Chương 3

     ỹ Nhơn rất thích đọc các bài viết của anh em công nhân, có lần ai đó nhắc tới tai nạn của chồng nàng (tuy không nêu tên nhưng nàng biết là Phan Tài). Và nàng cũng là người thường được các Công đoàn bộ phận nhắc đến nhiều nhất, những lần họ thăm viếng họ đều ghi nhận trong các bài báo. Mỹ Nhơn cũng muốn trang trải tâm tư của mình sâu lắng tựa như vậy, xuất hiện một bài trên mặt báo.
Nàng muốn có mặt một bài viết trên báo, ai có cười thì cười, nên nàng bắt đầu nghiên cứu công việc viết lách.
Đọc xong bài tạp bút, Mỹ Nhơn nghi nghi là Phan Tài, có lúc đứng ngồi không yên mong gặp Phan Tài để hỏi “Phép liên tưởng biện chứng” là gì?
- Anh viết bài gởi Bản tin Công Đoàn Điện lực Việt Nam phải không?
- Ờ…PhT là ai đó! - Phan Tài trả lời
- Còn ẹo ẹ nữa. Ghi tên Phan Tài trạm Phú Tân rồi còn chối nữa. Bài viết đó của anh chứ ai, chỉ cho em phép “Liên tưởng biện chứng” gì đó đi anh. Nàng nắm vai anh lay động, Phan Tài chịu không nổi khai thiệt:
- Đúng là bài của anh viết đó, nhưng chủ yếu đưa một tình tiết để hấp dẫn người đọc thôi…Thật ra, đã là cách liên tưởng biện chứng rồi đó. Khi nhắc tới em đã một năm rưỡi, thường người ta nói quá nhiều cảnh đau buồn. Anh viết bài cũng gợi lại chuyện đó, thay vì mình nói khổ đau mà hãy nói đến sự dũng cảm hướng về tương lai. Nên anh nghĩ phải tìm cách gì viết cho rôm rã một chút.
- À! Thì ra là vậy, nhưng đọc thấy hay đó nha…
- Khỏi nói rồi, anh đọc hoài… - Phan Tài vỗ ngực xưng tên - Thật ra muốn viết báo cũng dễ. Thay vì mình ca ngợi một cái gì đó, mình cứ mườn tượng ví von một cái khác, lúc đó sẽ có cả khối chữ, mà không bị mang tiếng nịnh ai.
- Là sao?
- Nói ra, để em hiểu khó lắm. Công việc viết văn nó trừu tượng, chỉ mình mới hiểu mình hơn ai hết. Vả lại em mới học có lớp mười.
Nói xong, Phan Tài nhìn quanh nhà của Mỹ Nhơn một lúc:
- Lâu quá mới ghé lại nhà em. Ủa? Tấm hình của chồng em đâu rồi…
- Ờ! Mấy anh điều hành viên bên trạm qua chơi, mấy ảnh nói thấy hình chồng em mấy ảnh ngán quá. Nói em là chuyện đã qua rồi, chủ yếu có thờ trong lòng là chính.
- Kỳ lạ…Vậy mà em cũng nghe lời.
Phan Tài trách móc, nhưng ngẫm lại cũng thấy ngán thật:
- Mà lỡ rồi thì thôi vậy! Chứ bước đi đâu thấy người trong hình cứ nhìn theo hoài…cũng không làm ăn được gì.
- Hì Hì…Mấy anh nói mà không thấy ai dám dở trò…
- Mấy người kia cũng hay nói bậy lắm sao?
Ông nào cũng rướn theo cố nói vài câu…Ở nước ngoài, ai nói bậy là bị quy vào tội quấy rối đó nha. Mấy ổng còn tính, từ hồi có chồng tới lúc mất. Em và chồng em bao nhiêu lần dằn co.
- Sao em không mắng cho nó một phát.
- Mắng mỏ gì anh ơi! Anh em cùng nơi làm việc. Họ nói thì mình nói lại thôi…
- Như vậy sao được…mình phụ nữ có khác - Phan Tài hạ giọng, vừa nói vừa mở cánh cửa tủ. Anh giật mình thấy hình của chồng nàng cất ở đó, anh rùng mình.
- Có nhiều cái chết mình thấy cũng hay…
- Rồi tới anh nữa, hết người này buông lời nhục mạ chồng em, rồi tới anh.
