Dịch giả: Phong Đảo
Chương Hai Mươi (3)

Thành Cát Tư Hãn thúc ngựa chạy lên một mỏm núi thò ra xa, có tên gọi là Hoan Nhi Chủy để quan sát tình hình quân địch. Ông không khỏi giật mình, nói:
- Ồ! Nước Kim rõ ràng là một đại quốc, binh sĩ của họ đông như biển, còn chúng ta rõ ràng chỉ là một bụm cát mà thôi!
Mộc Hoa Lê và Tứ Kiệt đứng bên cạnh Thiết Mộc Chân cũng không khỏi căng thẳng. Mộc Hoa Lê nói:
- Thưa Đại Hãn, quân Kim đông đến 45 vạn, còn quân ta chỉ có 10 vạn, về mặt quân số rõ ràng ta yếu kém hơn, vậy nếu không liều chết chiến đấu thì không thể giành thắng lợi được!
Số người của Bát Nhi Truật cũng nói:
- Không đánh bại được Hoàn Nhan Cửu Cân thì tôi thề không sống trở về.
Hai bàn tay của Thành Cát Tư Hãn nắm thành hai quả đấm, nói một cách quyết tâm:
- Được! Hôm nay nếu chúng ta không nằm xuống Dã Hồ Lãnh để cho người đời sau trả thù thay chúng ta, thì chúng ta sẽ vượt qua Dã Hồ Lãnh để cho người đời sau vĩnh viễn nhớ lấy tên tuổi của chúng ta!
Bên dưới ngọn soái kỳ của quân Kim, viên quân sư đưa cánh tay phải lên vừa chỉ vừa nói:
- Người đứng trên mỏm núi Hoan Nhi Chủy chính là Thiết Mộc Chân. Thưa nguyên soái, chúng ta hãy ra lệnh cho một vạn kỵ binh xông lên đó, vì muốn bắt giặc thì phải bắt ông vua của nó trước!
Cửu Cân nói qua thái độ thận trọng:
- Không được, ưu thế của chúng ta là tập trung lại để hơn hẳn chúng về mặt quân số, vậy không thể phân tán mỏng để tạo điều kiện cho Thiết Mộc Chân đánh bại ta.
Viên quân sư cứng họng, không nói thêm gì được nữa.
Đứng trên mỏm núi Hoan Nhi Chủy, Thành Cát Tư Hãn đang suy nghĩ trong đầu óc rất căng thẳng. Bát Nhi Hốt nói:
- Cái chiêu tập trung binh lực của Đồ Đơn Dật đúng là hết sức sáng suốt.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Đúng vậy! Nhưng ta đừng để sa vào bẩy của chúng. Nếu chúng ta mở cuộc tổng công kích trên toàn tuyến tại Dã Hồ Lãnh, thì mỗi binh sĩ của chúng ta bị đến bốn thanh mã tấu của người Nữ Chân tấn công, nhưng nếu 10 vạn quân thiết kỵ của ta tập trung đánh vào 10 vạn trung quân của nó, thì binh sĩ của ta sẽ đánh một xuất một với chúng. Nếu đánh như vậy không thể thắng chúng, thì đó là do chúng ta đã dùng toàn ngựa tồi, cừu bệnh và lạc đà gầy đó thôi! - Ông thúc ngựa quay trở lại đứng dưới lá quân kỳ Thốt Hắc, hỏi:
- Này Mộc Hoa Lê, một vạn cảm tử "Bác Lỗ Quân Doanh" của ta ở đâu?
Mộc Hoa Lê đáp:
- Họ đang ở trước mặt ngài đó!
Bác Lỗ Quân Doanh cùng xoay người lại, quì một chân xuống trước mặt Thành Cát Tư Hãn, tung hô:
- Thành Cát Tư Hãn vạn tuế!
Thành Cát Tư Hãn to tiếng ra lệnh:
- Quân địch đang đứng đối diện với chúng ta ở bên kia. Chúng đông hơn chúng ta gấp bốn lần và cao rao là sẽ dùng biển cả của chúng để nhận chìm bụm cát nhỏ của chúng ta, vậy các ngươi có sợ không nào?
Một vạn cảm tử quân đồng thanh thét to:
- Không sợ!
Thành Cát Tư Hãn liền cao giọng ra lệnh:
- Hãy mang con lừa gỗ lại đây!
Hai tên Khiếp Tiết Quân cùng khiêng con lừa gỗ tới. Thành Cát Tư Hãn nói:
- Các ngươi xem, tổ tiên của chúng ta là Yểm Ba Hài Hãn đã bị hoàng đế của nước Kim đóng lên một con lừa gỗ giống như thế này để giết chết. Vậy ngày nay, ta phải nhờ các ngươi xông lên Dã Hổ Lãnh, đoạt lấy soái kỳ của Hoàn Nhan Cửu Cân, để đóng sự thù hận, sự tủi nhục của chúng ta lên con lừa gỗ này!
Một vạn quân cảm tử đồng thanh la to:
- Trả thù!
Thành Cát Tư Hãn xuống lệnh:
- Này Đóa Đãi, hãy đặt con lừa gỗ lên lưng ngựa của nhà ngươi! - Đóa Đãi tuân lệnh với một tinh thần hết sức trang nghiêm.
Thành Cát Tư Hãn lại xuống lệnh:
- Này Mộc Hoa Lê, Cáp Tát Nhi, Giã Biệt, các ngươi hãy dẫn 3.000 tay cung nỏ để bắn yểm trợ, còn Tốc Bất Đài, Dã Lặc Miệt, Hốt Tất Lai, Truật Xích Đài hãy dẫn một vạn quân cảm tử Bác Lỗ Quân Doanh thọc sâu vào trận địa của Trung quân địch, giống như đâm thẳng một con dao nhọn vào tim chúng!
Các tướng đồng thanh đáp:
- Tuân lệnh! - Toàn quân cùng nhảy lên lưng chiến mã.
Vô số những chiến sĩ chịu trách nhiệm thổi tù, cũng như vô số những chiến sĩ chịu trách nhiệm đánh trống chiến đang đứng dưới lá quân kỳ Thốc Hắc, liền đồng loạt thổi tù và và đánh trống lên vang rền cả khu núi. Quân Kim đứng bên trên Dã Hồ Lãnh không khỏi hoang mang hỗn loạn.
