Chương 14

     ại nói về giám đốc công ty, sau khi đọc bài báo lòng ông trĩu nặng. Ông vừa mới họp ở Hà Nội và được nhắc nhở phải tăng cường giám sát các phòng ban bên dưới. Giờ đây, bài báo là dịp ông rà soát lại việc quản lý của mình trong công ty.
Giám đốc cho gọi ông Trần Chí Lý, việc này ông Trần Chí Lý biết thế nào cũng đến. Ông ta đi lên với gương mặt bình thản, đại ý có làm có chịu, nhưng thường cách chức và thuyên chuyển công tác, chứ khó mà cho thôi việc ngay được.
- Anh thấy cô bé đó chưa?
- Dạ! Tôi có điện thoại chứ chưa gặp mặt.
- Tôi biết người này...Tôi vẫn hay gọi đùa là “người” của Nguyên Thủ tướng. Không ngờ cô bé cũng lanh quá.
- Vâng ạ! Để viết được hai bài báo này ắt phải là người gan dạ. Tuy bị phanh phui nhưng tôi thật cảm phục.
- Cứ như vậy đi! - Giám đốc nói - Mình thật phải tôn trọng người khác, dù gì khuynh hướng của xã hội muốn cho mỗi ngày mỗi tốt đẹp. Ở tuổi thanh niên như cô ấy, ắt phải nhiệt tình và đi đầu. Chúng ta có thể bực bội về việc làm này, nhưng về sau chúng ta lại cần những con người như thế.
Ông Trần Chí Lý tán thành, ông gật gù một lúc rồi nhẩn nha:
- Có điều, tôi không hiểu sao cô bé lại rành mạch mọi thứ. Logic sự việc lại, thì tôi nghĩ Phan Tài (con rể tôi) có nhún tay vào. Từ ngày tờ báo đăng, tôi thấy nó cặm cụi làm việc, học hỏi những người trước rất bận bịu, như cố ý không thể nói ra mọi điều với ai.
- Phan Tài à? Gần đây anh ta còn hay nói câu “làm người phải biết làm lại từ đầu” không?
- Tính nó vẫn thế...Bởi vì nó vẫn hay gặp những việc rắc rối.
- Xem ra tôi thích câu nói đó. Hình như người Việt Nam mình chẳng chịu thua việc nào, lúc thì “Thất bại là mẹ của thành công”, lúc thì “Biết làm lại từ đầu mới là người”. Những câu nói đó trắc ẩn trong lòng người Việt, tôi nghĩ anh cũng phải hiểu mình cũng phải bắt đầu lại từ đầu.
Im lặng để nghe, ông Trần Chí Lý hiểu giám đốc muốn kéo sự việc vào đề. Ý như giám đốc cũng sẽ bắt đầu xây dựng lại mọi thứ nề nếp hơn, rằng sẽ xuất phát từ vị trí của ông đang nắm và sẽ quyết đoán bắt đầu từ đây.
- Trước tiên tôi sẽ nói anh biết trước, rằng sẽ sắp xếp lại phòng kỹ thuật. Lần này, tôi không giải thích dông dài, theo lối nghĩ tình cảm với nhau nữa. Tôi là giám đốc nên cần phải quyết đoán.
- Dạ! Tôi hiểu ạ...
- Vị trí của anh cần phải thay đổi trước. Tôi sẽ sắp xếp cho anh về phòng vật tư, ở đó cũng “lượm thượm” lắm. Không phải phòng vật tư mà không cần giỏi về chuyên môn, tôi muốn anh sắp xếp lại cho hệ thống hơn.
Giám đốc nhẹ nhàng phân tích, không phải là ông Trần Chí Lý không nghe. Người ta rất dễ quên mình, nói đến người khác thì dễ, còn mình thì lại quên. Ông Trần Chí Lý nghĩ giám đốc có biết, vì rằng bao nhiêu sáng kiến gởi lên, giám đốc đều gật gù cho qua, rồi phê duyệt trình ra Tổng công ty. Ngay như máy biến thế 9T gắn tại trạm Phú Tân, tưởng như trên cho gì nhận nấy nhưng khi vận hành, phải vận hành tách bạch ra với hệ thống lưới điện.
Ông Trần Chí Lý vẫn còn ấm ức. Ông ấm ức cũng phải vì người bị xử sai phạm đầu tiên lại là ông. Trong khi đó, ông biết khá nhiều việc tày trời không tiện nói ra đó thôi. Gần nhất là vụ việc nhận máy 9T tại trạm Phú Tân và còn tiếp tục thêm một máy nữa sắp về đến. Cứ như  báo chí phát hiện ở đâu thì người ta xử lý ở đó, nên ông phải đại diện chịu hết mọi việc cho công ty này. Nhưng dù sao giám đốc xử lý như vậy cũng không lấy gì mạnh tay, mình cũng già rồi cũng cần tìm nơi làm việc tương đối thoáng đãng hơn vậy.