- Vậy chớ, lúc sống nó hay nhậu hoắc cần câu khuyên hoài không được. Leo cao cần phải ít nhậu…
- Ông nào làm điện lực thấy cũng nhậu hoắc cần câu. Phải hồi đó biết ảnh nhậu quá, chắc em không lấy chồng sớm đâu.
- Dám bỏ học lấy chồng em cũng không vừa. Chồng em dụ dỗ gái vị thành niên, lúc đó chắc em mười bảy chứ gì.
- Mười tám rồi - Nàng mặt đỏ thẹn chối lên tuổi - Lên lớp mười ở lại hai năm, ghét nghĩ học luôn.
- Chắc hồi đó, chồng em bám theo váy áo dài em suốt.
- Khỏi nói rồi. Mấy anh Đường dây kéo dây tới đâu là bộp chộp tới đó. Có lúc ảnh còn tới nhà nhậu với ba em, rồi ngủ vùi ở đó.
Phan Tài đi dạo qua góc nhà, làm như nhà của mình.
- Dữ nha…có dàn máy Karaoké nữa nha.
- Dàn máy Karaoké do mấy anh trong trạm hùn mua cho. Mấy ngày trước mấy ổng xỉn, dẫn vào đây ca hát vui ghê, mấy ảnh say quá ngủ ở đây luôn.
- Ngủ ở đây? Sao được, em không nói gì à…lỡ như…
- Nói gì…Lâu lâu một lần. Mấy ảnh say quá về sao nổi, tối anh Thông còn không biết gì leo lộn vào mùng em.
- Vậy à! Mấy tay này ghê quá định giở trò…
- Anh cứ nghi ngờ người khác không thôi…Mấy người kia nói ảnh xỉn lắm rồi, có làm ăn gì được. Mấy ảnh còn mở lộn tủ lạnh ra, nói là nhà vệ sinh của em hiện đại quá. Mở cửa đèn tự động sáng, đóng lại đèn tắt, thế mới biết…
- Hừ… - Phan Tài không còn kiên nhẫn nữa, hỏi vịt toẹt ra - Lúc nó leo lộn vào mùng em rồi sao nữa.
- Gát chân qua em thở không nổi, mùi rượu nồng nặc. Hai mẹ con em phải đi tìm chỗ ngủ khác, nhường cho mấy ảnh cái giường. Thôi kệ…nhờ mấy ảnh làm bài tập cho em, chứ em biết gì…
- Bài tập lớp mười dễ thấy mồ, anh làm cũng được.
Mỹ Nhơn nhún vai, đính chính lại:
- Đang học bổ túc, gần tốt nghiệp lớp mười hai rồi…Vật lý học tới bài Bản mặt song song rồi. Bài tập cũng nhiều, anh có biết qua Bản mặt song song không?
Phan Tài bỗng cười lớn, anh vừa khen vừa kể:
- Lúc này nghe em phấn đấu học tập ghê lắm phải không? Em nói bài Bản mặt song song làm anh nhớ đến kỷ niệm lúc còn đi học, vui ơi là vui. Hồi đó anh là cây cười trong lớp, thầy vật lý rất điệu, cứ hay kéo dài giọng nói: “Mấy em ở nhà có ai thấy qua Bản mặt song song không?” (Thay vì hỏi có coi bài ở nhà không?). Anh liền giơ tay: “Thưa thầy! chỉ nghe chị nói mỗi lần em trả treo là: bản mặt móc và bản mặt mâm không à! Cả lớp cười rần rần, ông thầy bị cục hứng bắt anh ra sát cửa lớp nghe bài giảng, một cách phạt của thầy thường làm. Anh đứng đó mặt như bị, mấy mụt mụn bị kích động ngứa ngáy. Anh đưa tay gãi hoài, thầy cũng không chịu: “Ngươi bị chi mà gãi hoài thế!”. Ý thầy muốn anh đứng yên, anh nói nhỏ: “Dạ thưa! bản mặt em bị mốc mà”. Cả lớp lại phá ra cười, thầy lúc đó rất giận. Nhưng giảng bài một lúc thầy cũng không nhịn nỗi, đang giảng thầy cười ồ lên: “Vào chỗ ngồi đi mặt mốc”. Nhờ ấn tượng đó nên lần thi tốt nghiệp cả lớp đều trúng tủ câu hỏi Bản mặt song song, biệt danh Phan mặt mốc bây giờ gặp lại bạn bè cũng còn gọi.
