TRẮC TRỞ

     hế mà đã có người hô lên "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở;" có lẽ họ đã không biết yêu là gì hoặc có chăng tình cảm được họ gọi "tình yêu" chỉ là sự bồng bột nhất thời để rồi có quyết định sai lầm sinh ra chán ngấy trong cuộc sống vợ chồng bởi con tim bị đặt lầm khuôn mẫu, hoặc đã quan niệm tình yêu chỉ là sự thỏa mãn rung động xác thịt cần sự thèm thuồng nuối tiếc nơi một thời quen biết giống như lòng ao ước được thưởng thức đến độ no thỏa món ăn ngon nào đó mới chỉ một lần được nếm. Yêu nhau mà không được sống chung cho vẹn tình vẹn nghĩa là điều bất hạnh nhất trong cuộc đời, một đoạn trường của lòng người và là sự ray rứt thao thức triền miên dày xéo con tim chẳng bao giờ nguôi. Dĩ nhiên, mỗi con tim có tần số riêng của nó và khi hai con tim cùng tần số lỡ quen biết để rồi phải cách xa, chúng vẫn ngoi ngóp hướng về nhau để mơ ước cùng nhịp đập tạo bản tình ca hạnh phúc. Bởi vậy, làm sao có hạnh phúc khi hai con tim đối nghịch hoặc mang những tính chất không thể hòa đồng bị nhốt vào cùng một lồng khuôn mẫu hôn nhân? Những con tim nào đã muôn đời khắc khoải mơ một hình bóng hoặc dậy lên niềm vui khó tả bất chợt gặp được chỉ một nét chấm phá hòa đồng vô tình nhận ra nơi cõi lòng nào đó. Thế nên hai con tim thực sự yêu nhau nếu bị rơi vào trường hợp trắc trở, nói cách khác, dang dở, luôn luôn gào thét nỗi xót xa tạo cuộc đời thành bãi tha ma chôn người sống mang nỗi lòng khắc khoải: "Đón ngăn đường tắt, tôi hỏi gắt chung tình, điểu xa mai, mai xa điểu, tôi xa mình tại ai?" hoặc "Đôi ta như ruộng năm sào, cách bờ ở giữa làm sao cho liền." Sự khắc khoải này do nhiều nguyên nhân khiến đôi uyên ương bị chia duyên rẽ kiếp: "Cách sông cách núi cho cam, cách bức rào nhỏ thiếp chàng xa nhau." Do đó, những khi con tim càng nhớ tới người tình, ký ức càng gợi lại những hình ảnh đau lòng: "Phải dè năm bão thả trôi, sống làm chi chẳng đặng kết đôi với mình. Dọn cơm chống đũa ngồi nhìn, mảng sầu người nghĩa thất tình quên ăn."
Một trong những nguyên nhân chia duyên rẽ kiếp do quan niệm "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" bởi nghĩ rằng điều gì tốt cho mình hoặc mình ham muốn là tốt cho con: "Đường đi những lách cùng lau, cha mẹ ham giàu ép uổng duyên con. Duyên sao cắc cớ hỡi duyên? Cầm gương gương tối, cầm vàng vàng phai." Hoặc bắt con cái phải theo ý mình vì cho rằng chỉ ý mình mới đúng: "Chim bay về núi Sơn trà, chồng Nam vợ Bắc, ai mà muốn xa. Sự này cũng tại mẹ cha, cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng." Dĩ nhiên cha mẹ nào không thương con nhưng sự giao hòa giữa hai con tim không phải là sự giao hòa của đôi cặp cha mẹ: "Chim thằng chài có ngày mắc bẫy, em cho hay rằng anh hãy lánh xa. Mẹ cha không thể chịu hòa, em đâu dám cãi vậy mà theo anh," hay "Hai ta là bạn thong dong, như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. Bởi chưng thày mẹ nói ngang, cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau." Thương yêu là sự chấp nhận chết phần nào nơi mình để theo ý người thương; do đó, đã biết bao nhiêu than oán vì kết quả của lòng cha mẹ thương con sai lầm để rồi vô tình đày con trong vòng đau xót bởi không đủ ý thức nhận định thực sự điều mình muốn cho con là nên hay