Chương 15

     iệc cổ phần hoá, rồi niêm yết trên thị trường chứng khoán đã mấy chốc làm cho các doanh nghiệp giàu to. Thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm làm cho các công ty nào trước đây không mặn mà với cổ phần hoá, rất hối tiếc.
Công ty Truyền tải Điện không được cổ phần hoá, nên việc mua cổ phiếu nghe đây nghe đó chứ nơi đây chưa có một diễn biến nào. Thỉnh thoảng, phòng ban này bàn bạc về thị trường chứng khoán, nơi kia muốn tìm mua cổ phiếu. Nhưng phần lớn, mọi người chỉ hiểu khái niệm chung chung mà thôi.
Bỗng dưng, văn bản được fax về các phòng ban hối hả công nhân mua cổ phiếu. Mọi người chỉ hiểu léng phéng là, ngành Điện phân bổ cho công ty Truyền tải Điện được huy động vốn đến 110 tỉ đồng, bằng hình thức mua cổ phiếu cho công ty Phát triển Điện nào đó -  một công ty con mới hình thành trong Tập đoàn Điện lực. Căn cứ theo số năm làm việc tại công ty, với một năm thì được mua gần 550 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu 10 ngàn đồng.
Trong thời hạn đăng ký và chốt danh sách rất ngắn ngủi, chỉ trong vòng có vài ngày.
Trong công ty, ở đâu cũng nghe người ta nhắc đến cổ phiếu, người ta hể hả đi đăng ký nhưng cũng có những người ngại ngùng nghi ngờ.
- Sao lại hối hả đến như vậy nhỉ? Tiền bỏ ra mấy chục triệu chứ ít sao… Công nhân thấy vậy, họ cũng còn nghèo lắm…Ít ra, Công đoàn phải lý giải cho mọi người hiểu một chút, đâu phải ai cũng hiểu cổ phần cổ phiếu như nhau đâu.
Mỹ Nhơn hậm hực, dứt khoát không màn đến. Thoạt đầu, Mỹ Nhơn cho rằng thị trường chứng khoán không còn khởi sắc nữa, nên mua chỉ có lỗ lãi mà thôi.
Mỹ Nhơn tưởng chừng mình có thể hờ hững với cổ phiếu, mọi người kháo nhau nàng làm như vậy là dại khờ. Nàng cứ đăng ký rồi bán lại cho tư nhân nào đó. Mọi người mỗi người mỗi ý, Mỹ Nhơn cũng hiểu na ná, rồi nhen nhúm lòng dạ đàn bà là hám lời. Trước đây, măc dù nàng đang học ngành kinh tế, nhưng từ đó nàng chỉ kết luận một điều là chỉ mấy nhà giàu “chơi” cổ phiếu thôi. Còn nàng cho là mình “nghiên cứu” việc khác: “cuộc đời” của người mua cổ phiếu.
Tại sao nàng nhấn mạnh đến hai chữ “cuộc đời”, vì nàng cho rằng người mua cổ phiếu mà không đánh giá mình đúng thì trả giá rất đắt. Chẳng hạn, mượn tiền hay vay vốn mua, bỗng gặp chuyện bất trắc, có phải bán thốc bán tháo không. Trong công ty có nhiều người có hoàn cảnh giống như vậy, có phải đẩy cổ phiếu rớt giá không? Nàng nghĩ mình nên xoáy sâu vào đề tài này để xem cổ phiếu lên xuống có phải từ cuộc đời của người chơi cổ phiếu nữa…
Nhưng công ty bán cổ phiếu một cách chụp giựt không để lâu cho nàng suy nghĩ được. Chỉ có ba ngày gần như quyết định tất cả. Ngày đầu thông báo “góp vốn” cho công ty thuỷ điện nào đó, ngày thứ hai mới có từ “cổ phiếu” và cách nhân thâm niên với số cổ phiếu đã được huy động. Mỹ Nhơn thấy việc gì cũng phải rõ ràng, chứ có gì mà úp úp mở mở không biết đường nào mà lần. Lúc này những người được phép mua hết sức dao động, thêm những thông tin hù doạ là nếu đã đăng ký mà không đóng tiền ắt sẽ bị khiễn trách. Mỹ Nhơn không biết đăng ký mua hay không mua, nàng như con cá thèm miếng mồi, lỡ cắn e dính câu nhưng cái ăn ai mà chẳng khoái…
May nhờ hai nhà báo mà nàng quen biết (bây giờ trở thành bạn thân tình) giảng giải:
- Ô! Công ty bán cho công nhân với mệnh giá “bèo”. Sau này lên sàn, giá cổ phiếu tăng nhiều lần không lỗ đâu.
