Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 2
SỰ ÐIỂM ÐẠO VÀ KHI SẮP ÐƯỢC ÐIỂM ÐẠO

C. W. L.  Tên quyển sách này đã được Bà Chánh Hội Trưởng (Annie Besant) của chúng ta chọn trong ba, bốn mươi tên khác được đề nghị. Lời đề tặng này cũng vốn của Bà viết cho chúng ta:
Xin hiến dâng cho những người đến gõ cửa.
Lời tượng trưng này thật rõ ràng: "Anh hãy gõ cửa, người ta sẽ mở cho anh; anh hãy đi tìm rồi anh sẽ gặp". Trong bài tựa Tiến Sĩ  Annie Besant có nói rằng:
Tôi được cái đặc quyền như một người chị cả, viết vài lời giới  thiệu quyển sách nhỏ này, tác phẩm đầu tiên của một đứa em còn thơ, kỳ thật xác phàm em nhỏ, chớ không phải linh hồn em nhỏ đâu.
Ðó là điểm rất quan trọng. Trong đời sống hằng ngày, ta còn nghĩ  đến cõi Trần và kiếp sống hiện tại nên ta xét đoán tuổi theo thể xác, nhưng về mặt tiến hóa huyền bí, chúng ta xem xét tuổi theo Chơn Ngã, của Linh hồn chúng ta. Phải tránh sự xét đoán dựa theo bề ngoài, dù hầu hết mọi người trên Thế gian đều làm như vậy. Linh hồn trưởng thành một cách liên tục và khi nó tiến cao, nó thường bắt đầu biểu lộ sự tiến hóa của nó qua trí thông minh, sự cảm xúc và năng lực thần bí, dù cho xác thân hãy còn trẻ. Alcyone chắc chắn đã chứng tỏ điều đó qua sự tiến triển mau chóng của em. Em tuân hành đúng y những lời huấn thị, cho đến đỗi em thực hiện trong vài tháng những điều gì mà người thường cần phải để nhiều năm mới hoàn thành, vì đối với hầu hết những người chí nguyện, sự tiến hóa này bao hàm sự thay đổi toàn thể tánh tình.
Từ đây, những trường hợp như thế sẽ gia tăng vì Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm. Những vị đệ tử chính của Ngài phải là những người trẻ tuổi và cường tráng, chắc chắn có vài vị không lớn tuổi hơn Ngài. Vì bởi chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến, cho nên những người được chỉ định vào công việc đó hiện nay phải trẻ tuổi. Chắc chắn trong những đứa trẻ hiện nay sống với chúng ta, có những em sẽ giữ vai trò tiên phong, bởi vì trong số các em được diễm phúc đó có những em sẽ sinh vào một hoàn cảnh thuận tiện cho sự học hỏi của chúng, nghĩa là trong những gia đình Thông Thiên Học.
Chuẩn bị cho sự bất ngờ như thế, chúng ta phải giữ sao cho bất cứ đứa trẻ nào chịu ảnh hưởng của chúng ta phải nghe nói việc Ðức Chưởng Giáo sẽ lâm phàm hầu nó biết cái khả năng mở ra trước mặt nó; nó sẽ nắm lấy cơ hội hay không, nhưng nó phải được báo tin trước. Thật đáng buồn cho bậc cha mẹ nào phải nghe đứa con trai hay đứa con gái của mình trách móc như sau: "Nếu cha mẹ nói cho con biết mấy việc này lúc con còn bé thơ thì con có thể nắm lấy cơ hội; nhưng cha mẹ đã để con trưởng thành mà không mảy may hiểu biết gì về điều đó; cha mẹ để cho con sống theo thế tục, nên khi cơ hội đến con đã bỏ qua". Chúng ta phải đưa cơ hội, như vậy chúng ta đã làm xong bổn phận, vì chúng ta không được ép buộc ai hết, ngay cả việc hoạch định một chương trình cho tương lai để chờ linh hồn khác, có thể là cao cả, tuân hành.
Những lời giáo huấn trong sách vốn của Sư Phụ em truyền dạy, khi Ngài chuẩn bị cho em được Ðiểm Ðạo.