Như đọc được ý nghĩ của ông Trần Chí Lý, giám đốc nhắc nhở:
- Vụ việc 9T tại trạm Phú Tân, phòng kỹ thuật các anh cũng không giúp đỡ cho tôi được nhiều. Thôi thì chuyện đã qua ta cứ cho qua, xem như trên cho gì nhận nấy. Bây giờ, tôi cần giúp đở một việc. Đó là tìm người thay thế vị trí của anh, chức danh trưởng phòng kỹ thuật?
Ông Trần Chí Lý không hiểu giám đốc thật lòng hay chỉ thăm dò, ông chỉ nghĩ đến những người ở phòng kỹ thuật lâu nhất. Nhưng giám đốc lại gợi ý:
- Tôi muốn đề bạt Phan Tài, anh thấy thế nào?
Mấy ngày nay, Phan Tài là người ông Trần Chí Lý nghi ngờ viết hoặc tiếp tay cho người khác viết báo. Nên nghe giám đốc đề bạt Phan Tài ông không thuận lắm, nhưng tình nhạc gia bỗng thấy có cái lợi cho con gái ông thì ông khẽ gật đầu:
- Nó dễ mắc sai phạm...
- Nhưng chân tình. Anh ta đã gượng dậy bao nhiêu lần và tôi hiểu con người này sắp đến điểm rơi thành công.
Cả hai người như không muốn nói thêm điều gì nữa, sợ như kết quả bị thay đổi. Rồi giám đốc nhắc điện thoại, để gọi cho ông trưởng Truyền tải điện vùng 2. Ông nói muốn Mỹ Nhơn diện kiến ông.
Mỹ Nhơn được lệnh diện kiến giám đốc tâm trạng của nàng lộn xộn. Nàng run run viết sẵn tờ đơn xin thôi việc để mang theo. Nàng nghĩ chắc mình phải nói thật, rằng bài báo không phải do nàng viết, rằng ai đó có tên trùng với nàng, rằng nàng biết có thể là do Phan Tài. Rồi nàng sẽ nói ý định thôi. Nàng sẽ cám ơn giám đốc cưu mang nàng khi chồng nàng mất, giúp đỡ chỗ ở và đặt biệt ưu đãi cho chỗ căn tin để nàng kiếm thêm và nhờ vậy nàng lo con ăn học cũng như nàng có đủ tiền để đi học thêm.
- Phải nói mình có đi học thêm...không phải mình khoe nhưng mình cứ nói.
Nàng lẩm nhẩm câu ấy khi tới phòng giám đốc. Bước vào trong, nàng cho là mình vụn về không biết đứng hay còn phải đợi mời ngồi. Chắc chắn là bài báo rồi, cho mày ham thích lấy bài viết của người khác, giờ thì mày phải trả giá thôi Mỹ Nhơn ạ. Nhưng viết báo là phải chịu đựng như vậy, có như vậy mới hay.
Giám đốc nhìn nàng ra chiều suy nghĩ, rồi mời nàng ngồi:
- Có biết tôi gọi chị lên đây có việc chi không?
- Bài báo…
Nàng trả lời xong thấy sao mà cục ngủn thế, người làm báo phải có đầu có đuôi chứ. Nhưng như vậy cũng được, nếu như giám đốc phát hiện mình không phải là người viết cũng được…
- Đúng vậy! Bài báo khá hay, có cá tính khác hơn các nhà báo khác. Sao chị không cho tôi xem trước?
- Xem trước! Giám đốc sẽ không đồng tình…
- Chị nghĩ là tôi không đồng tình sao?
- Dạ!
 Lúc này Mỹ Nhơn ngước nhìn lên ông, lần này nàng thấy ông đỡ sợ hơn khi hồi mới vào và nàng thôi không có ý định nói thật bài báo do ai khác viết nữa. Nàng đưa cho ông tờ đơn.
- Dạ! Đây là tờ đơn xin thôi việc đây ạ…Xin giám đốc cho em một khoảng thời gian, việc dọn đi cũng bề bộn lắm ạ!
- Sao lại thôi việc? Thế chị nghĩ tôi mời lên để bảo thôi việc à.
- Dạ…
- Không đâu! Tôi cần những bài viết như vậy đấy.
- Giám đốc thích người ta nói xấu công ty sao?
Mỹ Nhơn bậm môi lại, nghĩ mình lại tiếp tục vô duyên.
- Nói xấu gì…Cái gì có thì nói, không thì thôi.
- Có sao nói vậy người ơi…
- Đúng rồi có sao nói vậy, để người khác còn chỉnh sửa nữa chứ. Đâu phải ai cũng hoàn toàn đúng đâu. Sao nào? Hiểu tôi chưa nào, còn xin nghĩ việc không?