- Nói vậy! Tiền đâu mà đóng…
- Thực ra, công ty bán cho mình là ngầm hiểu ưu đãi cho công nhân…Công nhân không có tiền đóng thì bán cho người ngoài vậy. Nên cứ đăng ký, ai mua lại cao thì mình bán.
- Nhưng lỡ như đăng ký, không ai mua thì sao? - Mỹ Nhơn còn ái ngại và chưa hiểu thấu đáo.
- Ông chú…
Nhờ hai nhà báo đã từng có mặt trên các sàn chứng khoán, giảng giải kỷ lưỡng từng chi tiết một. Từ một người không biết tí gì về cổ phiếu, nhanh chóng Mỹ Nhơn hiểu rõ ngọn nguồn.
Vài ngày sau, Mỹ Nhơn hiểu biết được nước cờ đi. Nàng trở thành “cò” thu mua các cổ phiếu với giá thấp, rồi bán lại cho “ông chú” (thực chất là một nhà đầu tư, săn tìm cổ phiếu).
Mỹ Nhơn tìm về lại trạm Phú Tân, hối hả mọi người cứ đăng ký mua.
- Cứ đăng ký tên mình, rồi tính sau…-Nàng úp úp mở mở.
- Lỡ không tiền đóng …thì sao!
- Có gì mình mua cho…mua lại cho mười ba ngàn…
Vì ở xa công ty, hầu như thông tin bị bít bùng. Mọi người cũng nhùng nhằng như nàng trước đây. Nhanh chóng, nàng thuyết phục người này người nọ bán lại cho nàng.
Mỹ Nhơn tay thoan thắt làm hợp đồng, lẹ làng ký tên:
- Sao? Bán không? - Mỹ Nhơn hỏi Lâm Hoàng Hà, tựa như người buôn bán và chưa hề  quen “chàng” trước đây.
- Mười lăm đi… - Lâm Hoàng Hà ngã giá, vì không quen với hình thức buôn bán này, nên mặt mày đỏ ửng.
- Mười lăm sao được - Mỹ Nhơn giẫy nảy, rồi gợi lại quan hệ cũ - Em với anh có xa lạ không nào…nhưng mà nè! Em mua cho anh giá đó, nhưng không được nói cho ai biết đó nghen.
Mỹ Nhơn lại làm hợp đồng với Lâm Hoàng Hà một cách kín đáo, tiền chênh lệch với giá trước có hơn mấy triệu đồng. Như vậy, nàng không có một đồng vốn mà bỗng chốc lời cả trăm triệu đồng, việc thu gom cổ phiếu của những người nghèo rồi bán lại cũng làm cho nàng cắn rứt lương tâm, nhưng nếu nàng không làm thì cũng có người làm…Biết sao bây giờ! Như vậy “ông chú” của hai nhà báo đỡ đầu cho Mỹ Nhơn mua cổ phiếu như đã hứa trước đây, còn công nhân người rao 13 ngàn, người có bản lĩnh hơn thì đòi giá 15 đến 17 ngàn. Tất cả Mỹ Nhơn thâu tóm hết…
Tính từ thời điểm quen hai nhà báo Công và Thành, và họ đã sắp xếp cho Mỹ Nhơn gặp “chú” của nhà báo Công, thì nàng bắt đầu hiểu thêm một điều nữa là họ muốn tìm những công ty đang chuẩn bị cổ phần hoá, để mua lại “số năm” của những người không đủ tiền hoặc không có cái nhìn cổ phiếu tầm xa…Vậy là, câu hỏi rằng: “các nhà báo có nên mua cổ phiếu hay không?”, trước đây nàng cũng bâng khuâng không biết trả lời ra sao, thì nay nàng có câu trả lời là không…Nhưng đợi Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ra chỉ thị cấm rồi tính tiếp, còn bây giờ thì tranh thủ lúc nào hay lúc đó. Tuy Mỹ Nhơn chưa có một bài báo nào, những bài viết thường của người khác cho, hoặc là nàng ngộ nhận của mình, nên lúc nào nàng cũng tự xem mình là “cánh báo chí”, hoặc là sau này nàng sẽ viết báo “thường xuyên” - Nàng lại lần lựa chuyện viết báo, nhưng rất thích thành nhà báo…thực chất cũng chỉ vì danh tiếng, nói thẳng ra là háo danh.
