MỖI NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT THI NHÂN

     ói về người Việt mà không nhận biết đặc tính mẫn cảm của họ là cả một sự thiếu sót. Dân Việt sống theo tình cảm hơn là lý trí bởi thế, "Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng" là lẽ thường. Sống theo tình cảm nên những lý luận phán đoán bị tùy thuộc vào sự ưa hay không ưa nơi tâm tình của mình đối với sự việc hoặc với người khác. Cũng cùng một vấn đề xảy đến nơi một người nào, có thể nói, nếu mình ưa người đó, chuyện dở được cho là thường mà khi không ưa, chuyện hay có thể là đầu mối cho mọi sự chỉ trích. Chính lúc này, đặc tính mẫn cảm chen vào để vẽ vời, tô điểm, thêm góc cạnh cho câu chuyện lớn hơn theo sự phỏng đoán dựa trên tầm hiểu biết và kinh nghiệm liên hệ cá nhân. Vì thế, cũng chẳng lạ gì, một khi đã không ưa ai, tất nhiên, chuyện vạch lá tìm sâu là lẽ khó tránh mặc dầu điều này xét ra thật bất công cho họ.
Đặc tính mẫn cảm kèm theo sự phán đoán dựa trên tình cảm không phải chỉ thường ảnh hưởng sai lạc nhận xét cá nhân mà ngược lại chính vì sự ảnh hưởng thiên vị này nơi lối nhìn tùy theo tình cảm về một người, tạo cho người đó khả năng sống cần biết suy trước nghĩ sau sao cho hợp tình hợp lý tránh những hiểu lầm nếu có tạo thành từ những quan điểm một chiều, chủ quan, không cần biết đến ai. Kinh nghiệm cho biết "không ai là một hòn đảo" mà lối sống một người bị ảnh hưởng liên đới tới những người chung quanh. Những ai liều lĩnh chạy theo thị hiếu hèn kém riêng, không cần biết đến dư luận đa số là những người chẳng ra gì và lại cũng thường là những người cô độc. Bởi sống cô độc đau khổ hơn bất cứ điều kiện thực tại nào do đó để được chấp nhận và cảm thông, cá nhân tự chấp nhận biến đổi và bị ảnh hưởng theo phần nào của dư luận và tâm lý những người chung quanh.
Người sống bất cần dư luận tự nhiên đã tách rời mình với người khác; chẳng hạn một người ăn mặc hở hang khêu gợi, diêm dúa tham dự một đại hội trang trọng chắc chắn trông rất lố bịch gây bất thiện cảm nơi mọi người. Bất cần dư luận có thể mình không cần biết đến ai, tự cô lập chính mình hoặc vì không cần biết người khác nghĩ gì khiến không ai muốn tới gần hoặc giao dịch. Đặc tính mẫn cảm giúp cá nhân sống hòa hợp với những người chung quanh mặc dầu đôi khi có thể sinh ra lệ thuộc dư luận hoặc sợ người khác hiều lầm. Đặc tính mẫn cảm cũng giúp con người nhạy cảm với thiên nhiên, sự việc hay tư tưởng, hoặc những trạng thái tình cảm hỉ, nộ, ai, bi, ái, ố... Những tình tiết của sự việc hoặc truyện gợi nơi tâm hồn người mẫn cảm sự cảm thông hòa nhịp, tự đặt mình vào trường hợp nhân vật liên hệ đến sự việc rồi cảm ứng sinh tình coi như sự việc đang xảy ra nơi chính mình.
Tháng ngày dần trôi, kinh nghiệm càng nhiều càng tạo nơi con người khả năng sáng tạo ở mức độ cao hơn. Khả năng sáng tạo cũng là kết quả do nhận xét một sự việc qua nhiều khía cạnh khác biệt, tìm hiểu sao có thể kiếm được cơ hội đem lại lợi ích cho cuộc đời mình. Thật ra khả năng này chỉ có thể có được khi có cái nhìn tổng quát hỗ trợ bởi kinh nghiệm để rồi đặc  tính mẫn cảm phụ họa cho óc suy tư nhận thức tìm tòi những khía cạnh mới của một vấn đề hay sự việc. Chính khả năng sáng tạo là cội nguồn cho thi văn vì thi văn được bộc phát do cảm hứng của con người với sự việc, tâm tư, hay hoàn cảnh.
Xét như thế, câu "Mỗi người Việt là một thi nhân" không có gì quá đáng. Hòa mình vào cuộc sống, chấp nhận, nổi trôi với dòng đời để rồi tức cảnh sinh tình đó là đặc tính thi nhân. Đem tâm tình mình thổ lộ qua những lời văn có vần và điệu tất phải là thi sĩ. Hơn nữa nhờ đặc tính mẫn cảm, tâm tình mình được bày tỏ qua ngôn từ khiến người khác cảm nhận được; đó là thi văn.