Mỹ Nhơn chúm chím, anh chuyện gì cũng kể nhưng nàng cũng thích việc đi học bổ túc:
- Trong lớp em cũng có mấy anh công nhân nghịch ghê! có điều… nhờ thế mà đi học đỡ nhàm chán.
Bổng dưng Phan Tài ngẫm nghĩ ra, ở đây lâu là không được nên muốn về trạm Phú Tân:
- Nói chuyện với em quá giờ làm rồi, ăn cơm trưa có hơn hai giờ bị đồn thổi chết. Ngày mai được tin Nguyên Thủ tướng Chính phủ tới thăm trạm đó.
- Biết rồi...Về chuẩn bị gì đi...
 Mọi công việc ráo riết được sắp xếp sao cho chu đáo nhất, nhưng chuẩn bị hoài cũng không hết công việc được như ý, Phan Tài cùng với mấy anh em sinh viên mới vào làm mệt nhoài. Trưởng trạm Phú Tân, về họp  trên công ty liên tục, giao phó hết cho Công đoàn trạm lo mọi thứ. Đến chiều Phan Tài thấy tương đối, ngay cả phòng vệ sinh cũng cho chùi rửa không biết bao nhiêu lần. Anh lẩm bẩm: “Nguyên Thủ tướng đến mình trốn luôn trong này cũng được”. Mặc dù, anh rất thích gặp được Nguyên Thủ tướng bằng da bằng thịt, mặc dù niềm tự hào khấn khít được ngài tới thăm trạm và rất muốn bắt tay ngài lấy một cái xem như toại nguyện cả đời. Nhưng Phan Tài ái ngại sợ có chuyện gì đó làm ngài phật lòng hoặc làm ảnh hưởng đến thời gian quý báu của ngài.
 Biết mình quá ư là nhỏ bé, nên Phan Tài nghĩ mình nên núp đâu đó cho rồi.
Ngày hôm sau, Tổng giám đốc cùng với các phó, cũng như Giám đốc công ty Truyền tải điện có mặt trước vài giờ. Tất cả đều kính trọng chờ đón Nguyên Thủ tướng tới. Khi những chiếc xe đầu tiên tới, những cánh tay vẫy chào mừng đều đều. Rồi một rừng tay đều chìa ra khi Nguyên Thủ tướng xuống xe, tất cả hân hoan bắt tay Nguyên Thủ tướng. Nguyên Thủ tướng được mời vào trong phòng họp, vào vị trí ngồi và những người khác người nào cũng an tọa đâu vào đó (như đã tập dợt nhiều lần). Nguyên Thủ tướng tươi cười thăm hỏi loáng qua những người trong ngành Điện, rồi nhìn vào phòng điều hành trạm 500 kí-lô-vôn. Ông hỏi thăm mạch điện chạy từ Bắc vào Nam, tính ổn định của các máy biến thế.
Việc trình bày cho Nguyên Thủ tướng nghe cũng có bài bản: Một là, đường dây Bắc Nam là trục xương sống cốt lõi, nên mang tính lịch sử; Hai là, tính ổn định cao nên không còn những ngày cúp cắt điện như trước; Ba là, sản lượng dồi dào từ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình giúp mọi nơi phát triển hài hoà. Nói chung, những người báo cáo cho Nguyên Thủ tướng nhắc đi nhắc lại những việc mà báo chí đã nói đến nhiều rồi.
 Nguyên Thủ tướng căn dặn rằng điện là một sản phẩm đặc biệt, sản phẩm này còn mang sắc thái kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng, có điện mới có các ngành quan trọng khác. Chính vì vậy mà chính phủ cực kỳ quan tâm đến ngành nghề này, rằng phải làm sao cho nhân dân được thắp sáng, doanh nghiệp có điện để sản xuất. Ngày nay điện có trong mọi ngành nên cần phải giữ cho dòng điện được liên tục, muốn vậy cần phải có những thiết bị tiên tiến đồng bộ và mọi người phải học tập nhanh chóng để kịp nắm bắt các thiết bị mới để kịp vận hành.
Những tràng vỗ tay, những dòng ghi nhận lời của Nguyên Thủ tướng như một nghị quyết, mọi người quyết thực hiện đúng như lời ngài nói.
