Dịch giả: Phong Đảo
Chương Hai Mươi Chín (3)

Trát Lan Đinh lại nhằm phía cánh phải phản công định phá vòng vây. Sau một lúc chém giết, quân đội của Trát Lan Định lại bị đẩy lui và quân số lại bị mất đi một nửa. Người Mông Cổ vẫn đứng yên không truy kích, chỉ có vòng vây của họ là càng ngày càng thắt lại nhỏ hơn...
Chiến trường không còn tiếng sát phạt nữa, mà chỉ còn nghe tiếng vó ngựa đi tới ngày một gần.
Oát Tư Thích Hắc quá sợ hãi, đưa thanh đao lên đâm thẳng vào bụng và sau một tiếng "Trời!", anh ta từ trên lưng ngựa té nhào xuống đất, mọi người lẳng lặng nhìn.
Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý nói:
- Bớ Toán Đoan bệ hạ, ngài có trông thấy chỗ sườn núi cao kia không? Đó là một con đường sinh lộ duy nhất!
Trát Lan Đinh nhảy xuống ngựa, đổi lấy con ngựa của Oát Tư Thích Hắc la to:
- Sát!
Trát Lan Đinh một mình một ngựa, xông về phía sườn núi cao.
Ông ta tả xông hữu đột, trong khi một số bộ hạ ít ỏi của ông ta cũng cố gắng chiến đấu và cuối cùng đã chọc thủng được vòng vây của quân Mông Cổ. Nhưng chỉ có Trát Lan Đinh, tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý và hai thị vệ là thoát được đến bờ sông.
Họ vừa thúc ngựa chạy lên bờ vực của sườn núi, vừa cởi bỏ tất cả khôi giáp. Trát Lan Đinh Toán Đoan đeo tấm mộc ở sau lưng, tay cầm lá cờ chiến đấu, là người đầu tiên từ trên bờ vực cao hai trượng nhảy thẳng vào dòng sông Ấn Độ. Tướng quân Thiết Mộc Nhi Diệc Lý cũng thúc ngựa nhảy theo. Người và ngựa của họ đang cố gắng bơi qua phía bên kia bờ sông.
Thành Cát Tư Hãn và các tướng lãnh dừng ngựa trên bờ sông, nhìn theo với đôi mắt hết sức kinh ngạc.
Thành Cát Tư Hãn cầm ngọn roi ngựa vừa chỉ vừa nói:
- Các ngươi sanh con trai, cần phải là những người anh hùng như Trát Lan Đinh! Ôi! Ngày hôm nay anh ta đã tìm cái sống trong cái chết, vậy sau này anh ta nhất định sẽ tạo nên nhiều sự nghiệp lớn và sẽ gây ra không biết bao nhiêu là chuyện rối loạn.
Cáp Tát Nhi la to:
- Hãy bắn chết hắn!
Nhiều người giường cung lắp tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn quát lớn:
- Khoan! Không nên sát hại một người anh hùng không còn sức chống trả nữa. Ai có thể bắt sống anh ta ngoài chiến trường thì mới thực sự là một hảo hán!
Trát Lan Đinh và Thiết Mộc Nhi Diệc Lý đã bơi qua tới bờ sông bên kia, riêng hai binh sĩ của họ thì bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi đi mất!
Thành Cát Tư Hãn đứng bên này bờ sông với một sắc mặt hết sức nghiêm túc.
Tại doanh trại của quân Mông Cổ đang đóng ở Bát Lỗ Loan, một cỗ xe lớn dừng trước doanh trại. Hai binh sĩ Mông Cổ từ trong một chiếc liều khiêng ra một xác chết, đặt lên cỗ xe đã có sẵn hai xác chết đang đậu. Gia Luật Sở Tài và Gia Luật A Hải từ bên trong chiếc lều Mông Cổ bước ra, Đà Lôi bước theo hỏi:
- Thưa tiên sinh, những người bất hạnh kia chết vì thứ bệnh chi vậy?
Gia Luật Sở Tài đưa tay ra hiệu, nói:
- Xin mời Đà Lôi vương gia đi theo tôi mấy bước rồi nói chuyện.
Ba người đi xa chiếc lều Mông Cổ chừng mấy bước, Gia Luật Sở Tài đứng lại nói với Đà Lôi:
- Thứ bệnh này gọi là thương hàn phát ban. Bệnh nhân sốt cao, nhức đầu mệt mỏi, hai mắt sung huyết, trên người nổi những vết ban, đó là một thứ ôn dịch do những con rận trên người truyền nhiễm.
Đà Lôi hỏi:
- Thứ bệnh đó có đáng sợ không?