Oa Khoát Đài thúc ngựa chạy đến dưới lá quân kỳ Thốc Hắc, nói:
- Thưa phụ Hãn, người hãy nhìn xem vó ngựa của bọn sĩ quan tiên phong bên quân Kim đang giẫm đạp liên tục, không bao giờ đứng yên!
Thành Cát Tư Hãn cười, nói:
- À, chúng nó đang sợ đấy! Nghe đây hỡi các anh hùng của người mẹ Mông Cổ đáng kính của chúng ta, sức mạnh của trời cao sẽ phát huy lên tất cả mọi người của chúng ta, đây là thời cơ để cho các ngươi lập công lập nghiệp đó! Xung phong! - Sát!... - Những tiếng thét kinh thiên động địa, đi đôi với những trận mưa tên yểm trợ cho đoàn chiến mã Mông Cổ ồ ạt đánh thẳng vào Trung quân của quân Kim.
Tiền quân của quân Kim bắt đầu hỗn loạn. Những trận mưa tên vừa bay tới là quân Kim đua nhau té xuống ngựa. Những tên lính Kim nhát gan đã bắt đầu thối lui.
Tại nơi Trung quân, Hoàn Nhan Cửu Cân quát to:
- Ta ra lệnh cho các quan tiên phong xuất kích, đẩy lui quân địch!
Lá quân kỳ phất về phía trước ba lần và một sĩ quan tiên phong của quân Kim đưa cao thanh mã tấu chỉ về phía trước ra lệnh:
- Hãy giết chết bọn Thát Đát!
Binh sĩ của quân Kim người sau đẩy người trước ào ào tiến lên.
Tiếng "Sát" chấn động cả bầu trời. Đôi bên bắt đầu giao phong. Một cuộc ác chiến thực sự đã diễn ra!
Thành Cát Tư Hãn nói với binh sĩ truyền lệnh:
- Hãy nói cho số người của Dã Lặc Miệt biết, là đừng để ý chi tới các sĩ quan tiên phong, mà tập trung đánh thẳng vào Trung quân của chúng! - Binh sĩ truyền lệnh vội vàng thúc ngựa chạy đi!
Thành Cát Tư Hãn nói với Mộc Hoa Lê:
- Này Mộc Hoa Lê, hãy cho những đội cung nỏ áp đảo đối phương.
Mộc Hoa Lê đưa cao thanh đao trong tay la lớn:
- Tất cả các tay cung nỏ hãy tiến lên!
Đội cung nỏ tức thì thúc ngựa xông về phía trước. Họ ngồi trên lưng ngựa giương cung bắn về phía Trung quân của quân Kim.
Những tên lính của quân Kim cứ người này ngã thì người kia tiến lên...
Về phía Mông Cổ cứ đội ngũ cung nỏ này vừa bắn hết tên thì nhanh nhẹn rút lui ra sau, tức thì một đội cung nỏ khác liền tràn lên thay thế, tiếp tục bắn tên ra như mưa. Cứ thế họ thay phiên nhau để giữ vững trận địa và liên tục bắn tên về phía địch, giết chết vô số địch quân.
Tại thung lũng của khu núi, quân Kim bắt đầu thối lui, bỏ chạy...
Thanh mã tấu trong tay của Dã Lặc Miệt vừa tung lên vừa quát:
- Mau giật lấy soái kỳ của Hoàn Nhan Cửu Cân!
Đóa Đãi vừa ôm con lừa gỗ vừa thúc ngựa tiến lên trước tiên.
Các tay cung nỏ tập trung bắn vào bức tường người của quân Kim, tạo ra một đột phá khẩu. Các chiến sĩ cảm tử của quân Mông Cổ liền xung phong vượt qua đột phá khẩu đó, đánh thẳng vào trận địa của Trung quân.
Dưới lá cờ Thốc Hắc, Thành Cát Tư Hãn giương to đôi mắt chăm chú theo dõi cuộc sát phạt tại Dã Hồ Lãnh. Nạp Nha A và Biệt Lặc Cổ Đài nói:
- Đã tiến lên được rồi, Trung quân của Hoàn Nhan Cửu Cân bắt đầu chao đảo rồi!
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn không hề chớp, đưa một cánh tay ra nói:
- Rượu sữa ngựa!
Bọn thị vệ rót một tô rượu sữa ngựa trao đến tận tay ông. Nhưng,
Trấn Hải bỗng hốt hoảng kêu lên:
- Không xong rồi! Các chiến sĩ của đội cảm tử bị họ chặn đứng rồi!
Thành Cát Tư Hãn bóp nát chén rượu trong tay, xuống lệnh:
- Nạp Nha A và tất cả Khiếp Tiết Quân hãy lên lưng ngựa!
Nhưng cũng vừa lúc đó thì Trấn Hải lại la lên:
- Đội cảm tử Bác Lỗ Quân Doanh lại tiến lên được rồi!
Thành Cát Tư Hãn đưa tay lên nói:
- Hãy chờ một chốc!
Trên đỉnh Dã Hồ Lãnh những xác chết của quân Kim và quân Mông Cổ nằm la liệt. Số người của Truật Xích Đài đang đẩy lui hai cánh hai bên của quân Kim, còn hơn 100 người của Đóa Đãi thì máu tươi be bét khắp cả người, đang đánh sáp lá cà chết sống với mấy mươi tên quân Kim bảo vệ lá cờ. Rốt cục, Đóa Đãi đã dùng một thanh đoản đao để đóng lá soái kỳ của quân Kim lên con lừa gỗ và đưa con lừa gỗ lên cao la lớn:
- Soái kỳ của quân Kim đã ngã rồi!...
Thành Cát Tư Hãn phấn khởi đưa một cánh tay ra nói:
- Đưa rượu sữa ngựa tới!
Quân Mông Cổ hò reo như sấm động. Kỵ binh Mông Cổ tay cầm mã tấu đồng loạt thúc ngựa xông lên Dã Hồ Lãnh.
Hoàn Nhan Cửu Cân đang bị đánh ép sang một phía của Dã Hồ Lãnh, giận dữ nói:
- Hỡi con cháu của Thái tổ A Cốt Đả, bộ thanh mã tấu của các người bị cuốn mép hết rồi hay sao? Sợi dây cung của các người đã mục hết rồi hay sao? Ta lấy danh nghĩa đáng kiêu ngạo của người Nữ Chân, cũng như lấy danh nghĩa tướng quân Hoàn Nhan Ngột Truật từng đánh đâu thắng đó, để hiệu triệu các ngươi, hãy mau phản công để giật lá soái kỳ trở lại!
