Dịch giả: Phong Đảo
Chương Ba Mươi (2)

Tháng 3 cùng năm, tại một ngã ba đường, Khưu Xứ Cơ và Thành Cát Tư Hãn cùng tách rời nhau để tiếp tục đi về hướng Đông.
Khưu Xứ Cơ, Gia Luật A Hải và Lý Trí Thường đi theo đoàn xe ngựa đã tách ra. Cứ đi một bước thì họ quay lại nhìn ba lần. Riêng Thành Cát Tư Hãn vẫn đứng yên tại ngã ba đường, cùng nhóm người của Gia Luật Sở Tài đưa tay lên vẫy ngỏ ý tiễn đưa.
Trong khi Thành Cát Tư Hãn tiếp tục đưa tay lên vẫy Khưu Xứ Cơ, thì đôi mắt ông đã lóng lánh ánh lệ. Ông nhìn thấy số người của Khưu Xứ Cơ kẻ lên xe người lên ngựa và tới khi không còn trông thấy được hình dáng của họ nữa ông mới buông tay trở xuống.
Gia Luật Sở Tài lên tiếng nhắc nhở:
- Thôi, chúng ta cũng đi thôi!
Thành Cát Tư Hãn bùi ngùi nói:
- Đi thôi! Đi thôi! Đây là người duy nhất mà suốt mười năm qua đã xem ta là bạn, cũng giống như những người bạn cùng chăn ngựa cùng chăn cừu với ta trước kia. Ông ấy đã sống cạnh ta hơn bảy tháng qua.
Gia Luật Sở Tài nói:
- Đó là điều hiếm có!
- Đúng là hiếm có. Hiếm có vì ông ấy đã dạy cho ta biết biện pháp cai trị quốc gia, giúp cho ta thấy được niềm hy vọng thống nhất đất nước; mà cũng hiếm có vì ông ấy đã làm cho niềm hy vọng trường sinh bất lão của ta hoàn toàn bị dập tắt! Ông ấy đã nói rõ cho ta biết là thời gian mà ta còn sống, không phải quá dài.
Thành Cát Tư Hãn quay lưng bước lên đại trướng được đặt trên cỗ xe, trong lòng chừng như vẫn còn suy nghĩ gì đó. Ông nói lẩm bẩm một mình:
- Phải rồi! Lời nói của Thần Tiên rất hữu lý, ấy là phải "hiếu sinh và ghét sự chém giết". Từ nay về sau tuy trong chiến tranh không thể tránh khỏi phải giết ngươi, nhưng phải tận khả năng không giết người quá nhiều như trước nữa, vì lòng dân là điều quan trọng đó!
Việc Thành Cát Tư Hãn tiếp kiến Trường Xuân Chân Nhân cũng giống như một khúc nhạc đệm chen vào giữa một bản nhạc lớn. Nhưng, những vấn đề mà họ thảo luận đều là những vấn đề trọng đại đối với cái sống và cái chết, cũng như đối với việc cai trị quốc gia. Đời người rất ngắn ngủi, cho nên lại càng phải quí trọng nó. Quốc gia khó cai trị, cho nên càng phải suy nghĩ tìm hiểu sâu xa. Thông qua việc tiếp xúc với Trường Xuân Chân Nhân, Thành Cát Tư Hãn nhận thức được việc tìm phép trường sinh chỉ là một việc làm vô ý nghĩa, nên từ đó ông càng phấn đấu nhiều hơn. Ông cũng nhận thức được sự chính xác trong nguyên tắc "Đức và Uy” phải được dùng cùng một lúc. Trước khi ông sắp sửa từ giã cõi đời, ông từng ra một tờ chiếu thư ngăn cấm việc sát phạt cướp bóc. Tư tưởng và chủ trương của ông có một ảnh hưởng rất to lớn đối với thế hệ con cháu về sau.