Nếu để nó tự do lây truyền thì cả quân đội có thể bị chết hết!
- Trời! Nghiêm trọng đến thế ư?
- Thứ bệnh đó thật ra chỉ cần tiêu diệt loài chấy rận sống ký sinh trên thân con người, thì có thể chăn đứng sự lan truyền của nó. Nhưng, trong bộ luật Đại Trát Tát Lệnh có ghi rõ, là không cho phép mọi người giặt y phục và phơi quần áo. Như vậy là rất khó giải quyết!
Đà Lôi nói:
- Dù sao tiên sinh cũng phải tìm một biện pháp để ngăn chặn!
- Tôi còn giữ một số thuốc tại thành Tát Ma Nhĩ Can, vậy xin Tứ vương gia hãy cho người cấp tốc đến đó lấy một số thuốc theo toa của tôi viết thì có thể phòng ngừa được căn bệnh trước khi bùng nổ một cơn dịch.
- Được! Xin tiên sinh hãy viết toa để tôi phái người đi lấy.
Ba người cùng bước vào căn lều riêng của Gia Luật Sở Tài.
Tại doanh trại của quân Mông Cổ ở Bát Lỗ Loan, màn đêm lờ mờ. Bách Linh Điểu từ trong lều bò ra, vì đôi chân của ông đã bị tê liệt. Ông ta bò lên một đồi đất, bắt đầu kéo cây đàn đầu ngựa rồi, cất giọng khàn khàn đầy ai oán hát một bài hát nhớ quê hương. Có nhiều tiếng hát phụ họa theo:
Bát Lỗ Loan chập chùng.
Mưa phùn mờ mịt khói sương giăng.
Quay mặt ngóng cổ nhìn.
Quê hương ôi xa xôi diệu vợi!
Doanh trại thành lũy cao vút,
Đang bao phủ khói mây màu tía.
Quay mặt lại ngóng cổ nhìn,
Ôi quê hương xa diệu vợi!
Một bầy nhạn đông đang kêu,
Bay qua bầu trời doanh trại.
Lỗ tai tôi bỗng nghe lùng bùng.
Đấy là dấu hiệu người thân đang nhớ mong!.
Một bầy nhạn đông cất tiếng kêu,
Bay qua trời xanh của doanh trại.
Lỗ tai tôi bổng nghe lùng-bùng,
Đó là người thân đang tha thiết nhớ tôi!
Hỡi con ngựa hoàng trúc tôi yêu.
Đôi chân nó vượt qua núi Altay dễ dàng.
Hỡi những phụ lão thân nhân ở quê hương,
Lúc nào tôi cũng tưởng nhớ đến các người!
Hỡi con ngựa hoàng trúc bờm dài đuôi tía
Giỏi chạy nhanh trên sườn núi vùng thảo nguyên.
Hỡi phụ lão thân nhân ở quê hương tôi ơi,
Tôi lúc nào cũng hoài niệm tới các người!
Nếu cơn mưa liên miên bất tận,
Thì núi Bất Nhi Hãn sẽ chuyển ấm dần.
Khi gặp lúc hành quân thì tâm hồn bấn loạn.
Chỉ có sống giữa lòng thân nhân thì mới thật ấm êm!
Nơi trạm dịch liên tục có tin đồn,
Thân nhân ở vùng thảo nguyên đang trông ngóng.
Trú đóng tại dị quốc có khác nào bị lưu đày,
Trong lòng không đè nén được nổi băn khoăn!
Sửa chiếc nón trận rồi lại sửa,
Đội nó ngay ngắn ở trên đầu.
Tôi ngồi bên vệ đường thiên lý,
Để hỏi thăm tin tức quê hương tôi!
Tôi chải tóc xong lại chải nữa,
Tôi đội nón trận ngay ngắn ở trên đầu.
Tôi ngồi bên vệ đường thiên lý,
Dù biết được tin tức rất nhiều.
Nhưng vẫn không ngăn được nỗi niềm nhớ quê hương!
Gia Luật Sở Tài nói với Gia Luật A Hải:
- Ông nghe kìa, binh sĩ bắt đầu nhớ quê hương đấy!
Trong hành cung của Khả Hãn tại Bát Lỗ Loan, Hốt Lan nghe qua
bài hát nước mắt tự nhiên trào ra. Thành Cát Tư Hãn đang nằm bực
bội trở mình nói với Hốt Lan:
- Đi mau! Hãy bảo chúng nó đừng hát nữa, kẻo tinh thần của binh sĩ bị dao động!
