TÁN TỈNH

     a Dao tình cảm mới thoạt nghe tưởng rằng ý tứ nhẹ nhàng nhưng thật ra mang nghĩa sôi bỏng qua văn chương bóng bẩy mượn cảnh gợi tình hay trực diện tỏ bày; trên thực tế khó ai dám phô diễn lòng mình như vậy. Nói cách khác, Ca Dao tình cảm diễn đạt thực trạng tâm tình ít ai dám nói thành lời. Chẳng hạn qua câu đơn giản: "Gặp nhau mời một miếng trầu, gọi là chút nghĩa về sau mà chào." Trai, gái, ai không muốn làm quen với người khác phái! Ai không thích có được chút cảm tình dù lang thang hoặc với bất cứ ẩn ý nào! Nhưng ai dám nói trên cửa miệng "Gọi là chút nghĩa về sau mà chào," mặc dầu lòng mình thực sự muốn thế. Có chăng nói lời mời ăn trầu và rồi dẫu trân tráo lắm cũng chỉ dám thêm vô cho "thắm đôi môi" hoặc "hồng đôi má..." Nhất là ngày xưa, nơi xã hội với những quan niệm "Nam nữ thụ thụ bất thân" hay "Thân gái kín cổng cao tường" cho đến ngày cưới vẫn chưa tỏ mặt người phối ngẫu bởi chuyện nhân duyên do phụ mẫu dàn xếp phỏng sao còn cơ hội mà chào, phương chi nói đến chuyện mở miệng mời trầu. Xét thêm câu khác: "Bấy lâu vắng mặt khát khao, bây giờ thấy mặt tính sao hỡi tình!" Đúng là sự phơi bày một cõi lòng nóng cháy tình cảm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chỉ mười bốn chữ bình thường được ráp nối khiến người nghe cảm nhận tận đáy lòng ngọn lửa yêu đương đang sôi sục bùng dậy đồng thời lại quay ngược tâm trạng người nghe dẫn tới hình ảnh đôi lứa quá xúc động vì nhung nhớ khi gặp mặt chỉ còn biết mắt đối mắt; kẻ ngây ngô nhìn, người thẹn thùng e lệ không biết mở miệng ra sao vì quá cảm động. Với lối nhìn như thế, khi đôi lứa yêu nhau, ai không cảm thấy "Ước sao ăn ở một nhà, ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương" nhưng thử hỏi đã một ai dám nói lên ước muốn này? Ca Dao của thuở ban đầu trai gái chưa quen hoặc mới quen trình bày những tâm tình tán tỉnh qua cách mượn cảnh vật hay dùng cảnh vật làm đề tài dẫn tới ý muốn làm quen quá tinh vi, ý nhị và sâu đậm, khó bày tỏ thành lời mà có chăng chỉ bằng chữ viết hoặc bạo dạn lắm mới dám mượn câu Ca Dao đọc lên để phát biểu lòng mình. Nếu đưa ra một so sánh, mặc dầu phần nhiều những câu Ca Dao được đặt nơi miệng người trai nhưng sôi động hơn lại là những câu nói lên tâm tình nữ giới.
Xét thái độ của trai gái trong khuôn mẫu lễ giáo, chắc chắn những câu Ca Dao tán tỉnh không thể được dùng ở trường hợp riêng tư mà có thể rằng những câu này đã được  xử dụng trong khung cảnh hai nhóm trai gái nơi môi trường làm việc cùng nhau chẳng hạn vào mùa gặt, mùa cấy, hò hát, đối đáp tìm niềm vui qua công việc nặng nhọc. Mượn phe cánh, một người cất lên câu tán thách đố rồi cả hai phe nam, nữ chia nhau đấu qua, nói lại. Dĩ nhiên, tuy là chuyện đùa vui nhưng tâm tình vẫn chan chứa những ý tứ đậm đà dùng Ca Dao để bày tỏ đồng thời đó cũng là cơ hội cho trai gái chọn lựa hay tìm kiếm người yêu.
