Dịch giả: Phong Đảo
Chương Hai Mươi Lăm (2)

Mùa xuân năm đó, trên đồng cỏ Mông Cổ, đại quân của Thành Cát Tư Hãn bắt đầu kéo đi. Mấy chục con bò kéo cổ xe đại trướng của Thành Cát Tư Hãn, những kỵ binh thì dẫn theo ngựa để đủ dùng, trên những cổ xe lớn chở đầy những dụng cụ nấu ăn, trên lưng những con ngựa thồ đang thồ những chiếc lều lớn, bầy lạc đà và bầy bò cừu dùng để làm lương thực cũng đi theo đoàn quân.
Mỗi binh sĩ đều mặc áo lót dệt bằng tơ sống, có thể chống được tên. Giáp trụ bên trong làm bằng da bò, bên ngoài được kết nhiều giáp sắt có hình dạng như vẫy cá. Mỗi ngươi đều dẫn theo hai con ngựa để thay đổi cho ngựa khỏi quá mệt. Tất cả đều được trang bị một cây cung ngắn, hai túi tên bén và một số tên độc. Ngoài ra, tất cả binh sĩ còn được trang bị một cây giáo có móc hoặc một cây lao để phóng, một thanh đoản đao, một búa tay dùng để mở đường khi gặp núi rừng và khi gặp sông thì bắt cầu. Tất cả các chiến sĩ Mông Cổ mỗi người còn mang theo một cây cọc để cột ngựa, đề phòng khi tạm nghỉ những con chiến mã có thể bỏ đi.
Trong đội ngũ còn trang bị máy bắn đá, máy bắn lửa, súng bắn bằng thuốc nổ. Trên lưng những con lạc đà thồ còn chở theo những cổ hỏa pháo dùng để phá thành. Ngoài ra, còn có những cổ xe làm mộc để che chắn đá từ trong thành bắn ra và những cây thang dài để leo lên đầu thành v.v...
Do quân Mông Cổ chinh chiến liên miên nên nhân lực và tài lực cũng bị tổn thất khá nhiều. Đội quân thường trực của họ có khoảng hai mươi lăm vạn người. Do Mộc Hoa Lê đang đánh với quân Kim, nên tất nhiên họ còn phải để lại một bộ phận tinh binh. Như vậy, đoàn quân Tây chinh lúc đó có khoảng bao nhiêu người? Theo các nhà sử học Hồi giáo thì quân Mông Cổ có chừng sáu bảy chục vạn. Đến khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, thì những nhà sử học dự đoán quân Mông Cổ có mười hai vạn người. Riêng nhà sử học Nhật Bản là Tiểu Lâm Cao Tứ Lang thì cho rằng quân Mông Cổ thời bấy giờ có chừng hai chục vạn. Nhưng, có một điều cần phải biết, ấy là trong chuyến Tây chinh lần này, Thành Cát Tư Hãn đã động viên nam giới trong nước từ 16 tuổi đến 70 tuổi đều phải nhập ngũ xuất chinh.
Thành Cát Tư Hãn còn sai sứ sang gặp vua của Tây Hồi Hột là A Lực Ma Lý và Cáp Thích Lỗ Hãn để trưng thêm binh sĩ. Mộc Hoa Lê cũng từ phía bắc của triều đình nhà Kim gởi về thêm năm ngàn các loại thợ để đi theo đoàn quân Tây chinh.
Đại quân của Thành Cát Tư Hãn đi bất kể ngày đêm. Mặc dù đã cuối mùa xuân nhưng trên núi Altay tuyết băng vẫn chưa tan, đường đi rất nguy hiểm.
Tháng 5 năm 1219, đại quân của Thành Cát Tư Hãn đã phá băng mở đường để vượt qua núi Altay. Sát Hợp Đài, Giã Biệt chỉ huy quân tiên phong phá băng mở đường. Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa đứng trên cao, bên cạnh ông có Gia Luật Sở Tài và Hốt Lan phi cũng cưỡi ngựa đứng bên cạnh cùng quan sát. Phía dưới núi, Nạp Nha A chỉ huy các lính thợ tháo giở chiếc lều dùng làm đại trướng đặt trên một cổ xe lớn do hai chục con bò kéo để tiện vượt qua núi.