Dứt lời, Cửu Cân và quân sư cùng dẫn quân Kim mở cuộc phản công. Một trận đánh sáp lá cà lại xảy ra. Quân Kim đẩy lùi quân Mông Cổ. Một tướng Kim đã đoạt được lá soái kỳ trên con lừa gỗ và dựng nó lên như trước.
Quân Kim hoan hô như sấm, trong khi quân Mông Cổ trên toàn tuyến đang bị đẩy lui.
Thành Cát Tư Hãn giận dữ ném chén rượu xuống đất, nhảy phóc lên lưng ngựa, đưa cao ngọn giáo Tô Lỗ Đỉnh, quát lớn:
- Sự sống chết, sự tồn vong của người Mông Cổ được quyết định ở trận đánh này! Tất cả Khiếp Tiết Quân hãy theo ta!
Thấy Thành Cát Tư Hãn nhảy lên ngựa, tay đưa cao ngọn giáo dài, thì Tứ đệ (Bốn người em trai), Tứ Tử (Bốn người con), cùng Khiếp Tiết Quân đồng loạt tiến lên trên toàn tuyến. Số quân Mông Cổ đang bị đẩy lui thấy vậy cũng quay trở lại chiến đấu.
Một trận đánh sáp lá cà thảm khốc đã diễn ra trước lá soái kỳ tại Trung quân của quân Kim. Người vật lộn với người, ngựa cắn nhau, đá nhau với ngựa. Đóa Đãi đang vật lộn với một tên binh sĩ người Kim. Thoát Hổ bị một tướng Kim chẹn lấy cổ họng; anh Râu Đen từ phía sau lưng dùng đoản đao đâm chết một viên tướng Kim. Một tên lính Kim nhanh nhẹn chạy tới dùng thanh mã tấu trong tay chặt đứt cánh tay phải của anh Râu Đen. Thoát Hổ chụp lấy thanh đoản đao nằm trên mặt đất, đâm chết ngay tên binh sĩ đó...
Hoàn Nhan Cửu Cân nói với quân sư:
- Này quân sư, hãy mau phái người hối thúc Hoàn Nhan Hồ Sa, xem tại sao 15 vạn binh sĩ của ông ta lâu quá mà không tới tăng viện?
Viên quân sư tức giận đáp:
- Thưa nguyên soái đừng chờ đợi nữa, vì Hoàn Nhan Hồ Sa đã bỏ chạy rồi!
- Cái gì? - Hoàn Nhan Cửu Cân trừng đôi mắt đỏ ngầu lên mắng tiếp - Đúng là một con chồn bị gãy xương sống!
Viên quân sự lên tiếng khuyên:
- Thưa nguyên soái, nên rút lui sớm để bảo tồn lực lượng. Một khi còn đủ lực lượng thì sau này sợ gì mình không có dịp chiến thắng.
Cửu Cân đáp:
- Không! Núi xanh đâu đâu cũng là nơi chôn vùi xương cốt của người trung liệt. Ta hoặc là Thiết Mộc Chân, ngày hôm nay phải có một người ngã xuống tại Dã Hồ Lãnh này!
Cửu Cân đưa ngang thanh kiếm, quì xuống đất khấn vái:
- Hỡi anh linh của Thái Tổ hãy phù hộ tôi! - Dứt lời, ông ta nhảy lên lưng ngựa chạy xuống chiến trường ở dưới chân đồi. Hơn 100 kỵ mã của quân Kim cũng hối hả chạy theo. Cửu Cân và viên quân sư mở một con đường máu để tiến thẳng về phía Thiết Mộc Chân. Hơn 100 kỵ binh theo sau ông ta đều bị trúng tên ngã xuống ngựa. Thiết Mộc Chân quát to một tiếng, cùng binh sĩ tràn lên chận đánh Hoàn Nhan Cửu Cân. Khi hai đầu ngựa của họ tiếp cận nhau, Thiết Mộc Chân dùng ngọn giáo dài đâm trúng Hoàn Nhan Cửu Cân. Hoàn Nhan Cửu Cân phủ phục trên yên ngựa. Nhưng ông ta không bỏ chạy luôn, mà vòng trở lại đánh nhau với Thiết Mộc Chân. Tuy nhiên, nhưng ông ta không còn đủ sức chiến đấu nữa, thanh gươm trong tay ông ta bị rơi xuống đất và người ông ta cũng lảo đảo rồi té xuống ngựa.
- Bớ nguyên soái! - Viên quân sư cất giọng bi phẫn quát to, rồi nhảy bổ đến bên cạnh Cửu Cân. Chỉ trong nháy mắt có đến mấy mươi kỵ binh Mông Cổ bao vây lấy ông ta.
Nạp Nha A nói lớn:
- Hãy ném thanh đao xuống đi, Thành Cát Tư Hãn của chúng tôi sẽ tha chết cho nhà ngươi!
Viên quân sư từ từ đứng dậy, xoay ngược mũi đao đâm mạnh vào bụng của mình và té khụy xuống đất!
Thiết Mộc Chân nhảy xuống ngựa, bước đến trước xác Cửu Cân và viên quân sư, bùi ngùi nói:
- Qua tinh thần của họ, ta hiểu được tại sao người Nữ Chân đã làm chủ Trung Nguyên suốt 100 năm qua - ông ngửa mặt lên nói tiếp - Nhưng, những dũng sĩ như vầy hiện không còn có mấy người, mà số đông chỉ là bọn hèn nhát như Hoàn Nhan Hồ Sa và Hồ Sa Hổ. Thời đại mà nước Kim oai hùng một cõi đã qua rồi. Vùng đất rộng tại Trung Nguyên này, chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành nơi để cho đội thiết kỵ của Mông Cổ tha hồ giong ruổi!
Giữa tiếng hoan hô thắng lợi vang rền, Thiết Mộc Chân đi đến địa điểm từng là nơi cấm lá soái kỳ của Cửu Cân, nhìn thấy xác chết của binh tướng hai bên chồng chất lên nhau mấy lớp. Ngọn soái kỳ của quân Kim đã rách nát mà Đóa Đãi đang cầm trong tay, được cắm lên con lừa gỗ.
Thành Cát Tư Hãn kêu lên:
- Đóa Đãi!
Đóa Đãi lảo đảo ngước đầu nhìn lên, đáp:
- Thưa Đại Hãn, tôi có thể làm binh sĩ cảm tử Bác Lỗ Quân Doanh nữa mà!