Tâm lý chung, khi tới thời điểm biết rung cảm, ai cũng mong; "Vì dây thiên lý ngang trời, sẽ cho tài tử gặp người giai nhân;" hoặc ít ra xứng đôi vừa lứa hay "Nồi nào úp vung nấy." Chén tình bắt nguồn từ ước muốn này. Ca Dao tình tự xét theo diễn tiến tình cảm lứa đôi dùng những câu bộc lộ tâm tư trai gái bằng những lời tán tỉnh trực tiếp, nếu đặt trên môi miệng một cách tự nhiên có vẻ hơi sỗ sàng và mạnh bạo. Có điều vì Ca Dao thuộc loại văn chương truyền miệng nên khá phổ thông do đó khi một người dùng Ca Dao để tỏ tình, người nghe phần nào nhận ra đặc thái của câu nói nên dễ dàng chấp nhận ý tưởng người nói muốn gửi tới mà châm chước cho tính chất sỗ sàng mạnh bạo của câu nói. Ca Dao tỏ tình được khởi xướng bằng một bối cảnh hoặc sự vật nào đó để rồi chọn một tính chất của bối cảnh hay sự vật gáp ép nói lên trực tiếp hoặc gián tiếp tâm tình để ý hoặc muốn làm quen của mình với đối tượng: "Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa, sao cô mình lơ lững mà chưa lấy chồng." Nếu nàng chưa lấy chồng vì chưa có ai dám bén mảng tới hay vì còn đang kén chọn mà chưa gặp được người theo ước mơ thì đã có anh đây xin đầu quân làm bạn. Trường hợp bối rối quá bởi khó kiếm lý do tìm hiểu về người con gái mình muốn làm quen nhưng lại e nàng đã có chồng, Ca Dao đưa ra câu nói thẳng và thật: "Ngó lên mây bạc trời hồng, thương em hỏi thiệt có chồng hay chưa?" Hay "Hỡi cô mặc chiếc yếm hồng, đi về chợ huyện có chồng hay chưa." Lắm lúc còn táo bạo hơn đến độ giả như đơn sơ quê mùa: "Cô kia cắt cỏ một mình, cho anh cắt với chung tình làm đôi; cô còn cắt nữa hay thôi, cho anh cắt với làm đôi vợ chồng;" hoặc chưa biết nàng thế nào, nên mượn hoàn cảnh độc thân của mình để bày tỏ cảm tình: "Anh còn son em cũng còn son, ước gì ta được làm con một nhà." Lẽ đương nhiên nếu nàng ưng chịu thì sẽ đáp trả bằng một vài câu đò đưa gợi ý. Tuy nhiên, Ai tán gái dám nói lên ý nghĩ chê bai người đối diện? Ca Dao tán tỉnh lại có những câu chê bai thật cay cú khó có thể dùng; chẳng hạn: "Cau già quá lứa bán buôn, em già quá lứa có buồn không em?" Bạo dạn tới mức độ trân trối thì cũng chỉ dám thổ lộ: "Bao giờ cho gạo bén sàng, cho trăng bén gió, cho nàng bén anh!" Còn bình thường chỉ dám khen tặng một cách ai oán gợi lòng để ý của nàng: "Hỡi cô má đỏ xinh xinh, sao cô hờ hững vô tình thế kia?" Ca Dao tỏ tình nghe thấm thía nhưng không dễ chi xử dụng.