Tháng 6 cùng năm, đại quân của Thành Cát Tư Hãn đã đến được bờ sông Ngạch Nhi Tề Tư (Itrysh).:
Một hôm, quân Mông Cổ đã đến nơi cư trú của quân đồn điền do Gia Luật Bất Hoa làm chủ. Tại phía ngoài đại trướng Trung quân của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Lan phi và các tướng lãnh thuộc Trung quân cùng dự một bữa tiệc do Gia Luật Bất Hoa khoản đãi. Chiếc bàn của Gia Luật Bất Hoa đặt cạnh chiếc bàn của Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn to tiếng hỏi:
- Thế nào? Hương vị của rượu nho so với rượu sữa ngựa ra sao? Đây là rượu được làm bằng trái nho do hai vạn quân nông dân được Gia Luật Bất Hoa chỉ huy tự trồng và tự kháp lấy.
Gia Luật Sở Tài lên tiếng khen:
- Ngon lắm! Vừa thơm lại vừa nồng, uống thấy rất ngon!
Dã Lặc Miệt vừa cười vừa nói:
- Này ông râu dài, chỉ tạm được thôi, uống thấy ngọt quá, không mạnh bằng rượu sữa ngựa?
Tốc Bất Đài cũng nói đùa:
- Này, Gia Luật Bất Hoa lão huynh, tài nghệ làm rượu của ông anh chỉ để dành cho đàn bà uống chơi thôi! Hả hả...
- Này Tốc Bất Đài, nhà ngươi nói cái chi vậy? - Hốt Lan phi tức giận lên tiếng hỏi.
Tốc Bất Đài giật mình, tươi cười đáp:
- Tôi nói bà vợ của tôi ở nhà đấy mà, vậy xin bà đừng để ý!
Thành Cát Tư Hãn làm bộ giận, nói:
- Bà vợ ở nhà của nhà ngươi cũng đâu thể tùy tiện nói như thế được? Đối với con của nhà ngươi thì vợ của nhà ngươi là một bà mẹ đáng tôn kính đấy!
Tốc Bất Đài gãi đầu đáp:
- Phải! Phải!
Hốt Lan phi nói:
- Ai dám xúc phạm tới đàn bà thì không có quần áo để mặc, không có thịt để ăn, không có sữa ngựa để uống và tuyệt tự không có con cháu nữa!
- Hốt Lan phi nói rất đúng! - Thành Cát Tư Hãn quay sang các tướng nói tiếp - những người phụ nữ Mông Cổ bình thời phải cực nhọc gấp đôi đàn ông, trong thời chiến còn phải chịu trách nhiệm củng cố hậu phương nữa. Vậy chúng ta cần phải cám ơn họ, chứ không được lấy họ để giễu cợt.
Dã Lặc Miệt tát cho Tốc Bất Đài một cái tát tay, nói:
- Này đệ đệ, nhà ngươi hãy mau biểu diễn một trò tạp kỷ để chuộc tội đi!
Thành Cát Tư Hãn đưa tay chỉ Dã Lặc Miệt nói:
- Còn nhà ngươi nữa, Dã Lạc Miệt! Nhà ngươi là anh, sao cũng không ra gì thế!
- Tôi ư? Tôi thì lúc nào cũng ngon lành cả!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Nếu không có Gia Luật Bất Hoa khai khẩn đồn điền, thì chúng ta sẽ không có lương thảo tiếp tế và sẽ không thể đến được thành Ngõa Đáp Thích với tốc độ nhanh mà quân thù không thể tưởng tượng nổi. Ngày hôm nay, những gì mà nhà ngươi ăn là của Gia Luật Bất Hoa, cái gì mà nhà ngươi uống cũng là của Gia Luật Bất Hoa, thế mà nhà ngươi còn dám chê cái này chê cái nọ?
Dã Lặc Miệt đứng lên, nói:
- Tôi đáng phạt, tôi đáng phạt! Xin Đại Hãn ra đầu đề đi nào!
Thành Cát Tư Hãn chỉ Dã Lặc Miệt nói:
- Nhà ngươi biểu diễn Hải Đông Thanh còn Tốc Bất Đài thì biểu diễn con cá trong sông Hoàng Hà.
Bách Linh Điểu nói:
- Đó! Tôi có hai thằng con trai thật tuyệt vời!