- Hãy khiêng anh ta đi chữa trị vết thương!
Thành Cát Tư Hãn đưa mắt nhìn quanh các tướng sĩ, mỉm cười nói:
- Trận đánh thật tuyệt! - Ông ta cao giọng hơn nói tiếp - Cái gã Đồ Đơn Dật Thừa tướng của nước Kim, chỉ biết tập trung một quân số đông hơn ta gấp mấy lần để quyết chiến với ta, nhưng hắn lại quên 45 vạn kỵ binh của hắn, không phải là chiến mã mà lại là những con lừa!
Các tướng sĩ tuy khôi giáp không còn nguyên vẹn, khi nghe qua lời nói trên đều phá lên cười. Tiếng cười của họ mỗi lúc một to, chấn động cả khu Dã Hồ Lãnh. Sau khi tiếng cười chấm dứt Thành Cát Tư Hãn đưa mắt nhìn quanh cảnh xác chết chồng chất trên chiến trường, hai mắt của ông lóng lánh ánh lệ. Ông từ từ quì xuống. Các tướng sĩ khác cũng đều quì theo.
Tại Dã Hồ Lãnh là một trận quyết chiến giữa quân Mông Cổ và triều đình nhà Kim. Triều đình nhà Kim đã học được bài học thất bại trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh là "chia mỏng quân đội để đóng giữ ở các cửa ải, các thành quách", bắt đầu áp dụng chiến lược "tập trung quân số” để đối phó với quân địch. Họ tập trung 45 vạn quân tinh nhuệ trên cả nước, dàn trận tại Dã Hồ Lãnh, với ý đồ dồn quân đội Mông Cổ vào con đường chết. Đây là một trận chiến có qui mô lớn nhất mà từ trước đến nay Thành Cát Tư Hãn chưa bao giờ gặp. Ông đã tiếp nhận kiến nghị của Mộc Hoa Lê, trước tiên dùng đội quân cảm tử để thọc sâu vào Trung quân của địch, rồi sau đó các cánh quân khác mới mở đường tấn công, tức tập trung 10 vạn quân để đánh thẳng vào một mục tiêu chủ yếu. Hơn nữa, chủ soái của Mông Cổ dù đứng trước mọi tình trạng nguy hiểm vẫn không hốt hoảng, vẫn bình tĩnh chỉ huy. Các tướng sĩ của Mông Cổ lại xem cái chết như không, dám xông lên tiêu diệt giặc. Do vậy, chủ lực của triều đình nhà Kim mới bị đánh bại. Riêng quân tiếp ứng của họ chưa đánh đã bỏ chạy trước. Cho nên xác chết của quân Kim đã nằm rải rác trên một diện tích rộng hằng trăm dặm. Trận quyết chiến này đã thể hiện tài năng chỉ huy siêu việt của Thành Cát Tư Hãn, cũng như tinh thần ngoan cường của kỵ binh Mông Cổ, tạo nên một sức tấn công không gì ngăn chặn được. Đúng như lời của một sử gia đã nói: Qua trận đánh này, binh lực súc tích cả trăm năm của triều đình nhà Kim đã bị đánh bại hoàn toàn, nên thế nước của họ ngày càng suy sụp. Chúng ta có thể nói không hề khoa trương rằng, trận đánh tại Dã Hồ Lãnh là một bước ngoặc đối với sự thất bại của triều đình nhà Kim và sự thắng lợi của quân Mông Cổ.
Trong Tử Cấm Thành của triều đình nhà Kim, hoàng đế Vĩnh Tế của nước Kim từ long sàng ngồi bật dậy, quay sang thái giám hỏi:
- Nhà ngươi nói gì?
Thái Giám tâu:
- Quan Tả gián Nghị phu Trương Hạnh Tín xin vào tâu tình hình quân sự khẩn cấp. Hoàng đế Vĩnh Tế khoác áo bước ra khỏi gian phòng ngủ ấm cúng, đi thẳng đến trung điện. Trương Hạnh Tín dập đầu lạy tâu:
- Hoàng thượng cát tường! - Hoàng đế Vĩnh Tế không quan tâm đến vấn đề lễ nghi, nói:
- Hãy nói mau tình hình ở Dã Hồ Lãnh ra sao?
Trương Hạnh Tín đáp:
- Đã bại trận rồi!
- Hả? - Hoàng đế Vĩnh Tế buông người ngồi đánh phịch xuống mặt ghế.
Trương Hạnh Tín tâu tiếp:
- Nguyên soái, Quân sư, Quan tiên phong và Giám Quân đều hiến thân cho nước rồi. Thi thể 40 vạn đại quân của nước Kim nằm la liệt khắp nơi tại Dã Hồ Lãnh.
Hoàng đế Vĩnh Tế ôm đầu thở dài. Nhưng, bỗng nhà vua đứng phắt dậy, đấm mạnh xuống mặt bàn để khai trà, nói:
- Đó gọi là tập hợp binh sĩ lại để trở thành một lực lượng mạnh đấy ư? Tất cả đều là chủ trương của lão già ngốc nghếch Đồ Thiện Dật cả. Hắn đã làm tiêu tán sức mạnh của ta rồi!
Trương Hạnh Tính tâu:
- Tâu hoàng thượng, kế hoạch đó không phải sai, nhưng sai ở chỗ sử dụng người.
- Cái gì?
Hoàng Nhan Hồ Sa, người chịu trách nhiệm dẫn 15 vạn quân tiếp viện đã bỏ chạy trong khi quân đội hai bên đang đánh nhau sống chết tại Dã Hồ Lãnh và khi ông ta chạy tới đồng bằng Hội Hà Xuyên thì bị người Mông Cổ đuổi kịp. Ông ta một mình một ngựa bỏ chạy thoát thân, để 15 vạn quân cho người Mông Cỏ tha hồ tàn sát!
- Bây giờ ông ta ở đâu vẫn chưa biết rõ!
- Hứ! Lại một người ở đâu chưa biết rõ! Hồ Sa Hổ sau khi bỏ Tây Kinh thì ở đâu chưa rõ, nay đến Hoàng Nhan Hồ Sa bỏ rơi quân đội của mình cũng ở đâu không rõ!
- Tâu, Hồ Sa Hổ đã trở về tới Trung Đô rồi!
Hoàng đế Vĩnh Tế đứng dậy, nói:
- Hừm! ông ta còn mặt mũi nào trở về gặp trẫm?