Ngoài lối nói thẳng thắn trực diện, Ca Dao tỏ tình có những câu rất khó áp dụng: "Trên đầu em đội khăn vuông, trông xuống dưới ngực, cau buồng còn non. Cổ em vừa trắng vừa tròn, mặt mũi vuông vắn chồng con thế nào." Có lúc táo bạo đến nỗi khiến người nghe tưởng như đôi bên đã quá quen biết và ưng ý chỉ còn chờ một trong hai người mở lời đề nghị chung sống: "Cô kia cắt cỏ bên sông, có muốn lấy chồng thì hãy sang đây. Sang đây anh nắm cổ tay, anh hỏi câu nầy, có lấy anh không?" Dù chưa quen biết nhưng tảng lờ như đã thân thiết để dùng câu nói táo bạo khích nàng đáp lại là đã quá sỗ sàng; đàng này, không cần hiểu nàng nghĩ gì hoặc có cảm tình với mình hay không mà nhất quyết cho rằng nàng nên thương mình mới chứng tỏ rõ tính chất lỳ của chàng trai si tình: "Chim liễu nó biểu chim quỳnh, biểu to biểu nhỏ, biểu mình thương tui;" hoặc: "Ai xinh thì mặc ai xinh, ông tơ đã quyết xe mình với ta." Hơn nữa, tính chất ngổ ngáo quyết đoán lật tẩy người đối diện bắt ép nàng mở lời đáp lại, nếu từ chối hoặc lặng thinh chấp nhận càng nói lên sự quá quắt của Ca Dao: "Tiếng đồn cặp mắt em lanh, ai ai không ngó, cứ anh em nhìn." Trường hợp nàng im lặng chấp nhận tất nhiên đèn xanh đã bật, nhưng gặp cảnh bên tám lạng đàng nửa cân, Ca Dao bồi thêm: "Ăn chanh ngồi gốc cây chanh, khuyên cội, khuyên cành, khuyên lá khuyên lung. Khuyên cho đấy vợ đây chồng, đấy bế con gái đây bồng con trai." Tấn công theo kiểu "Cả vú lấp miệng em" như thế mà còn gặp cơ cao hơn, có lẽ chỉ có nước: "Dây tơ hồng không trồng mà mọc, thấy em chưa chồng anh chọc anh chơi," bởi anh thương thân phận "Tròng trành như nón không quai, như thuyền không lái như ai không chồng." Ca Dao còn tiến xa hơn trong sự ngổ ngáo của lứa tuổi thanh xuân nơi bối cảnh có thể không bao giờ xảy ra: "Cô kia áo trắng lòa lòa, lại đây đập đất trồng cà với anh. Bao giờ cà chín cà xanh, anh cho một quả để dành mớm con." Hoặc bạo hơn nữa cho tuổi sồn sồn "Cô kia khăn trắng tang ai? Nhất tang cha mẹ thứ hai tang chồng. Tang chồng thì vứt khăn đi, tang cha tang mẹ ta thì tang chung." Và rồi, không còn cách nào lỳ hơn: "Cổ tay em trắng lại tròn, để cho ai gối đã mòn một bên. Gối chăn gối chiếu không êm, gối lụa không mềm bằng gối tay em." Lẽ tất nhiên, trong việc tán gái, nhất lý nhì lỳ: "Gió thu thổi ngọn phù dung, dạ nàng là sắt anh nung cũng mềm."
Mượn cảnh làm môi giới thổ lộ tâm tình là ngón nghề của thơ văn. Ca Dao dùng cảnh gợi lời than thở khiến kẻ nghe dễ bị mềm lòng thương hại: "Đường xa thì thật đường xa, mượn mình làm mối cho ta một người. Một người mười tám đôi mươi, một người vừa đẹp vừa tươi như mình." Khen nàng đẹp, tươi cũng giống như "Kính lão đắc thọ, cho lão vào rọ;" vì phái nữ thường bị lừa bởi những lời khen và dễ bị cảm động với những than thở nhất là nguyên nhân của những lời than thở này do bởi chính nàng: "Hỡi cô gánh nước quang mây, cho tôi một gáo tưới cây ngô đồng; cây ngô đồng cành cao cành thấp, ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang. Từ ngày anh gặp mặt nàng, lòng càng ngơ ngẩn dạ càng ngẩn ngơ;" hoặc "Vì cam cho quít đèo bòng, vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương." Vì em đẹp nên anh nhớ anh thương, các nàng còn có thể bỏ qua, nhưng nếu vì thương em mà anh phải chịu khổ cực vẫn không được đoái hoài; cho dù các nàng không để ý cũng phải xuýt xoa thương hại: "Tiếc công anh vạch lỗ chun rào, thăm không đặng bậu, hàng rào nó cào trầy lưng." Tán gái mà kể lại chuyện phải vạch lỗ chun rào thì cũng tội lắm thay, nếu không bị cha mẹ đôi bên cấm đoán thì cũng đã lậm nhau quá mức nên các nàng dẫu có sắt đá đến đâu đều nhận thấy đã gặp được người thật tình thương mình, "Vì tình anh phải đi đêm, vấp năm bảy cái vẫn êm hơn giường;" nhất là vì gặp một vài cản trở hoặc còn đang vụng trộm không muốn cho ai biết "Vì chuôm cho cá bén đăng, vì tình nên phải đi trăng về mờ."