không: "Dòng nước chảy xuôi con cá buôi (trôi?) lội ngược, dòng nước chảy ngược, ông nược (vượt?) rượt theo. Hai đứa ta chẳng quản giàu nghèo, ngặt vì cha mẹ cứ theo cựu truyền." Và như vậy, đã biết bao câu trả lời bị gò ép rập vào một khuôn: "Đôi ta như lúa đòng đòng, đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha." Trời nào thấu cho cảnh "Trái duyên trái kiếp như kèo đục vênh!" Có chăng, chỉ còn tiếng than thống khổ bị dồn nén ứ đọng tận đáy lòng cho dần mòn số kiếp được gọi chẳng may: "Chàng đành phụ mẫu không đành, lá che cây khuất, ngọn ngành trời ơi!" Phỏng ai muốn nghe lời ai oán này thế mà khối kẻ muốn hùa nhau tạo nên nó: "Một lần chờ, hai lần chờ, sớm lần nhớ, chớ lần thương, anh thương em nhưng bác mẹ họ hàng chẳng thương." Bởi thế, đôi con tim bị ru vào thế đứng ngã ba đường với cõi lòng dày xéo do dự: "Lưu ly nửa nước, nửa dầu, nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên;" hoặc "Một mình đứng giữa trung ương, bên tình bên nghĩa biết thương bên nào." Thương nhau không được bác mẹ bằng lòng còn chi ray rứt bằng: "Hột gạo trắng tinh, mù sương sa nó trổ. Em không nệ gì trời mưa, để cho anh đi kén đi lừa; cho đẹp ý mẹ, cho vừa lòng cha. Phận em đây sa sút sụt sa, mấy câu ân nghĩa em phân ra giữa này." Hơn nữa, con người sống trong môi trường nào thường đành chấp nhận theo môi trường đó hoặc bị ảnh hưởng bởi những quan niệm của người đồng thời đến độ thiếu hẳn ý thức sống: "Dầu mà gương bể bình rơi, thì em cũng vẫn nghe lời mẹ cha."
Trong những nguyên nhân trắc trở đi phụ theo ý cha mẹ quyết định duyên phận cho đôi lứa có thể là sự làm mai mối, một trong bốn sự dại: "Ở đời có bốn sự ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu;" hay "Bí đao non không ngon tại nấu, thiếp xa chàng tại xấu mai dong. Ngó vô cửa sổ năm song, thấy đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. Tại cha tại mẹ phía chàng, cho nên đũa ngọc chén vàng xa nhau." "Khéo miệng đỡ tay chân," tuy nhiên, khéo mai khéo mối cũng lầm nhân duyên; trong trường hợp mai mối ít lời hoặc vì lý do nào đó không khéo ăn khéo nói cũng phá hại nhân duyên: "Cây oằn vì bởi trái sai, anh xa em vì bởi ông mai ít lời." Hoặc "Xấu tre đóng chẳng đặng giường, xấu mai xấu mối người thương lỡ làng," hay "Xấu dao xắt chẳng mỏng gừng, xấu mai xấu mối lỡ chừng duyên ta." Mượn người làm mai, chẳng may gặp phải người có ý không tốt đẹp gì với mình hoặc có ý khác kèm theo đã chẳng có lợi mà lại còn mang hại cho đôi uyên ương: "Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh. Bây giờ anh mới rõ tình, tại bà mai ở độc, hai đứa mình xa nhau." Hơn nữa, chẳng may sinh ra trong cảnh nghèo túng nhiều khi cũng bị mang kèm theo số phận trắc trở tình yêu như sản phẩm của quan niệm môn đăng hộ đối, "Muốn theo anh về bển cho liền, sợ cha với mẹ nói con dâu không tiền con dâu hư." Dĩ nhiên, nào ai muốn nghèo, ai không muốn mát mặt mà nghèo lại bị coi là một cái tội của phận số gây chia lìa hai kẻ yêu nhau: "Chỉ tơ đứt mối thình lình, vì nghèo nên phải xa mình sanh phương," hoặc "Vắn tay với chẳng tới kèo, cha mẹ anh nghèo, cưới chẳng đặng em!" Nghèo nói đã chẳng ai nghe và cũng khó mượn người đi nói: "Anh lâm chữ nghèo ít kẻ vãng lai, lấy ai mà cậy làm mai nói nàng."
