Chương 5

     hững ngày sau đó, Phan Tài có phần bỡn cợt với quyết định ấy. Anh nói làm gì còn có chuyện lập lại, ý như anh có được sự che chở từ Phó giám đốc kỹ thuật. Làm việc gì thì cũng phải có ô dù, ở đâu cũng vậy.
Phan Tài liếc nhìn chẳng thấy Mỹ Nhơn đâu. Anh gãi đầu, gãi tai không biết phải nói gì nữa. Ở đây, có người nói anh thường hay sang nhà Mỹ Nhơn và anh không muốn vậy nữa. Anh lấm lét nhìn mấy anh em như đã biết "tẩy" những ngày gần đây, mặc dù vậy nhưng rồi cũng mở miệng:
- Mình ra ngoài chút nha! Có chi thì gọi điện thoại di động cho mình…
- Anh làm Trưởng trạm muốn đi đâu thì đi…
Mấy nhân viên phòng hành chánh có vẻ nói móc họng.
- Nói vậy sao được…Đi làm phải nề nếp chứ! “Trên bất minh thì dưới tất loạn”, nên làm việc phải ra làm việc, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới là vậy.
- Thôi đi anh ơi! Ai nói gì đâu…từ hôm qua tới hôm nay, cứ nghe anh nói câu đó hoài.
Y như mọi người biết cái tẩy của mình, thì thôi chẳng việc gì sang nhà Mỹ Nhơn chơi vậy. Phan Tài chẳng đôi co nữa, anh sải chân bước y như người khẳng khái có việc cần kíp, phải làm gấp (nhưng mọi người ai mà chẳng biết anh đi đâu).
Về việc của Mỹ Nhơn. Khi chồng mất, tình cảm tưởng chừng như không còn tồn tại trong lòng nàng nữa. Ai cũng bảo nàng nên ở vậy để nuôi đứa con khôn lớn, ai cũng cho là khi có một ai đó đến với nàng thì chưa chắc sẽ yêu thương nàng như người chồng đầu và đứa bé sẽ thêm khổ mà thôi. Nàng đồng ý và nàng tin rằng họ nói đúng và luôn đúng. Người đàn bà là những người thích sự dịu dàng, ngọt ngào, những điều căn bản của tình cảm. Giờ thì phải chôn chặt vào lòng như không phải là con người, vì nàng có biết thứ tình cảm ngọt ngào nào nữa đâu.
Song tình yêu không thấy bằng mắt nhưng nó hiện hữu suốt cả đời mình và bản năng của con người đâu phải là lỗi của con người, mà do ở tự nhiên dung nạp sẵn trong gien.
Tình cảm của nàng bỗng trỗi dậy khi có người quan tâm đến, không thể nào dằn lòng lại được. Lúc đầu, anh vài lần đến phụ giúp khuân vác những vật nặng, trong khi những người khác đứng nhìn, lúc đầu anh ấy chỉ chở nàng đi mua đồ do anh ấy biết chỗ bán tốt và rẻ, lúc đầu là thế với bao điều xì xào bàn tán. Nhưng anh vẫn không ngại và còn bảo rằng, một người phụ nữ yếu ớt nhưng phải đối phó với bao điều phức tạp của cuộc sống, làm anh thán phục. Nàng là người đầy ý chí nghị lực, nhưng anh ấy có biết đâu, ngầm trong lòng là một sự yếu ớt, sự thầm kín chất chứa  trong đôi mắt như trở lại tuổi thơ ngây của học trò, nàng chẳng còn là người mà anh ấy thán phục. Nụ cười như méo xệch, lời lẽ hoa mỹ không cân đối và trái tim y như băm ra nát vụn. Trạng thái kỳ lạ đó nàng biết quá rành. Nhưng nếu như anh đừng nói anh động lòng trắc ẩn, nếu như anh đừng nói rằng mình phải có trách nhiệm gì đó với em, rằng anh không thể làm ngơ được, thà là anh đừng thấy trước mặt anh cuộc đời của em. Thì có lẽ nàng đã quên đi cái ấm ấp của con người, đó là tình yêu thương…
Nàng luôn tự chất vấn mình, rằng không thể ôm ấp mối tình này được, rằng mình đã già đã có con. Nhưng khi thấy nụ cười của anh ấy, lời lẽ sao mà thấu hiểu nỗi lòng của nàng đến như thế và cách quan tâm cao thượng của anh ấy làm nàng không thể dửng dưng như kẻ vô hồn. Nàng là người và lại là người đàn bà chứ nào phải sắt đá, nàng nghĩ ai yêu thương ai đó là tình của mỗi con người. Anh ấy không ai khác là Phan Tài. 