 
Danh từ Ðiểm Ðạo thường được dùng với một ý nghĩa tổng quát, nhưng ở đây nó là một danh từ chính xác và chuyên môn. Trong những lúc đầu tiên chính là Bà Blavatsky cũng dùng nó một cách sơ xuất. Vì thuật ngữ  của chúng ta ngày nay được xác định rõ hơn, nên danh từ Ðiểm Ðạo phải dành riêng cho những cuộc Ðại Ðiểm Ðạo, cho Năm Cấp Bậc trên Ðường Ðạo Chánh thức theo nghĩa cổ kính. Trong mấy tác phẩm đầu tiên của chúng ta, chúng ta nói về Con Ðường Nhập Môn, Con Ðường Ðạo Thật Sự và Thời Kỳ chính thức như là ba cấp bậc biểu thị sự tiến hóa của con người. Con Ðường Nhập Môn là Thời Kỳ Chuẩn Bị, nó đến trước một cuộc Ðiểm Ðạo (là lúc con người "Nhập Lưu") và nó sẽ chấm dứt khi vị đệ tử đắc quả Chơn Tiên. Bốn chục năm qua chúng ta đã nói về sự Ðiểm Ðạo trong Hội Thông Thiên Học; vả lại danh từ này đã dùng cho những nghi lễ của Hội Tam Ðiểm (Masonie) và trong những nghi lễ khác. Ta phải cẩn  thận, đừng nhầm lẫn các cuộc Ðiểm Ðạo trên với những cuộc Ðại Ðiểm Ðạo của con đường Huyền Bí Học.
Như người ta đã nói lúc đầu, thời kỳ chuẩn bị để được Ðiểm Ðạo chia ra làm nhiều giai đoạn tập sự liên hệ đến bốn đức tánh cần thiết được kể trong sách này là: Phân Biện, Ðoạn Tuyệt, Hạnh Kiểm Tốt và Lòng Từ Ái.
Gọi các đức tánh này là cấp bậc thì không đúng cũng như nói về các cuộc Ðiểm Ðạo đem từ cấp bậc này qua cấp bậc kia kế tiếp nhau. Bốn đức tánh cần thiết đó không cần phải mở mang theo thứ tự chỉ định, thứ tự đã được kể ra trong các bản văn Ðông phương cổ kính, mà bổn phận chúng ta chắc chắn là phải hoạch đắc chúng một lượt. Ðối với người này một đức tánh nào đó có thể dễ dàng hơn đối với người kia.
Ðức tánh Phân Biện được kể ra đầu tiên, vì nói tóm lại sự bước vào  Ðường  Ðạo của con người tùy thuộc vào nó. Các  Phật tử  gọi đức tánh  Phân Biện  là Manodvaravajjana hay là "Sự mở cửa Cái Trí." Nói cách khác, lần đầu tiên Cái Trí con người mở ra đặng biết rằng chỉ có sự kiện tinh thần mới là chơn thật, còn đời sống theo thế tục thường tình chỉ làm mất thì giờ thôi. Người Ấn Ðộ gọi đức tánh này là Viveka có nghĩa là Phân Biện. Người Công Giáo gọi nó là sự  Hoán Cải (Conversi­on), một danh từ khác rất có ý vị, bởi vì nó nhập lại ý nghĩa của sự trở về và sự  gặp gỡ. Hai danh từ này do chữ La Tinh Verto là tôi quay lại và Cum là với.
Nó có nghĩa là con người từ trước đến nay đi theo con đường riêng của mình, không hề nghĩ đến Thiên ý; bây giờ biết được phương hướng của Thiên ý đã qui định cho dòng tiến hóa nên tự quay lại để tuân theo. Trong nhiều dòng Thiên Chúa Giáo, ý nghĩa của danh từ Hoán Cải bị biến tính: nó chỉ là trạng thái của chứng giựt gân hay loạn thần kinh; tuy nhiên, người ta còn tìm thấy ở danh từ đó ý niệm quay về và tuân theo Thiên ý. Ấy cũng là tư tưởng của vị Sứ Ðồ Thiên Chúa Giáo khi Ngài nói rằng: "Các ngươi hãy thương mến những việc ở trên trời, chớ đừng quyến  luyến những việc dưới Thế gian".
Nếu Ðường Ðạo có nhiều cấp bậc kế tiếp thì trong sự giao tiếp riêng tư giữa đệ tử và Ðức Thầy chuẩn bị cho y được Ðiểm Ðạo cũng có nhiều mức độ khác nhau được xác định. Chỉ có Quần Tiên Hội thừa lệnh Ðấng Duy Nhất Chí Tôn Cầm Quyền Ðiểm Ðạo là Ðấng Chúa Tể, và nhân danh Ngài, mới được phép Ðiểm Ðạo. Nhưng sự liên hệ giữa đệ tử và Sư Phụ của y vẫn có tính cách cá nhân. Ban đầu, người ta có thể chấp nhận làm Ðệ Tử Nhập Môn, kế đó làm Ðệ Tử Thiệt Thọ rồi bậc thứ ba làm Con Ðức Thầy. Ðó là những sự liên lạc riêng tư, ta không được lầm lộn nó với những cuộc Ðiểm Ðạo do Quần Tiên Hội tấn phong.