Nhiều khi cuộc sống lứa đôi được quan niệm tùy theo duyên phận nên sự lỡ làng của hai con tim có cùng nhịp đập bị cho là duyên số không định: "Đồng hồ liệt máy vì sợi dây thiều, anh xa em bởi sợi chỉ điều xe lơi." Hoặc "Ngọn gió đâm ngang nên chàng xa thiếp, duyên nợ tự trời, ai quyết xa ai?" Thế nên do ảnh hưởng điều kiện sống hoặc lý do nào đó, duyên phận được coi là đề tài gánh chịu sự lỡ làng đôi lứa: "Gió đẩy đưa phơ phất ngọn cờ, anh đây lỡ vận tại chờ duyên em. Làm thơ nước mắt nhỏ lem, tương tư sầu muộn vì em có chồng." Duyên số cũng được dùng làm lá bùa chịu trận trong trường hợp vì hoàn cảnh, áp lực gia đình phải kết hôn với người mình không thương, "Ruột nàng ai cắt mà đau, nơi thương không vấn, vấn vương nơi nào." Dư luận đồng thời cũng đóng vai trò ảnh hưởng quan trọng của sự kết hợp đôi lứa và nhiều khi gây ra tan tác: "Gió đẩy đưa rau dừa dịu dịu, anh thương nàng liệu điệu xuống lên. Gió đưa trăng cho muỗi mòng xao xuyến, anh xa nàng vì tiếng thị phi;" hoặc "Ngày sầu tơ, đêm lại sầu tình, anh trách ai dèm xiểm đôi đứa mình lôi thôi."

TÌNH LỠ

Dù thế nào chăng nữa, nguyên nhân chính gây nên sự trắc trở của đôi con tim tha thiết yêu nhau bắt nguồn bởi thiếu năng lực phấn đấu hoặc không dám chấp nhận đương đầu với những khó khăn tạo nên do điều kiện xã hội hay quan niệm nơi người đương thời để dành quyền sống hạnh phúc cho chính mình: "Cách sông cách núi cho cam, cách một chỗ lội thiếp chàng xa nhau." Bao nhiêu trường hợp ép duyên đã xảy ra, bao nhiêu tâm hồn ray rứt khắc khoải cam nhận sống cho qua đã chỉ biết than lên: "Ai phân nhiều nỗi đoạn trường, ai xui nên nỗi, nhiều đường rẽ phân;" hoặc "Ai làm cho đó xa đây, cho chim chèo bẽo xa cây măng vòi;" mà nào có ai đặt vấn đề về chính sự cố gắng của mình! Hai con tim lạc bến mơ thì cũng chỉ: "Anh như con nhạn bơ thờ, sớm ăn tối đậu cành tơ một mình. Em như con hạc trước đình, muốn bay không nhắc nổi mình mà bay." Cùng lắm, nếu có cơ hội đành giả lạnh mặt làm ngơ để rồi: "Ai về em gửi bức thư, hỏi người bạn cũ bây chừ nơi nao?" Bởi: "Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ, trên bầu trời rạng tỏ mây xanh. Từ ngày xa cách em, anh, đất trời còn đó ai đành phụ nhau." Nói rằng không phụ nhưng cuộc đời đã phụ chỉ còn mảnh lòng nhớ nhung: "Duyên kia ai đợi mà chờ, tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình." Hoặc "Đêm qua nguyệt lặn về tây, sự tình kẻ đấy người đây còn dài. Trúc với mai, mai về trúc nhớ, trúc trở về, mai nhớ trúc không? Bây giờ kẻ Bắc người Đông, kể sao chi xiết tấm lòng tương tư."