Đám đông lên tiếng hoan hô. Dã Lặc Miệt dùng hai cánh tay bắt chước con đại bàng xòe cánh, nói:
- Đây tôi là con đại bàng Hải Đông Thanh có tiếng ở Liêu Đông, đang xòe cánh bay lượn trên bầu trời xanh.
Tốc Bất Đài dùng bàn tay đưa ra sau mông quạt qua quạt lại để làm đuôi cá, nói:
- Tôi là con cá lý ngư luôn sống vui vẻ trong dòng sông Hoàng Hà, lúc nào cũng bơi lượn tự do trong dòng nước.
- Ôi chao! Tôi đói rồi, tôi muốn đớp một miếng xem thịt của nhà ngươi thối hay thơm! - Dã Lặc Miệt há to miệng nhảy tới bên cạnh Tốc Bất Đài.
- Hứ! Nhà ngươi muốn ăn ta ư? Nhà ngươi đừng mong!
- Ta trợn tròn đôi mắt, dang rộng hai cánh.
- Còn ta thì cắn nhiều rong đưa lên mặt nước, để làm một cái lưới chặn nhà ngươi
Dã Lặc Miệt nhanh nhẹn xông tới nói:
- Ta từ trên cao đâm bổ xuống sống lưng của nhà ngươi đây!
- Khoan đã! Nhà ngươi chưa mổ được ta thì đã vướng vào tấm lưới bằng rong rồi. Thế nào? Cái miệng thèm ăn của nhà ngươi có chịu đầu hàng chưa?
Mọi ngươi cùng cười ồ. Dã Lặc Miệt chạy tới sau lưng Thành Cát Tư Hãn, nói:
- Ta dù chụp hụt nhà ngươi đi nữa, cũng được sự ân sũng của Đại Hãn. Trong những lúc đi săn bắn bao giờ ta cũng đứng trên vai của Đại Hãn. Còn nhà ngươi thì sao? Một khi bị vớt lên bờ, thì chắc chắn không thoát khỏi bị đem đi nấu, đem đi chưng và trở thành một tô súp cá!
Tốc Bất Đài làm ra vẻ như đang bị nấu, cố giãy giụa và té xuống mặt đất.
Một trận cười khoái trá nổi lên. Thành Cát Tư Hãn quay sang Bách Linh Điểu nói:
- Này Bách Linh Điểu, hai đứa con trai của nhà ngươi đã làm trò vui cho mọi người, vậy sao nhà ngươi chưa chịu dùng cây đàn của nhà ngươi để ủy lạo anh em?
Bách Linh Điểu liền kéo cây đàn đầu ngựa của mình mang theo, Hốt Lan phi cũng liền cất tiếng hát bài đưa chồng tùng chinh:
Ruổi ngựa chàng xuất chinh,
Tiễn chồng một lộ trình.
Người xa bóng đã khuất,
Ngóng mãi bụi trường chinh.
Núi xanh cờ phất phơ,
Tráng khí núi sông mờ.
Lôi đình khí thế mạnh,
Khiếp đảm giặc kêu trời.
Mũi nhọn giặc đã tà,
Giữ nước bảo vệ nhà.
Ái ân rắn như đá.
Tình thiếp gởi tận xa,
Giặc đánh đất nước ta,
Hăng hái đánh giặc xa.
Tạm quên tình quyến luyến,
Lập công đó chồng ta!
Đêm hôm đó trời bỗng nhiên đổ tuyết to.
Sáng sớm hôm sau, Thành Cát Tư Hãn và Hốt Lan hốt hoảng chạy ra khỏi đại trướng. Nhóm người của Dã Lặc Miệt đã đứng ngoài bãi tuyết từ lâu sắc mặt người nào người nấy cũng có vẻ hốt hoảng.
Dã Lặc Miệt bước tới nói:
- Thưa Đại Hãn, hôm nay phải làm lễ tế cờ để xuất chinh. Tiết trời đã vào hạ, tháng 6 rồi, thế nhưng bỗng nhiên đổ tuyết lớn, vậy có phải trời cao muốn cảnh cáo hay không?
Xích Thích Ôn cũng nói:
- Mùa hạ mà trời đổ tuyết to, vậy không phải là điềm tốt!
Tất cả mọi người đều quỳ xuống, hướng lên trời cao dập đầu khấn vái.