Phan Tài đi sang nhà Mỹ Nhơn, thấy nàng nằm ngủ quên. Cửa chỉ khép hờ, tóc xõa trên gối một nùi. Anh liếc dần xuống dưới chân, ống quần bị kéo lên một nữa. Phan Tài liếc ra ngoài sân chẳng thấy một bóng người, anh hít một hơi lấy can đảm, rồi nghiêng người xuống nằm cạnh bên.
Mỹ Nhơn giật mình ngồi dậy, đang mơ màng phun nước bọt “phèo” vào mặt Phan Tài. Nàng ngồi dậy định thần, hỏi:
- Ai vậy?…hư, ai vậy…ủa? anh hả?
Nước bọt bay vào mặt Phan Tài, anh lòm còm ngồi dậy chẳng dám quẹt. Cả hai đang tìm cái khăn, Mỹ Nhơn chậm hết cho anh rồi xin lỗi:
- Em định nằm một lát nhưng không biết sao ngủ say quá! Cứ ngỡ là tay bợm trợn nào…em xin lỗi…xin lỗi…
- Làm gì dữ vậy! - Phan Tài tức quá nhưng không biết nói sao, dù sao cũng lỗi ở anh, rồi anh chữa thẹn: Anh định sang nói với em, anh sẽ đề bạt em làm kế toán cho trạm.
- Anh à..? em có biết vi tính đâu mà làm kế toán
- Vừa nói Mỹ Nhơn vừa gói cái khăn liệng đi.
- Anh sẽ chỉ cho…thực ra vi tính thì cũng dễ. Cứ thế nha.
- Dạ…Vậy tập luôn hôm nay đi! Nhưng mà máy ở nhà không có, mà em muốn mua để con em nó học luôn.
- Có tiền không mà đòi mua!
- Không có…em định hỏi anh?
- Anh chỉ dư có mấy triệu thôi.
- Hay là mình mua trả góp.
- Trả góp? Lo đủ thứ trong nhà còn góp nổi không…thì thôi, từ từ để xem sao.
Nếu làm trưởng trạm mà không mạnh tay thì e cấp dưới không ngán, Phan Tài muốn hoán đổi công việc của một số người. Trước mắt là anh muốn sắp sếp cho Mỹ Nhơn làm công việc tài chính kế toán như anh đã hứa với nàng. Còn Lâm Hoàng Hà trở lại làm công việc điều hành, chứ không cho làm tài chính nữa, như vậy anh mới có thêm "đồng minh".
Lâm Hoàng Hà là một người cao ráo, trắng nõn. Anh ta rất lịch sự, đi làm quần áo giày mang luôn chỉnh tề. Chính vì điều đó mà các trưởng trạm trước đây muốn giữ anh ta bên cạnh, trông coi tài chính cho trạm. Đặc biệt khi đi giải trình tiền công trình, gương mặt ngây thơ cũng có lợi trong việc này. Nhưng Lâm Hoàng Hà là người của Phan Quang Thông, cả hai thường ngó tới tiền quỹ trạm xén một ít, vì trước đây cả hai qua rất nhiều đời trưởng trạm. Hai kẻ cơ hội này rất tinh khôn.
Hai kẻ này trước đây thường hay xén những công trình sửa chữa thường xuyên, bắt tay với các toán công tác xây dựng điện cho dùng sắt cũ để làm móng mới, xui trưởng trạm cũ cứ đề xuất các công trình sửa chữa còn tồn tại và cứ việc dùng vật tư cũ thi công, rồi chạy hoá đơn đỏ quyết toán. Điều lạ lùng, mọi người thấy trưởng trạm trước không nói gì thì họ cũng im luôn. Vả lại biết mà không được tường tận, nói ra thì phải có bằng chứng rõ ràng lắm. Việc ăn tiền nhà nước là việc thường tình ngoài xã hội, ngay cả Phan Tài cũng không tường tận và cũng ưỡm ờ như để chờ tới dịp của mình vậy. Thỉnh thoảng anh cũng bị mắc mưu hai kẻ cơ hội kia.
Lâm Hoàng Hà thấy Phan Tài giữ chức Trưởng trạm mà ngán ngại Phan Quang Thông nên tỏ mặt lừng, ăn không chừa thứ gì (mọi người hay nói đùa: giấy vệ sinh cũng không tha nữa). Thành ra Phan Tài muốn làm cho Lâm Hoàng Hà ngán mình, một công đôi ba việc.