Một lúc sau, Nguyên Thủ tướng tìm gặp những anh em công nhân vận hành. Ngài bắt tay từng người, mỗi lần bắt tay đều giữ lại hơi lâu để chụp ảnh, rồi vài lời động viên nêu ý nghĩa công việc hôm nay là cho ngày mai…v..v. Ngài nhìn quanh, thực sự thì ngài muốn tìm ai đó, nhưng người cận vệ của ngài bấy lâu nay lại hiểu lầm là ngài cũng như mọi người, cũng phải có nhu cầu “bình thường” như mọi người là cũng phải đi vệ sinh. Nên anh này nhanh nhạy tỏ tín hiệu cho mọi người nán lại, còn mình thì đi trước dọn đường.
Khi Nguyên Thủ tướng tới thăm trạm, mọi người túm tụm chào đón. Còn Phan Tài nghĩ mình không có chức vị gì nên ngại gặp Nguyên Thủ tướng và phái đoàn. Anh lên kho lưu trữ tài liệu trên lầu nấp ở đó (dù gì đi nữa, gặp cấp cao không khéo lỡ lời là “đi tong”).
Mãi một lúc sau, nấp mãi cũng phải lúc vác mặt đi vệ sinh, nhất là ái ngại chuyện gì thì anh thường bị như vậy. Anh cứ nghĩ rằng phái đoàn gồm có Tổng giám đốc và các vị sếp trong ngành Điện còn đang quây lấy Nguyên Thủ tướng, nên anh tọt nhanh xuống cầu thang và vào trong phòng vệ sinh. Phòng vệ sinh nằm phía dưới cầu thang, mở cửa ra loáng thoáng thấy bóng dáng hai người. Nhưng…Anh đang đứng cạnh Nguyên Thủ tướng và người bảo vệ Nguyên Thủ tướng chèn vào giữa ngay. Tay người bảo vệ còn thủ bộ, sẵn sàng mở bao súng nếu như anh có hành động nào thừa.
Làm sao có thể đi vệ sinh trong trường hợp như vậy, Phan Tài gắng cười méo mó nhưng không ai đáp lại. Anh làm bộ mình chẳng hề có “nhu cầu”, tới bồn rửa tay và đi tới đâu người bảo vệ Nguyên Thủ tướng quay sang tới đó. Song dù sao thì Phan Tài có nghe thoáng qua câu chuyện của Nguyên Thủ tướng nói cho người bảo vệ.
Lần này, ông ghé thăm Trạm điện, nhưng ông không quên hỏi thăm một người tên là Mỹ Nhơn, chồng của nàng té ngã trong lần đấu dây trên trụ điện cao đến 30m, lần đó là lần đấu dây sau cùng để đưa lưới điện vào vận hành.
-Ta không muốn bị tai tiếng khi đã hoàn thành công trình mà quên chuyện mất mát đau khổ của người khác!- Nguyên Thủ tướng ôn tồn giải thích với người bảo vệ, và nhìn sang cả Phan Tài.
Như để phá tan bầu không khí trĩu nặng, Phan Tài mạnh miệng nói ra:
-Dạ thưa! Ở đây Công đoàn rất quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh này, xin Nguyên Thủ tướng bớt bận tâm mà lo chuyện khác.
-Ở đây Công đoàn có quan tâm với trường hợp đặc biệt này không? - Nguyên Thủ tướng hỏi Phan Tài.
-Dạ thưa! có ạ! - Phan Tài trả lời rồi được Nguyên Thủ tướng khoác tay lên vai anh cùng nhau đi ra ngoài.
Phan Tài tìm Mỹ Nhơn đến để diện kiến ngài. Nàng được Nguyên Thủ tướng vỗ đầu an ủi mấy cái, bảo rằng đừng lo lắng nhiều vì nàng sẽ được sự giúp đỡ cần thiết của người trong ngành Điện. Phan Tài cũng được Nguyên Thủ tướng kéo lại. Ông không quên căn dặn anh chăm sóc, rằng cần giảm tối thiểu khó khăn mà nàng gặp phải, rằng phải giúp đở và tạo công ăn việc làm ổn định cho nàng và sắp sếp những việc phù hợp với khả năng của nàng. Những công việc đó công ty Truyền tải cũng đã làm rồi. Phan Tài nói lại cho Nguyên Thủ tướng nghe như thế, vấn đề còn lại là sẽ tạo điều kiện, môi trường học tập để cho nàng tiến thân và tạo dựng cuộc sống mới.