Binh sĩ Mông Cổ cũng đua nhau chạy ra khỏi lều trại và người nào người nấy cũng cúi đầu rồi từ từ quỳ xuống khấn vái.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Còn Gia Luật Sở Tài ở đâu? Ông ấy biết thiên văn địa lý, lại giỏi việc bói toán, vậy hãy mau mời ông ấy tới đây.
Quách Bảo Ngọc đưa tay chỉ về phía xa, nói:
- Ông ta kia kìa?
Gia Luật Sở Tài đang đứng bên bờ sông, vừa đưa tay vuốt râu vừa ngâm thơ:
Tuyết phủ đầu non tháng sáu lạnh,
Đường mòn tiều phu khúc khúc quanh.
Gộp đá đua xinh lòng thanh thản,
Muôn thuyền xuôi nhanh trông càng hăng!
Quách Bảo Ngọc to tiếng gọi:
- Bớ Gia Luật Sở Tài tiên sinh!
Gia Luật Sở Tài tươi cười đi trở về, nói:
- Cảnh núi trông thật là đẹp, tôi ngắm đã thèm từ lâu.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Này ông râu dài, tháng 6 mùa hè mà lại đổ tuyết to, phải chăng trời cao muốn cảnh cáo chúng ta, không cho chúng ta mở cuộc Tây chinh?
Gia Luật Sở Tài đáp:
- Ai nói thế? Đại quân sắp lên đường mà trời lại đổ tuyết to, đó là cái điềm chiến thắng quân địch!
- Thật thế ư? - Thành Cát Tư Hãn chưa dám tin vội.
Gia Luật Sở Tài nói qua giọng chắc chắn như đinh đóng cột:
- Trong quân đội thì không thể nói đùa!
Thành Cát Tư Hãn hết sức phấn khởi, nói:
- Tốt! Hãy đem lời nói của ông râu dài loan truyền ra khắp toàn quân!
Mấy tên Khiếp Tiết Quân chạy đi khắp nơi la lớn:
- Trời đổ tuyết to là điềm chiến thắng quân địch! Trời đổ tuyết to là điềm chiến thắng quân địch!
Mọi người đều thoát khỏi tâm trạng sợ hãi lo âu, vui mừng dập đầu lạy tạ trời cao.
Thành Cát Tư Hãn nói với mọi người:
- Ông râu dài là người hiểu được thiên cơ huyền diệu, vậy chúng ta phải đi bất kể ngày đêm, chỉ cho ngựa nghĩ chứ không cho người nghĩ, tranh thủ thời gian để giành thắng lợi. Lên đường!
Toán quân đi đầu của Mông Cổ đã tiến vào vùng núi Thiên Sơn (Shan Shan). Sát Hợp Đài và người Bách Hộ Trưởng xuất thân là thư sinh cùng với một số lính thợ đã làm nhiệm vụ công binh. Họ vượt qua tất cả gian nan để mở đường trên núi cho đoàn quân tiến lên.
Sát Hợp Đài chỉ huy cho binh sĩ bắc cầu, còn người Bách Hộ Trưởng xuất thân là thư sinh thì chỉ huy lính thợ đốn gỗ. Họ đã bắc tất cả 48 cây cầu với một tốc độ cực nhanh (Đến nay còn di tích 32 cây cầu loại đó)
Chẳng bao lâu sau, quân đội của Thành Cát Tư Hãn đã tiến vào vùng sa mạc Đại Qua Bích (Takla Makan) mênh mông.
Dưới ánh mặt trời thiêu đốt và những trận bão cát, mọi người chịu đựng khát nước, tiến lên bằng những bước đi khấp khểnh, Giã Biệt, chỉ huy một toán tiên phong hơn một trăm người, vừa thở hào hển vừa tiến lên để thăm dò đường đi. Những con ngựa của họ dẫn theo liên tục ngã xuống chết.
Mọi người dẫn ngựa tiến lên rất chậm chạp và thỉnh thoảng cũng có người ngã xuống chết.
Một binh sĩ đưa tay đấm vào ngực mình la to:
- Trời ơi! Tôi khát quá! Các anh hãy giết tôi đi để lấy máu tôi mà uống! Tôi không muốn sống nữa!
Mọi người dừng chân đứng lại, đưa đôi mắt buồn đau và thương hại nhìn anh ta. Giã Biệt nói:
- Hãy giết ngựa lấy máu mà uống!
Đóa Đãi hỏi:
- Không có ngựa thì làm sao đánh giặc?
