NHÂN NGHĨA

     hân nghĩa là tâm tính của con người đức độ. Người nhân nghĩa sống có lòng nhân đồng thời có nghĩa với người khác "Từ rày khuyên kẻ có con, lựa người nhân nghĩa gả còn nhờ sau." Người có lòng nhân chưa chắc sống đã có nghĩa, và người sống có nghĩa chưa chắc đã có lòng nhân. Lòng nhân thường được hiểu là "Lòng thương người, thương vật, có tánh tốt đối với người và vật" (Lê văn Đức; Việt Nam Tự Điển, Quyển Hạ; Khai Trí; tr. 1082). Nghĩa là "Lối xử sự phải đường, hào hiệp" (Lê văn Đức, tr. 1060). Nếu nhân nghĩa tách riêng, chúng là hai "thường" trong ngũ thường theo luân lý Á Đông: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ nhân mang ý nghĩa lòng thương tổng quát tới mọi người; chữ nghĩa tùy theo môi trường, hoàn cảnh được hiểu sao cho phù hợp chẳng hạn: chánh nghĩa, đạo nghĩa, hiếu nghĩa, tín nghĩa, tình nghĩa, tiết nghĩa, trung nghĩa, nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, thầy trò...
Nhân nghĩa là căn bản tạo thành thái độ, cách đối xử giữa người với người. Hơn nữa, chính thái độ và cách sống nói lên phẩm giá con người; do đó một người được mến chuộng hay không tùy thuộc vào nhân nghĩa. Người nhân nghĩa luôn cho rằng "Ơn ai một chút khó quên, phiền ai một chút để bên dạ này." Không vồn vã hình thức mà điềm đạm mặn mà: "Càng thắm thì càng mau phai, thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu." Nhân nghĩa đã tạo không bao giờ mất "Đường mòn, nhân nghĩa không mòn;" có mất chăng bởi chính tự mình làm mất do sự thay dạ đổi lòng ảnh hưởng đến nhân cách và thái độ. Sự khôn ngoan Á Đông trong Tam Tự Kinh theo Khổng học cho rằng con người được sinh ra với tâm tình hướng thiện "Nhân chi sơ, tính bản thiện," nên dù cho có ai chẳng ra gì đến cách mấy thì tự đáy tâm hồn đã được trời phú cho lòng nhân: "Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân." Nét đẹp tâm hồn này nếu được bồi dưỡng sẽ phát triển và tạo cho con người có "đức nhân."
Người có lòng nhân nhận biết "Làm phúc như làm giàu." Do đó họ biết "Lá lành đùm lá rách;" đồng thời vì hiểu "Nhân tâm tùy ý thích," và "Nhân vô thập toàn," nên thông cảm được với người khác tùy theo hoàn cảnh, vị thế của họ bởi "Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già." Thế nên đôi khi dưới con mắt người thường, người có lòng nhân được nhận ra như "Hiền quá hoá ngu." Tuy nhiên, "Hoa thơm ai chẳng muốn đeo, người khôn ai chẳng nâng niu bên mình," người nhân nghĩa được mọi người kính trọng, nể vì và thương mến bởi "Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho."
Người nhân nghĩa biết "Trọng nghĩa khinh tài;" lấy việc nghĩa làm nặng và coi tài lợi là nhẹ vì nhận ra "Người là vàng, của là ngãi;" nên tôn trọng các bậc thày dạy "Một chữ nên thày, một ngày nên nghĩa;" do đó nhận thức giá trị lòng tốt của người khác: "Một đêm nằm, một năm ở." Vì "Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy," người nhân nghĩa "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng." Cho nên tâm hồn họ, "Trăm năm lòng nhớ dạ ghi, dù ai đen bạc đổi chì mặc ai." Dĩ nhiên cuộc đời "Sông có khúc, người ta có lúc," người nhân nghĩa sống "Ở cho có nghĩa có nhân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa;" cho nên họ nhún nhường, biết nể nang người khác: "Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba." Trong đời một người, không ai có công lao với mình bằng cha mẹ do đó hiếu đễ đối với một số người đã trở thành đạo tu. Người nhân nghĩa trước hết hiếu thảo với cha mẹ vì "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu." Do đó, chẳng có lạ gì, bất cứ lối giáo dục nào cũng lấy nhân nghĩa đặt lên hàng đầu vì người không có nhân nghĩa thì dù tài giỏi cách mấy cũng chỉ trở thành băng hoại không những cho gia đình mà cả xã hội. Chính vì thế người nhân nghĩa lại càng được đề cao và tôn trọng.
Dĩ nhiên, cuộc đời thay đổi và do đó con người bị ảnh hưởng cũng đổi thay, "Ai ơi phải nghĩ trước sau, đất liền cũng lở huống cầu bắc ngang," và dù muốn dù không, chẳng ai có được cuộc sống hoàn toàn theo ý mình, "Người có lúc vinh cũng có lúc nhục, nước có lúc đục cũng có lúc trong;" mà bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và nơi mình sống: "Măng cua nấu cá ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui." Hơn nữa, thế gian thường hay phũ phàng đôi khi đến độ nghịch ngạo: "Nước giữa dòng chê trong chê đục, vũng trâu đầm hì hục khen ngon," và thế thái nhân tình còn bị ảnh hưởng bởi những tham vọng con người hoặc bị chi phối bởi lợi danh: "Đồng tiền không phấn không hồ, mà sao khéo điểm khéo tô mặt người." Cảnh phũ phàng gây nên bởi thói đời đen bạc luôn luôn là bài học cho mọi người sống sao cho có nhân nghĩa: "Nên ra trên kính dưới nhường, chẳng nên đạp hất bên đường mà đi." Tuy nhiên, người nhân nghĩa không phải chỉ tử tế với người tử tế mà khoan dong, độ lượng với mọi người vì "Lên non mới biết non cao, lội sông mới biết sông nào cạn sâu." Mặc dầu không ai có thể sống vừa lòng hết mọi người "Đố ai lặn xuống vực sâu, mà đo miệng cá uốn câu cho vừa" hoặc "Lòng sông lòng biển dễ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người," hay "Sông sâu còn có thể dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng." Người nhân nghĩa tuy sống tự tại trên dư luận nhưng đồng thời lại để ý dư luận vì "Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bịt miệng người thế gian," hay "Lấp sông lấp biển ai lấp được miệng người." Dư luận có thể "Đổi trắng thay đen" hoặc "Giết người không dao," và thường thì "Dậu đổ bìm leo," nên người nhân nghĩa lại càng nên tránh bị rơi vào cảnh "Ăn sóng nói gió" để bảo tồn tâm đức và kiên trì với thiện tâm.