Trong khi Thành Cát Tư Hãn nhận được sự gợi mở từ Khưu Xứ Cơ, hiểu được mối quan hệ giữa chiến tranh và sát phạt, thì Giã Biệt và Tốc Bất Đài vẫn còn đang tiếp tục xua quân tiến lên. Cánh quân Tây lộ của Mông Cổ đã chọc thẳng vào vùng đất của người Oát La Tư, chạy dài từ lưu vực sông Dnepr cho tới bờ phía bắc của biển Caspian, đồng thời, đoàn quân đó cũng chọc thẳng tới vùng bán đảo Crimea. Cuối năm 1223, đoàn quân này mới từ lưu vực sông Volga men theo bờ biển phía bắc của biển Anh, kéo trở về phía Đông để gặp gỡ Thành Cát Tư Hãn.
Mùa thu năm 1223, trên đường rút về phía Đông, Thành Cát Tư Hãn đóng quân tại Thiên Trì.
Ba người mặc đồ tang từ xa đi đến cỗ xe đại trướng của Thành Cát Tư Hãn. Đang ngồi trong đại trướng, Thành Cát Tư Hãn thấy thế không khỏi giật mình, hỏi:
- Các người... Các người để tang cho ai vậy? - Thành Cát Tư Hãn lên tiếng hỏi Minh An và một người trẻ tuổi quì ở phía trước.
Người trẻ tuổi òa lên khóc, Minh An nói:
- Đây là con trai của Quốc vương Mộc Hoa Lê. Quốc vương Mộc Hoa Lê đã qua đời rồi!
Thành Cát Tư Hãn sững người. Gia Luật Sở Tài và Nạp Nha A lớn tiếng gọi:
- Bớ Đại Hãn! Bớ đại Hãn!
Thành Cát Tư Hãn từ từ đứng lên, lảo đảo mấy lược. Gia Luật Sở Tài và Nạp Nha A bước tới đỡ lấy ông. Gia Luật Sở Tài hỏi:
- Thưa Đại Hãn, ngài muốn làm gì?
Thành Cát Tư Hãn vẫy tay về phía người tuổi trẻ. Minh An hiểu ý, xô nhẹ người tuổi trẻ, nói:
- Đại Hãn gọi ngươi đó! - Người tuổi trẻ đứng lên bước tới trước.
Thành Cát Tư Hãn nắm lấy tay cậu ta, nói:
- Địch quốc chưa tiêu diệt xong mà đại tướng đã chết rồi, bộ trời cao không phù hộ ta nữa sao? Thành Cát Tư Hãn khóc.
Mọi người đều im lặng. Một lúc lâu sau, Thành Cát Tư Hãn lại hỏi:
- Nhà ngươi hãy nói cho ta biết, phụ thân nhà ngươi khỏe mạnh đến thế, so với ta lại nhỏ hơn mười mấy tuổi, vậy tại sao ông ta chết? Tại sao ông ta có thể chết được?
- Thưa đại Hãn! - Người tuổi trẻ khóc ngất đến nghẹn lời.
Minh An phải tâu thay:
- Thưa Đại Hãn, mấy năm gần đây Quốc vương Mộc Hoa Lê đã cùng các Vạn hộ người Hán lo sắp xếp quân đội và lo chấn chỉnh vùng Trung Nguyên, khiến cho các quận huyện ở phía bắc sông Hoàng Hà đều trở thành lãnh thổ của ta. Đầu năm nay, quân ta lại bao vây tấn công trọng trấn Phượng Tường của triều đình nhà Kim, trong khi sắp sửa hạ được thành này thì Tây Hạ đã tự ý rút quân, khiến việc tấn công bị thất bại. Quốc vương Mộc Hoa Lê vì quá phẫn uất nên đã sinh bệnh mà chết.
Thành Cát Tư Hãn vỗ mạnh bàn tay xuống bàn, nói:
- Lại do Tây Hạ bội ước!
Minh An nói:
- Chẳng những thế, vua Tây Hạ khi thấy Quốc vương Mộc Hoa Lê vừa bệnh chết và nhân lúc Đại Hãn còn bận việc Tây chinh, thì ông ta lại ký minh ước với nước Kim, bí mật liên lạc với các bộ lạc ở vùng thảo nguyên, định đương đầu với Đại Hãn!