Giã Biệt đáp:
- Quân đội đi ở phía sau chắc chắn sẽ có ngựa cho chúng ta. Chúng ta phải sống để tìm đường đi cho đại quân mới được!
Đóa Đãi gục đầu xuống nói:
- Đành phải giết ngựa thôi! - Anh ta rút đoản đao ra cắt động mạnh của một con chiến mã rồi dùng túi da đựng máu. Con ngựa ngã xuống, anh ta trao túi da đựng máu cho Giã Biệt, còn chính anh ta thì kê miệng vào vết thương nơi đùi ngựa để hút máu. Giã Biệt uống mấy ngụm máu ngựa thì trao lại cho các binh sĩ lần lượt uống tiếp. Mọi người lại bắt đầu tiến lên.
Trên sa mạc Đại Qua Bích nằm rải rác những xác ngựa chết. Đoàn quân của Giã Biệt đã trở thành một đoàn bộ binh. Trên sa mạc Qua Bích, nằm rải rác đó đây hơn 100 chiến sĩ tiên phong của quân Mông Cổ.
Người nào người nấy trông như xác chết, không ai lên tiếng nói nửa lời. Giã Biệt nằm sấp trên mặt cát, nhắm cả đôi mắt lại.
Đóa Đãi từ phía xa đưa cao một chiếc túi da la to:
- Bớ Giã Biệt Na Nhan, người Úy Ngột Nhi đến kia rồi! - Chân anh ta bị vấp té nằm xuống mặt cát.
Giã Biệt và mọi người cùng ngóc đầu dậy, gắng gượng đứng lên, bước những bước lảo đảo đi về phía trước.
Tại cung đình của Hoa Thích Tử Mô. Ma Kha Mạt Toán Đoan đang ngồi trên ngai vàng ngủ gật, tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý đứng bên cạnh chờ đợi, đôi mắt luôn nhìn chăm chú vào ông ta.
Trước khi trận chiến tranh này diễn ra, nhiều tín đồ đạo Cơ Đốc ở phương Tây từng loan truyền một câu chuyện thần thoại: Họ bảo tại phương Đông sắp xuất hiện một thánh Juan. Vị thánh này sẽ dạy cho Ma Kha Mạt, người đã gieo rắc tai họa cho các quốc gia Cơ Đốc giáo một bài học. Nhưng bây giờ người mang tới sự kinh hoàng cho kinh đô mới của Hoa Thích Tử Mô là Tát Ma Nhĩ Can không phải thánh Juan, mà chính là Thành Cát Tư Hãn.
Trong giấc mơ, Ma Kha Mạt Toán Đoan thấy chập chờn đoàn quân của Giã Biệt đang từ xa xông lại trước mặt mình. Ông ta vội vàng từ tấm thảm len trải trên đất đứng phắt dậy, nhảy phốc lên lưng chiến mã. Các vệ sĩ của ông ta xông ra chận Giã Biệt lại. Nhưng, con ngựa của ông ta cứ chạy xoay vòng, không còn nghe theo lệnh của ông ta nữa. Giã Biệt vượt qua được các vệ sĩ, xông đến trước đầu ngựa ông ta, rồi từ con ngựa Mông Cổ thấp bé huơ đao lên chém xuống đầu ông ta. Ông ta la "Ớ" một tiếng, thì giật mình nhảy khỏi ngai vàng.
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý giật mình, hỏi:
- Thưa Toán Đoan bệ hạ, sao vậy?
Ma Kha Mạt Toán Đoan tự trấn tĩnh lại, giận dữ hỏi:
- Tại sao nhà ngươi không đi truyền lệnh của ta? Nhà ngươi đứng đó làm gì?
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý đáp:
- Bệ hạ chưa trả lời kiến nghị của Trát Lan Đinh?
- Kiến nghị của Trát Lan Đinh ư? À, tức là... tức là...
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý nói:
- Tức là đưa bốn chục vạn kỵ binh và ba chục vạn bộ binh của chúng ta đến bờ sông Amu để quyết chiến với Thành Cát Tư Hãn, chứ đừng chia quân ra để giữ các bến đò và tuyệt đối không thể dụ địch vô sâu để đối phương đánh bại từng đơn vị một của chúng ta!