Tiếng Việt, nếu nhìn theo khía cạnh ngôn ngữ, ngay từ trước thời giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ, người đã có công dùng mẫu tự La Tinh ráp nối theo âm thanh, thêm dấu để khai sinh Việt ngữ, các giáo sĩ Tây Phương đã diễn tả người Việt mình nói như chim hót. Bây giờ, người Tây Phương khi nghe hai người Việt nói chuyện tưởng mình đang hát đối...; âm thanh tiếng nói Việt Ngữ đã tự mang tính chính chất trầm bổng của cung nhạc, âm điệu của thơ. Hơn nữa, Ca Dao, Tục Ngữ, Vè, v.v...  rất được phổ thông trong dân gian ngoài tính chất giáo dục về luân lý hay tâm lý, Ca Dao, Tục Ngữ v.v... được viết xếp đặt ngôn từ cho có vần điệu hoặc thành thơ để cho dễ nhớ. Nghe quen hay thuộc lòng phần nào Ca Dao, Tục Ngữ, người Việt một cách vô tình đã được làm quen với âm điệu thơ. Những âm điệu này trở thành khuôn mẫu căn bản cho thơ mặc dầu một người thuộc Ca Dao, Tục Ngữ chưa để ý hoặc không biết luật thơ nhưng vì quen âm điệu thơ, lối nói cũng được ảnh hưởng nên ráp khuôn theo vần điệu.
Nhìn một cách tổng quát, cá tính mẫn cảm giúp người Việt dễ có cảm ứng với thực tại hay tâm tư để hòa tâm hồn sống hiện thực. Tính chất sáng tạo giúp người Việt có cái nhìn sự việc theo nhiều chiều khác biệt, cộng thêm khuôn mẫu âm điệu Ca Dao, Tục Ngữ, Vè, v.v... tạo thành tính chất thi sĩ nơi tâm hồn. Nói theo khía cạnh này, dân tộc Việt, có thể nói, là một dân tộc thi sĩ. Hơn nữa, dù là "thơ con cóc" cũng vẫn là thơ. Tính chất thi nhân giúp người Việt sống hiện thực, hòa đồng, và cận nhân tình hơn.
Thật ra, biết bao nhiêu người Việt làm thơ và biết bao nhiêu sáng tác nơi người Việt đã không được ai biết đến hoặc vì không được phổ biến hoặc vì mặc cảm nghĩ rằng thơ mình không có giá trị nếu đem so sánh với những vần thơ đã được phổ biến hay in trong sách vở. Trung thực mà xét, tất nhiên không sáng tác nào có thể giống sáng tác nào cũng như không có cây nào giống cây nào trong muôn vàn loại cây. Mỗi cây có nét đẹp riêng của nó và chỉ được một số người ưa thích tùy theo kiểu nhìn tưởng tượng hoặc tâm tình riêng tư của mình. Thơ cũng vậy, cùng một bài thơ, người thích, kẻ chê là chuyện bình thường. Thử hỏi rằng những nhạc sĩ, văn sĩ nổi tiếng phải bao nhiêu năm mới được người khác biết đến tên? Một bản nhạc được ca tụng là hay, ý nhị thế bao nhiêu năm sau khi viết mới được thịnh hành và khen ngợi. Những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nào đã lận đận, năn nỉ những tòa báo, nhà in đăng hay phát hành thơ văn hoặc ca sĩ hát nhạc của mình. Giá đầu tiên phải trả quá mắc mỏ cho một thi nhân hay văn nhân đã làm nhụt nhuệ khí bao tác giả và cũng đã chận đứng bao tác phẩm chẳng bao giờ được biết tới để rồi rơi vào quên lãng... âu cũng bởi mình chận tiến mà ra.
Hơn nữa, đặc tính mẫn cảm như con dao hai lưỡi, một đàng giúp người viết có tính chất thi nhân, đàng khác cũng dễ bị mặc cảm để rồi tài năng thiên phú không có cơ hội phát triển. Điều này cũng nói lên một sản phẩm khác của đặc tính mẫn cảm là sự thiếu bền chí theo đuổi một mục đích bởi tính chất cảm thông và chấp nhận hòa nhịp với dòng đời. Dĩ nhiên, người bền chí phải chấp nhận lạnh lùng với những vấn đề ảnh hưởng bất lợi tới mục đích và công việc của mình; đôi khi với chính ý thích của mình, phương chi là những lời nói suông, phê bình không căn cớ hay có ý muốn lạm dụng, hoặc do bởi sự thiển cận của kẻ khác. Tâm hồn thi sĩ giúp người Việt nhạy cảm với cuộc đời, và vì tính chất nhạy cảm này nhiều khi chủ trương và mục đích mình muốn thực hiện bị ảnh hưởng đến độ chẳng bao giờ thực hiện được. Cuộc đời, ai thì cũng thế, cũng gặp phải những thăng trầm chẳng bao giờ muốn. Vấn đề còn lại chỉ là người nào "Có chí thì nên," và đồng thời cần biết mình muốn gì.
