khi chúng chưa thành gia thất cha mẹ vẫn chưa hết mối lo: "Gái chậm chồng, mẹ cha khắc khoải." Thế nên cũng chẳng lạ gì: "Lắm con nhiều nợ..." Lại còn nhiều khi chính vì quá thương con nên sinh ra: "Bênh con lon xon mắng người."
Trên đời, ai cũng muốn cho con hay, con giỏi, và ai cũng muốn bồi đắp cho con cái nên việc dạy dỗ được cha mẹ tận dụng hết khả năng của mình. Bởi thế, "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư." Có cha mẹ nào dạy con làm điều xấu bao giờ; mà ngược lại muốn vun trồng cho con, dạy bảo, huấn luyện cho con đường ngay lẽ phải. Hơn nữa, đường ngay nào không khó kiến tạo; lẽ phải nào không cần cố gắng thực hiện; mà thường thì con cái ít khi nhận thức được chính vì lòng thương mà cha mẹ phải khó khăn đôi khi đến độ cứng rắn tập tành cho con những thói quen, lối sống tốt lành. Nhiều trường hợp con cái không nhận ra điều này đến khi cha mẹ khuất bóng mới biết: "Còn cha gót đỏ như son, một mai cha thác gót con chôn bùn." Vì thế, Ca Dao cũng có câu: "Bạc bảy đâu sánh vàng mười, mồ côi đâu sánh cùng người có cha." Một điều thật hiển nhiên: nước mắt chỉ chảy xuôi, và thực tế chứng minh: "Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi được một mẹ."
Bởi nhận thức được lòng thương và công lao vô bờ bến khó lòng đáp trả ấy, con cái cần đặt sự phụng dưỡng cha mẹ lên hàng đầu: "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu." Hoặc "Vô chùa thấy phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chưa đành." Có thể đó cũng là lý do tại sao có câu: "Thứ nhứt là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa;" tu tại gia để phụng dưỡng cha mẹ. Vì vậy, làm con cần biết hiếu thảo bằng cách tối sớm chăm sóc cha mẹ: "Mẹ già ở tấm lều tranh, sớm thăm tối viếng mới đành dạ con."
Hiếu thảo với cha mẹ là biết làm hài lòng các ngài không những bằng cách đối xử mà ngay cả bằng sự biết vâng lời trong những điều ngay lẽ phải nên thực hiện trong cuộc sống: "Mẹ cha là biển là trời, làm sao con dám cãi lời mẹ cha." Biết hy sinh, quên bản thân mình để lo cho cha mẹ: "Đói lòng ăn đọt chà là, để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng," hay "Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, gạo giã cho trắng mà nuôi mẹ già." Những việc nặng nhọc giúp đỡ cha mẹ đã đành mà cả những chuyện nhỏ cũng cần được để ý: "Cau non khéo bửa cũng dầy, trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm."
Hiếu thảo tạo cho cuộc sống con người có giá trị đáng hãnh diện là người hoàn toàn: "Nhà em có vại cà đồng, có ao rau muống có đầy chĩnh tương. Dù không mỹ vị cao lương, trên thờ cha mẹ dưới nhường anh em." Sự hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ đáng được mọi người ca tụng: "Em thời đi cấy ruộng bông, anh đi cắt lúa để chung một nhà. Đem về phụng dưỡng mẹ cha, muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền." Và có thể được coi là đặc tính cần thiết xứng đáng trong lãnh vực hôn nhân: "Em về anh gửi buồng cau, buồng trước kính mẹ buồng sau kính thày." Hiếu thảo nhiều khi ảnh hưởng đến hôn nhân: "Con cá đối nằm trong cối đá, chim đa đa đậu nhánh đa đa. Chồng gần bậu không lấy bậu lấy chồng xa, mai sau cha yếu mẹ già, chén cơm bát nước bộ kỷ trà ai bưng." Nói cho cùng, hiếu thảo là điều nên ghi nhớ nằm lòng của một người: "Bao giờ cá lý hóa long, đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa."
Khi cha mẹ còn sanh tiền, sự năng thăm hỏi, giúp đỡ sẽ làm hài lòng các ngài, "Năng mưa thì giếng năng đầy, năng đi năng lại, mẹ thầy năng thương." Chẳng những thế, người hiếu thảo còn ước mong cho cha mẹ sống lâu để phụng dưỡng, đền đáp công ơn: "Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con." Nếu chẳng may cuộc đời run rủi phải sống xa cha mẹ, lòng tưởng nhớ ray rứt khôn nguôi: "Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ, nghĩ đến chừng nào lụy hạ tuôn rơi." Dù lối diễn tả qua Ca Dao có hơi thăng hoa, nhưng lẽ đương nhiên tâm tình hiếu thảo có ảnh hưởng quan trọng nơi tình cảm con người: "Gió đưa cây cửu lý hương, từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn. Sầu riêng cơm chẳng buồn ăn, đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm." Tâm tình này được nhắc nhở nơi hình ảnh những kỷ niệm thơ ấu mỗi khi gợi về trong trường hợp cha mẹ đã khuất bóng: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương." Những khung cảnh thiên nhiên nhiều khi du lòng con người tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ: "Vẳng nghe chim vịt kêu chiều, bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau. Thương thay chín chữ cù lao, tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình."
Tuy nhiên, cuộc đời có người nọ lại cũng có người kia; có người hiếu thảo với cha mẹ thì cũng có người chẳng coi cha mẹ ra gì: "Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày." Hoặc lại có người lạm dụng hình thức hiếu thảo hầu mong lấy tiếng cho mình: "Còn sống thì chẳng cho ăn, chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi." Những người này thường không để ý đến sự giúp đỡ cha mẹ: "Mẹ già ở tấm lều tranh, đói no chẳng biết rách lành không hay." Bởi vậy để khuyến khích con cái hiếu thảo với cha mẹ, người đời có câu: "Con không hiếu kính mẹ cha, bàn nhơn thiên hạ người ta chê cười." Đôi khi Ca Dao dùng thuyết nhân quả của nhà Phật để nhắc nhở người ta nên hiếu thảo với cha mẹ: "Mình chí hiếu với mẹ cha, con mình sẽ hiếu với ta khác gì," hoặc dùng sự kiện thiên nhiên nói cho con người ý thức nếu mình hiếu thảo với cha mẹ thì sau này con cái sẽ đối xử với mình như vậy: "Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó," hay tục ngữ cũng có câu: "Giỏ nhà ai quai nhà nấy."
 Hiếu thảo là sự biểu tỏ tình cảm thương yêu sâu đậm cũng như lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ. Người có hiếu với cha mẹ chắc chắn là người đáng được tôn trọng và tin tưởng vì chính hiếu đễ giúp con người nhận chân giá trị cuộc sống và giá trị làm người. Có hiếu đễ, con người mới đặt nặng vấn đề danh dự của mình cũng như gia tộc mình để sống sao cho xứng đáng hơn.