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn rực lên ánh lửa phẫn nộ, nói:
- Vua Tây Hạ! Nhà ngươi sẽ bị trừng phạt!
Mùa hè năm 1224, đoàn quân Tây chinh của Thành Cát Tư Hãn sau năm năm chinh phạt đã trở về đến đại bản doanh tại đồng cỏ Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn và Hốt Lan phi tay bồng một con mèo Ba Tư từ trên xe đại trướng bước xuống. Bột Nhi Thiếp và Dã Toại phi cùng đông đảo những người khác ra trước doanh trại để nghênh đón. Các thành viên lưu thủ tại đại bản doanh đều nhảy múa ca hát. Họ đã dùng một nghi thức long trọng để đón tiếp người thân từ xa trở về.
Những người thân gặp mặt nhau đều hết sức vui vẻ, nhưng đồng thời đó đây cũng nổi lên những tiếng khóc buồn thảm. Những thân nhân, những sương phụ bị mất người thân, bị mất chồng và những đứa trẻ bị mất cha đều khóc hết sức đau đớn.
Bên trong chiếc lều riêng của Bột Nhi Thiếp, Thành Cát Tư Hãn và Bột Nhi Thiếp ngồi ở ghế giữa. Gia nhân của họ đứng bao quanh hai bên, người nào người nấy đôi mắt đều rươm rướm ánh lệ.
Thành Cát Tư Hãn nhìn qua từng Khuôn mặt của những người thân, hỏi:
- Khi mẫu thân qua đời phải chăng chỉ có một mình Hợp Đáp An ở bên cạnh?
Bột Nhi Thiếp nghẹn ngào đáp:
- Vâng! Nhưng, có điều là mẹ ra đi cũng không đau đớn lắm. Đó chính là cái phúc của mẹ!
Thành Cát Tư Hãn lại hỏi:
- Còn Hợp Đáp An đâu? Tôi cần phải hỏi trước khi mẹ ra đi đã trối lại những gì?
Bột Nhi Thiếp cúi mặt. Thành Cát Tư Hãn hỏi tiếp:
- Còn Hợp Đáp An đâu? Cô ta đâu rồi?
Bột Nhi Thiếp khóc. Thành Cát Tư Hãn giật mình, hỏi:
- Đã xảy ra chuyện gì? - Tam công chúa lên tiếng đáp:
- Trước đây ba tháng, người Tây Hạ ở phía bắc sa mạc có phái người tới đây liên hệ với bá tánh của chúng ta. Họ nhân dịp phụ Hãn còn trên đường Tây chinh chưa trở về, đã mở cuộc tấn công vào doanh trại lưu thủ của chúng ta. Hợp Đáp An cô cô đã bị họ sát hại?
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn lóng lánh ánh lệ. Ông nghiến chặt hai hàm răng nói:
- Hãy truyền mạng lệnh của ta, bảo Truật Xích và Sát Hợp Đài Quốc vương hãy trở về đồng cỏ để ta triệu tập đại hội Khố Lý Đài, bàn bạc về việc tiêu diệt nước Tây Hạ!
Tại thành Hoa Thích Tử Mô, con trai của Cáp Tát Nhi là Thoát Hổ và anh chàng râu đen cụt mất một tay, bị bọn thân binh chận lại trước đại trướng của Truật Xích.
Con trai của Truật Xích là Bạt Đô từ trong trướng bước ra khỏi:
- Có phải Thoát Hổ thúc thúc đấy không?