Hồ Sa Hổ quì trước bệ rồng trong kim điện, cất giọng sợ sệt nói:
- Tội thần là lưu thủ Tây Kinh Hồ Sa Hổ xin khấu kiến hoàng thượng.
Hoàng đế Vĩnh Tế ngồi trên ngai vàng quát to:
- Ngươi! Ngươi để mất đất, tổn thất quân đội, tội thật khó tha, vậy tại sao ngươi không đập đầu, treo cổ, tự cắt họng mà chết đi, còn trở về đây làm gì?
Hồ Sa Hổ ràn rụa nước mắt, nói:
- Tâu hoàng thượng, thần cũng từng nghĩ tới cái chết, vì năm nay thần đã gần 60 rồi, còn tiếc rẻ cái gì nữa, nhưng do thần còn nghĩ tới hoàng thượng, còn nghĩ tới giang san của Đại Kim đó thôi!
Hoàng đế Vĩnh Tế có vẻ xúc động, hỏi:
- Thế ư?
Trương Hạnh Tín bước ra khỏi đám đông, nói:
- Tâu hoàng thượng xin chớ nghe lời nói bậy của hắn. Hồ Sa Hổ đã xuất sư tại Sơn Tây một cách vô kỷ luật, chưa đánh nhau đã vội rút lui rõ ràng là kẻ tham sống sợ chết, tội không thể dung tha!
Hoàng đế Vĩnh Tế hỏi:
- Này Hồ Sa Hổ, nhà ngươi còn có lời gì để nói nữa không?
Hồ Sa Hổ đáp:
- Tâu hoàng thượng, người chỉ huy đại quân là Hoàng Nhan Hồ Sa và Độc Cát Thiên Gia Nô đều có lỗi trong việc phòng chống giặc, lần lượt để mất Ô Sa Bảo, Xương Châu, Đàn Châu, Phủ Châu, Vân Nội, Trần Thắng và thành Bạch Đăng, khiến Tây Kinh nơi thần đóng giữ trở thành một hòn đảo cô độc. Thiết Mộc Chân dùng 10 vạn quân để bao vây bảy nghìn quân của ta, lực lượng chênh lệch quá xa. Thần thì muốn bảo tồn thực lực để tiếp tục chống quân Mông Cổ, nên mới phá trùng vây một cách thành công, để thoát ra ngoài. Vậy xin hoàng thượng minh xét.
Hoàng đế Vĩnh Tế có vẻ ngạc nhiên, hỏi:
- Có thật như thế sao?
Đồ Thiện Dật bước ra khỏi hàng, tâu:
- Thần là Đồ Thiện Dật xin khải tấu hoàng thượng. Hồ Sa Hổ là người sợ giặc như sợ cọp, trong khi đó lại có hành động tàn bạo đối với bá tánh như là loài lang sói. Bại quân của ông ta kéo tới đâu thì cướp bóc tới đó, ngay đến phủ khố ở các địa phương cũng không tha, ngang nhiên cướp lấy đồ vật của các phủ ở địa phương, lại dùng trượng đánh chết huyện lệnh, hãm hại lương dân một cách oan uổng, tội trạng của ông ta là đáng chém!
Hồ Sa Hổ lên tiếng cãi lại:
- Tâu hoàng thượng, 7000 quân của thần chỉ huy từng vào sinh ra tử lo việc cần vương không ngại đi xa nghìn dặm. Riêng việc cướp bóc lương thực, cướp bóc ngựa, là có thật, nhưng đó là việc bắt buộc để giải quyết nhu cầu khẩn cấp trước mắt. Nếu hành động như vậy cũng buộc vào tội chém, thì thử hỏi chủ trương sai lệch của Thừa tướng Đơn Đồ ở Dã Hồ Lãnh, làm tiêu tan hơn 40 vạn tinh binh thì nên buộc vào tội gì?
Đồ Thiện Dật vì quá giận nên nghẹn lời, chỉ nói được một tiếng:
- Ông!...
Trương Hạnh Tín nói:
- Tâu hoàng thượng, trận chiến bại tại Dã Hồ Lãnh là do lỗi ở Hoàn Nhan Hồ Sa, không có tương quan gì đến Thừa tướng cả, còn việc giết Hồ Sa Hổ là để cho sau này không còn xuất hiện bọn người hèn nhát bỏ chạy khi lâm trận là hoàn toàn cần thiết!
Hồ Sa Hổ lại cãi:
- Tâu hoàng thượng, việc sống chết của thần là do hoàng thượng, nhưng việc bảo vệ giang sơn Đại Kim này không thể chỉ dựa vào những người chỉ biết nói suông như Gián nghi Đại phu Trương Hạnh Tín!
Hoàn Nhan Thường Huy bước ra khỏi hàng, nói:
- Tâu hoàng thượng...
Hoàng đế Vĩnh Tế khoát tay, tỏ vẻ bực mình, nói:
- Không cần phải tranh luận nữa. Trận đánh Dã Hồ Lãnh gần như toàn quân bị tiêu diệt, lực lượng tinh nhuệ được xây dựng hằng trăm năm qua của Đại Kim đã bị hủy đi trong một ngày. Hiện nay thiết kỵ của Mông Cổ đã túa ra chiếm thành chiếm đất. Các địa phương nằm phía sau dãy núi không còn mấy nơi thuộc về ta. Trong khi đó, Tây Hạ lại phản bội minh ước, thừa gió bẻ măng, làm cho biên cương thuộc tuyến phía tây đang hết sức căng thẳng. Trong khi đất nước hữu sự tất nhiên phải cần đến rất nhiều nhân tài, vậy dù tội của Hồ Sa Hổ đáng chém, nhưng xét riêng trường hợp của ông ta cũng có chỗ đáng thương, vậy nên giữ ông ta lại để cho ông ta lập công chuộc tội!
Hồ Sa Hổ dập đầu mạnh xuống đất, nói:
- Thần xin đa tạ cái ơn không chém của hoàng thượng!
Đồ Thiện Dật và một số người khác đồng thanh nói:
- Tâu hoàng thượng!...
Hoàng đế Vĩnh Tế khoát tay, nói:
- Thôi, chuyện này đừng bàn cãi thêm nữa. Giết một bại tướng là chuyện rất dễ, nhưng bây giờ điều trẫm cần là phải bàn ngay kế hoạch đẩy lui quân địch!
Tất cả mọi người đều trở về vị trí.
Hoàng Đế Vĩnh Tế hỏi:
- Thế nào? Các khanh hãy nói đi chứ!