Một đặc tính chung của sự tán gái là "bẻm mép," tuy nói hươu nói vượn nhưng đượm ân tình. Hình như các nàng thích nghe, nếu xét theo tâm lý của những kẻ muốn được tán tỉnh, ca tụng. Bởi ai không thích được người khác để ý; ai không cảm thấy sung sướng được khen thế nên càng muốn nghe những lời tán tỉnh, càng thích người khác bẻm mép... và dù cho tin theo hay không vẫn cứ muốn nghe: "Bữa ăn có cá cùng canh, làm sao mát dạ bằng anh thấy nàng." Khen bộ tóc nàng đẹp cho dù nó như búi bòng bong trông phát gớm, các nàng vẫn tin; khen cặp mắt mơ huyền dù nó mờ, các nàng chẳng nghi ngờ... và cho dẫu đến đôi guốc, cặp bông tai... dù láo lếu đến đâu, cứ trơn miệng mà khen, nàng sẽ cho chàng là người ăn nói có duyên bậc nhất: "Áo đen, ai nhuộm cho mình, cho duyên mình thắm, cho tình anh say." Chẳng những thế, nhiều khi nói nhảm các nàng cũng tin; có lẽ tin bởi thấy mình được để ý, "Hồi hôm xuống hỏi ông thầy, sáng ra xuống đám ruộng này gặp em." Tính chất bẻm mép lồng thêm sắc thái ân tình mặn mà của người nói cho nên chẳng lạ gì các nàng dễ tin; và bởi dễ tin, tình càng sâu đậm: "Em về anh mượn khăn tay, gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên." Và khi tình đã ngự trị con tim mơ mộng, nó khiến nàng dễ chấp nhận: "Xa xôi em chớ ngại ngùng, xa người xa tiếng nhưng lòng không xa." Tính chất bẻm mép này nhiều khi được phô diễn bằng những luận điệu năn nỉ, tả oán xin chút lòng thương hại: "Công anh đi xuống đi lên, mòn đường chết cỏ bậu nên nghĩ tình," hoặc khi có chuyện nhăng cuội xảy ra muốn chạy tội hay chưa biết lòng nàng đối với mình nên nghi ngờ: "Đổ lửa than nên vàng lộn trấu, anh mảng thương thầm chưa thấu dạ em."
Có lẽ tác giả câu ca dao "Chẳng chua cũng thể là chanh, chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây. Muốn cho có đấy cùng đây, sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng!" rất rành về quan niệm "Muốn gầy dựng nghiệp lớn phải có vợ" nên đã đặt vào miệng chàng trai mộng hợp tác xây dựng nghiệp cả này. Không ai lạ gì, mộng mơ một tương lai cao vời nàng nào không ham... Xét  như vậy, một điều chắc chắn người xưa đã rất rành tâm lý khi để lại Ca Dao. Thử hỏi, nếu không rành tâm lý làm sao có thể biết được các nàng thích nghe phỉnh nịnh với những câu nói không ai có thể tin được; chẳng hạn: "Sao sa sa xuống vườn hoa, thương em từ thuở mới ra chào đời," hoặc "Sao tua chín cái nằm kề, thương em từ thuở mẹ về với cha." Thế mà chẳng những các nàng đã có thể tin lại còn thấy thích được nghe nữa. Tính chất thích được phỉnh nịnh này lắm lúc che mờ sự nhận xét của phái nữ: "Thấy em má đỏ xinh xinh, anh về tối ngủ giật mình cả đêm." Đâu có phải chỉ một mình nàng có má đỏ xinh xinh; có lẽ anh chàng không bao giờ có thể ngủ được vì những cơn giật mình liên miên nối tiếp bởi gặp quá nhiều má đỏ xinh xinh trong cuộc đời. Ngược lại, không tán bạo mà nhát gái chỉ còn nước áp dụng câu: "Ngày xưa ông lấy vợ cho bố thì bây giờ bố phải lấy vợ cho tôi."