- Có hiểu được đôi chút.
- Tôi không nhận đơn này đâu, vì trước mắt tôi cho chị thời gian suy nghĩ thêm. Hai nữa, chị vẫn quyết định thôi việc thì giải quyết theo từng cấp chứ. Còn một việc quan trọng mà tôi mời chị lên đây không phải là bài báo, mà là muốn thương lượng trước.
- Dạ! Em có gì mà thương lượng?
- Có chứ…Việc sắp xếp nhân sự đó thôi. Tôi muốn rút chị về ở vị trí Trưởng phòng Tài chính Kế toán công ty. Đó là lý do tôi muốn gặp gỡ chị hôm nay…
- Chứ không phải vì bài báo sao?
- Vì bài báo cũng đúng! Bởi vì tôi cần những người dám ăn dám nói, cương quyết như chị. Sao chị nhận lời chứ?
- Dạ! Giám đốc quyết định thì nhân viên phải thi hành thôi ạ…
- Này nhé! Không phải tôi ngán ngại việc chị viết báo. Sau này, nếu thấy việc gì sai trái cứ tiếp tục phản ánh. Đôi khi tôi còn cám ơn chị nữa đó.
- Dạ!
- Chị cứ về! Tôi sẽ liên lạc với ông đội trưởng chị sau.
Khác với tâm trạng lúc đi lên, Mỹ Nhơn nghe lân lân hoan hỉ. Lúc đó, Phan Tài đem văn bản lên phòng phó giám đốc kỹ thuật để xin chữ ký. Hai con người sắp lên chức gặp nhau như muốn nhảy bổ vào nhau, họ định nắm tay nhau bay ra căng tin để trò chuyện. Nhưng Phan Tài bỗng nhớ lại công việc, liền nói:
- Khoan đã…Để anh vào trình duyệt phó giám đốc trước đã. Bây giờ mình làm việc phải cẩn trọng một chút.
 - Dạ! Em chờ…
Hai người không vào căng tin mà ra sân tenis của công ty. Ở đó có một băng ghế đá và khuất tầm nhìn của mọi người. Họ có rất nhiều chuyện muốn nói với nhau, chia sẻ niềm vui ngọt ngào.
- Anh sắp có con…
- Vậy à! Em mừng cho anh lắm đó.
- Anh được biết sắp lên chức thay ba vợ mình.
- Vậy nữa! Anh biết, em cũng sắp về làm chức Trưởng phòng Tài chính Kế toán công ty rồi.
- Vậy sao! Anh mới nghe đó…
- Thì giám đốc mới nói thôi…
- Hay ghê nha. Hai đứa mình đều có chân tướng làm sếp…
- Nhờ có hai bài báo của anh!
- Bài báo nào? Bài báo viết về ba vợ anh đó à!
- Thì bài báo nào nữa. Lần này thôi, chắc em không dám xin bài viết của ai nữa cả, phiền phức rầy rà thật. Nhưng nghĩ anh đã chịu nhiều phiền phức rồi, biết là anh viết, chắc mọi người xé xác anh. Nên dù gì mình là bạn tốt của nhau, gánh cho anh dịp này…
- Bài báo đó…không phải do em viết sao?
- Thôi đi anh. Lần này em không nói là thức đêm thức hôm viết nữa đâu, ai viết thì em nói người đó à!
- Kỳ lạ! Hay là thế này…Có một lần, một nhà báo tự xưng tên là Công. Hỏi rằng anh là bạn trai của em phải không? Hẹn gặp anh, Anh ấy nói về mấy cầu dao lần anh làm nổ là do có ăn chia không đều, rồi còn biết qua một số điều về rờle 50REF nữa.
- Rồi anh kể lại những sai phạm ở phòng kỹ thuật, giống y như kể cho em nghe ở quán cá phê Trung Nguyên chứ gì!
- Thì anh gặp nhà báo tên Công cũng ở quán cà phê Trung Nguyên chứ ở đâu. Anh có cái tật, uống cà phê hương vị không thay đổi thì nói chuyện cũng vậy.
- Biết lắm mà…
- Vậy mà anh cứ nghĩ là em viết.
- Em cũng cứ tưởng là do anh viết.
- Nhưng sao họ lại lấy tên em…
- Thì anh biết rồi! Em hay thích để tên của mình vào bài viết của người khác. Tệ thật, lần này có độn thổ cũng còn xấu hổ…
- Sao vậy?...
- Họ gọi điện khen ngợi em, thế mà em cũng nhận…
- Cái gì không thật, rồi cũng bị tổ trát…Cũng như cái gì không chất lượng ắt có tham nhũng.
- Lại câu nói ấy nữa, chắc lần này em bắn anh thật quá.
- Có anh bắn em thì có…