Việc cất nhắc lên chức trưởng phòng Tài chính sớm, trước khi lãnh bằng cấp đại học của Mỹ Nhơn là một việc hết sức bình thường. Nhưng mọi người thắc mắc tại sao nàng nhanh chóng có tiền mua cổ phiếu. Thường những người làm ở phòng này, sớm muộn gì cũng giàu nhưng giàu nhanh như vậy, không tránh được những ý nghĩ không tốt về nàng. Nàng giờ có chiếc xe tay ga hiệu Piaggio, chiếc này đâu có rẽ - Mọi người kháo nhau, còn trang điểm các loại nước hoa đắt tiền nữa chứ.
Nàng lo được đứa con mình vào lớp một cũng đâu có dễ. Việc hộ khẩu của bé còn nằm trong hộ khẩu cha mẹ mình là điều hết sức bất tiện, vì  nàng tạm trú ngay cư xá cơ quan nên bị cho là trái tuyến. Ngay từ lúc hè là nàng đã lo việc nhập học cho con, nhiều người mách nước là phải tốn kém…May sao, nàng tìm ra một đầu mối. Đó là anh công an phường nơi nàng tạm trú, người này giúp nàng lo thủ tục cho con nhập học mà không lấy đồng nào, làm nàng bâng khuâng khó xử.
Nàng tìm gặp Phan Tài, hẹn anh đi uống cà phê như trước đây từng hẹn. Anh cũng từng giúp nàng gỡ ra được mối tình giữa nàng và thầy giáo dạy học, có cảm giác như Phan Tài “có tài” ấy…
- Gì? Anh không mua một miếng cổ phiếu nào sao? - Mỹ Nhơn tìm gặp Phan Tài định gỡ rối, nhưng câu chuyện mua bán cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn nên họ chưa thoát được đề tài ấy. Phan Tài rầu rỉ trả lời:
- Không có một miếng nào hết…Tiếc quá…
- Hôm nay, anh biết giá được rao bán bao nhiêu rồi chưa…hai mươi ngàn…Nếu anh đăng ký 10 ngàn cổ phiếu thì anh đã có 80 triệu đồng rồi còn gì, lo cho thằng nhỏ khoẻ re…
- Thế mới tiếc…Phải chi bây giờ nước cờ sáng tỏ như thế này thì dễ rồi…
- Thực tình em thấy đâu có gì khó hiểu…Anh đăng ký tên mình vào danh sách, nếu lúc ấy không hiểu biết cổ phiếu thì mình đừng đóng tiền, giờ thì những người ngoài tìm kiếm mua thêm không có bán thật tiếc gì đâu…Cứ nghĩ anh thông thái, ai dè…
- Gì…Anh ngu à!
- Na ná như vậy! Tiếc quá…
Phan Tài không đăng ký mua cổ phiếu đang cay cú trong lòng, đã bị vợ trách móc quá nhiều, giờ lại thêm Mỹ Nhơn gần như xem  mình …ngu, nên quá ấm ức. Anh khai thiệt:
- Thật sự cái may không đến với anh. Như anh kể với em nhiều lần, giấy tờ anh thường hay gặp rắc rối. Đến độ bồng thằng con đi khám ở bệnh viện, đợi đến phiên mình thì hết giờ. Anh nói cho bác sĩ nghe mình hay gặp hoàn cảnh như vậy. Bác sĩ thông cảm muốn phá cái dớp đó cho anh, liền cho anh bồng thằng con vào siêu âm, rồi mới nghĩ trưa. Ai dè mới vừa đưa thằng nhỏ nằm lên giường thì bệnh viện bị cúp điện. Thế là, anh phải bồng thằng nhỏ ra băng ghế ngủ gục đến chiều.
- Bị vì anh mặt mày u ám quá, tươi tỉnh lên như em nè! Người nào ủ rũ hai bị gặp rắc rối.
- Sự thể là chứng minh nhân dân cũ rích anh vừa xin cấp mới lại…Ai làm cũng chỉ vài ngày, tới phiên anh thì thấy treo cái bảng thông báo đến hai mươi ngày. Anh chưa hiểu cổ phiếu là gì, vả lại công ty ra thời hạn gấp rút quá, thông tin không rõ ràng. Chưa biết xử lý ra sao, anh thấy giấy tờ lại lằng nhằng, nên thôi…
- Đúng là, anh có cái số đen đúa.
- Định hẹn gặp anh chuyện gì?
- À! Em bị phiền chuyện này…số là…
- Thôi bỏ mấy chữ “số là” đi…Cứ hễ gặp em, nghe hai chữ “số là” chắc câu chuyện của “bà Tám” rồi. Tóm lại, anh còn về trông thằng nhỏ nữa.
