Chương 11

     úc xảy ra vụ nổ, Mỹ Nhơn ngồi ngoài phòng bảo vệ. Nàng đã sang phòng tài chính kế toán của Truyền tải điện đội 2 được mấy ngày, ở đây đang tiến hành xây dựng cơ ngơi to lớn…Công trường ồn ào tiếng đóng cừ, bụi bặm rất khó chịu và làm việc ở mấy phòng tạm bợ nên có dịp là nàng tìm cách trốn sang Trạm. Vả lại lòng còn quyến luyến anh em tại trạm Phú Tân. Nên vừa nghe có thưởng là bay sang trạm cho anh em hay biết tin “giật gân” (hễ nghe có thưởng là mọi người gọi là tin giật gân, song thông tin từ phòng tài chánh kế toán thường được mọi người lắng nghe hơn). Mỹ Nhơn được mọi người mời ngồi, dù sao thì tiền thưởng có đồn đoán tầm phào cũng nghe dễ chịu.
- Người ta nói có khi lời nói mất  giá trị ngay,còn em nói lời nói vẫn còn giá trị nhiều tháng.
Nghe mọi người khen, nàng thấy thích. Nhưng cố gắng hỏi lại cho ra lẽ:
- Là sao?
- Thì người ta nói có thưởng, ngày hôm sau đã có rồi. Câu nói không còn tác dụng nữa. Còn em, mấy tháng sau chưa thấy thì lời đồn có thưởng vẫn còn giá trị…
Biết mọi người trêu trọc, Mỹ Nhơn không thèm nói chuyện với họ nữa. Nhưng hình như nàng đi tới đâu là ồn ào tới đó. Chưa im lặng được bao nhiêu thì tiếng nổ kinh hoàng trong trạm điện rền vang. Nghề nào phản xạ nấy, mấy người bảo vệ nằm dài dưới sàn nhà, miệng hô to:
- Có địch…
Còn Mỹ Nhơn rướn người vào trong, thấy cột khói bay cao vút. Nàng nhìn thấy cả bóng dáng Phan Tài đang ào ào bỏ chạy, chúi nhũi về phía trước. Phận nữ nhi cảm thấy mình không nên dính vào, nhưng cũng phận nữ nhi hay tò mò cố nhướn mắt nhìn vào mấy cầu dao đang cháy rụi.
- Rồi..rồi! mở cầu dao lộn trước máy cắt rồi!
Mấy người bảo vệ lồm cồm ngồi dậy, có vẻ quê độ với nàng. Làm như phản biện nàng là trấn an mình, họ nhạy lại:
- Bày đặt mở cầu dao trước máy cắt, làm như rành rẽ lắm vậy. Phát lương không lo phát lương.
Mỹ Nhơn chống nạnh:
- Giỡn mặt, đừng tưởng tôi ở trạm Phú Tân này không biết tí gì về điện nha. Tôi biết tính tam giác công suất nè, biết hệ số cốt phi nè, biết đồng vị pha, thứ tự pha nữa đó…
Vừa lúc đó, điện thoại reo vang. Mấy người bảo vệ úp mở không nói. Có một nhà báo nào đó điện tới hỏi nguyên nhân sự cố, bởi vì ngành Điện khó bắn thủng thông tin nên họ muốn xin số điện thoại trong phòng điều hành.
- Nè! có giỏi trả lời điện thoại đi…
Người bảo vệ đùn đẩy đưa điện thoại cho Mỹ Nhơn. Mỹ Nhơn cầm nghe trình bày, nàng nghe thấy nhà báo nàng bỗng nhiên muốn hợp tác ngay:
- Ờ…Ở trong ấy giờ này chắc bận lắm, điện thoại reo suốt thôi. Anh gọi vào trong ấy cũng không được tin tức gì đâu. Nguyên nhân gì à? Thì ở đây chỉ nghe nổ và thấy khói bốc lên cao, chứ cũng chưa biết chuyện gì. Nhưng theo tôi nghĩ là…À,mà thôi…
- Nói dùm tôi đi, nếu chị biết…- Bên đầu kia điện thoại năn nỉ Mỹ Nhơn, nàng lúng túng.
- Tôi không thể nói ở đây được…
Tay nhà báo liền hẹn nàng ở một chổ,cho số nhà. Nàng ờ liên tục rồi đi ra.
Một người Công an khu vực cũng vừa tới, thiếu gì người hỏi không hỏi. Anh ta lại hỏi nàng:
- Sao chuyện gì vậy? Có người nào bị tai nạn không?