Yếu tố quan trọng cho nguồn cảm ứng của thi nhân là sự mở rộng tâm hồn đón nhận thực tại với bản chất hiện thực không để bất cứ kinh nghiệm hoặc điều kiện nào chi phối. Lẽ tất nhiên, mọi sự kiện đều có căn nguyên nhưng thường bị che lấp bởi điều kiện thực tại hoặc bị nhận thức qua nhiều chiều hướng khác biệt lệ thuộc quan điểm hay kinh nghiệm người tìm hiểu. Chẳng hạn, người mẹ thức đêm hôm chăm sóc con thơ bệnh hoạn, ai cũng chỉ nhận ra sự hy sinh vất vả lo lắng cho con mà thường không để ý nói lên động lực của sự hy sinh nơi bà mẹ là lòng thương mẫu tử. Hoặc nếu đưa một tờ giấy trắng trên đó có một chấm mực và hỏi tờ giấy có gì đặc biệt; ai ai cũng chỉ để ý nói lên chấm mực nhỏ mà quên phần lớn hơn là mầu trắng của tờ giấy. Thi nhân, với cái nhìn đơn sơ, nhận ra yếu tố căn bản cho nguyên nhân của sự kiện hay thực trạng không bị che đậy. Bởi thế, khả năng dùng mỹ từ, lời văn bóng bảy chỉ được khen mà ý nghĩa văn từ thi nhân dùng phô bày lại được cảm nhận. Chiêm ngưỡng thiên nhiên với cái nhìn đơn sơ để nhận ra nét uyển chuyển của thời tiết, mùa màng, sự bao la ngập tràn không gian và thời gian dẫn đến nhận thức con người giới hạn... đó là đặc tính của thi, văn nhân để nói lên thực trạng như chính nó và từ đó rút tỉa kinh nghiệm hoặc phương thức sống... thường được gọi là sáng kiến... ai cũng nhận ra... nhưng chỉ thi nhân dùng chữ nghĩa để lại. Phải chăng vì vậy người xưa có câu: "Thi thơ bất độc, tử tôn ngu?" Tất nhiên, không chấp nhận tìm hiểu, học hỏi thêm làm sao có căn bản khai sáng cho con cháu.
Một đặc tính của thi, văn nhân là tìm kiếm giá trị đích thực của những quan niệm sống đồng thời đưa lên những điều không nên, làm hại nhân phẩm cần từ bỏ. Không lạ gì, cuộc đời lắm bả phù vân làm mờ mắt con người như lợi, danh, tham, sân, si... Chỉ có thi, văn nhân là giới nhẹ nhàng bày tỏ và khuyến khích con người nhận thực những giá trị nhân bản không mang tính chất giáo điều, không ép buộc bất cứ ai... Có chăng trước cảnh đau lòng do kết quả của sự ganh đua phù phiếm, thi, văn nhân đưa ra những nét cười diễu cợt mong thức tỉnh lòng người... Từ những nhận thức về cuộc đời đem đối chiếu với lòng mình, thi, văn nhân dễ tìm ra bản chất thực con người để chấp nhận chính mình, bước tiến đầu tiên cho sự cảm thông với mọi người để rồi tìm phương thức thăng tiến cuộc đời. Nói cách khác, đây là hành trình của triết lý thực tiễn kiếm tìm những giá trị vĩnh hằng, lý tưởng cho con người sống vươn lên.
Triết là phân tích, tìm hiểu nguyên nhân đồng thời giãi bày những liên hệ của tư tưởng, quan niệm. Triết đối với người Đông Phương là lối sống, cách sống thể hiện tư tưởng, quan niệm... chứ không tách rời tư tưởng với cuộc sống. Xét như thế, thi nhân là triết gia về cảm ứng của con người đối với cuộc đời. Thi, văn, sản phẩm của thi, văn nhân nói lên mọi khía cạnh liên hệ giữa con người với chân, thiện, mỹ cũng như nỗi lòng, tâm tình tùy cảm ứng của tác giả. Thi văn gợi lại nơi lòng độc giả tâm tình sẵn có đối với sự việc được nêu lên. Sự kiện này xảy ra bởi độc giả đã phần nào có cùng tâm sự, kinh nghiệm, cảm ứng hoặc suy tư với tác giả do đó khi gặp cơ hội "đồng khí" tất nhiên "tương cầu." Thật ra, thi, văn nhân chỉ là người đem sự việc mình kinh nghiệm sắp xếp cho có thứ tự giãi bày bằng ngôn ngữ mời độc giả tìm lại nơi chính họ kinh nghiệm tương đồng đã trải qua. Thế nên, đặc tính thi nhân một mức độ nào đó có sẵn nơi độc giả, và thi nhân là người chuyên tâm phát triển đặc tính này qua sự thể hiện bằng ngòi bút. Là người Việt, ai không nhận ra đặc tính thi nhân sẵn có nơi mình?