Hốt Lan nói:
- Các binh sĩ đã xa rời quê hương đã ba năm rồi, vậy họ có chút tình thương nhớ quê hương cũng không lấy làm lạ.
Thành Cát Tư Hãn ngồi phắt dậy, nói:
- Nhớ nhà thì nhảy múa, đấu vật. Hãy mau đi đi!
Hốt Lan phi bước ra ngoài. Thành Cát Tư Hãn nằm trở xuống.
Tiếng hát ở bên ngoài không còn nghe nữa, nhưng từ xa có tiếng sói tru như chờ ăn thịt người, làm cho Thành Cát Tư Hãn lại càng bực bội hơn.
Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc, gươm giáo bao giờ cũng vô tình. Chỉ cần chiến tranh bắt đầu bùng nổ, thì đôi bên giao tranh đều rơi vào một tình trạng chém giết điên cuồng. Chẳng riêng người chống trả sẵn sàng xem chết như về, mà người chinh phục cũng sẵn sàng chém giết thẳng tay, không hề nháy mắt. Trận đánh tại Bát Lỗ Loan, cuộc chiến tranh để tranh đoạt Ngọc Long Kiệt Xích, chiến dịch tại Phạm Diên, đều nói rõ điều đó. Đấy là một bi kịch của lịch sử.
Theo đà tiến triển của chiến sự, chẳng những nhân dân địa phương càng lúc càng chống trả mãnh liệt hơn, mà tâm trạng phản chiến trong chiến sĩ Mông Cổ cũng ngày càng lan rộng. Nhóm Gia Luật Sở Tài tìm đủ cách mời cho được người thủ lãnh của Đạo giáo là Trường Xuân Chân Nhân Khưu Sứ Cơ đến tận mặt trận Tây chinh chính là có mục đích muốn từ một khía cạnh trắc diện để khuyên Thành Cát Tư Hãn nên sớm rút quân trở về nước.

Truyện Thành Cát Tư Hãn Lời Tựa Phần Một - Phần Dẫn Chuyện Chương Một (1) Chương Một (2) Chương Hai (1) Chương Hai (2) Chương Ba (1) Chương Ba (2) Chương Bốn Chương Bốn (2) Chương Năm Chương Năm (2) Chương Năm (3) Chương Sáu Chương Sáu (2) Phần II - Chương Bảy Chương Bảy (2) Chương Bảy (3) Chương Tám Chương Tám (2) Chương Chín Chương Chín (2) Chương Mười Chương Mười (2) Chương Mười Một Chương Mười Một (2) Chương Mười Hai Chương Mười Hai (2) Chương Mười Hai (3) Phần III - Chương Mười Ba Chương Mười Ba (2) Chương Mười Ba (3) Chương Mười Bốn Chương Mười Bốn (2) Chương Mười Bốn (3) Chương Mười Lăm Chương Mười Lăm (2) Chương Mười Lăm (3) Chương Mười Lăm (4) Chương Mười Sáu Chương Mười Sáu (2) Chương Mười Sáu (3) Chương Mười Sáu (4) Chương Mười Bảy Chương Mười Bảy (2) Chương Mười Bảy (3) Chương Mười Bảy (4) Chương Mười Tám (1) Chương Mười Tám (2) Phần IV - Chương Mười Chín (1) Chương Mười Chín (2) Chương Mười Chín (3) Chương Hai Mươi Chương Hai Mươi (2) Chương Hai Mươi (3) Chương Hai Mươi Mốt (1) Chương Hai Mươi Mốt (2) Chương Hai Mươi Mốt (3) Chương Hai Mươi Hai Chương Hai Mươi Hai (2) Chương Hai Mươi Hai (3) Chương Hai Mươi Ba Chương Hai Mươi Ba (2) Chương Hai Mươi Ba (3) PHẦN V - Chương Hai Mươi Bốn (1) Chương Hai Mươi Bốn (2) Chương Hai Mươi Bốn (3) Chương Hai Mươi Lăm (1) Chương Hai Mươi Lăm (2) Chương Hai Mươi Lăm (3) Chương Hai Mươi Sáu (1) Chương Hai Mươi Sáu (2) Chương Hai Mươi Bảy (1) Chương Hai Mươi Bảy (2) Chương Hai Mươi Bảy (3) Chương Hai Mươi Bảy (4) Chương Hai Mươi Tám (1) Chương Hai Mươi Tám (2) Chương Hai Mươi Tám (3) Chương Hai Mươi Tám (4) Chương Hai Mươi Chín Chương Hai Mươi Chín (2) Chương Hai Mươi Chín (3) Chương Ba Mươi Chương Ba Mươi (2) Chương Ba Mươi (3)