Sự Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt là một cấp bậc chấp nhận con người làm một nhân viên của Quần Tiên Hội. Từ trước đến giờ người chí nguyện chưa thật sự đặt chân trên con Ðường Ðạo, nhưng y chuẩn bị cho công việc  đó. Sự Ðiểm Ðạo này không phải là một sự  tấn phong độc đoán; nó là sự chứng nhận một giai đoạn tiến hóa đã đạt được, giai đoạn mà ngày xưa người ta gọi là hợp nhất Bản Ngã Cao Siêu với Bản Ngã thấp hèn, sự liên hiệp giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Ai muốn làm thí sinh để được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt thì phải hoạch đắc những đức tánh cần thiết đã kể ra trong quyển này và y phải làm cho Phàm Nhơn thành ra sự biểu hiện của Chơn Nhơn. Không còn một Phàm Nhơn nào có thể bắt buộc Chơn Nhơn phải kính nể và có những ý muốn chống đối với những ý muốn của Chơn Nhơn còn mắc vào vòng luân hồi từ  kiếp này qua kiếp kia.
Sự thay đổi xảy ra lúc bây giờ được trình bày trong những đồ hình của quyển Con người hữu hình và vô hình. Thể Vía của người dã man hiện ra những màu sắc biểu lộ tất cả những tình dục thấp hèn; chu vi nó không đều đặn vì con người không kiểm soát được nó. Nhân Thể (hay Thượng Trí) và Hạ Trí không liên lạc nhau. Thượng Trí dường như trống rỗng, không màu sắc; còn Hạ Trí thì mở mang chút ít, nhưng chỉ mới bắt đầu liên lạc với Cái Vía. Thể Vía của người dã man dẫy đầy những cảm xúc và những dục tình  phức tạp không liên hệ gì với trí khôn. Chúng không khiến y suy nghĩ; y không biết suy nghĩ là gì. Những sự đam mê hiện diện và lôi cuốn y.
Trái lại, trong người tiến hóa, tất cả những thể này đều phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhân Thể đầy đủ chớ không trống rỗng; tất cả những màu sắc khác nhau biểu lộ những đức tánh cao thượng đã được khai mở trong Thể này và Nhân Thể bắt đầu chiếu hào quang ra tứ phía để giúp đỡ kẻ khác. Hạ Trí cũng biểu lộ những màu sắc như thế, ít dày đặc hơn một chút nhưng vẫn đẹp; nó tiêu biểu cho Nhân Thể ở cõi thấp. Ðến lượt Thể Vía, nó phản ảnh Hạ Trí song có hơi đậm và dày hơn, vì cảnh giới của Cái Vía thấp hơn.
Phàm Ngã của người dã man tự biểu lộ đủ thứ cảm xúc và dục tình mà Chơn Nhơn chắc chắn không tán đồng; nhưng ở người tiến hóa, chỉ có những cảm xúc mà Chơn Nhơn muốn có mà thôi. Y chọn lựa những cảm xúc thay vì chịu làm trò chơi cho chúng. Y nói: "Tình thương là một điều rất đẹp; tôi muốn lòng tôi rạt rào mến thương. Lòng Sùng Ðạo là một điều rất đẹp, tôi khao khát được lòng Sùng Tín. Lòng Thiện Cảm đẹp biết bao! Tôi muốn lòng mình đầy Thiện Cảm." Và y thực hiện điều ấy với tầm mắt mở rộng và có ý thức. Như thế những cảm xúc được đặt dưới sự kiểm soát của Hạ Trí là sự biểu hiện của Nhân Thể; như vậy chúng ta gần đạt đến chỗ hiệp nhất hoàn toàn Chơn Nhơn và Phàm Nhơn.
