SỐNG LIÊN ĐỚI

     ói đến cuộc sống, không thể nào không nói đến sự liên hệ với những người chung quanh vì không ai có thể sống một mình riêng biệt. Không ai có thể tự tạo tất cả những như cầu cần thiết cho chính mình mà người việc nọ, kẻ việc kia. Bởi thế, sự liên đới giữa con người với con người có thể nói gắn liền với chính cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người có riêng lối sống, cách ăn nói, và liên hệ cũng như kinh nghiệm khác nhau; Tục Ngữ, Ca Dao nói lên sống thế nào chứ không phải "làm điều gì" đối với những người chung quanh, với anh em họ hàng thân thuộc... với lối sống cận nhân tình trong sự liên hệ của người Việt.
Nếu nói về bản chất của sự liên hệ, có những mối liên hệ tự nhiên như những người trong cùng một giòng tộc với nhau. Sự liên hệ này không phải tự mình muốn mà được hoặc mình không muốn là không có mà vì huyết thống, "Bà con vì tổ vì tiên không phải vì tiền vì gạo." Người Việt Nam rất trọng tình thân anh em giòng tộc vì tính chất thiêng liêng họ máu hoặc liên hệ họ máu. Hơn nữa, sự thân thiết họ hàng được coi là gần hay xa còn tùy lối đối xử liên hệ giữa anh em họ hàng với nhau. Tựu trung, sự liên hệ giữa anh em giòng họ là hơn hết: "Máu loãng còn hơn nước lã." Thế nên, dù có những chuyện xích mích, đụng độ đến đâu chăng nữa, người Việt Nam "Cắt dây bầu dây bí, chẳng ai cắt dây chị dây em." Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống không cho phép anh em họ hàng sống quần tụ như những nơi vùng quê, ruộng rẫy mà vì khả năng đòi hỏi hay sở thích hoặc tính chất mỗi người hợp với những kế sinh nhai khác nhau, họ phải kiếm nơi cư ngụ tách rời khỏi những người thân bằng quyến thuộc.
 Mặc dù sống một mình biệt lập giữa những người khác, với tính chất thích sống cộng đồng, hợp quần, trước lạ sau quen, người Việt vẫn dễ hội nhập vào xã hội mới quanh mình. Để nói lên sự cần thiết của đặc tính sống liên đới, chúng ta có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần." Qua sự liên hệ trong cuộc sống, láng giềng cần thiết và có thể thân mật với một gia đình như anh em họ hàng tùy lối đối xử giữa con người với nhau.
Sự liên đới của một người không phải chỉ tùy thuộc dòng máu, nơi ở mà còn tùy thuộc chính tính chất, nghề nghiệp của mình. Vì mình thế nào thì mình sẽ có bạn bè thế ấy; "Đi buôn có bạn, đi bán có phường." Ngoài giòng tộc, láng giềng, tất cả các sự liên hệ khác do nghề nghiệp hoặc sở thích hay cùng chung bối cảnh đều được coi chung là bạn bè. Về sự liên hệ giữa bạn bè, Ca Dao nói: "Bạn bè là nghĩa tương tri, sao cho sau trước một bề mới nên."