- Ta biết rồi! - Ma Kha Mạt Toán Đoan bực dọc nói tiếp - Trát Lan Đinh tuổi trẻ tính nóng, tưởng đâu người Mông Cổ dễ đối phó đấy sao? Được rồi, ta mệt lắm rồi, nhà ngươi hãy đi truyền lệnh của ta cho các Hãn đi nào!
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý muốn nói thêm, nhưng nhìn thấy Ma Kha Mạt đã nhắm hai mắt lại, nên đành phải lui ra, nói:
- Thần đi!
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý từ trong cung đình bước ra nói với các Hãn đang chờ đợi:
- Thưa các Hãn của nước Hoa Thích Tử Mô, Toán Đoan bệ hạ không được khỏe, nên không thể lâm triều. Nhưng, vị tiên tri vĩ đại đã báo cho Toán Đoan bệ hạ biết, là cuộc chiến tranh sắp tới đây các tín đồ chính giáo sẽ thắng. Toán Đoan bệ hạ sẽ chỉ huy một đoàn quân bách thắng của nước ta đông gấp ba lần quân tà giáo của Mông Cổ và sẽ đánh bại Thành Cát Tư Hãn. Đối với cuộc chiến tranh sắp tới, bệ hạ bố trí như sau: mười một vạn quân đội sẽ do bệ hạ và người trưởng nam là Trát Lan Đinh chỉ huy, trấn thủ kinh đô mới Tát Ma Nhĩ Can. Số còn lại sẽ do các Hãn chỉ huy giữ cương thổ của mình. Riêng Hải Nhĩ Hãn điện hạ thì Toán Đoan bệ hạ có nói rõ là: Người gây ra cuộc chiến tranh này chính là Hải Nhĩ Hãn điện hạ, vậy thành Ngõa Đáp Thích của ngài sẽ bị đánh đầu tiên, cho nên Toán Đoan bệ hạ có phái thêm Cáp Thích Sát Hãn chỉ huy một vạn quân để hiệp trợ cho ngài giữ thành Ngõa Đáp Thích.
Cáp Thích Sát Hãn giật mình nói:
- Phái tôi ư?
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý nói tiếp:
- Xin các Hãn ai tự lo liệu lấy nấy!
Mọi người cùng rời đi, chỉ còn lại Trát Lan Đinh, Thiết Mộc Nhi Diệc Lý và Cáp Thích Sát Hãn. Cáp Thích Sát Hãn nói:
- Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý ơi, con người tham lam Hải Nhĩ Hãn đó, sau khi cướp đoạt tài sản thương đội của người Mông Cổ chẳng hề chia cho tôi một đồng "đệ nhĩ hách mẫu" bằng đồng đen nào cả. Bây giờ người Mông Cổ kéo tới, đáng lý tự ông ta phải lo đối phó mới phải, đàng này còn kéo tôi vào để phụ trả nợ ư?
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý dang rộng hai cánh tay, lắc đầu nói:
- Đây là lệnh của Toán Đan và Thái hậu, bộ ông muốn chống lại không tuân chỉ sao?
Cáp Thích Sát Hãn làm thinh, gục đầu buồn bã bỏ đi. Tại đó chỉ còn lại tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý và Trát Lan Đinh. Hai người đưa mắt nhìn nhau, tâm trạng cảm thấy hết sức nặng nề.
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý thở dài, nói:
- Khoảng cách của một con người từ chỗ ngạo mạn đi tới chỗ tự ti không ngờ lại ngắn ngủi đến thế!
Trát Lan Đinh đang mân mê cái túi trang trí trên cán gươm, làm thinh không nói gì cả. Thiết Mộc Nhi Diệc Lý giận dữ nói tiếp:
- Một Thái hậu chuyên quyền kiêu căng nhưng lại ngu muội không biết gì ; một Toán Đoan tự cao mù quáng, khi vui khi giận không biết đâu mà rờ. Nước Hoa Lặc Tử Mô này chắc là bị họ hủy diệt mất! Này Trát Lan Đinh, bây giờ phải chính ông đứng ra bảo vệ tài sản và tính mạng cho tất cả tín đồ chính giáo, phải giúp cho Hoa Thích Tử Mô thoát khỏi một tai ương khủng khiếp. Phải lãnh lấy trách nhiệm cứu nước cứu dân!
Trát Lan Đinh gượng cười nói:
- Tôi đã bị truất phế Thái tử, vậy bây giờ tôi chỉ còn có thể chi phối thanh gươm chiến đấu trong tay của tôi mà thôi!