- Ừ, thì thế này: Em có nhờ một anh công an lo cho con gái mình vào được trường trái tuyến, nhưng sau này ảnh cứ bám em riết…Em thấy rắc rối quá…
- Mặt mày sáng sủa mà cũng bị rắc rối sao? Có thiệt là gặp rắc rối không, hay là tại “khoái” người ta rồi đổ thừa.
- Thiệt - Mỹ Nhơn ấm ức, mắt chớp chớp - Anh làm như em mê trai lắm vậy…
- Có vợ con gì chưa?
- Rồi…
- Vụ này rắc rối đây! - Phan Tài sờ râu cằm, tìm hướng giải quyết.
- Làm sao bây giờ anh?
- Anh hỏi em, có phải người ta thích em hay em tưởng vậy?
- Không biết nữa…Cứ coi như em thích đi.
- Trật…biết lắm mà. Cuộc đời này không ai có thể ở vậy một mình, trống vắng lắm. -Nhưng mê người có vợ là không xong rồi…
- Cỡ tuổi em, ai cũng có vợ rồi…
- Thiếu gì “thằng” chưa vợ…Dứt khoát phải chấm dứt mối tình này…
- Em cũng biết vậy, nhưng em cảm thấy buồn. Mà nếu như tiếp diễn em sợ chuyện rối rắm sắp tới…
- Đương nhiên rồi, bây giờ em không dứt khoát nổi thì sau này đố mà dứt khoát. Cứ từ chối lời hẹn hò, ắt không ai mà đủ kiên nhẫn. Ai cũng muốn dấn thân một chút, nhưng gặp trở ngại người ta sẽ nhìn lại thôi…Cố lên đi.
- Nghe anh nói thì em nghe theo…Bây giờ thì nói chuyện anh đi!
- Chuyện gì bây giờ…
- Anh với vợ anh có hạnh phúc không?
Phan Tài thở dài, rồi chặc lưỡi:
- Cũng có một ít gút mắc, nhưng anh không màn lắm. Chủ yếu cưng thằng con…
- Xem ra anh là người bố lý tưởng.
Hễ nhắc tới con, Phan Tài muốn kể lể đủ thứ. Cũng như những ông bố khác đem con mình ra khoe khoan, nhưng tựu trung thằng nhỏ là thông minh:
- Không biết nó trở thành thần đồng không! Nó biết nói chữ nào là anh dạy nó đọc chữ ấy.
- Hay thế…
- Chưa đâu! Thằng nhỏ còn nhiều cái thông minh cực kỳ! Câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” được nhiều người kể, nhưng khi anh kể cho nó nghe thì nó nhăn nhúm…
- Sao kỳ vậy!
- Ờ…Mãi sau này anh mới biết rằng, thay vì trách cô bé quàng khăn đỏ phải nghe lời mẹ dặn…không được lang thang hái hoa bắt bướm, mà phải mang giỏ quà đến cho bà. Cô giáo mẫu giáo cũng dạy như vậy…
- Em cũng dạy con mình như vậy!
- Cả thế giới đều dạy như vậy…không thôi bị con Sói ăn thịt. Nhưng thằng con của anh không chịu. Ý nó trách là sao cô bé quàng khăn đỏ còn nhỏ mà người lớn không đi theo, cho cô bé một mình vào rừng có phải là vô trách nhiệm, lơ là với con mình không? Câu chuyện được truyền miệng từ thế hệ này đến thế hệ khác, không ai phát hiện ra tình tiết đó. Không ngờ con anh thông minh nhận ra…
Mỹ Nhơn chẳng biết nói gì với Phan Tài nữa cả, nàng chỉ hiểu người ta thường bị cuồng tín với các vĩ nhân. Còn Phan Tài thì cuồng tín với thằng con, cái bệnh này thường các bà mẹ mắc phải, cứ cho là con mình có chỉ số IQ cao hơn người khác, không ngờ Phan Tài cũng bị.
Phan Tài thấy Mỹ Nhơn im hơi không nói thêm điều gì nữa, e phá vỡ trí tưởng tượng mà mình đã “thắp lên”, nên liền không cho nàng buộc miệng:
- Khỏi phải nói rồi…Thôi anh về thôi, anh nhớ thằng nhóc rồi, thương con nên chỉ muốn mình ở cạnh thằng bé, chứ không muốn ai khác…Ngay cả mẹ nó.
- Ừ! Anh cứ về trông coi thần chì của anh đi…