Mặc dầu Ca Dao đặt vào miệng phái nam nhiều câu tán tỉnh hơn phái nữ nhưng những câu nói về phái nữ tán các chàng trai quả độc địa gấp mấy lần nếu nhìn theo khía cạnh đối đáp trong vòng lễ giáo. Hơn nữa, sống theo quan niệm "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" phái nữ không thể trờm hơm giống phái nam do đó các nàng rất sợ bị lừa bởi nếu chuyện không nên xảy ra, chính các nàng mang hậu quả không thể vứt bỏ cho ai. Từ những nguyên nhân đó, Ca Dao nói lên tâm lý các nàng khi lỡ thương ai: "Có thương thì thương cho chắc, còn trục trặc thì trục trặc cho luôn. Đừng như con thỏ đầu truông, khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng." Giả sử được hỏi về ước muốn có một người chồng như thế nào và trong trường hợp có thể nói thật, nói thẳng, Ca Dao đưa lên điểm nồng cốt của ước muốn nơi nữ giới: không phải đẹp trai, giầu có, oai quyền v.v... nhưng, "Người ta thích lấy nhiều chồng, tôi đây chỉ thích một ông thật bền. Thật bền như tượng đồng đen, trăm năm quyết với cùng em một lòng." Ước muốn chung là như vậy nhưng nào ai lạ chi bản năng dễ tin của phụ nữ: "Chuông già đồng điếu chuông kêu, anh già lời nói làm em xiêu lòng." Khi nàng đã kết ai người đó sẽ được nàng ngưỡng mộ hơn hết: "Bắc thang lên hái hoa vàng, vì ai cho thiếp biết chàng từ đây!" Hơn nữa, vốn bản chất thụ động lại sống nơi xã hội đàn ông nắm quyền làm chủ và đàn bà lo sống tròn đạo Tam Tòng thật khó cho các nàng mở miệng, "Thấy anh như thấy mặt trời, chói chan khó ngó, trao lời khó trao." Thế nên một khi phụ nữ đã phải lòng chàng trai nào, nàng kiên trì chờ đợi vì khó có thể thương hoặc chấp nhận được người khác: "Đứng đây quyết đợi một thì, đợi chàng tất phải có khi gặp chàng."
Xét theo thực chất tâm lý, con người là cả một thế giới chứa đựng muôn ngàn sự đối nghịch. Người hiền thì hay cục; kẻ hay nóng giận lại tốt bụng; cá tính ăn nói ngọt ngào thường mang sẵn những mưu mô... Phái nữ khi ở vị thế thụ động trong những trường hợp nam giới tán tỉnh thì các nàng ngoan hiền, nhỏ nhẹ; ngược lại, khi nữ giới nắm vai chủ động tán ngược, các chàng trai nếu trả lời sẽ mắc họng nên chỉ còn nước bỏ cuộc chạy thoát nước bí. "Hỡi người quần lãnh áo lương, mù soa lau mặt có thương tôi nào." Đâu phải vô cớ mà "quần lãnh áo lương, mù soa lau mặt" được nói đến trong câu ca dao. Chắc chắn câu ca dao này được nói lên khi các nàng đang làm lụng nơi đồng ruộng bùn lầy dưới trời nắng đối nghịch với chàng trai ăn vận bảnh bao đi ngang qua với "mù soa lau mặt". Chàng trai nào khi gặp các nàng không muốn tỏ ra hào hoa phong nhã, nhưng trả lời mang nghĩa thương chắc chắn phải lội xuống bùn, nếu không cũng bị các nàng vơ lấy cho lấm quần áo đành chấp nhận tam thập lục kế ngậm miệng bước cho mau. Đàng khác, lối nói kèm theo điều kiện được Ca Dao đặt vào miệng nàng thiếu nữ khiến người đối đáp khó kiếm cách trả lời: "Phải chi sông Cái có cầu, em qua hầu hạ mẹ già thay anh." Chiếc cầu hôn nhân đã không có thì anh đừng hòng xớ rớ; một lối tán nghe như sự thách đố không thể giải đáp nhưng lại hàm chứa ẩn ý thăm dò. Chàng nào không thông minh đủ để hiểu chỉ có nước chấp nhận im lặng bỏ mất cơ hội. Điều khó cho nam giới là không biết các nàng muốn hoặc không muốn gì bởi nhiều khi điều các nàng thích lại cứ chối bai bải: "Đêm qua trời sáng trăng rằm, anh đi qua cửa, em nằm không yên. Mê anh chẳng phải mê tiền." Nào ai lạ gì câu "Trai tài gái sắc;" chữ tài mang cả hai nghĩa do đó tài là điều kiện anh phải có nhưng đồng thời mê anh vì tính nết, lời ăn tiếng nói, tư cách con người. Một đặc tính khác nơi những câu ve trai là dồn đối phương vào nước bí qua câu hỏi chặn họng: "Anh về hỏi mẹ cùng thầy, có cho làm rể bên này hay không?" Hôn nhân là chuyện của hai gia đình; anh không có quyền quyết đoán làm sao có thể trả lời! Hoặc "Anh đà có vợ con chưa? Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào. Mẹ già anh ở nơi nao? Để em tìm vào hầu hạ thay anh." Hỏi về mẹ chàng để tìm vào hầu hạ thì đó là chuyện chẳng thể nào có thể xảy ra trong vòng lễ giáo ngày xưa; gái trai cần mối mai, cưới hỏi cho đủ lễ mới về làm dâu. Thế nên không lẽ chỉ vì vài lời ngọt ngào của đối tượng mà chối bỏ cả phong tục lễ giáo! Suy ra các nàng tán trai còn cay độc, bỡn cợt hơn các chàng rất nhiều.