Người Việt Nam qua cung cách đối xử trong sự liên hệ lấy "Dĩ hòa vi quí" làm châm ngôn, nhưng lại rất khinh những kẻ coi mọi người như "Cá mè một lứa," không biết tôn ti trật tự. Sống hòa thuận, chung tình thân ái với giống nòi, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng," người Việt không những dễ góp niềm vui với cộng đồng mà còn chia sẻ nỗi buồn hoặc khó khăn với thân thuộc: "Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ." Chính tình thân ái này tạo nên lẽ công bằng cho cung cách giao tế: "Có đi có lại mới toại lòng nhau," hoặc "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại," hay "Ông có cái giò, bà thò chai rượu." Đôi khi vì hoàn cảnh, lý do nào đó gây khó khăn trong cung cách giao tế qua lại công bằng do đó cần sự cố gắng chịu đựng hay đóng góp, người Việt sẵn sàng chấp nhận theo lẽ "Nay người mai ta" và được khuyến khích bởi "Có ăn có chọi mới gọi là trâu." Sống chung với người, chung hưởng điều tốt lành nơi người khác thì cũng cần hy sinh xả kỷ đôi khi. Tuy nhiên, không phải bất cứ việc gì thấy nên hoặc đúng là đã vội làm không cần để ý đến người khác theo kiểu "Ngựa non háu đá;" mà cần phải biết "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng." Cuộc sống mình ảnh hưởng và bị ảnh hưởng, lệ thuộc vào tập thể, bởi thế nên hòa đồng với những người chung quanh, với nếp sống cũng như luân lý cộng đồng. Do đó, tùy cung cách đối xử giữa người này với người kia hoặc với tập thể mà người khác có thể nhận biết một phần nào tâm tình của một người, "Yêu nhau thời ném bã trầu, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra," hoặc "Yêu nhau cau bẩy bổ ba, ghét nhau cau bẩy bổ ra làm mười."
Tục Ngữ, Ca Dao mang nặng tính chất luân lý nên thường nói về tâm lý. Dùng tâm lý mà mọi người có thể kinh nghiệm để gieo vãi luân lý đó là đặc tính của Tục Ngữ, Ca Dao hầu mong cải thiện điều không nên và khuyến khích con người sao cho có lối sống cận nhân tình hơn chẳng hạn: "Chửa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ." Chữ đánh mang nghĩa đối xử của một người vì dầu thắng hay thua trong cuộc tranh chấp, ai cũng đều thấy mình bị tổn thương. Do đó đôi khi có những câu tục ngữ có vẻ cay cú đồng thời nhắc nhở con người nhận chân giá trị mình thay vì nhập cuộc tranh chấp hơn thua, "Tránh voi không hổ mặt người," hoặc "Tránh voi chẳng xấu mặt nào." Voi dầu to xác nhưng chỉ là thứ con vật. Đã là người mang giá trị con người với sự không ngoan và lý trí, không ai đánh đô vật với voi mà chỉ huấn luyện voi.
Trong cuộc sống, qua mối liên hệ và cung cách đối xử, mọi người kinh nghiệm không ai giống ai. Hơn nữa, có người nọ lại cũng có người kia; cuộc đời lẫn lộn người tốt kẻ xấu sống chung. Đồng thời những va chạm xảy ra đều có nguyên nhân, không gì tự trời rơi xuống "Bụt trên tòa gà nào mổ mắt." Bởi vậy "Hễ muốn ra con người tử tế, phải dễ dàng chớ để ai hờn. Làm ơn ắt hẳn nên ơn, trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ." Dĩ nhiên, "Trồng cây mận ăn trái mận, trồng cây sung ăn trái sung." Những ai "Gieo gió sẽ gặt bão." Cách đối xử giữa người với người cho thêm kinh nghiệm "Dễ người, người dễ ta." Và kinh nghiệm sống này còn đi xa hơn trong sự liên hệ giữa người với người, "Đánh chó ngó chủ," hoặc "Vị thần mà nể cây đa, cả như cây táo chém cha đời nào," hay "Ở cho phải phải phân phân, cây đa cậy thần thần cậy cây đa." Sự khôn ngoan có tính cách luân lý trong Ca Dao, Tục Ngữ thoạt mới nghe có vẻ chỉ khuyến khích con người chấp nhận thua thiệt, nhưng nếu dành một chút suy tư đặt vấn đề tại sao có những lời khuyến khích này, người ta sẽ nhận ra chân giá trị của "Dĩ hòa vi quí" nơi tâm tình cận nhân tình người Việt: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy." "Ở cho phải phải phân phân" không có đâu là biên giới, không cách nào có thể diễn tả đúng hơn tấm lòng cận nhân tình bằng câu này vì mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp liên hệ, cách đối xử đều không giống nhau; không thể có một mẫu mực cứng ngắc nào. Sống sao cho hòa hợp, sao cho có người nọ, người kia vì "Dại bầy hơn khôn lỏi" hoặc "Xấu đều hơn tốt lỏi."