Nguyên Thủ tướng cảm nhận mọi điều Phan Tài nói, rằng: Công đoàn Truyền tải là một Công đoàn vững mạnh. Phan Tài để lại cho Nguyên Thủ tướng được cái nhìn thiện cảm, ngài bắt tay anh chân tình và ôm anh vào lòng. Tất cả những việc đó làm cho Giám đốc công ty Truyền tải hãnh diện, không riêng gì ông mà những người trong ngành rất toại nguyện, ai đó nói nghe thoang thoáng nên đề bạt anh lên chức. Phan Tài còn trong tình trạng cảm xúc mạnh, mặt mày đỏ nhừ. Anh mừng là mình không có gì sơ suất với Nguyên Thủ tướng, mà còn được khen. Anh nhủ: “ Nguyên Thủ tướng đâu có đáng sợ như mình nghĩ đâu”. Nãy giờ Phan Tài quên bẵng cả việc phải đi vệ sinh.
Quả là, những người trong ngành Điện thường nhìn sự việc theo “đường chim bay”- Đó là con đường ngắn nhất. Đối với Phan Tài, con đường ngắn là con đường “nhân tâm”.
   Sự kiện Nguyên Thủ tướng chính phủ đột ngột tới thăm Trạm điện là sự kiện nổi bật mà báo chí nói đến nhiều nhất. Họ chuẩn bị quà cáp cho Nguyên Thủ tướng và ông còn thăm hỏi Mỹ Nhơn - một người con gái làm tạp vụ cho trạm điện, rằng cuộc sống của nàng tương đối ổn định, rằng nàng đã quen dần với khó khăn mới và hứa với Nguyên Thủ tướng sẽ vượt qua khó khăn này.
Một nguyên thủ quốc gia thăm hỏi đến người dân bình thường là điều hiếm hoi.Vì công trình trọng đại của quốc gia, có những người phải ngày đêm lao động cật lực và một vài trường hợp gặp phải tai nạn lao động. Như trường hợp chồng của Mỹ Nhơn và để lại một hoàn cảnh thật éo le.
Sau lần Nguyên Thủ tướng ghé thăm trạm, hình ảnh của Phan Tài chụp cạnh Nguyên Thủ tướng được đưa lên trang nhất các bài báo. Giám đốc Công ty Truyền tải điện quyết định cất nhắc người Trưởng trạm cũ lên chức Phó giám đốc kỹ thuật và về làm việc tại văn phòng của công ty. Người thay thế chức trưởng trạm mới được chỉ định không ai khác là Phan Tài.
Anh hoan hỉ vô cùng và anh đem tin vui trước tiên là Mỹ Nhơn biết: chức Trưởng mới nói. Hai người nhảy cẫng lên như đứa trẻ, may mà ở xung quanh khu cư xá vắng vẻ, rồi Mỹ Nhơn thỏ thẻ bên tai anh là nàng sẽ đãi anh một món…
- Món gì vậy? Anh hỏi - làm ra vẻ bí ẩn quá vậy…
- Rồi anh sẽ biết thôi!
- A!….Rau câu - Phan Tài không cần muỗng, lấy một miếng đưa vào miệng. Anh nhai nhốp nhép chưa được bao lâu thì có chuông điện thoại di động reo (từ lúc làm trưởng trạm, chiếc di động reo suốt). Bên trạm có sự cố, cấp trên tìm anh để hỏi thông tin.
- Dạ! Để em hỏi lại bên phòng điều hành…sự cố mà chẳng đứa nào báo cho em biết. Một lát em gọi lại anh sau… - Phan Tài quay sang Mỹ Nhơn, anh phải qua bên trạm, mắng cho mấy đứa này một mạch. Có sự cố mà chẳng ai báo cho mình biết…Sếp hỏi anh chẳng biết trả lời ra sao!
- Anh mới lên chức Trưởng trạm chắc họ chưa quen đó thôi!
- Chưa sao được! Để anh trị cho tụi nó cái tội chưa quen…
- Mấy người kia nói anh xin Nguyên Thủ tướng chức trưởng trạm ở phòng vệ sinh, nên họ không nể.
- Ai nói - Phan Tài tức anh ách.
- Nói vậy sao được…Nguyên Thủ tướng nghe được là chết cả lũ.
Phan Tài hầm hầm bỏ về trạm điện. Mỹ Nhơn nói với theo:
- Em ở đây! Chiều vào làm luôn nhe…
Phan Tài chẳng buồn trả lời, tuy vậy tính anh không nóng nảy bao nhiêu.Tâm trạng khấn khít khi được chức trưởng trạm vẫn còn lấn át trong tim, nên anh không khó với ai.