Thoát Hổ đáp:
- Này Bạt Đô, Đại Hãn ra lệnh ta từ muôn dặm xa tới đây để nghe ngóng tìm hiểu xem tại sao cha ngươi là Truật Xích Vương gia được hối thúc ba lần mà vẫn không chịu trở về thảo nguyên để tham gia hội nghị Khố Lý Đài, bàn chuyện hai cánh quân Đông-Tây đánh kẹp nước Tây Hạ vậy? Nay bọn thị vệ của phụ thân ngươi lại chận ta không cho vào? Tại sao vậy? Truật Xích đại ca sau khi làm Quốc vương, còn khó gặp mặt hơn cả bác cả là Thành Cát Tư Hãn nữa sao?
Bạt Đô nói:
- Thưa Thoát Hổ thúc thúc, xin chú đừng giận, phụ thân tôi đã ngã bệnh gần một năm qua và mấy ngày gần đây bệnh tình càng xấu. Vậy xin lỗi thúc thúc nên ở lại tạm nghỉ ít hôm, chờ ngày nào tinh thần cha tôi khá hơn một tí, thì nhất định sẽ tiếp kiến thúc thúc đó mà!
- Bộ ta còn được cái vinh hạnh đó sao?
Bạt Đô nói:
- Thưa Thoát Hổ thúc thúc của tôi, mấy hôm nay phụ thân tôi luôn nói sảng và bao giờ cũng nhớ đến chuyện ở đồng cỏ cả. Nay chú tới đây mà ông ấy vẫn chưa thể hỏi thăm gì được với chú.
Thoát Hổ nói:
- Không cần đâu! Dứt lời bèn quay sang nói với anh Râu Đen - Thôi, chúng ta đi về!
Bạt Đô trông thấy họ bước ra khỏi cổng doanh trại, trong lòng hết sức lo âu.
Truật Xích đang nằm bên trong đại trướng của mình, sắc mặt tái mét, cất tiếng chậm chạp hỏi:
- Này Bạt Đô, hình như có ai tới phải không?
- Thưa, đó là con trai của Tam vương Cáp Tát Nhi tức Thoát Hổ thúc thúc.
Truật Xích nhắm hai mắt lại và hai giọt lệ ứa ra hai bên khóe mắt.
Bạt Đô xúc động gọi:
- Thưa phụ vương!
Truật Xích vẫn nhắm hai mắt, nói:
- Đó là do ông nội cảm thấy không an tâm nên mới phái họ tới đây để giám sát cha đó!
Bạt Đô giật mình, hỏi:
- Sao lại như thế được? Cha đâu có làm sai điều gì!
Truật Xích vẫn nhắm đôi mắt, lắc đầu nói:
- Trước khi ta chào đời, bà nội của con bị người Miệt Nhi Xích bắt sống đem về bộ lạc của họ. Đó chính là cái lỗi của cha. Cha còn có một người em trai tốt Sát Hợp Đài, cho nên cái lỗi của cha lại càng thêm nặng!
Bạt Đô lên tiếng khuyên:
- Thưa phụ vương, xin cha đừng nghĩ ngợi nhiều!
Truật Xích mở hai mắt, gượng cười nói:
- Lòng cha đã chết rồi, nhưng may mắn là bản thân cha vẫn chưa chết!
Bạt Đô vừa khóc vừa gọi:
- Phụ vương ơi!
Bên cạnh dòng sông Onon, Thành Cát Tư Hãn ngồi trong đại trướng đặt trên xe với sắc mặt giận dữ, nhìn quanh đội ngũ của các cánh quân đang từ bốn phương tám hướng tập trung về.
Gia Luật Sở Tài đứng bên cạnh khuyên:
- Thưa Đại Hãn, chỉ dựa vào báo cáo của Thoát Hổ vương tử thì vẫn chưa đầy đủ. Muốn kết luận tội danh của Truật Xích Vương gia còn phải có nhiều bằng chứng cụ thể hơn.
Thành Cát Tư Hãn giận dữ nói:
- Chờ đợi những bằng chứng cụ thể hơn nữa, thì Truật Xích đã thôn tính Hãn quốc của Sát Hợp Đài và trở thành Toán Đoan mới của Hoa Thích Tử Mô rồi còn gì?