Phan Tài bắt buộc tháng này phải giao công việc tài chính cho Mỹ Nhơn. Còn Mỹ Nhơn rất ngại đụng chạm, có cảm giác người nào nói chuyện với nàng nhiều là nàng có tình cảm với người đó. Tình cảm nàng rất sẵn sàng và nàng rất sợ làm một người nào đó giận, nhưng tình cảm không thể nào làm như thế được. Thân gái đứng trước một đám đông con trai, những người không được nàng đặt tình cảm vào thì lời ra tiếng vào: rằng nàng chẳng được đẹp, nàng có con mà chẳng nết na. Họ cũng tàn nhẫn nói nàng là hay chảnh chọe, thực sự nàng nghĩ chuyện ấy có muốn cũng đâu dễ dãi được, phải có sự ràng buộc chắc chắn nào đó. Đàn ông có những người không được phá cho hôi, khổ nỗi phá cho hôi rồi sau đó bị vướng vào mớ bòng bong tình cảm có vẻ hổ thẹn nhưng không chịu buông. Nàng lâu ngày quen rồi và nghĩ như vậy, một chút chai lì và có khi nàng còn ăn miếng trả miếng cho đáng đời đàn ông và chẳng dại gì nàng giữ cho dung hạnh - nàng nghĩ: “Tụi nó phá quá, giữ sao nổi”. Đôi khi nàng muốn sa vào lòng ai đó rồi tính sau, nhưng cảm giác “tình cho không, biếu không” vẻ như không ổn lắm. Tuy đã có một đời chồng, nhưng cũng phải cho nàng lựa chọn chứ.
Trong đám con trai, Lâm Hoàng Hà cao ráo lịch sự và có vẻ hiền lành, ai mà không chọn. Người nàng để ý chính là Lâm Hoàng Hà. Tình cảm nàng thiên về Lâm Hoàng Hà nhiều hơn ai hết, nhưng không phải nàng chấm dứt tình cảm với Phan Tài nên Lâm Hoàng Hà rất bực. Nhưng anh chưa là gì với nàng nên không dám nói ra, anh muốn nàng chấm dứt những linh tinh với người khác thì anh sẽ nói yêu nàng. Anh ta làm bộ ọ ẹ:
- Chán nhất là tên Thông, hắn nói có chút đỉnh chức vụ là trổ mòi dê rồi. Mỗi lần nói chuyện với Mỹ Nhơn là hắn ép em vào trong kẹt, không cho thoát, sao em không trách mắng hắn.
- Ừ! Em bực mình chuyện đó lắm nghen nhưng không lẽ đuổi hắn đi. Hắn làm bộ xem các văn bản của công ty gởi xuống rồi ép người vào em.
Lâm Hoàng Hà nổi máu gà trống lên, không biết phải vì ghen tuông không. Chiếc xe tải phía trước thắng gấp, Lâm Hoàng Hà không cảnh giác lao vào đích xe và cả hai cùng nhào xuống đường. May mắn là lúc nói chuyện anh đã giảm ga bớt nhưng thay vì đở Mỹ Nhơn dậy và ân cần xem xét nàng có bị gì không. Lâm Hoàng Hà lại đi tìm hai cái răng rớt gần đó gắn ngay vào. Miệng dính đầy cát cười toe toét:
- Tưởng mất rồi chớ!
Nàng tặc lưỡi cười: "Thì ra con người không ai hoàn hảo hết”.
Nhưng cơn ghen của Lâm Hoàng Hà vừa rồi làm cho nàng thích. Khi vào uống nước, nàng nói với Lâm Hoàng Hà:
- Em muốn mua máy vi tính quá nhưng không có tiền. Anh có cách nào giúp em không?
- Muốn mua máy vi tính phải không? dễ thôi. - Lâm Hoàng Hà nói chắc như bắp - dễ thôi là thế này…mình trích lương của mấy anh em trong trạm.
- Không được đâu, các anh không chịu đâu.
- Mình mượn mà…
- Chuyện này thấy vậy khó lắm.
- Mình làm bảng lương khác trích của mỗi người một ít!
- Trời!Chưa chi đã có mưu mẹo rồi. Khi em chuyển qua làm kế toán. Các anh biết được thưa tới cùng! Em lãnh trách nhiệm hết sao…
- Thì lúc đó mình nói mình mượn…Còn trách nhiệm hả, Trưởng trạm gánh hết.
- Anh ghê thật! Chắc trước đây anh từng làm thế …
Dạy Mỹ Nhơn ăn cắp tiền, Lâm Hoàng Hà dạy cho nàng làm lại bảng lương giống như công ty phát.