Không nên tưởng có sự hiện diện của hai nhân vật trong con người. Không hề có một Phàm Nhơn nào hiện ra như một người độc lập, nhưng Chơn Nhơn cho tách rời một phần nhỏ nhít của Ngài để vào Phàm Nhơn đặng kinh nghiệm những làn rung động của những cõi thấp. Rồi Phàm Nhơn trở nên linh động hơn Chơn Nhơn nhiều vì nó ở trong giai đoạn mà nó có thể đáp ứng với những sự rung động đó; cho nên, nó quên rằng nó thuộc về Chơn Nhơn; nó dấn thân vào cuộc đời vì việc riêng của nó và hành động theo ý nó hơn là dưới sự điều khiển của Chơn Nhơn. Tuy nhiên, trải qua nhiều kiếp luân hồi, Chơn Nhơn trở nên mạnh mẽ. Thế rồi con người mới nhận ra Phàm Nhơn chỉ là sự biểu hiện của chính mình và mình là Chơn Nhơn còn phải luân hồi. Và mỗi lần Ngài muốn chỉ huy, thay vì vâng lời thì Phàm Nhơn vơ vẫn đi lạc đường và cần được kiềm chế. Ta có bổn phận phải đào luyện Phàm Nhơn thế nào để  cho nó thành ra sự biểu  hiện của Chơn Nhơn và chỉ của Chơn Nhơn thôi. Ðó chính là điều mà Ông Sinnett gọi là "Thề nguyền trung thành với Chơn Nhơn." Trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh có khuyên ta rằng: Người đệ tử phải hủy diệt Thể Nguyệt Tinh: tức là Thể Vía. Ðiều này không có nghĩa là sát hại Thể Vía, nhưng Cái Vía của chúng ta chỉ hiện hữu như là một sự biểu hiện của cái gì ở trên  cao hơn  nó và thay vì có những dục tình và những  cảm xúc riêng biệt, nó sẽ chỉ phản chiếu những hình ảnh do Chơn Nhơn chọn lựa mà thôi.
Ðiều kiện này phải đạt được trước khi được phép trình diện để được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt. Con người phải có sự kiểm soát Xác Thân, Cái Vía và Cái Trí của mình; chúng phải là tôi tớ của Chơn Nhơn. Cái kỹ luật này đòi hỏi ở người thường một sự cố gắng lớn lao. Nhiều người nói: "Tôi không làm nổi điều đó đâu. Ðừng nói với tôi điều đó, vô  ích". Như vậy là đem trình bày cho y một lý tưởng quá cao siêu một lần một. Trái lại, điều đó không phải là một sự cố gắng quá sức đối với những người đã nhiều năm tham thiền và suy gẫm về những vấn đề ấy. Thật ra, không phải dễ mà tiêu diệt lần hồi từ cái này đến cái kia không biết bao nhiêu dục tình và sự ham muốn, để khắc phục Cái Vía và Cái Trí. Ðó là công việc khó nhọc nhưng hết sức đáng cho con người ra công làm. Kết quả đạt được so với sự cố gắng sẽ vô cùng lớn lao hơn, dù đã cố gắng mãnh liệt đến đâu. Tự dọn mình đặng có thể phụng sự một cách thật hữu hiệu Ðức Chưởng Giáo là một sự khích lệ, một sự kích thích phụ vào công việc khó nhọc này. Những người được Ðiểm Ðạo không phải vì sự  ích  lợi riêng cho cá nhân họ, hoặc để tránh sự mệt nhọc và đau khổ ở Thế gian, mà để họ có khả năng cộng tác với Thiên Cơ cao cả.
Trong đời sống con người, có vài sự thay đổi vô cùng quan trọng hơn tất cả những cái khác. Ðiều thứ nhất xảy ra lúc con người có cá tính, thoát kiếp thú và chuyển kiếp làm người để bắt đầu thực hiện Chơn Nhơn. Ðiều quan trọng thứ hai là được nhận vào hàng Chơn Tiên; khi được Ðiểm Ðạo lần thứ Năm, con người mới rời bỏ hàng ngũ nhân loại để bước vào giai đoạn siêu nhân. Ðó là mục đích dự định cho tất cả mọi người; đó là mục tiêu mà chúng ta phải cố gắng đạt được trong dãy địa cầu hiện nay. Khi thời kỳ này chấm dứt, người nào đã hoàn tất điều gì mà Trời đã muốn cho nhân loại, đã tuyệt đối tuân theo Thiên Ý về những điều kiện liên hệ với y thì sẽ được thoát kiếp làm người. Nhiều người trong chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó trước thời gian kết thúc rất lâu.