- À! - Mỹ Nhơn tiếp tục đại diện trả lời:
- Cái cầu dao nó cũ, người ta đang có kế hoạch thay, chắc do sứ dơ nó nổ sớm hơn dự định.
Không biết sao nàng đẩy dốc với người Công an khu vực, vì nàng chỉ muốn trả lời chính xác với người nhà báo kia thôi. Thật sự nàng muốn viết báo hơn là nói ra, nên nàng hy vọng gặp nhà báo và có thể cho nàng hợp tác không? Anh công an nghe nói thế, cũng tin. Vào sân điện hơi nguy hiểm nên anh lẳng lặng ra về.
Vì một số dây trên thanh cái xuống đầu cầu dao bị bứt ra, đánh tòn ten khá nguy hiểm. Muốn tái lập điện lại, phải loại trừ thanh cái đó ra. Trong sân ngắt, điều hành viên tiến hành chuyển các lộ sang thanh cái 2, để tái lập điện lại.
Ra ngoài quán cà phê T&T cách trạm Phú Tân không xa, Mỹ Nhơn tưởng sẽ gặp một nhà báo nào đó còn trẻ trung và đẹp trai. Ai dè, đó là một người sồn sồn đã luống tuổi. Tóc ông có vẻ bận bịu lắm không chịu hớt gọn, cùng ngồi với một người con gái nữa nhưng chắc cũng hơn nàng đến năm sáu tuổi. Sau khi nhận diện và giới thiệu với nhau xong, hai người làm báo chứng tỏ mình có phong cách nhanh gọn đặt thẳng vấn đề ngay:
- Chị có thể cho biết trạm Phú Tân vừa xảy ra chuyện gì?
- À! Bị nổ do cầu dao bị cũ chưa thay kịp…
Không hiểu sao Mỹ Nhơn không muốn nói thật ra, vì nàng cho là mình có chi quan trọng đâu để hỏi. Hai người này có vẻ chê nàng học thấp, khi biết nàng chỉ là nhân viên làm ở phòng kế toán nên nàng thấy mình không cần phải nói rõ ràng. Nhưng nàng lại hẹn với người ta ở đây, để rồi nói dốc thì nàng không muốn lắm. Một lúc sau tay nhà báo sồn sồn ngập ngừng, phản xạ nghề nghiệp cảm thấy người cung cấp thông tin không đúng. Ông ta gấp cây viết lại giữa quyển sổ, nhíu trán để vận dụng kinh nghiệm moi thông tin:
- Ngành Điện là ngành khó lấy thông tin nhất. Tôi chịu trách nhiệm mảng đề tài này bấy lâu nay nên tôi rất hiểu. Không ai chịu trả lời một cách cụ thể cả, nếu có nói thì toàn là kỹ thuật điện quá rắc rối. Chị là phụ nữ, lại làm bên kế toán chắc hẳn không rành về kỹ thuật…
- Ở đó mà không rành! Như thế này: Để đơn giản tôi vẽ sơ đồ ra cho anh coi. - Mỹ Nhơn chấm miếng nước trà vẻ ký hiệu máy cắt và hai cầu dao hai đầu lên bàn, ấm ức câu nói của người làm báo. Nàng nói một thôi một hồi - Đây! sơ đồ một lộ máy cắt, trong lúc anh vận hành anh phải tuân thủ nguyên tắc là: máy cắt là buồng dập hồ quang điện nên nó phải luôn luôn được mở ra trước. Nếu mở cầu dao ra trước thì, hồ quang sẽ làm cháy rụi mọi thứ trên đường đi của nó. Anh hiểu chưa?
- Hiểu rồi…vậy là anh em công nhân mở lộn cầu dao trước máy cắt à?
- Họ vận hành lâu năm dễ gì họ mắc lỗi đơn thuần đó. - Mỹ Nhơn chấm miếng nước vẽ thêm một cầu dao đôi song song với một cầu dao nữa - Đây là một cầu dao đôi song song, ở trạm có  hai thanh cái để hỗ trợ cho nhau. Cầu dao một này mắc lên thanh cái một, cầu dao còn lại mắc lên thanh cái hai. Nếu anh vận hành ở thanh cái một thì anh đóng cầu dao một này vào thanh cái một, nếu anh vận hành thanh cái hai thì anh đóng cầu dao hai này vào mở cầu dao một này ra…nhưng phải đóng cầu dao hai vào trước, mới mở cầu dao một  ra…
- Vậy là anh em công nhân mở cầu dao một ra trước…
- Gần như vậy mà không phải như vậy!
- Là sao?