Tình nào mà không ngẩn ngơ tràn đầy nhung nhớ khi dang dở, "Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm;" dạ nào không biết xót xa cho người mình thương: "Ai làm cho bướm lìa hoa? Cho chim xanh nọ bay qua vườn hồng? Ai đi muôn dặm non sông, để ai chứa chất sầu đong vơi đầy?" Tuy nhiên, dù cho có nhung nhớ thì chuyện đã lỡ; lòng đành mang mối ngẩn ngơ: "Cây đa bậc cũ lỡ rồi, đò đưa bến khác bạn ngồi chờ ai." Thử hỏi vết thương lòng biết chừng nào mới nhạt phai, "Ngồi buồn tính đốt ngón tay, tính đi tính lại ngón này hơn trăm. Tính tháng rồi lại tính năm, tính tháng tháng đoạn, tính năm năm rồi. Đôi ta biết thuở nào nguôi?" Hơn nữa, thà xa xôi khuất mặt mà lòng nhung nhớ còn cơ dễ chịu đựng; nếu vẫn gần kề lại cả là một ải đoạn trường: "Cách bức chẳng được nói luôn, hỏi người bên ấy có buồn hay không?" Vả lại, người mình thương buồn hay không chẳng biết, nhưng khi nhìn lại thân phận mình vò võ với mối tình câm cũng cả là một hình thức đọa đày: "Có trầu có vỏ có vôi, có chăn cho chiếu không người nằm chung." Điều hiển nhiên, con tim nào sắt đá đến đâu thì cũng chỉ là con tim thịt; thế nên, khi đôi lứa tha thiết thương nhau nhưng bị trắc trở, mối sầu vẫn dằng dặc ở với cả hai: "Mình buồn tôi dễ chẳng buồn, cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay." Có gượng cho lắm cũng chỉ cho qua bổn phận đối với thực tại như một sự trả nợ kiếp nhân sinh và đày đọa cõi lòng đã lỡ: "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạt lẽo của chồng tôi. Mà từng thu chết, từng thu chết, vẫn giấu trong tim bóng một người" (T.T.KH; "Hai Sắc Hoa Ti Gôn").
Đàng khác, sự trắc trở duyên phận nào chỉ gây nên nhung nhớ vơi đầy mà còn tạo lắm nỗi âm thầm đau khổ ôm ấp mảnh tình câm nín: "Đôi ta chẳng được xum vầy, khác nào chiếc nhạn lạc bầy kêu sương." Nhất là khi "Trăm năm đành lỗi hẹn hò, cây đa bến cũ con đò khác xưa;" để đến nỗi: "Bậu có chồng rồi như cá vô lờ, tôi tương tư nhớ bậu giật giờ như kẻ say." Hoặc "Thôi rồi con đò người khác đang đưa, thiếp vắng bóng chàng, nước mắt tuôn xuống như mưa dầm dề." Đau lòng hơn nữa khi hai kẻ lỡ làng trong cảnh mặt đối mặt: "Gặp mình giữa đám ruộng vuông, lời phân chưa hết, nước mắt tuôn hai hàng;" hoặc "Cách nhau một bức rào thưa, tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu." Trông thấy tình cảnh bên ngoài đã chùng lòng khó thở; thực trạng đớn đau của kẻ trong cuộc mới cả là một trường đày ải: "Em như hoa nở trên cành, anh như con bướm lượn vành trên hoa. Bây giờ anh lấy người ta, như dao cắt ruột em ra làm mười." Hay "Gió đông nam thổi vào hang chuột, nghe bậu có chồng rồi anh đứt ruột đứt gan." Tuy nhiên, nào ai có thể chia sẻ bởi tình đời còn lắm nỗi dây dưa, "Anh nói em cũng nghe anh, bát cơm đã trót chan canh mất rồi. Nuốt đi đắng lắm anh ơi, bỏ ra thì để tội trời ai mang?" Sức mạnh tình yêu còn ghê gớm hơn thế nữa vì đã có những thảm cảnh chạy trốn đau khổ do trắc trở tơ duyên, tránh làm xác chết biết thở: "Chỉ tơ quấn ống tre bông, gá duyên chẳng đặng, xuống sông trầm mình." Trong khi người đời nào ai thương cảm cho cảnh chung tình chốn trái ngang: "Vô duyên xấu phước tôi thác trước chung tình, phụ mẫu rằng tôi vắn số, tại tôi sầu mình tôi thác oan."