Lúc bấy giờ Hốt Đô Hợp thúc ngựa chạy đến gần, báo cáo:
- Tôi, Hốt Đô Hợp, Vạn Hộ của các bộ lạc ở trong rừng, dẫn năm nghìn binh mã tới đây chờ lệnh!
- Ta biết rồi!
Thành Cát Tư Hãn trả lời xong thì Hốt Đô Hợp đi trở về đội ngũ. Lúc bấy giờ có mấy cụ già như Đáp Lý Đài, Truật Xích Đài, Trát Hợp Cảm Bất, Tỏa Nhi Hãn Thất Thích, Đức Tiết Thiền, Đáp Diệc Nhi Ngột Tôn, Tháp Tháp Thống A v.v... người nào người nấy đều run run vừa quì xuống. Thành Cát Tư Hãn bước tới trước mấy bước, nói:
- Các vị trưởng bối, các vị lão thành hãy mau đứng lên đi nào. Lần này đứa con bất hiếu của tôi là Truật Xích làm phản, vậy chính tôi xua quân chinh phạt nó là được rồi, đâu cần phải nhọc tới binh mã của các vị!
Đáp Lý Đài nói:
- Thưa Đại Hãn, tôi đến đây là để khuyên ngài đừng xuất chinh.
Truật Xích Đài nói:
- Tôi là người đã nghe tiếng khóc tu oa đầu tiên của thằng bé đó, tuy nó không được thông minh như những con sáo, nhưng cũng không đến đổi là phường ăn thịt thân nhân của mình như những con ngựa trời!
Tỏa Nhi Hãn Thất Thích nói:
- Xin Đại Hãn nể tình gia đình chúng tôi từng che giấu Đại Hãn giữa đống lông cừu, trốn thoát thanh đao sát nhân của Tháp Lý Hốt Đài. Xin ngài hãy nể tình của tôi!
Đức Tiết Thiền cũng nói:
- Ít nhất xin Đại Hãn hãy hoãn lại cuộc xuất chinh mười hôm nữa. Vì thời gian có thể giúp cho người ta bớt cơn giận dữ, mà khi bớt giận dữ thì người ta thường có những quyết định sáng suốt!
Thành Cát Tư Hãn cắt đứt những lời khuyên của các cụ già, nói:
- Các vị hãy chờ một chốc? Đây có phải các vị cùng kéo tới để xin xỏ giúp cho Truật Xích hay không? Có phải Bột Nhi Thiếp xúi bảo các vị làm như thế không? Hay là do Đức Tiết Thiền nhạc phụ của ta?
Đức Tiết Thiền đáp:
- Không phải cô ấy, vì cô ấy đã khóc đến bất tỉnh nhân sự rồi!
Thành Cát Tư Hãn lại hỏi:
- Cô ta đã đẻ ra một thằng con trai hư hỏng như vậy, đó cũng là đáng tội! Thế thì ai đây? Ai xúi bảo các cụ già tới đây xin xỏ, hãy bước ra!
- Thưa, tôi! - Tiếng một người đàn bà vang lên và từ phía sau cỗ xe chở đại trướng, Dã Toại phi bước ra, quì xuống nói:
- Thưa Đại Hãn!
Thành Cát Tư Hãn ngạc nhiên, hỏi:
- Dã Toại ư? Bà làm thế là có ý gì?
Dã Toại đáp:
- Lương tâm của tôi nói cho tôi biết là ngài làm như thế là sai rồi. Trong quyển Đại Cát Tát Lệnh, Đại Hãn từng có một điều khoản bắt buộc mọi người phải kính nể người già, cho nên tôi phải mời tất cả các vị lão thần tới đây để uốn nắn lại sự sai lầm của ngài!
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Tôi sai lầm ở chỗ nào? Đó là tôi đã sai lầm trong việc sử dụng tình ân sủng của tôi đối với bà! Bà là một người con gái của bộ lạc Tháp Tháp Nhi?