Trong khoảng thời gian giữa hai sự thay đổi này, có một việc thứ ba rất quan trọng, đó là: "Sự Nhập Lưu," khi được Ðiểm đạo lần thứ Nhứt. Thể thức được đọc khi thu nhận thí sinh vào Quần Tiên Hội có mấy lời này: "Bây giờ đây, luôn luôn con vẫn được an toàn; con đã nhập lưu; cầu chúc cho con, không bao lâu đây, sẽ qua tới bờ bên  kia". Người Thiên Chúa Giáo gọi người Tân Ðạo Ðồ là người được "Cứu Rỗi" hay được an toàn. Ðiều đó có nghĩa là, trong triều lưu tiến hóa hiện tại, chắc chắn y không bị ở lại đàng sau; chắc chắn y không bị mất hàng ngũ trong ngày "Phán Xét" của cuộc Tuần Hoàn sau, như một cậu học trò bê trễ quá nên không theo kịp chúng bạn trong lớp.
Người được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt, phải qua cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ Nhì, lần thứ Ba và lần thứ Tư trước khi đến trình độ Chơn Tiên, tức là được Ðiểm Ðạo lần thứ Năm, và khi đạt được quả vị này Ngài hiệp nhất được Chơn Thần với Chơn Nhơn, cũng như trước đây Ngài hiệp nhất Chơn Nhơn với Phàm Nhơn. Khi con người hoàn toàn hiệp nhất Chơn Nhơn với Phàm Nhơn rồi thì Phàm Nhơn không còn nữa, trừ phi nó là sự biểu hiện của Chơn Nhơn; bây giờ còn một việc tương tự như thế chờ đợi người Ðạo Ðồ một lần nữa, đó là làm cho Chơn Nhơn thành ra sự biểu hiện của Chơn Thần. Còn một giai đoạn khác giống như thế đang mở rộng ở phương trời xa thẳm chăng? Chúng ta không biết điều đó. Tuy nhiên chắc chắn khi đạt đến quả vị Chơn Tiên chúng ta sẽ thấy mở ra trước mắt một viễn ảnh hướng thượng vinh  diệu hơn nhiều.
Người ta thường hỏi sự cuối cùng của cuộc tiến hóa đang mở ra trước mắt chúng ta sẽ ra sao? Riêng tôi, tôi không biết nó sẽ chấm dứt hay không. Một hôm, một Ðại Triết Gia có nói: "Không thể nào quan niệm được sự tiến hóa có mức cuối cùng, mà cũng không thể nào quan niệm được sự tiến không có mức cuối cùng; nhưng trong hai lẽ đó phải có một cái đúng". Có người nói về nhập vào Ðấng Tối Cao: Chúng ta không biết gì về điều này. Chúng ta chỉ biết rằng Tâm Thức của chúng ta tiếp tục mở rộng; và phía trước nó, có nhiều mức độ mới lạ nối tiếp nhau, cao hơn trình độ chúng ta. Chúng ta biết rằng có thể tiếp xúc với cõi Bồ Ðề và Tâm Thức chúng ta mở ra rộng lớn vô cùng, chúng ta vẫn chính là chúng ta, đồng thời chúng ta thành ra những  người khác và cao cả hơn.
Kinh nghiệm này không hề cho chúng ta cái cảm giác rằng chúng ta đã mất cá tính rồi. Nhưng chúng ta có cảm giác đã mở rộng nó đến mức có thể gia thêm vào năng lực cảm xúc của chúng ta sự cảm xúc của những kẻ khác. Ai có thể đạt đến mức đó trong lúc tham thiền thì nên tiếp tục việc ấy. Nhờ sự khai triển không ngừng, Tâm Thức không ngớt mở rộng ra cho đến lúc bao trùm chẳng những nhân vật cực kỳ cao thượng mà cho tới những nhân vật thấp thỏi hơn nó; tuy nhiên, những nhân vật cực kỳ cao thượng vì dũng mãnh hơn và sử dụng được một năng lực ghê gớm, nên cảm biết trước hơn mấy người kia. Một sự khai triển Tâm Thức như thế vẫn tăng dần; người ta phải mở một con đường xuyên qua tất cả những cảnh thấp của cõi Bồ Ðề. Rồi chẳng bao lâu, người ta tập mở Kim Thân là Thể Bồ Ðề. Ấy là một thể mà con người có thể tùy ý sử dụng trên cao độ phi thường này, nơi đó các bầu Thế giới chỉ là một, nơi đó con người có thể vượt qua không gian mà không phải đi qua theo nghĩa thông thường như ta hiểu chữ này.