Hoàn Nhan Thường Huy nói:
- Tâu hoàng thượng, thần cho rằng việc bảo vệ Kinh sư là nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt, vậy nên phái ngay quân đội đến bố phòng tại các tuyến Hoài Lai, Cư Dung Quan.
Hoàng đế Vĩnh Tế đáp:
- Ờ! Trẫm chuẩn tấu! Này Tả Thừa tướng Hoàn Nhan Cương, Hồ Thiếu Hổ, Truật Hổ Cao Kỳ...
Ba người được gọi tên cùng bước ra nói:
- Thần có mặt!
Hoàng Đế Vĩnh Tế xuống lệnh:
- Ta ra lệnh cho Hoàn Nhan Cương giữ chức vụ Tả phó nguyên soái còn Truật Hổ Cao Kỳ giữ chức vụ Đốc soái, có trách nhiệm chỉ huy quân Khiết Đan lo việc bố phòng theo tuyến Hoài Lai ; còn Hồ Sa Hổ giữ chức vụ Hữu phó nguyên soái lo việc phòng thủ Cư Dung Quan.
Ba người đồng thanh đáp:
- Xin tuân chỉ! - Dứt lời, họ cùng lui trở về vị trí.
Đồ Thiện Dật bước ra khỏi hàng, nói:
- Tâu hoàng thượng, việc phòng thủ ở tuyến phía Tây là việc quan trọng, còn Liêu Đông vẫn là đất dấy nghiệp của Đại Kim, vậy xin hoàng thượng nhanh chóng đặt hành tỉnh và phái đại thần đến đó tăng cường việc phòng vệ, để lấy nơi đó làm nơi sách ứng cho Trung Đô.
Hoàng đế Vĩnh Tế lơ đễnh hỏi:
- Thiết Mộc Chân đã tấn công vào Hội Ninh Phủ của Thượng Kinh rồi hả?
Đồ Thiện Dật đáp:
- Tâu hoàng thượng chưa!
Hoàng đế Vĩnh Tế nói:
- Ta tưởng đâu Thừa tướng Đồ Thiện lại muốn dàn binh quyết chiến với Thiết Mộc Chân tại bên ngoài thành Thượng Kinh đó chớ!
- Dứt lời, nhà vua giũ tay áo bỏ đi.
Đồ Thiện Dật đứng một chỗ như bị trời trồng. Một viên thái giám đến nhắc nhở:
- Thưa Thừa tướng, hãy trở về phủ nghỉ ngơi.
Đến chừng đó, Đồ Thiện Dật mới bừng tỉnh trở lại, nói:
- Không, ta phải đi tìm Hoàn Nhan Cương.
Đồ Thiện Dật đã đuổi theo kịp Hoàn Nhan Cương trên hành lang của triều đình, nói:
- Này, Hoàn Nhan Cương, việc ông đi đến Hoài Lai là việc rất quan trọng, trong khi đó người cầm quân ở sau lưng ông là Hồ Sa Hổ lại không đáng tin cậy, riêng người đồng hành với ông là Truật Hổ Cao Kỳ lại chỉ huy quân đội Khiết Đan, tuy bề ngoài họ phục tùng nước Đại Kim ta, nhưng kỳ thật thì họ cũng không thật lòng gắn bó, vậy chi bằng ông giao luôn trách nhiệm chỉ huy quân đội cho Truật Hổ Cao Kỳ chỉ huy luôn, không cần thiết phải đích thân ông ra mặt trận, Truật Hổ Cao Kỳ có thể là người quyết tâm chống giặc, không để có sai sót về mặt quân cơ.
Hoàn Nhan Cương với một thái độ của người sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, nói:
- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thánh thượng đã xuống lịnh rõ ràng, giao nhiệm vụ Đốc quân cho tại hạ, vậy tại hạ làm sao có thể trốn tránh trách nhiệm, không sẵn sàng xông pha trước binh sĩ cho được! Vậy, Thừa tướng khỏi cần phải nghĩ ngợi nhiều! - Nói dứt lời ông ta sải bước bỏ đi.
Đồ Thiện Dật lắc đầu thở dài, đưa đôi chân nặng nề lủi thủi bước đi một mình.
Một ngôi thành ở phương Bắc bị quân Mông Cổ đánh chiếm, mấy trăm cư dân bị đuổi ra khỏi thành. Thành Cát Tư Hãn ngồi trên một cỗ xe có dựng lều Mông Cổ nhưng không có vách bao quanh. Ông đưa mắt nhìn số tù binh đang kinh hoàng thất sắc kéo nhau bước đi dưới sự giám sát của quân Mông Cổ. Ông tỏ ra vui vẻ khác thường. Bốn đứa con trai của ông đang đứng thành một hàng ở phía sau lưng.
Gia Luật A Hải bước vào báo cáo:
- Thưa Đại Hãn, chúng tôi đã dẫn Minh An tới.
Thành Cát Tư Hãn đứng dậy nói:
- Phải nói mời tới mới đúng!
Nói dứt lời, ông quay người lại nhìn ra phía ngoài, thấy Trấn Hải và Gia Luật Bất Hoa đang cùng Minh An xuống ngựa đi về phía Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn bước ra khỏi trướng, Minh An liền quì lạy, nói:
- Thần tham kiến Thành Cát Tư Hãn!
Thành Cát Tư Hãn cười đáp:
- Mau đứng dậy, tôi đã nhốt con chim báo hỉ Bách Linh Điểu vào lồng rồi. Xin lỗi hả hả...
Minh An đứng lên. Thành Cát Tư Hãn nói:
- Đến đây, nhà ngươi đến đây để xem ta xử trí số dân gian ác này ra sao!
Mọi người đều bước vào đại trướng.
Minh An hỏi:
- Những người này trông giống như bá tánh ở trong thành thì phải?
Thành Cát Tư Hãn đáp:
- Không sai! Nhưng sau khi quân Kim bỏ chạy, họ đã dùng cuốc xuổng, bồ cào, để chống trả quân Mông Cổ. Như vậy, họ đã trở thành quân nhân rồi!
Kỵ binh của Nạp Nha A đã áp giải số người nói trên đến cách đại trướng chừng mười bước thì dừng lại, bao vây chặt chẽ.
Nạp Nha A thúc ngựa đến trước mặt đám đông, nói to:
- Nghe đây! Ai là người thợ mộc, thợ rèn, thợ gốm, thợ làm hỏa lò, bợ bạc, thợ làm đồ sứ, thợ đan, thợ đóng thùng, tóm lại, ai biết nghề thủ công thì đứng sang qua phía bên này!