Người nhân nghĩa không chấp nhận "Giàu làm chị, khó lụy làm em," mà khinh chê cảnh "Giây máu ăn phần," hoặc "Đục nước béo cò," và tránh cận thân với loại "Được chim bẻ ná, được cá quên nơm," nhưng có lỡ dại thì "Một lần nói dối, sám hối bảy ngày" chứ đừng nói đến chuyện "Ăn cây táo mà rào cây sung." Thực tế chứng minh, dân Việt đau khổ cũng chỉ vì những kẻ khi gặp thời, có quyền hành, tâm dạ thay đổi đến độ đốn mạt để rồi "Nối giáo cho giặc." Tuy nhiên, mặc dầu "Ở đời ai có dại gì, khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông," người nhân nghĩa trong trường hợp "Rút dây động rừng" vẫn tâm niệm "Tốt danh hơn lành áo" và đồng thời nhận biết "Màn hoa lại phải chiếu hoa, bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son;" hoặc "Sao cho sau trước một bề mới nên." Vì thế họ chỉ lo "Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai" bởi "Cây cao chẳng quản gió rung, đê cao chẳng quản nước sông tràn vào." Sống nhân nghĩa giữa cuộc đời đổi thay đen bạc; một tâm tính kiên trì, nhận thức giá trị lối sống của mình chưa đủ mà cần định lực soi dẫn đường hướng tâm tư, "Ta đây như cây giữa rừng; ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời."
Cho nên, có những điều người thường quen thói tánh mà người nhân nghĩa không thể chấp nhận. Người nhân nghĩa không tán tận lương tâm "Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng," không "Lấy tiền làm láo," không "Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm," không coi "Của trọng hơn người," hoặc "Người dưng có của thì đãi người dưng, anh em vô ngãi thì đừng anh em," không "Hay khen, hèn chê" mà luôn khuyến khích người khác sống sao cho tốt lành hơn. Chính vì nhận thức được lối sống, sự đối xử chứng minh tâm hồn và giá trị con người mình "Trăm nhát cuốc giật cả vào lòng," người nhân nghĩa biết kính trên nhường dưới bởi: "Vàng thì thử lửa thử than, chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời." Tuy nhiên sống trong sự đời tráo trở, người nhân nghĩa nhiều khi cần thêm năng lực để biết kiềm chế lòng mình "Vàng tâm xuống nước vẫn tươi, anh hùng gặp nạn vẫn cười như không." Bởi kinh nghiệm như thế, họ không "Suy bụng ta ra bụng người" mà kiếm tìm nguyên nhân những chuyện xảy đến liên hệ tới những người khác. Cuộc đời càng ngày càng phức tạp, đôi khi "Con sâu bỏ rầu nồi canh" cũng không thể được chấp nhận bởi "Ai làm người nấy chịu." Thiên hạ thiếu gì kẻ "Mượn đầu heo nấu cháo," lạm dụng người khác để kiếm danh lợi cho chính mình. Với lòng nhân biết thông cảm với người khác tùy trường hợp hay hoàn cảnh, người nhân nghĩa đôi khi lại bị "Ách giữa đàng mang vào cổ" để giúp người hàm oan. Thế nên không thể có phương châm "Ngu si hưởng thái bình" đối với người nghĩa mà biết "Sợ người nói phải, hãi người cho ăn." Dĩ nhiên, "người làm sao chiêm bao làm vậy," người nhân nghĩa nhìn người khác với lòng nhân và đối xử với họ trong cái nghĩa chứ không "Người một quan khinh kẻ chín tiền" theo thói thường.
Ông cha ta có câu "Ở hiền gặp lành." Tự tâm hồn người nhân nghĩa đã được an bình với tâm đức nhân hậu; sống cho có nghĩa tất nhiên được nhiều người mến thương; do đó cuộc đời cũng được an lành sung túc "Kẻ có nhân mười phần chẳng khó." Hơn nữa cây ngọt có bao giờ sinh trái đắng, sống nhân nghĩa còn để lại phúc đức cho con cháu: "Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ." Theo số học, "Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt," cuộc đời một người từ nhỏ tới 25 tuổi, sống nhờ đức cha mẹ, và từ 25 tuổi trở đi, sống bởi đức do chính mình tạo nên. Cứ xem cách xử của những người chung quanh thế nào đối với mình, sẽ biết mình có sống nhân nghĩa hay không vì kết quả của sống nhân nghĩa bao trùm cuộc đời một người "Đã mang lấy kiếp thân tằm, không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ." Người sống nhân nghĩa vương tơ thương mến.