Vì nhiều người trong chúng ta đã kinh nghiệm sự kiện ấy, nên chúng ta có quyền cho rằng trong tương lai Tâm Thức này cũng khai mở như thế. Chúng ta đã đạt được sự hiệp nhất mà không có cảm giác mất cá tính, cũng không bị chìm đắm trong biển cả sáng ngời, như lời của thi sĩ diễn tả. Trái lại, dường như cái biển cả sáng ngời nó tuôn tràn vào giọt nước.
Ðúng thật là một quả quyết mâu thuẩn, nhưng cái đó là cảm giác đã nhận thức của người đã mở Bồ Ðề Tâm; cái Tâm Thức của giọt nước mở rộng ra và thành Tâm Thức của biển cả. Ðó là sự kiện đối với chúng ta như thế. Tại sao không giả sử rằng ngay bây giờ không có cái gì thay đổi trong phương thức đó? Ta không thể quan niệm được sự nhập vào một sự sống khác làm cho chúng ta mất Tâm Thức mà chúng ta phải dày công lắm mới hoạch đắc được. Tôi tin rằng Tâm Thức này sẽ mở mang cho đến ngày chúng ta hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế, nhưng chỉ trong ý nghĩa mà Ðấng Christ đã nói: "Các con là những vị Thượng Ðế; tất cả các con là con của Ðấng Tối Cao."
Chúng ta có thể nhìn lại cái quá khứ xa xăm của sự tiến hóa và chúng ta cũng có thể thấy được tương lai xa thăm thẳm ở phía trước. Do đó chúng ta có thể tin chắc vào tương lai, nó tiêu biểu hàng triệu năm hoạt động hữu hiệu trên những mức độ tuyệt diệu, nơi đó sự quang vinh, uy lực và tình bác ái không thể quan niệm nổi ở  dưới Thế  gian này. Chúng ta hãy xem xét vấn đề trên quan điểm chánh lý. Chúng ta hy vọng hiểu biết cách nào? Nếu hiện nay chúng ta có thể hiểu biết được mức cuối cùng của mấy điều đó thì nó quả là tầm thường lắm, không cân xứng với tất cả những giai đoạn xảy ra trước nó.
Trí tuệ của chúng ta còn hạn hẹp, chúng ta không biết được giới hạn của nó ở đâu; phải thấy sự phát triển cao siêu, người ta mới bắt đầu hiểu rằng cái trí khôn mà con người rất hãnh diện thật chẳng ra gì cả, nó chỉ là một khởi điểm, là hạt giống của cái cây tương lai. Ðem so sánh với trí khôn mai sau thì hiện nay con người chỉ có Cái Trí của đứa trẻ con; quả thật là trí khôn của đứa trẻ con đầy hứa hẹn, vì nó đã hoàn thành nhiều công việc và có hy vọng nó sẽ hoàn thành nhiều hơn nữa. Nhưng, so sánh với Cái Trí của những Ðấng Cao Cả thì nó chỉ là Cái Trí của một đứa bé thơ thôi; như vậy nó không thể vươn lên đến chỗ thật cao mà cũng không thể xuống sâu đến chỗ thật thâm diệu, nên chúng ta không thể bảo nó hiểu được chỗ khởi thủy và chỗ cuối cùng. Về phần tôi, tôi thú nhận ngay với tất cả sự thành thật rằng tôi không biết được mục đích của Ðấng Tối Cao. Tôi chỉ biết một điều là Ngài có thật.
Nhà Siêu Hình Học và Triết gia đã suy nghiệm thuần lý về vấn đề này, sự cố gắng làm phát triển rất nhiều Hạ Trí và Thượng Trí của họ. Những người nào thích tưởng tượng cứ suy tưởng, không có hại chi cả; nhưng tôi tưởng, họ phải hiểu rõ rằng đó chỉ là những điều tưởng tượng. Các nhà Triết học không nên biến đổi những lý thuyết của họ thành ra hệ thống và mong mỏi chúng ta chấp nhận vì có lẽ đúng là họ đã bỏ qua nhiều yếu tố căn bản. Riêng tôi, tôi không suy luận thuần lý, khi cảm thấy rằng sự huy hoàng và sự vinh quang đang chờ chúng ta đã đủ, để thỏa mãn những khát vọng của chúng ta rồi. "Những điều gì mà mắt không thấy được, tai chẳng nghe được và cũng không sắp đặt sẵn trong lòng người, đó là những điều mà trời đã chuẩn bị cho những người mà Ngài Thương".[2]
Ðó là chính sự thật hôm nay mà cũng là sự thật hồi hai ngàn năm trước.