Những người dân nói trên tỏ ra do dự chưa vội quyết định. Nạp Nha A lập lại câu nói của mình một lần nữa, Minh An hỏi Gia Luật A Hải:
- Này A Hải huynh, làm như thế có nghĩa là gì?
Gia Luật A Hải hạ thấp giọng nói:
- Những người thợ này sẽ được đưa về vùng đồng cỏ Mông Cổ, còn lại thì giết tất cả!
Minh An đi thẳng đến giữa đám đông, kéo một người có dáng dấp thư sinh trẻ tuổi, đẩy anh ta sang bên phía những người thợ.
Thành Cát Tư Hãn quay sang Trục Xích nói:
- Hãy gọi người được tướng quân Minh An kéo ra tới đây cho ta hỏi.
Trục Xích bước đến tóm lấy người thư sinh, đẩy anh ta đến trước mặt Thành Cát Tư Hãn. Người thư sinh sợ hãi đến run lẩy bẩy.
Thành Cát Tư Hãn tươi cười hỏi:
- Anh biết ngành thủ công gì?
Người thư sinh ấp úng không thể trả lời được.
Thành Cát Tư Hãn quay lại hỏi Minh An:
- Này, tướng quân Minh An, ông kéo người này ra khỏi đám đông chắc là anh ta cũng biết một nghề gì đó chăng?
Minh An đáp:
- Anh ta biết dùng búa để chẻ củi, tất nhiên là thợ mộc rồi!
Người thư sinh vội vàng đáp:
- Phải! Phải! Tôi biết dùng búa chẻ củi!
Thành Cát Tư Hãn có vẻ rất bất ngờ, sững sờ một lúc rồi mới phá lên cười to, nói:
- Tốt, tốt, tốt! Hãy dẫn anh ta đi, đây là một người thợ mộc giỏi!
Binh sĩ dẫn người thư sinh đi, trong khi Thành Cát Tư Hãn vẫn tiếp tục cười.
Thành Cát Tư Hãn quay sang hỏi bốn đứa con trai và các tướng lãnh vây quanh:
- Các ngươi hãy nói xem thử, trong đời sống chuyện gì kể là lạc thú nhất?
Đám đông không ai trả lời. Thành Cát Tư Hãn lại hỏi:
- Này Trấn Hải, ông nói nghe thử?
Trấn Hải đáp:
- Tôi trước đây là người đi buôn, từng đi khắp mọi nơi thưởng thức tất cả cảnh đẹp trong thiên hạ. Khi gặp cảnh đẹp thì tôi lưu luyến quên trở về, âu đó cũng là một sự lạc thú lớn nhất trong đời.
Thành Cát Tư Hãn lại hỏi:
- Này Truật Xích, con nói nghe thử?
- Nhi thần cho rằng khi cỏ xuân bắt đầu tươi tốt, cũng như khi khí hậu mùa thu mát mẻ, mang chim ưng và chó săn đi theo, phóng ngựa thỏa tình săn bắn, khi trở về trên lưng ngựa đầy ắp những con mồi, đó là lạc thú lớn nhất trong đời sống!
Thành Cát Tư Hãn khoát tay, lắc đầu.
Minh An hỏi:
- Thế còn ý kiến của Đại Hãn thì sao?
Thành Cát Tư Hãn đứng lên cười to một cách hào phóng, nói:
- Lạc thú trong cuộc đời không gì hơn giành được chiến thắng đối với kẻ thù từng áp bức ta, từng hiếp đáp ta, từng khinh miệt ta, từng làm nhục ta và lại là một kẻ thù mạnh hơn ta rất nhiều, để rồi sau đó cướp lấy vợ con của chúng, gom lấy tài sản của chúng, nhìn chúng dùng nước mắt rửa mặt, đó mới là lạc thú lớn nhất của anh hùng vùng thảo nguyên!
Truật Xích và Sát Hợp Đài đồng thanh nói:
- Khả Hãn quả là người cao kiến!
Minh An mỉm cười.
Bên ngoài đại trướng số tù binh đã chia thành hai tốp đứng riêng.
Nạp Nha A lại hỏi:
- Còn có ai biết nghề thủ công nữa không?
Trên bãi đất trống không khí im lặng như cõi chết. Một đội kỵ binh áp giải những người thợ rời đi. Nạp Nha A đưa tay lên một lượt, tức thì bốn hàng kỵ binh chia số tù binh nói trên ra làm hai toán, rồi quay mặt về phía số tù binh còn lại đứng thẳng hàng và bắt đầu cầm cung lấp tên.
Minh An bỗng la lớn:
- Hãy chờ một tí!
Đôi mày của Thành Cát Tư Hãn cau lại, hỏi:
- Tướng quân Minh An, ông còn có lời gì để nói nữa chăng?
Minh An đáp:
- Tôi muốn nói cách suy nghĩ của tôi về một chuyện lạc thú lớn nhất trong đời.
Thành Cát Tư Hãn lấy làm lạ, nói:
- Được ông hãy nói đi!
Minh An nói:
- Người Hán có một câu danh ngôn: "Chim khôn lựa nhành mà đậu, một bề tôi tốt lựa chúa mà thờ". Cho nên tôi cho rằng, nếu có thể góp công góp sức với một nhà vua anh minh hiền đức, được trời ban cho sức mạnh để đánh bại kẻ thù, nhưng lại biết khoan dung đối với những người đã hạ vũ khí, thì đó chính là một lạc thú lớn nhất trong đời sống!
Thành Cát Tư Hãn hết sức ngạc nhiên, nói:
- Cái ý của ông là bảo tôi không nên giết những kẻ thù này ư?
Minh An đáp:
- Họ chỉ là bá tánh bị kẻ thù của ông áp bức!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Nhưng họ đã giết binh sĩ của tôi; giết rất nhiều người!
Minh An nói:
- Nhưng nếu ông giết họ thì sẽ có rất nhiều bá tánh ở nước Kim này cầm gậy gộc cuốc thuổng đứng lên giết người của ông càng nhiều hơn!
- Nếu thế thì tôi sẽ tiếp tục giết họ nữa, cho tới khi nào họ không dám chống lại với tôi mới thôi.
- Dân số nước Kim có bao nhiêu ông biết không? Họ lấy tính mệnh của hai chục người để đổi lấy tính mệnh của một người Mông Cổ, thì ông cũng đủ mất nước và diệt chủng rồi!