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý làm thinh không nói gì thêm, nhưng nỗi căm hận trong lòng ông ta thì mỗi lúc càng thêm to lớn. ông ta bất thần tuốt gươm ra, vừa chém vừa đâm lung tung trong không khí, đôi mắt trào lệ, nói:
- Tôi đã đem lời nói của ông nói lại cho phụ thân ông nghe rồi. Bốn chục vạn kỵ binh và ba chục vạn bộ binh của chúng ta cần phải dàn ra tại biên giới, để từ đó tiến về Tây Liêu, Úy Ngột Nhi và Nải Man để quyết chiến với Thành Cát Tư Hãn chứ không thể chia ra để giữ các bến đò, các địa điểm hiểm yếu, vì làm như vậy sẽ bị người ta tiêu diệt từng nơi. Nhưng, Toán Đoan vẫn không chịu nghe. Bộ xương của ông ta đã bị người Mông Cổ tên gọi là Giã Biệt làm cho sợ hãi nên trở thành mềm xốp rồi!
Trát Lan Đinh nói:
- Hãy chờ đợi thôi. Thành Cát Tư Hãn muốn vượt qua đồng cỏ, vượt qua núi tuyết, vượt qua sa mạc Đại Qua Bích, chắc là phải tốn đến hơn một năm chăng? Đến chừng đó cụ già thời gian sẽ có một số thay đổi cũng không biết chừng!
Thiết Mộc Nhi Diệc Lý nói:
- Hy vọng là chúng ta còn kịp đối phó!

Truyện Thành Cát Tư Hãn Lời Tựa Phần Một - Phần Dẫn Chuyện Chương Một (1) Chương Một (2) Chương Hai (1) Chương Hai (2) Chương Ba (1) Chương Ba (2) Chương Bốn Chương Bốn (2) Chương Năm Chương Năm (2) Chương Năm (3) Chương Sáu Chương Sáu (2) Phần II - Chương Bảy Chương Bảy (2) Chương Bảy (3) Chương Tám Chương Tám (2) Chương Chín Chương Chín (2) Chương Mười Chương Mười (2) Chương Mười Một Chương Mười Một (2) Chương Mười Hai Chương Mười Hai (2) Chương Mười Hai (3) Phần III - Chương Mười Ba Chương Mười Ba (2) Chương Mười Ba (3) Chương Mười Bốn Chương Mười Bốn (2) Chương Mười Bốn (3) Chương Mười Lăm Chương Mười Lăm (2) Chương Mười Lăm (3) Chương Mười Lăm (4) Chương Mười Sáu Chương Mười Sáu (2) Chương Mười Sáu (3) Chương Mười Sáu (4) Chương Mười Bảy Chương Mười Bảy (2) Chương Mười Bảy (3) Chương Mười Bảy (4) Chương Mười Tám (1) Chương Mười Tám (2) Phần IV - Chương Mười Chín (1) Chương Mười Chín (2) Chương Mười Chín (3) Chương Hai Mươi Chương Hai Mươi (2) Chương Hai Mươi (3) Chương Hai Mươi Mốt (1) Chương Hai Mươi Mốt (2) Chương Hai Mươi Mốt (3) Chương Hai Mươi Hai Chương Hai Mươi Hai (2) Chương Hai Mươi Hai (3) Chương Hai Mươi Ba Chương Hai Mươi Ba (2) Chương Hai Mươi Ba (3) PHẦN V - Chương Hai Mươi Bốn (1) Chương Hai Mươi Bốn (2) Chương Hai Mươi Bốn (3) Chương Hai Mươi Lăm (1) Chương Hai Mươi Lăm (2) Chương Hai Mươi Lăm (3) Chương Hai Mươi Sáu (1) Chương Hai Mươi Sáu (2) Chương Hai Mươi Bảy (1) Chương Hai Mươi Bảy (2) Chương Hai Mươi Bảy (3) Chương Hai Mươi Bảy (4) Chương Hai Mươi Tám (1) Chương Hai Mươi Tám (2) Chương Hai Mươi Tám (3) Chương Hai Mươi Tám (4) Chương Hai Mươi Chín Chương Hai Mươi Chín (2) Chương Hai Mươi Chín (3) Chương Ba Mươi Chương Ba Mươi (2) Chương Ba Mươi (3)