Dù cho những câu Ca Dao đặt vào miệng các cô tán tỉnh ngọt ngào hoặc ngổ ngáo đến đâu thì cũng vẫn mang ý tứ bắt chẹt người trai. Chẳng hạn: "Anh kia đi ô cánh dơi, để em cuốc cỏ mồ hôi ướt đầm. Có phải đạo vợ nghĩa chồng, thì mang ô xuống cánh đồng mà che." Đúng là muốn che cũng không được mà muốn đáp cũng chẳng xong. Hay, "Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại em than vài lời. Đi đâu vội mấy anh ơi, công việc đã có chị tôi ở nhà." Anh đã có chị tôi ở nhà lo liệu công việc thì có đứng lại cũng bằng thừa... Còn gì ân nghĩa khi vừa chào dơi đứng lại đã đuổi về với vợ (dù có hay không). Ngược lại, khi các nàng đã cố tình tỏ lời gán ép thì chàng cũng chỉ có nước cắm cúi mà đi vì lời nói mang điệu đong đưa nhưng lại báo cho khách đa tình biết rằng hoa đã có chủ: "Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại em than vài lời. Đi đâu vội mấy anh ơi, cái quần cái áo như người nhà ta. Cái ô em để trong nhà, khen ai mở khóa đưa ra cho chàng." Như vậy, nếu không ai mở khóa thì chàng là kẻ trộm... Kể ra, Ca Dao biến các nàng trở thành đanh đá khó bề xâm phạm. Được một hai câu coi bộ nhẹ nhàng mở rộng ý tứ hơn thì cũng ru chàng trai vào thế khó ăn khó nói chẳng kém gì: "Muốn cho sông cạn đò đầy, muốn anh chung mẹ chung thầy với em." Sông cạn cũng như đò đầy, anh hết đường tiến thoái để rồi chung mẹ chung thầy với em thì anh phải chấp nhận cảnh "Con rể ở nhà bố mẹ vợ như chó rúc gầm chạn," vô phương ăn nói. Hoặc "Thân em như củ ấu gai, ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen. Ai ơi nếm thử mà xem, nếm rồi mới biết rằng em ngọt bùi." Chắc có lẽ cô nàng xấu lắm không ai muốn tán hoặc quá "đanh đá cá cành" ai cũng phải e dè. Thêm nữa, cái bẫy "nếm thử mà xem" nói lên muôn ngàn nghi ngờ do đó dù chàng to gan lớn mật đến đâu chăng nữa chắc chi đã dám nhào vô. Không hiểu con dơi có ý nghĩa gì trong Ca Dao mà lại có câu: "Ước gì em hóa ra dơi, bay đi bay lại tới nơi anh nằm." Cuối cùng, thử xét trường hợp: "Anh như chỉ thắm thêu cờ, em như rau má mọc bờ giếng khơi. Nếu anh mà chửa có nơi, em xin vượt biển, qua vời theo anh." Thân phận em thấp hèn như rau má nơi đâu cũng có; anh lại cao sang danh vọng trước muôn người, nhưng đừng tưởng rằng cứ thấy sang em đã bằng lòng làm bé... bởi em chỉ muốn một vợ một chồng: "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, chồng một thì lấy chồng chung thì đừng."