Sát Hợp Đài nãy giờ đứng yên lặng một bên, bèn lên tiếng nói:
- Người Tháp Tháp Nhi và người Miệt Nhi Khất từ trước tới nay chẳng phải lúc nào cũng "trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa", dính chặt với nhau đó sao?
Thành Cát Tư Hãn giận dữ, nói:
- Này Sát Hợp Đài, chưa phải lúc ngươi nhục mạ mẫu phi của nhà ngươi!
Sát Hợp Đài lui ra sau. Thành Cát Tư Hãn quay sang Nạp Nha A nói:
- Này Nạp Nha A, hãy đem người con gái này giam lại, kẻo bà ta làm dao động tinh thần của quân đội sắp xuất chinh vào ngày mai!
Đà Lôi liền bước ra nói:
- Thưa Phụ Hãn! - Ông ta quì xuống đất nói tiếp - Bạt Đô vừa tới báo tang, đại ca đã bệnh chết rồi!
Thành Cát Tư Hãn đưa tay ra chụp lấy Đà Lôi, gục đầu xuống, trong khi không nói được một tiếng nào.
Mọi người đồng thanh gọi:
- Bớ Đại Hãn!
- Bớ Phụ Hãn!
- Bớ gia gia!
- Hãy mau đi mời Gia Luật Sở Tài tiên sinh tới!

Truyện Thành Cát Tư Hãn Lời Tựa Phần Một - Phần Dẫn Chuyện Chương Một (1) Chương Một (2) Chương Hai (1) Chương Hai (2) Chương Ba (1) Chương Ba (2) Chương Bốn Chương Bốn (2) Chương Năm Chương Năm (2) Chương Năm (3) Chương Sáu Chương Sáu (2) Phần II - Chương Bảy Chương Bảy (2) Chương Bảy (3) Chương Tám Chương Tám (2) Chương Chín Chương Chín (2) Chương Mười Chương Mười (2) Chương Mười Một Chương Mười Một (2) Chương Mười Hai Chương Mười Hai (2) Chương Mười Hai (3) Phần III - Chương Mười Ba Chương Mười Ba (2) Chương Mười Ba (3) Chương Mười Bốn Chương Mười Bốn (2) Chương Mười Bốn (3) Chương Mười Lăm Chương Mười Lăm (2) Chương Mười Lăm (3) Chương Mười Lăm (4) Chương Mười Sáu Chương Mười Sáu (2) Chương Mười Sáu (3) Chương Mười Sáu (4) Chương Mười Bảy Chương Mười Bảy (2) Chương Mười Bảy (3) Chương Mười Bảy (4) Chương Mười Tám (1) Chương Mười Tám (2) Phần IV - Chương Mười Chín (1) Chương Mười Chín (2) Chương Mười Chín (3) Chương Hai Mươi Chương Hai Mươi (2) Chương Hai Mươi (3) Chương Hai Mươi Mốt (1) Chương Hai Mươi Mốt (2) Chương Hai Mươi Mốt (3) Chương Hai Mươi Hai Chương Hai Mươi Hai (2) Chương Hai Mươi Hai (3) Chương Hai Mươi Ba Chương Hai Mươi Ba (2) Chương Hai Mươi Ba (3) PHẦN V - Chương Hai Mươi Bốn (1) Chương Hai Mươi Bốn (2) Chương Hai Mươi Bốn (3) Chương Hai Mươi Lăm (1) Chương Hai Mươi Lăm (2) Chương Hai Mươi Lăm (3) Chương Hai Mươi Sáu (1) Chương Hai Mươi Sáu (2) Chương Hai Mươi Bảy (1) Chương Hai Mươi Bảy (2) Chương Hai Mươi Bảy (3) Chương Hai Mươi Bảy (4) Chương Hai Mươi Tám (1) Chương Hai Mươi Tám (2) Chương Hai Mươi Tám (3) Chương Hai Mươi Tám (4) Chương Hai Mươi Chín Chương Hai Mươi Chín (2) Chương Hai Mươi Chín (3) Chương Ba Mươi Chương Ba Mươi (2) Chương Ba Mươi (3)