Thành Cát Tư Hãn sững sờ, có ý không tin, hỏi:
- Nếu thế... Theo ông thì phải làm sao?
Minh An đáp:
- Thưa Đại Hãn, ngài nên biết số bá tánh này đại đa số là người Hán và người Khiết Đan. Họ hoàn toàn không muốn tiếp tay với người Nữ Chân, chẳng qua họ chưa hiểu được người Mông Cổ, chưa hiểu được Đại Hãn đến đây sẽ mang đến cho họ cái gì, cho nên họ mới làm liều như thế. Nếu Đại Hãn khoan dung họ, thì tin tức này sẽ một truyền mười, mười truyền trăm và có thể Đại Hãn sẽ thấy bá tánh ở nước Kim tự động đứng lên hưởng ứng cuộc chinh chiến của Đại Hãn, chống lại quân Kim!
Gia Luật A Hải nói:
- Thưa Đại Hãn, lời nói của Minh An thật hết sức chí lý, xin Đại Hãn suy nghĩ cho kỹ.
Thất Cát Hốt Thốc Hốt nói:
- Không phải suy nghĩ cho kỹ mà là quyết đoán ngay tức khắc.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Hai người họ đều là người Khiết Đan, vậy ta muốn nghe ý kiến của nhà ngươi là một người Mông Cổ.
Thất Cát Hốt Thốc Hốt đáp:
- Tôi nghĩ ý kiến của họ là đúng.
Mộc Hoa Lê cũng nói:
- Thưa Đại Hãn, theo tôi nghĩ khoan dung cho những người dân thường đáng chết này là một thượng sách.
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn trợn lên, nói:
- Chả lẽ mạng lệnh của ta đã ban ra, lại có thể tùy tiện thu hồi hay sao? Này Oa Khoát Đài, theo con suy nghĩ thế nào?
Oa Khoát Đài đáp:
- Thưa phụ Hãn, thầy Tháp Tháp Thống A trong khi lên lớp dạy chúng con, từng nói: "Việc sẵn sàng nghe theo lời can gián, chính là một thái độ anh minh của đế vương”.
Thành Cát Tư Hãn bỗng phá lên cười to, ông cười đến đổi những người chung quanh không hiểu nổi ông muốn cười cái gì. Sau khi ngưng tiếng cười, Thành Cát Tư Hãn thở dài, nói:
- Ta rất sung sướng là trong những đứa con trai của ta, cũng như trong các tướng lãnh của ta lại có người hiểu biết cao siêu và sáng suốt như vậy - ông quay sang các tướng lãnh nói tiếp - Trong số các người, chả lẽ không có ai muốn uốn nắn những việc làm không đúng của ta? Ta nghĩ chắc chắn là có, nhưng do các người không dám nói ra đó thôi. Sau khi ta trở thành Thành Cát Tư Hãn, thì mọi người không còn mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình đối với ta. Nó hoàn toàn khác hơn lúc chúng ta còn cùng uống nước bùn ở hồ Ban Chu Nê, có vấn đề gì cứ nói thẳng với nhau. Điều đó làm cho ta rất giận!
Thành Cát Tư Hãn quay sang Thất Cát Hốt Thốc Hốt, nói:
- Này Hồ Thừa tướng, hãy ra bảo Nạp Nha A phóng thích hết tất cả bá tánh đó - Nói dứt lời, ông khoát tay rồi nói thẳng với các tướng với một thái độ không hề khách sáo - Các ngươi hãy đi ra ngoài cho ta, ta không muốn nhìn thấy nét mặt khô cứng của các ngươi nữa!
Đám đông tiu nghỉu bước ra khỏi trướng.

Truyện Thành Cát Tư Hãn Lời Tựa Phần Một - Phần Dẫn Chuyện Chương Một (1) Chương Một (2) Chương Hai (1) Chương Hai (2) Chương Ba (1) Chương Ba (2) Chương Bốn Chương Bốn (2) Chương Năm Chương Năm (2) Chương Năm (3) Chương Sáu Chương Sáu (2) Phần II - Chương Bảy Chương Bảy (2) Chương Bảy (3) Chương Tám Chương Tám (2) Chương Chín Chương Chín (2) Chương Mười Chương Mười (2) Chương Mười Một Chương Mười Một (2) Chương Mười Hai Chương Mười Hai (2) Chương Mười Hai (3) Phần III - Chương Mười Ba Chương Mười Ba (2) Chương Mười Ba (3) Chương Mười Bốn Chương Mười Bốn (2) Chương Mười Bốn (3) Chương Mười Lăm Chương Mười Lăm (2) Chương Mười Lăm (3) Chương Mười Lăm (4) Chương Mười Sáu Chương Mười Sáu (2) Chương Mười Sáu (3) Chương Mười Sáu (4) Chương Mười Bảy Chương Mười Bảy (2) Chương Mười Bảy (3) Chương Mười Bảy (4) Chương Mười Tám (1) Chương Mười Tám (2) Phần IV - Chương Mười Chín (1) Chương Mười Chín (2) Chương Mười Chín (3) Chương Hai Mươi Chương Hai Mươi (2) Chương Hai Mươi (3) Chương Hai Mươi Mốt (1) Chương Hai Mươi Mốt (2) Chương Hai Mươi Mốt (3) Chương Hai Mươi Hai Chương Hai Mươi Hai (2) Chương Hai Mươi Hai (3) Chương Hai Mươi Ba Chương Hai Mươi Ba (2) Chương Hai Mươi Ba (3) PHẦN V - Chương Hai Mươi Bốn (1) Chương Hai Mươi Bốn (2) Chương Hai Mươi Bốn (3) Chương Hai Mươi Lăm (1) Chương Hai Mươi Lăm (2) Chương Hai Mươi Lăm (3) Chương Hai Mươi Sáu (1) Chương Hai Mươi Sáu (2) Chương Hai Mươi Bảy (1) Chương Hai Mươi Bảy (2) Chương Hai Mươi Bảy (3) Chương Hai Mươi Bảy (4) Chương Hai Mươi Tám (1) Chương Hai Mươi Tám (2) Chương Hai Mươi Tám (3) Chương Hai Mươi Tám (4) Chương Hai Mươi Chín Chương Hai Mươi Chín (2) Chương Hai Mươi Chín (3) Chương Ba Mươi Chương Ba Mươi (2) Chương Ba Mươi (3)