- Mạch điện điều khiển có liên động, nếu anh mở cầu dao một ra trước nó cũng không mở. Lại thêm trạm đã vi tính hoá nên khó mà mở, vấn đề là thế này…Trên đầu cầu dao hai chưa có dây từ thanh cái đấu xuống, không phải tại quên mà tại làm khó nhau giữa Công ty bên đây và Công ty Điện lực…người ta muốn ăn chia đó mà…
Tay nhà báo lắng nghe Mỹ Nhơn kể, càng lúc càng hấp dẫn lại thêm dễ hiểu. Anh ta ngước nhìn người con gái đi theo ghi chép, mà chẳng ghi được gì, có phần thán phục nhiều hơn. Cô nàng cũng hiểu nhưng không ghi được gì mới lạ.
- Chị nói em hiểu rành, nhưng chị nói ăn chia gì?
Mỹ Nhơn y như đàn ông, nhấp tí nước câu giờ:
- Thôi phạm vi nói của tôi tới đó thôi - Nàng lấy trong miếng bìa quản lý hồ sơ ra tờ Báo Công đoàn của Truyền tải, rồi lật ra bài viết Sợi chỉ đỏ (Bài viết đó là của Phan Tài tặng nàng) -Tôi cũng thường hay viết bài lắm, anh xem có được không?
Tay nhà báo nóng lòng lắm nhưng cũng cố gắng đọc qua, rồi làm bộ khen:
- Chị viết bài này hay lắm, ca ngợi ngành nghề điện thông qua ca ngợi hiện tượng Vầng quang như là sợi chỉ đỏ, là đường dây điện 500 kí-lô-vôn khéo ghê.
Tuy không phải bài viết của mình nhưng mặt mày Mỹ Nhơn đỏ ửng:
- Thấy tôi có thể viết báo cùng với anh chị được không?
Hai nhà báo nhìn nhau dò hỏi, họ hiểu là nàng muốn gì rồi:
- Được chứ! Sau này chị có thể hợp tác cùng chúng tôi. Thấy chị có khiếu về kỹ thuật hay chị học thêm đại học tại chức Bách Khoa thêm cho có bằng cấp…
- Tôi đang làm phòng kế toán. Tôi mới tốt nghiệp lớp 12 à, nếu có học đại học tôi thi trường Đại học Tài chánh Kế toán thôi…
- Cũng được… - Nhà báo nói đến đó, rồi trở lại ý dò hỏi ban đầu - Theo chị nghĩ là có tiêu cực hả?
- Có sao không! Ngành nghề nào bây giờ cũng tiêu cực, khâu nào cũng tiêu cực nên khó mà moi thông tin.
- Lúc nãy chị nói có ăn chia, vậy chắc là không được ăn chia nên người ta phá đám?
- Gần như vậy thôi…không được ăn chia thì không được nhiệt tình đó mà. Chuyện này có nói mãi cũng vậy, tôi chỉ nói đến đó vậy thôi.
- Nhưng sao chị rành rọt quá nhỉ?
- À! Chuyện này do anh bạn tôi kể, anh ta là người gây ra sự cố hôm nay đó.
Hai người nhà báo nhìn Mỹ Nhơn họ không hiểu, không hiểu nàng là người trung thực muốn đấu tranh chống tham nhũng hay là một người miệng mồm lẽo mép, rồi họ không hiểu là nàng muốn viết báo nên mới nói chuyện với báo chí rành rọt như thế? Và người bạn trai làm nàng hờn giận nên nàng mới tọc mạch ra mọi chuyện, chứ lâu lắm rồi khó mà lấy thông tin trong ngành Điện.
- Trước mắt tôi sẽ viết bài về nguyên nhân sự cố hôm nay thôi, rồi sẽ tiếp tục mở rộng và đi sâu vào việc này. Chắc còn phải nhờ đến chị nhiều.
Nhà báo gọi tính tiền nước,còn ngập ngừng có nên trả thù lao cho nàng không? Người con gái đi theo anh ta bỗng gợi ý:
- Hay chúng ta thành lập nhóm, viết bài về đề tài này thấy khá hay đó anh Công nhỉ? Em tên Thành, chị tên Nhơn sẽ gọp chung là Công Thành Nhơn.
Tay nhà báo phân bua:
- Tôi không quan trọng cái tên, cứ lấy Thành Nhơn cũng được rồi.
Mỹ Nhơn nghe qua mừng đáo để, nàng như đạt được ý nguyện. Viết lách hay viết báo sao mà nàng đam mê đến như vậy. Đến lúc này hai nhà báo mới hiểu được nàng. Họ thống nhất nhưng vẫn còn chung chung nhiều việc, đành phải chia tay vì thời gian có hạn. Mọi việc sau này hẵng hay.